bản vị hữu thiện

Phật Quang Đại Từ Điển

(本未有善) Đối lại với Bản dĩ hữu thiện,………… Chỉ căn cơ ở thời đại Mạt pháp. Căn cơ thời đại đức Phật còn tại thế và sau khi nhập diệt, ở thời Chính pháp, Tượng pháp, gọi là căn cơ bản dĩ hữu thiện (vốn đã có duyên lành); đối lại, căn cơ ở vào thời đại Mạt pháp, gọi là căn cơ bản vị hữu thiện (vốn chưa có duyên lành). Vốn đã có duyên lành, là nói ở quá khứ, hạt giống thành Phật đã được gieo vào lòng chúng sinh, đây là duyên lành có thể có được ở thời đại Chính pháp và Tượng pháp. Còn vốn chưa có duyên lành, thì chưa từng mong nhờ có thiện duyên gieo hạt giống Phật, cho nên, chúng sinh ở thời này (thời Mạt pháp), gọi là căn cơ vốn chưa có duyên lành, phần nhiều là những kẻ phỉ báng, không tin giáo pháp. Kinh Pháp hoa phẩm Thường bất khinh bồ tát chép, bồ tát Thường bất khinh bị những kẻ bất tín chửi mắng, ném đá, đánh đập, nhưng Thường bất khinh trước sau vẫn cung kính, gặp ai cũng chắp tay vái chào mà nói Các ông đều sẽ thành Phật cả. Đại sư Trí khải tông Thiên thai, giải thích việc này như sau: Đối với những hạng căn cơ vốn chưa có duyên lành ở thời Mạt pháp, Thường bất khinh đã mạnh mẽ nói Nhất thừa Viên giáo, gieo hạt giống Phật xuống, dùng sức mạnh Đại thừa để tiêu diệt mầm ác của họ. Đó tức là nghĩa cưỡng độc hạ chủng, (gắng sức gieo hạt giống Phật) vậy. Pháp hoa văn cú quyển 10 phần trên (Đại 34, 141 thượng) nói: Vốn đã có duyên lành, Thích ca dùng nhỏ mà hộ trì, vốn chưa có duyên lành, Bất khinh dùng lớn mà áp đảo.