Bài Học Ngàn Vàng
Sa Môn Thích Thiện Hoa

TẬP IV

CHƯƠNG XVIII

BÀ NĂM CÂY THỊ TRỞ THÀNH MỘT ÐẠI THƯƠNG GIA

Tại phố chợ Kinh đô nước Nhục chi, không ai là không biết gian hàng tạp hóa to lớn của bà Năm cây thị. Không rõ bà tên thật là gì, nhưng người ta thường gọi bà là bà Năm cây thị vì trước nhà bà có cây thị sum suê đồ sộ. Bà goá chồng từ khi mới 30 tuổi, nhưng bà không tái giá, ở vậy nuôi đứa con gái độc nhất cho đến bây giờ được ngoài năm mươi. Bà đến lập nghiệp ở cái phố này chưa đầy mười năm, mà bà đã giàu lớn. Khi mới đến bà chỉ là một cô hàng xén, làm chủ một gian hàng nhỏ tại hiên chợ. Không ai hiểu bà đã làm cách nào mà chỉ trong khoảng mười năm, từ hai bàn tay trắng, bà đã trở thành một đại thương gia như vậy. Có người bảo rằng bà hưởng được gia tài của một người qua đường nàm ngủ trọ trong quán bà và chết ở đấy. Có người bảo rằng bà được một viên ngọc rít và nhờ viên ngọc ấy mà bà phát tài lớn. Có người bảo rằng nhà bà có thờ vị thổ công rất linh thiêng, thường mách bảo cho bà món hàng nào nên nên mua trữ và món hàng nào không nên mua.

Thực ra đó là những lời đồn đãi để giải thích sự bộc phát của bà. Lý do chính sự giàu có của bà là những mánh khóe gian lận mà bà đã dùng trong sự mua bán. Phải công nhận là bà có tài ngoại giao ăn nói mềm mỏng dịu dàng, tiếp đón vồn vã khách hàng, nên ai cũng thích đến hàng bà. Nhưng sự khôn khéo miệng lưỡi ấy chưa đủ để tạo cho bà một sự nghiệp đồ sộ trong khoảng chưa đầy mười năm, nếu bà không áp dụng những mánh khóe gian lận như dùng trái cân già khi mua và trái cân non khi bán, trao đổi hàng hóa, phải tính phẩm vật, đầu cơ tích trữ, tóm lại không có một phương cách gì có lợi cho bà mà bà từ chối. Bà tự bảo làm nghề buôn bán mà thật thà, chất phác thì có nước bán nhà đi ở đợ. Cho nên bà đinh ninh rằng đã đi buôn thì phải biết dối trá và có nhiều mánh khóe. Và càng thu lợi nhiều, bà lại càng vững tâm tin rằng quan niệm trên của bà là đúng. Lúc mới đầu, mỗi lần giở thủ đoạn gian dối, bà còn e dè, sợ hãi, nhưng càng lâu, bà càng chai sạn, không thấy ăn năn hối hận nữa. Bà thản nhiên nấu lá chuối khô pha thêm vào nước mắm, đổ nước lạnh vào dấm, trộn mạt cưa vào cám, trận cám vào gạo, trộn gạo xấu vào gạo tốt, dán nhãn hiệu thượng hạng vào phẩm vật hạng trung, nhãn hiệu hạng trung vào phẩm vật xấu …

Nhưng không phải với ai bà cũng áp dụng những mánh khóe như vậy. Bà xem mặt mà bắt hình dung: đối với người sành sỏi thì bà tỏ ra rất chân thật, nhưng với người khờ khạo thì bà bóc lột không tiếc thương. Bà thường bảo cô con gái: ” Ở đời, khôn sống, bống chết”, đứa nào dại thì đứa ấy thiệt …

Sỡ dĩ bà thường dạy khôn dạy khéo cho cô con gái của bà vì trong sự mua bán, cô này chưa được thành thạo như bà, nghĩa là còn nhiều sơ hở đối với khách hàng, chưa áp dụng đúng nguyên tắc ” khôn sống, bống chết” mà bà đề ra.

Thí dụ, thấy một đứa nhỏ đến mua hàng, theo nguyên tắc của bà thì cô phải lợi dụng sự khờ khạo của nó để bán thứ hàng đã “pha trộn” nhưng đôi khi cô lại bán thứ “nguyên chất” vì thấy đứa  bé mặt mũi sáng sủa dễ thương.

Hay khi gặp một khách hàng nhà nghèo năn nỉ bán cho thứ hàng tốt, cô động lòng thương, lấy “thứ thiệt” đưa ra. Trong những trường hợp này, nếu bà Năm biết được thì thế nào cô cũng bị một trận mắng chửi vì bà cho là cô đã “vi phạm luật lệ mua bán” của bà. Bà bảo rằng làm như vậy là “gây xáo trộn” là “tạo khó khăn” về sau, vì lần này họ mua được thứ tốt với giá tiền phải chăng, thì lần sau họ lại đòi cho được thứ hàng ấy và “tuyên truyền” ra cho người khác biết. Thế là bà sẽ bị “chất vấn” và phải “giải thích” rất mệt, mà đôi khi còn “mất tín nhiệm” với khách hàng nữa.

Công việc buôn bán của bà đang thịnh vượng như vậy thì một việc xảy ra, đem lại cho bà nhiều khó khăn suy nghĩ.

Số là vua Ðột Quyết nước Nhục chi sau khi đem “Bài học ngàn vàng” áp dụng trong cung điện và trong triều đình thấy có được nhiều kết quả tốt, nên truyền lệnh đem bài học ấy phổ biến ra ngoài dân chúng.

Từ Kinh dô cho đến tỉnh quận, các quan sở tại có bổn phận phải làm thế nào cho dân chúng hiểu và áp dụng được bài học nói trên.

Sáng sớm hôm ấy, tại phố chợ Kinh dô, người hai bên phố rần rần đổ xô ra đứng hai bên đường xem một đám rước đi qua. Ðám rước gồm độ một trăm người lính phòng thành mặc áo dấu xanh, đỏ, mang trống, thanh la, ống loa và rất nhiều biểu ngữ có viết bài học ngàn vàng: “Phàm làm việc gì, trước phải nghĩ đến hậu quả của nó“.

Ði một dặm, đám rước lại dừng lại, phóng loa nói cho mọi người biết tôn ý của vua, giải thích nguyên do và ý nghĩa của “Bài học ngàn vàng”, và trước khi đi, họ lại phát cho mỗi người đứng xem một mảnh giấy hồng điều có chép bài học và bảo dân chúng đem về chép hay khắc lại để treo ở trong nhà. Ai không tuân, sẽ bị phạt vạ, và tái phạm sẽ bị phạt tù.

Cô con gái của bà Năm cũng nhận được một mảnh giấy có bài học đem về nhà. Như mọi nhà khác, bà Năm thuê người chạm bài học vào gỗ sơn son thếp vàng rồi treo lên trần nhà, như là một bức hoành phi.

