bản tích nhị môn

Phật Quang Đại Từ Điển

(本迹二門) Gọi chung Bản môn và Tích môn. Còn gọi là Bản địa thùy thích. Nói tắt là Bản tích. Do đại sư Trí khải tông Thiên thai lập ra. Bản, có nghĩa bản địa (chỗ gốc) thành đã lâu; tích, có nghĩa là cái dấu tích mới thành gần đây. Tức chỉ thực thể và sự ảnh hiện của thực thể. Bản môn, có nghĩa là đức Như lai đã thành đạo (Bản Phật thực thành từ lâu xa) xưa kia trong quá khứ lâu xa lắm rồi, để hiển bày thuyết bản địa, căn nguyên và bản thể của đức Phật, cho nên gọi đó là thực thể. Tích môn, chỉ đức Phật mới thị hiện gần đây (thân mới thành ở Già da), để hiển bày thuyết Bản Phật vì hóa độ chúng sinh mà đã từ bản địa ứng hóa ra thùy tích, vì thế gọi đó là Ứng tích, Ảnh hiện.Cứ theo kinh Pháp hoa quyển 5 phẩm Như lai thọ lượng chép, thì hết thảy thế gian trời, người đều cho là đức Thế tôn Thích ca mới thành Phật ở Già da, nhưng thực thì Ngài đã thành Phật từ trăm nghìn muôn ức na do tha kiếp trước kia rồi, còn thân Phật mới thành ở Già da chỉ là thùy tích (tức rủ lòng thương mà thị hiện giáng sinh) mà thôi. Vì thân Phật có sinh thân và pháp thân khác nhau, nghĩa là sinh thân đã diệt độ, mà pháp thân thì vẫn còn, hoặc cũng có thuyết bảo sinh thân tức pháp thân. Về thọ lượng thì bảo sinh thân chỉ có tám mươi tuổi, mà chân thân thì sống tới bảy trăm a tăng kì kiếp. Thuyết cửu viễn thành Phật của kinh Pháp hoa là một loại Phật đà quan, đặc biệt bàn luận giải thích vấn đề thành Phật, cho thân mới thành ở Già da là Bản Phật thực đã thành tự lâu xa. Thuyết của ngài Trí khải tức đã bắt nguồn từ đó. Thuyết Bản, Tích, nguyên đã được khởi xướng bởi các môn nhân của ngài Cưu ma la thập đời Diêu Tần là Tăng triệu và Tăng duệ, đến đời Tùy, Trí khải mới chuyển dụng nghĩa ấy để giải thích phẩm Như lai thọ lượng trong kinh Pháp họa. Cứ theo Tăng triệu trong Chú duy ma cật kinh quyển 1 tinh tự (Đại 38, 327 trung), nói: Gốc, tích tuy khác, nhưng mà là một không thể nghĩ bàn. Lại cứ theo Pháp hoa kinh truyện kí quyển 2 Tăng duệ truyện chép, thì Tăng duệ chia kinh Pháp hoa ra làm chín triệt, trong đó, triệt Bản tích vô sinh thứ 7 là nói rõ về bản tích trong phẩm Bảo tháp kinh Pháp hoa. Ngài Trí khải chủ trương nghĩa hai thân Bản, Tích, chia nội dung kinh Pháp hoa làm hai môn Bản, Tích, tức trong hai mươi tám phẩm kinh Pháp hoa, thì mười bốn phẩm đầu là Tích môn, mười bốn phẩm cuối là Bản môn. Tích môn lấy phẩm Phương tiện làm chủ, mở phương tiện tạm thời ba Thừa để hiển bày nghĩa chân thực một Thừa, đó tức là khai quyền hiển thực. Bản môn lấy phẩm Như lai thọ lượng làm chủ, mở dấu tích gần mới thành Phật ở Già da để hiển bày cái gốc đã thành Phật từ lâu xa, đó tức là khai tích hiển bản. Tích môn là tạm thời (pháp phương tiện), Bản môn la chân thực (lí thực tướng) tạo thành pháp mầu nhiệm tạm thời và chân thực