BÁN MÃN NHỊ GIÁO

Phật Quang Đại Từ Điển

Còn gọi là Bán mãn giáo, Bán mãn nhị tự giáo. Tức nói tắt của Bán tự giáo và Mãn tự giáo. Bán tự, nửa chữ, nguyên là chỉ chữ gốc trong tiếng Phạm, tức là tự mẫu; Mãn tự, cả chữ, thì chỉ văn tự đã được làm thành bởi các tự mẫu tập hợp lại. Luận Tì già la (Phạm:Vyàkaraịa) của Ấn độ cổ đại, là một cuốn sách về văn pháp nổi tiếng, trong năm chương, chương thứ nhất là Tất đàm nêu rõ bán tự giáo của các tự mẫu, còn nếu trao truyền toàn bộ cả năm chương thì thuộc về mãn tự giáo.

Trong Phật giáo, ý ấy được chuyển dụng để chỉ chín bộ kinh của Tiểu thừa Thanh văn là Bán tự giáo, và chỉ các kinh điển Phương đẳng Đại thừa là Mãn tự giáo. Sự phân chia hai giáo Bán, Mãn đại khái cũng giống như cách phân loại hai thừa Đại, Tiểu vậy. Bán tự giáo căn cứ theo lời thí dụ trong kinh Niết bàn (bản Bắc) quyển 5 và quyển 8 mà có; kinh Niết bàn chép, cũng như dạy dỗ con trẻ, trước dạy nửa chữ, sau mới dạy cả chữ trong luận Tì già la. Đức Phật cũng thế, trước nói chín bộ kinh Tiểu thừa, sau mới nói các kinh điển Phương đẳng Đại thừa.

Ngoài những nghĩa được ghi trên, cứ theo Xuất tam tạng kí tập quyển 1, Niết bàn kinh nghĩa kí quyển 4 phần trên, giải thích là, nói các việc thế gian khiến sinh phiền não, gọi là Bán tự, còn nói các việc xuất thế gian khiến sinh các pháp thiện, gọi là Mãn tự. Xưa nay các sư phần nhiều gọi sự giải thích này là Giáo phán:

1. Tương truyền, Đàm vô sấm đời Bắc Lương và Tuệ viễn đời Tùy, cho tạng Tiểu thừa Thanh văn là Bán tự giáo, tạng Đại thừa Bồ tát là Mãn tự giáo.

2. Do Bồ đề lưu chi đời Bắc Ngụy lập ra, bảo giáo pháp mà đức Phật nói trong khoảng mười hai năm sau khi thành đạo, là Bán tự giáo, còn giáo pháp nói từ mười hai năm trở về sau, là Mãn tự giáo.

3. Trí khải và Khuy cơ cho rằng, ý hai giáo Bán, Mãn tức là hai thừa Đại, Tiểu.

4. Trạm nhiên ở Kinh khê thì đem phối với giáo của Thiên thai, tức ba giáo Tạng, Thông, Biệt là Bán tự giáo, chỉ có Viên giáo là Mãn tự giáo.

5. Luận Niết bàn thì đem hai giáo phối với thuyết Tiệm giáo và Đốn giáo, nhưng Tiệm giáo ở đây là chỉ giáo Thanh văn, mà Đốn giáo là chỉ giáo Niết bàn, chứ không liên quan gì đến giáo pháp đốn tiệm của Thiền tông đời sau.

Tóm lại, hết thảy Phật giáo có thể được qui nạp thành hai giáo Bán, Mãn, hai giáo Quyền, Thực (quyền giả giáo và chân thực giáo, tức giáo pháp tạm thời và giáo pháp chân thực), vì thế, toàn bộ giáo thuyết Phật giáo cũng có thể được gọi chung là Bán mãn quyền thực. [X. Hoa nghiêm kinh sớ Q.1; Pháp hoa huyền nghĩa Q.10 phần dưới; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.1; Thiên thai tứ giáo nghi tập chú Q.thượng]. (xt. Nhị Giáo, Bán Tự Mãn Tự).