BẢN HÓA

Phật Quang Đại Từ Điển

Tức là sự giáo hóa của Bản Phật thực hành từ lâu xa rồi. Đối lại với Bản hóa, sự giáo hóa của Tích Phật mới thành ở Giàda thì gọi là Tích hóa. Kinh Pháp hoa quyển 5 phẩm Tòng địa dũng xuất chép, có một Bồ tát xin gánh vác công việc mở rộng kinh này sau khi đức Phật diệt độ, nhưng đức Phật gạt đi và trả lời (Đại 9, 39 hạ): Thôi, Thiện nam tử! Không cần các ông hộ trì kinh này. Tại sao vậy?

Bởi vì, trong thế giới Sa bà, ta đã có sáu muôn Hằng hà sa Bồ tát ma ha tát, mỗi mỗi Bồ tát đều có sáu muôn hằng hà sa quyến thuộc. Sau khi ta diệt độ, những người ấy sẽ hộ trì đọc tụng và rộng nói kinh này. Lúc đó, thế giới Sa bà, đất đều rúng động và nứt ra, rồi có vô lượng nghìn muôn ức Bồ tát ma ha tát từ trong đất xuất hiện. Điều này giải rõ đức Thế tôn Thích ca là Bản Phật đã thành từ kiếp lâu xa, và các Bồ tát từ dưới đất xuất hiện là những đệ tử được đức Thế tôn giáo hóa từ nhiều kiếp xa xưa lắm rồi. Các đệ tử này được gọi là Bản quyến thuộc hoặc Bản hóa Bồ tát. Đối lại với Bản Phật, Bản hóa Bồ tát, mà gọi đức Thế tôn Thích ca giảng kinh hơn bốn mươi năm là Tích Phật, mới thành ở Già da, và các đệ tử được ngài giáo hóa, thì gọi là Tích hóa Bồ tát.

Còn về vấn đề tại sao đức Thế tôn lại không cho Tích hóa Bồ tát mở rộng kinh mà lại cho Bản hóa Bồ tát làm việc ấy, thì Đại sư Trí khải thuộc tông Thiên thai, trong Pháp hoa văn cú quyển 9 phần trên phẩm Dũng xuất, có nêu ra sáu nghĩa để giải thích. Đó là: 1. Việc đức Thế tôn không cho Tích hóa Bồ tát truyền bá kinh, có ba nghĩa: a. Các Tích hóa Bồ tát đều có nhiệm vụ, nếu trụ ở cõi này thì bỏ lợi ích ở phương khác. b. Sự kết duyên giữa phương khác và cõi này thì mỏng manh, tuy muốn tuyên thuyết và truyền bá kinh, nhưng lợi ích không được mấy. c. Nếu cho Tích hóa Bồ tát truyền kinh, thì không mời được Bản hóa Bồ tát, như thế, gần sẽ không được mở, xa không được hiển. 2. Việc đức Thế tôn triệu các Bản hóa Bồ tát để giao nhiệm vụ truyền bá kinh, cũng có ba nghĩa: a. Đã là đệ tử của Thế tôn thì phải truyền bá pháp của Thế tôn. b. Vì các Bồ tát ấy có duyên sâu rộng, ngoài việc có thể làm lợi ích tràn khắp ở cõi này, còn có thể lợi ích khắp các cõi Phân thân, Tha phương. c. Có thể mở gần, hiển xa.

Lại các Bồ tát Bản hóa từ dưới đất xuất hiện, có bốn đạo sư, gọi là Thượng hành, Vô biên hành, Tịnh hành và An lập hành. Kinh Pháp hoa quyển 6 phẩm Như Lai thần lực chép, đức Thế tôn đem trọng trách truyền bá pháp trong đời vị lai giao phó cho các Bồ tát ấy, gọi là Biệt phó chúc, vì giao phó ở trong tháp, nên còn gọi là Tháp trung phó chúc. Cũng kinh trên, phẩm Chúc lụy chép, sau khi đức Thế tôn ra khỏi tháp, đem pháp giao phó cho vô lượng Bồ tát Tích hóa các phương khác, khiến truyền bá, việc giao phó ấy gọi là Tổng phó chúc hoặc là Tháp ngoại phó chúc. [X. kinh Pháp hoa Q.5 phẩm Như lai thọ lượng]. (xt. Bản Tích Nhị Môn).