là một thể (quyền thực nhất thể). Tiến lên bước nữa mà nói, thì Tích môn là Phật mới thành ở Già da nói ba giáo Tạng, Thông, Biệt trước thời Pháp hoa, đều là phương tiện để đưa đến Viên giáo pháp hoa, vì để trừ sự chấp trước của chúng sinh vào các giáo phương tiện mà hiển bày Viên giáo (sự mở bày của Tích môn), tức là nói về pháp một Thừa Thanh văn, Duyên giác đều thành Phật. Còn Bản môn thì vì diệt trừ quan niệm cho Như lai là Tích Phật mới thành gần đây, mà trực tiếp hiển bày Bản Phật vốn đã thành từ lâu xa để khiến các Bồ tát tăng trưởng trí tuệ trung đạo mà giảm thiểu biến dịch sinh tử (thêm đạo bớt sinh). Nếu đối chiếu Bản và Tích, thì Bản môn là sự viên, Tích môn là lí viên (viên, hàm ý là Viên giáo), tuy nhiên, hai môn Bản, Tích đều là hiển bày cái lí một thực tướng. Lại Trí khải, trong Pháp hoa huyền nghĩa quyển 7, khi giải thích chữ Diệu trong đề kinh Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, lập ra Bản Tích nhị Trùng thập diệu, tức trong mười bốn phẩm Tích môn và mười bốn phẩm Bản môn đều có mười diệu. Trong Bản môn thập diệu, lập ra sáu trùng Bản Tích (sáu loại Bản Tích), đó là: 1. Lí sự bản tích. 2. Lí giáo bản tích. 3. Giáo hành bản tích. 4. Thể dụng bản tích. 5. Thực quyền bản tích. 6. Kim dĩ bản tích. Lại khi giải thích hai chữ Liên Hoa, thì trong Tích môn và Bản môn đều lập ba thí dụ, gọi là Tích Bản tam dụ, Liên hoa tam dụ. Trong những trứ thuật của mình, ngài Trí khải đã tùy từng nơi đem giáo chỉ của hai môn Bản Tích mà tuyên dương, đối với phương pháp giải thích kinh điển, ngoài việc dùng ba giải thích nhân duyên, ước giáo, quán tâm ra, còn lập Bản tích thích, hợp làm bốn giải thích. Thuyết hai môn Bản, Tích ảnh hưởng rất rộng, như thuyết Bản địa thân, Gia trì thân của Mật giáo, thuyết Thần Phật bản tích của Nhật bản, đều đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của thuyết Bản Tích nhị môn. Ngoài ra, Giác vận của Nhật bản chuyển thích thuyết ấy, chia Phật A di đà làm hai môn Bản Tích, không lâu sau, Hạnh tây của tông Tịnh độ và Thân loan của Chân tông kế thừa thuyết của Giác vận mà lập Di đà thập kiếp chính giác và Di đà cửu viễn thực thành, Thập kiếp chính giác là Di đà Tích môn, Cửu viễn thực thành là Di đà Bản môn, đồng thời, chủ trương Bản môn Di đà và chúng sinh đều có đủ Phật tính đồng thể. Còn Chứng không của phái Tây sơn thuộc tông Tịnh độ thì chủ trương Di đà mười kiếp biểu thị từ bi, Di đà lâu xa biểu thị trí tuệ, cả hai đều là chân thực, đó tức là Thập cửu lưỡng thực vậy. [X. Pháp hoa văn cú Q.9 phần dưới; Đại thừa tứ luận huyền nghĩa Q.9; Pháp hoa huyền nghĩa Q.8 phần trên; Tịnh danh huyền nghĩa Q.4; Pháp hoa huyền luận Q.9; Chỉ quán nghĩa lệ Q.thượng; Quan âm huyền nghĩa kí Q.1]. (xt. Thập Kiếp Di Đà, Thập Diệu, Ngũ Thời Bát Giáo, Lục Trùng Bản Tích, Liên Hoa Tam Dụ).