Từ ngày “Bài học ngàn vàng” được treo trước mắt, bà Năm cảm thấy lúng túng khó chịu trong sự buôn bán của mình. Bà cảm thấy như có ai nhìn ngó cử chỉ, hành động của mình, mỗi khi mình bỏ quả cân già, lấy quả cân non, hay mỗi khi pha nước lá chuối vào nước mắm , trộn tấm vào gạo …

Nhưng vốn tính gian tham bướng bỉnh, bà chắc lưỡi, tự bảo: “Hơi đâu bà thắc mắc cho mệt xác, hậu quả mình muốn là trở thành đại phú gia, thì mình phải trù nghĩ, tính toán làm sao thu lợi vào cho nhiều, cho nhanh. Muốn mau giàu to mà lại làm việc lương thiện thì thật là phi lý! Vả lại “có tiền mua tiên cũng được”, miễn sao cho thật giàu có rồi mọi sự đều êm xuôi cả …

Nghĩ vậy, bà thấy vững tâm đi theo con đường cũ. Nhưng để được bảo đảm hơn, bà đi thỉnh một tượng Phật Quan Âm về thờ ở trên gác. Mỗi đêm, sau khi cửa tiệm đã đóng, bà tắm rửa sạch sẽ lên gác thắp hương khấn vái với Phật Bà phù hộ cho bà được mua may bán đắt. Theo lệ thường ngày rằm, mồng một nào bà cũng làm một con gà để cúng Thổ công. Từ ngày có thờ thêm Phật bà, bà bảo con gái nấu thêm xôi chè để cúng Phật. Bà đứng trước pho tượng Phật Bà, khấn vái:

– Lạy Phật Bà! Xin Ngài phù hộ con mua may bán đắt một vốn mười lời, không có việc gì trắc trở xảy ra, thì ngày rằm, mồng một nào con cũng xin nguyện dâng cúng hương hoa quả phẩm và xôi chè.

Lạy xong, bà thiết tha niệm Phật lia lịa tỏ vẻ thành kính lắm rồi lê dép xuống nhà dưới, đánh một giấc ngon lành cho đến sáng.

 

CHƯƠNG XIX

BÀ NĂM CÂY THỊ BỊ TÙ VÌ TỘI GIAN THƯƠNG

Sáu tháng sau khi “Bài học ngàn vàng” được phổ biến trong dân chúng, một hôm bà Năm đang ngồi bán hàng thì có hai bà nhà quê, khoảng 40 tuổi vào tiệm hỏi mua hàng. Bà Năm vồn vã chào hỏi:

– Các bà muốn mua gì ạ?

Một trong hai bà trả lời:

– Bà bán cho tôi hai tạ gạo thứ thượng hạng và hai tĩn nước mắm thứ thật ngon.

– Vâng, mời hai bà vào trong này ngồi nghĩ cho mát đã. Hai bà ở từ quê lên từ lúc nào mà đến sớm thế?

Bà xoay vào trong gọi con gái:

– Hai ơi, con đem nước chè nóng mời hai bà uống con!

Rồi bà lại xoay lại nói với hai bà khách hàng:

– Các bà ở xa mới đến, không biết, chứ hàng của chúng tôi ở đây đều được mọi người tín nhiệm, muốn mua thứ hàng nào là đúng y thứ hàng ấy, không sợ lầm, không sợ hớ. Các bà mua làm quen một vài lần, lần sau sẽ thấy chúng tôi buôn bán thật thà chất phác lắm. Không tin, bà đi hỏi các nhà lân cận quanh khu phố này thì biết …

Bà nói huyên thuyên bất tận làm hai bà nhà quê đứng đờ người ra đó mà ừ ừ, dạ dạ, không biết đối đáp ra sao. Sau khi đợi cho hai bà khách uống xong hai bát nước chè nóng và trả xong giá cả, bà Năm sai người nhà ra cân gạo và lấy hai tĩn nước mắm thượng hạng ra. Hai bà nhà quê hỏi đi hỏi lại cho thật chắc về giá cả và cân lượng rồi mở ruột tượng ra lấy tiền trả. Tiền nong đã trả xong, một trong hai bà mới cất tiếng nói một cách đanh thép:

– Bà bảo rằng bà chân thật, hàng của bà là thứ thượng hạng, vậy xin để cho chúng tôi thử xem lại có đúng hay không.

Nói xong bà đi ra phía cửa hàng, ngoắc gọi ba người đàn ông lực lưỡng đi vào. Ba người này mang theo một bao tời đựng nhiều quả cân đủ loại. Họ lấy ra một quả móc vào cân và xách hai bao gạo để lên cân. Hai bao gạo đều thiếu mỗi bao là 4 cân. Họ lại mở cả hai bao lấy gạo ra xem thì thấy gạo có trộn nhiều tấm và cám. Họ lại mở hai tĩn nước mắm ra xem thì mỗi tĩn chỉ chứa có nửa nước mắm và nếm xem thì đây cũng không phải là thứ nước mắm thượng hạng, mà là thứ hạng ba, hạng tư. Sau đó họ bảo bà Năm đem các quả cân cho họ xem, thì quả nào cũng không đủ cân lượng. Họ lại khám xét các loại hàng khác thì thấy thứ nào cũng không phải là thứ nguyên chất, mà có pha trộn rất nhiều.

Ba người đàn ông lấy giấy tờ ra làm biên bản, bắt bà Năm và hai bà nhà quê lăn tay vào tờ vi bằng. Làm xong thủ tục đâu vào đấy, họ liền lấy còng ra còng tay bà Năm dẫn đi.

Bà Năm mặt tái mét, cắt không ra máu, van lạy ba người đàn ông, nhưng ba người mặt lạnh như tiền, bảo rằng họ có phận sự do cấp trên truyền phải thi hành chứ không thể châm chước cho ai được. Bấy giờ bà Năm mới vỡ lẽ ra rằng hai người đàn bà nhà quê và ba người đàn ông vạm vỡ là những người do quan Ðề đốc tổ chức để đi kiểm soát dân chúng có làm theo đúng “Bài học ngàn vàng” mà họ đã treo trong nhà hay không.

Bà Năm cây thị bị ghép vào tội gian lận đầu cơ tích trữ, cửa tiệm của bà bị niêm phong và bà bị tống giam vào lao để chờ ngày lãnh án.

Trong những ngày đầu bị giam giữ trong ngục thất, bà Năm vô cùng khổ sở. Bà không ngờ trong giây phút sự nghiệp tiêu tan, hình hài bị đọa đày trong lao lý. Mỗi ngày bà chỉ được cấp cho hai vắt cơm và một chai nước lã. Ðêm đến bà nằm co rút trên một mảnh chiếu rách muỗi mòng vây quanh hút máu. Phần tiếc của, phần nhớ con, bà sụt sùi than thở một mình hết ngày này sang ngày khác.

