BẢN GIÁC

Phật Quang Đại Từ Điển

Chỉ tính giác sẵn có. Đối lại với Thủy giác. Trải qua sự tu tập hậu thiên, lần lượt phá trừ những mê hoặc từ vô thủy đến nay, dần dần hiểu biết mà mở tỏ được nguồn tâm tiên thiên, như thế gọi là Thủy giác; còn cái giác thể tiên thiên vốn có mà bản tính nó từ xưa đến nay vẫn trong sạch sáng suốt, không bị phiền não mê vọng nhiễm ô chi phối, ảnh hưởng, thì gọi là Bản giác. Tư tưởng hai giác Bản, Thủy, trong luận Đại thừa khởi tín của Hiển giáo, luận Thích Ma ha diễn của Mật giáo và trong giáo nghĩa của tông Thiên thai Nhật bản đều có trần thuật về nghĩa, nhưng về ý thú thì lại bất nhất. Nay thuật khái quát như sau:

I. Thuyết của luận Đại thừa khởi tín: chủ trương vạn hữu đều về một tâm, và trong một tâm lập thành Tâm chân như môn, và Tâm sinh diệt môn, . 1. Đứng về mặt Tâm chân như môn mà nói, thì tâm là sự tồn tại trong sạch tuyệt đối chẳng hai, siêu việt tất cả tướng sai biệt, vốn không có cái tên Bản giác, Thủy giác. 2. Nếu đứng về mặt Tâm sinh diệt môn mà nói, thì vô thủy đến nay, tâm bị vô minh làm nhơ nhuốm, nên sinh ra các tướng sai biệt, vì vậy, trong thức Alêda mới có Bản giác, Thủy giác khác nhau. Chân như gặp duyên vô minh mà sinh khởi các hiện tượng mê vọng, trong mê vọng, tâm hoàn toàn mờ mịt chẳng biết, gọi là Bất giác; nhưng cái bản tính giác thể của tâm không hề bị thương tổn, vẫn thường đủ tướng bình đẳng và bao hàm cái đức đại trí tuệ sáng suốt, là cái thể thanh tịnh, xa lìa tất cả tâm niệm sai biệt của thế tục, tức là tính giác ngộ sẵn có, cho nên gọi là Bản giác. Tâm đã bị vọng nhiễm, nếu biết dựa vào sức huân tập của chân tâm bản giác bên trong (tác dụng của bản giác bên trong, gọi là bản giác nội huân) và sức huân tập bên ngoài (tức chỉ giáo pháp làm trợ duyên bên ngoài) mà phát tâm tu hành, thì có thể dần dần đánh thức tính giác, xa lìa vô minh, tìm về bản chân, đến lúc dứt hết vọng nhiễm bất giác mà hợp làm một với bản giác để trở thành cái đại giác Thủy, Bản chẳng hai, đó tức là cảnh giới đồng với chư Phật.

Quá trình từ lúc bắt đầu phát tâm tu hành cho đến giai đoạn đạt được trí tuệ trở thành đại giác ấy, gọi là Thủy giác. Về mối quan hệ và tác dụng hỗ tương giữa Bản giác và Thủy giác nói trên đây, trong Đại thừa khởi tín luận nghĩa kí quyển 3, ngài Pháp tạng đã bàn một cách khá rõ ràng và qui kết là: y vào Bản giác mà sinh Bất giác, y vào Bất giác mà khởi Thủy giác, lại y vào Thủy giác mà phá trừ Bất giác để trở về tính thể Bản giác.

