Bài Giảng Qui Giới
Hòa Thượng Thích Khánh Anh
Trích Khánh Anh Văn Sao

 

Cách dạy nói, để truyền phép

“Tam Qui” (1)

Nam-mô Bổn sư Thích-Ca Mâu-ni Phật (đọc 3 lần, lạy 3 lạy) (A)

Nam-mô Độ Nhân Sư Bồ-tát (xướng 3 lần, mỗi lần 1 lạy) (B)

Nam-mô Đạo tràng Hội thượng Phật Bồ-tát (xướng 3 lần, mỗi lần 1 lạy) (C)

QUỲ GỐI CHẮP TAY,

XƯỚNG LÃNH PHÉP QUI Y

Đệ tử (họ … tên), qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng (đọc 3 lần) (D)

Cách dạy phát lời thệ nguyện (2)

Đệ tử đã qui y Phật bảo rồi, thề trọn đời không qui y với trời, thần và ma quỉ (GIÁP).

Đệ tử đã qui y Pháp bảo rồi, thề trọn đời không qui y với kinh sách của ngoại đạo tà giáo (ẤT)

Đệ tử đã qui y Tăng bảo rồi, thề trọn đời không qui y với thầy tà bạn ác (BÍNH)

Chịu và học tu theo phép “Tam qui”

Sẽ được lợi ích như thế nầy (3)

Đã qui y Phật rồi, không đọa địa ngục; đã qui y Pháp rồi, không đọa ngạ quỷ; đã qui y Tăng rồi không đọa bàng sanh.

Cách dạy lãnh 5 điều giới luật (4)

Đệ tử lãnh chịu trọn đời: 1. Không sát sanh – 2. Không trộm cướp – 3. Không tà dâm – 4. Không nói dối – 5. Không uống rượu.

Cách dạy dấy lòng hồi hướng (5)

Nay đệ tử đã xả tà qui chánh, bỏ vọng theo chân, thụ lãnh pháp “Tam qui ngũ giới” của Phật rồi, con thề vâng giữ trọn đời, quyết bỏ ác làm thiện, tu tâm lý tánh, hầu để hoàn toàn làm một Thiện nam tử… tại gia học Phật; xin đem cái công đức thụ “qui giới” nầy hồi hướng lên “Vô thượng Bồ-đề” để cầu cho nước giàu dân mạnh, nhân loại yên vui, dương thới âm siêu, chúng sanh giải thoát.

Nhứt tâm hồi hướng, Tam bảo trú trì.

Nam-mô Thập phương Thường Trụ Phật Pháp Tăng chứng minh.

(1)

Giảng nghĩa đoạn nầy, nói về “Ba phép qui y” là: Chúng ta đem cả thân mạng tâm tánh trở về nương náu với ngôi “Tam Bảo” như dưới kia sẽ giải rõ: Vì đối với đạo lực, phước lực, chúng ta là hạng cực kỳ hèn mạt thiếu thốn, nên phải qui y Tam Bảo, là bực đủ uy thần, phúc trí, để đảm bảo cho chúng ta, thì mới mong khỏi phần đọa lạc nơi phàm ngu, bởi cái lẽ được chuyển mê khải ngộ, phản vọng hồi chân.

Tỷ như: hạng học trò nghèo hèn thiếu sức nên cần phải cầu có nhà nước là chỗ đủ thế lực tài chánh, để bảo bọc cho thì trò mới mong khỏi phần dốt nát quê hèn, bởi cái lẽ nhờ “quốc gia giáo dục”, “Học túc phá ngu”.

Nói tắt một điều, chúng ta đem cái lòng thụ pháp “qui y” đây cốt là để cho thân tâm được hiền lành, trí thức được sáng suốt ngõ khỏi sa ngã vào nơi “ma đem lối, quỉ dẫn đường” lẩn quẩn giữa mấy giới: Duy tâm, Duy vật, Duy thần và Duy căn.

Tỷ như người đời đã đem thân mạng cầu chứng nơi sở “Bảo hiểm” là có ý để đặng chỗ đỡ đầu, che chở cho chắc chắn, hầu khỏi thua thiệt cái phần “khó nhịn lời cô nhịn lẽ.  Nên hai chữ “qui y” cắt nghĩa là trở về “náu nương” là thế. Đúng ra “qui y” cũng như “nam mô” hay “qui mạng” dịch nghĩa là “cứu tôi, hay độ tôi”.

(A) Khi làm lễ “qui y” trước nhứt, xướng: “Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật” đó là chính phải cầu Ngài chứng minh cho, vì là đức Thế Tôn đã phát minh, dựng nên đạo Phật giữa “tiểu kiếp thứ 9” của “kiếp trụ” nầy; nên nay ta qui y Phật pháp, lẽ tất nhiên phải lạy cầu Phật ngài trước đã, cũng chính là nghĩa “mộc hữu bổn, thủy hữu nguyên” cây có cội, nước có nguồn, hay là nói “con có mẹ cha, trò có thầy tổ”, lẽ bất vong bổn, ẩm thủy tri nguyên phải vậy.

(B) Kế xướng lạy Nam-mô Độ Nhân Sư Bồ-tát đó là để cầu đức Tổ Sư ngài ấn chứng cho. Đành rằng: Phật là đầu tiên mở con đường đạo, mà cũng nhờ có Lịch đại Tổ sư là những đấng cùng nhau tiếp mối với Phật, để thủ thành và khoách sung con đường đạo ấy lan rộng thêm, đặng tiếp chìa tay dẫn dắt người đời noi theo con đường “chánh tri chánh kiến”, nên gọi Phật là “Tam giới Đạo sư”, mà gọi Tổ cũng là Thầy hướng đạo. Thế nên chúng ta phải lạy, phải cầu, kêu bằng sự tất sư cổ, vì Tổ sư là đấng “hành Như Lai sứ” làm sứ mạng của Như Lai, để với trên thì hoằng truyền Phật đạo, với dưới thì hóa độ chúng sanh.

(C) Tiếp xướng lạy Nam-mô Đạo tràng Hội Thượng Phật Bồ-tát đó là cuộc lễ “qui giới” của chúng ta đây, chẳng những chỉ cầu lạy đức Phật Thế Tôn, các vị Bồ-tát, trên đạo tràng hải hội nữa, mới có thể cảm ứng, đến toàn thể đại dụng của chư Phật pháp hội đồng, và được chư Phật hộ niệm, chúng thánh đề huề cho. Bởi vì Phật pháp là một nền “công dân đạo đức” nên chúng ta muốn đầu nhập về phải “tại gia học Phật” của nền đạo ấy, tất phải cầu lạy chung cả Thánh chúng trên đạo tràng, để công đồng chứng giám cho ta, mới đặng Bát Bộ Long Thần phò hộ, tam giới ma quỷ sợ kinh!

Cũng có thể ví như công pháp ở thế gian; ai muốn vô dân một nước nào đó chưn giữa quốc tế thì phải cầu giữa Đại hội đồng quốc tế công nhận cho, mới được Liên Bang yếu đãi, phái nghịch nể kiêng.

(D) Đến đây, chính là pháp Tam qui y”: QUI Y PHẬT là một; QUI Y PHÁP là hai; QUI Y TĂNG là ba, nên gọi là “Ba phép qui y”, tức là chúng ta qui y Tam bảo, Tam bảo là: Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.

Với Phật Pháp Tăng mà gọi là “Tam bảo”, là Ba ngôi rất quí báu. Nghĩa là như với vật chất, ngói gạch thì nhiều, bạc vàng vẫn ít, bởi ít, thành thử người đời vẫn ham, vẫn chuộng vì khó tìm được nên cho là báu, lấy làm quí. Với tinh thần đạo đức: hạng phàm ngu thì nhiều, bực Thánh Hiền vẫn ít, bởi ít, mà chúng nhân phải trọng phải kính, vì chẳng dễ gì thường gặp nên lấy làm quí báu, vì một người mà tài đức hơn gấp trăm, hàng ngàn người.

