bán già tư duy tượng

Phật Quang Đại Từ Điển

(半跏思惟像) Một loại tượng Phật được tạo hình theo kiểu ngồi tựa. Thông thường chân trái thõng xuống đất, chân phải xếp ngang đặt trên đầu gối trái, tay trái thoải xuống một cách tự nhiên và đặt lên mắt cá chân phải; nửa mình trên hơi cúi xuống, cả năm ngón tay phải hoặc hai ngón trỏ và giữa chống vào má bên phải, tỏ cái dáng đang suy nghĩ điều gì. Loại tượng Phật này, phổ thông nhất, là tượng Thái tử Tất đạt đa tư duy và tượng Di Lặc tư duy. Tác phẩm tạo hình loại này đã được lưu truyền ở Ấn Độ từ xưa, nguyên là biểu hiện cái tư thái của Thái tử Tất Đạt Đa trước khi xuất gia. Đại khái có ba loại: 1. Khi thái tử ngồi dưới gốc cây Diêm phù xem người nông dân đang cày ruộng, đàn chim theo sau, hễ thấy con nèn con dế nào từ trong đất cày bò ra là chúng tranh nhau mổ ăn, thấy thế, Thái tử sinh tâm thương xót và suy tư về cảnh tượng ấy. 2. Để làm nhụt chí xuất gia của Thái tử, vua Tịnh Phạn sai bày những yến tiệc liên miên, cung nhân mĩ nữ ca hát vui nhộn, khi tiệc tàn, Thái tử nhìn vẻ xấu xí của các cung nữ mệt mỏi đang ngủ và ngáy o o, mà nảy sinh tư duy. 3. Thái tử bỏ thành xuất gia, đến rừng khổ hạnh, khi từ biệt con ngựa Kiền Trắc yêu quí mà nảy sinh tư duy. Những tượng tư duy lưu truyền ở Trung Quốc phần nhiều thuộc loại này. Tại Trung Quốc, từ thời Nam Bắc triều trở đi đã có các tác phẩm tượng Bán già tư duy. Từ khoảng thế kỉ thứ V thời Bắc Ngụy, đã thấy xuất hiện kiểu tượng độc lập hình bán già tư duy, sớm nhất là tượng bán già tư duy được tạc bằng đá vào năm Thái bình chân quân thứ 3 (442) đời Thái Vũ Đế; áo của tượng dính sát vào mình, tạo hình tả thực, rõ ràng là đã chịu ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây, vì vào thời ấy, sự qua lại giữa các nước Tây Vực đã rất dễ dàng. Hậu bán thế kỉ thứ V, hang đá Vân Cương lục tục được đục khoét, trong đó tại các hang thứ 6, thứ 7, thứ 8 cũng đã xuất hiện loại tạo hình tượng tương tự. Lại Tây An là điểm giao thông then chốt giữa Đông và Tây vào thời ấy, từ sớm đã là địa phương giáo hóa của ngài Cưu Ma La Thập, văn hóa rất cao, những tượng tư duy được tạo với thể thái trọng hậu, biểu hiện phẩm cách cao thượng. Ngoài ra, còn có tượng bán già tư duy bằng ngọc trắng do Triệu Thị, vợ của Minh Nhung Ái Lạc, tạo vào năm Vũ định thứ 2 (544) đời Đông Ngụy, tượng này là di phẩm tượng bán già ở đời Đông Ngụy đến thời kì đầu đời BắcTề. Vào thời đại BắcTề, cách tạo hình dần dần đi đến hình thức nhất định, nhưng thân tượng hơi gầy (ốm) hơn và đường nét thanh nhã bóng bẩy, cho thấy cái phong thái mĩ lệ ít có trong lịch sử điêu khắc của Trung Quốc, mà đại biểu là tượng bán già tư duy bằng ngọc trắng được tạo vào niên hiệu Vũ bình năm đầu (570) đời Hậu chủ. Ngoài, những tượng bán già tư duy tại Hàn Quốc và Nhật Bản cũng chịu nhiều ảnh hưởng phong cách của Bắc Ngụy, Bắc Tề. Tượng Bán Già Tư Duy Thời Đông Ngụy Tượng Bán Già Tư Duy Thời BắcTề. Tượng tư duy sớm nhất ở nước Hàn, được tạo vào thế kỉ thứ IV, thời đại cổ Tân la. Còn có tượng bán già tư duy bằng kim đồng, mũ, xiêm… được tạo từ khoảng thế kỉ thứ VI đến thứ VII. Tại Nhật Bản thì loại tượng này được lưu hành vào các thời đại Phi điểu (552 – 644), thời đại Bạch phượng (645 – 707). Tại chùa Quảng Long cho đến nay vẫn còn tàng trữ tượng bán già tư duy bằng hai hình thức bảo quan (mũ báu) và bảo kế (tóc quí).