BÀN VỀ DANH XƯNG MẠNH THƯỜNG QUÂN
Thích Hạnh Phẩm

 

Trong thời gian qua, rất nhiều thông tin đăng tải về những chương trình từ thiện giúp đỡ cho người nghèo, cứu trợ ủng hộ bão lụt thiên tai, thậm chí kêu gọi đóng góp xây dựng chùa chiền, những công trình văn hóa tâm linh v.v… rất nhiều trường hợp danh xưng “Mạnh Thường Quân” được nhắc đến để chỉ những người có tấm lòng độ lượng, biết yêu thương người khác, giúp đỡ kẻ khốn cùng…Theo thiển ý của người viết, dù Mạnh Thường Quân có tốt nhưng cũng không đến độ như một biểu tượng như thế. Theo lịch sử ghi lại thì những đóng góp của ông ta hoàn toàn không có liên quan gì đến Phật sự, hay giá trị tâm linh, còn từ thiện thì cũng không có gì đáng kể. Tất cả những việc làm của ông gần như thuần túy thiên về phương diện chính trị. Có lẽ do suốt chiều dài bị nền phong kiến Trung Quốc phương Bắc đô hộ cả ngàn năm nên có những ảnh hưởng đến văn hóa, tập tục, ngôn ngữ và cũng có thể ảnh hưởng danh xưng Mạnh Thường Quân này. Chúng ta cùng tìm hiểu một số nét chính về nhân vật này để thấy rõ việc dùng danh xưng Mạnh Thường Quân như một biểu tượng của công việc từ thiện có thích hợp hay không?

1-   Tóm lược thân thế và sự nghiệp:

Mạnh Thường Quân (? – 279 TTL[ note] TTL: Trước Tây Lịch [/note] tên thật là Điền Văn, người nước Tề (nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung quốc), làm Tể tướng nước Tề thời Chiến Quốc và là một trong Chiến Quốc tứ công tử 1. Phụ thân của ông là Điền Anh, con thứ của Tề Uy Vương, vua thứ ba của Điền Tề, em khác mẹ với Tề Tuyên Vương, vua thứ tư của Điền Tề. Thời Tuyên Vương đã phong cho Điền Anh làm Tướng quốc, phong cho ở đất Tiết. Sau khi Điền Anh qua đời, thụy phong Tĩnh Quách Quân.  Điền Văn lên kế nghiệp, tiếp tục chiêu tập tân khách cùng kẻ mang tội bỏ trốn ở khắp các nước chư hầu2 nên thực khách quy tụ về rất đông.

Mạnh Thường quân làm Tể tướng nước Tề, đến đời Tề Mẫn Vương thế lực mạnh mẽ, sau khi diệt Tống thì nghi ngờ và tin theo những lời đồn đại Mạnh Thường quân mưu phản, một phần thấy Mạnh Thường Quân thanh thế quá lớn, uy hiếp địa vị của mình. Năm sau, Tề Mẫn Vương nói với Mạnh Thường Quân: “Quả nhân không thể lấy thần của tiên quân làm thần của mình”, liền quyết định thu hồi tướng ấn của Mạnh Thường Quân. Mạnh Thường Quân sợ chết nên bèn chạy sang nước Ngụy, Ngụy Chiêu Vương cho làm Tể tướng, phía Tây hòa hợp với Tần và Triệu, cùng Yên đánh phá Tề, Tề Mẫn Vương trốn đến ấp Cử và mạng vong nơi đó. Tề Tương Vương lên ngôi, bèn giảng hòa và kết thân lại với Tiết Công. Sau khi Điền Văn chết, thụy phong là Mạnh Thường Quân, điều đáng tiếc là các con cháu của Mạnh tranh nhau kế vị rất khốc liệt. Lúc bấy giờ Tề – Ngụy liên kết lại tiêu diệt toàn bộ ấp Tiết là đất phong của Mạnh, làm cho Mạnh Thường Quân không người nối dõi 3.