Nhưng các đấng Thánh Hiền ở thế gian, tuy cũng quý báu vì hơn bọn dung ngu, mà vẫn còn lục tục trong vùng: biển ái nguồn ân, chài danh câu lợi như: Khổng Tử, Khổng Minh, Trạng Trình, Trạng Mạc… chẳng hạn thì cũng có thể hoàn toàn báo quì được vì còn chấp ngã chấp pháp, mặc dù là “Triết nhân, Quân tử, sát thân thành nhân, phụng công bình chánh”

Chỉ có các bậc “Tam Hiền, Thập Thánh” mới đáng là rất quí báu nhứt! Vì đã siêu xuất thế gian, nghĩa là: tâm trí đã ra khỏi sông mê bể khổ, ngục thảm thành sầu, hai chấp đã không, năm uẩn chẳng có, hoàn toàn giải thoát, lại giác ngộ cho người nữa. Những bực như thế, đời có mấy ai? Thực là hy hữu, nên gọi là Tam bảo. Sách nói: “Duy thiện vi bảo” Kinh nói “Dĩ đạo vi trân’, như vua Đường gọi Trần Huyền Trang là Quốc bửu.

QUI Y TAM BẢO CÓ SỰ CÓ LÝ

Nói về Sự, lại có hẹp, có rộng:

Giảng về nghĩa “Hẹp”

Nay chúng con qui y về Phật bảo là nói: Chúng ta qui y về đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật, vì chánh Ngài là Giáo Tổ của Phật pháp, đã dựng thành cái nền “giác đạo” giữa thế giới Ta- bà nầy. Hiện nay, dù là ngài đã nhập Niết-bàn, nhưng chùa nào cũng dựng chơn tướng của ngài lên bằng sơn son thếp vàng, hoặc bằng ngọc quí báu, rất tướng hảo quang minh để kỷ niệm đó, nên chúng ta phải qui y kim tướng thân Phật, để có chỗ biểu hiện đi đến mục đích, kêu bằng “thác tượng ngưng chơn” gá nương nơi cái “giả tượng” đó, để kết tinh cái “chân như” là cái hiện tượng “Tâm tức Phật, Phật tức tâm”.

Nay chúng con qui y về Pháp bảo đó, là nói: Chúng ta qui y về 5 điều giới pháp, chính vì “giới” là pháp luật cũng như những nguyên nhân để dựng thành cái kết quả làm người cho nhân thân nầy, kêu bằng giới thân huệ mạng.

Kinh nói: Ngũ giới thanh tịnh phương đắc vi nhân, với 5 giới, kiếp nầy ta giữ đều được trong sạch, thì kiếp sau ta mới còn  đặng làm người. Nên chúng ta sở dĩ qui y pháp là để có chỗ an thân lập mạng, cũng như trên kêu bằng “Giới thân huệ mạng”.

Tỷ như mỗi một công dân, phải giữ làm đúngbổn phận đối với pháp luật của nhà nước để có chỗ yên phận làm ăn, khỏi lầm lỗi phạm điều phạt vạ gì, kêu bằng “Lạc nghiệp an cư”, vì biết đủ điều kiện được tự do trong pháp luật.

Nay chúng con qui y về Tăng bảo đó, là nói: Chúng ta qui y nhà Sư hiện tiền là ông Sư mà chúng ta đương thụ giáo đấy. Chính vì đức Thầy vừa là “Tăng bảo”, vừa là đại biểu cho “Phật bảo” và “Pháp bảo”, để thật hiện ngôi Tam bảo trú trì ở thế gian, nên kinh luật đều nói: Phật pháp nhị bảo toàn tạ Tăng hoằng: Hai ngôi Phật bảo, Pháp bảo đều nhờ ngôi Tăng bảo thay mặt, để mở rộng truyền khắp ra. Thế nên chúng ta phải qui y Tăng bảo để có chỗ “tùng sư đắc độ” kêu bằng “Thượng hữu sư chứng, hạ hữu sư truyền” kế trên tiếp dưới, đều có Thầy chứng Thầy truyền.

Tỷ  như: rất đỗi kỹ nghệ ngoài đời, đồ nghề sẵn có đó, mà chẳng có người chỉ dạy cho thì làm gì “thành tài đạt đức” được, nên ngạn ngữ ta đã có câu : Không thầy đố mầy làm nên?

Giảng về nghĩa rộng

Nói “Qui y Phật” đó, đành rằng: chúng ta qui y đức Thích-ca, là chính nơi gốc, thấu nơi nguồn, vì Phật là Giáo Tổ ở thế giới Ta-bà nầy, mà cũng phải qui y luôn tất cả các đức Phật hiện ở Thập phương thế giới, và Tam thế chư Phật. Như Tây phương Giáo chủ A-di-đà Phật; Đông phương Giáo chủ Dược sư Lưu Ly Quang Vương Phật; Long Hoa Giáo chủ Di-lặc Tôn Phật… Một ngàn đức Phật ở kiếp Trang Nghiêm là kiếp về quá khứ; một ngàn đức Phật ở kiếp Nhân Hiền là kiếp hiện tại; một ngàn vị Như Lai ở kiếp Tinh Tú là kiếp vị lai, cho đến hằng hà sa số chư Phật.

Với phép: qui y một đức Phật Thích-ca ở cõi đây, kiếp nầy, mà phải qui y luôn với các đức Phật ở cõi kia, kiếp nọ nữa đó, là vì cái lẽ rằng nhứt Phật xuất thế, có cả thiên Phật hộ trì và là Phật Phật đạo đồng. Lại nữa, Phật nào cũng có tam thân, là: Pháp thân, Báo thân và Hóa thân, chúng ta cũng qui y cả “Tam thân Phật” ấy nữa, thế mới là đủ nghĩa “Qui y Phật”.

Nói “Qui y Pháp” đó, là đành rằng người tại gia cư sĩ, qui y vâng giữ 5 điều giới luật, đó là bổn phận. Nhưng, cũng phải qui y thờ kính luôn cả giáo pháp mới được. Vì giáo pháp gồm có ba tạng, mười hai bộ, kể có 8 vạn 4 ngàn phương pháp, pháp nào, cũng dạy cho chúng sanh cải ác tu thiện, trừ tà hiển chánh, diệt tội sanh phúc, bỏ nhiễm về tịnh, xả vọng qui chơn, hết mê được ngộ, mà thôi.

Cái lẽ có nhiều phương pháp như thế, là để sửa chữa nhiều tâm bịnh của chúng sanh, cũng như nói: “Bịnh nào, có thuốc nấy” vì thân tâm của chúng sanh đều có lắm bịnh, là thân bịnh, khẩu bịnh và ý bịnh.

Kinh nói: “Những người bạc phước vô duyên, khó gặp được Phật pháp”, kêu là “Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ” Thế mà chúng ta nay đã gặp được Phật pháp như thế nầy, chắc chúng ta đã có phước duyên, có tu học từ kiếp trước rồi, nên mới đặng điều hân hạnh “thiên sanh nhứt ngộ” nầy, vậy là nghĩa “Phật hóa hữu duyên nhân”. Thì ngoài bổn phận kính giữ năm giới, chúng ta cũng phải kính giữ cũng như qui y luôn Kinh Luật Luận là Ba tạng Pháp bảo của Phật, vậy mới đầy đủ nghĩa “Qui y pháp”.

