BÁN TRAI

Phật Quang Đại Từ Điển

1. Chỉ sự giữ chay tịnh trong nửa ngày, cũng tức là ý phá chay. Bởi vì, phép giữ chay phải lấy một ngày làm chuẩn, nếu chỉ giữ nửa ngày thì việc giữ chay không được trọn vẹn, cũng không khác gì phá chay. Thông thường, phép giữ chay trọn ngày là khoảng thời gian một ngày một đêm, từ lúc sáng rõ ngày hôm nay đến lúc trời sáng rõ ngày hôm sau làm chuẩn, cũng tức là lúc qua chính ngọ ngày hôm nay đến lúc trời sáng rõ ngày hôm sau, không được ăn bất cứ thực vật gì. Nếu đến tối, phá chay mà ăn, thì gọi là Bán trai, là vì chỉ giữ chay nửa ngày từ lúc chính ngọ đến chiều tối mà thôi. Lại giờ phá chay, nếu là ban ngày thì gọi là bán trai, nếu là ban đêm thì gọi là phá trai, nhưng thực thì cả hai đều là ý phá chay cả. Trong các kinh luận, có nhiều chỗ ghi chép về công đức thù thắng của sự trì trai, cho nên, người giữ chay nửa ngày, tuy có cái lỗi phá chay, nhưng, đứng về phương diện quả báo công đức mà nói, thì cũng có phúc đức lớn. Bởi thế, Kinh luật dị tướng quyển 44 Phá trai do đắc sinh thiên điều nói (Đại 53, 229 trung): Phúc giữ nửa chay, cũng được sinh thiên, bảy đời sinh cõi người, thường được tự nhiên; giữ chay một ngày, được sáu mươi vạn năm lương thực tự nhiên.

2. Trong Thiền môn, chỉ khoảng thời gian giữa bữa cháo sáng và bữa cơm ngọ, là Bán trai. Lại chỉ bữa điểm tâm vào khoảng giữa bữa cháo và bữa ngọ là Bán trai điểm tâm; và vào giờ này, hiến trai ở trước Tổ sư, tụng kinh hồi hướng, gọi là Bán trai cúng dường hoặc Bán trai phúng kinh. Thiền lâm tượng khí tiên quyển 3 Tiết thời môn, chép: Xưa nói: Ở giữa bữa cháo và bữa cơm trưa, nên gọi là Bán trai (…) Bán trai là tên gọi thời giờ vậy.

Ngoài ra, Bán trai còn nói là Phán trai, vì hai chữ phán và bán thông nhau, vậy Bán trai tức là Phán trai. Phán có ý là phán thích, Phán trai có ý là phán thích hiến trai, vì thế, Bán trai cũng còn chi văn hồi hướng hiến trai trong Thiền gia, hoặc chỉ pháp sự hồi hướng hiến trai. [X. Thiền lâm bị dụng thanh qui Q.6; Chư hồi hướng bảo giám Q.2; Thiền lâm tượng khí tiên Q.13 Phúng xướng môn]. 3. Chỉ bữa ăn chính ngọ, lấy lúc chính giữa giờ ngọ làm chính giữa một ngày, đem một ngày đối lại phần nửa chính, cho nên gọi Bán trai. Không hoa đàm tùng quyển 2 nói, trong Luật viện và Thiền viện, gọi Ngọ trai là Bán trai. Vì thế biết Bán trai cũng là tên gọi khác của Ngọ trai. Lại nếu quá giờ ngọ rồi mà còn ăn thì gọi là ăn phi thời, là điều mà giới luật Phật giáo không cho phép. Cái thói quen ấy được gọi là quá ngọ bất thực (quá giờ ngọ không ăn).