2-   Chiêu nạp môn khách:

Chiêu nạp môn khách là cách làm khá phổ biến trong giới quyền lực giàu có thời phong kiến4 nhằm củng cố địa vị và tạo uy danh của chính mình, Mạnh Thường Quân cũng không ngoại lệ, ông chiêu tập rất nhiều môn khách. Môn khách của Mạnh bao gồm mọi thành phần trong xã hội. Cái mỹ từ chiêu hiền đãi sỹ nhưng thực chất đây là một thế lực ngầm trong xã hội. Môn khách tuy nhiều nhưng bậc hiền tài thì rất hiếm. Sử gia Tư Mã Thiên đã từng đề cập tại ấp Tiết, tức quê hương của Mạnh, rằng có nhiều thanh niên hung bạo hơn hẳn những nước như nước Trâu và Lỗ, lý do là vì Mạnh Thường quân chiêu tập hiền sĩ trong thiên hạ và cũng bao gồm luôn những kẻ gian, không chịu làm ăn, lêu lổng5. Đa phần đến cũng vì nương tựa cơm áo mà thôi. Điều này được minh chứng khi Mạnh bị thất sủng thì hầu hết môn khách đều bỏ đi6.

Tuy nhiên những môn khách này đều được chia ra làm 3 bậc: Khách thượng đẳng gọi là “Đại xá”. Đại xá là gồm những người có thể thay thế mình, hạng này được ăn thịt đi xe; khách bậc trung thì gọi “Hạnh xá”. “Hạnh xá” là những hạng người có thể dùng được, hạng này chỉ được ăn thịt nhưng không có xe đi; khách thấp nhất gọi là “Truyền xá”. “Truyền xá” bao gồm những người không có tài năng, không trọng dụng được gì thì chỉ ăn cơm sạch trấu cho khỏi đói mà thôi, và cũng không cần quan tâm đến đi lưu giữ gì 7.

Năm 298 TTL Mạnh Thường Quân Điền Văn đi sứ sang Tần. Khi Mạnh Thường Quân sang Hàm Dương, mang theo rất nhiều môn khách. Tần Chiêu Tương vương giam lỏng Mạnh Thường Quân, Mạnh Thường rất lo lắng, dò biết Tần Chiêu Tương vương có một sủng phi rất được yêu mến, liền nhờ người cầu cứu bà ta. Sủng phi đó sai người nói lại: “Nhờ ta nói giùm với đại vương thì không khó, nhưng ta thích có một áo bằng lông chồn bạc”. Mạnh Thường Quân bàn với các môn khách: “Ta chỉ có một cái áo, đã biếu vua Tần rồi, làm thế nào đòi lại được?”

Một môn khách nói: “Tôi có cách để lấy được chiếc áo đó”. Ngay đêm hôm đó, môn khách này giả tiếng chó sủa lẻn vào Vương cung, ăn trộm được chiếc áo đó ra. Mạnh Thường Quân đem áo lông chồn bạc biếu cho sủng phi. Nhận được áo, sủng phi đó liền khuyên vua Tần tha Mạnh Thường Quân về nước. Chiêu Tương vương đồng ý, cấp cho giấy tờ thông hành để Mạnh Thường Quân về. Khi Mạnh Thường Quân nhận được giấy tờ, liền vội vã đi ra Hàm Cốc. Ông sợ Tần Vương đổi ý, liền vội vã thay đổi tên họ và chữa giấy thông hành. Đến cửa quan, vừa đúng nửa đêm. Theo quy định của nước Tần, mỗi buổi sớm, chỉ đến khi gà gáy mới được mở cửa quan cho người qua lại. Mọi người đang sốt ruột chờ sáng thì một môn khách giả làm tiếng gà gáy liên tiếp. Toàn bộ gà vùng xung quanh đều gáy ran. Người canh giữ nghe tiếng gà gáy, liền mở cửa quan, xét giấy tờ rồi cho Mạnh Thường Quân đi. Tần Chiêu Tương vương quả nhiên hối lại, phái người đuổi theo, đến Hàm Cốc thì Mạnh Thường Quân đã đi xa rồi. Sự tích này được gọi là “Bắt gà trộm chó”. Sau sự việc này, người giả tiếng chó, ăn trộm áo lông chồn và người giả tiếng gà gáy để qua thành đều được thăng lên làm thượng khách.8 Vì các thứ hạng cao thấp để có những đặc cách riêng nên trong hàng môn khách luôn có những tranh chấp quyết liệt về ngôi vị.