Nói “Qui y Tăng” đó, đối với một ông Sư là người mà chúng ta kính mộ thụ giáo đã đành, vì chính là người đưa đường chỉ ngỏ cho chúng ta bước vào pháp môn, chúng ta phải kính thờ ông là đức “Bổn sư” của chúng ta. Nhưng, với ông chỉ là một phần, chớ chưa đủ toàn thể của “Tăng bảo”, vì từ một ông sư cho đến nhiều ông sư, mới phải là đủ nghĩa Tăng già, kêu bằng “chúng hòa hợp”, Nên ngoài đức Bổn sư ra, chúng ta cũng phải quí kính hiện tiền các đại đức tăng chúng, mới được nhiều phước, kêu là “chúng đức như hải”. Thầy ai cũng như Thầy ta, vì đã kính Thầy, cũng phải kính Bạn của Thầy, nên ở trong Luật có câu: Thiện đạo lương bằng thân như phụ mẫu. Chớ nên phân biệt là Thầy Tổ nọ, tông phái kia, mất cái chánh nghĩa của “Hòa hiệp chúng” là Tăng bửu!

Chư sơn, Bổn đạo xứ nầy; phân rẽ nhau, riêng phe lập đảng, không liên hiệp đoàn thể; làm cho Đạo chúng vụng về thiếu hòa hợp, làm cho Cư sĩ bỉ thử thêm kiêu mạn, làm cho xuất xứ quê kệch kém ngoại giao, làm cho Phật hóa dửng dưng ít mật thiết. Đều bởi là hai phái: tại gia, xuất gia ít liên hiệp nhau, ít đoàn thể nhau, ít hệ thống với nhau, thành thử chưa nên chi đáng gọi có chỗ để giáo dục với nhau, đào tạo nên những hạng tri thức với nhau! Sở dĩ thiếu hiểu cái chánh nghĩa của Tăng bảo là sao? Phải đối đãi, phải kính thờ, phải làm như thế nào là đúng?

Thế nên chúng ta cần phải qui y tất cả hiện tiền Tăng, mặc dầu chẳng có mặt, vì ở các nơi khác, nhưng lòng ta ta tưởng như đều có hiện tiền, để ta qui y, vậy mới đủ nghĩa “qui y Tăng”.

Nói về Lý

Trên đã giảng nghĩa hẹp nghĩa rộng của sự qui y rồi, giờ đây, nói đến “Lý qui y” như dưới đây:

Nói “Qui y Phật” đó là: chúng ta tự qui y lấy “tự tánh Phật” của chúng ta. Trước kia đã giải rằng: qui y là: trở về nương náu, nhưng bấy nay đi đâu? Làm gì? Nương náu với ai? Mà giờ đây lại bảo “trở về náu nương với tự tánh Phật của chúng ta” ư?

Nguyên tự tánh vẫn là “chân – giác không mê”: Chân tức là chơn như. Giác tức là Giác ngộ. Chân thì không giả dối. Như thì không biến đổi. Giác ngộ thì không si mê, nghĩa là với chân tâm, chúng ta giữ còn nguyên vẹn, chưa đổi dời.

Trái lại, chúng ta hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, bỏ lửng cái tâm chân thật, theo náu nương với cái tâm giả dối; bỏ cái tâm như thường, theo náu nương với cái tâm biến đổi; bỏ cái tâm giác ngộ, theo náu nương với cái tâm si mê. Thế kêu là “Mê chân trục vọng bội giác hiệp trần”. Nay chúng ta hồi đầu qui y Phật là: bỏ cái tâm si mê mà trở về cái tâm giác ngộ nên nói là “trở về náu nương”, tức là bỏ cái lòng giả dối của chúng sanh để trở về náu nương với cái lòng chân như của chư Phật…

Tỷ như đối với đời xưa, chúng ta bị cái chế độ nhồi sọ xoa tròng, bắt mê tín có “Duy thần” là ông Trời làm chủ tể tạo ra muôn loài; đối với gần đây, chúng ta lại phải tin chấp rằng có “Duy vật” là nguyên tử làm bản thể tạo ra các hiện tượng.

Ngày nay, chúng ta nhờ Phật học xương minh, hồi quang phản chiếu, mới hiểu ra rằng: cái điều tin tưởng như thế là si mê, là lầm lạc! Vì là hẳn không, mà lại bắt tin là thiệt có, chẳng phải mà buộc chấp làm phải.

Nay chúng ta bỏ hết thảy: cái “mê chấp” rằng Duy Thần, Duy vật và Duy Tâm tạo kia, để trở về náu nương với “giác ngộ” và “chúng duyên” tạo, nên nói “Qui y Phật là trở về náu nương với tự tánh Phật (cũng như tự tánh giác) của chúng ta”, tức là “tự tánh chân giác không mê gọi là Phật bửu”.

Vậy, chúng ta qui y Phật, là qui y “tự tánh Phật” của chúng ta, nên gọi “tự qui y Phật”, nghĩa là tự mình qui y ngay nơi tự tâm Phật của mình; hễ “tự Phật” đã qui y rồi (cũng như tự đã hồi đầu giác ngộ), lẽ tất nhiên đồng qui y với “tha Phật” vì Phật kia tức tâm đây, tâm nầy tức Phật nọ, nên nói “Phật tức tâm tâm tức Phật” vì tự Phật, tha Phật gì cũng là đồng “một giác ngộ” như nhau, chớ không phải hai, cũng chẳng phải khác.

Tỷ như: trong một tịnh thất, treo nhiều gương, đốt nhiều đèn, đèn nào cũng đồng ánh sáng, gương cũng có tia sáng hiện vào, cả ánh sáng chiếu lẫn vào với nhau, trùng trùng điệp điệp ánh sáng suốt lẫn cùng nhau, Phật tâm tâm Phật, hoàn toàn thanh tịnh, ánh giác quang sáng suốt lẫn nhau, cũng như thế.

Nói “Qui y Pháp” đó, là chúng ta tự qui y lấy “tự tánh pháp” của chúng ta, nên gọi là “Tự qui y Pháp”, nghĩa là: tự mình qui y ngay nơi chánh pháp của tự tâm mình. Bởi “Tâm sở hữu pháp” của chúng ta, vẫn có nhiều pháp rất quí báu, như là: Sáu pháp vô vi… tức là “tự tánh chân chánh (không tà tư loạn tưởng) gọi là pháp bửu”. Ngoài ra, như: tư duy ngay thẳng, tưởng niệm chánh đáng… đều là chánh pháp của tâm

Giả như: suy nghĩ nhớ làm những điều lợi ích cho người cũng như lợi ích cho mình; giữa đồng bào dân tộc với nhau, cùng chung làm việc theo bổn phận, cùng đồng hưởng dụng theo quyền lợi, sĩ, nông, công, thương, đàn bà, đàn ông, phần ai có chức nghiệp nấy, phải đều giữ lẽ công bình, làm lợi ích chung với nhau. Tư duy như thế, tưởng niệm như thế, thực hành như thế, kính trọng “việc phải” như thế, tức là “qui y chánh pháp” cũng như giữ và làm “thiện pháp” vì kính tuân theo pháp chân chánh, làm đúng lẽ công bình.

Trái lại là tà pháp, như là: tổn nhân, ích kỷ, giai cấp, bất bình, áp chế quá lẽ, độc quyền lũng đoạn, phản quốc gian thần, bóc lột lẫn nhau, làm cho đảo điên nòi giống, nghiêng ngả nước nhà, lịch sử quàng xiên, xã hội chênh lệch, nhân luân sa ngã, đạo đức nghiêng triền, lòng dạ quanh co, nhào lộn theo tứ đổ tường, quay cuồng với ngũ dục lạc. Tư duy như thế, tưởng niệm như thế và hành động như thế, tức là “qui y tà pháp, hay thi hành ác pháp vì bỏ công lý, sái lương tâm”.

