Bài Học Ngàn Vàng
Sa Môn Thích Thiện Hoa

TẬP VI

CHƯƠNG XXIV

BA ANH EM NHÀ HỌ ÐOÀN

Dưới triều vua Ðột Quyết nước Nhục chi, có quan Tham tri bộ Hộ là người thanh liêm trung chính, rất được dân chúng và bạn đồng triều kính nể. Quan sanh được bốn người con, ba  trai, một gái. Cô con gái đầu lòng đã có gia thất, theo chồng đi làm quan ở một tỉnh xa. Ba cậu con trai kế tiếp theo thứ tự là: Ðoàn Tín, Ðoàn Danh, và Ðoàn Hiệp.

Ba anh em suýt soát tuổi nhau, cùng học một trường, cùng sống với nhau dưới một mái nhà, nhưng tánh tình không giống nhau.

Ðoàn Tín, người anh đầu ỷ cha mẹ giàu có, thích chơi hơn ham học. Anh ta tin ở số phận đã an bài sẵn, cái gì cũng do tiền định cả, dù mình có nhọc công hao sức cần cù chăm chỉ mà số nghèo vẫn cứ nghèo. Trái lại, nếu mình có số giàu sang thì dù có hốt của đem đổ đi, của cũng cứ đến.

Ðoàn Danh, người con trai thứ hai, trái lại, cần cù, chăm chỉ học hành, nhưng hay đau ốm. Anh tin ở mồ mả họ hàng mình là dòng khoa bảng nên sau này thế nào anh cũng trở thành một người khoa bảng, làm rạng rỡ tông môn.

Ðoàn Hiệp, người con trai út, đúng như cái tên gọi, là một trang thanh niên hào hiệp. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng anh đã có chí lớn, hằng mong mỏi đem cái sở học để sau này phò vua giúp nước, chứ không muốn trở thành một con mọt sách, hay một cái đãy đựng chữ thánh hiền.

Do tánh tình khác nhau đó, mà ba anh em thường hay khích bác nhau, mỗi khi ngồi lại với nhau là thế nào cũng sanh sự cãi vã, không ai chịu cho ai là phải.

Quan Tham tri họ Ðoàn thực khổ tâm vì sự bất hòa của ba đứa con trai, và luôn luôn phải làm trọng tài để hòa giải sự xung đột của họ. Tuy vậy, quan cũng không hẳn vô tư, vì trong ba người con trai, quan có vẻ dành nhiều thiện cảm, nhiều quí mến đối với Ðoàn Hiệp, đứa con út mà tánh tình có nhiều điểm giống mình. Trái lại, bà vợ quan thì lại thường tỏ ra thiên vị người con đầu là Ðoàn Tín, vì quan niệm về cuộc đời lại có nhiều điểm giống bà.

Do đó, sự bất hòa giữa các con nhiều lúc trở thành nguyên nhân cho sự bất hòa giữa hai cha mẹ, vì ai cũng muốn binh vực cho đứa con “hạp tuổi” của mình.

Thế rồi một hôm Triều đình vua Ðột Quyết phát động chiến dịch phổ biến “BÀI HỌC NGÀN VÀNG” cho các quan trong triều và người ngoài dân chúng áp dụng.

Hôm ấy, sau khi bãi chầu, quan Tham Tri họ Ðoàn cũng như các vị triều thần khác đdều được vua ban cho một tấm biển có khắc “Bài học ngàn vàng” với mấy chữ: “Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó”.

Quan đem về đặt lên án thư và gọi ba con đến để giảng về ý nghĩa của bài học. Sau khi tường thuật sự xuất xứ và những lợi ích lớn lao thiết thực mà “Bài học ngàn vàng” đã đem đến cho nhà vua, quan cất cao giọng hỏi:

– Các con nghĩ thế nào về “Bài học ngàn vàng” này?

Ba anh em theo thứ tự lớn nhỏ, lần lượt trả lời. Ðoàn Tín nói:

– Theo con thì phàm mọi việc xảy ra trong đời đều do tiền định cả. Muốn làm giàu, mà số mình nghèo, thì dù có làm ra tiền vàng bạc bể, rồi tay trắng cũng hoàn tay trắng. Cho nên dù suy nghĩ cho chín chắn mọi việc mình làm, kết quả chưa chắc đã đúng như ý mình suy nghĩ.

Ðoàn Danh, người con thứ hai, cãi lại:

– Anh nói như vậy không đúng. Mọi việc không phải do trời sắp đặt, mà do phúc ấm của dòng họ, mồ mả của tổ tiên mà ra. Dòng họ mình có mồ mả đỗ đạt, làm quan thì dù có vất sách vào bụi, cũng cứ đỗ đạt làm quan. Trái lại, nếu không có mả, thì dù có văn chương chữ nghĩa hơn đời, cũng cứ phải nằm co trong xó bếp, chẳng làm nên được danh phận gì. Cho nên cũng không cần suy nghĩ về hậu quả của việc mình làm, làm gì cho mệt trí. Cứ lo tu bổ mồ mả, cúng vái ông bà cho thành kính, là được.

Ðoàn Hiệp, người em út, nghe hai anh nói, không dằn được sự bực tức, lớn tiếng cãi lại:

– Sai, sai bét tất cả! Nhà ta có thờ Phật, tin Phật mà hai anh nói nghe như là những kẻ mê tín dị đoan gì đâu! Ðức Phật dạy chúng ta tin thuyết nhân quả, gieo nhân nào, gặt quả ấy, chứ đâu có dạy chúng ta tin trời, tin đất, tin mả, tin mồ, tin, tin dòng, tin họ? Chúng ta có bổn phận cúng bái ông bà, săn sóc mồ mả là vì lòng tri ân đối với những vị đã sinh thành chúng ta , là vì lòng thương yêu tôn kính đối với các bậc trưởng thượng, chứ đâu phải để nhờ vả, cầu xin các ngài làm nên cửa, nên nhà, nên chức, nên tước cho chúng ta?

Quan Tham Tri nghe Ðoàn Hiệp nói tỏ vẻ tán thành, gật đầu luôn mấy cái. Ðoàn Hiệp càng thêm phấn khởi, định nói thêm nữa, nhưng vừa lúc ấy, mẹ chàng ở sau màn the bước ra, nghiêm nét mặt, mắng chàng:

– Mày ăn nói ngạo mạn, không biết giữ gìn, thật quá phạm thượng đối với trời đất, thánh thần, tiên tổ. Mày làm như trên đầu trên cổ không có ai hết. Mày phải chừa cái tánh tự tin, tự phụ của mày đi, thì may ra mới khá được.

Mắng con xong, bà quay sang quan Tham Tri, nói có vẻ trách:

– Ông cứ để cho thằng Hiệp ăn nói hỗn xược, không kể trời đất gì cả, có ngày mang họa cả gia đình. Ông cũng biết dòng họ mình là dòng họ mấy đời làm quan nhờ phúc ấm của Tổ tiên. Nay ông nghe nó nói như vậy mà không rầy la, còn tỏ vẻ tán thành, thì chẳng khác gì bắc thang cho nó leo; rồi tai họa xảy đến, không biết đâu mà lường.