3-   Xóa bỏ nợ cho người nghèo, một chiêu trò chính trị:

Một việc mà nhiều người thường hay nhắc đến để nói Mạnh Thường Quân làm việc nghĩa, đây cũng là việc đáng lưu tâm nhất trong cuộc đời của Mạnh. Tuy nhiên, đứng về phương diện lịch sử chúng ta nhận thấy, đây là ý kiến của Phùng Hoan, nhân vật khá nổi bật trong số môn khách của Mạnh. Sự việc Phùng Hoan đốt một số giấy nợ của người nghèo nơi ấp Tiết, đất phong của Mạnh để mua nghĩa cho Mạnh nhưng nếu chúng ta theo dõi suốt một quá trình của Phùng Hoan thì không phải đây là “mua nghĩa” mà chính Phùng Hoan cũng muốn tạo thanh thế để có vai vế trong hàng thượng khách của Mạnh Thường Quân.

Phùng Hoan, người nước Tề được xem như một người tài giỏi dưới trướng của Mạnh Thường Quân, có chút tài năng nhưng nếu xét toàn diện thì chưa phải bậc hiền sĩ trong thiên hạ. Lúc đầu mới đến Mạnh thì Phùng Hoan chẳng có gì ngoài đôi dép cỏ và thanh kiếm không có vỏ cột dây đeo lủng lẳng sau lưng, nhưng rồi từng bước cũng leo lên từ bậc truyền xá, đến hạnh xá và thượng xá cũng vì bổng lộc và tiêu chuẩn tài lợi9.

Khi Mạnh Thường Quân cần người thâu tiền lơi nới ấp Tiết thì Phùng Hoan nhận lời ngay và không hề từ chối. Khi Phùng Hoan đến ấp Tiết để thu tiền thì đốt những giấy tờ nợ của những người nghèo khổ và đãi đằn họ bằng rượu thịt nên ai cũng hết lòng ca ngợi như thánh nhân. Khi Manh Thường Quân hay sự việc này thì vô cùng tức giận sai người đi gọi Phùng Hoan về giải thích sự việc. Phùng Hoan giải thích một cách khôn khéo nên Mạnh rất bực tức vì cần tiền để nuôi môn khách nhưng đành phải chấp nhận sự việc này của Phùng Hoan vì không thể làm gì khác hơn được.10

Giai thoại này được nhiều người ca tụng và đưa Mạnh Thường Quân và Phùng Hoan lên như một biểu tượng của sự thiện lương trong việc cứu tế chẩn bần. Thực chất, theo dự tính của Phùng Hoan thì việc ông đốt giấy nợ của dân ấp Tiết cũng là bước đầu xây dựng cái hang đầu tiên trong triết thuyết sống thỏ khôn có ba hang11.

Khi Mạnh Thường Quân xảy ra đột biến. Tề Mẫn Vương nghi kỵ Mạnh Thường Quân danh tiếng lấn áp chủ, sợ lo là mối họa nên bèn cách chức Tướng quốc của Mạnh Thường. Khi Mạnh Thường về đến ấp Tiết thì được dân chúng nhớ ân xưa mà nghênh đón Ông rất trọng thể. Đây được xem như là cái hang thứ nhất của Phùng Hoan tạo cho Mạnh. Khi Mạnh Thường thấy dân chúng nghênh đón trọng thể tại ấp Tiết thì rất tin dùng theo chiều hướng triết lý sống này. Sau đó để cho Phùng Hoan tạo thêm cái hang thứ hai.