Nay, chúng ta đã lui gót tà đồ, quay đầu chánh đạo, cách mạng việc làm, cải lương lòng tưởng, nên nói là “trở về náu nương với chánh pháp của tự tâm”. Sách nói : “Cử trực thố chư cuống: dùng điều thẳng, bỏ các điều vạy” “Tựa hữu đạo nhi chánh: tìm đến người có đạo hạnh hơn mình để chất chính lại lẽ phải trái”. “Thường bả nhứt tâm hành chánh đạo: nghĩa là: thỉ chung giữ một lòng làm đạo chánh. Kinh nói “hành bát chánh đạo”: làm tám điều chánh đáng.

Vậy chúng ta qui y Pháp, là cốt để thực hành chánh pháp, là “pháp bảo” của tự tâm ta, ta hành cái nhân chánh pháp tất sẽ chứng cái quả chánh giác. Tỷ như: “Cái bình ngay tất nhiên cái bóng thẳng”, “thước thẳng thì đường gạch ngay”.

Nói “Qui y Tăng” đó là chúng ta tự qui y lấy “tự tánh Tăng” của chúng ta, nên nói “Tự qui y Tăng” vì tự tánh chân thuận không nghịch gọi là Tăng bửu”. Bởi “Tăng già” nghĩa là “hòa hợp chúng”. Mặc dầu đông nhiều nhà sư, mà tâm lý không hòa hợp với nhau, cũng chưa có thể đáng gọi là Tăng bửu được vì không y theo câu luật “như thủy nhũ hiệp”. Nên chỉ có thực hành “chủ nghĩa lục hòa” và mỗi người tự tâm điều thuận, không sân nộ xung đột, trong tâm ngoài cảnh vẫn thanh tịnh nhu hòa, không phân biệt thân sở bỉ thử mới đúng nghĩa lý “Quí báu của tự tánh Tăng”. Sách Nho cũng nói: “Dĩ hòa vi quí”. Đức Khổng Tử đến sáu chục tuổi mới thực hiện được cái đức tánh của Tăng-già, là “lục thập nhi nhĩ thuận”, vì hiện hành được cái “tùy ngụ nhi an” cũng như “ tự tánh chân thuận”.

Người đời, trong tâm vẫn có những cái “bất tương ưng hành pháp”, chúng nó cứ thường thường hoạt động tự mâu thuẫn nhau giữa tự tâm lý; tâm (ý) nghĩ một nơi, miệng nói một ngả. Trước nói vầy, sau nói khác, kêu bằng “tự ngữ tương vi”. Tâm nghịch lẫn với hoàn cảnh, mặc dù là đồng bào, chung một máu mủ mà cũng xung nghịch với nhau, như là: Huynh bất cung, đệ bất thuận, cha con trách thiện, phu phụ bất hòa, chủ tớ oán thù, thầy trò bất đồng ý kiến, phái duy tân, đảng thủ cựu, nghịch hẳn tâm lý xu hướng.

Như chỉ một vấn đề “Việt Nam nên được độc lập hay nên thuộc địa” mà làm cho giữa quốc hội Pháp, các ông Nghị sĩ cãi cọ, xung đột nhau, đến đỗi đấm đá nhau, trầy đầu, lả mặt, đổ bàn, văng ghế! Thế thì đâu phải là nước Cộng Hòa?

Đã kêu là “hội đồng quốc tế” mà mỗi khi nhóm họp, nghị luận, đấu khẩu, phản kháng với nhau thì cũng đâu có ý nghĩa gì hội đồng liên hiệp?

Chí ư cái thuyết: Thiên diễn đào thải: thì hai con triều “tiến hóa thối hóa” nó bất tương dung với nhau, như nước với lửa! Thì đâu có: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa?

Thậm chí các Tôn giáo: Đạo nầy kích bác đạo nọ, bị người ta cho là “Đạo ố đạo. Như vậy thì cũng bỏ mất cái đức hòa hợp rồi!

Gia dĩ, nhà Duy vật học xướng lên cái thuyết “sanh tồn cạnh tranh, ưu thắng liệt bại” xúi cho loài người: mạnh được yếu thua. Máu sông xương núi bởi cái thảm phấn đấu chiến tranh, cả Âu lẫn Á, vì chiến không hòa!

Ôi! Vô nhân đạo! Tán tận lương tâm, đâu còn bình đẳng, công bình, bác ái cọng hòa gì ư?

Thế nên, chúng ta qui y Tăng là bỏ nghịch về thuận, bỏ thù về thân, bỏ xung khắc về họp hòa để bảo toàn và thật hiện những đức tánh “hòa hiệp Tăng” của chúng ta, kêu bằng “hòa hợp chúng”. Nghĩa là: Chúng nhân hòa hiệp với nhau để “chung ở, chung làm, chung hưởng, chung vui, chung sống”. Thế là “Tự bình đẳng” cũng là “Cọng hòa đồng”. Trái lại, giữa loài người, họ chưa đặng như thế là bởi phần đông tự tánh của chúng sanh chưa biết, hoặc biết mà chẳng chịu thực hành cho thật hiện cái lý “Qui y Tăng”.

(2)

Với pháp “Tam qui y” đã giảng rồi, giờ đây nói đến “Cách phát lời thề nguyện”.

Với đoạn trên, chúng ta đã hiểu cái lẽ: nào tà, nào chánh, cái đạo; nào giác, nào mê rồi thì chúng ta nên tự chọn lấy, tự thệ nguyện, tự buộc, cố gắng lấy mình, kêu bằng “tự tín, tự cường, tự chủ trương” chớ không phải như ai kia, để kẻ khác bắt buộc phải mê tín theo một cách mơ hồ, ỷ lại!

(GIÁP) “Đệ tử đã qui y Phật rồi, thề trọn đời không qui y với trời, thần, ma, quỉ nữa”, đó là: chúng ta chỉ qui y về Phật mà thôi, vì Phật là chánh người cũng như ta mà đã giác ngộ rồi, tất nhiên, Phật ngài cũng giác ngộ cho chúng ta bằng “văn tự Bát-nhã” để lại thì tức nhiên chúng ta cũng chính là người, lại sẵn con đường đã “khai giác” rồi đó, chúng ta noi theo, để được ra khỏi đường mê đến nơi ngàn giác, cũng như Phật vậy. Nói thêm lại lần nữa: vì Phật, nguyên chính là người đã thành Phật, chứ có phải là thứ gì khác đâu? Thì chúng ta đây cũng chính là người, lại được cái hân hạnh là đã sẵn có “giác lộ” rồi, chẳng cần đi tìm đâu nữa, chỉ cứ noi dấu theo cái thành tích đó, là sẽ cũng thành Phật ngay. Chớ như trời, thần, ma quỉ kia, cũng còn là chúng sanh, đương sống mê chết ngủ giữa lục đạo luân hồi như chúng ta đây, nghĩa là cũng đương còn mê lầm, thì làm gì để giác ngộ cho ai được? Tỷ như người kia: tự cứu lấy bịnh của nó chưa đặng, thì có đâu cứu được bịnh của ai, vì nó chưa phải chính thức là thầy thuốc! Cũng như trời, thần… chưa phải là giác giả!

Theo lẽ “tạo nhân nào kết quả nấy”, tỷ như “trồng dưa sẽ ra dưa”, thế thì, chúng ta qui y Phật sẽ thành Phật, vậy không hơn là: qui y trời, sẽ thành trời. Qui y ông táo (cũng như bán cho ông táo) sẽ thành ông táo; qui y ông hổ sẽ thành ông hổ… mà khốn! Vì tin tưởng chi, sau sẽ thành ra nấy, như ông Từ Đạo Hạnh tưởng làm cọp, sau đầu thai ra là Vua Lý Thần Tôn phải hóa làm cọp… sử xưa chép thế. Như vậy đó thì  nên qui y làm Phật hay nên qui y làm cọp! Huống nữa dù trời, thần gì cũng còn luân hồi khổ não! Như hai Thiên đế hóa làm heo, lừa, thần Thành hoàng mang lốt rắn!

