Bài học giữa đời thường
Viên Thắng

 

Gần 30 năm, tôi xuất gia tu học ở chốn thị thành – thành phố Nha Trang và thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cứ nghĩ mình an phận sống cùng đại chúng ngày ba bữa rau dưa, các thời khóa tụng, nếp sống khơi trong gạn đục, tìm niềm vui trong dịch kinh, viết bài. Thế nhưng, nhân duyên bất ngờ đưa đẩy, tôi được chư Phật, Bồ-tát bổ xứ trở về quê hương mình – nơi chôn nhau cắt rốn, ở chốn miền quê huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Nơi miền quê này giúp cho tôi trải nghiệm rất nhiều bài học từ trong cuộc sống bình dị hằng ngày. Từ mỗi việc làm, tôi rút ra một bài học sâu sắc để ứng dụng ngay trong cuộc sống hàng này qua lời đức Phật dạy.

Vì ở chốn miền quê nên vẫn còn duy trì nếp sống của người nông thôn từ ngàn xưa. Như việc nấu ăn ở thành phố ngày nay phần đông mọi người đều nấu bếp ga hay bếp điện; còn chùa tôi vẫn giữ nấu ăn bếp củi cho đỡ tốn kém. Mỗi lần hết củi thì cô trò cùng nhau đi xin củi ở doanh trại bộ đội, có rừng dương rất rộng lớn.

Thế là mấy chị, mấy dì Phật tử hẹn nhau cùng tôi mang rựa vào rừng dương kéo từng cành dương khô gom lại một đống, chặt bớt nhánh nhỏ, nhánh cong rồi chất lên xe chở về chùa. Sau đó, cô trò cùng nhau cưa, chặt, chẻ từng đoạn ngắn để chất lên cao gọn ghẽ.

Khi thành quả của cô trò đạt được là nhà chứa củi chất đầy tận tới mái tôn, khiến tôi chợt nhớ đến câu tục ngữ: “Kiếm củi ba năm thiêu một giờ.” Chỉ cần chúng ta sơ suất một đốm lửa nhỏ thì công sức kiếm củi ba năm thiêu cháy trong một giờ. Do đó, đức Phật cũng từng dạy đừng xem thường bốn điều: “một vị vương tử bé, một con rắn con, một đốm lửa nhỏ và một chú tiểu nhỏ.”

Bởi vì dù là đốm lửa nhỏ nhưng có thể làm thiêu rụi cả một khu rừng hay một thành phố lớn. Thế nên, trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật dạy: “Một niệm sân hận nổi lên thì trăm nghìn cửa nghiệp chướng đều mở ra.” Và: “Một đốm lửa sân có thể đốt hết muôn mẫu rừng công đức.” Do đó, Ngài thường khuyên hàng đệ tử: “Hãy từ bỏ nóng giận thì phiền não sẽ không đến với các ông.”

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thấy có biết bao người vì một phút không kiềm chế được tâm sân hận mà gây ra cảnh tan đàn xẻ nghé hay giết người gây ra cảnh tang thương chết chóc. Do đó, chúng ta là người học Phật hãy cố gắng giữ chánh niệm tỉnh giác ‘khi sân biết mình sân’ để dừng lại đúng lúc thì không làm tổn thương đau khổ cho người khác.

Hằng ngày, tôi vẫn thường đi bộ dưới hàng tre gió mát. Có khi chợt thấy vài cành tre gai nằm giữa đường, ai đó chặt cây tre kéo đi còn sót lại, tôi liền cúi xuống nhặt, nhét nó vào trong hàng rào để mọi người đi sau được an ổn.

Nhặt cành tre gai giữa đường giúp cho tôi suy ngẫm bài học trong cuộc sống. Bởi vì tâm chúng sinh đầy gai nhọn nên mới gây nên đau khổ cho nhau. Chỉ cần chúng ta thấy người khác giàu có, tài giỏi hơn thì mình ganh ghét họ, hay nói những lời châm chích, cay cú, hoặc tìm cách phá hoại cho họ tán gia bại sản. Vì vậy, nếu chúng ta biết tu học thì hãy cố gắng dọn sạch những gai góc trong lòng mình để tạo thiện cảm với mọi người, tạo cõi Uế độ này thành Tịnh độ ở nhân gian này thì được an lạc vô cùng.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến cố Hòa thượng Đỗng Minh thường chỉ dạy sách tấn chư Tăng ni sinh trẻ chúng tôi khi còn ngồi ghế Phật học viện:

“Cộc cằn, thô lỗ với nhau,
Ăn miếng trả miếng càng đau đớn lòng,
Im lặng như mõ bở kia,
Niết-bàn là đó hơn thua làm gì?”

