BAN XÀ LA QUỐC

Phật Quang Đại Từ Điển

Ban xà la, Phạm,Pàli:Paĩcàla. Còn gọi là Ban già la quốc, Ban xà đồ quốc, Ban già da quốc, Ban sa la quốc. Là một trong mười sáu nước lớn thuộc Ấn Độ cổ đại. Vị trí tại trung Ấn Độ, cách sông Hằng và đối diện với nước Cư Lâu (Phạm: Kuru). Ban xà la, dịch ý là Ngũ chấp, Ngũ bất động, vốn là tên đất, sau trở thành tên nước, dùng để xưng tụng cái đức tốt đẹp của nhà vua. Cứ theo Tuệ lâm âm nghĩa quyển 18 nói, thì tính vua nước Ban xà la rất nhân từ, bỏ án tử hình, nếu có người phạm tội tử hình, không nỡ giết, chỉ trói lại rồi sai đem bỏ nơi giữa cánh đồng, người thời bấy giờ cho là cử chỉ đẹp, nên lấy Ban xà la làm tên nước.

Nước ấy sau chia thành hai phần Nam, Bắc, và đánh nhau luôn. Ở thời đại Phật, vua Nam, Bắc Ban xà la thường công phạt nhau, đức Phật từng đã khuyên can. Vào thời ấy, đô thành nước Ban xà la Nam là Khảm tì lạp (Phạm:Kaôpilla), Đô thành nước Ban xà la Bắc là Khúc nữ thành (Phạm: Kanyàkubja). [X. Trường a hàm Q.5 kinh Xà ni sa; kinh Soạn tập bách duyên Q.1; luận Đại tì bà sa Q.124].