Ðoàn Tín và Ðoàn Danh nghe mẹ mắng em, rất lấy làm hả dạ, nhưng vì có cha ngồi đó nên không dám tỏ vẻ hài lòng ra mặt. Quan Tham Tri nghe vợ trách, vẫn không đổi sắc mặt, ôn tồn nói:

– Bà đừng nên cả vú lấp miệng em như vậy. Mỗi người đều có những ý nghĩ và tư tưởng riêng của họ. Mình nên để cho con cái tự do phát biểu ý kiến, để mình hiểu rõ chúng nó hơn, chứ cứ bắt chúng nghĩ và nói theo khuôn rập của mình thì thật là hẹp lượng và rồi cũng chẳng biết được chúng nghĩ gì, mặc dù chúng vẫn ở sát nách bên cạnh chúng ta.

– Ông thì lúc nào cũng cứ cái kiểu tự do quá trớn ấy! Con cái mà không ngăn cản bớt bớt thì có ngày chúng leo lên đầu lên cổ mà ngồi.

– Bà có biết vì sao tôi để cho chúng tự do phát biểu ý kiến không? – Vì tôi muốn xem chúng nó có phản ứng như thế nào về “Bài học ngàn vàng”. Tôi muốn để cho chúng nó suy nghĩ tự do, rồi đứa nào suy nghĩ như thế nào, cứ làm như thế ấy. Ðứa nào nghĩ thế nào thì kinh nghiệm thực tế sẽ cho nó thấy là đúng hay sai. Như vậy hay hơn là cứ nhứt cử nhứt động bắt nó phải theo ý của mình, mà có nhiều khi ý của mình cũng chưa chắc là đúng. Quan Tham muốn ám chỉ đến cái lòng tin tưởng về mồ mả dòng họ của vợ, nhưng không muốn nói rõ hơn, sợ bà nổi giận, thêm ồn nhà ồn cửa.

Bà Tham, là người tinh ý, nhận thấy chồng muốn chỉ trích khéo mình, nói một cách bực tức:

– Ông có muốn thí nghiệm xem ý kiến của ông có đúng hay sai thì mặc ông, chứ còn ý kiến của tôi, thì không cần thí nghiệm cũng biết là đúng.

Nói xong bà ngoe ngẩy đi nhanh vào phòng. Quan Tham nhìn theo, mỉm cười mai mỉa …

Quan xoay lại, nói với ba cậu con:

– Thôi cho các con về phòng. Còn “Bài học ngàn vàng”, các con muốn theo hay không tùy ý.

 

CHƯƠNG XXV

ÐOÀN TÍN NGHE LỜI THẦY TƯỚNG SỐ

Mấy hôm sau khi được cha cho tự ý áp dụng hay không “Bài học ngàn vàng” của vua, Ðoàn Tín vẫn sống theo nếp cũ của mình, nghĩa là bất luận sắp làm một việc gì quan trọng cũng đi hỏi trước mấy ông thầy bói khoa tướng số. Hể nghe ở đâu có ông Thầy bói hay, tướng số giỏi, thì dù khó khăn mấy, anh chàng thư sinh ấy cũng tìm đến xem cho được. Cho nên tất cả các ông thấy tướng số đều biết danh cậu Ðoàn Tín, không những biết cậu bao nhiêu tuổi, con ai, cháu ai, tánh tình ra sao, mà còn biết cả đến những chi tiết trong nhà cậu: tánh quan Tham thế nào, bà Tham ra sao, nhà xây về phía nào, có mấy cây cau, bao nhiêu con chó, con mèo … Tiền cậu bỏ ra để xem khoa tướng số, dồn lại, có thể thành một cái gia tài nho nhỏ. Thầy bói ăn tiền của cậu nhiều, nên thường tâng bốc cậu để giữa mối. Cho nên đi đâu, cậu  cũng nghe nói số cậu sang giàu, tánh mạng vững, con đông, vợ giỏi. Cậu tin lời họ nói, tin ở số mạng của mình, và đi đâu cũng khoe mình tốt số.

Thời ấy ở triều đình vua Ðột Quyết vì cần nhiều nhân tài nên năm nào cũng có mở khoa thi. Ðoàn Tín đã 22 tuổi, Ðoàn Danh 20 tuổi, và Ðoàn Hiệp 18 tuổi đều có đủ điều kiện để dự thi cả.

Ðoàn Tín đã hai lần ứng thí, nhưng đều trợt vỏ chuối. Chàng không lấy thế làm buồn, vì chàng tin chắc thế nào chàng cũng sẽ vinh hiển, chỉ vì thời chưa đến, nên phải ẩn nhẫn đợi chờ đó thôi.

Lần này, trước kỳ thi 5, 6 tháng. Chàng lại đi bói để xem kết quả ra làm sao. Ông thầy bói này tiếng đồn hay nhất kinh đô, nói đâu trúng đó. Tại nhà ông, khác hàng vô ra nườm nượp, nếu không hẹn trước, thì phải đợi chờ suốt buổi chưa chắc đã đến phiên mình. Có cái kinh nghiệm như vậy, nên Ðoàn Tín đã cho gia nhân đến nhà ông Thầy Mạnh – vâng tên ông là Mạnh – để hẹn trước ngày mai đến bói. Nhờ đó thầy Mạnh có thì giờ điều tra thêm những sự việc vừa xảy ra trong nhà quan Tham họ Ðoàn, và biết trước Ðoàn Tín sẽ đến bói về chuyện gì.

Hôm ấy, Ðoàn Tín mời cả bà Tham, mẹ mình, đi theo nữa. Bà Tham cũng muốn biết trước kết quả của việc thi cử cửa con nên không từ chối lời mời của con. Vả lại, bà cũng là một “con sâu mê bói toán”.

Thầy Mạnh sau khi chào hỏi hai mẹ con Ðoàn Tín, ngồi trầm ngâm có vẻ buồn. Hai mẹ con tôn trọng sự im lặng của thầy Mạnh, nhưng không khỏi bồn chồn trong bụng vì đoán biết chắc sẽ có việc chẳng lành xảy ra. Hồi lâu, thầy Mạnh mới cất tiếng nói, vẻ buồn bã:

– Thật là bất hạnh! Gia đạo của bà mấy hôm nay không được yên. Và điều đó có ảnh hưởng không tốt đến việc thi cử của cậu tín. Ðáng lẽ năm nay cậu thi đỗ mà đỗ cao nữa là khác nhưng chỉ vì một câu nói phạm thượng của cậu em út, xúc phạm đến các đấng trên đầu trên cổ mà cậu phải hiển đạt trễ đi một năm.

Hai mẹ con nghe nói tái người, không ngờ quẻ bói linh thiêng, nói trúng phong phóc đến thế. Ðoàn Tín vừa buồn vừa giận: Buồn vì sẽ hỏng thi, giận vì có thằng em ngỗ nghịch không tin trời tin đất, ăn nói ngạo mạn để di họa cho chàng.

Bà Tham ngồi xích lại bên thầy Mạnh, phân trần:

– Tôi đã có la mắng thằng Út rồi. Tôi biết nó nói bậy, nhưng không bịt miệng nó kịp. Tôi bực ông nhà tôi hết sức, cứ nuông chiều, khuyến khích nó, nên nó được trớn, nói càn nói dở. Thiệt khổ cho thằng Tín. Nhưng lỗi ai nấy chịu, chứ sao lại bắt họa lây? Nhờ thầy có cách gì, chỉ bảo để cho nó khỏi phải thiệt thòi, tội nghiệp.

