BẢN NGUYỆN

Phật Quang Đại Từ Điển

Phạm:pùrva praịidhàna. Chỉ sự thề nguyền ở Nhân vị, (giai vị tu nhân). Nói đủ là Bản hoằng thệ nguyện (thề nguyền xưa rộng lớn). Còn gọi là Bản thệ, Túc nguyện (nguyện kiếp trước). Tức là lời thề nguyền cứu độ chúng sinh mà Phật và bồ tát phát ra ở các kiếp quá khứ trước khi thành quả Phật. Còn ở nhân vị mà phát nguyện đến ngày nay được quả, cho nên, đối với quả vị mà gọi là Bản thệ (thề xưa). Lại chữ bản được hiểu là căn bản, tuy nói là tâm Bồ tát rộng lớn, thề nguyền cũng vô lượng, nhưng chỉ lấy nguyện này làm gốc (tức nguyện cứu độ chúng sinh), nên gọi là Bản nguyện. Nói theo nghĩa rộng thì đầu mối của sự phát nguyện cũng gọi là hoằng thệ (thề rộng). Từ ngữ Bản nguyện có xuất xứ từ kinh Vô lượng thọ quyển thượng, luận Thập trụ tì bà sa quyển 5 phẩm Dị hành.

Bản nguyện của Phật và Bồ tát phát có nhiều loại, như hết thảy Bồ tát đều phải phát tâm Bồ đề, phát nguyện kiên trì cứu độ chúng sinh, phát nguyện đoạn trừ phiền não, chứa góp đức hạnh, cho đến nguyện thành tựu quả Phật, như thế gọi là tổng nguyện trang nghiêm v.v…

Nếu phát đại nguyện riêng rẽ, như nguyện làm cho cõi nước Phật trong sạch, các cõi nước trong mười phương trong sạch, thành tựu chư chúng sinh, hoặc nguyện ở trong cõi nước ô uế mà thành Phật cứu độ các chúng sinh khó cảm hóa. Những thệ nguyện như thế, theo ý thích riêng của mỗi Bồ tát mà phát, thì gọi là biệt nguyện, như bốn mươi tám nguyện của Phật A di đà (bồ tát Pháp tạng) được chép trong kinh Vô lượng thọ quyển thượng (bản tiếng Phạm chép có bốn mươi sáu nguyện, những bản dịch của các kinh điển khác cũng chép có ba mươi sáu nguyện hoặc hai mươi bốn nguyện), năm trăm đại nguyện của Phật Thích ca được chép trong kinh Bi hoa quyển 7, và mười thiện nguyện do bồ tát Di lặc phụng hành nói trong kinh Di lặc bồ tát sở vấn bản nguyện v.v… đều là biệt nguyện cả. Lại như năm nguyện nói trong kinh Đạo hành bát nhã quyển 6 phẩm Đát kiệt ưu bà di, hai mươi chín nguyện nói trong kinh Phóng quang bát nhã quyển 13 phẩm Mộng trung hành và hai mươi nguyện nói trong kinh A súc Phật quốc quyển thượng v.v… cũng đều thuộc biệt nguyện.

Ngoài ra, còn đặc biệt vì cứu bệnh tật hoặc diệt trừ hết thảy phiền não, sự sợ hãi cho chúng sinh mà lập chí nguyện, như mười hai nguyện nói trong kinh Dược sư Như lai bản nguyện, bốn mươi bốn nguyện nói trong kinh Dược sư lưu li quang thất Phật bản nguyện công đức quyển thượng, Quan thế âm cứu khổ nguyện trong kinh Bi hoa v.v…

Lại còn mười nguyện lớn của bồ tát Phổ hiền và kinh Hoa nghiêm (bản dịch cũ) nói mười thứ hành nguyện của các Bồ tát Sơ địa, Sơ học phát, trong đó, nguyện mới phát ở hiện tại gọi là Duy phát nguyện để phân biệt với Túc nguyện đã phát ở nhân vị. Sư Tuệ viễn ở Lư sơn đem bốn mươi tám nguyện Di đà chia làm ba nguyện là Nhiếp pháp thân, Nhiếp tịnh độ và Nhiếp chúng sinh. Đại sư Thiện đạo giải thích nguyện thứ 18 là, người xưng niệm danh hiệu Phật A di đà (niệm Phật) thì đuợc nguyện Vãng sinh Tịnh độ, cũng tức là bất luận kẻ ác nào đều nhờ sức nguyện ấy mà được cứu.

Tông Tịnh độ coi nguyện thứ 18 là vương bản nguyện (vua các bản nguyện). Vị khai tổ của Tịnh độ chân tông Nhật bản là Thân loan, đem tám nguyện trọng yếu trong bốn mươi tám nguyện chia làm Chân nguyện (nguyện chân thực), Giả nguyện (nguyện giả tạm), tức sáu nguyện 11, 12, 13, 17, 18, 22 là chân, và hai nguyện 19, 20 là giả, gọi là tám nguyện chân giả. Đồng thời, trong nguyện 18, chúng sinh phát nguyện niệm Phật, nếu không được vãng sinh, thì Ngài (Phật A di đà) không lấy Chính giác (không thành Phật), cho nên, nguyện 18 cũng gọi là Nhược bất sinh giả thệ (nguyện nếu người chẳng được sinh).

Ngoài ra, những mục tiêu, đối tượng mà bản nguyện cứu giúp, gọi là Bản nguyện thực cơ, hoặc Bản nguyện chính cơ, tức chỉ chúng sinh trong đời mạt nhơ đục. Bản nguyện thề thực hành niệm Phật, gọi là Bản nguyện hành. Lại tán thán đức Phật A di đà là Bản nguyện công đức tụ, vì bản nguyện của Phật Di đà ở nhân vị đã nhiều kiếp chứa góp công đức vậy. [X. kinh Bi hoa Q.2 phẩm Đại thí; kinh Pháp hoa phẩm Thí dụ, kinh Đại A di đà Q.thượng; kinh Đại phương đẳng đại tập Q.17 phẩm Hư không tạng bồ tát; kinh Bình đẳng giác Q.1; kinh Văn thù sư lợi Phật độ nghiêm tịnh; kinh Địa tạng bản nguyện; luận Câu xá Q.9; Vãng sinh luận chú; Vãng sinh lễ tán; An lạc tập; Tuyển trạch bản nguyện niệm Phật tập]. (xt. Thệ Nguyện, Nguyện).