Nhưng thật ra, trong tạng kinh thường nói: “Những người giữ trọn ngũ giới, hành cả thập thiện, kết quả làm những ông Trời ở lục dục (Hạ giới); tu thêm pháp tứ thiền, kết quả làm các ông trời ở trung giới v.v…” Thế thì, các ông Thiên chủ: được sanh lên ở các cõi Trời: lục dục, tứ thiền đó đều là những phần tử do trong “lớp học Phật thứ tư” kêu là “thiên thừa” của “ngũ thừa Phật giáo”.

Luật Phật dạy: Những người dù có hành từ thiện nhân đức đến đâu, nếu không thụ trì giới cấm, đều phần nhiều sa rớt về ma đạo quỉ thần cả, vì chẳng trừ được: sát sanh, dâm dục và sân nộ! Thượng là Thiên ma vương, ba tuần quyến thuộc; Trung phẩm là ma quan, như Dạ-xoa, La-sát, các Thần quỉ ở các nơi đình miễu. Hạ phẩm là ma dân, như ngạ quỉ, vô y yêu tự đẳng chư cô hồn.

Vả lại, dẫu có qui y tu học theo trời đi nữa, cũng vĩnh kiếp làm nô lệ cho trời mà thôi, chứ không bao giờ được tiến hóa lên làm Trời, theo như “giáo điều” đã bắt buộc…; thì quá ư độc quyền chuyên chế, mất lẽ công bình, trái hẳn với triều tiến hóa. Như thế thì chúng ta qui y học tu theo chi cho uổng công mệt xác! Vì rốt rồi cũng vẫn làm tôi mọi mãi!

Tỷ dụ: anh Học trò dẫu có công đèn sách, dốc chí bút nghiên, rốt rồi cũng vẫn là học trò, thì lo ôm cặp tới nhà trường hằng ngày hai buổi nấu sử xôi kinh chi cho lao thân tiêu từ, vì học cho đến mốc mũi bạc đầu rồi cũng không được lên làm thầy giáo, hay quan đốc, quan chi chẳng hạn! Mà có lẽ thế không? Mà nếu thật có như vậy thì chúng nhân có bằng lòng công nhận và học không?

Chớ như Phật là quả vị chung, hễ ai hay chúng sanh nào lo học tu theo thì được giác ngộ, tức là thành Phật. Tỷ như chức vị “Đại tổng thống” của nước dân chủ, toàn thể quốc dân ai cũng có phần, nếu đủ tư cách là được công cử đưa lên để lãnh đạo. Địa vị Phật công bình cũng như thế.

(ẤT) “Đệ tử đã qui y Pháp bảo rồi, thề trọn đời không qui y với kinh sách pháp tắc của ngoại đạo tà giáo”, đó là như kinh pháp của đạo Nho, tuy cũng chánh giáo nhưng toàn tánh cách “Nhân nghĩa, Đế vương”, thì với thời đại nầy người ta cho là không còn thích ứng với trào lưu tiến hóa nữa, vì họ đều chú trọng về dân chủ cộng hòa…

Kinh pháp của đạo Tiên, lại thiên trọng về chủ nghĩa “độc thiện, yếm thế, vô vi” bị người ta cho nó không hợp với “tư tưởng đoàn kết, xã hội lao động” ngày nay, vì “hiệp quần, nhập thế, tự túc”…

Kinh pháp của đạo Bà-la-môn thì hoàn toàn là thần quyền chuyên chế, cúng lễ phiền phức, không còn dùng được giữa đời nhân loại tiến hóa nầy, vì là dân quyền hội nghị… kỷ niệm bằng một cái nghiêng mình, một cái tràng hoa thôi.

Kinh pháp của Nhứt thần giáo, lại quá ư độc quyền, nhồi sọ, áp chế quá lẽ, vì “bảo thế nào, buộc phải tin thế ấy, tin được cho lên thiên đàng, trái lại thì, phạt vào địa ngục vĩnh kiếp. Chao ôi! Tội gì quá thế? Với dương gian, kẻ bị tội nặng nhứt cũng chỉ chung thân là cùng, mà chịu còn không nổi thay? Huống chi đàng nầy lại đành đọa đến vĩnh kiếp? Mà tại ai tạo? Bày đặt cái điều rắc rối là gây tạo ra muôn loài, rồi để cho chúng nó chịu lắm việc bất bình đẳng giữa giai cấp và giết hại lẫn nhau? Vậy thì cái kẻ chủ tạo ra cuộc hỗn loạn đó đáng phạt tội cho nó bằng cách nào nữa? Mấy cái vĩnh kiếp? Đành đọa nó vào địa ngục ở mãi hằng hà sa số kiếp đáng không?

Thế nên, kinh pháp của nó không thể sống chung với thế giới tiến bộ văn minh ngày nay! Vì chúng sanh tự tạo hóa, tự do, tự chủ và tự nhân quyền, nên chúng ta thề rằng: nhứt định không qui y với các thứ kinh pháp ấy, mà chúng ta chỉ nên qui y học tu theo kinh pháp của Phật dạy rất chính tín, rất tự tại, rất chân thật… bởi cái lẽ “nhứt thiết chi chi, đều tự mình tự tạo tác lấy; tỷ như: hễ đi học là tạo người biết chữ, trái lại là, tự mình tự tạo lấy người dốt, thế thôi”.

(BÍNH) Đệ tử đã qui y Tăng bảo rồi, thề trọn đời không qui y với thầy tà bạn dữ, đó là chúng ta tự nghĩ: giữa đời các nghề học tập, đều phải có thầy, nên trước kia đã nói “không thầy đố mầy làm nên” huống chi là về giới học đạo, vì có thầy hướng đạo chỉ dẫn, thì việc tu học của ta mới đến nơi đến chốn được, kêu bằng tận thiện tận mỹ”. Nên sách nói: “Sanh ngã giả phụ mẫu, thành ngã giả sư hữu”: Cha mẹ đẻ nên ta, thầy bạn dạy nên ta. Huống nữa, mặc dù thiện hay ác cũng đều là thầy của ta, vì “kiến hiền tư tề diên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh”, nghĩa là, thấy người ta có hiền tài, mình phải lo làm sao cho bằng, để khỏi thua chúng kém bạn; thấy kẻ chẳng hơn mình, lại làm điều dở hèn, thì mình nên nhân đó mà tự xét lại tâm mình, coi mình có làm như vậy chưa? Thế cũng thành được bài học về khoa tu tỉnh, mà người ta kêu là “mang ơn kẻ dữ” là thế.

Nhưng, cũng phải trạch thiện tòng chi, nếu ta cứ nhắm mắt đưa chơn, tất bị thầy tà bạn dữ mà chớ! Vì “manh dẫn quần manh” – “Nhử sư ký đọa, nhữ diệc tùy đọa”: Thầy ngươi đã đọa, ngươi cũng đọa theo. Sách Hoằng giới nói: “Dĩ Phật vi sư, dĩ pháp vi sư, dĩ tăng vi sư” nghĩa là, hôm nay chúng ta đã qui y Tam bảo rồi thì chỉ thờ Phật Pháp Tăng làm thầy mà thôi, thề không thờ thầy bạn nào ngoài Tam bảo.

Tóm lại, đối với Tam bảo, chúng ta một lòng qui y, phụng sự, thỉ chung như nhứt, thế là chúng ta trung thành với Tổ đạo, chúng ta là Phật tử. Trái lại, nếu đã qui y Tam bảo rồi, ai còn vui đâu chúc đó, ba hồi vô đạo nầy, ba hồi vô đạo nọ, như vậy, chúng ta là Phật gian, là chiều đời nịnh thế.