Nhưng một hôm, sau khi bị giam giữ được 10 ngày, cửa phòng giam của bà hé mở và bà vô cùng ngạc nhiên và mừng rỡ khi nhận thấy Xuân, người con gái thân yêu của bà, xách một giỏ áo quần và vật thực vào thăm bà! Hai mẹ con ôm nhau mừng mừng tủi tủi một hồi, rồi Xuân thuật lại cho bà rõ nguyên do vì sao nàng xin được phép vào thăm bà.

Nguyên là từ khi bà Năm bị giam, ngày nào Xuân cũng đem cơm nước chờ đợi ở trước cổng công đường để hòng xin vào nuôi mẹ. Nhưng ngày nào nàng cũng thất vọng trở về, vì không quen biết ai nên không làm sao xin được giấy phép vào thăm. Một hôm có con bé độ 8, 9 tuổi bới cơm đến cho cha nó, hiện là lính gác tại lao xá, con nhỏ này ở gần nhà bà Năm cây thị, thường đến mua hàng hóa tại tiệm bà. Nó nhận ra Xuân mà nó rất mến vì mỗi lần nó đến mua hàng, bao giờ nàng cũng lén mẹ, cân đủ phân lượng và lựa thứ tốt cho nó, vì thấy nó nghèo và ngoan ngoãn dễ thương. Thấy nàng ngồi sụt sùi khóc trước cửa công đường nó đến hỏi thăm nàng và hứa sẽ xin với cha nó tìm cách để nàng vào thăm mẹ. Cha nó đã chiều ý nó lén mở cửa phòng giam lúc công đường bãi chầu, để cho Xuân vào thăm mẹ.

Từ đó cứ hai ngày, Xuân lại được người lính gác lén mở cửa phòng giam cho vào thăm mẹ và bới xách cơm nước cho bà.

Nhưng một hôm, trong khi hai mẹ con đang thì thầm trò chuyện thì cánh cửa phòng giam mở toang và một người đàn ông cao lớn trạc độ 30 tuổi đứng ngang giữa cửa. Người này chính là quan đề lao. hai mẹ con run rẩy đứng phắt dậy, nép vào tường, chờ đợi sự thịnh nộ của quan đề lao.

Quả thật, quan đề lao sau khi nhận thấy có kẻ lạ mặt đã lén lút vào phòng giam để thăm tù nhân, liền quát tháo rầm lên. Quan quở trách người lính gác đã để cho Xuân vào thăm mẹ và sai lính căng nọc ra đánh 10 hèo. Sau đó quan truyền tống giam người lính bất tuân kỷ luật ấy vào lao.

Xuân, mặc dù sợ hãi, nhưng thấy vì mình mà anh lính ấy bị vạ lây, liền quỳ xuống trước mặt quan đề lao xin tha cho người ấy. Nàng nói:

– Bẩm lạy quan lớn! Xin quan lớn rộng lòng dung tha cho bác lính ấy. Mọi sự lỗi lầm đều tại tôi mà ra. Tôi vì nóng lòng muốn được vào thăm mẹ tôi nên tôi đã năn nỉ với bác ấy cho được vào thăm. Bác ấy thấy thương cảnh mẹ con tôi côi cút, tứ cố vô thân, nên lén vi phạm lệnh quan lớn cho tôi được toại nguyện. Vậy xin quan lớn hãy bắt tội tôi và tha cho bác ấy!

Quan đề lao không khỏi ngạc ngiên trước một cử chỉ quả cảm như vậy, nhưng quan vẫn làm mặt nghiêm, nói:

– Người bất tất phải xin chịu tội thay cho lão kia. Lão ấy có tội của lão, và ngươi cũng có tội của ngươi. Ngươi đã kén lút vào đây, bất chấp cả luật lệ, ngươi tưởng ngươi không bị tội sao, lại đi nhận tội cho người khác?

– Dạ bẩm tôi xin nhận tất cả tội lỗi của tôi và của bác ấy.

Quan đề lao cười mỉa:

– Ngươi can đảm thật! Ngươi có biết hai tội ghép lại sẽ nặng như thế nào không?

Bẩm quan lớn, dù nặng thế nào đi nữa thì tôi cũng được một sự an ủi và may mắn là được giam giữ ở đây cùng mẹ tôi, để sớm hôm săn sóc cho mẹ tôi.

– À ra thế! Ngươi muốn bị giam giữ để được gần gũi với mẹ ngươi, săn sóc cho mẹ ngươi! Con có hiếu dữ! Nhưng ngươi sẽ thất vọng!

Nói xong quan xoay lui truyền lịnh cho mấy người lính gác:

– Các ngươi hãy đem con nhỏ này giam vào phòng riêng cho ta, và nhất thiết không được cho hai mẹ con liên lạc với nhau.

 

  CHƯƠNG XX

CÔ XUÂN HÀNG TUẦN ÐƯỢC ÐEM CƠM NUÔI MẸ

Quan đề lao là một thanh niên cương trực, hoạt động, làm việc rất có kỷ luật, nhưng không phải là một người ác. Quan tên thực là Lê Minh, mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ đến nay chưa có vợ con, được quan đề đốc đem về làm con nuôi và nâng đỡ cho làm đề lao. Khi Lê Minh truyền bắt giữ Xuân, con gái bà Năm cây thị và bảo giam riêng hai mẹ con hai nơi, không phải vì chàng có ác tâm muốn chia rẽ mẹ con họ để thỏa lòng tức giận. Chàng muốn xem sức chịu đựng, lòng can đảm của nàng đến đâu, chứ không phải vì ác ý.

Sau hai ngày giam giữ Xuân, chàng truyền lịnh dẫn nàng đến văn phòng để chàng hỏi cung.

Xuân thấy chàng đang ngồi ở sau chiếc bàn rộng, liền chắp tay vái chào, nét mặt hơi buồn, nhưng không có vẻ oán giận gì chàng. Và Lê Minh hôm nay cũng không có vẻ nghiêm khắc như lần đầu. Chàng chỉ một chiếc ghế ở trước mặt, bảo nàng ngồi xuống. Xuân ngập ngừng hai ba lần mới ngồi ghé xuống.

Minh cất giọng hỏi:

– Ngươi hối lộ cho tên lính gác ngục bao nhiêu để vào thăm mẹ ngươi?

– Thưa ngài, tôi xin ngài đừng nghi oan cho bác ấy mà tội nghiệp. Bác chỉ vì lòng thương mẹ con tôi mà cho tôi được vào thăm mẹ tôi.

– Vì tình thương mà thôi? Vậy thì cả nhà lao này, sao lão ta không thương hết cả tù nhân cho bà con thân thích vào thăm?