Thầy Mạnh trầm ngâm đếm đi đếm lại mấy đốt ngón tay, rồi tuyên bố:

– May ra thì cũng có còn có thể cứu vãn được.

– Thưa Thầy, còn cứu vãn được à? May quá. Nam Mô A Di Ðà Phật! Nam Mô A Di Ðà Phật! Xin ngài cứu độ cho con tôi được nhờ!

Thầy Mạnh nghe bà cầu cứu lộn cửa, tỏ vẻ không bằng lòng. Thầy dạy:

– Ðức Phật cũng chẳng làm được gì trong vụ này. Cậu Út đã lỡ lời phạm thượng vị nào thì phải cầu xin với vị ấy.

Bà tham vội vã đính chính:

– Dạ vâng, dạ vâng, tôi nói lộn. Ðáng lẽ phải cầu khẩn với Ngọc hoàng Thượng đế, với Nam Tào Bắc Ðẩu, với mười hai mụ bà, mười ba mụ bóng, với với …

Thầy Mạnh cản lại:

– Thôi thôi, chừng ấy cũng đủ rồi. Bà về, cứ đêm đêm thắp hương giữa trời mà khấn vái vói các vị ấy, may ra câu Tín có thể đỗ được kỳ này. Nhưng nếu không đỗ kỳ này, thì còn kỳ sau. Không đỗ kỳ sau nữa, chứ số cậu Tín là số khoa bảng, ít ra cũng giựt được cái Tiến sĩ, Phó bảng về cho bà.

Lời an ủi của thầy Mạnh làm hai mẹ con hài lòng. Họ trả thầy một số tiền lớn hơn mọi lần bói trước, rồi ra về.

Từ đó, đêm nào bà Tham cũng thắp hương lâm râm ra giữa sân nhà, khấn vái trời đất qủy thần cho đứa con đầu lòng của mình sớm dỗ đạt. Và cậu Tín thì trái lại, cứ phây phây ngủ sớm dậy trưa, không thiết gì học hành, vì cậu nghĩ có siêng năng học hành thì số hỏng kỳ này cũng không làm sao cải số được “Nhứt ẩm nhứt trát, giai do tiền định”.

Nhưng một hôm, cậu đi ra phố chơi với một người bạn, hai người rủ nhau vào giải khát ở một tửu lầu bên đường. Hai người đang chén tạc chén thù, ngà ngà say thì có một ông già đầu bạc phơ, mặc áo lụa trắng, chân đi hài nhung, chống gậy bước vào. Sau lưng ông già, có một đứa tiểu đồng bưng một cái tráp sơn đen. Ông già đứng dừng lại ngắm hai chàng thanh niên rồi gật gù cái đầu, tỏ vẻ đắc ý. Ðoàn Tín và bạn thấy bộ điệu ông già khả kính nên đứng dậy ,mời ông ngồi vào bàn mình. Ông già không từ chối, ngồi xuống một cái ghế ở trước mặt Ðoàn Tín, và chăm chú nhìn chàng. Một hồi lâu, ông cất tiếng nói với chàng:

– Cậu đang có chuyện buồn, phải không?

Ðoàn Tín ngạc nhiên hỏi lại:

– Sao ông già biết được, giỏi thế?

– Lão xem tướng. Nhưng cậu buồn về chuyện gì, có thể cho lão biết chăng?

Ðoàn Tín ngập ngừng một lúc rồi trả lời:

– Quả thật tôi đang có chuyện buồn, vì kỳ thi này tôi sẽ hỏng.

Ông già phát lên cười, nắm chén rượu mà Ðoàn Tín đã rót sẵn để trước mặt mình lên uống một hơi, rồi gật gù cái đầu, nhìn chàng một hồi nữa. Ông nói:

– Tướng cậu như thế mà hỏng thi? Ai đoán vậy, đem ra căng nọc đánh một trăm roi.

– Một ông thầy bói có tiếng hay nhất ở Kinh đô. Nhưng ông già không cần biết làm gì cho mệt.

– Lão cần biết để đập mu rùa hắn cho rồi. Thầy bói thấy khoa gì mà ngu thế! Tướng cậu mà năm nay hỏng thi thì tướng nào mới đậu? Lão nói cho cậu biết, tướng cậu hưng vượng lắm. Tướng này mà không đỗ ít nhất là Tiến sĩ, Phó bảng trong năm nay, thì cậu hãy chặt cái đầu của lão đi. Lão làm thầy tướng đã 50 năm nay  chưa gặp một người nào có được cái tướng phát hiện về khoa bảng như cậu. Lão cam đoan với cậu, cậu cứ về đắp chăn ngủ, đừng cần học hành gì cả, đến kỳ thi, vẽ rồng vẽ rắn trong giấy, rồi cũng cứ đậu cho mà xem.

Ðoàn Tín nghe ông già nói, mừng như mở cờ trong bụng, nhưng cũng cứ tỏ vẻ nghi ngờ:

– Người ta bảo số tôi phát đạt chậm mới tốt. Nên tôi không tin năm này có thể đỗ được.

Ông già tỏ vẻ bất bình, lúc lắc cái đầu rồi đứng dậy:

– Tôi nói vậy đó mà cậu không tin tôi thì thôi. Nhưng nếu năm nay cậu đỗ thì xin đến cái địa chỉ này cho tôi biết nhé.

Ông già vừa nói vừa mở tráp ra đưa cho Ðoàn Tín và bạn chàng mỗi người mỗi cái thiếp màu hồng có ghi địa chỉ và mấy chữ: “Ðại chiêm tinh gia, đại tướng số gia Huỳnh Sổ”

Ðoàn Tín nắm tấm thiếp cất kỹ vào túi áo và trao cho ông già một nén bạc. Ông già thối thác một hồi, nhưng cuối cùng cũng bỏ nén bạc vào tráp và lễ phép cáo từ.

Từ hôm đó, Ðoàn Tín trở thành vui vẻ, không đắp chăn nằm ngủ li bì như trước nữa. Chàng ăn nói hoạt bát, tự tin hơn, đi chỗ này, chỗ khác, khoe khoang với bạn bè thế nào kỳ thi này mình cũng đỗ, mà đỗ cao.

Mẹ chàng cũng vui lây vì nghe tin con mình sẽ đỗ. Tuy bà không nói ra, nhưng bà đinh ninh rằng sỡ dĩ Ðoàn Tín mà được cải số như vậy là vì lòng thành của bà, đêm đêm khấn vái trời đất quỷ thần, nam tào bắc đẩu, mười hai mụ bà, mười ba mụ bóng của bà mà ra.

Thấy lòng thành của mình đã có hiệu quả, bà càng phấn khởi, mỗi đêm thắp hương khấn vái lâu hơn, nhiều hơn. Trong khi ấy thì Ðoàn Tín cũng tin ở số khoa bảng của mình, không cần phải chăm lo đèn sách làm gì cho mệt xác. Trước kia chàng thường tự bảo: “Số hỏng thi thì dù có chăm chỉ học hành cũng cứ hỏng”.

Bây giờ chàng lại tự bảo: “Số thi đỗ thì dù có vất sách vào bụi, nằm ngáy khò khò cả ngày, cũng cứ đỗ, mà đỗ cao nữa”.

