NHỮNG ĐÓA HOA VÔ ƯU
Thiện Phúc

TẬP II

351. Bức Thông Điệp Vô Giá của Đức Phật
352. Năm Đệ Tử Đầu Tiên Của Đức Phật
353. Sáu Giai Đoạn Phát Triển Của Bồ Tát (Lục Tức Phật)
354. Tam Thời Pháp
355. Lục Hòa
356. Tứ Ân
357. Mười Thần Lực của Đức Như Lai
358. Phật Tánh
359. Như Lai
360. Như Lai Tạng
361. Bất Sanh Bất Diệt
362. Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới
363. Sắc Tức Thị Không, Không Tức Thị Sắc
364. Sắc và Tam Pháp Ấn
365. Mạn Đà La

351. Bức Thông Điệp Vô Giá của Đức Phật

Thông điệp vô giá của Đức Phật hay Tứ Diệu Đế là một trong những phần quan trọng nhất trong giáo pháp của Đức Phật. Đức Phật đã ban truyền thông điệp này nhằm hướng dẫn nhân loại đau khổ, cởi mở những trói buộc bất toại nguyện để đi đến hạnh phúc, tương đối và tuyệt đối (hạnh phúc tương đối hay hạnh phúc trần thế, hạnh phúc tuyệt đối hay Niết Bàn). Đức Phật nói: “Ta không phải là cái gọi một cách mù mờ ‘Thần linh’ ta cũng không phải là hiện thân của bất cứ cái gọi thần linh mù mờ nào. Ta chỉ là một con người khám phá ra những gì đã bị che lấp. Ta chỉ là một con người đạt được toàn giác bằng cách hoàn toàn thấu triệt hết thảy những chân lý.” Thật vậy, đối với chúng ta, Đức Phật là một con người đáng được kính mộ và tôn sùng, không phải chỉ như một vị thầy mà như một vị Thánh. Ngài là một con người, nhưng là một người siêu phàm, một chúng sanh duy nhất trong vũ trụ đạt đến tuyệt luân tuyệt hảo. Tất cả những gì mà Ngài thành đạt, tất cả những gì mà Ngài thấu triệt đều là thành quả của những cố gắng của chính Ngài, của một con người. Ngài thành tựu sự chứng ngộ tri thức và tâm linh cao siêu nhất, tiến đến tuyệt đỉnh của sự thanh tịnh và trạng thái toàn hảo trong những phẩm hạnh cao cả nhất của con người. Ngài là hiện thân của từ bi và trí tuệ, hai phẩm hạnh cao cả nhất trong Phật giáo. Đức Phật không bao giờ tự xưng mình là vị cứu thế và không tự hào là mình cứu rỗi những linh hồn theo lối thần linh mặc khải của những tôn giáo khác. Thông điệp của Ngài thật đơn giản nhưng vô giá đối với chúng ta: “Bên trong mỗi con người có ngủ ngầm một khả năng vô cùng vô tận mà con người phải nỗ lực tinh tấn trau dồi và phát triển những tiềm năng ấy. Nghĩa là trong mỗi con người đều có Phật tánh, nhưng giác ngộ và giải thoát nằm trọn vẹn trong tầm mức nỗ lực và cố gắng của chính con người.”

352. Năm Đệ Tử Đầu Tiên Của Đức Phật

Theo Đức Phật và Phật Pháp của Hòa Thượng Narada, năm vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật là những vị Kiều Trần Như, Bạt Đề (Bhaddiya), Thập Lực Ca Diếp (Dasabala-Kasyapa), Ma Nam Câu Lợi (Mahanama), và Át Bệ (Assaji). Kiều Trần Như là vị trẻ tuổi nhất trong tám vị Bà La Môn được vua Tịnh Phạn thỉnh đến dự lễ quán đảnh Thái Tử sơ sanh. Bốn người kia là con của bốn trong bảy vị Bà La Môn lớn tuổi kia. Tất cả năm anh em đều cùng nhau vào rừng tu học. Ngay khi hay tin Thái Tử Tất Đạt Đa rời bỏ cung điện, cả năm anh em cùng đi tìm đạo sĩ Cồ Đàm để phục vụ Ngài. Nhưng đến khi Thái Tử chấm dứt cuộc tu khổ hạnh ép xác, các vị ấy thất vọng, bỏ Ngài đi Isipatana. Chẳng bao lâu sau khi các vị nầy rời bỏ Thái tử thì Ngài đắc quả thành Phật. Ngay sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài cất bước đi về hướng vườn Lộc Uyển của xứ Ba La Nại. Thấy Phật từ xa đến, năm vị đạo sĩ (anh em Kiều Trần Như) bàn tính quyết định không đảnh lễ Ngài với lòng tôn kính như xưa. Các vị ấy hiểu lầm thái độ của Ngài trong cuộc chiến đấu để thành đạo quả, vì Ngài đã từ bỏ lối tu khổ hạnh cứng nhắc và chứng tỏ là tuyệt đối vô ích đó. Năm vị đạo sĩ nầy nói chuyện với nhau: “Nầy các đạo hữu, đạo sĩ Cồ Đàm đang đi đến ta. Đạo sĩ ấy xa hoa, không bền chí cố gắng và đã trở lại với đời sống lợi dưỡng. Đạo sĩ ấy không đáng cho ta niềm nở tiếp đón và cung kính phục vụ. Ta không nên rước y bát cho đạo sĩ ấy. Nhưng dầu sao chúng ta cũng nên dọn sẳn một chỗ ngồi. Nếu đạo sĩ Cồ Đàm muốn ngồi với chúng ta thì cứ ngồi.” Tuy nhiên, trong khi Đức Phật bước gần đến, với cung cách oai nghi, Ngài đã cảm hóa được năm vị đạo sĩ, và không ai bảo ai, năm người cùng đến đảnh lễ Ngài, sau đó người thì rước y bát, người dọn chỗ ngồi, người đi lấy nước cho Ngài rữa chân, vân vân. Mặc dầu vậy, họ vẫn gọi Ngài bằng danh hiệu “đạo hữu,” một hình thức xưng hô của những người ngang nhau, hoặc để người trên xưng hô với kẻ dưới. Khi đó Đức Phật mới nói: “Nầy các đạo sĩ, không nên gọi Như Lai bằng tên hay bằng danh từ “đạo hữu.” Như Lai là Đức Thế Tôn, là Đấng Toàn Giác. Nghe đây, các đạo sĩ, Như Lai thành đạt đạo quả Vô Sanh Bất Diệt và sẽ giảng dạy giáo pháp. Nếu hành đúng theo lời giáo huấn của Như Lai, các thầy cũng sẽ sớm chứng ngộ, do nhờ trí tuệ trực giác, và trong kiếp sống nầy, các thầy sẽ hưởng một đời sống cùng tột thiêng liêng trong sạch. Cũng vì muốn đi tìm đời sống cao thượng ấy nhiều người con trong các gia tộc quý phái đã rời bỏ gia đình, sự nghiệp, để trở thành người không nhà không cửa.” Năm vị đạo sĩ bèn trả lời: “Nầy đạo sĩ Cồ Đàm, trước kia, với bao nhiêu cố gắng để nghiêm trì kỹ luật mà đạo hữu không thành đạt trí tuệ siêu phàm, cũng không chứng ngộ được gì xứng đáng với chư Phật. Bây giờ đạo hữu sống xa hoa và từ bỏ mọi cố gắng, đạo hữu đã trở lại đời sống lợi dưỡng thì làm sao mà có thể thành đạt được trí huệ siêu phàm và chứng ngộ đạo quả ngang hàng với chư Phật?” Sau đó Đức Phật giải thích thêm: “Này các đạo sĩ, Như Lai không xa hoa, không hề ngừng cố gắng, và không trở về đời sống lợi dưỡng. Như Lai là Đức Thế Tôn, là Đấng Toàn Giác. Nghe nầy các đạo sĩ! Như Lai đã thành đạt đạo quả Vô Sanh Bất Diệt và sẽ giảng dạy Giáo Pháp. Nếu hành đúng theo lời giáo huấn của Như Lai, các thầy cũng sẽ sớm chứng ngộ, do nhờ trí tuệ trực giác, và trong kiếp sống nầy các thầy sẽ hưởng một đời sống cùng tột thiêng liêng trong sạch. Cũng vì muốn đi tìm đời sống cao thượng ấy mà nhiều người con trong các gia tộc quý phái sẽ rời bỏ gia đình sự nghiệp, để trở thành người không nhà cửa.” Lần thứ nhì năm đạo sĩ vẫn giữ nguyên thành kiến và tỏ ý thất vọng. Đến lần thứ ba, sau khi được Đức Phật lập lại lời xác nhận, năm đạo sĩ vẫn giữ vững lập trường, tỏ ý hoài nghi. Đức Phật hỏi lại: “Nầy các đạo sĩ! Các thầy có biết một lần nào trước đây Như Lai đã nói với các thầy như thế không?” Quả thật không. Đức Phật lập lại lần thứ ba rằng Ngài đã là Đấng Toàn Giác và chính năm đạo sĩ cũng có thể chứng ngộ nếu chịu hành động đúng lời giáo huấn. Đó là những lời nói chân thật do chính Đức Phật thốt ra. Năm vị đạo sĩ là bậc thiện trí, mặc dầu đã có thành kiến không tốt, nhưng khi nghe như vậy đã nhận định chắc chắn rằng Đức Phật đã thành tựu đạo quả vô thượng và có đầy đủ khả năng để hướng dẫn mình. Năm thầy bấy giờ mới tin lời Đức Phật và ngồi xuống yên lặng nghe Giáo Pháp Cao Quý. Trong khi Đức Phật thuyết pháp cho ba vị nghe thì hai vị kia đi khất thực, và sáu vị cùng độ với những thực vật mà hai vị đem về. Qua hôm sau hai vị nầy nghe pháp thì ba vị kia đi khất thực. Sau khi được Đức Phật giảng dạy, tất cả năm vị đều nhận định thực tướng của đời sống. Vốn là chúng sanh, còn phải chịu sanh, lão, bệnh, tử, và ái dục, các vị tìm thoát ra vòng đau khổ ấy để đến chỗ không sanh, không lão, không, bệnh, không tử, không phiền não, không ái dục, cảnh vắng lặng tột bực vô song, niết bàn, cảnh chân toàn tuyệt đối, nơi không còn sanh lão bệnh tử, phiền não và ái dục. Trí huệ phát sanh, năm vị thấu hiểu rằng sự giải thoát của các vị rất là vững chắc, không thể lay chuyển, và đây là lần sanh cuối cùng. Các vị không bao giờ còn tái sanh nữa. Đức Phật đã giảng Kinh Chuyển Pháp Luân, đề cập đến Tứ Diệu Đế, là bài pháp đầu tiên mà Đức Phật giảng cho năm vị. Khi nghe xong, Kiều Trần Như, niên trưởng trong năm vị, đắc quả Tu Đà Hườn, tầng đầu tiên trong bốn tầng Thánh. Về sau bốn vị kia cũng đạt được quả vị nầy. Đến khi nghe Đức Phật giảng kinh Anattalakkhana Sutta, đề cập đến pháp vô ngã thì tất cả năm vị đều đắc quả A La Hán.