Hang thứ hai là Phùng Hoan sang Ngụy để ca ngợi Mạnh và có ý liên kết với Ngụy được Ngụy ban nhiều vàng bạc tặng Mạnh, và dùng chiêu trò này để tạo nên áp lực đối với Tề Vương, Tề vương phải bấm bụng xin lỗi Mạnh Thường.

Khi thấy Tề Vương nhượng bộ thì âm thầm tính đến Cái hang thứ 3. Phùng Hoan bèn tính với Mạnh Thường xin Tề Vương phong ấp tiết cho con cháu đời đời của Mạnh được hưởng lộc.

Một bề tôi đang hưởng lộc vua nước Tề nhưng tỏ lòng muốn liên kết Ngụy, lại dùng thế lực Ngụy để áp đảo vị vua của chính mình đang phụng thờ, như vậy đâu phải là bậc trung thần?.

Đến đây, chúng ta càng thấy cái “mua nghĩa” của Mạnh Thường quân chỉ là một chiêu trò chính trị để đạt những mưu tính tham vọng của chính mình. Bên cạnh đó, thực chất ban đầu của sự việc thì Mạnh Thường quân vào thế chẳng đặng đừng, bất đắc dĩ mà chấp nhận vì sự việc cũng đã rồi, vả lại còn phải giữ phương vị bề trên rộng lượng12. Phùng Hoan thì hoàn toàn không phải vì nỗi khổ của lê dân bá tánh mà thương và giúp đỡ bằng cách xóa nợ cho họ mà vì muốn củng cố vai trò của mình trong hàng môn khách của Mạnh Thường Quân.

Trong suốt nhiều năm, chính vì theo triết thuyết “thỏ khôn có ba hang” nên Mạnh Thường lúc nào cũng tìm cách đào những cái hang để cho mình được an toàn mà không nghĩ đến sự an nguy của quốc gia. Vì đề cao quá nhiều danh lợi cho chính bản thân, quên đi cái đức của người chánh nhân quân tử, đặc biệt trong xã hội phong kiến tuyệt đối phải giữ đạo vua tôi.

Tuy hiện đời cuộc sống của Mạnh được quyền thế giàu sang nhưng chỉ cần sau khi Mạnh Thường Quân qua đời, con cháu tranh chấp tài sản, tranh kế thừa ngôi vị. Một điều vô cùng thảm khóc là Tề và Ngụy thấy được mưu mô của Mạnh Thường nên đã cùng nhau liên kết tiêu diệt hết toàn bộ con cháu và phong ấp Tiết của Mạnh Thường, khiến cho Mạnh Thường phải tuyệt tử tuyệt tôn13. Điều này, chỉ cần nhìn ở khía cạnh nhân gian “ đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, hay nói cách khác thì những chiêu cảm nghiệp của Mạnh Thường đã đến hồi phải trả.

4-   Giết kẻ dám chê mình xấu tướng:

Khi Mạnh Thường Quân từ Tần trốn về, khi Mạnh đi qua nước Triệu, Bình Nguyên Quân Triệu Thắng14 ra ngoài ba mươi dặm để đón, rất mực cung kính. Người nước Triệu vốn nghe tiếng của Mạnh Thường Quân mà chưa từng biết mặt, lúc ấy thì mau đi xem, thấy Mạnh Thường Quân lùn thấp bé nhỏ, trong những người đi xem có kẻ cười nói: “Trước kia ta hâm mộ Mạnh Thường Quân, cho rằng Ông ấy tất là khôi ngô khác thường, nay xem chỉ là một anh chàng bé nhỏ mà thôi!”. Lúc ấy, cũng có một số người vì theo lời nói ấy mà nói cười giỡn cợt. Mạnh Thường quân tức giận, môn khách trong phái đoàn của Mạnh đều xuống xe chém chết những dân vô tội chỉ vì vô tình nói lời có ý chê Mạnh Thường quân xấu tướng. Số dân bị giết hết cả mấy trăm người, nhưng chưa nguôi, giết hết cả một huyện cho hả giận rồi mới bỏ đi15. Bình Nguyên Quân Triệu Thắng biết đó là do dụng ý của Mạnh Thường Quân sai những môn khách của mình đi giết những người chọc mình cho đỡ bực bội, nhưng vì thế lực của Mạnh lúc ấy lớn quá nên đành phải làm thinh16.