Thành ra trong hai trường hợp, trường hợp nào chàng thấy cũng chẳng cần học hành chăm chỉ làm gì cả.

 

CHƯƠNG XXVI

ĐOÀN DANH TIN CÓ MẢ LÀM QUAN

Ðoàn Danh tương đối chăm chỉ học hành hơn anh nhiều. Nhưng chàng thường hay đau ốm, vì chàng sanh thiếu tháng. Có lẽ vì lý do đó mà bà Tham nâng nui, chiều chuộng chàng hơn cả trong ba người con trai. Có nhiều lúc đang vui vẻ học hành, chàng bỗng ngã bịnh đến bốn năm hôm mới khỏi. Cho nên dù có chăm chỉ, mà sức học của chàng không có gì suất sắc. Nhiều lúc chàng thấy mình đã cố gắng nhiều, nhưng vẫn không thành công như ý muốn. Do đó, chàng có cảm tưởng như có một mãnh lực gì ở ngoài đang chi phối chàng, ảnh hưởng đến chàng, khiến chàng không thể tự chủ được.

Mẹ chàng thường thuật lại cho chàng nghe khi bà có thai chàng được bảy tháng, một hôm bà đang nằm ngủ ở phía chái tây, bà nằm mơ thấy một ông già đầu tóc bạc phơ, chít một cái khăn điều, mặc áo xanh quần đỏ, chống gậy bước vào cửa. Bà chưa kịp ngồi dậy thì ông cụ già lấy gậy khẽ gõ vào chân bà, bảo bà đi chỗ khác mà nằm, vì ở đó là nơi đi về của các vị gia tiên. Bà kinh hoảng vùng dậy đi kiếm chỗ khác nằm, và vì xúc động quá, bà sanh chàng chỉ mới có 7 tháng. Do đó chàng không được mạnh khỏe như những đứa trẻ khác. Sau này bà tả lại hình dáng của ông cụ già ấy, thì bà cố của chàng bảo rằng đó là ông sơ của chàng, một vị tiên nhân rất hiển linh, của dòng họ Ðoàn và đã phò hộ cho con cháu trong họ đều được giàu sang vinh hiển, đỗ đạt làm quan.

Ðoàn Danh nghe thuật lại câu chuyện ấy, không khỏi có đôi chút tủi buồn, vì mẹ chàng khi có thai chàng, không được vị tiên nhân ấy hỏi han mà lại còn xua đuổi mẹ con chàng đi chỗ khác. Chàng thấy mình xấu số hơn những người khác trong họ vì không có diễm phúc được ông sơ săn sóc hỏi han. Cái mặc cảm lớn dần theo với tuổi tác của chàng, và chàng nghĩ rằng muốn được ân huệ của vị tiên nhân ấy thì phải săn sóc mồ mả, cúng bái linh đình cho tất cả những vị quá cố trong dòng họ. Chàng bỏ nhiều thì giờ trong công việc ấy, cho nên lại càng được bà Tham quý mến. Nói một cách bóng bẩy chàng đã quay về quá khứ để xây đắp tương lai cho mình.

Theo chàng, thì chàng muốn đổi “Bài học ngàn vàng” lại như sau: “Phàm làm việc gì, trước phải nghĩ đến dòng họ, tổ tiên”. Làm mất thanh danh của dòng họ, trái với ước nguyện của tổ tiên thì thế nào cũng thất bại, chưa nói là sẽ bị âm báo. Trái lại, theo đúng truyền thống của ông cha, giữ gìn danh tiết, chăm chỉ học hành thì thế nào cũng sẽ được ông bà phò hộ, tổ tiên giúp cho được vinh hiển sang giàu.

Trước kỳ thi năm ấy, Ðoàn Danh vẫn chăm chỉ học hành, nhưng chàng bị đau ốm liên miên và hay có chứng nhức đầu. Bà Tham nghi là có ngôi mộ nào trong họ không yên. Bà cho mời các tay địa lý có tiếng đi xem lại các ngôi mộ. Người này nói ngôi mộ này bị rễ cây đâm vào phía đầu, người kia bảo ngôi mộ kia bị sụp ở phía dưới, người khác bảo ngôi mộ của vị khai canh bị mối ăn … Bà không biết tính sao, vì không lẽ cứ dời mãi các mộ. Vả lại quan Tham không tin ở các ông thầy địa lý, thường bảo rằng: “Bọn ấy kiếm chuyện để ăn tiền, chúng cứ muốn người ta dời mộ mãi để trục lợi”. Bà Tham không bằng lòng cái lối nói khinh bạc của chồng, nhưng trong thâm tâm bà cũng thấy lời ông nói có phần đúng, vì tất cả các mộ ấy đã lần lượt có dời cả rồi mà đâu có yên. Nhưng dù sao bà vẫn tin rằng thằng con thứ của mình không được ăn chơi khỏe mạnh như mấy đứa khác là có một ngôi mộ nào đó bị động, nhưng vì chưa có vị địa lý nào giỏi để khám phá ra đó thôi.

Một hôm bà mừng rỡ nghe tin ở núi Hàm Long có một thầy địa lý quái kiệt, tinh thông mạch đất như biết rõ lòng bàn tay mình. Bà lặn lội tìm đến ra mắt vị địa lý ấy và khóc lóc thảm thiết để mong cầu thầy rũ lòng thương hại, cứu giúp cho con bà ati qua nạn khỏi để tiếp tục học hành, kịp kỳ ứng thí.

Thầy không nỡ từ chối một bà quan đã hạ mình cầu khẩn thầy. Thầy dạy phải làm thịt một con gà trống để thầy xem giò. Bà vâng lời làm gà, luộc bộ giò gà hết sức chu đáo. Trước khi đưa cho thầy xem, bà đã nhìn qua để xem có gì khác không, vì bà cũng đã từng xem ít nhất vài trăm cặp giò gà, từ khi về nhà chồng trong những vụ dời mã, nên bà cũng thuộc hạng rành xem giò gà. Bà nắm từng chiếc giò ga, lần lượt lật qua lật lại, nhưng không thấy có hiện tượng gì khác, cặp giò vẫn trắng trẻo, không có những đường gân máu đen, mấy móng chân gà vẫn quặp vào một cách đều đặn tự nhiên.

Nhưng khi bà đem vào cho thầy xem, thì mới nhìn qua, thầy đã thấy ngay những điều khác lạ. Thật là tài tình! Thầy chỉ cho bà xem ở giữa hai cái móng chân bên phải, một cái chấm đen nhỏ bằng mũi kim hiện ra, chung quanh có một đường viền nho nhỏ bằng sợi chỉ màu tím bầm. Thầy suy nghĩ một hồi rồi dạy:

– Ðấy là ngôi mộ tứ đại về phía bên bà cụ, chứ không phải bên phía cụ ông. Ngôi mộ này phía trên đầu bị một vật kim khí ém sâu vào, nên con cháu hay đau đầu. Nên dời gấp. Tôi sẽ tìm một huyệt khác, về sau con cháu hai họ sẽ hoạnh phát về khoa bảng. Bà Tham mừng rỡ, rước thầy về quê nhà mình, trình với ông Trưởng tộc về ngôi mộ động mà thầy đã chỉ cho biết và xin đề nghị với ông dời ngay, bao nhiêu phí tổn bà xin chịu hết.

