BẢN CHẤT

Phật Quang Đại Từ Điển

Là giáo nghĩa của tông Pháp tướng. Đối lại với ảnh tượng, là chỗ nương tựa của ảnh tượng. Khi tâm và tâm sở (tác dụng của tâm) nhận thức đối tượng, thì trong nội tâm biến hiện ra cái tướng trạng của đối tượng được nhận thức, là đối tượng trực tiếp của nhận thức, cái ấy gọi là ảnh tượng. Trái lại, cái căn cứ thực chất và tự thể y tồn của ảnh tượng, thì gọi là bản chất, là đối tượng gián tiếp của sự nhận thức.

Vì thế, tướng phần có thể được chia làm hai loại, là bản chất tướng phần và ảnh tượng tướng phần. Như khi nhãn thức duyên theo sắc cảnh, thì ngoài cái ảnh tượng do nhãn thức biến hiện ra, còn có sắc pháp thực chất do hạt giống của thức A-lại-da thứ tám sản sinh, đây tức là bản chất, là nơi kí thác nương tựa của ảnh tượng, gọi là Đới chất cảnh. Còn như các tướng hoa đốm, sừng thỏ nổi hiện lên trong ý thức thứ sáu, duy chỉ có ảnh tượng chứ không có bản chất kí thác nương tựa, thì gọi là Độc ảnh cảnh. Duy thức thuật kí quyển 6 phần cuối (Đại 43, 456 hạ), nói: Ngoài ảnh ra, còn có chỗ y thác (gửi gắm nương tựa), gọi là bản chất.