Nếu xét về tính cách của tứ quân thời chiến quốc thì Bình Nguyên Quân Triệu Thắng có điểm ưu việt hơn Mạnh thường quân. Bình Nguyên Quân dám giết mỹ nhân của chính mình khi mỹ nhân ấy cười nhạo khinh khi người ăn mày thấp kém, để chứng tỏ không trọng sắc mà trọng nhân nghĩa17

Đây là một vấn đề rất đáng được quan tâm, nếu như một người chân chính thì sẽ không bao giờ có những hành động như thế. Một chánh nhân quân tử hay bậc hiền nhân người ta hạ nhục hay bôi nhọ, hủy báng chính mình cũng còn chưa đánh trả hay giận hờn, huống gì đây chỉ là những lời khen chê tướng mạo của những người dân dã thật thà. Thế nhưng Mạnh Thường quân bực tức vì những lời chê vô tình đó mà nỡ đang tâm kêu môn hạ giết họ! Một người bị hại đã là không chấp nhận được, đằng này con số người bị giết đến hàng trăm hàng ngàn. Điều này càng chứng tỏ tánh tình không rộng lượng của Mạnh Thường quân và những môn hạ của ông cũng không phải là những bậc chân nhân quân tử, mà cũng vì miếng cơm manh áo lợi dưỡng, nương nhờ vào bổng lộc của Mạnh Thường Quân mà sống qua ngày.

5- Có nên dùng danh xưng Mạnh Thường Quân như một biểu tượng của lòng tốt ?

Theo những phần đã trình bày, Mạnh Thường quân là một người Trung quốc, không phải người Việt, và sự nghiệp của ông thuần túy trên phương diện của một nhà chính trị. Mạnh Thường quân dù có danh phận địa vị với xã hội phong kiến phương Bắc nhưng những đóng góp của ông chỉ bảo vệ quyền lực của giai cấp thống trị vua quan của triều đình phong kiến phương Bắc. Mục đích của sự việc ông làm là chính trị, nhằm tạo uy thế và củng cố quyền lực chính mình, không thể xem đây là lòng nghĩa hiệp, của sự hảo tâm, không phải là người có tấm lòng hào hiệp trượng nghĩa, tấm lòng tốt để cứu khổ cho đời.

Về phương diện xã hội Việt Nam, dùng chữ Mạnh Thường Quân như một biểu tượng để chỉ cho những người có tấm lòng tốt khi làm từ thiện liệu có hợp lý không? Trong quá khứ cũng như hiện tại, xã hội Việt Nam luôn có những người với tấm lòng tốt, đem cả tài sản, sức lực của mình ra để cứu giúp những người khốn khố, nhiều người lập hạnh nuôi cô nhi quả phụ, đắp đường, xây cầu, bố thí, ủy lạo thiên tai…từ những đồng tiền chân chính của họ tạo nên từ những giọt mồ hôi, nước mắt và cũng không bao giờ nghĩ đến những báo đáp sau khi thực thi những hạnh lành đó.

