Bài tụng và lời tựa nêu bày ý nghĩa ẩn kín nhân dịp khánh thành công trình xây dựng thêm nhà cửa cho viện Mồ Côi của hội Phật giáo thành phố Thượng Hải
Tử Dư Thị[1] từng nói: “Lão ngô lão dĩ cập nhân chi lão, ấu ngô ấu dĩ cập nhân chi ấu, trị thiên hạ khả vận chi chưởng thượng”. (Đem lòng phụng dưỡng người già của ta để phụng dưỡng người già của kẻ khác, đem lòng thương yêu đùm bọc trẻ thơ của ta để đùm bọc, thương yêu con thơ người khác thì thiên hạ bình trị là điều nắm chắc trong tay). Từ khi cái học chân chánh bị thất truyền, nhà Nho đều lấy bài xích luân hồi làm chí hướng, sự nghiệp. Dẫu có biết cũng chẳng dám nói ra miệng. Do vậy, phụng dưỡng người già, nuôi dạy trẻ thơ của chính mình đều chẳng đạt đến đạo rốt ráo, huống hồ là với người già, trẻ thơ của người khác ư! “Lão lão” vừa nói đó chính là dùng đạo để [cha mẹ được] tự yên và dưỡng cái chí của cha mẹ, khuyên dụ cha mẹ hướng về đạo. Nếu không, dù có phụng dưỡng cẩn thận, vẫn chẳng thể khiến cho thân tâm cha mẹ rốt ráo yên vui, đều chẳng được gọi là thật sự “lão ngô lão” vậy!
Hãy để câu ấy lại mà bàn đến chuyện “ấu ấu”. Ấu ấu là dùng thân làm gương ngõ hầu nuôi dạy đúng đắn con thơ, mỗi một lời nói, mỗi một hành vi chẳng để vượt khỏi quy củ, sao cho đều là hiền là thiện, có ích cho nước nhà, chẳng gây hại cho xã hội thì mới được! Nếu không, dẫu chẳng tiếc tiền của cung cấp học phí, học vấn thành tựu xong, [con cái] chẳng hề chú trọng đạo nghĩa thì đều chẳng gọi là “ấu ngô ấu” thật sự! Con thơ của ta còn chẳng thể chân thật nuôi dạy như vậy, huống chi đối với những đứa con thơ của người chung quanh hay người đời, làm sao có thể quan tâm đến nơi đến chốn cho được? Gần đây, thế đạo hoang tàn, loạn lạc, dân không lẽ sống, bao nhiêu cô nhi không cha, không mẹ, không áo, không cơm sắp bị chết đói. Dẫu chẳng chết đói nhưng do không được dạy dỗ, ắt khó thể trở thành người đàng hoàng được! Chẳng thành gã dân ương bướng, ắt sẽ trở thành kẻ hư hỏng!
Các đại thiện sĩ như Quan Quýnh Chi v.v… nhiệt tâm làm chuyện công ích, nghĩ đến nỗi khốn khổ của cô nhi, trong năm trước đã lập một cô nhi viện Phật giáo ở nhờ chùa Bảo Liên tại Áp Bắc. Nay người đông, nhà ít, xây cất thêm bao nhiêu gian nữa, nay đã hoàn thành, cho in đặc san Kỷ Niệm, sai Quang lược thuật những nét chánh. Do vậy, bèn tụng rằng:
Giúp đỡ cô nhi,
Tài cao chót vót,
Nếu chẳng cứu giúp,
Sống bằng cách nào?
Đã được nuôi dạy,
Chánh khí ắt thành,
Hoặc là công, thương,
Học hành, cày cấy,
Là hiền, là thiện,
Tốt lành, thuần thục,
Chăm giữ đạo nghĩa,
Tuy hèn vẫn vinh,
Huống chi chẳng ít,
Anh tuấn lỗi lạc,
Do vậy biết rằng:
Nuôi dạy cô nhi,
Lợi ích sâu rộng,
Lời ông Tử Dư
Thật đã nghĩ chín,
Chỉ nguyện người nhân,
Cùng sẵn từ bi,
Nhà viện tuy thành,
Nhu cầu vẫn thiếu,
Ai nấy ra tay,
Giúp cho hoàn thành,
Thương con của người,
Con ta ắt nhờ.
Hiền thiện tiếp nối,
Nêu gương cho đời,
Lợi người, tự lợi,
Nhân quả như thế,
Chớ nên chẳng tin,
Lời Phật chẳng dối!
***
[1] Theo Sử Ký, Tử Dư Thị là tên gọi chung của ba anh em họ nhà Tử Dư, tức Trọng Hành, Yểm Tức, và Châm Hổ. Cũng như ba anh em họ Tử Xa, họ là những vị hiền thần dưới thời Tần Mục Công. Khi Tần Mục Công chết, họ là những người bị chôn sống theo vua trong số một trăm bảy mươi bảy người bị tuẫn táng. Không rõ câu nói trên do ai trong số ba người này đã nói.