353. Sáu Giai Đoạn Phát Triển Của Bồ Tát (Lục Tức Phật)

Lục Tức Phật hay sáu giai đoạn phát triển của Bồ Tát được nói rõ trong Thiên Thai Viên Giáo, đối lại với sáu giai đoạn phát triển hay Lục Vị của Biệt Giáo. Hai giai đoạn đầu được gọi là “Ngoại Phàm”. Thứ nhất là “Lý Tức Phật”, hay là thực chứng rằng mỗi chúng sanh đều sẳn có Phật tánh. Kế đến là “Danh Tự Tức Phật”, có nghĩa là từ trong danh tự mà lý giải thông suốt, tất cả những ai nghe và tín thọ phụng hành đều có thể thành Phật. Bốn giai đoạn sau được gọi là “Nội Phàm”. Thứ ba là “Quán hạnh Tức Phật”, chẳng những lý giải mà còn thiền quán và y giáo phụng hành. Thứ tư là “Tương Tự Tức Phật”, đem thực chứng đến gần chân lý tương tự như ở giai đoạn vô lậu thực sự (dựa vào quán lực tương tự mà phát chân trí và thấy tánh Phật. Thứ năm là “Cứu Cánh Tức Phật”, phá trừ tất cả vô minh và phiền não để đạt tới toàn giác. Thứ sáu là “Phần Chơn Tức Phật”, cái chơn trí lần hồi mở ra, vén từng bức màn vô minh, tâm trí càng sáng tỏ thêm, lần lần đi đến chỗ sáng suốt hoàn toàn, được phần nào tốt phần đó.

354. Tam Thời Pháp

Giáo pháp của Đức Phật được chia ra làm ba thời kỳ. Thứ nhất là thời Chánh Pháp. Thời kỳ chánh pháp là thời Đức Phật thị hiện trên thế gian để dạy Phật pháp. Trong thời kỳ này có nhiều bậc A La Hán, Bồ Tát và các bậc hiền thánh xuất hiện làm đệ tử của Đức Phật. Chánh pháp là giai đoạn kéo dài 500 năm (có người nói 1.000 năm) sau ngày Phật nhập diệt. Tuy Phật đã nhập diệt, nhưng pháp nghi giới luật của Ngài dạy và để lại vẫn còn vững chắc. Hơn nữa, trong giai đoạn nầy chúng sanh nghiệp nhẹ tâm thuần, nên có nhiều có tới 80 đến 90 phần trăm người nghe pháp tu hành đắc quả. Nghĩa là có người hành trì chân chánh và có người tu chứng. Trong Kinh Lăng Già, Đức Phật nói: “Này Mahamati! Khi Chánh Pháp được hiểu thì sẽ không có sự gián đoạn của dòng giống Phật.” Thời Chánh Pháp còn là thời kỳ mà phương pháp đúng, thường được dùng để tu tập như Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Trong Kinh Ma Ha Ma Gia, Đức Phật có tiên đoán: “Sau khi Ta nhập Niết Bàn rồi thì một trăm năm sau, có Tỳ Kheo Ưu Ba Cúc Đa, đủ biện tài thuyết pháp như Phú Lâu Na, độ được vô lượng chúng sanh. Một trăm năm sau đó (tức là hai trăm năm sau khi Phật nhập diệt), có Tỳ Kheo Thi La Nan Đà, khéo nói pháp yếu, độ được mười hai triệu người trong châu Diêm Phù Đề. Một trăm năm kế đó (tức là ba trăm năm sau khi Phật nhập diệt), có Tỳ Kheo Thanh Liên Hoa Nhãn, thuyết pháp độ được nửa triệu người. Một trăm năm kế nữa (tức bốn trăm năm sau khi Phật nhập diệt), có Tỳ Kheo Ngưu Khẩu thuyết pháp độ được một vạn người. Một trăm năm kế tiếp đó (tức 500 năm sau ngày Phật nhập diệt), có Tỳ Kheo Bảo Thiên thuyết pháp độ được hai vạn người và khiến cho vô số chúng sanh phát tâm vô thượng Bồ Đề. Sau đó thì thời kỳ Chánh Pháp sẽ chấm dứt. Sáu trăm năm sau ngày Phật nhập Niết Bàn, có 96 thứ tà đạo sống dậy, tà thuyết nổi lên phá hoại Chánh Pháp. Lúc ấy có Tỳ Kheo Mã Minh ra đời. Tỳ Kheo nầy dùng trí huệ biện tài hàng phục ngoại đạo. Bảy trăm năm sau khi Phật nhập diệt, có Tỳ Kheo Long Thọ ra đời, dùng chánh trí hay trí huệ Bát Nhã chân chánh, xô ngả cột phướn tà kiến, đốt sáng ngọn đuốc Chánh Pháp.” Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: “Đêm rất dài với những kẻ mất ngủ, đường rất xa với kẻ lữ hành mỏi mệt. Cũng thế, vòng luân hồi sẽ tiếp nối vô tận với kẻ ngu si không minh đạt chánh pháp (60). Hăng hái đừng buông lung, làm lành theo Chánh pháp. Người thực hành đúng Chánh pháp thì đời nầy vui đời sau cũng vui (168). Hãy làm lành theo Chánh pháp, việc ác tránh không làm. Người thực hành đúng Chánh pháp, thì đời nầy vui đời sau cũng vui (169).”