Tỷ như: đã một phần tử quốc dân, mà lại còn đi xu thời phụ thế, mãi quốc cầu vinh, lại tự cho là nắng đâu che đó, làm như vậy, rồi bia truyền miệng thế, di xú vạn niên! Mà người đời kêu là loạn thần tặc tử, chớ không phải là trung thần hiếu tử! Vì chẳng trung thành với tổ quốc!

Thề và buộc như vậy, không phải đạo Phật muốn chiếm độc quyền hay áp chế, hẹp hòi gì, không cho chúng ta tự do rộng tìm đạo lý khác, và cũng chẳng phải dám nghịch với điều “tự do tín ngưỡng” của quốc tế đâu! Chỉ e chúng nhân lạc lối lầm đường, tu mù luyện quáng, rốt rồi như công dã trường se cát, và như nấu sạn không thành cơm đó thôi!

Lẽ ra, các đạo kia, Đạo nào tự vẫn giữ lấy đạo nấy, mà cũng nên nghiên cứu thêm đạo Phật, để khỏi sự mê chấp, mà được sáng suốt thêm lên. Tỷ như gấm thêm hoa lại càng tốt đẹp!

Chúng ta phải biết rằng: Tất cả Tôn giáo, không thể đưa chúng ta ra khỏi mê xuyên, tiến lên giác ngạn, vì Đạo nào cũng còn chấp đoạn, chấp thường, chấp ngã, chấp pháp, nên chưa giải thoát được luân hồi, bởi còn ân ái, danh lợi, phiền não nó buộc ràng! Thiệt ra “độ tận chúng sanh, đồng thành Phật đạo” thì chỉ có Tam bảo là cứu cánh, là hoàn toàn, là siêu việt hơn cả. Nên sách đã có câu tôn xưng rằng: “Thiên thượng thiên hạ Tam bảo vi tôn, thế xuất thế gian Tam bảo vi tối”: Trời trên Trời dưới Tam bảo cao hơn, cõi trong cõi ngoài Tam bảo tột bực.

Phật nói: “Nếu chẳng qui y Tam bảo thì luân hồi nhiều kiếp lắm! Vì trái bỏ giác tánh để hợp theo cảnh trần”.

(3)

Với cách thệ nguyện đã giảng rồi; giờ đoạn nầy nói chúng ta qui y Tam bảo có ích lợi gì không?

Nên nói: “Đã qui y Phật bảo rồi, được lợi ích không đọa địa ngục”, vì đã theo lẽ giác ngộ rồi, không làm ngũ nghịch thập ác.

“Đã qui y Pháp bảo rồi, được lợi ích không đọa ngạ quỷ” vì đã theo chánh pháp bố thí rồi, không ham ăn hốt uống, tiếc bạc tham tiền.

“Đã qui y Tăng bảo rồi, được lợi ích không đọa bàng sanh” vì đã thể theo hòa hợp tăng, công đồng minh bạch rồi, không làm điều vô nhân đạo, mất công lý, ngu si, ám muội.

Tóm lại, sở dĩ có cái lẽ trả quả tam ác đạo là bởi có tạo ba nguyên nhân của tam ác đạo. Nay chúng ta đã qui y, tu học theo Tam bảo thì sẽ tất được lên lớp, hưởng phước với ngôi Tam Bảo, vì có tu thì được kêu bằng “ông tu ông đắc”. Tỷ như: lo học thì được lên lớp hay chữ, gọi là học sinh, chớ có lẽ nào đã đi học mà lại vẫn dốt nát, không biết chữ là dân ngu bao giờ!?

(4)

Đã giảng về lợi ích của pháp qui y rồi, đoạn nầy nói đến 5 điều răn: Trên kia đã dẫn lời Phật dạy: Làm lành tu phước đến đâu, mà không thụ giới, hoặc đã có thụ giới rồi mà không giữ gìn thì cũng đọa lạc về ma đạo”! Nên chúng ta cần phải thụ giới, trì giới mới đặng. Vậy xin kể ngũ giới sau đây:

Giới thứ nhứt: Bất sát sanh

Phật dạy rằng: Sát sanh có hai quả báo: “Nhứt giả đa bịnh, nhị giả đoản mạng” nghĩa là một thì đau ốm liên miên, vì là trả quả làm cho con vật chịu đau khổ bởi đao hay gậy trước kia. Hai thì chết yểu, vì phải trả quả làm cho đoạn ngắn cái sống còn dài của sinh vật thuở xưa. Thử xét: muốn cho ta mạnh và sống, lại làm cho nó đau và chết; muốn cho ta được sum vầy bà con, lại làm cho nó phải chia lìa bầy lũ! Cái muốn một nơi, cái làm một ngả, thật là trái ngược, mâu thuẫn hết chỗ nói. Tỷ như: muốn ăn trái cam mật, mà lại trồng hột giống bồ hòn.

Những cái kết quả thảm trạng: xương núi máu sông, chỗng trôi thây nổi, đều là bởi cái tạo nhân bằng tể sát đồ đao của những tiệc: Quan, hôn, tang, tế, tiệc khao binh, tiễn tướng, nhứt là những nhà hàng thịt lò bò lò heo, và những nơi bào trù của nhân gian! Nên người xưa đã chỉ rõ: “dục tri thế thượng đao binh kiếp, thả thính đồ môn bán dạ thinh”. Dịch vần: Trên đời kết quả giặc to, nguyên nhân tiếng éc… các lò thịt khuya!

Hơn nữa, Phật nói: “Nhứt thế chúng sanh đều có Phật- tánh” vậy chúng ta chớ mê chấp vì cái nghiệp thân huyễn hóa bằng khác hình đổi loại nầy mà sát hại lẫn nhau! Nếu toàn thể loài người, từ đây không ăn thịt, đều chẳng ăn thịt thì đều không nuôi, đều chẳng nuôi thì không sát hại, đều không giết hại thì không đọa để trả vay, đều chẳng trả vay thì không luân hồi, đều không luân hồi thì địa ngục đổi làm thiên đường, tất cả chúng sanh hoàn toàn nhân đạo. Vậy chúng ta phải nuôi cái đức từ bi là bạt khổ, dữ lạc, để đi đến đức “phóng sanh” của Phật.

Giới thứ hai: Bất thâu đạo

Phật dạy rằng: Nếu ăn trộm, ăn cắp, gian tham, lường gạt của người ta, thì kiếp sau phải làm cái thân: hoặc tôi tớ, hoặc trâu bò, để trả nợ trước.

Luật dạy: “Thà chịu chặt tay, không lấy của quấy” Sách nói: “Với vật gì mà phi nghĩa, thì ta chẳng nên lấy”. Phi nghĩa là: chẳng phải phần sở hữu của mình. Vì nó thuộc về quyền lợi của người.

Đức Khổng Tử nói: “Bất nghĩa nhi phú thả quới, ư ngã như phù vân”. Nếu làm điều bất nghĩa, dẫu giàu và sang đến đâu, với ta, ta coi cái phú quí đó cũng như mây nổi”. Nghĩa là nói “mây nổi” chả bao lâu, vì mới đó rồi tan liền, kêu bằng “bức tranh vân cẩu”?

Lấy tâm lý, tình cảnh để định: cái án trộm cắp, được hưởng tội nhẹ, vì nó còn biết sợ là phải rình mò, sẽ lén, để lấy của người. Còn cái án: cờ bạc, đầu cơ, bóc lột, hối lộ nhứt là cướp giặc, đồng hưởng tội “cỡ nặng”, vì là đồng đối trước mặt người ta; nào là công khai, nào là gian kế, nào là đánh giết để lấy của, phá nhà, cướp nước chúng bằng cách dùng võ lực. Quốc dân ấy còn hèn mạt, tàn bạo, hà ngược, dã man!