Xuân liền thuật lại đầu đuôi chi tiết:

– Do nguyên do là bác ta ở gần tiệm tạp hóa của mẹ con tôi. Con gái nhỏ của bác ta thường đến mua hàng ở nhà tôi nên nó quen tôi. Một hôm nó thấy tôi đợi ngoài cửa công đường đang ngồi khóc vì không làm sao để được phép vào thăm mẹ tôi. Nó động lòng thương mách với cha, tức là bác ấy, để cho tôi được vào gặp mẹ tôi. Bác nghe con nói động lòng thương nên chờ lúc bãi sở, lén mở cửa lao cho tôi vào.

Lê Minh nghe câu chuyện, cười mai mỉa:

– Hàng của mẹ con nhà ngươi có tiếng là mua rẻ bán đắt, thế mà cũng gây được cảm tình của một đứa con gái nhỏ, thì thật là lạ!

Xuân ngập ngừng một lúc rồi đáp:

– Thưa, có lẽ nó có cảm tình đối với tôi thì đúng hơn là với cửa hàng của mẹ con tôi.

– Ngươi nói sao ta không được hiểu.

– Thưa nghĩa là mẹ tôi đối với khách hàng thì rất là khe khắt, nhưng tôi thì không có như vậy. Mỗi khi con bé của bác ấy đến mua hàng, tôi thấy nó nhỏ dại tôi nghiệp nên bao giờ cũng lén mẹ tôi đưa cho nó thứ hàng tốt với giá rẻ.

– Ngươi làm như ậy không sợ mẹ ngươi la mắng sao?

– Thưa, mẹ tôi thường la mắng tôi về chuyện ấy, nhưng tôi nghe luôn cũng thành quen. Vả lại mẹ tôi thương tôi nên không la mắng nhiều.

Lê Minh nghe nàng trả lời một cách đàng hoàng chân thật, nên cũng có thiện cảm với nàng. Chàng bảo:

– Ngươi đã phạm luật lệ của nhà lao, lén vào thăm tù nhân mà không có giấy phép của ta, đáng lẽ thì bị phạt giam một tháng. Nhưng ta nghĩ thương hại cho mẹ con ngươi, nên thả cho ngươi về. Từ nay về sau không được bén mảng đến đây nữa.

Cô gái nghe quan đề lao nói, không lộ vẻ vui mừng mà lại ra chiều hốt hoảng:

Nàng thưa:

– Thưa quan lớn, quan lớn tha tội mà không cho tôi từ nay được đến thăm viếng mẹ tôi, thì thà rằng quan lớn cứ bắt giam như cũ, để tôi được gần mẹ tôi còn hơn.

– Vậy nghĩa là ngươi không muốn được thả ra?

– Dạ muốn được thả, nhưng mong ước làm sao được vào thăm mẹ tôi, nếu không được như vậy thì thà …

– … thà là bị giam lại đây, phải không?

– Dạ thưa phải!

– Nhưng ngươi cũng đã biết dù ở đây ngươi cũng không được gặp mẹ ngươi kia mà.

– Thưa, dù bị giam giữ riêng, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng là được ở gần cạnh mẹ tôi, cùng chia sẻ với mẹ tôi những điều đau khổ.

Lê Minh lại nói nửa đùa nửa thực:

– Con có hiếu dữ a!

Chàng trầm ngâm một lát rồi nói:

– Thôi ta để cho ngươi về, và cho phép cứ hai hôm đến thăm mẹ ngươi một lần.

Mắt Xuân sáng lên, lộ vẻ hân hoan nhưng rồi nàng lại tỏ ra tư lự. Lê Minh nhận thấy vẻ tư lự của nàng, hỏi:

– Sao ngươi đã bằng lòng chưa?

– Da thưa, tôi xin đội ơn quan lớn đã thương mẹ con tôi mà cho tôi được toại nguyện. Nhưng tôi vẫn chưa thấy được yên lòng, vì nghĩ đến bác gác vẫn còn bị giam giữ.

Quan đề lao ôn tồn nói:

– Tên ấy phạm kỷ luật, ta không thể tha thứ được.

– Thưa tôi cũng biết như vậy. Nhưng chỉ thương cho bác ta vì rủi ro mà phải bị tù tội, để vợ con không ai nuôi.

– Sao ngươi lại bảo là rủi ro? Tên ấy không tuân luật lệ nhà lao, chứ có phải vì rủi ro đâu?

– Dạ thưa, tôi muốn nói rủi ro là đã gặp tình cảnh đáng thương của tôi không cầm lòng được, nên mới phạm kỷ luật của nhà lao. Nếu không gặp, thì đâu có phạm kỷ luật được? Cũng như quan lớn, nếu thi hành đúng kỷ luật thì phải giam giữ tôi một tháng, nhưng quan lớn đã thông cảm, tội nghiệp cho hoàn cảnh của tôi thì chỉ giam giữ có hai ngày. Nếu cấp trên mà biết được thì quan lớn cũng bị quở trách là đã vi phạm kỷ luật, bị nghi ngờ là đã ăn hối lộ nên mới thả tôi ra sớm, và cho tôi vào thăm mẹ tôi. Như vậy là quan lớn cũng  …  rủi ro gặp một trường hợp khó xử phải lựa chọn giữa lòng nhân đạo và luật pháp: Thi hành đúng luật pháp thì trái với lòng nhân đạo, mà theo lòng nhân đạo thì phạm pháp! Nhưng một khi quan lớn đã chọn nhân đạo, tha tội cho tôi, thì tại sao lại còn giam giữ bác ấy làm gì, tội nghiệp bác!

Lê Minh ngầm thán phục trí thông minh và sự ăn nói lưu loát của cô gái mà lúc đầu chàng tưởng là ngây thơ khờ khạo. Chàng chăm chú nhìn Xuân một lát, nói pha trò:

– Ngươi có thể làm thầy kiện được lắm. Thôi ta cũng chiều theo ý ngươi mà tha tội cho tên lính ấy.

Nói xong, quan truyền lịnh mở phòng giam thả người lính gác ra và cho phép Xuân trở về nhà, sau khi đã cấp cho nàng một giấy phép được vào thăm bà Năm hai ngày một lần.

 

CHƯƠNG XXI

CÔ XUÂN LO CHO MẸ ÐƯỢC KHỎI TÙ TỘI

Từ hôm đối thoại với Xuân tại văn phòng, Lê Minh thấy cảm tình đối với nàng mỗi ngày mỗi tăng. Mỗi lần thấy nàng vào thăm mẹ, hai mẹ con ôm nhau sụt sùi, chàng không khỏi thấy mủi lòng, nhưng không biết làm cách nào để giúp đỡ nàng hơn nữa, vì chàng chỉ có bổn phận canh gác tù nhân, còn việc bắt hay tha, xử hay phạt là quyền của cấp trên. Theo lẽ công bằng chàng thấy là bà Năm có tội gian lận đáng bị phạt. Với tội ấy, theo luật triều đình, bà có thể bị phạt tù từ năm đến mưòi năm và tịch biên từ một nửa đến toàn cả gia sản. Nhưng nếu biết cách chạy chọt thì cũng có thể được giảm bớt cả tù lẫn tiền. Nhưng trong trường hợp tứ cố vô thân của bà Năm, chắc chắn là bà sẽ không biết đường nào mà chạy ngã sau.