Thời Tượng Pháp kéo dài 1000 năm sau thời Chánh Pháp. Trong thời kỳ nầy, chư Tăng Ni và Phật tử vẫn tiếp tục tu tập đúng theo chánh pháp mà Đức Phật đã dạy, và vẫn có thể vào định giới mặc dù rất ít người giác ngộ. Thời tượng Pháp là thời mà chân lý do Đức Phật thuyết giảng vẫn còn, nhưng được học và thực tập theo kiểu nghi thức, và không còn sự chứng ngộ nữa. Trong thời kỳ này các Tăng sĩ cố gắng đạt được kiến thức về Phật Pháp và nghi thức rồi tự hào mình là người trí thức. Một số người chỉ giữ giới và thực hành cho tự thân nhưng thờ ơ với người khác, và sống đời sống tôn giáo biệt lập với ngoài đời. Phần còn lại là những tín đồ yếu kém. Trong thời kỳ này, các tu sĩ Phật giáo không còn sự tiếp xúc với đời và không còn là linh hồn thật sự của Phật giáo nữa. Tuy nhiên, trong thời gian nầy, pháp nghi giới luật của Phật để lại bị các ma Tăng và ngoại đạo giảng giải sai lầm một cách cố ý. Tuy có giáo lý, có người hành trì, song rất ít có người chứng đạo. Một trăm người tu thì có chừng bảy tám người giác ngộ. Theo Kinh Ma Ha Ma Gia, vào khoảng tám trăm năm sau ngày Đức Phật nhập diệt, hàng xuất gia phần nhiều tham trước danh lợi, giải đãi, buông lung tâm tánh. Đến khoảng chín trăm năm sau ngày Phật nhập diệt, trong giới Tăng Ni, phần nhiều là hạng nô tỳ bỏ tục xuất gia. Một ngàn năm sau khi Phật nhập diệt, các Tỳ Kheo nghe nói ‘Bất Tịnh Quán’ hay phép quán thân thể mình và chúng sanh đều không sạch, pháp “Sổ Tức Quán’ hay pháp quán bằng cách đếm hơi thở, buồn chán không thích tu tập. Vì thế, trong trăm ngàn người tu chỉ có một ít người được vào trong chánh định. Từ đó về sau lần lần hàng xuất gia hủy phá giới luật, hoặc uống rượu, hoặc sát sanh, hoặc đem bán đồ vật của ngôi Tam Bảo, hoặc làm hạnh bất tịnh. Nếu họ có con trai thì cho làm Tăng, con gái thì cho làm Ni, để tiếp tục mượn danh của Tam Bảo mà ăn xài phung phí và thủ lợi cho riêng mình. Đây là những dấu hiệu báo trước về thời kỳ Mạt Pháp. Tuy vậy, vẫn còn một ít người biết giữ giới hạnh, gắng lo duy trì và hoằng dương chánh giáo.

Thời Mạt Pháp là giai đoạn hiện hữu cuối cùng của Phật pháp trên thế giới này, trong thời đó sự tu tập và giới luật tự viện sẽ từ từ suy đồi, ngay cả những dấu hiệu biểu tượng về Phật giáo cũng sẽ biến mất, và những dấu hiệu khác trong các tự viện như sự xuất hiện của những ác Tăng, hay Tăng có gia đình, hay Tăng chỉ có bề ngoài mà thôi, vân vân. Tuy nhiên, nhiều Phật tử tin rằng, vào thời mạt pháp, nếu bạn chỉ cần nhớ một câu niệm Phật “Nam Mô A Di Đà Phật,” và thành khẩn niệm thì đến cuối đời bạn sẽ được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc. Điều kiện tại cõi thiên đường này rất thích hợp cho việc tiến tu cho đến khi đạt thành Phật quả. Thời mạt pháp (thời kỳ mà giáo pháp suy vi vì cách xa thời Phật quá lâu), thời kỳ cuối cùng của Phật pháp khoảng 3000 năm sau thời Chánh Pháp. Vào cuối thời kỳ nầy, sẽ không còn giảng dạy Phật pháp nữa, có nghĩa là Phật pháp chấm dứt một ngày nào đó. Tuy nhiên, Phật Di Lặc hay Phật Cười (Hạnh Phúc) sẽ xuất hiện và tái tạo tất cả. Thời kỳ cuối cùng của ba thời kỳ Phật pháp (Chánh, Tượng, và Mạt Pháp), thời kỳ suy vi và bị tiêu diệt của giáo pháp. Trong thời gian nầy, đạo đức suy đồi, pháp nghi tu hành hư hoại. Tà ma ngoại đạo lẫn lộn vào phá hư Phật pháp. Tuy có giáo lý, có người tu hành, nhưng không một ai hành trì đúng pháp, huống là tu chứng? Trong Kinh Đại Tập Nguyệt Tạng, Đức Phật đã có lời huyền ký rằng: “Trong thời Mạt Pháp, ức ức người tu hành, song không có một ai chứng đắc.” Trong Kinh Pháp Diệt Tận, Đức Phật cũng có huyền ký rằng: “Về sau, khi Pháp của ta sắp diệt, nơi cõi ngũ trược nầy, tà đạo nổi lên rất thạnh. Lúc ấy có những quyến thuộc của ma trá hình vào làm Sa Môn để phá rối đạo pháp của ta. Họ mặc y phục y như thế gian, ưa thích áo Cà Sa năm màu, thay vì mặc áo ba màu luốc của hàng Tăng sĩ. Họ ăn thịt, uống rượu, sát sanh, tham trước mùi vị, không có từ tâm tương trợ, lại còn ganh ghét lẫn nhau; sư nầy ghét sư kia, chùa nầy ghét chùa kia. Bấy giờ các vị Bồ Tát, Bích Chi, La Hán vì bổn nguyện hộ trì Phật Pháp nên mới hiện thân ra làm Sa Môn hay cư sĩ, tu hành tinh tấn, đạo trang nghiêm, được mọi người kính trọng. Các bậc ấy có đức thuần hậu, từ ái, nhẫn nhục, ôn hòa, giúp đỡ kẻ già yếu cô cùng, hằng đem kinh tượng khuyên người thọ trì, đọc tụng, giáo hóa chúng sanh một cách bình đẳng, tu nhiều công đức, không nệ chi đến việc tổn mình lợi người. Khi có những vị tu hành đạo đức như thế, thì các Tỳ Kheo Ma kia ganh ghét, phỉ báng, vu cho các điều xấu, dùng đủ mọi cách lấn áp, xua đuổi, hạ nhục, vân vân, khiến cho các vị chân tu nầy không được ở yên. Từ đó, các ác Tỳ Kheo kia càng ngày càng thêm lộng hành, không tu đạo hạnh, bỏ chùa chiền điêu tàn, hư phế. Họ chỉ biết tích tụ tài sản, làm các nghề không hợp pháp để sanh sống, đốt phá rừng núi, làm tổn hại chúng sanh không chút từ tâm. Lúc ấy, có nhiều kẻ nô tỳ hạ tiện xuất gia làm Tăng Ni, họ thiếu đạo đức, dâm dật, tham nhiễm, nam nữ sống chung lẫn lộn. Phật Pháp suy vi chính là do bọn nầy! Lại có những kẻ trốn phép vua quan, lẫn vào cửa đạo, rồi sanh tâm biếng nhác, không học, không tu. Đến kỳ bố tác tụng giới, họ chỉ lơ là, gắng gượng, không chịu chuyên chú lắng nghe. Nếu có giảng thuyết giới luật, họ lược trước bỏ sau, không chịu nói ra cho hết. Nếu có đọc tụng kinh văn, họ không rành câu chữ, không chịu tìm hỏi nơi bậc cao minh, tự mãn cầu danh, cho mình là phải. Tuy thế, bề ngoài họ cũng làm ra vẻ đạo đức, thường hay nói phô trương, để hy vọng được mọi người cúng dường. Các Tỳ Kheo Ma nầy sau khi chết sẽ bị đọa vào trong tam đồ ác đạo của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trải qua nhiều kiếp. Khi đền xong tội, họ sẽ thác sanh làm người ở nơi biên địa, chỗ không có ngôi Tam Bảo.” Theo Kinh Đại Bi, Đức Phật bảo Ngài A Nan: “Nầy A Nan! Khi ta nhập Niết Bàn rồi, trong thời gian 2.500 năm sau, nhóm người giữ giới, y theo chánh pháp, lần lần tiêu giảm. Các bè đảng phá giới, làm điều phi pháp, ngày càng tăng thêm nhiều. Bấy giờ có nhiều Tỳ Kheo đắm mê danh lợi, không chịu tu thân, tâm, trí huệ; họ tham trước những y bát, thức ăn, thuốc men, sàng tọa, phòng xá, chùa chiền, rồi ganh ghét tranh giành phỉ báng lẫn nhau. Thậm chí, kiện thưa nhau ra trước công quyền. Chúng ta, những đệ tử Phật trong thời Mạt Pháp nầy, cần phải làm người Phật tử chân chánh. Phải biết Phật và chư Tổ trong quá khứ tu hành không phải dễ dàng. Phải biết thân nầy là bọc thịt do tứ đại hợp lại mà thành, chẳng có gì quí báu. Chúng ta đã cam tâm làm nô lệ cho cái thân nầy lâu quá rồi, vì nó mà chúng ta gây tội tạo nghiệp, bây giờ là lúc chúng ta nên chấm dứt làm kiếp nô lệ cho cái thân hôi thúi nầy đây.

