BẢN THỂ

Phật Quang Đại Từ Điển

Thông thường, các nhà triết học phương Tây giải thích bản thể: bản thể là cái tự nó tồn tại đích thực đối lập với hiện tượng. Trong Phật giáo, danh từ pháp thể được dùng để diễn đạt ý nghĩ tương đồng như thế, tức chỉ cái thể tính các pháp, hoặc những danh từ như bản chất các pháp, bản tính, pháp tính, chân như v.v… là những dụng ngữ đồng loại. Trước thời Phật giáo, người Ấn độ cổ đại nhận bản thể của vũ trũ là Phạm (Phạm:brahman), bản thể của cá nhân là Ngã (Phạm: àtman) và cho rằng bản chất của Phạm và Ngã là một (Phạm ngã nhất như). Về bản thể ngã của cá nhân, thì Phật giáo lập thuyết Vô ngã, chủ trương hết thảy các pháp đều do mối quan hệ tương y tương hỗ (nhân duyên) mà tồn tại; trong Phật giáo Đại thừa tư tưởng này còn triệt để hơn nữa mà sản sinh tư tưởng không (Phạm:sùnya). Trong các phái thuộc Phật giáo Bộ phái, có những phái như Độc tử, Pháp thượng, Chính lượng v.v… khẳng định sự tồn tại của ngã thể chủ quan (phi tức phi li uẩn ngã), cũng khẳng định các pháp hiện tượng giới, các phái này thuộc tông Pháp ngã câu hữu (ngã pháp đều có).

Lại như Thuyết nhất thiết hữu bộ cho rằng, thể tính của vạn hữu là thường hằng bất diệt suốt trong quá khứ, hiện tại và vị lai, đây tức là thuyết Tam thế thực hữu, pháp thể hằng hữu (ba đời thực có, pháp thể hằng có), nhưng ở một mặt khác, thì lại không thừa nhận sự tồn tại của Ngã, vì thế thuộc tông Ngã không pháp hữu (ngã không pháp có). Còn các phái Kinh lượng, Hóa địa, Pháp tạng, Đại chúng, Kê dận, Tây sơn trụ, Bắc sơn trụ v.v… thì chủ trương các pháp quá khứ và vị lai không có thể tính, duy chỉ pháp hiện tại là thực có, đây tức là thuyết Quá vị vô thể (quá khứ vị lai không có thể tính). Lại như Thuyết giả bộ, thì không những chỉ nhận quá vị vô thể, mà ngay cả đối với các pháp hiện tại cũng chủ trương có giả có thực. Theo Thuyết giả bộ nói, thì vạn hữu chia làm năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, trong đó năm uẩn là thực thể, nhưng mười hai xứ, mười tám giới là những pháp sở y, sở duyên, thuộc pháp tích tụ, là có giả, đây tức là thuyết Hiện pháp giả thực (pháp hiện tại có giả có thực).

Ngoài ra, Thuyết xuất thế bộ thì cho các pháp thế gian đều là có giả, duy chỉ pháp xuất thế gian là có thực thể, đây tức là thuyết Tục vọng chân thực (tục đế vọng chân đế thực). Nhất thuyết bộ thì chủ trương hết thảy vạn hữu, dù là pháp thế gian hay xuất thế gian, đều chỉ có giả danh chứ không có thực thể, đây tức là thuyết Chư pháp đãn danh (các pháp chỉ có cái tên). Vào giữa thế kỉ thứ IV Tây lịch, Ha lê bạt ma (Phạm: Harivarman), viết luận Thành thực 16 quyển, nêu cao tư tưởng không, phản đối thuyết Tam thế thực hữu, pháp thể hằng hữu của Nhất thiết hữu bộ, không những chỉ phủ nhận sự tồn tại của ngã thể chủ quan, mà còn bác luôn cả sự tồn tại của pháp thể vạn tượng khách quan, đây tức là thuyết Ngã pháp câu không (cả ngã và pháp đều là không). Giáo hệ Phật giáo có liên quan đến vấn đề bản thể tính tướng, mở đầu tự Hữu không luận của Tiểu thừa, biến chuyển mà thành Hữu không luận của Đại thừa, như giáo nghĩa Duy thức dùng thuyết Tam tính, Tam vô tính để trình bày hữu không quan về vạn hữu, và khảo sát thực lí Hữu, Không, Trung đạo. Tức dựa vào ba tính Biến kế sở chấp, Y tha khởi, Viên thành thực, từ phương diện có thuyết minh tự tính của vạn hữu, đồng thời, dựa vào ba vô tính: Tướng vô tính, Sinh vô tính, Thắng nghĩa vô tính, từ phương diện không hiển bày cái chí lí các pháp đều không, cho nên nhấn mạnh hiện tượng tuy là không hoặc có giả, nhưng thực thể thì là có thật, đây tức là luận Hữu Không Trung Đạo.

Tông Tam luận thì bác bỏ loại tư tưởng có, không tương đối ấy, mà lấy cái Không tuyệt đối bất khả đắc làm lí tưởng cùng cực, cho nên đem Tứ trùng nhị đế, Bát bất trung đạo để thuyết minh chân đế pháp tính siêu việt tình chấp, bặt hết tư lự, đây tức là luận Vô tướng giai không. Tư tưởng Không này của tông Tam luận bị coi là Bản thể luận tiêu cực; đối lại, được coi là Bản thể luận tích cực, phát huy giáo chỉ cao nhất của Đại thừa, là luận Chư pháp thực tướng của tông Thiên thai.

