bán tự mãn tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(半字滿字) Đây có bốn nghĩa. 1. Đứng về phương diện thể chữ mà nói, thì chỉ những chữ gốc trong chương . Tất đàm của tiếng Phạm, như mười hai chữ ma đa (mẫu âm), ba mươi lăm chữ thể văn (tử âm), đều đứng riêng rẽ, chưa thành toàn chữ, vì chưa lọn nghĩa, nên gọi là Bán tự (nửa chữ). Khi ma đa và thể văn hợp lại mà thành toàn chữ, vì nghĩa lí đều đầy đủ, nên gọi là Mãn tự (cả chữ), như luận Tì già la (Phạm:Vyàkaraịa, tức sách Văn phạm). Cứ theo kinh Niết bàn (bản Bắc) quyển 5 chép, thì ví như Trưởng giả, duy có một con, Trưởng giả muốn con mình học mau thành công, nhưng vì tuổi còn nhỏ nên chỉ dạy nửa chữ, chứ không dạy cả chữ Tì già la (luận). Nửa chữ trong thí dụ này là chỉ chín bộ kinh của Tiểu thừa Thanh văn; cả chữ Tì già la (luận) thì chỉ kinh điển Phương đẳng Đại thừa. Cũng kinh trên, quyển 8 chép, đức Phật nói pháp, mới đầu nói nửa chữ để làm căn bản, phàm các loại kí luận, chú thuật, văn chương, các thực pháp chư ấm v.v… đều thuộc nửa chữ căn bản này, phàm phu học để làm nền tảng, rồi sau mới có thể biết rõ và phân biệt được pháp nào đúng pháp nào sai. 2. Đứng về phương diện pháp được nói mà bàn, thì nói thế pháp là nửa, nói xuất thế pháp là cả. Lại trong pháp xuất thế, nói Tiểu thừa là nửa, nói Đại thừa là cả. 3. Đứng về phương diện cái được phát sinh mà nói, thì sinh phiền não là nửa, sinh điều thiện là cả. Lại trong sinh thiện, sinh thế thiện là nửa, sinh xuất thế thiện là cả; lại trong thiện xuất thế, sinh hành giả Tiểu thừa là nửa, sinh hành giả Đại thừa là cả. Kinh Niết bàn (bản Bắc) quyển 8 nói, nửa chữ là căn bản của các lời nói phiền não, cả chữ là căn bản của hết thảy lời nói thiện pháp. Ví như ở thế gian, người làm ác gọi là bán nhân (nửa người), người tu thiện gọi là mãn nhân (cả người, người hoàn toàn). [X. Niết bàn kinh nghĩa kí Q.4 (Tuệ viễn); Xuất tam tạng kí tập Q.1; Đại Niết bàn kinh sớ (Cát tạng); Tất đàm tạng Q.7 (An nhiên)]. 4. Về phương diện phán giáo, trước nay có các vị Đàm vô sấm, Tuệ viễn, Bồ đề lưu chi, Trí khải, Khuy cơ, Trạm nhiên v.v… dựa theo nghĩa gốc của hai chữ bán mãn mà chuyển dụng thành sự giải thích độc đáo về giáo tướng phán thích. Các thuyết phán lập của các nhà tuy khác nhau, nhưng đại để đều lấy hai giáo này để phân biệt biểu thị hai giáo Đại thừa (mãn), Tiểu thừa (bán). (xt. Bán Mãn Nhị Giáo).