BẢN VÔ DI TÔNG

Phật Quang Đại Từ Điển

Là một trong Lục gia Thất tông thuộc Bát nhã học ở thời Đông Tấn. Trong Trung quán luận sớ, sư Cát tạng bảo tông này do sư Trúc đạo tiềm thành lập, trong Triệu luận sớ, Nguyên khang lại nói do Trúc pháp thải lập. Về tông nghĩa của tông này không có chính văn nguyên thủy để khảo sát, mà chỉ biết sơ qua văn trích dẫn trong Danh tăng truyện sao Đàm tế truyện, thì tông này chủ trương Trong cái không trống rỗng có thể sinh ra vạn hữu.

Trong Trung quán luận sớ quyển 2 phẩm Nhân duyên (Đại 42, 29 thượng), Cát tạng nói rõ hơn: Sau đó, Thâm pháp sư nói: Bản vô, là chưa có sắc pháp, trước có cái không, cho nên từ không ra có, tức không ở trước có, có ở sau không, vì thế gọi là bản vố. Đây có nghĩa là khi chưa có muôn vật, thì trước hết có cái không, từ không sinh ra có, cho nên muôn vật từ cái không mà ra, dùng cái không để giải thích thuyết chẳng có chẳng không trong kinh luận.

Cái gọi là chẳng phải có là có tức là không, chẳng phải không là không cũng là không, tất cả chỉ là không, đó chính là tông nghĩa của tông này. Song, sư Tăng triệu đã luận phá thuyết này, cho rằng không phù hợp với tư tưởng Bát nhã, vì mỗi lời nói ra đều xu hướng không vô. Cái bản ý chẳng có chẳng không được thành lập trong kinh luận, là vì hết thảy các pháp đều nương vào nhân duyên mà có, chẳng phải thật có, cho nên gọi là chẳng có; lại vì các pháp nương nơi nhân duyên mà có, chẳng phải toàn không, cho nên bảo là chẳng không, vì thế coi tông này là vọng sinh xuyên tạc, nói gượng chẳng có là không thì cái này có, chẳng không là không thì cái kia không, và chê là Tông này thích bàn về không. [X. Hán ngụy lưỡng tấn nam bắc triều Phật giáo sử (Thạng tích dư)].