Ngôi mộ sau khi được đào lên, không còn gì hết, hài cốt lâu đời đã hóa thành đất xám. Nhưng thầy cố lục lạo mãi và cuối cùng, cũng tìm ra được một cục cứt sắt nhỏ bằng hai ngón tay. Dù sao thì đó cũng là một loại kim khí! Thầy được mọi người trong họ bà Tham trầm trồ khen ngợi.

Ðoàn Danh được chứng kiến vụ dời mộ ấy, càng thêm tin tưởng về ảnh hưởng mồ mả đối với người sống. Từ đây chàng tin chắc thế nào chàng cũng thi đỗ trong kỳ thi sắp tới.

 

CHƯƠNG XXVII

ÐOÀN HIỆP TIN Ở LUẬT NHÂN QUẢ

Khác với hai anh, Ðoàn Hiệp không tin ở trời đất quỷ thần, cũng không tin ở mồ mả dòng họ. Chàng thường tự bảo rằng mọi sự việc ở đời đều do mình chủ động cả. Do đó, sau khi được quan Tham đem “Bài học ngàn vàng” về nhà, chàng xin chép ngay một bản, dán lên tường trước bàn học của mình. Sáng nào chàng ngủ dậy cũng nhìn lên bài học đọc ngầm trong miệng: “Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó”.

Trong khi hai mình, một người lo đi xem bói khoa tướng số, một người lo đi theo các ông thầy địa, xem dời mả dời mồ, thì Ðoàn Hiệp chăm chỉ học hành, sáng chiều không xao lãng. Nhờ vậy, mặc dù nhỏ tuổi, học sau hai anh, văn chương chữ nghĩa của chàng vẫn vượt trội hẳn hai anh. Quan Tham thấy con út mình tánh tình đứng đắn, lại học hành mau tấn phát nên rất quý mến chàng. Quan thấy chàng học được nên thường những lúc rãnh việc, quan đem văn chương thi phú ra đàm luận với chàng. Hai cha con rất tâm đầu ý hiệp, và tin chắc kỳ thi này, chàng sẽ chiếm bảng khôi nguyên.

Hai anh chàng thấy chàng được cha yêu quý, không khỏi nổi lòng ganh tỵ, cho rằng ông thân mình ăn ở không cân, chứ không thấy rằng chính tại họ đã tìm cách thoát ra ngoài vòng đùm bọc, chỉ dạy của cha mình.

Quan Tham thấy hai đứa con trai đầu của mình cứ theo mẹ đi sâu vào con đường mê tín dị đoan, nhiều lần muốn khuyên bảo, răn dạy chúng trở về nẻo chính. Nhưng quan vốn có tánh tự do phóng khoáng, muốn để cho chúng tự tìm lấy những kinh nghiệm bản thân, để rồi răn bảo sau mới có hiệu quả chắc chắn.

Bà Tham thấy chồng để cho mình tự do dẫn con đi bói toán, dời mả dời mồ, tưởng rằng ông không chú ý gì đến công việc mình làm. Bà chỉ trông mong sao cho mau đến kỳ thi, để cho hai đứa con trai mà bà o bế sẽ đỗ đạt thành tài, hầu chứng minh cho sự tin tưởng của mình là đúng.

Ðoàn Hiệp ăn ngủ học hành một cách đều đặn, có giờ có giấc. Trong những lúc rảnh rang, chàng ra vườn xem hoa ngắm cảnh chứ không cùng bạn lân la ở các tửu quán trrà đình như hai anh.

Ðoàn Tín và Ðoàn Danh thấy em học hành chăm chỉ, lại có thêm thân phụ mình hướng dẫn, thì trong lòng không khỏi e ngại rằng nó sẽ vượt hẳn mình và chiếm giải khôi nguyên. Lòng ganh ghét chớm nở trong hai anh, và lớn dần, lớn dần, đến nổi lấn át cả tình huynh đệ. Ðể chận đứng cái đà tiến phát của em, hai chàng bàn mưu tính kế đưa thằng em mà họ cho là ngạo mạn tự cao, vào con đường trụy lạc.

Một hôm trời đẹp, Ðoàn Hiệp đang đứng xem hoa ngắm cảnh trong vườn, thì hai anh chàng xuất hiện sau lưng chàng. Ðoàn Tín vỗ vào vai em, nói trêu chọc:

– Thi sĩ đang làm gì đó? Nói chuyện với hoa chắc. Nhưng hoa này thì để ngắm chứ không thể trò chuyện được.

Ðoàn Danh bồi thêm:

– Ðúng vậy, hoa ở đây không biết nói mà cũng chẳng có gì đẹp.

Ðoàn Hiệp ngây thơ cãi lại:

– Hoa không biết nói thì có gì là lạ? Không lẽ hoa lại nói chuyện được à?

Ðoàn Tín và Ðoàn Danh cười ngất, tỏ vẻ chế nhạo:

– Mày chỉ biết một mà không biết mười. Mày không ngờ rằng có thứ hoa biết nói. Và đó mới là điều thú vị.

– Hoa biết nói được à? Anh đã thấy chưa hay chỉ mới nghe nói?

– Thì ngày nào chúng tao lại không thấy. Chỉ có mày ngu lo vùi đầu trong sách vở mới không biết trời biết đất gì cả, chứ bọn tao thì những thứ ấy, đâu có gì lạ.

– Ở đâu vậy?

– Mày muốn đi xem không? Chúng tao dẫn đi.

Ðoàn Hiệp rất làm lạ, nhận lời ngay:

– Ði thì đi! Mà ở tận đâu lận?

– Chỉ ở gần đây thôi. Mày đi sẽ biết.

Ðoàn Hiệp vội vã vào nhà thay đổi y phục, rồi cùng hai anh ra đi, lòng mảy may không chút nghi ngờ hai anh lừa phỉnh mình.

Chàng được hai anh dẫn đến một ngôi nhà rất sang trọng ở ngoại ô. Quanh nhà có cây cảnh, mỗi cây có treo những ngọn đèn xanh rất đẹp. Trong nhà bày biện rất sang trọng, có màn che trướng phủ, người hầu kẻ hạ. Ðoàn Hiệp mới đi lần đầu, nên không biết đây là một tửu lầu thuộc hạng sang nhất trong kinh đô.

Chàng ghé tai hỏi nhỏ Ðoàn Tín:

– Ðâu? Hoa biết nói ở đâu?

– Ðể thủng thẳng sẽ thấy! Làm gì mà gấp gáp nóng nảy vậy mày! Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy uống rượu nhâm nhi chơi cái đã.

Nói xong, Ðoàn Tín gọi một người hầu bàn đem rượu và đồ nhấm ra. Chàng nói với Ðoàn Hiệp:

– Uống đi năm ba chén cho ấm bụng rồi thưởng thức hoa biết nói mới thú.

Sau khi ba anh em ngà ngà say, Ðoàn Tín bảo hai em mình ra vườn để ngắm hoa biết nói. Ba người đứng dừng lại trước một vườn hoa mẫu đơn, bỗng có một tiếng thiếu nữ cất giọng chào hỏi:

– Ba chàng đi thưởng ngoạn hoa mẫu đơn đó chăng?