Về phương diện Phật giáo thì càng không thể nào dùng tên Mạnh Thường Quân để chỉ cho những Phật tử phát tâm hộ trì Tam Bảo bằng tịnh tài, tịnh vật được. Ngay thời điểm của ông, Phật giáo chưa du nhập vào Trung quốc. Chính vì thế, ông không phải Phật tử, cũng chưa có một đóng góp nào cho Phật giáo cả. Trong lịch sử Phật giáo thế giới cũng như Việt nam, có rất nhiều những Phật tử nổi tiếng hết lòng chăm lo cho sự phát triển tổn vong của Phật pháp ngay từ thời Phật còn tại thế. Và đặc biệt hơn nữa, chính những Phật tử đó cũng tu tập và có sự thể nghiệm thực sự trong giáo Pháp của Thế Tôn như: Trưởng giả Anāthapiṇḍika (Cấp-Cô-Độc, Đại tín nữ Visākhā, Vua Bimbisāra (Bình Sa Vương), Asoka (A Dục Vương)…

Người viết không có ý đề xuất một danh xưng nào thay thế cho Mạnh Thường Quân. Tuy nhiên, rất mong chư vị thiện tri thức, các nhà làm văn hóa, giáo dục… lưu tâm để cho tương lai thế hệ con em được hiểu rõ từ những từ ngữ, điển tích để dùng cho chính xác, hợp lý và đúng ý nghĩa.

Melbourne, 10/2020
Thích Hạnh Phẩm

 

SAI LẦM KHI SỬ DỤNG TỪ MẠNH THƯỜNG QUÂN
Thích Thông Chánh

 

I.  Dẫn nhập

Việt Nam là một đất nước cầu thị, luôn hấp thu những cái đẹp của các nền văn hoá trên thế giới. Sự phát triển của khoa học công nghệ làm cho chúng ta dễ dàng tiếp cận với thế giới rộng lớn hơn, nhưng vô hình trung lại trở thành một sự tiếp thu văn hoá một cách thiếu chọn lọc. Trước khi thu nhận những điều tốt đẹp trên thế giớiViệt Nam đã có những nét đẹp đặc sắc riêng mang tính giá trị nhân văn rất cao, với tinh thần tương thân tương ái được thể hiện qua các bài vè, các câu ca dao như “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, “chia bùi sẽ ngọt”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, …. .

Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nammang theo tinh thần “Từ Bi – Trí Tuệ” và hoà hợp với con người lúc bấy giờ, đã tạo ra một nét đặc trưng của người Á Đông. Chúng ta thường có những thói quen như sử dụng đích danh của một nhân vật có những đức tính nổi trội để mô tả cho một sự vật, sự việc, hiện tượngđức hạnh cho một người khác hoặc việc làm tương tự. Ví dụ là “hiền như Bụt” chỉ cho những người hiền lành, “mặt đẹp như ông Phật” chỉ cho những người đàn ông có gương mặt phúc hậu, “đẹp như tiên” chỉ cho người phụ nữ sinh đẹp, “ăn như Thánh Dóng” chỉ cho những người ăn khoẻ, “khoẻ như Voi” chỉ cho những người khoẻ mạnh….

Nhưng trong số đó, có một danh từ mà người dân Việt nam nói chung và những người con Phật nói riêng đều sử dụng sai, sai cả về ngữ cảnh lẫn ý nghĩa, đó là từ Mạnh Thường Quân để chỉ cho các nhà làm công tác thiện nguyện.

Chúng ta cùng làm rõ vấn đề này sau đây.

II.  Nội dung
1.  Mạnh Thường Quân là ai?

Mạnh Thường Quân tên thật là Điền Văn, một quý tộc nước Tề ở thời Xuân Thu chiến quốc, thời kỳ trước khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung quốc; ông là một trong bốn người nổi danh thời bấy giờ gọi là “Chiến quốc tứ công tử” (Mạnh Thường Quân, Bình Nguyên Quân, Tín Lăng Quân, Xuân Thân Quân).

Lúc bấy giờ, Mạnh Thường Quân nhận nuôi khoảng 3000 thực khách trong nhà, đa số là những người không có tài năng gì, chỉ đến để kiếm ăn mà thôi; trong tất cả thực khách được chia làm 3 loại:

– Loại thứ nhất: ăn mặc đầy đủ, đi đâu sẽ có xe ngựa để đi.