355. Lục Hòa

Lục hòa còn gọi sáu pháp hòa kính trong tự viện. Trong Kinh Trung Bộ, Đức Phật dạy: “Này các Tỷ Kheo, có sáu pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, đưa đến hòa hợp. Thế nào là sáu? Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo an trú với thân hành đối với các vị đồng phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, đưa đến hòa hợp. Lại nữa, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo an trú với khẩu hành đối với các vị đồng phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, đưa đến hòa hợp. Lại nữa, này các Tỷ kheo, đối với các tài vật nhận được đúng pháp, hợp pháp, cho đến những tài vật thâu nhận chỉ trong bình bát, Tỷ kheo không phải là người không san sẻ các tài vật nhận được như vậy, phải là người san sẻ dùng chung với các vị đồng phạm hạnh có giới đức, cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, đưa đến hòa hợp. Lại nữa này các Tỷ kheo, đối với các giới luật không có vi phạm, không có tỳ vết, không có vẩn đục, không có uế tạp, giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp trước, đưa đến thiền định, Tỷ kheo sống thành tựu trong các giới luật ấy với các vị đồng phạm cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, đưa đến hòa hợp. Lại nữa này các Tỷ kheo, đối với các tri kiến, thuộc về bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chân chánh diệt tận khổ đau, Tỷ kheo sống thành tựu tri kiến như vậy chung với các vị đồng phạm hạnh có giới đức, cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, đưa đến hòa hợp. Này các Tỷ kheo, có sáu pháp này, cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, đưa đến hòa hợp.” Lục Hòa Kính Pháp trong tự viện bao gồm thân hòa đồng trụ, khẩu hòa vô tranh, ý hòa đồng duyệt, giới hòa đồng tu, kiến hòa đồng giải, và lợi hòa đồng quân.

Theo Kinh Đại Bát Niết Bàn và Kinh Phúng Tụng trong Trường Bộ Kinh, có sáu điểm sống chung hòa hợp trong tự viện. Thứ nhất là “Giới Hòa Đồng Tu”. Giới Hòa Đồng Tu có nghĩa là luôn cùng nhau giữ giới tu hành. Vị Tỳ Kheo, trước mặt hay sau lưng, không phá giới, không vi phạm, mà kiên trì tuân hành, không có tỳ vết, làm cho con người được giải thoát, được người tán thán, không uế tạp và hướng đến thiền định. Thứ nhì là “Thân Hòa Đồng Trụ”. Thân Hòa Đồng Trụ có nghĩa là cùng một thân luôn cùng nhau lễ bái trong an tịnh. Vị Tỳ Kheo thành tựu từ ái nơi thân nghiệp, trước mặt hay sau lưng đối với các vị đồng phạm. Thứ ba là “Kiến Hòa Đồng Giải”. Kiến Hòa Đồng Giải có nghĩa là cùng nhau bàn luận và lý giải giáo pháp hay cùng chung kiến giải. Vị Tỳ Kheo sống đời được chánh kiến hướng dẫn, chơn chánh đoạn diệt khổ đau, vị ấy sống thành tựu với chánh kiến như vậy với các vị đồng phạm hạnh, trước mặt và sau lưng. Thứ tư là “Lợi Hòa Đồng Quân”. Lợi Hòa Đồng Quân có nghĩa là cùng nhau chia đều những lợi lạc vật chất về ăn, mặc, ở và thuốc men hay chia đều nhau về lợi, hành, học, thí. Đối với các đồ vật cúng dường một cách hợp pháp, cho đến đồ vật nhận trong bình bát, đều đem chia đồng chứ không giữ riêng. Thứ năm là “Khẩu Hòa Vô Tranh”. Khẩu Hòa Vô Tranh có nghĩa là cùng nhau tán tụng kinh điển hay nói những lời hay ý đẹp, chứ không bao giờ tranh cãi. Vị Tỳ Kheo, trước mặt hay sau lưng, thành tựu từ ái nơi khẩu nghiệp đối với các vị đồng phạm. Thứ sáu là “Ý Hòa Đồng Duyệt”. Ý Hòa Đồng Duyệt có nghĩa là cùng nhau tín hỷ phụng hành giáo pháp nhà Phật. Vị Tỳ Kheo, trước mặt hay sau lưng, thành tựu từ ái nơi ý nghiệp đối với các vị đồng phạm.