Trong triều đình vua Ðột Quyết lúc bấy giờ có nạn tham nhũng. Tể tướng Hoàng Cái được lệnh của vua phải gấp rút bài trừ tận gốc cái quốc nhục này. Nhưng đây là một tệ đoan đã ăn sâu gốc rễ khắp nơi, nên khó mà bài trừ một cách có hiệu quả. Mặc dù Tể tướng Hoàng Cái là người thanh liêm trong sạch, nhưng với một nhúm nhỏ người có thiện chí, ông làm sao có thể thành công?

Ðiều ngây thơ là ông tưởng có thể làm được. Ông đặt nó lên hàng đầu, làm một quốc sách, vạch chương trình kế hoạch, thay người này, đổi người khác, lập tòa án riêng, lập ban điều tra mật … Nhưng mọi việc chỉ là hình thức, một sự thay bậc đổi ngôi, chứ bên trong vẫn không có gì thay đổi. Ðàn mối tham nhũng đang hoành hành gậm nhấm đục khoét cả tòa nhà, đáng lẽ quan Tể tướng phải triệt hạ tất cả, nhưng quan không làm được như vậy, mà chỉ tô trét lại nước sơn.

Lê Minh biết rõ nội tình của triều đình như vậy, cho nên muốn cứu bà Năm cây thị thì cũng không còn cách nào khác hơn là cách hối lộ các quan lo việc án tiết.

Một hôm, chàng gọi Xuân đến văn phòng riêng của chàng, cho nàng biết rằng vụ án của mẹ nàng sắp đem ra xử và bà có thể bị án nặng. Nàng nghe nói ôm mặt khóc ròng. Lê Minh ngồi yên lặng để cho nàng khóc một hồi rồi mới cất tiếng hỏi nàng:

– Cô cho rằng mẹ cô oan chăng?

– Thưa tôi biết là mẹ tôi có tội, nhưng dù sao đi nữa thì vì tình mẹ con, tôi không thể không đau xót được. Xin quan rũ lòng thương mẹ con tôi, có cách gì chỉ bảo cho mẹ tôi được nhẹ tội.

– Thực ra tôi thấy cô có lòng hiếu thảo, lo lắng nhiều cho mẹ cô, tôi cũng không thể dửng dưng được. Nhưng tội trạng mẹ cô có đủ bằng chứng hiển nhiên như vậy làm sao cứu được. Vả lại, có oan ức thì mới tìm cách giải oan, chứ mình có tội rành rành thì … khó quá.

– Thưa, tôi không mong mẹ tôi hoàn toàn được trắng án. Nhưng chỉ mong làm sao được nhẹ tội chừng nào quí chừng ấy.

Lê Minh ngồi trầm ngâm một hồi rồi ngập ngừng trước khi nói:

– Thật là khó! Tôi nghĩ chỉ còn một cách, nhưng không biết cô có chịu không …!

– Dạ, xin ông cứ nói. Ông đã thương mẹ tôi mà nghĩ cách giúp đỡ thì xin đừng có ngại gì hết. Ông dạy bảo điều  gì, tôi xin nghe theo điều ấy.

– Theo tôi biết thì mẹ cô có thể bị ngồi tù dài hạn, hoặc bị ngồi tù và tịch biên một nửa gia sản. trong ba hình phạt ấy, theo cô, cô muốn hình phạt nào?

Nàng suy nghĩ một chốc rồi đáp:

– Dạ, tịch biên gia sản nhưng khỏi ngồi tù.

– Vì sao cô lại nghĩ như vậy?

– Dạ, tôi thấy gia sản của mẹ tôi là do gian lận mà có. Ðó là đồng tiền phi nghĩa. Chính vì vậy mà mẹ tôi mang họa vào thân. Ðã là phi nghĩa thì cũng không nên nắm giữ cái gia sản ấy làm gì.

Lê Minh nghe Xuân nói có vẻ hài lòng.Chàng vội nói:

– Nếu vậy thì hay! Tôi có thể giúp cô được. Nhưng cô nên biết là trong vụ này, tôi không dính líu gì, tôi vì thấy cô có lòng hiếu thảo với mẹ mà đứng ra giúp đỡ chứ tuyệt nhiên không vì một chút lợi lộc gì.

– Thưa, tôi đã rõ như vậy từ khi được biết ông. Ông là người nghĩa khí, ai cũng biết. Xin ông cứ nói, đừng ngại gì. Tôi không bao giờ dám nghi ngờ lòng thành thật của ông.

Lê Minh ngồi xích tới, nói thấp giọng:

– Cô cũng biét hiện nay, cái nạn hối lộ, tham nhũng đang hoành hành trong nước. Không có việc gì có thể thành công nếu không có tiền. Quan Tể tướng đang ra sức bài trừ mà chưa có kết quả. Nếu thật tình cô cho rằng gia sản của cô là của phi nghĩa, không cần gìn giữ làm gì, thì nên trút ra cho bọn quan trường tham lam chúng nó hốt đi. Chúng nó hốt cái vạ của cải ấy cũng là hốt luôn cả tai vạ.

– Còn mẹ tôi thì sao?

– Thì khi bọn ấy hốt gia sản của cô tức phải làm sao cho mẹ cô trắng án. Như cách là mẹ cô trút cái gánh nặng tài sản phi nghĩa để được nhẹ cái thân mạng. Còn ai tham lam muốn kề vai gánh cái gánh nặng ấy thì mặc họ. Họ sẽ chịu cái hậu quả nặng nề của nó.

Xuân tỏ vẻ nghi ngờ:

– Liệu họ có chịu cái hậu quả nặng nề không, hay là vẫn cứ phây phây sống cuộc đời an nhàn sung sướng trên mồ hôi nước mắt của người khác?

– Cô đừng lo, thế nào rồi họ cũng không thoát khỏi cái luật nhân quả. Bây giờ, điều cốt yếu là cô hãy nói lời hơn lẽ thiệt cho mẹ cô bằng lòng trút bỏ cái gia sản ấy ra. Rồi tôi sẽ bắn tiếng cho bọn hạm nào muốn ăn to thì nhào vô lo việc này cho cô. Thế nào mẹ cô cũng được trắng án yên ổn trở về nhà. Còn công việc về sau ra thế nào nữa là phần của tôi. Thôi cô hãy về bàn tính lại với mẹ cô đi, rồi cho tôi biết kết quả. Nếu mẹ cô bằng lòng thì chỉ nội trong 10 hôm là bà có thể ra khỏi nhà lao. Khi ấy cô không còn đến đây khóc lóc nữa, và tôi cũng đỡ xót xa trong lòng. Nói xong Lê Minh nhìn nàng có vẻ trìu mến. Nàng nhìn lại, đôi mắt chứa đầy lòng biết ơn. Nàng cáo từ Lê Minh trở về phòng giam, lòng tràn đầy hy vọng: trong một ngày gần đây, mẹ nàng sẽ thoát khỏi cảnh lao tù, và mẹ con sẽ được đoàn tụ với nhau.

Nhưng mọi sự đã không xảy ra dễ dàng như ý của nàng. Khi về phòng giam, Xuân đem câu chuyện ấy ra nói với mẹ, thì bà nhất quyết một hai không chịu. Bà không thể tưởng tượng được rằng cái gia sản lớn lao của bà bỗng chốc trở thành mây khói, gia sản mà bà đã dày công gây dựng với bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và mánh khóe gian ngoan. Bà bảo thà bà phải ở tù 5, 10 hay 15 năm đi nữa cũng được, chứ còn gia sản bà không thể mất đi được. Xuân phải mất công giảng đi giảng lại cho bà hiểu rằng nếu không lo liệu bằng cách hối lộ, thì gia sản của bà cũng sẽ bị tịch biên, mặc dù bà chịu ngồi tù 5 hay 10, năm đi nữa. Huống chi, bà mà còn giữa cái gia sản ấy ngày nào thì tai vạ sẽ còn đeo theo bà ngày ấy.

Bà Năm biết rằng con mình nói có lý, nhưng lòng tiếc của đã thâm nhập trong tâm hồn bà không thể một sớm một chiều xoá bỏ đi được.Bà Năm rầu rỉ, bỏ ăn, bỏ ngủ luôn mấy hôm, ngồi thở vắn than dài không ngớt. Xuân phải khuyên dỗ bà hết ngày này sang ngày khác trong gần mươi ngày bà mới ưng chịu để cho Lê Minh lo liệu mọi việc như chàng đã đề nghị.

 

 CHƯƠNG XXII

BÀ NĂM OÁN TRÁCH PHẬT TRỜI

Bà Năm cây thị đã được trả tự do, nhưng gia sản bà đã khánh tận. Bà chỉ còn một ít tư trang cất giấu để sinh nhai. Khi tở về nhà, thấy cửa hàng trống trơn, bà khóc rống lên rất thảm thiết. Cô Xuân con gái bà cũng không cầm được nước mắt. Cô khóc vì thấy mẹ quá đau khổ, chứ không phải vì tiếc của như bà, cô cho rằng người làm ra của chứ của không làm ra người. Hễ còn người là còn của. Cô lấy lời ngay lẽ thiệt khuyên dỗ bà, dần dần bà cũng khuây khỏa đôi chút.

Nhưng bà vẫn tấm tức oán trời trách đất. Bà vẫn chưa nhận rõ ý nghĩa của “Bài học ngàn vàng” treo ở trên trần nhà. Từ khi trở về nhà bà không thèm đoái hoài đến bàn thờ Phật Bà ở trên gác. Bà có vẻ oán trách đức Phật Bà Quan Âm, vì đã không phù hộ cho bà, không che chở cho bà trong công việc làm ăn, đến nỗi bà phải tan gia bại sản.

Càng nghĩ càng thấm giận, nên một buổi sáng kia, sau khi điểm tâm xong, bà leo lên gác, dẹp bàn thờ lấy pho tượng Phật Bà bằng sành xuống, bà gói trong giấy, bỏ vào giỏ xách lên chùa trả lại cho vị sư trụ trì ở đây.

Vị sư trụ trì đang ngồi uống trà trong liêu, thấy bà đi vào, vô cùng mừng rỡ, vồn vã đón chào:

– Mô Phật, bà Năm được thả ra hồi nào vậy? Thật phúc đức! Tôi cứ nhắn hỏi thăm tin tức của bà mãi. Trông bà vẫn không có gì thay đổi cả. Cầu mong chư Phật gia hộ cho bà từ nay về sau không gặp tai nạn nữa …

Vị sư trụ trì nói một hồi mà bà Năm vẫn xách giỏ đứng yên một chỗ. Trông bà có vẻ không vui như mọi ngày. Nhà sư cho rằng vì bà mới gặp nạn lớn nên thay đổi tánh nết, không miệng lưỡi như trước. Nhà sư mời bà ngồi xuống một chiếc ghế đẩu kê sát tường. Bà Năm lặng lẽ ngồi xuống, mở chiếc giỏ ra, lấy gói tượng Phật đặt lên bàn bên cạnh khay trà. Bà Năm chua chát nói:

– Thưa Thầy, tôi tưởng rằng thờ Phật sẽ được Phật phò hộ che chở tai qua nạn khỏi, làm ăn tấn phát, cái này Phật không phò hộ che chở chi hết, vừa rồi tôi bị tù tội, gia tài sự sản tiêu hết. Bây giờ tôi xin đem tượng Phật trả lại chùa, vì tôi không đủ quyền để thờ Ngài nữa …!

Nhà sư dịu dàng nói:

– Mô Phật, bà Năm đừng phỉ báng Trời Phật mà mang tội, chẳng qua sông có khúc, người có lúc.

Bà Năm trướng cổ cái, càng cãi càng hăng:

– Thưa Thầy, tôi nói có sách, mách có chứng, chứ không phải phỉ báng ai cả. Thầy nghĩ coi, từ ngày tôi thỉnh đức Phật Bà về thờ cho đến nay, đêm nào tôi cũng hương hoa quả phẩm cúng bái hết sức tâm thành, cầu nguyện ngài phò hộ cho tôi mua may bán đắt, tai qua nạn khỏi, thế mà tôi vẫn bị tù tội, tài sản vẫn tiêu tan, chỉ còn hai bàn tay trắng.

– Mô Phật!

– Thầy thường bảo rằng đức Phật Bà thường phò hộ cho mọi người được tai qua nạn khỏi, thế mà Ngài đâu có phò hộ cho tôi. Tôi thấy thờ Ngài cũng … không có ích gì. Cho nên hôm nay tôi đến đây …

Thầy trụ trì vô cùng xúc động, vì không ngờ sự thể lại xảy ra như vậy. Ngài niệm luôn mấy tiếng: “Mô Phật, Mô Phật, Mô Phật!”

Bà Năm định vái chào quay gót trở ra, nhưng nhà sư đã trấn tỉnh cất giọng ôn tồn nói:

– Mô Phật! Bà Năm hãy ngồi nán lại cho tôi phân trần một đôi lời.