– Loại thứ hai: được ăn cơm với cá, thịt.

– Loại thứ ba: chỉ cho ăn cơm gạo thô với rau, chỗ ngủ không đàng hoàng.

Mục đích của việc tiếp nhận, nuôi thực khách này có một câu nói rất rõ “Để củng cố địa vị của mình nên ông chiêu tập rất nhiều khách; ai đến ông giữ lại cho ăn uống và dùng vào việc của mình”. [1,tr.153]

 2.  Vì sao tên “Mạnh Thường Quân” được biết rộng rãi?

Theo các Sử liệu từ “Tư Trị Thông GiámLịch sử Trung Quốc 5000 năm, Sử ký Tư Mã Thiên” đều nhận định rằng danh tiếng của Mạnh Thường Quân không xuất phát từ đức hạnh hay tấm lòng nhân hậu gì của bản thân, mà xuất phát từ ý đồ của ông, và sau này là nhờ một nhân vật tên là Phùng Huyến, một trong những thực khách trong nhà ông.

Khi Phùng Huyến đến nhà Mạnh Thường Quân xin làm thực khách, quản gia báo với Mạnh Thường Quân thì Mạnh Thường Quân hỏi:

“Người đó có tài năng gì không?

Quản gia nói: “Không có tài năng gì cả”.

Mạnh Thường Quân cười nói: “Cứ cho ông ta ở lại và đối đãi như loại thứ 3”.

Sử ghi lại Quản gia hiểu ý nhưng không nói thêm hay giải thích thêm về sự hiểu ý của Quản gia về cái cười của Mạnh Thường Quân.

Có một lần, vì nuôi quá nhiều khách nên không đủ tiền để xoay sở, nên ông sai Phùng Huyến đi thu nợ ở những người mà ông cho vay tiền và thuê đất. Trước khi đi Phùng Huyến hỏi Mạnh Thường Quân khi về cần mua gì, Mạnh Thường Quân đáp: “Trong nhà thiếu gì thì mua đó”.

Nhưng khi đi thu nợ thì nhiều người không đủ tiền để trả nên Phùng Huyến tự bịa lên nói rằng: “Mạnh Thường Quân nói ai không trả được nợ thì điều miễn hết, và đốt hết giấy nợ”.

Khi về thì ông bị Mạnh Thường Quân tức giận, trách mắngtra hỏi thì ông trả lời: “Trước khi đi tôi hỏi Ngài cần mua gì, Ngài đã nói rằng trong nhà thiếu gì thì mua; và tôi không thấy trong nhà thiếu gì cả, mà chỉ thiếu duy nhất là “tình nghĩa” thôi; nên tôi mua tình nghĩa về. Mạnh Thường Quân đành bỏ qua; kể từ đó, tiếng tăm của Mạnh Thường Quân càng ngày càng vang dội.

Qua câu nói của Lâm Hán Đạt và từ “thiếu tình nghĩa” của Phùng Huyến, chúng ta biết có thể thấy rõ rằng, mọi việc làm giúp đỡ tài chính, cưu mang cái ăn cái mặt đối với mọi người của Mạnh Thường Quân không xuất phát từ tình thương con người. Ông cũng không phải người làm từ thiện xã hộitừ thiện giáo dục hay từ thiện y tế; mà tất cả việc làm đó đều có mục đích tạo uy tín cho bản thân và mục đích chính trị, xã hội.

Sự khác biệt giữa sự chia sẻ, giúp đỡ và cho đi đạo Phật và Mạnh Thường Quân.

Triết lý nhà Phật luôn lấy Bi – Trí – Dũng làm lẽ sống trên lộ trình quy thú. Để thành tựu được điều đó, cần phải kết hợp đầy đủ hai phần “tu tập và phụng sự”, một điều mà Đức Phật đã duy trì suốt 45 năm độ sanh.

