bản địa thân

Phật Quang Đại Từ Điển

(本地身) Còn gọi là Bản địa pháp thân. Là thuyết về thân Phật của Mật giáo, là Tự tính thân trong bốn loại Pháp thân. Tức là thân bản địa. Đối lại với Gia trì thân. Là thân căn bản làm chỗ nương tựa cho hết thảy vạn hóa, cũng tức là thực tướng Pháp thân của Phật Tì lô giá na. Theo giáo nghĩa của Mật giáo, thực tướng Pháp thân của Phật Tì lô giá na, Giáo tổ của Mật giáo, là gốc của muôn hóa, cũng như đại địa là chỗ nương tựa của muôn vật, vì thế gọi là Bản địa thân. Đối lại với Bản địa thân, người tu hành Chân ngôn, tu hạnh Tam mật, khi đã được tương ứng với Tam mật mà Phật thân xuất hiện trong Du già quán, thì gọi là Gia trì thân. Thuyết bản địa thân là căn cứ theo giáo chỉ Bản môn trong kinh Pháp hoa mà có. Đại nhật kinh sớ quyển 7 bảo, Bản địa thân là chỗ sâu thẳm vắng bặt của Diệu pháp liên hoa, cho nên, Bản địa thân cũng đồng nghĩa với Bản môn thân mà kinh Pháp hoa bảo là thường nói pháp trên núi Linh thứu. Cùng sách đã dẫn, quyển 3, lại nói Diệu pháp liên hoa tức là Thai tạng giới mạn đồ la, mà trong đó, Đại nhật Như lai ngự ở Trung đài bát diệp viện tức là Bản địa pháp thân. Tại Nhật bản, về tự thể của Bản địa thân và Gia trì thân, có rất nhiều thuyết khác nhau. Chẳng hạn như tông Cổ nghĩa chân ngôn, lấy Đại nhật Như lai ở Trung đài bát diệp viện làm Bản địa thân, và lấy chư tôn ở ba lớp ngoài mạn đồ la làm Gia trì thân; thuyết này gọi là Bản địa thuyết, Tự chứng thuyết. Tông Tân nghĩa chân ngôn thì từ Bản địa thân mà lập Gia trì thân, cho nên nhận Đại nhật Như lai ở Trung đài bát diệp viện cũng là Gia trì thân, thuyết này gọi là Gia trì thuyết. Thai mật thì nhận Bản địa thân là Lí pháp thân năng gia trì, mà Gia trì thân thì là Trí pháp thân sở gia trì. Những thuyết khác nhau trên đây, là vì những kiến giải bất đồng về vị giáo chủ của kinh Đại nhật mà có. Ngoài ra, dựa trên thuyết Đại nhật Như lai là Bản địa thân, lại sản sinh chủ trương cho chư tôn cũng có Bản địa thân, chẳng hạn như Bản địa thân của Quan âm là Di đà, Bản địa thân của Nhật thiên là Quan âm v.v… Và Phật giáo Nhật bản, với chủ trương Thần Phật tập hợp, lại tiến thêm một bước nữa mà cho rằng, các Thần mà người Nhật đã tôn thờ từ xưa, mỗi thần đều có Bản địa thân, do đó mà phát sinh ra thuyết Thần Phật bản địa thùy tích, thành ra là một đặc sắc chủ yếu của Phật giáo Nhật bản. (xt. Bản Tích Nhị Môn).