356. Tứ Ân

Ân điền gồm có ân cha mẹ, thầy tổ, bậc trưởng thượng, chư Tăng Ni, để đáp lại những lợi lạc mà họ đã ban cho mình; đây là một trong ba loại phước điền. Theo Vô Lượng Thọ Kinh, Ân phước hay Thế phước gồm Hiếu dưỡng cha mẹ và tu hành thập thiện, bao gồm cả việc phụng thờ sư trưởng, tâm từ bi không giết hại, và tu thập thiện. Hai loại phước khác là Giới phước bao gồm thọ tam quy, trì ngũ giới cho đến cụ túc giới, không phạm oai nghi; và Hành phước bao gồm tu hành phát bồ đề tâm, tin sâu nhơn quả, hay đọc tụng và khuyến tấn người cùng đọc tụng kinh điển Đại thừa. Tứ Ân hay bốn trọng ân bao gồm ân Tam Bảo, ân cha mẹ thầy tổ, ân thiện hữu tri thức, và ân chúng sanh. Thứ nhất là “Ân Tam Bảo”. Nhờ Phật mở đạo mà ta rõ thấu được Kinh, Luật, Luận và dễ bề tu học. Nhờ Pháp của Phật mà ta có thể tu trì giới định huệ và chứng ngộ. Nhờ chư Tăng tiếp nối hoằng đạo, soi sáng cái đạo lý chân thật của Đức Từ Phụ mà ta mới có cơ hội biết đến đạo lý. Chúng ta phước mỏng nghiệp dầy, sanh nhằm thời mạt pháp, khó lòng gia nhập giáo đoàn, khó lòng mà thấy được kim thân Đức Phật. May mà còn gặp được Thánh tượng. May mà đời trước có trồng căn lành, nên đời nầy nghe được Phật Pháp. Nếu như không nghe được chánh pháp, đâu biết mình đã thọ Phật Ân. Ân đức nầy biển thẳm không cùng, non cao khó sánh. Nếu ta không phát tâm Bồ Đề, giữ vững chánh pháp, cứu độ chúng sanh, thì dù cho thịt nát xương tan cũng không đền đáp được. Thứ nhì là “Ân cha mẹ Thầy tổ”. Nhờ cha mẹ sanh ta ra và nuôi nấng dạy dỗ nên người; nhờ thầy tổ chỉ dạy giáo lý cho ta đi vào chánh đạo. Bổn phận ta chẳng những phải cung kính, phụng sự những bậc nầy, mà còn cố công tu hành cầu cho các vị ấy sớm được giải thoát . Cha mẹ sanh ta khó nhọc! Chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm. Đến khi ta được nên người, chỉ mong sao cho ta nối dõi tông đường, thừa tự tổ tiên. Nào ngờ một số trong chúng ta lại xuất gia, lạm xưng Thích tử, không dâng cơm nước, chẳng đở tay chân. Cha mẹ còn ta không thể nuôi dưỡng thân già, đến khi cha mẹ qua đời, ta chưa thể dìu dắt thần thức của các người. Chừng hồi tưởng lại thì: “Nước trời đà cách biệt từ dung. Mộ biếc chỉ hắt hiu thu thảo.” Như thế đối với đời là một lỗi lớn, đối với đạo lại chẳng ích chi. Hai đường đã lỗi, khó tránh tội khiên! Nghĩ như thế rồi, làm sao chuộc lỗi? Chỉ còn cách “Trăm kiếp, ngàn đời, tu Bồ Tát hạnh. Mười phương ba cõi độ khắp chúng sanh.” Được như vậy chẳng những cha mẹ một đời, mà cha mẹ nhiều đời cũng đều nhờ độ thoát. Được như thế chẳng những cha mẹ một người, mà cha mẹ nhiều người, cũng đều được siêu thăng. Đành rằng cha mẹ sanh dục sắc thân, nhưng nếu không có thầy thế gian, ắt ta chẳng hiểu biết nghĩa nhân. Không biết lễ nghĩa, liêm sĩ, thì nào khác chi loài cầm thú? Không có thầy xuất thế, ắt ta chẳng am tường Phật pháp. Chẳng am tường Phật pháp, nào khác chi hạng ngu mông? Nay ta biết chút ít Phật pháp là nhờ ai? Huống nữa, thân giới phẩm đã nhuận phần đức hạnh, áo cà sa thêm rạng vẻ phước điền. Thực ra, tất cả đều nhờ ơn sư trưởng mà được. Đã hiểu như thế, nếu như ta cầu quả nhỏ, thì chỉ có thể lợi riêng mình. Nay phát đại tâm, mới mong độ các loài hàm thức. Được như vậy thì thầy thế gian mới dự hưởng phần lợi ích, mà thầy xuất thế cũng thỏa ý vui mừng. Thứ ba là “Ân thiện hữu tri thức”. Nhờ thiện hữu tri thức mà ta có nơi nương tựa trên bước đường tu tập đầy chông gai khó khăn. Đức Phật đã nói về thiện hữu tri thức trong đạo Phật như sau: “Nói đến Thiện Hữu Tri Thức là nói đến Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác và Bích Chi Phật, cùng với những người kính tin giáo lý và kinh điển Phật giáo. Hàng thiện hữu tri thức là người có thể chỉ dạy cho chúng sanh xa lìa mười điều ác và tu tập mười điều lành. Lại nữa, hàng thiện hữu tri thức có lời nói đúng như pháp, thực hành đúng như lời nói, chính là tự mình chẳng sát sanh cùng bảo người khác chẳng sát sanh, nhẫn đến tự mình có sự thấy biết chơn thật (chánh kiến) và đem sự thấy biết đó ra mà chỉ dạy cho người. Hàng thiện hữu tri thức luôn có thiện pháp, tức là những việc của mình thực hành ra chẳng mong cầu tự vui cho mình, mà thường vì cầu vui cho tất cả chúng sanh, chẳng ra nói lỗi của người, mà luôn nói các việc thuần thiện. Gần gũi các bậc thiện hữu tri thức có nhiều điều lợi ích, ví như mặt trăng từ đêm mồng một đến rằm, ngày càng lớn, sáng và đầy đủ. Cũng vậy, thiện hữu tri thức làm cho những người học đạo lần lần xa lìa ác pháp, và thêm lớn pháp lành. Vì những lý do nầy, ân thiện hữu tri thức rất lớn nên chúng ta phải tu tập phát đại tâm, mới mong độ các loài hàm thức để trả ân cho các ngài. Thứ tư là “Ân chúng sanh và đàn na thí chủ.” Ta thọ ơn chúng sanh rất lớn. Không có người thợ mộc ta không có nhà để ở hay bàn ghế thường dùng; không có bác nông phu ta lấy gạo đâu mà ăn để sống; không có người thợ dệt, ta lấy quần áo đâu để che thân, vân vân. Ta phải luôn siêng năng làm việc và học đạo, mong cầu cho nhứt thiết chúng sanh đều được giải thoát. Ta cùng chúng sanh từ vô thỉ đến nay, kiếp kiếp, đời đời, đổi thay nhau làm quyến thuộc nên kia đây đều có nghĩa với nhau. Vì thế trong một đời chúng ta là quyến thuộc, mà đời khác lại làm kẻ lạ người dưng, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn liên hệ nhau trong vòng sanh tử luân hồi. Nay dù cách đời đổi thân, hôn mê không nhớ biết, song cứ lý mà suy ra, chẳng thể không đền đáp được? Vật loại mang lông, đội sừng ngày nay, biết đâu ta là con cái của chúng trong kiếp trước? Loài bướm, ong, trùng, dế hiện tại, biết đâu chúng là cha mẹ đời trước của mình? Đến như những tiếng rên siết trong thành ngạ quỷ, hay giọng kêu la nơi cõi âm ty; tuy ta không thấy, không nghe, song họ vẫn van cầu cứu vớt. Cho nên Bồ Tát xem ong, kiến là cha mẹ quá khứ. Nhìn cầm thú là chư Phật vị lai. Thương nẻo khổ lâu dài mà hằng lo cứu vớt. Nhớ nghĩa xưa sâu nặng, mà thường tưởng báo ân. Riêng các bậc xuất gia hôm nay, từ đồ mặc, thức ăn đến thuốc men giường chiếu đều nhờ đàn na tín thí. Đàn na tín thí làm việc vất vả mà vẫn không đủ sống, Tỳ Kheo sao đành ngồi không hưởng thụ? Người may dệt cực nhọc ngày đêm, mà Tỳ Kheo y phục dư thừa, sao lại không mang ơn đàn na tín thí cho đặng? Thí chủ có lắm người quanh năm nhà tranh, không giây phút nào được an nhàn, trong khi Tỳ Kheo ở nơi nền rộng chùa cao, thong thả quanh năm. Đàn na tín thí đã đem công cực nhọc cung cấp sự an nhàn, thì chư Tỳ Kheo lòng nào vui được? Đàn na tính thí phải nhín nhút tài lợi để cung cấp cho chư Tỳ Kheo được no đủ, có hợp lý không? Thế nên Tỳ Kheo phải luôn tự nghĩ: “Phải vận lòng bi trí, tu phước huệ trang nghiêm, để cho đàn na tín thí được phước duyên, và chúng sanh nhờ lợi ích.” Nếu chẳng vậy thời nợ nần hạt cơm tất vải đền đáp có phân, phải mang thân nô dịch súc sanh để đền trả nợ nần. Ngoài ra, Phật tử chơn thuần phải luôn nhớ đến mười trọng ân của đấng Như Lai. Thứ nhất là ân Cứu độ chúng sanh. Thứ nhì là ân hy sinh trong tiền kiếp. Thứ ba là ân vị tha đến muôn loài, hay ân đi vào cõi lục đạo Ta Bà mà cứu độ chúng sanh. Thứ tư là ân giáng trần cứu thế hay ân làm xoa dịu những khổ đau của chúng sanh trong vòng sanh tử. Thứ năm là ân cứu khổ và viễn ly sanh tử. Thứ sáu là ân Đại bi. Thứ bảy là ân soi rạng Chân lý cho nhân loại. Thứ tám là ân tùy thuận hóa chúng, trước tiên là giáo pháp Tiểu Thừa rồi sau là giáo pháp Đại Thừa. Thứ chín là ân soi rạng Niết bàn cho chúng đệ tử. Thứ mười là ân Đại bi thương xót chúng sanh mà nhập niết bàn ở tuổi 80 thay vì 100 và để lại Tam Tạng kinh điển phổ cứu cứu chúng sanh.