Như thế thì biết, hai giác Thủy, Bản tuy có mối quan hệ tương đối, nhưng Thủy giác rốt ráo cũng đồng như Bản giác, cho nên, Thủy, Bản chẳng phải hai mà tuyệt đối bình đẳng, và toàn nhiên siêu việt phạm vi của tính đối lập. Nếu phối với các loại giai đoạn tu hành của Bồ tát Đại thừa, thì có thể chia Thủy giác làm bốn vị thứ: a. Bất giác….., chỉ những người thuộc giai vị Thập tín (vị Ngoại phàm), tuy đã biết cái nhân của nghiệp ác sẽ đưa đến quả khổ, đồng thời, đã xa lìa nghiệp ác, nhưng vẫn chưa sinh khởi trí đoạn hoặc, cho nên gọi là bất giác. b. Tương tự giác , chỉ những người Nhị thừa Thanh văn, Duyên giác và các Bồ tát giai vị Thập trụ, Thập hành, Thập hồi hướng…, tuy đã xa lìa ngã chấp, hiểu rõ lí Ngã không, nhưng vẫn chưa lìa bỏ được niệm phân biệt pháp chấp, đối với lí chân như, chỉ mới được cái pháp vị phảng phất ang áng như thế thôi, cho nên gọi là Tương tự giác. c. Tùy phần giác…….., chỉ các Bồ tát từ Sơ địa trở lên đến Cửu địa, đã xa lìa pháp chấp, biết rõ lí tất cả pháp đều do nơi tâm thức biến hiện; đối với lí chân như Pháp thân, có thể tùy sự tu chứng từng cảnh địa chuyển lên, cứ mỗi địa ngộ thêm được một phần lí chân như, cho nên gọi là Tùy phần giác. d. Cứu kính giác…….., chỉ các Bồ tát Thập địa, đã hoàn thành nhân hành, dùng trí tuệ một niệm tương ứng, biết rõ nguồn gốc đầu tiên của tâm, đồng thời, xa lìa những niệm nhỏ nhiệm và thấy suốt tâm tính, cho nên gọi là Cứu kính giác. Từ đó đến quả Phật thì thành tựu được đại giác Thủy, Bản chẳng hai, tuyệt đối bình đẳng. Bốn giai vị kể trên được gọi là Thủy giác tứ vị, hoặc là Phản lưu (ngược dòng) tứ vị. Bởi vì, cái dòng trôi chảy của mê giới không ngoài các tướng sinh, trụ, dị, diệt của tâm chúng sinh, theo nghĩa ấy, do thứ tự phản lưu hoàn diệt, tức theo thứ tự ngược lên mà hiểu bốn tướng, cho nên được bốn vị. Tức Bất giác là hiểu biết được tướng diệt của tâm chúng sinh, Tương tự giác là hiểu được tướng dị của tâm, Tùy phần giác là hiểu được tướng trụ của tâm, cho đến Cứu kính giác là biết được tướng sinh của tâm.

Cái gọi là ngược dòng, tức là ngược dòng sống chết mà hướng tới cái phương hướng trở về diệt của Bồ đề giác ngộ. Lại về tướng của Bản giác, có thể dùng hai nghĩa tùy nhiễm và tính tịnh để thuyết minh, về mặt tác dụng, thì dùng Tùy nhiễm bản giác để thuyết minh, về mặt thể đức, thì dùng Tính tịnh bản giác để thuyết minh. a. Tùy nhiễm bản giác……….., dựa vào phiền não nhiễm ô để nói rõ cái tác dụng của Bản giác, lại chia làm hai: một là tướng trí tịnh, tức y vào trí tuệ Thủy giác mà dứt hết vọng nhiễm bất giác để trở về tướng Bản giác xưa nay vốn trong sạch, gọi là Trí tịnh tướng; hai là tướng nghiệp bất tư nghị, tức đã khôi phục Thủy giác, dứt hết vọng nhiễm mà hiện tính đức Bản giác, rồi tùy căn khí của chúng sinh mà tương ứng một cách tự nhiên để làm các việc lợi tha, không gián đoạn. b. Tính tịnh bản giác…………, tức là thể Bản giác, tính nó xưa nay vốn thanh tịnh, hiển hiện vô hạn tác dụng.

Nếu dùng gương để thí dụ, thì có thể chia làm bốn cái gương để nêu tỏ bốn nghĩa lớn của Tính tịnh bản giác. Đó là: a. Như thực không kính , có nghĩa cũng như mặt gương sạch trống không, chẳng phản chiếu bất cứ vật gì bên ngoài, tâm thể của Tính tịnh bản giác đã tách lìa mọi tâm niệm, tự nó đã xa rời tất cả tướng cảnh giới tương ứng với tâm, rất mực thanh tịnh. b. Nhân huân tập kính, có nghĩa cũng như mặt gương chẳng không, phản chiếu tướng cảnh giới một cách như thực; tính nó chẳng ra, chẳng vào, không mất, không hoại, tâm thể thường trụ, là tính chân thực của hết thảy pháp, tự nó lại đầy đủ tính công đức vô lậu, dùng tính công đức vô lậu ấy làm nhân,.. để huân tập chúng sinh, vì thế gọi là Nhân huân tập kính.c. Pháp xuất li kính , có nghĩa cũng như lau hết bụi bậm khiến mặt gương trắng sạch, tính giác đã từ trong phiền não chướng, trí chướng thoát ra rồi thì tách lìa cái tướng nhiễm tịnh hòa hợp, chỉ còn thuần là sáng láng trong sạch, cho nên gọi là Pháp xuất li kính. d. Duyên huân tập kính , có nghĩa cũng như mặt gương đã được lau sạch bụi bậm rồi, người ta có thể dùng để soi muôn tượng, trí tính Bản giác đã thuần tịnh, tức có thể soi khắp tâm chúng sinh mà tùy niệm thị hiện, trở thành sức duyên ngoài huân tập chúng sinh siêng tu thiện căn, phát khởi trí Thủy giác, cho nên gọi là Duyên huân tập kính. Trên đây dùng gương để thí dụ bốn nghĩa lớn của Tính tịnh bản giác, gọi tắt là bốngương. Trong đó, cái ý trong hai gương trước cho biết Bản giác còn tại triền, (còn bị trói buộc). Triền, hàm ý là phiền não trói buộc. Tại triền, có nghĩa là, tâm tự tính thanh tịnh Như lai tạng còn ẩn mất trong phiền não trói buộc, ngược lại, từ trong sự trói buộc thoát ra mà hiển hiện Pháp thân, thì gọi là Xuất triền, .