Ðoàn Hiệp giựt mình nhìn rõ, thì ra đó là một thiếu nữ ăn mặc sang trọng, hình dáng yêu kiều đang đứng nép mình sau một cành cây mai vàng.

Ðoàn Tín vội nói với Ðoàn Hiệp:

– Ðó, hoa biết nói đã hiện ra đó rồi! Mày thấy có đẹp hơn thứ hoa vô duyên của mày ở nhà không?

Ðoàn Hiệp bây giờ mới vỡ lẽ ra là hai anh mình muốn trêu chọc mình, gọi người thiếu nữ đẹp là hoa biết nói. Nhưng để che giấu sự ngờ nghệch của mình, chàng làm ra vẻ sành sỏi:

– Ðẹp thì có đẹp thật, nhưng còn xem cách ăn nói ra sao mới phê bình được.

Ðoàn Hiệp nói vừa dứt câu thì thiếu nữ lại cất giọng oanh vàng thỏ thẻ:

– Mời ba chàng đến đây thưởng ngoạn cùng thiếp. Thiếp đã sắp đặt tiệc rượu ở đây rồi.

Ðoàn Tín và Ðoàn Danh mạnh dạn kéo tay em tiến tới bên cạnh ngườì đẹp. Thiếu nữ lễ phép vái chào ba người rồi kéo ghế mời ba người ngồi. Nàng ngồi ghé bên mép ghế, bên cạnh Ðoàn Hiệp, rót rượu, mời chàng uống. Mùi rượu, mùi xạ hương, mùi hoa làm cho chàng choáng váng như đang bềnh bồng trên một chiếc thuyền hoa lạc vào tiên động. Giọng quyến rũ của người thiếu nữ thỏ thẻ bên tai chàng làm cho chàng thêm ngây ngất.

Ba người ngồi uống rượu thưởng hoa cho đến gần khuya mới trở về.

Từ hôm gặp đóa hoa biết nói, Ðoàn Hiệp thẫn thờ, như người mất trí, chẳng thiết gì đến học hành. Chàng nằm dài, gác tay lên trán, mơ tưởng đến người đẹp trong vườn hoa.

Hai anh chàng dò xét thấy cá đã cắn câu, lập mưu đẩy em mình đi thêm một bước nữa vào con đường sa đọa. Một hôm Ðoàn Tín vào phòng chàng, đưa cho chàng một tấm thiếp hồng, nói:

– Từ khi con bé ấy gặp mày, nó đâm ra tương tư, ngày đêm tưởng nhớ mày, mất ăn bỏ ngủ. Hôm nay nó không thể nén lòng được, nên viết mấy chữ gởi cho mày đấy. Mày nên đến thăm nó kẻo tội nghiệp.

Hiệp nắm lấy tấm thiếp mở ra xem, chỉ thấy vỏn vẹn có mấy chữ: “Nhớ chàng không nguôi”, và tên ký: Bạch Mai.

Mặc dù chỉ có mấy chữ, tấm thiếp đã làm cho chàng cảm xúc đến ngạt thở. Chàng vùng dậy như một cái lò xo, đi thay đổi y phục và tìm đến tửu lầu hôm trước. Hai người gặp nhau mừng mừng tủi tủi, xem ra rất mực trìu mến.

Từ đó, vài ba hôm, Hiệp lại lén đến gặp nàng một lần. Tất nhiên là việc sách đèn chàng không cần chú ý đến nữa. Giọng nói thanh tao, thỏ thẻ của nàng đã ám ảnh chàng, luôn luôn văng vẳng bên tai chàng, làm cho chàng quên hết những lời hay ý đẹp của thánh hiền trong sách vở. Trước kia, mỗi buổi sáng, khi thức dậy, là chàng nhìn lên “Bài học ngàn vàng”; nhưng từ hôm gặp người đẹp, chàng không dám nhìn lên bức tường có dán bài học. Mấy ngày sau, để khỏi thắc mắc, chàng gỡ bài học xuống, xếp cất vào ngăn tủ.

Hai anh chàng mừng thầm khi thấy thằng em tự cao, tự đại của mình dã mất hết cả tự tin, không còn tự kiểm soát được nữa. Họ tin chắc với cái đà xuống dốc này, thế nào Hiệp cũng thi hỏng. Họ bảo thầm: “Ðáng kiếp! Ðể cho nó hết cái thói phách lối, dạy đời”.

Nhưng quan Tham Tri, thân sinh chàng, bắt đầu lo ngại, khi thấy đứa con yêu quý của mình trở thành biếng nhác, lêu lỏng. Nhưng quan không biết vì đâu có sự thay đổi như vậy. Quan để ý xem, thì thấy ngay “Bài học ngàn vàng” treo trên tường cũng đã biến mất đâu mất. Quan bèn sai người thân tín để ý dò xét, thì được biết sự thật. Quan rất đỗi buồn phiền khi khám phá ra sự thật ấy. Nhưng quan không muốn làm to chuyện, sợ bại lộ ra ngoài, làm tổn thương đến gia đạo.

Một hôm quan giả vờ như tình cờ vào phòng Hiệp, hỏi han sự học hành của chàng. Chàng bảo rằng bấy lâu nay trong người mệt mỏi nên không học hành được. Quan chụp lấy cơ hội ấy nói:

– Vậy thì con nên tĩnh dưỡng ít lúc. Cha được nghỉ phép nửa tháng, ngày mai cha con chúng ta lên núi Ngũ hành, viếng chùa Thiện Hải và ở lại đó tĩnh dưỡng ít ngày. Cha chắc rằng khí hậu trong lành ở đó sẽ giúp con lấy sức để tiếp tục học hành, vì kỳ thi cũng không bao lâu nữa.

Hiệp tìm cách từ chối, nhưng vì không có lý do vững chắc, nên cuối cùng chàng phải buộc lòng nghe theo cha.

Quan Tham đã chuẩn bị rất chu đáo nên trong cuộc đi này Hiệp được hưởng đủ mọi tiện nghi và thoải mái. Khí hậu lành lạnh ở đỉnh núi làm cho đầu óc chàng tỉnh táo hơn. Khung cảnh yên tĩnh của chốn thiền môn làm cho tâm hồn chàng lắng xuống, những tình cảm trong lành có cơ hội đưọc vươn lên.

Ðêm đầu tiên vì cuộc hành trình vất vả, nên chàng đánh một giấc đến sáng. Khi chàng thức dậy thì thấy ngay ở trên án thư trước mặt chàng ai đã để sẵn một tấm biển gỗ nhỏ sơn đen có ghi khắc mấy chữ bằng vàng: “Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó“. Từ lâu chàng quên hẳn “Bài học ngàn vàng”, hôm nay bỗng nhiên nó hiện lên đột ngột, như đập vào mắt mình, trí mình, làm chàng bừng tỉnh. Bài học như đang khiêm khắc cảnh cáo, lên án chàng, quở trách chàng. Từ lâu, chàng biết rằng mình đã lầm đường lạc lối, đi sâu vào con đường sa đọa, chắc chắn rằng kết quả sẽ tai hại, nhưng chàng không có gan đi lùi lại, quay sang hướng khác. Chàng biết rằng mình sẽ hỏng thi, làm đích cho miệng đời mai mỉa, chúng bạn cười chê, nhất là hai anh chàng. Chàng biết rằng chàng sẽ làm cho cha mẹ buồn phiền, tổn thương đến thanh danh của dòng họ. Chàng biết ràng cuộc đời của chàng sẽ không có lối thoát, nếu cứ đeo đuổi theo một cô gái bán phấn buôn hương, chỉ cốt bòn rút tiền bạc của chàng, chứ chẳng thương yêu gì mình. Nhưng chàng không đủ nghị lực để thoát ra, nhất là trong khi chung quanh chàng, những kỷ niệm, những màu sắc, những hình ảnh, nhữn hương vị của người thiếu nữ vẫn cứ ẩn hiện, phảng phất quyến rũ chàng.