357. Mười Thần Lực của Đức Như Lai

Theo Kinh Pháp Hoa, phẩm 21, Đức Như Lai có 10 thần lực. Thứ nhất là thần lực đưa tướng lưỡi rộng dài. Trong tất cả các cuộc thuyết giảng, Đức Phật đưa “tướng lưỡi rộng dài của Ngài chạm đến cõi Phạm Thiên.” Điều này khiến chúng ta lấy làm lạ hôm nay, nhưng đây là phát xuất từ một tập tục cổ của Ấn Độ. Tại Ấn Độ thời cổ, đưa lưỡi rộng dài là một động tác tỏ rằng những gì người nói là thật. Qua thần lực đầu tiên của Ngài, Đức Phật muốn thố lộ rằng tất cả những giáo lý Ngài đã giảng là thực và sẽ mãi mãi là thực. Sử dụng một từ ngữ thông dụng, Ngài muốn tỏ rằng Ngài không bao giờ nói hai lưỡi trong tất cả những gì mà Ngài thuyết. Thứ hai là thần lực chiếu tỏa ánh sáng đẹp từ trên toàn bộ thân thể của Ngài. Đức Phật Thích Ca hiển lộ thần thông của Ngài bằng cách phóng một ánh sáng đẹp từ trên toàn bộ thân thể của Ngài, chiếu sáng khắp mọi nơi, khắp suốt mọi phương của vũ trụ. Hiện tượng thần bí này có nghĩa là chân lý là ánh sáng xua tan bóng tối không hiện hữu như một thực thể thực sự. Bóng tối chỉ là một trạng thái không được chiếu sáng và sẽ biến mất khi ánh sáng chiếu rọi. Chúng ta cũng có thể nói như vậy với ảo tưởng. Chỉ có chân lý là một hiện hữu thực sự; ảo tưởng là không thực. Ảo tưởng sinh ra từ trạng thái tâm ta chưa hiểu được chân lý. Ảo tưởng sẽ biến mất khỏi tâm ta khi chúng ta hiểu được chân lý. Chân lý thu hút chân lý. Chúng trộn lẫn với nhau và trở thành một. Vào lúc Đức Phật Thích Ca phóng linh quang trên thân thể của Ngài, chư Phật khác cũng theo cách như thế, phóng ánh sáng vô lượng trộn lẫn thành một ánh sáng lớn chiếu khắp mọi nơi trong vũ trụ. Nghĩa là chân lý sẽ được chiếu rọi khắp mọi nơi, hay nói cách khác, mọi người đều sẽ thành Phật. Thứ ba là thần lực thuyết giảng chân lý. Kế đến Đức Phật rút lưỡi vào, đằng hắng cùng lúc và búng ngón tay đồng thời, có nghĩa là tất cả giáo lý được hợp lại thành một. Thứ tư là thần lực hoằng pháp và hành Bồ Tát Đạo. Khi Đức Phật làm động tác kế tiếp là “búng ngón tay đồng thời” với một ý nghĩa hết sức đặc biệt: “Xác nhận.” Động tác này cũng phát xuất từ một tập tục Ấn Độ. Chư Phật búng ngón tay cùng một lúc sự hiện diện sự bảo đảm, “Ta phát biểu” hay “Ta hứa sẽ làm điều ấy.” Sự miêu tả tất cả chư Phật đều búng ngón tay đồng thời do đó sẽ giảng Pháp, nói một cách khác, cái hạnh nguyện Bồ Tát của chư vị. Thứ năm là thần lực làm rung chuyển đất. Khi các Đức Như Lai xuất hiện giảng pháp thì quốc độ của họ rung chuyển theo sáu cách. Sáu phương chấn động theo Kinh Đại Bát Nhã. Khi Thế Tôn nhập sư tử du hý tam muội, thì sáu loại chấn động nổi lên. Khi Đông vọt lên thì Tây chìm xuống; khi Tây vọt lên thì Đông chìm xuống; khi Nam vọt lên thì Bắc chìm xuống; khi Bắc vọt lên thì Nam chìm xuống; khi Bốn bên vọt lên thì chính giữa chìm xuống; khi Chính giữa vọt lên thì bốn bên chìm xuống. Thần lực thứ sáu là khiến chúng sanh vui mừng khi đạt được điều mà từ trước đến nay họ chưa từng được kinh qua. Khi chư Phật thuyết pháp thì tất cả chúng sanh trong các cõi từ trời, rồng, dạ xoa, càn thác bà, ca lâu na, khẩn na la, ma hầu la già, nhân, phi nhân…do thần lực của Đức Phật, đều thấy trong thế giới ta bà này vô lượng, vô biên, trăm ngàn vạn ức Đức Phật ngồi trên tòa sư tử dưới tất cả cây báu. Sau đó họ đều vui mừng khi đạt được điều mà từ trước đến nay họ chưa từng được kinh qua. Thần lực thứ bảy là đưa tất cả chúng sanh cùng đến cảnh giới Niết Bàn trong tương lai. Khi Đức Phật xuất hiện giảng kinh Pháp Hoa, tất cả chúng sanh, nhân và phi nhân, được thấy đại chúng hội của Đức Phật Thích Ca Mau Ni, cùng với Đức Đa Bảo Như Lai và nhiều vị Phật khác. Đây gọi là “Phổ Kiến Đại Hội,” vì tất cả chúng sanh đều thấy hết đại chúng của Đức Phật được vây quanh bởi nhiều Đức Phật khác, ám chỉ rằng Đức Phật có thần lực đưa tất cả chúng sanh cùng đến cảnh giới Niết Bàn trong tương lai. Và qua điều này Đức Phật muốn gởi cho tất cả chúng ta một thông điệp: “tất cả chúng sanh đều có thể nhận biết giáo lý của Đức Phật như nhau.” Tuy nhiên, khả năng lãnh hội Phật pháp của mỗi người khác nhau. Một số người có thể dễ dàng trong khi rất khó khăn đối với những người khác. Do đó mà phương tiện thiện xảo được Phật dùng theo nhiều cách khác nhau tùy khả năng khác nhau của họ. Đây là tình trạng hiện tại của con người, nhưng trong tương lai vĩnh cửu, ai nấy đều có thể giác ngộ thành Phật. Thần lực thứ tám là giảng kinh độ chúng nơi cõi Ta Bà. Khi Đức Phật xuất hiện, đồng thời tất cả chư Thiên từ hư không cất cao giọng xướng rằng: “Vượt ngoài vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức a tăng kỳ thế giới này, có một cõi tên là Ta Bà. Ở giữa cõi ấy có một vị Phật tên Thích Ca Mâu Ni. Giờ đây Ngài vì tất cả Bồ Tát Ma Ha Tát mà giảng kinh độ chúng. Thần lực thứ chín là làm cho tất cả mọi người tu tập hằng ngày phù hợp với Phật tâm. Khi Đức Phật xuất hiện, chư Thiên từ xa rải vào thế giới Ta Bà các thứ hương, hoa, hương thơm, tràng hoa, lọng, cũng như các đồ trang sức, châu ngọc và các thứ tuyệt diệu khác. Hiện tượng này có nghĩa là trong tương lai, việc tu tập của tất cả mọi người sẽ đều là những thứ cúng dường như nhau cho Đức Phật. Sự cúng dường lớn nhất cho Đức Phật là làm cho tất cả mọi người tu tập hằng ngày phù hợp với Phật tâm. Thần lực thứ mười là khiến tất cả các thế giới trong vũ trụ sẽ hợp nhất không ngăn ngại thành một Phật quốc. Khi Đức Phật xuất hiện, tất cả các thế giới trong vũ trụ sẽ hợp nhất không ngăn ngại thành một Phật quốc. Thế giới Ta Bà được gọi là cảnh giới của ảo tưởng, trong khi Tịnh Độ được gọi là cảnh giới đẹp đẽ không có khổ đau, và địa ngục là một cõi đại khổ. Nhưng nếu chúng sanh sống hoàn toàn vì chân lý nhờ vào Phật pháp thì vũ trụ này sẽ hợp nhất thành một cõi Phật không có phân biệt giữa cõi trời, cõi Ta Bà hay cõi địa ngục, vào một lúc nào đó trong tương lai, mọi sự tiến đến chân lý và sẽ đóng góp vào việc sáng tạo một thế giới hài hòa toàn hảo.

