BẢN ĐỊA THÙY TÍCH

Phật Quang Đại Từ Điển

Là Bản địa và Thùy tích nói gộp lại. Cũng gọi là Bản tích. Có nghĩa là chư Phật Bồ tát vì cứu độ chúng sinh mà từ nơi thân thực của chính mình biến hóa ra nhiều phân thân (thân chia ra từ thân chính), rủ lòng thương đời, hóa độ chúng sinh, thân thực là bản địa, phân thân là thùy tích. Địa, có nghĩa là hay sinh. Vì làm lợi vật mà từ bản thân rủ xuống (thuỳ tích) vạn hóa, cho nên, gốc hay hiện gọi là Bản địa, ngọn bị hiện gọi là Thùy tích. Như đức Bản sư Thích ca mâu ni, thực đã thành Phật từ lâu xa lắm rồi (Bản môn), thị hiện ra Ứng thân xấu kém (Tích môn) cao một trượng sáu thước để hóa độ chúng sinh.

Tư tưởng Bản địa thùy tích đã dựa trên cơ sở của hai môn Bản tích trong kinh Pháp hoa và thuyết Bản địa gia trì trong kinh Đại nhật. Lại như sự phân thân nhiếp hóa của bồ tát Quan thế âm, sự hiện hình tỉ khưu của bồ tát Địa tạng, sự ứng hóa vô phương (tức không bị ràng buộc) của các vị La hán trụ thế v.v… đều là những phương tiện dẫn dụ kẻ phàm phu mạt thế, bởi vậy mà có thuyết Thùy tích nhiếp hóa. Thuyết luân hồi chuyển sinh đã thịnh hành ở Ấn độ xưa, những thuyết các thần ứng hóa cũng không phải ít. Sau khi Phật giáo truyền vào Trung quốc, như chủ trương cho Khổng tử, Nhan hồi và Lão tử là sự ứng hóa của Bồ tát, La hán được ghi chép trong kinh Thanh tịnh hành pháp mà có người cho là ngụy tác.

Vả, Đạo giáo có thuyết Lão tử tám mươi mốt hóa, ngoài ra, Thiền tông cũng có thuyết Hàn sơn, Thập đắc, Bố đại v.v… cũng là do Thùy tích mà ra, tất cả những điều đó cho thấy Trung quốc cũng có thuyết Bản địa thùy tích. Song, tại Nhật bản thì chuyên châm chước các thần truyền thống cố hữu trong Thần đạo mà nói bản địa thùy tích. Chẳng hạn, các tông Thiên thai, Chân ngôn thì lấy Phật làm bản, lấy thần làm tích, mỗi một thần đều có một Phật, Bồ tát đáp phối, thần kì đều là thùy tích của Phật và Bồ tát [X. Bản triều cao tăng truyện Q.73, Q.74; Nhật bản giáo sử chi nghiên cứu]. (xt. Bản Tích Nhị Môn).