Phụng sự của nhà Phật bao hàm sự cho đi trên phương diện tinh thần lẫn vật chất, cả 2 điều đó xuất phát từ lòng Từ bi. Những người giúp đỡ người khác vì động lòng trắc ẩn, vì sự cảm thông, vì biết đặt mình ở hoàn cảnh của người khác, vì muốn chia sẽ sự may mắn và đầy đủ của mình đến người khác, vì muốn người khác được cơm no ấm lòng, vì muốn mọi người được an vui, vì muốn mọi người cùng sống trong tình thường và sự san sẽ, vì muốn xây dựng một cộng đồng biết quan tâm đến đồng loại thì những vị đó được gọi là những nhà Hảo Tâm, những người Thiện Tâm, những người thực hành hạnh Bồ Tát, những Bồ Đề Tâm. Vì việc làm đó xuất phát từ sự rung động xúc cảm của con người, có cái thấy biết sâu sắc về giá trị của việc mình làm, không vì vụ lợi hay bất kỳ mục đích nào. Đó là sự thật về phụng sự theo Phật giáo; như trong Jàtaka 346, Túc sanh truyện số 346 có câu kệ:

“Nắm cơm tuy có tầm thường
Nhưng tâm thành kính khi nhường cho nhau
Cơm đấy ngon biết nhường nào
Ăn cơm ngon đấy tâm vào an vui”.

Về quan điểm làm từ thiện hay bất cứ một hành động nào mang ý nghĩa san sẽ vật chất lẫn tình thương với mục đích đánh bóng tên tuổi, để tăng uy tín cá nhân, để vụ lợi vật chất, mượn việc làm đó để làm việc khác, để người khác tôn sùng mình, để nhận lấy sự tán dương, để tỏ ra mình thanh cao thì những người đó đều là và ngang hàng với Mạnh Thường Quân, không hơn không kém. Những hành động đó không mang giá trị chân thật, không đem lại lợi ích lâu dài; vì đôi khi cách chúng ta trao quan trọng hơn vật chúng ta cho.

III. Lời kết

Trong Phật giáo, có một người cư sĩ sống cùng thời với Đức Phật, tên là Cấp Cô Độc (Anathapindika); ông dành cả đời mình để xây dựng cải tiến xã hộithành lập các nơi để nuôi người già, trẻ em mồ côi và chưa bao giờ khước từ điều gì. Đối với bổn phận của người Phật tử thì ông xây dựng Tịnh thất, phụng dưỡng các vật dụng cá nhân và cúng dường Đức Phật cùng chư Tăng đến hạt gạo cuối cùng. Từ những việc làm đó mà Ông có phước báu rất lớn, và sau khi mạng chung Ông liền sanh về cõi trời Tusita.

Như vậy, Cấp Cô Độc là một hình mẫu ý nghĩa hơn, giá trị hơn, toàn diện hơn so với Mạnh Thường Quân trong việc phụng sự xã hội mà những người con Phật cần phải biết. Vì thế, dù là người Phật tử hay là một người lương thiện chúng ta cần phải cân nhắc khi vay mượn danh từ này; và hãy mạnh dạng thay đổi thói quen sử dụng danh xưng này một cách đúng đắn và hiểu biết.

Chúng ta có thể dùng những từ thay thế như “những vị Cấp Cô Độc”, “các nhà Hảo Tâm”, “những người Thiện Tâm”, “các vị Bồ Tát”, “các vị Bồ Đề Tâm”, “những người Thiện sự”, để nói lên đầy đủ ý nghĩa và đúng với ý nguyện của mình; nhằm mang lại công đức cho mình và cho người.

***

Tài liệu tham khảo

– Lâm Hán Đạt, Tào Dư Chương, Trần Ngọc Thuận dịch, 1997, Lịch Sử Trung Quốc 5000 năm, tập 1, Nxb Văn hoá Thông tin.

– HT Thích Minh Châu dịch, Trung Bộ KinhKinh Giáo Giới Cấp Cô Độc 143.