358. Phật Tánh

Theo quan điểm Phật giáo Đại thừa, thì Phật tánh là bản tánh chân thật, không lay chuyển và thường hằng của chúng sanh mọi loài. Theo hầu hết các kinh điển Đại thừa, mọi sinh vật đều có Phật tánh và cái Phật tánh này thường trụ và không thay đổi trong mọi kiếp luân hồi. Điều này có nghĩa là mọi sinh vật đều có thể thành Phật. Tuy nhiên, chỉ vì sự suy tưởng cấu uế và những chấp trước mà chúng sanh không chứng nghiệm được cái Phật tánh ấy mà thôi. Nhân chánh niệm và giác ngộ trong mọi chúng sanh, tiêu biểu cho khả năng thành Phật của từng cá nhân. Chính chỗ mọi chúng sanh đều có Phật tánh, nên ai cũng có thể đạt được đại giác và thành Phật, bất kể chúng sanh ấy đang trong cảnh giới nào. Bản thể toàn hảo, hoàn bị vốn có nơi sự sống hữu tình và vô tình. Theo giáo thuyết nhà Thiền thì mọi chúng sanh, mọi vật đều có Phật tánh, nhưng không biết và không sống với tánh này như một bậc giác ngộ luôn hằng sống với nó. Theo Bạch Ẩn, một Thiền sư Nhật Bản nổi tiếng, Bản tánh của Phật là đồng nhất với điều mà người ta gọi là “Hư Không.” Mặc dù Phật tánh nằm ngoài mọi quan niệm và tưởng tượng, chúng ta có thể đánh thức nó trong chúng ta vì chính bản thân của chúng ta cũng là một phần cố hữu của Phật tánh. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh vốn có Phật tánh.” Toàn bộ đời sống tôn giáo của chúng ta bắt đầu bằng sự thể nghiệm này. Tỉnh thức về Phật tánh của mình và mang nó ra ánh sáng từ chiều sâu thẳm của tâm thức, nuôi dưỡng và phát triển nó một cách mạnh mẻ là bước đầu của đời sống tôn giáo. Nếu một người có Phật tánh thì những người khác cũng có. Nếu một người có thể chứng nghiệm bằng tất cả tâm mình về Phật tánh, thì người ấy phải tự nhiên hiểu rằng người khác cũng có Phật tánh giống như vậy.

“Buddhata” là thuật ngữ Bắc Phạn dùng để chỉ “Phật tánh.” Từ Phật giáo Đại Thừa này dùng để chỉ thực tánh không thay đổi và cuối cùng của vạn hữu. Từ này thường được xem như tương đương với “Không tánh” và được định nghĩa một cách đơn giản như là sự thiếu vắng một bản chất không thay đổi và được xác định rõ ràng. Theo mô thức này, vì tất cả chúng sanh đều không có một bản chất không thay đổi, nên luôn thay đổi, và vì vậy có khả năng thành Phật. Phật tánh còn được gọi là Chân tánh. Giác tánh là tánh giác ngộ sẳn có ở mỗi người, hiểu rõ để dứt bỏ mọi thứ mê muội giả dối. Trong Liên Tâm Thập Tam Tổ, Đại Sư Hành Sách đã khẳng định: “Tâm, Phật, và Chúng sanh không sai khác. Chúng sanh là Phật chưa thành; A Di Đà là Phật đã thành. Giác tánh đồng một chớ không hai. Chúng sanh tuy điên đảo mê lầm, song Giác Tánh chưa từng mất; chúng sanh tuy nhiều kiếp luân hồi, song Giác Tánh chưa từng động. Chính thế mà Đại Sư dạy rằng một niệm hồi quang thì đồng về nơi bản đắc.” Tuy nhiên, trong các truyền thống Đại Thừa khác, đặc biệt là ở vùng Đông Á, khái niệm về một mô thức có tính thực thể hơn được đưa ra và được xem như là bản tánh căn bản của mọi thực thể, một bản chất thường hằng mà tất cả chúng sanh đều có rằng tất cả đều có thể thành Phật. Thí dụ như trong truyền thống Thiền tông Nhật Bản, bản chất này được mộ tả như là “chân ngã” của mọi người, và Thiền đã phát triển kỹ thuật thiền quán qua đó hành giả có thể phát triển sự chứng nghiệm về cái chân ngã ấy. Khái niệm này không tìm thấy trong Phật giáo Nguyên Thủy, vốn không thừa nhận ý tưởng mọi chúng sanh đều có thể thành Phật, mà truyền thống này cho rằng chỉ có những cá nhân xuất chúng mới có thể thành Phật mà thôi và những người khác nên bằng lòng với việc chứng đắc Niết Bàn như một vị A La Hán hay một vị Bích Chi Phật.

Phật Tánh là bản thể toàn hảo, hoàn bị vốn có nơi sự sống hữu tình và vô tình. Phật tánh trong mỗi chúng sanh đồng đẳng với chư Phật. Chủng tử tĩnh thức và giác ngộ nơi mọi người tiêu biểu cho khả năng tĩnh thức và thành Phật. Bản thể toàn hảo và hoàn bị sẳn có mỗi chúng sanh. Phật tánh ấy sẳn có trong mỗi chúng sanh, tất cả đều có khả năng giác ngộ; tuy nhiên, nó đòi hỏi sự tu tập tinh chuyên để gặt được quả Phật. Lý do của Phật tánh gồm trong sự đoạn trừ hai thứ phiền não. Phật tánh không nhận hình phạt của địa ngục vì nó là hư không, nó không có hình tướng, chỉ có những thứ có hình tướng mới chịu thọ hình nơi địa ngục. Phật tánh chỉ cho các loài hữu tình, và Pháp Tánh chỉ chung cho vạn hữu; tuy nhiên, trên thực tế cũng chỉ là một, như là trạng thái của giác ngộ (nói theo quả) hay là khả năng giác ngộ (nói theo nhân). Phật tánh thường trụ, bất sanh bất diệt, bất biến. Cát sông Hằng luôn nằm dọc theo dòng nước, Phật tánh cũng như thế, luôn phù hợp theo dòng Niết Bàn. Mọi chúng sanh đều có Phật Tánh, nhưng do bởi tham, sân, si, họ không thể làm cho Phật Tánh nầy hiển lộ được. “Buddhata” là một thuật ngữ quan trọng trong nhà Thiền, dùng để chỉ cái thực chất cơ bản đã từ lâu bị che mờ bởi luyến chấp vào khái niệm tư tưởng và ngôn ngữ. Thuật ngữ được dùng trong một trong những công án nổi tiếng nhất của nhà Thiền, đó là “Bản lai diện mục từ thời cha mẹ chưa sanh ta ra là cái gì?” Phật tánh là trạng thái mà cái gì cũng chẳng có. Phật giáo thường nói: “Phản bổn hoàn nguyên.” Có nghĩa là chúng ta xưa như thế nào thì trở lại như thế đó. Tuy nhiên, khi xưa bản lai như thế nào? Lúc xưa cái gì cũng chẳng có. Cho nên bây giờ hoàn nguyên tức là quay trở lại trạng thái mà cái gì cũng chẳng có.

