bàng cư sĩ hảo tuyết phiến phiến

Phật Quang Đại Từ Điển

Thế giới Sa-bà cũng như ngục tù, ai ai cũng bị ái ân gông cùm, không được tự tại giải thoát. [X. kinh Trường a hàm Q.1]. (xt.Ân Ái).

Tên công án trong Thiền lâm. Sự tích Bàng cư sĩ đời Đường nhìn tuyết rơi trước mắt, và lại dùng cái đánh để kích thích sự liễu ngộ của Toàn thiền khách. Bích nham lục Tắc 42 (Đại 48, 179 trung), nói: Bàng cư sĩ từ biệt Dược sơn, Sơn sai mười người Thiền khách tiễn chân. Đến đầu ngõ, Sĩ chỉ vào đám tuyết trong không trung, nói: Tuyết rơi đẹp quá, không rơi ở nơi khác. Lúc ấy, có thiền khách Toàn hỏi: Rơi ở nơi nào?, Sĩ liền thụi cho một thụi. Toàn nói: Cư sĩ không được thô lỗ như thế! Sĩ nói: Sao ông lại xưng là Thiền khách, lão già Diêm (vương) chưa tha ông mà! Toàn hỏi:

Cư sĩ hiểu thế nào? Sĩ lại thụi cho một thụi nữa, nói: Mắt thấy như mù, miệng nói như câm. Trong Tắc công án này, Bàng cư sĩ lúc đầu nói Tuyết rơi đẹp quá, không rơi ở nơi khác, ý là cảm thán cảnh tuyết rơi lả tả trước mắt rất là đẹp, nhưng Toàn thiền khách không hiểu được ý ấy, mà lầm tưởng ý Bàng cư sĩ muốn hỏi nơi tuyết rơi nên sau một lúc suy nghĩ, mới hỏi Rơi ở nơi nào? Như thế đã chẳng biết cảm thưởng cái cảnh đẹp ngay trước mắt, lại vọng tưởng suy nghĩ lông bông, vì thế mới bị Bàng sư sĩ đánh cho một thụi. Nhưng, dù bị đánh, Toàn thiền khách vẫn không tỉnh ngộ, mà lại nói Cư sĩ không đuợc thô lỗ như thế, lại bị Bàng cư sĩ bồi cho câu lão già Diêm chưa tha ông mà, để hiển bày cái ý trước sau Toàn thiền khách đều chưa thoát được sự cố chấp vào lời nói, rồi lại đánh cho thụi nữa mà mắng là như mù như câm.

Không gì đẹp bằng những sợi tuyết trắng tinh đang rơi lả tả trước mặt, giữa đất trời lồng lộng, phong quang tiêu sái, vốn không chấp nhận một tí suy tư tính toán nào, tại sao không lắng hết tâm tư mà tận hưởng cảnh thiên nhiên kì thú ấy, mà lại vọng tưởng suy nghĩ vẩn vơ, tìm hiểu xem tuyết rơi ở nơi này hay ở chỗ khác, như Toàn thiền khách kia, thật là uổng! Bởi thế, đối với cảnh tuyết rơi trước mắt, nhìn mà chẳng thấy (mắt thấy như mù), tuy miệng có thể nói năng, nhưng trước sau vẫn bị lời nói trói buộc, mà chưa thể chỉ trong một lời, nửa câu (miệng nói như câm) lãnh hội được chỗ qui thú của muôn pháp là pháp tự nhiên như thế, cho nên lại bị đánh một lần nữa mà vẫn không thể nhận được cái cá trung hữu ý (chân lí chỉ có thể thể nghiệm được trong im lặng).