Nhưng hôm nay, cha chàng dã khéo léo đưa chàng ra khỏi mê cung, đặt chàng vào giữa một khung cảnh trong lành thanh tịnh, để chàng có dịp gạn lọc lòng mình. Nhờ thế, chàng thấy thực rõ tất cả những hậu quả đen tối sắp xảy đến cho chàng.

Chàng bỗng gục đầu xuống bàn, khóc tấm tức. Cha chàng xuất hiện giữa khung cửa lúc nào chàng cũng không hay. Quan Tham họ Ðoàn lặng lẽ đứng nhìn con, lòng mừng thầm rằng “Bài học ngàn vàng” đã đập vào lý trí minh mẫn của đứa con yêu quí.

Quan đến đặt tay lên vai chàng, nói giọng ôn tồn, chậm rãi:

– Cha rất mừng, vì con đã nhờ “Bài học ngàn vàng” mà tỉnh ngộ. Cha không quở trách con, cũng không bắt buộc con một điều gì hết. Con đã đi sai đường lạc lối thì nay cũng chỉ có con tự mình quay lại đường lối quang minh chính đại.

Ðoàn Hiệp ngước lên nhìn cha, lòng tràn ngập mến đối với vị cha già đã tỏ ra khoan dung độ lượng đối với mình.

Chàng thưa:

– Thưa cha, con mong muốn quay về con đường chánh; nhưng con sợ những phút yếu đuối, con xin cha hãy ở bên cạnh con, để nâng đỡ con trong những lúc yếu mềm đó. Cha hãy cho con ở lại đây, tiếp tục đèn sách cho đến kỳ thi. Nếu con trở về nhà, chắc khó tránh khỏi cạm bẫy một lần nữa.

– Ðiều con yêu cầu đó rất hợp ý cha. Cha sẽ cho con ở lại đây, mọi việc đã có cha sắp đặt. Ngày mai cha sẽ cho người về kinh, đem sách vở của con lên đây để con tiếp tục học hành. Vị sư trụ trì ở đây có thể hướng dẫn con được, khi cha hết phép trở về kinh.

Hai cha con sắp đặt mọi chuyện xong xuôi, thì ánh duơng quang cũng vừa rạng rỡ ngoài trời, và trong chánh điện tiếng tụng kinh trầm bỗng của vị sư già cũng vừa chấm dứt.

 

CHƯƠNG XXVIII

HẬU QUẢ HIỆN BÀY

Kỳ thi đã đến.

Thí sinh các nơi tụ tập về kinh đông đảo lạ thường. Các đường phố, các quán trọ đâu dâu cũng đông đặc thí sinh, có người dẫn theo cả cha mẹ, vợ con, người hầu kẻ hạ, có kẻ hàn nho chỉ trơ trọi một mình, đơn phương độc mã, một mình một xó. Nhưng tất cả mọi người đều có một ước vọng giống nhau, là ngày mai, ngày kia cuộc đời mình sẽ do cuộc thi này mà rẽ sang con đường giàu sang vinh hiển.

Ba anh em con quan Tham họ Ðoàn sáng hôm ấy cũng vác lều chõng vào trường thi. Tối hôm trước, bà Tham đã thân hành đi đến nhà ông thầy tướng dạo nào để hỏi cho chắc trường hợp của Ðoàn Tín trong kỳ thi này. Thầy bảo nếu không có việc gì bất trắc xảy ra, thì Ðoàn Tín coi như đã đậu rồi. Bà cũng cho người về quê mình đưa tiền nhờ ông Trưởng tộc làm heo cúng trên mộ của vị tứ đại trong họ bà. Trong bữa cúng mộ, ông Trưởng tộc có xin một quẻ xăm về vụ thi cử của Ðoàn Danh; xăm dạy rất tốt: “Hoạn lộ hanh thông”. Bà Tham mừng rỡ vô cùng. Như vậy là hai đứa con trai đầu được coi như yên phận. Còn Ðoàn Hiệp vì còn nhỏ, có rớt cũng không can gì; vả lại thằng con cứng đầu cứng cổ ấy cũng cần cho nó trợt vỏ chuối một keo cho nó chừa cái tánh tự tác tự thọ của nó.

Rất tiếc là kết quả cuộc thi lại không xảy ra như ý bà Tham nghĩ! Khi kết quả được nêu lên, thì danh tánh hai cậu con đầu của bà được ghi vào bảng cót! Trái lại Ðoàn Hiệp, thí sinh nhỏ tuổi nhất trong trường thi, lại được đỗ phó bảng!

Kết quả ấy đã làm cho cả nhà quan Tham kinh ngạc, sững sờ, chỉ trừ quan Tham và Ðoàn Hiệp là không tỏ vẻ gì ngạc nhiên, vì họ đã đoán biết trước những gì sẽ xảy ra.

Kết quả cuộc thi làm cho gia đình quan Tham càng thêm gay cấn. Bà Tham đỗ lỗi cho quan Tham thiên vị, chỉ săn sóc thằng con Út, còn bỏ bê hai đứa con đầu. Quan Tham trách bà Tham đã khuyến khích con cái đi sâu vào con đường mê tín dị đoan, quên cả học hành. Ðoàn Tín bực tức ông thầy tướng đã đoán sai, hậm hực đến nhà ông để đòi tiền lại và mắng cho ông một trận. Nhưng đến nơi, thì ông đã chhuồn đi đâu mất, chỉ thấy lố nhố một bọn hỏng thi như chàng đang đứng la lối bâng quơ cho hả giận.

Ðoàn Danh thì vì buồn phiền, thất vọng nên chứng đau đầu lại trở lại. Nhưng bà Tham bây giờ cũng đã chán ngán, không dám nghĩ chuyện dời mả dời mồ của ai thêm nữa.

Ðoàn Hiệp là người sung sướng nhất trong nhà. Chàng mừng một phần vì được đậu cao làm rạng rỡ tông môn, một phần vì đã may sớm rời bỏ con đường trụy lạc.

Quan Tham thấy trong gia đình, sau cuộc thi, cái mầm chia rẽ lại càng thêm tăng trưởng, nên đã bảo gia nhân soạn một tiệc rượu, lấy lý do là để mừng Ðoàn Hiệp thi đỗ. Tiệc rượu đã diễn ra một cách buồn tẻ, vì mỗi người đều có những tâm sự riêng tư, khó nói ra lời.

Cuối bữa tiệc, bà Tham không dằn được cảm xúc, đã bật lên tiếng khóc. Bà trách:

– Ông thật nhẫn tâm, cố làm nhục ba mẹ con tôi. Hai đứa con đầu nó hỏng thi, có gì vui vẻ, mà ông bày đặt làm tiệc làm tùng, bắt chúng nó phải ngậm đắng nuốt cay mà ngồi vào bàn tiệc.

