BẢN VÔ TÔNG

Phật Quang Đại Từ Điển

Đứng đầu Lục gia Thất tông thuộc Bát nhã học ở thời Đông Tấn. Thuyết Bản vô, nói theo nghĩa rộng, gần như có thể được coi là tên gọi khác của Bát nhã học. Từ thời Ngụy, Tấn trở đi, thuyết Bản vô được nhiều người dùng, nhất là các nhà Bát nhã học, nhưng cũng nêu lên nhiều nghĩa khác nhau. Bộ luận Lục gia thất tông do Đàm tế soạn đã mất, chỉ còn nhờ các truyện kí và chú sớ của luận này mà tìm hiểu nguyên do các thuyết.

Cứ theo Danh tăng truyện sao Đàm tế truyện dẫn dụng văn trong luận Lục gia Thất tông nói (Vạn tục 134, 18 thượng), thì: Trước khi nguyên khí nung đúc thì chỉ là trống không mà thôi, đến khi nguyên khí nung hóa thì muôn tượng có hình, hình tuy được hóa, nhưng cái gốc tạm hóa lại từ tự nhiên, tự nhiên như thế, nào có ai tạo tác đâu?! Do đó mà nói, vô ở trước nguyên hóa, vô là đầu các hình, vì thế gọi là Bản vô, chứ không phải nói trong cái khoảng rỗng không có thể sinh ra vạn hữu. Tông này nhận rằng, thế giới ở trong trạng thái tự nhiên không, vô, rồi do nguyên khí biến hóa mà thành, cho nên nói là Bản vô, chứ không thể bảo vạn hữu từ trong cái không, vô sinh ra. Thời nam triều Trần, trong Triệu luận sớ, sư Tuệ đạt ở chùa Tiểu chiêu đề, đã chỉ rõ rằng, những lời trên đây là do Đạo an nói, trong Trung quán luận sớ, Cát tạng cũng đồng quan điểm, như vậy, thuyết này không còn nghi ngờ gì nữa. Kế đó, trong Trung quán luận sớ nói, Bản vô là Tăng duệ gọi tính không, hàm ý là bản tính của các pháp vốn rỗng lặng, cũng tức là ý tính không duyên khởi, duyên khởi vô tính. Đây là chủ trương chẳng có, có tức không, chẳng không, không cũng không, mà Phật giáo gọi là Ác thủ không, vì chẳng những cho cái có là không, mà cả cái không cũng là không nốt. Tăng triệu cho chủ trương ấy không phù hợp với tư tưởng Bát nhã, bèn bài xích nghĩa Bản vô trong luận Bất chân không Q.3, nhưng Trung quán luận sớ bảo cái bị bài xích là Bản vô dị tông, chứ không phải cái học của Đạo an.

Từ thời Lục triều trở đi, ai cũng nhận Đạo an là người giữ gìn giáo lí Bát nhã, đồng thời, cũng là trọng tâm, của Bát nhã học. [X. Hán ngụy lưỡng tấn nam bắc triều Phật giáo sử (Thang tích dư)].