bản duyên

Phật Quang Đại Từ Điển

(本緣) I. Bản duyên. Đồng nghĩa với Bản sinh. Gồm các truyện sự tích của chư Phật Bồ tát như đức Thế tôn, Di đà, Di lặc, hoặc các đệ tử Phật, trong các kiếp quá khứ xa xưa, đã từng sinh vào các ngả, các loài, hình tướng, mầu sắc, thân phận khác nhau mà tu hạnh Bồ tát. Các loại truyện cổ tích này, trong các kinh điển, được qui nạp thành Bản duyên bộ, gọi là Bản sinh kinh, Bản sinh đàm, là một trong chín bộ kinh (hoặc mười hai bộ kinh). Kinh Duy ma cật sở thuyết quyển trung phẩm Bồ tát. (Đại 14, 544), nói: Các Bồ tát lần lượt đối trước đức Phật, nói về bản duyên của mình. (xt. Bản Sinh Kinh). II.Bản duyên. Tức là nhân duyên bản lai. Chỉ cái nguyên do xuất hiện của sự vật. Nhân, là cái nguyên nhân nội tại trực tiếp dẫn sinh kết quả; duyên, là cái nguyên nhân ngoại tại, giúp đỡ một cách gián tiếp. Phật giáo thừa nhận các pháp đều do nhân duyên mà sinh, diệt, vì thế, phàm cái căn bản sinh thành các pháp, đều gọi là bản duyên.