BẢN NGUYỆN TỰ

Phật Quang Đại Từ Điển

Là Bản sơn của Tịnh độ chân tông, một tông phái lớn nhất của Phật giáo Nhật bản. Chia làm hai chùa Đông và Tây. 1. Chùa Tây bản nguyện. Vị trí chùa nằm tại Kinh đô thị Hạ kinh khu Quật xuyên thông đường 6. Là bản sơn của phái chùa Bản nguyện thuộc Chân tông. Còn gọi là Bản phái Bản nguyện tự, hiệu núi là núi Long cốc. Tục gọi là A tây. Năm Hoằng trường thứ 2 (1262), vị khai tổ của Chân tông là Thân loan nhập tịch, môn đồ đem chôn ở Đông sơn Đại cốc. Chưa bao lâu, con gái của Thân loan là ni Giác tín và học trò là Hiển trí, dời đi chôn ở phía bắc Cát thủy vào năm Văn vĩnh thứ 9 (1272), xây dựng nhà Ngự ảnh và Qui sơn Thiên hoàng ban hiệu là Cửu viễn thực thành A di đà Phật bản nguyện tự, đồng thời, đặt vào hàng chùa nhà vua. Vị trú trì đời thứ 8 là Liên như, muốn vãn cứu vận suy đồi của chùa, bèn ra sức hoằng pháp, tín chúng đến đông, thanh thế mỗi ngày một thịnh, tín đồ của sơn môn Tỉ duệ thuộc tông Thiên thai thấy thế ghen ghét, nên vào năm Khoan chính thứ 6 (1465), phóng hỏa đốt tan chùa này. Liên như chạy đến chùa Viên thành ở Cận giang, sau lại gặp loạn, lần hồi trốn đến Bắc lục, thiết lập đạo tràng, giáo hóa tín chúng ở bảy châu. Đến năm Văn minh thứ 11 (1479), xây dựng chùa Bản nguyện núi Tùng lâm tại địa khu Kinh đô sơn khoa. Một lần nữa, chùa này lại bị tín đồ tông Nhật liên đốt cháy rụi (1553). Vị trú trì đời thứ 10 là Chứng như, lấy chùa Bản nguyện Thạch sơn ở Đại phản làm Bản sơn, lại khởi sự. Năm Thiên chính thứ 8 (1580), Hiển như đời thứ 11 và Chức điền tín trường cùng mưu dời tượng Tổ đến Kỉ châu lộ sâm, sau đó, dời đến Hòa tuyền (phủ Đại phản) bối trủng, rồi lại dời đến Nhiếp tân (thị trấn Đại phản) thiên mãn. Năm Thiên chính 19 (1591), tiếp nhận Phong thần tú cát hiến đất cho chùa, là khởi nguyên của chùa Tây bản nguyện ngày nay, Hoài như đời thứ 12 mới bắt tay vào việc kiến tạo. Các nhà cửa hiện nay được kiến thiết vào những năm sau trận hỏa tai năm Nguyên hòa thứ 3 (1617) gồm có các kiến trúc Tổng môn, Đường môn, Tổ đường, Thư viện, Kinh tạng, Canh tác các, Hổ chi gian, Thanh liên xã, Lăng hoa đình v.v… [X. Tùng lâm tập Q.9; Đại cốc bản nguyện tự thông kỉ Q.1 đến Q.5, Q.9; Chân tông toàn sử; Bản nguyện tự luận]. 2. Chùa Đông bản nguyện. Vị trí chùa nằm tại Kinh đô thị Hạ kinh khu Ô hoàn thông đường 7. Là Bản sơn của phái Đại cốc thuộc Chân tông. Cũng gọi là Đại cốc bản nguyện tự. Tục gọi là A đông. Năm Khánh trường thứ 7 (1602), Đức xuyên Gia khang hiến đất cho con trưởng của Hiển như là Giáo như để làm chùa, do đó, Giáo như sáng lập chùa Đông bản nguyện. Gia khang thỉnh được tượng Tổ ở chùa Diệu an tại Thượng dã tiền kiều về thờ. Năm Khoan vĩnh thứ 16 (1693), Tướng quân Gia quang lại hiến đất để mở chùa rộng thêm. Niên hiệu Vạn trị năm đầu (1658) trở đi, tiếp tục thiết lập các viện riêng, như viện Đại cốc, viện Thiển thảo v.v… Song, niên hiệu Khoan chính năm đầu (1789), năm Văn chính thứ 6 (1823), nhà cửa đã từng vài lần bị lửa thiêu rụi; những kiến trúc hiện nay thuộc thời đại Minh trị, có Đại sư đường, Sắc sứ môn, Cung ngự điện, Đại huyền quan, Đại tẩm điện, Tập hội sở, Bảo tàng v.v… trong đó, to rộng nhất là Đại sư đường, được kiến trúc vào năm Minh trị thứ 13, và phải mất mười lăm năm mới hoàn thành. [X. Tùng lâm tập Q.9; Chân tông cố thực truyền lai sao; Đại cốc bản nguyện tự thông kỉ Q.6; Đại cốc phái bản nguyện tự yếu lãm].