Là vì Bản giác tuy bị phiền não trói buộc, nhưng tự tính nó trước sau vẫn thanh tịnh vô nhiễm. Luận Đại thừa khởi tín, khi giải thích về Tâm chân như môn, đặc biệt nêu hai nghĩa Như thực không và Như thực bất không, cũng giống như thế, Bản giác tại triền cũng có hai nghĩa Không (về mặt lìa tướng) và Bất không (về mặt đầy đủ các công đức). Cái ý trong hai gương sau cho biết Bản giác đã Xuất triền, có nghĩa là Bản giác đã tách rời phiền não cấu nhiễm mà thuần là trong sạch sáng láng, đồng nghĩa với trí tịnh tướng và bất tư nghị nghiệp tướng của Tùy nhiễm bản giác. Còn chia làm hai gương nhân huân và duyên huân, tức chỉ nhân trong và duyên ngoài của việc trở về với trí thể Bản giác; cũng tức là lấy sự tịnh huân của Bản giác bên trong làm nhân mà khởi Thủy giác (nhân huân), đồng thời, Bản giác cũng lại là sức huân duyên ngoài (duyên huân) của sự sinh khởi Thủy giác. [X. kinh Bồ tát địa trì Q.1 phẩm Chủng tính; luận Phật tính Q.2 phẩm Tam nhân; Đại thừa trang nghiêm kinh luận Q.6; Giải thâm mật kinh sớ Q.3; Khởi tín luận sớ bút tước kí Q.3].

II. Thuyết của luận Thích ma-ha-diễn quyển 3. Giác có bốn nghĩa là Bản giác, Thủy giác, Chân như và Hư không, gọi là bốn vô vi; đối với bốn môn này đều chia làm hai thứ Thanh tịnh và Nhiễm tịnh để thuyết minh. Trong đó, Bản giác thanh tịnh, là chỉ Pháp thân từ vô thủy đến nay vốn có vô lượng hằng hà sa số công đức, thường hằng sáng sạch; còn bản giác nhiễm tịnh thì chỉ tâm tự tính thanh tịnh, chịu sự huân tập của vô minh mà trôi dạt trong dòng sống chết. Thủy giác thanh tịnh là chỉ tính trí vô lậu xa lìa hết thảy vô minh, không chịu sự huân tập của vô minh; còn Thủy giác nhiễm tịnh thì chỉ Thủy giác khi chưa được rốt ráo thì vẫn còn bị vô minh huân tập khiến cho ô nhiễm. Vị khai tổ của tông Chân ngôn Nhật bản là Không hải rất coi trọng thuyết của luận Thích ma ha diễn, đã dẫn dụng rất nhiều trong các trứ tác của sư. Do đó, tông Chân ngôn của Nhật bản bèn đứng trên lập trường tất cả sự tồn tại bản lai là Phật mà lập thành chủ trương Bản hữu bản giác môn, và lấy Thai tạng giới làm Bản giác, Kim cương giới làm Thủy giác mà chủ trương thuyết hai bộ Kim cương, Thai tạng Hai mà chẳng Hai. (xt. Tứ Vô Vi).

III. Tông Thiên thai Nhật bản: đem hai giác Thủy, Bản và hai môn Bản, Tích trong kinh Pháp hoa kết hợp làm một, gọi Bản môn là pháp môn Bản giác hạ chuyển (từ quả về nhân), Tích môn là pháp môn Thủy giác thượng chuyển (từ nhân vào quả). Vị Khai tổ của tông Thiên thai Nhật bản là Tối trừng, khi đến Trung quốc học Phật (thời nhà Đường), theo học sư Đạo thúy, thừa tập pháp môn Bản giác, lấy Ma ha chỉ quán làm trung tâm mà nghiên cứu học tập các giáo lí Nhất tâm tam quán, Cửu thức tu hành, Tòng quả hướng nhân, Quán tâm vi bản v.v… Tối trừng còn theo sư Hành mãn thừa tập pháp môn Thủy giác, lấy Pháp hoa huyền nghĩa, Pháp hoa văn cú làm trung tâm mà nghiên cứu học tập các giáo lí Tứ giáo ngũ thời, Lục thức tu hành, Tòng nhân hướng quả, Giáo tướng vi bản v.v… Từ thời trung cổ trở đi, dòng Tuệ tâm chuyên truyền bá pháp môn Bản giác, dòng Đàn na thì truyền bá pháp môn Thủy giác.