bài vị

Phật Quang Đại Từ Điển

(牌位) Tấm bảng gỗ hình chữ nhật viết họ tên người chết trên đó để tiện việc cúng tế. Còn gọi là Vị bản, Vị bài, Thần chủ, Thần bài, Thần bản, Chủ bài, Linh bài. Phong tục này bắt nguồn từ nhà Nho; theo lễ nhà Nho, bảng gỗ hình chữ nhật dài từ mười đến bốn mươi phân Tây, trên đó, viết họ tên và chức quan (nếu có) của người chết để linh hồn có nơi trú ngụ. Phong tục này của nhà Nho bắt đầu từ đời Đông Hán, về sau, Phật giáo cũng dùng theo, tức như Thiền gia đời Tống đã dùng. Sắc tu bách trượng thanh qui quyển 3 Thiên hóa điều (Đại 48, 1129 thượng), nói: Mỗi ngày ba thời dâng trà, họp chúng tụng kinh. Đến khi rước bài vị vào nhà Tổ thì thôi, hoặc đợi tân trú trì đến mới vào nhà Tổ cử hành Phật sự. Phong tục bài vị cùng với Thiền tông đồng thời truyền vào Nhật Bản, lưu hành khoảng từ thời đại Liêm thương trở về sau, mà thịnh nhất là vào thời đại Giang Hộ. Tại Nhật bản, mọi người gọi bài vị là Vị bài, thông thường, người chưa chết mà đặt vị bài trước, gọi là Thọ bài, Lộc bài. Thọ bài của Thiên hoàng Nhật Bản, gọi là Thiên bài; bài cúng vong linh, gọi là Tam giới vạn linh bài; bài cúng hàng ngày, gọi là Nhật bài, mỗi tháng cúng một lần thì gọi là Nguyệt bài. Lại ngôi nhà đặt các vị bài của tín đồ để cử hành các Phật sự, gọi là Vị bài đường. [X. Thiền lâm tượng khí tiên Đồ bài môn].