Vậy chúng ta giữ thật nghiệp làm ăn, để đi đến cái đức “bố thí độ khan tham” của Phật.

 

Giới thứ ba: Bất tà dâm

Luật dạy rằng: Tại gia ngũ giới duy chế tà dâm nghĩa là: bổn phận của người tu tại gia cư sĩ là giữ năm điều giới luật thì chỉ cấm việc tà dâm. Ý nói: người cư sĩ nam hay cư sĩ nữ tu học lớp “nhân thừa Phật giáo” thì có vợ có chồng theo phép hôn nhân, chánh thức giá thú, thì hành “Phu phụ chi đạo” là được phép “chánh dâm” kêu bằng “ăn ở với nhau”. Ngoài ra nếu còn: tìm hoa hỏi liễu, trên bộc trong dâu, mê sắc lầu xanh, bạc mầu chỉ đỏ… đều gọi là tà dâm, hành dâm bằng cách bất chánh.

Với các nhà tu cư sĩ, luật Phật chỉ cấm tà dâm, chớ chẳng cấm chánh dâm; nhưng cũng phải có chừng đỗi, nghĩa là có chừng độ, nhứt là phải kiêng cữ, phải giữ vệ sanh mới được. Chớ quá ư ham sắc dục, mà phải hao tổn khí huyết, khô kiệt tinh thần.

Phải biết rằng: nhờ ngũ cốc vật thực, bảy ngày mới sanh được một điểm tinh khí, kêu bằng “hậu thiên khí huyết”, nếu không tiết dưỡng, hành dâm không kỳ độ, hằng đêm đều bị vật dục sai khiến, thì tinh khí đâu sanh ra cho kịp? Vì một lần hành dâm, là xuất tinh nhiều gấp 15 điểm nhẫn lên, mà bảy ngày chỉ sanh có một điểm! Thậm chí, những người có nhiều vợ… nên sách nói ví: “song phủ phạt thụ”, nghĩa là hai búa đốn một cây thì cây ấy mau ngã! “Cây”: Thân người chồng “Hai búa”: dụ hai vợ. Thành thử dung nhan héo hắt, sức lực yếu ương. Cha mẹ đã ốm gầy, con cái phải eo ngẳng, bởi bẩm thọ thiếu, tiên thiên bất túc.

Tỷ như: trái đèo đẹt, hột lép lửng, bởi cây đã còi cọc cũng như bịnh hoạn, vì thiếu dưỡng liệu, phi liệu nên đơm bông kết trái không no đủ giống hột!

Đối với quốc dân hùng cường mà các đấng làm cha mẹ sanh con cái như thế cũng một điều đại trở ngại cho quốc dân ấy! Vì thân thể liệt nhược thì còn làm gì được nên thân? Kêu bằng “lực bất phược kê: cũng là sức chẳng trói gà…”

Huống nữa, về luật quả báo thì đời nay ta lấy vợ hoặc chồng, hay con của người, thời kiếp sau ta phải trả quả bằng cách người lấy lại vợ hoặc chồng, hay con cái của ta, để trừ. Vì cũng là cái lẽ trồng nhân nào sẽ hưởng quả nấy kêu bằng để trả vay với nhau.

Phật nói: “Nhứt thế chúng sanh giai dĩ dâm dục nhi chưng tánh mạng: với cái nhục thân của chúng sanh, đều do dâm dục là điều kiện chính để tạo ra tánh mạng. Nên cõi nầy gọi Dục giới, vì có những giống trai, giống gái, giống đực, giống cái và giống trống mái để hành dâm dục với nhau, đặng sanh con đẻ cái, gây nối giống nòi giữa các loài: “thai sanh, noãn sanh, thấp sanh”. Chứ như chúng sanh ở các cõi: Trung giới, Thượng giới và mấy tịnh độ kia, đâu còn có “hành dâm dục”, vì chẳng có cái giống nam nữ, tẩn mẩn, thư hùng nên chúng sanh ở các cõi ấy toàn là “sanh nở bằng cách hóa sanh” như liên hoa hóa sanh… “Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu”: Sen phô chín phẩm hoa bù đôi thân”.

Vậy khuyên các nhà bổn đạo: nên gắng tu “thanh tâm quả dục” lần lần sẽ dứt hẳn dâm dục để đi đến cái hạnh “Đồng chân của Bồ-tát”

Giới thứ tư: Bất vọng ngữ

Trong Luật dạy rằng: Người giữ giới, ăn nói phải chân thực, ứng đối phải tín thành. Kinh nói: “Chơn thật bất hư”. Sách Nho nói: Chí thành vô vọng”. Lời tục nói:Thiên ngôn vạn ngữ bất quá hồ thiệt”.

Luật cấm những người giữ giới nầy, chẳng nên nói những lời: Láo, dối, bớt, thêm, hành, dèm, chê, ngạo, đâm thọc, mắng chưởi, nguyền rủa, tục tiểu, ác độc, kêu bằng “hàm huyết phún nhân tiên ô tự khẩu”. Chuyện không nói có, uốn vạy làm ngay… đem chuyện người nầy nói với người kia, để khiêu khích cho đôi bên giận, thù nhau.

Nói một lời làm cho Châu Du, Tôn Quyền nổi giận, dấy binh đánh với Tào Tháo, vì câu chuyện “Tỏa thị kiểu”, bởi lời “Kiêu toan đấu tranh” để “”Ta tha nhân chi thủ” là kế của Khổng Minh.

Nói lời tỉnh, mặt giả vờ, làm cho tình nghĩa giữa cha ghẻ con nuôi nổi máu ghen, đánh hại nhau là Lữ Bố giết Đổng Trác, vì cái bộ dạng giả đò tỏ gọi nỗi uất ức, để làm “cái kế phản gián” là mưu cha con Điêu Thuyền.

Đức Khổng Tử than trách rằng: “Xảo ngôn lịnh sắc tiền hỉ nhân”; miệng nói khéo, nét mặt làm ra bộ tử tế, chỉ trang sức bề ngoài mà tâm đức bên trong tán tận cả, còn gì là lòng nhân!?

Cũng thì nói, mà nước nhà được độc lập, nên nhân dân dâng cho bốn chữ nhứt ngôn hưng bang. Cũng thì nói mà làm cho phân ly ra là nước tự trị, bị nhà báo đăng lời phúng điếu cho cũng bốn chữ nhứt ngôn tán bang!

Tóm lại, nói mà đặng công nên chuyện bởi lưỡi; nói mà hiệp hôn lìa dị bởi lưỡi; nói mà thành gia bại sản bởi lưỡi; và nói mà hưng quốc tán bang cũng bởi lưỡi! Lưởi ôi là lưỡi! Lắm chuyện nhiều lời, kể sao cho xiết! Nên tục ngữ đã kết án rằng: Lưỡi không xương nhiều điều lắc léo! Thế thì lưỡi lại còn độc ác hơn gươm đao, vì nó giết người chết được bằng cách không thấy máu, như là : “tiêu lý đao… ấm trung tiễn…” “thiệt hạ hữu long tuyền”… Nên Phật đã than rằng: “Phù sĩ xử thế, phủ tại khẩu trung, sở dĩ trảm thân, do kỳ ác ngôn: Ôi! Kẻ ở đời, cuống lưỡi là gươm, cái cớ mà mình hại lấy mình là bởi lời ác khẩu”.

Vậy chúng ta đã học theo Phật thì phải cẩn ngôn thận ngữ, hành “tứ thánh ngữ” để đi đến hai tướng quả “Quảng trường thiệt tướng và Phạm âm” của Phật.