Thực ra, tôi phải tự trách tôi trước vì đã không dẫn giải rõ ràng cho bà Năm biết trước khi bà thỉnh tượng Phật Bà này về thờ. Ðức Phật Bà Quan Âm linh thiêng lắm, Ngài thường cứu khổ cứu nạn cho những ai cầu cứu đến ngài. Nhưng đừng xem Ngài như một vị thần, ban phước cho ai thờ cúng mình, hối lộ cho mình bằng hương hoa quả phẩm, và gieo họa cho ai không thờ cúng mình. Ðức Quan Âm không phải hạng thánh thần ấy. Ngài không thể cứu vớt những kẻ gian tham ác độc, vì cứu vớt hạng này thì chẳng khác gì khuyến khích họ làm ác, gây thêm họa cho thế gian. Ngài chỉ cứu vớt những người ăn ở hiền lành, tu nhơn tích đức mỗi khi gặp tai nạn thành tâm kêu cứu đến Ngài. Khi bà Năm thỉnh pho tượng này về thờ, tôi mừng thầm rằng bà đang hướng về con đường tu nhơn tích đức, chứ tôi đâu có ngờ bà thỉnh Ngài về thờ chỉ để cầu Ngài bảo hộ cho sự buôn bán thiếu ngay thật của bà. Ðức Quan Âm đâu có phò hộ cho những việc làm như vậy được. Tôi rất buồn là đáng lẽ sau vụ giam giữ vừa rồi, bà đã nhận ra được một bài học đích đáng về lẽ nhân quả, không ngờ bà vẫn giữ cái ý niệm sai lầm oán Trời trách Phật về những hành động của chính bà. Bà treo ngay giữa nhà một bảng sơn son thếp vàng nói về bài học ngàn vàng: “Phàm làm việc gì, trước phải nghĩ đến hậu quả của nó“. Hậu quả ngày nay là sự tan gia bại sản mà trước kia, trong hành động của bà, bà không hề nghĩ đến. Ðó là lỗi tại bà, chứ đâu phải tại Phật Thánh?

Nhà sư hạ thấp giọng nói như an ủi:

– Sự thật mất lòng, tôi biết vậy. Nhưng nếu không nói ra thì bà lại còn hiểu lầm như lần trước. Thánh nhân có dạy: Biết mà không nói ra là bất nhân, nói mà không hết lời là bất nghĩa. Tôi khuyên bà từ đây về sau nếu bà không thờ Phật thì thôi, còn muốn thờ Ngài thì phải thay đổi quan niệm sai lầm của bà, đừng xem Ngài như một vị thần tham nhũng, luôn luôn hối lộ Ngài để được bảo hộ. Thôi bà đã không muốn thờ đức Phật Bà Quan Âm nữa, thì để lại đó mà về. Nhưng tôi chỉ sợ rằng nếu bà chưa nhận rõ được cái lẽ: “nhân nào quả ấy” nếu bà chưa chịu nghe theo lời khuyên của “BÀI HỌC NGÀN VÀNG”, thì đời bà chắc còn phải nhiều phen vất vả nữa.

Bà Năm cây thị ngồi cúi mặt nghe lời vị sư dạy bảo, không đáp lại một lời nào. Vị sư tưởng bà giận. Nhưng không, bà Năm càng nghe càng thấm. Từ trước đến giờ, chưa bao giờ bà được nghe ai nói với bà như vậy. Mười mấy năm trời, suốt ngày đầu tắt mặt tối lo việc bán buôn với những mánh khóe gian lận, bà đâu có thì giờ nghe chuyện đạo lý. Bà tưởng rằng mình khôn, ngờ đâu đó chỉ là những cái khôn vặt. Nhưng cái khôn ấy, rốt cuộc, đã làm cho bà tiêu tan sự nghiệp. Khôn quá hóa dại, là vậy. Từ đây, bà nguyện chuyển hướng cuộc đời, hướng về nẻo thiện, để phước về sau.

Bà đứng dậy chấp tay nói với nhà sư:

– Con xin lãnh giáo những lời vàng ngọc của Thầy. Từ đây con xin nguyện làm theo lời Thầy chỉ dạy.

Nói xong bà cúi xuống lạy nhà sư ba lạy và xin thỉnh pho tượng Phật Bà về thờ lại.

 

CHƯƠNG XXIII

BÀ NĂM CÂY THỊ BẮT ÐẦU XÂY DỰNG LẠI CƠ NGHIỆP LẦN THỨ HAI

Sau khi được trả tự do, với một số vốn nhỏ nhoi do sự bán hết tư trang của hai mẹ con, bà Năm trở lại nghề buôn bán cũ trong một gian hàng nhỏ ở phố chợ. Nhưng lần này bà tự nguyện sẽ cố gắng hết sức lương thiện trong việc buôn bán. Mỗi buổi tối, sau một ngày làm việc nhọc mệt, bà vẫn không quên lên gác thắp nhang đèn, khấn vái đức Phật Quan Âm phù hộ cho bà giữ vững được lòng ngay thật, không còn bị lòng tham lam lôi cuốn vào đường tà vạy như trước. Và mỗi buổi sáng, trước khi mở cửa hàng, bà ngước lên nhìn tấm bảng sơn son thếp vàng, thầm đọc Bài học ngàn vàng: “Phàm làm việc gì, trước phải nghĩ đến hậu quả của nó“. Ðôi khi bà vẫn còn bị ám ảnh bởi sự gian lận, muốn cân non, muốn pha trộn, nhưng bà lại thầm đọc lên “Bài học ngàn vàng” và giữ vững được lòng mình không bị sự cám dỗ của lòng tham. Ðiều khuyến khích bà rất nhiều là càng ngày bà thấy khách hàng càng đông và tỏ vẻ tin cậy mình. Tuy mỗi món hàng bán ra bà không lời được nhiều như trước, nhưng vì bà bán được nhiều món nên số lời vẫn không sút giảm hơn trước.

Ðiều đáng mừng thứ hai là Xuân, cô con gái cưng của bà mỗi ngày mỗi tỏ ra rất đảm đang và được toàn thể khách hàng mến chuộng. Thỉnh thoảng bà giao cả cửa hàng cho Xuân, để lên chùa lễ Phật, nghe Kinh, và khi trở về, bà cảm thấy trong tâm hồn được nhẹ nhàng, thư thới. Bà không thấy cái thú đếm tiền và cất giữ tiền như trước, bà tự bảo: “Mình cũng đã từng cất giữ bạc muôn, bạc ức rồi mà rốt cuộc, tay trắng cũng hoàn trắng tay, thì lo làm giàu làm có gì cho mệt xác!”

Bà thấy bà đã già rồi, nếu không lo tu nhân tích đức, mà cứ làm nô lệ đồng tiền, đếm đếm, cất cất, thu thu, phát phát, hết ngày này sang ngày khác cho đến lúc nhắm mắt lìa đời, thì cũng thật là vô vị. Vì thế bà cố ý trút dần công việc bán buôn cho con gái, để rãnh thời giờ đọc sách xem kinh, nghe giảng. Thỉnh thoảng bà lên chùa phóng sinh, phóng đăng hay nhờ thầy trụ trì tổ chức các cuộc phát chẩn cho kẻ nghèo khó. Dần dần bà trở thành một đại thí chủ, và cái tên “bà Năm Cây thị” được người tật nguyền và nghèo khó mến trọng như là tên một vị ân nhân.

Một hôm bà đang ngồi xem sách trên gác thì cô Xuân, con gái bà lên báo tin có một bà khách lạ đến muốn nói chuyện với bà. Bà lật đật xếp sách đi xuống nhà. Bà không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy một bà già trạc độ 60, ăn mặc chỉnh tề ra vẻ một bà quan lễ phép đứng dậy chào bà. Bà lại ngạc nhiên hơn nữa khi nhìn thấy hai người lính bưng đặt trên bàn một cái khay có 4 lon tra và mấy gói mứt. Bà Năm chào lại, vẻ ngỡ ngàng lộ hẳn trên mặt. Bà chưa kịp hỏi chào thì bà khách, có lẽ đoán biết sự ngạc nhiên của bà, lên tiếng tự giới thiệu:

– Tôi là vợ quan Ðề đốc, hôm nay đường đột đến đây thăm bà Năm mà không kịp báo trước, thật có điều thất lễ.

– Nghe bà khách tự giới thiệu là vợ quan Ðề đốc, bà Năm không khỏi giật mình lo sợ, nhưng thấy bà khách có vẻ rất nhã nhặn và lại đem theo mấy lon trà bánh, bà đoán biết chắc không có gì đáng e ngại. Bà Năm mời bà Ðề đốc ngồi và đứng khép nép ở sau chiếc ghế ngồi. Bà khách nói vẻ thân mật:

– Xin bà cứ tự nhiên cho! Mặc dù chưa quen biết, chúng ta cứ xem nhau như chị em trong nhà. Bà ngồi, để tôi còn thưa chuyện nhiều.

Bà Năm rụt rè, xin đứng hầu chuyện nhưng bà khách đứng dậy kéo tay bà bảo ngồi xuống. Bà năm biết chắc không phải điềm dữ, nhưng trong bụng vẫn  không làm sao đoán được lý do sự đến thăm viếng đột ngột của bà Ðề đốc. Bà này không để cho bà Năm phải sốt ruột chờ đợi, đi ngay vào câu chuyện.

– Có lẽ bà còn nhớ cháu Lê Minh chứ? Nó là con nuôi của chúng tôi đấy. Chẳng nói giấu gì bà, từ ngày nó được biết cháu Xuân con bà, nó đem lòng tưởng nhớ đến nỗi sanh bệnh, nhưng nó giữ kín tâm sự không cho ai hay. Và vì càng giữ kín tâm sự, nên bịnh nó mỗi ngày mỗi trầm trọng. Lương y mặc dù hết lòng chữa trị nhưng vì không biết rõ căn bịnh nên thuốc thang đều vô hiệu. Cuối cùng đoán chắc cháu có mắc tâm bịnh, nên hôm qua tôi dỗ dành nó, nó mới chịu nói ra là nó muốn được kết tóc se tơ với cháu Xuân. Nghe nó nói tôi phải lật đật sắm chút lễ mọn sang xin bà gã cháu Xuân cho nó. Nếu trái lại thì chắc bịnh trạng nó khó lòng qua khỏi.

Thực ra, sự việc xảy ra không phải đơn giản như vậy. Bà Ðề đốc vì sợ mất lòng bà Năm, nên không tiện nói ra một vài chi tiết quan trọng. Lê Minh quả thật ban đầu đã giấu nỗi lòng thương nhớ của mình. Nhưng sau một thời gian biết không thể giấu đưọc chàng đã đem tâm sự mình thố lộ cho bà rõ. Bà nghe con nói, không khỏi kinh ngạc vì nhiều lý do:

Thứ nhất, mặc dù Lê Minh là con nuôi, nhưng dù sao cũng là con nuôi một quan Ðề đốc, vả lại chàng là người có chức tước, không thể lấy một đứa con gái thường dân.

Thứ hai, cô Xuân mặc dù thông minh và đức hạnh, nhưng lại là con một kẻ đã bị tù tội vì gian tham, do đó không thể về làm dâu con nhà ông bà Ðề đốc được.

Vì những lý do đó, ông bà Ðề đốc đã nhất thiết không tán thành một cuộc hôn nhân như vậy.

Lê Minh không thể không tuân theo sự quyết định của cha mẹ nuôi, nhưng trong lòng vẫn không  làm sao xao lãng được hình ảnh yêu kiều và giọng nói thanh tao nhã nhặn của người yêu, nên sinh ốm nặng. Thấy con mỗi ngày mỗi tiều tụy đến độ nguy đến tánh mạng, bà Ðề đốc vội vã nhượng bộ và đi hỏi Xuân cho chàng.

Bà Năm cây thị nghe nói vô cùng sung sướng và hãnh diện, nhưng không lẽ bà nhận lời ngay. Bà phải làm bộ lo lắng, nhún nhường, nào là con bà còn nhỏ dại, là con một kẻ thường dân quê kịch, không xứng đáng cới một người có chức phận như Lê Minh. Vả lại bà là người có can án, không dám ngạo mạn làm thông gia với ông bà Ðề đốc.

Thấy bà Năm tìm nhiều lý do để chối từ, bà Ðề đốc tưởng rằng bà Năm còn hận về vụ bắt bớ năm xưa, nghi ngờ con bà có nhúng tay vào vụ hối lộ làm cho gia sản của bà bị tiêu tan nhưng trong vụ hối lộ ấy, chính con bà có công, chứ không có tội. Lê Minh đã sắp đặt vụ hối lộ ấy để gài bẫy bọn tham nhũng, chàng đã tố cáo vụ ấy với quan Tể tướng, giúp quan một tay đắc lực để bài trừ một số bọn tham nhũng trong triều.

Lê Minh hành động như vậy nhưng trừ ông bà Ðề đốc ra, chàng không nói cho một ai hay biết, vì sợ lộ bí mật có thể làm cho chàng bị bọn tham nhũng hãm hại.

Hôm nay, sợ bà Năm hiểu lầm hành động trước của Lê Minh mà từ chối gả Xuân cho chàng, bà Ðề đốc phải thuật rõ đầu đuôi vụ ấy cho bà Năm nghe và báo tin cho bà biết là bọn tham nhũng chia nhau gia sản của bà đều bị vào tù đền tội cả rồi.

Nghe xong câu chuyện bà Năm tỏ vẻ mừng rỡ kết  luận:

– Thưa rõ ràng không sai! Trời Phật có mắt, nhân nào quả nấy.

Và để thưởng công lao diệt trừ tham nhũng của Lê Minh, bà Năm cây thị bằng lòng gả con gái cưng của bà cho chàng.