bản lai vô nhất vật

Phật Quang Đại Từ Điển

(本來無一物) Tiếng dùng trong Thiền lâm. Nghĩa là muôn tượng trong vũ trụ là do vọng tưởng phân biệt của người ta sinh khởi, chứ thực thì từ xưa đến nay vốn không có bất cứ vật gì có thể nắm bắt được. Hết thảy các pháp đều không, chỉ nhờ mối quan hệ hỗ tương y tồn mà có. Trong mối quan hệ hỗ tương luôn luôn biến hóa, không có một chủ thể nào độc lập tự tồn tại, cho nên chẳng có vật gì có thể chấp trước được, mà cũng không nên nắm bắt vật gì. Từ ngữ bản lai vô nhất vật có xuất xứ từ kinh Pháp bảo đàn của Lục tổ (Đại 48, 349 thượng): Bồ đề vốn không cây, gương sáng cũng không đài, xưa nay (bản lai) không một vật, bụi bám vào chỗ nào?. Ý nói hết thảy đều rỗng lặng, khi thấu suốt được lí ấy thì không có một vật gì, mà chỉ là một cảnh giới thiên chân độc chiếu. Cứ theo kinh Pháp bảo đàn nói, thì bài kệ trên đây do Lục tổ làm ra để đối lại với bài kệ của Đại thông Thần tú (Đại 48, 348 trung): Thân là cây Bồ đề, tâm như đài gương sáng; phải chăm lau chùi luôn, chớ để bụi bám vào. Tuệ năng đã nhờ bài kệ trên mà được ngũ tổ Hoằng nhẫn trao truyền áo bát và trở thành tổ thứ sáu của Thiền tông.