Quan Tham thấy rõ sự bất công vô lý của vợ, nhưng cố dằn cơn bực tức, ôn tồn bảo vợ:

– Bà đừng nói như vậy không nên. Con cái trong nhà, có đứa hỏng mà cũng có đứa đậu. Ðứa hỏng thì mình buồn, nhưng đứa đậu thì mình vui với nó. Không lẽ bắt thằng út cũng buồn lây với hai anh nó. Nó cố gắng học hành đỗ đạt thì mình phải khen thưởng nó chứ. Nó còn nhỏ, mới thi một lần đã đậu ngay, mà lại đậu cao, làm danh giá cho dòng họ thì cũng nên thưởng cho nó chứ.

Ông quay lại phía Ðoàn Hiệp, rót một chén rượu, trao cho chàng, nói:

– Cha thưỏng cho con chén rượu này. Con đã làm vinh dự cho gia đình chúng ta, làm rạng rỡ cho dòng học chúng ta, và làm được như vậy là vì con đã biết áp dụng “Bài học ngàn vàng”. Từ đây về sau, con hãy tiếp tục áp dụng nó, xem nó như một kim chỉ nam, thì chắc chắn đời con sẽ đi đến vinh quang.

Ðoàn Hiệp nói mấy lời cảm ơn cha rồi sung sướng đưa chén rượu lên môi uống một hơi hết sạch.

Quan Tham quay lại phía hai đứa con đầu. Quan nghiêm giọng nói:

– Hai con đừng nghĩ rằng cha đã bỏ mặc hai con, không săn sóc đến như mẹ con  đã nói. Hai con chắc chưa quên, gần một năm trước khi cha đem “Bài học ngàn vàng” về đây, cha đã nói cha để cho các con tự ý áp dụng hay không, vì cha nghĩ rằng trong việc giáo huấn, không nên ép buộc con cái nhắm mắt theo lời dạy của người lớn mà cần cho chúng thấy những lợi hại thiết thực trong các hành động của chúng. Có tự mình kinh nghiệm những công việc của mình làm, mới ý niệm sâu sắc điều phải quấy. Các con không còn nhỏ dại để cha mẹ phải dạy bảo từng ly từng tí nữa. Các con có đủ lý trí để suy xét những điều hay điều dở.

Trong quá khứ các con đã làm gì? Các con đã tin theo lời nói của những ông thầy bói, thầy tướng thầy số, thầy địa, thầy phù thủy, chứ không tin ở mình. Các con đã đặt tương lai của các con vào họ, chứ không vào công việc của các con.

Và kết quả đã xảy ra như thế nào, bây giờ các con đã biết. Ðáng lẽ các con phải dùng lý trí để suy luận, để thấy rằng nhân nào thì quả ấy. Các con không học, không hành, chỉ ăn ngủ chơi bời, thì chữ nghĩa đâu để mà thi cử. Các con đã thấy rõ cái tai hại của các ông thầy tướng thầy số chưa? Khi họ bảo con sẽ hỏng thì con tin chắc có học cũng học, nên không học; khi họ bảo con sẽ đậu, con tin thế nào cũng đậu, nên cũng không học. Rốt cuộc lại, trường hợp nào cũng khuyến khích các con lười nhác cả! Vả lại, học hành đâu phải chỉ cốt đậu đạt? Học nhiều thì giỏi, biết được điều hay lẽ phải, không học thì ngu dốt, không biết suy xét phán đoán việc đời, làm trò cười cho thiên hạ. Ðó là kết quả thiết thực của sự học, chứ đâu phải học chỉ để thi đỗ ra làm quan.

Vả lại, dù có gặp may mắn mà thi đỗ đi nữa, người ta cũng khi dể, chứ chẳng có danh vọng gì. Dốt mà đỗ đạt, dốt mà được làm quan to chức lớn lại càng làm bia cho người dèm pha, chế diễu.

Những điều đó, chắc chắn ngày nay các con đã thấy rõ. Và đã thấy thì phải làm sao? Cha để cho các con tự quyết định lấy.

Ðoàn Tín và Ðoàn Danh cúi đầu ngồi nghe, nhận thấy lời thân phụ mình nói rất phải. Hai chàng hối hận mình đã không biết nghe lời phụ thân từ trước, để hôm nay phải ra nông nổi như thế này. Ðoàn Tín đứng dậy thưa:

– Thưa cha con rất hối hận đã không nghe theo lời cha dạy bảo từ lâu. Con tin lời các ông thầy bói, thầy tướng hơn lời của cha. Họ đã phỉnh con. Họ làm cho con không tin vào luật nhân quả mà tin ở trời đất, quỷ thần đâu đâu. Nhưng từ nay con đã hối cải, và con quyết tâm áp dụng đúng theo lời dạy quý báu của “Bài học ngàn vàng”.

Ðoàn Danh cũng đứng lên thú nhận sai lầm của mình:

– Con đã tin vào ảnh hưởng của dòng họ, mả mồ. Con nghĩ rằng có họ phát về khoa hoạn, có họ phát về nông nghiệp, có họ phát về thương nghiệp, nên con cháu không cần phải khổ công mà vẫn thành đạt như cha ông.

Quan Tham cắt lời của người con thứ:

– Thực ra có thực trạng như vậy: Có truyền thống họ hàng, có sự phát đạt riêng của dòng họ. Nhưng điều đó không phải do một mãnh lực, một ảnh hưởng huyền bí nào, mà là một điều có thể cắt nghĩa được.

Khi trong cả họ có khả năng, có kinh nghiệm, có xu hướng về một ngành sanh hoạt nào đó như sĩ, nông, công, thương, thì chắc chắn con cháu sẽ thụ hưởng được khả năng, kinh nghiệm, ý chí của các vị tiền bối. Do đó con cháu được dễ thành công trong ngành đó hơn. Nhưng như vây không có nghĩa là chỉ khoanh tay ngồi chờ, thì mọi sự tốt đẹp sẽ đến tay mình; mà trái lại phải làm việc, phải trau dồi, phải cố gắng nhiều mới được. Con thấy đó, dòng họ ta là dòng họ khoa bảng, nhưng hai con không chịu học hành thì cũng vẫn thi hỏng như những người khác.

Ðoàn Tín đứng dậy thưa:

– Thưa cha, nhờ kinh nghiệm bản thân, con đã thấy được điều đó. Vì vậy, con xin sám hối, và từ nay quyết tâm học hành. Con sẽ luôn luôn đặt “Bài học ngàn vàng” trước mặt con để nhắc nhở con nhớ rằng: Mình phải suy nghĩ chín chắn trước khi làm; Mình phải gieo nhân lành để hưởng quả tốt!

Quan Tham nghe hai con nói, lòng mừng khấp khởi; quan không ngờ hai con mình đã cải thiện mau chóng như vậy. Quan rót cho Ðoàn Tín, Ðoàn Danh mỗi người mỗi chén rượu và nói:

– Mặc dù hai con đã thất bại trong trường thi, nhưng cha vẫn thưởng cho mỗi con một ly rượu, vì các con đã chiến thắng được sự lầm lạc, biết quay lái thuyền đời về nẻo chính.