Tông Thiên thai dựa vào kinh Pháp hoa và mấy câu kệ trong phẩm Quán tứ đế của Trung luận (Đại 30, 33 trung): Các pháp nhân duyên sinh, Tôi bảo đó là không, cũng tức là giả danh, cũng là nghĩa trung đạo, và câu nói trong luận Đại trí độ Trong một tâm được ba trí, mà thuyết minh cái lí mầu nhiệm Không, Giả, Trung ba đế viên dung, và nêu tỏ thể tính của các pháp xưa nay vốn viên dung vô ngại.

Đồng thời, chủ trương nếu người ta phá tan được khối mê vọng thì lập tức bước vào cảnh giới thông suốt sáng chói, thể nhận hết thảy các pháp thuần là thực tướng, ngoài thực tướng ra, không có một pháp nào khác. Pháp giới muôn tượng la liệt, mỗi mỗi đều là thực tướng, vì thế sai biệt tức là bình đẳng, hiện tượng tức là thực thể, sự tướng và thực thể chẳng hai chẳng khác, muôn pháp là nhất như. Trong Phật giáo Đại thừa, ngoài luận Chư pháp thực tướng của tông Thiên thai ra, như Pháp giới duyên khởi của tông Hoa nghiêm, Lục đại duyên khởi của Mật tông, đều là tư tưởng lí luận chủ trương hiện tượng tức là bản thể. Tóm lại, cái Không mà Phật giáo Đại thừa thuyết minh, tức là cái trạng thái không thể chấp trước. Bát nhã tâm kinh (bản dịch của ngài Huyền trang) dùng những tiếng sau đây để thuyết minh mối quan hệ giữa bản thể và hiện tượng (Đại 8, 848 hạ): Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc. Trong kinh Phổ biến trí tạng bát nhã ba la mật đa tâm do ngài Pháp nguyệt dịch, trước hai câu trên đây, còn có hai vế (Đại 8, 849 thượng): Sắc tính là không, không tính là sắc. Thông thường người ta dùng hiện tượng để nắm bắt vật chất tồn tại.

Nhưng cái gọi là hiện tượng, tức phải dựa vào vô số nguyên nhân, điều kiện và luôn luôn biến hóa; trên đời tuyệt không có một hiện tượng nào là không biến hóa, vì biến hóa không ngừng nên mới có hiện tượng sản sinh, cho nên người ta mới mong nắm bắt sự tồn tại của chúng, đây tức là thế giơi Sắc tính là không, không tính là sắc, tương đương với cái Không trong ba đế Không Giả Trung do đại sư Trí khải lập ra. Cái thế giới hỗn độn không chủ thể, chưa chia thành chủ khách, là thế giới duy nhất, toàn nhất, thế giới một tức hết thảy, hết thảy tức một, người ta nên nắm bắt cái thế giới ấy.

Nhưng, muốn đạt được cảnh giới ấy, người ta không thể không dựa vào hiện tượng làm cơ sở. Duy có điều là một hiện tượng tuyệt không có bản thể, mà do nhiều hiện tượng và hết thảy pháp hỗ tương quan hệ mới có thể thành lập được; đồng thời, cũng thể nhận được thế giới duyên khởi tất cả đều do nguyên nhân và điều kiện hỗ tương y tồn mà vận hành. Giả sử hiện tượng Ngã không hoạt động, thì hãy quan sát mối liên quan với người khác, lúc đó có thể hiểu hiện tượng Ngã thường không phải do Ngã mà do các nhân tố ngoại lai người khác thêm vào khiên chế mà dần dần khác với cái Ngã hiện tại.

Đứng trên lập trường lí luận mà nói, cũng có thể lí giải hết thảy sự vật ngoại tại không ngừng phủ định tự kỉ, hoặc đối lập với tự kỉ, và trong những điều kiện như thế, người ta phải hạn định quan hệ để khẳng định tự kỉ, đây tức là thế giới Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, tương đương với thế giới Giả của tông Thiên thai. Đã có thể nắm bắt được sự thể nghiệm ở giai đoạn thứ nhất, thứ hai trên đây mà bàn đến giai đoạn thứ ba, nếu thuyết minh bằng lời nói, thì hoàn toàn tương đồng với giai đoạn trước.

Song, trong kinh nghiệm sinh động của nhân loại, trên thực cảm, xác thực có cái thế giới có thể nắm bắt được và so với giai đoạn thứ hai thì thế giới ấy cao hơn, đó tức là thế giới Sắc tức là không, không tức là sắc, tương đương với thuyết Trung của tông Thiên thai. Nói theo nghĩa cùng tột thì ba đế Không Giả Trung không có thứ tự trước sau cách lịch, mà là viên dung vô ngại, một tức ba, ba tức một, đó là nghĩa đích thực của Viên giáo tam đế viên dung trong tông Thiên thai. Mà tư tưởng ấy không những chỉ là một trong những giáo nghĩa trung tâm của tông Thiên thai, mà cũng là chứng minh của Phật pháp Đại thừa đối với bản thể viên thục nhất của muôn pháp. (xt. Không, Không Hữu Luận Tranh).