Mặc dù Ôn về cõi Phật đã lâu nhưng lời dạy vẫn vang mãi, làm kim chỉ nam cho hàng hậu học chúng con, đó là ‘hơn nhau ở sự tu học và làm Phật sự’.

Mỗi ngày, tôi nhìn ra đồng ruộng, thấy người nông dân ở đây làm quần quật suốt ngày dưới trời mưa lạnh rét hay trời nóng nắng gay gắt. Từ lúc bắt đầu cày ruộng, chải bờ cuốc góc, gieo cấy, nhổ cỏ, gieo phân, chăm sóc cây lúa hằng ngày, cho đến khi lúa chín vàng rồi cắt lúa, phơi khô chở về nhà, thật là cực nhọc biết bao. Chưa kể nếu gặp hạn hán, sâu bọ ăn phá thì bị mất mùa làm cho người dân điêu đứng. Thật đúng như bài ca dao đã tả:

“Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!”

Chính vì thấy rõ nỗi nhọc nhằn của người nông dân làm ra được hạt gạo vất vả vô cùng, nên trong kinh đức Phật thường dạy hàng đệ tử xuất gia: “Mỗi hạt cơm của tín thí cúng dường nặng như núi Tu Di. Nếu các ông thọ nhận của cúng dường mà không tinh tấn tu hành đắc đạo thì sẽ mang nợ…

Vì sao Phật dạy hạt cơm của tín thí cúng dường nặng như núi Tu Di? Bởi vì người xuất gia khi thọ giới Tỳ-kheo, gọi là khất sĩ (ăn xin), với chí nguyện “trên đền bốn ân[1] nặng, dưới cứu khổ ba đường[2].” Khi đức Thế Tôn còn tại thế cho đến ngày nay, thức ăn hằng ngày của hàng xuất gia đều do Phật tử phát tâm cúng dường. Vì không trực tiếp lao động, chỉ xin vật thực để nuôi thân mạng, để hoằng pháp lợi sinh, nên các vị xuất gia sử dụng vật thực phải đúng chánh pháp, trong bữa ăn phải chánh niệm; trước bữa ăn phải quán Tam đề[3], Ngũ quán[4] trong lúc ăn thầm niệm lục tự Di Đà để hồi hướng cho thí chủ cúng dường.

Do hàng Phật tử đến chùa có rất nhiều thành phần, có người cuộc sống đầy đủ nhưng cũng có người đời sống rất khó khăn, nên họ phải chi tiêu tiết kiệm để dành dụm đem tiền về chùa cúng dường bằng tâm thành kính thanh tịnh; mặc dù tài vật không nhiều nhưng lòng thành làm cho nó ‘nặng như núi Tu Di.’

Xã hội ngày nay kinh tế phát triển nên đời sống của hàng xuất gia cũng được cải thiện tương đối đầy đủ. Do đó, hàng xuất gia luôn nghĩ mình là người ‘ăn xin’ để trừ tâm ngã mạn, tâm luôn biết ơn thí chủ cúng dường, xài của tín thí không phung phí, ăn uống không lựa chọn thì mới trừ được tâm tham. Điều quan trọng nhất là xem tất cả vật chất chỉ là phương tiện, không phải cứu cánh để giữ tâm không tham đắm. Chúng ta phải giữ tâm mình trong sáng thanh tịnh và thường cảnh tỉnh mình: một hạt cơm mà còn nặng như thế, huống gì tiền tài, xe cộ, nhà cửa, đất đai v.v… thì sẽ nặng thế nào? Nếu mình không tu thì kiếp sau mang lông đội sừng mà trả nợ cho thí chủ.

Kết thúc bài viết tôi xin trích lời Phật dạy trong kinh Tứ Ân để nhắc nhở mình và tất cả những người con Phật:

“Muốn tu học đạo mầu
Trước hết thân phải an
Từng bát cơm manh áo
Ân nghĩa đã muôn nghìn.
Ơn nhà nông cày cấy
Ơn người thợ dệt may
Ơn những ai xây đắp
Cuộc sống đẹp hôm nay.”

***

[1] . Bốn ân: Ân sư trưởng, ân cha mẹ, ân quốc vương và ân thí chủ.

[2] . Ba đường ác: Ba nơi chúng sinh chịu đau khổ là địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.

[3] . Tam đề: Nguyện đoạn tất cả điều ác, nguyện tu tất cả điều thiện, thệ độ hết thảy chúng sinh.

[4]Ngũ quán: Năm phép quán mà hàng xuất gia phải thực hành trước khi thọ trai.