Giới thứ năm: Bất ẩm tửu

Luật dạy: Làm người đã học theo trí giác của Phật, nên tránh xa công ty rượu, đừng có như “hũ chìm” đến, vì nó có những chất nóng độc, nên uống vô thì nó thiêu đốt gan ruột, nực nồng miệng hơi, nóng nảy mất tánh thường, xúi giục cho ý tưởng điều quấy, miệng nói lời bậy, và thân ra làm việc càn.

Như Luật nói: “Bởi phá một giới rượu mà dần lân phá luôn mấy giới khác nữa” của ông cận sự nam thuở xưa. Người mà quá ư nịch tửu, có hai điều thiệt hại: một, hiện tiền vì ngồi vào bàn tiệc, chỉ ưa đánh chén là trước nhứt, chưa thiết đến ăn, đến chừng bưng tới chén cơm thì ôi thôi, bao nhiêu miếng ngon vật lạ chúng đã ăn hết hồi nào rồi! Thế có thiệt hại không! Hai, sau nầy vì quá ưa uống hơn ăn, nên riết rồi lạnh bao tử, đau bụng hoài, uống thuốc gì cũng khó hết, chỉ có hút nha phiến mới tạm yên, nhưng đến khi nó sanh chứng hạ lợi, thì rốt rồi á phiện cũng vô phương cứu!

Người đời bị rượu mà hư hỏng lắm điều, vì đã có ông “thần men” ổng nhập cảng hay vào hội viên ve chai, lên ghế chủ tịch giữa quốc hội của bao tử quốc, rồi ổng đưa đề nghị gì ra, sai khiến chi lại chẳng đặng. Nên Luật đã biên bản cọng thành một vi bằng là tam thập lục thất nhứt ẩm bị diên. Nghĩa là chỉ có một cái uống rượu mà tấn công gây thiệt hại cho là “36 điều lỗi”

Ngoài ra, còn các thứ nào mà có chất độc làm cho ghiền gập say mê cũng đồng cấm cả vì đương tỉnh táo mà bị nó làm cho hóa ra ngây ngất, kêu bằng “mê hồn cuồng dược”.

Vậy, chúng ta đã quyết chí tu theo trí giác ngộ, thì phải tránh chừa các thứ say mê, để đi đến cái nghĩa vụ “trí huệ độ ngu si” của Phật.

Năm điều giới luật trên, phàm là người tại gia học Phật, phải giữ cho đủ, kêu là “Mãn phận Ưu-bà-tắc” hay là “Mãn phận Ưu-bà-di.”

Giữ được bốn giới thì kêu là “đa phận Ưu-bà-tắc” hay “đa phận Ưu-bà-di”.

Giữ được ba giới thì kêu là “bán phận Ưu-bà-tắc” hay “bán phận Ưu-bà-di”.

Giữ được hai giới thì kêu là “thiểu phận Ưu-bà-tắc” hay “thiểu phận Ưu-bà-di”.

Phân ra làm năm phần như trên đó là tùy theo hoàn cảnh của mỗi người, nên phải thụ và giữ lần lên từ một, kế hai… đến năm. Cũng như học sinh lên lớp. Nếu cư sĩ nào cảnh ngộ thuận tiện, nhứt là tâm chí dõng cảm, có thể thọ và giữ luôn cả 5 giới một lượt từ đầu cho đến trọn đời thì mới đúng, mới tốt hơn và mới hoàn toàn Cận sự nam, Cận sự nữ.

Trái lại nếu cả 5 giới không giữ được giới nào, thì mất phần làm người ở tương lai rồi! Vì thiếu điều kiện, kêu là ngũ giới bất trì, nhân thiên lộ tuyệt. Nghĩa: chẳng giữ 5 giới thì dứt đường về cõi người, cõi trời!

Nên biết rằng: cái hiện tượng giữa loài người, sở dĩ có thân tướng tốt hay xấu, chức vị sang hay hèn, hưởng thụ giàu hay nghèo, hoàn cảnh, giai cấp mỗi mỗi chẳng đồng nhau như thế, là nguyên nhân bởi đời trước, đối với thụ giới, học giới, giữ giới hoặc hoàn toàn hoặc không đủ, mà kết quả ra những hiện tượng như thế.

Với “học giới” trên, tỷ như học sinh: hoặc học đủ hay không đủ chương trình, niên khóa, hoặc siêng năng, hoặc trễ nãi, nên kết quả: lên lớp ra trường, hưởng trí thức chẳng đồng nhau vì cũng thiên sai vạn biệt.

Nếu toàn thể quốc dân nào, đều thụ tam qui, trì ngũ giới, đồng tu học một cách hoàn toàn như nhau, lẽ tất nhiên sẽ được kết quả đồng sanh ở một quốc độ không cần có chánh phủ, vì toàn là chư thượng thiện nhân, bởi qui y Phật có niệm Phật nữa nên được hoàn toàn tự do, bình đẳng, chung làm, đồng hưởng lợi ích bằng một cách cũng hoàn toàn như nhau, vì là cu hội nhứt xứ, nên chẳng có những giai cấp bất bình như các quốc độ khác!

Nên vua Tống Văn Đế quả quyết rằng: Nhược suất độ giai thuần Phật hóa, tắc quốc dân đồng hưởng thái bình…”

(5)

Đã giảng 5 điều giới luật rồi, đoạn nầy nói đến “cách hồi hướng”: Trong Phật pháp, hễ làm được pháp chi rồi, đều phải có hồi hướng cả, kêu bằng “hồi nhân hướng quả”, vì để có chỗ qui túc, tỷ như sẽ đến đạt mục đích.

Nay đây, chính là hành lễ “Truyền thụ Tam qui, Ngũ giới” sắp hoàn thành, nên chúng ta phải “hồi” lại đem tấc thành kính của thầy truyền trò thọ đây mà “hướng” lên bực Phật để nguyện cho ta và người cả chúng sanh, đồng nhân theo mối đường “qui giới” đó mà tiến lần lên quả Phật là “phúc huệ lưỡng túc tôn”.

Phật đã bảo rằng: “Ta là đã thành Phật rồi, còn chúng ngươi đó sẽ thành Phật”.

Vậy với “Tam qui Ngũ giới” đây các ngươi hãy cố gắng kỳ cho được sự tu học của các người đến nơi đến chốn, sách gọi hữu chí gia sự cảnh thành: hễ có chí quyết học thì sự ấy xong nên. Kinh Phật nói: “Ba-la-mật” dịch nghĩa: “đáo bỉ ngạn” tiếng ta đọc “đến bờ kia”. Nghĩa là sự làm đã đạt mục đích, cũng như kết quả hoàn thành rồi.

Tóm lại, sự qui y thụ giới nầy đã thành, là để đi đến cái địa vị thành Phật độ sanh, mới khỏi phụ tấc nhiệt thành đối với Tam bảo, mà không uổng cái công quả hôm nay! Vậy tôi xin niệm Phật để cầu Ngài chứng giám:

Nam-mô Thế Gian Quảng Đại Uy Đức Tự Tại Quang Minh Như Lai.

Thôi xin chào quý Phật tử đều đặng nhờ Phật độ

PHỤC NGUYỆN:

Lòng phát minh Ba báu
Căn lành nảy nở bởi trồng gieo
Giới tiến thủ năm điều
Quả phúc kết tinh nhờ bón tưới!

Tu cư sĩ tại gia trên dưới, nào là làm: Quan, quân, chủ, tớ đều thật hành đạo đức công dân.

Học Đại thừa nhập thế xa, gần hoặc hiện ở: canh, độc, công, thương đồng hưởng thụ lợi quyền bình đẳng:

PHỔ NGUYỆN:

Cả gia đình cọng lạc ưu thắng
Cả quốc tế cọng hòa phú cường
Cả nhân loại cọng nghiệp thuần lương
Cả chúng sanh cọng thành Phật đạo

NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT