bản tôn

Phật Quang Đại Từ Điển

(本尊) Tức là vị chủ tôn căn bản, vị tôn chính. Chỉ bậc tối tôn tối thắng, xuất thế gian mà từ vô thủy đến nay vốn có, làm chỗ nương tựa cho người tu hành Phật đạo. Hoặc chỉ một vị tôn chủ yếu đặc thù nào đó trong nhiều tôn tượng, thờ tại một chùa, một viện, tức lấy vị tôn đặc thù ấy làm gốc để tôn sùng. Còn gọi là Trung tôn (vị tôn chính giữa) để phân biệt với các quyến thuộc thân cận đứng hầu hai bên, hoặc tùy tòng chung quanh. Ở Ấn độ nguyên thờ tượng đức Phật Thích ca mâu ni. Lại vì qui y Phật, Pháp, Tăng tam bảo nên gọi là Tam tôn. Ấn độ thời xưa thì chạm trổ cây Bồ đề, tòa Kim cương, bánh xe Pháp, tháp Phật, lốt chân Phật v.v… để thay cho tượng Phật. Vì dùng các vật tượng trưng để hiển bày tôn hình và chạm trổ đắp vẽ tôn hình, ý nghĩa có khác nhau. Đến sau thời Mật giáo hưng khởi, thì dùng chữ, ấn, hình hiển bày Phật Bồ tát. Thông thường, vị trí của Bản tôn trong các chùa viện, tùy theo mục đích của người sáng lập và niềm tin của người chủ phát nguyện, mà được qui định an vị, cho nên Bản tôn cũng vì đó mà có khác. Như trong Kim đường chùa Pháp long, Tây Phật điện chùa Hưng phúc tại Nhật bản, thờ đức Thích ca Như lai, Căn bản trung đường chùa Diên lịch, Kim đường chùa Kim cương phong thì thờ đức Dược sư Như Lai. Tông Tịnh độ và Tịnh độ chân tông của Nhật bản thì lấy Phật A di đà làm Bản tôn của họ; cứ theo Lương cao tăng truyện quyển 6 chép, thì trong Bát nhã tinh xá ở Lư sơn, sư Tuệ viễn đã thờ tượng Phật A di đà sớm nhất. Mà trong các tông phái phần nhiều cũng có vị Bản tôn nhất định của phái đó. Lại ngôi nhà trong đó Bản tôn được an vị thì gọi là Bản đường, đồng thời, cũng theo danh hiệu của Bản tôn mà có các tên gọi như Di đà đường, Dược sư đường. Trong Mật giáo, Đại nhật Như lai được gọi là Phổ môn Bản tôn, còn các Phật Bồ tát khác thì gọi là Nhất môn Bản tôn. Đồng thời, tùy theo các pháp tu và mục đích khác nhau mà các Bản tôn cũng đều bất đồng. Đại khái Bản tôn có ba loại: Chữ, Ấn và Hình, và chia ra hữu tướng, vô tướng khác nhau. Chữ, thì như các chữ (vạm), (hrìh), (hùô) v.v… là chủng tử của Đại nhật Như lai, Phật A di đà và Phật A súc. Ấn, thì như Tam muội da hình hoa sen của bồ tát Quán thế âm, đàn tì bà của Biện tài thiên. Hình, chỉ hình tượng của các vị Tôn có đầy đủ tướng tốt đẹp. Trong đó, Bản tôn hữu tướng là chỉ ngoài chính mình ra, lập Bản tôn riêng, là bậc tôn quí nhất trong các tôn, hoặc chỉ chính mình và Phật Bồ tát mà, sau khi kết duyên, mình đã sùng bái từ lâu. Còn Bản tôn vô tướng thì lấy tự thân mình làm Bản tôn, sinh ra tức đã đầy đủ công đức, là người tối thượng trong thế gian và xuất thế gian (tức duy ngã độc tôn). Mật giáo nhận là Phật và mình hỗ tương nhiếp nhập (Phật vào mình, mình vào Phật), hoặc là một thể cùng tột. Cho nên, trong phép tu, sức gia hộ của Bản tôn và công đức của hành giả nhiếp nhập thành nhất thể, sự gia bị mà Bản tôn ban cho, gọi là Bản tôn gia trì. Lại phép quán trong đạo tràng, quán tưởng tướng tốt đẹp của Bản tôn, gọi là Bản tôn quán. Tịnh độ giáo thì xưa nay lấy Phật Di đà hoặc Di đà Tam tôn (Phật Di đà và các bồ tát Quan âm, Thế chí) làm Bản tôn. Tịnh độ chân tông của Nhật bản thì, ngoài tượng vẽ, tượng gỗ là Bản tôn ra, còn lấy danh hiệu làm Bản tôn. Danh hiệu có ba loại sáu chữ (Na mô A di đà Phật), chín chữ (Na mô bất khả tư nghị quang Như lai) và mười chữ (Qui mệnh tận thập phương vô ngại quang Như lai). Liên như cho là Chân tông coi trọng danh hiệu Bản tôn nhất, thứ đến tượng vẽ, và thứ nữa đến tượng gỗ. Ngoài ra, Chân tông còn gọi các Tổ sư và tiên đức của Ấn độ, Trung quốc, Nhật bản được vẽ trong một bức họa, là Quang minh Bản tôn. Tông Nhật liên của Nhật bản chuyên tôn sùng kinh Pháp hoa, vì thế lấy đề mục kinh Pháp hoa Na mô Diệu Pháp Liên Hoa kinh làm Bản tôn, hoặc lấy Thập giới khuyến thỉnh Đại mạn đồ la do Nhật liên vẽ làm Bản tôn, hoặc lấy Thích ca bản môn và bốn Bồ tát bản hóa cùng làm Bản tôn. Lại nữa, tông Nhật liên gọi Bản tôn, Đề mục, Giới đàn là Tam đại bí pháp (ba phép bí mật lớn), nhưng vật Bản tôn được định là người hay pháp, thì xưa nay có sự bàn luận. Lúc đầu bảo cả hai có khác, lấy tượng Phật làm Bản tôn người, lấy Thập giới mạn đồ la làm Bản tôn pháp, và cho Bản tôn pháp là chủ yếu. Nhưng, về sau sư Nhật đạo không cho là Bản tôn có hai loại khác nhau, mà chủ trương lấy Bản Phật Thích ca của ba thân vô tác làm Bản tôn, còn các Bản tôn khác thì chỉ khác nhau ở điểm các Bản tôn được khắc gỗ và vẽ rộng hay luợc mà thôi. Trong đó, Bản tôn bằng gỗ, hoặc vẽ được tạo nên để thích nghi với năng lực và tính chất của chúng sinh. Đặt Bản tôn bằng gỗ là vì phương tiện tín, hành, cho nên gọi là Giáo môn Bản tôn; còn Bản tôn vẽ Thập giới mạn đồ la thì vì tiện cho sự hành pháp mà đặt ra, cho nên gọi là Quán tâm Bản tôn. [X. kinh Lục độ tập Q.4; kinh Đại nhật Q.6 phẩm Thuyết bản tôn tam muội; Đại nhật kinh sớ Q.3, Q.20; Bí tạng kí; Ngô thê kính Q.26; Tổ sư cương yếu san lược Q.7]. (xt. Phổ Môn, Quảng Lược Bản Tôn).