BÁN GIÀ PHU TỌA

Phật Quang Đại Từ Điển

Là một trong các phép ngồi. Còn gọi là Bán già chính tọa, Bán già tọa, Bán kết già, Bán già, Bán tọa, Hiền tọa. Tục gọi là ngồi tréo một nửa. Tức là phép ngồi tréo một chân, còn chân kia đặt lên trên chân tréo. Nếu cả hai chân tréo vào nhau và đặt trên bắp vế, thì gọi là Kết già phu tọa, Như Lai tọa (ngồi xếp bằng, ngồi kiểu đức Như Lai). Có hai loại ngồi bán già là Cát tường và Hàng ma. Chân phải đặt lên bắp vế bên trái là ngồi bán già Cát tường, Mật giáo phần nhiều dùng phép ngồi này, cũng gọi là Cát tường tọa, Phổ hiền già, Kim cương tát đỏa già, Tát đỏa già. Trong mạn đồ la thuộc hai bộ Kim Cương, Thai tạng, trừ các Bồ tát Hư không tạng, Thiên thủ Quan Âm, Kim Cương tạng vương và Bát nhã ra, còn hơn vài trăm vị tôn Bồ tát đều ngồi bán già trên tòa hoa sen. Và đối ứng phép ngồi này với phép ngồi của Như lai mà gọi là Bồ tát tọa (phép ngồi của Bồ tát).

Chân trái đặt trên bắp vế phải là ngồi bán già Hàng ma, cũng gọi là Hàng phục tọa, phần nhiều trong Thiền gia ứng dụng phép ngồi này. Lại cứ theo luật Tứ phần quyển 49 chép, thì ngồi bán già nguyên là kiểu ngồi riêng của tỉ khưu ni được Phật cho phép, để phòng ngừa kinh huyết rịn ra hoặc bị rắn rết xâm hại. Có lẽ chỉ vì lí do ấy mà đời sau đắp vẽ tượng các Bồ tát, phần nhiều đắp vẽ hình đàn bà. [X. kinh Bất không quyên sách thần biến chân ngôn Q.8; Hữu bộ tì nại da tạp sự Q.31; luật Ma ha tăng kì Q.40; Thập bát khế ấn. Thiền uyển thanh qui Q.8 Tọa thiền nghi]. (xt. Kết Già Phu Tọa).