Theo Phật giáo Đại Thừa, kiến tánh hay thấy Phật tánh, hay thấy được tự tánh và thành Phật. Đây là câu nói rất thông dụng trong nhà thiền. Kiến tánh là nhìn thấy được Phật tánh hay nhìn thấy bản tánh thật của chính mình. Về mặt từ nghĩa, “kiến tánh” và “ngộ” có cùng một ý nghĩa và chúng thường được dùng lẫn lộn với nhau. Tuy nhiên khi nói về sự giác ngộ của Phật và chư tổ, người ta thường dùng chữ “ngộ” hơn là “kiến tánh” vì ngộ ám chỉ một kinh nghiệm sâu hơn. Đây là một câu nói thông dụng trong nhà Thiền. Đây là một trong tám nguyên tắc căn bản, của trực giác hay liên hệ trực tiếp với tâm linh của trường phái Thiền Tông. Cũng theo Phật giáo Đại Thừa, những người không có duyên lành (không trồng căn lành) ở kiếp trước không thấy cả hai thứ ứng thân và báo thân. Hàng phàm phu và nhị thừa, do cái biết phân biệt nên chỉ thấy được ứng thân của Phật; trong khi Bồ Tát và Đại Thừa, không còn phân biệt nên thấy cả ứng thân và báo thân Phật.

359. Như Lai

Phật tử chân thuần nên luôn nhớ rằng Như Lai không phải là đấng Thượng Đế hay nhà tiên tri của Thượng Đế. Như Lai là đấng đã giác ngộ toàn hảo cao nhất (samyak-sambuddha). Trong Phật giáo Đại thừa, Như Lai được dùng dưới hình thức hóa thân, làm trung gian giữa bản chất và hiện tượng. Như Lai còn đồng nghĩa với “Tuyệt đối,” “Bát Nhã” hay “Hư không.” Bậc Như Lai siêu việt lên trên tất cả đa nguyên tánh và phạm trù của tư tưởng, có thể coi là không phải vĩnh hằng mà cũng không phải là phi vĩnh hằng. Ngài là bậc không thể truy tầm dấu tích. Vĩnh hằng và phi vĩnh hằng chỉ được dùng trong lãnh vực nhị nguyên tánh chứ không thể dùng trong trường hợp phi nhị nguyên. Bởi lẽ các bậc Chân Như đều giống nhau trong sự hiển hiện, vì thế tất cả chúng sanh đều tiềm năng trở thành Như Lai. Chính Như Lai tánh hiện hữu trong chúng ta, khiến cho chúng ta khao khát tìm cầu Niết Bàn, và cuối cùng tánh ấy sẽ giúp giải thoát chúng ta. Như Lai là một trong mười danh hiệu của Phật mà Đức Phật dùng khi xưng hô. Ngài đã sanh ra, đã sống và đã diệt độ như mọi người. Ngài không để lại trong giáo lý của Ngài bất cứ một giả thuyết nào. Biến cố về cuộc đời của đấng Như Lai đã là nguồn cảm hứng và hy vọng cho con người vì ai cũng có thể hy vọng rằng rồi đây mình cũng sẽ được như Ngài nếu mình quyết chí hết mình tu tập.

Từ vô lượng vô biên kiếp trước khi Đức Phật thị hiện, đã có hằng hà sa số chư Phật đã tìm ra con đường và đã chỉ giáo cho chúng sanh. Chư Phật khác đã sống ở những thời xa xưa đến nỗi không còn dấu tích lịch sử ghi lại về các Ngài, nhưng những Chân lý mà các Ngài giảng dạy cũng giống như những điều mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng dạy chúng ta gần 2.600 năm về trước, vì đó là những chân lý không bao giờ thay đổi. Nghĩa đen của “Như Lai” là như đến, hay như thế, chỉ trạng thái giác ngộ. Như Lai có thể được hiểu là “Giác ngộ như thế tôi đến” và dùng chung cho tất cả các đức Phật hơn là riêng cho Phật Thích Ca Mâu Ni; đấng đã khám phá ra (đạt đến) chân lý; một trong mười danh hiệu của Phật, thường được Phật dùng khi Ngài nói về Ngài và chư Phật; những chúng sanh thuộc hàng Như Lai. Như Lai còn có nghĩa là đấng đã đạt được giác ngộ tối thượng. Phạn ngữ có nghĩa là “Như Lai.” Danh hiệu của chư Phật, có nghĩa là sự thành đạt Bồ Đề, một trạng thái siêu thoát vượt qua tất cả những thành đạt phàm tục. Từ nầy có thể được chia làm hai phần, hoặc theo biểu thức Tatha+gata, hoặc Tatha+agata. Trong trường hợp thứ nhất nó có nghĩa là “Như khứ,” và trong trường hợp thứ nhì nó có nghĩa là “Như Lai.” Danh hiệu mà đệ tử dùng để gọi Phật. Đức Phật cũng dùng danh hiệu nầy để tự xưng hô. Tathagata còn có nghĩa là những vị Phật trước đây đã đến và đi. Theo Kinh Trung A Hàm, người ta bảo dấu vết của Như Lai bất khả truy tầm, nghĩa là Ngài vượt lên trên tất cả những nhị nguyên của tư tưởng. Theo Kinh Pháp Cú (254), thì Tathagata có nghĩa là ‘không thể truy tầm dấu tích không trung.’ Ý nghĩa của Như Lai là ‘đã đi như thế,’ tức là không có dấu tích, dấu tích ấy không thể xử dụng phạm trù tư tưởng để tư duy và truy tầm. Theo Ngài Long Thọ trong Trung Quán Luận, bất luận khởi nguyên của chữ “Như Lai” như thế nào, chức năng của nó đã rất rõ ràng. Ngài giáng thế để truyền thọ ánh sáng của Chân Lý cho thế nhân và sau đó đã ra đi mà không để lại dấu vết nào. Ngài là hiện thân của Chân Như. Khi Đức Phật được gọi là Như Lai, nhân cách cá biệt của Ngài được gác qua một bên, mà Ngài được xem là một loại kiểu mẫu điển hình thỉnh thoảng lại xuất hiện trên đời. Ngài là sự thể hiện trên trần thế của Pháp. Như Lai gồm có tại triền và xuất triền Như Lai. Như Lai tại triền, giới hạn và chịu sự chi phối của cuộc sống khổ đau phiền não; hay lý chân như pháp tính ẩn trong phiền não triền phược. Như Lai xuất triền, không giới hạn và không còn chịu sự chi phối của cuộc sống khổ đau phiền não nữa, hay lý chân như không phiền trược, đối nghĩa lại với tại triền chân như.

Không tánh và từ bi là hai đặc tính thiết yếu của Như Lai. Không tánh ở đây có nghĩa là Bát Nhã hay trí tuệ siêu việt. Vốn sẵn không tánh hoặc Bát Nhã cho nên Như Lai đồng nhất với Chân Như; vốn sẵn có từ bi cho nên Như Lai là đấng cứu độ của tất cả chúng sanh hữu tình. “Tathagata” là sự tồn hữu chân chính của tất cả. Khi nói ‘sự tồn hữu chân chính của Như Lai cũng là sự tồn hữu chân chính của tất cả’ là điều bất khả tư nghì. Trong bản chất tối hậu của Ngài thì Như Lai là ‘cực kỳ thâm sâu, không thể đo lường được.’ Các pháp hay những thành tố của sự tồn tại là bất khả xác định, vì chúng chịu những điều kiện và vì chúng là tương đối. Bậc Như Lai là bất khả xác định hiểu theo nghĩa khác. Như Lai không thể xác định là vì bản chất tối hậu của Ngài, Ngài không phải được sanh ra từ nhân duyên. Vì thế trong Trung Quán Tụng, Ngài Long Thọ đã khẳng định: “Đức Phật siêu việt đối với tư tưởng và ngôn ngữ, và vô sanh vô tử; những ai xử dụng khái niệm phạm trù để mô tả Đức Phật đều là nạn nhân của loại trí tuệ bị chi phối bởi ngôn ngữ và hý luận, và như vậy không thể nào thấy được Như Lai trong bản thể đích thực của Ngài.”

360. Như Lai Tạng

Phạn ngữ “Tathagata-garbha” chỉ tiềm năng Phật tánh bẩm sinh sẵn có nơi mọi chúng sanh. Như Lai Tạng là cái thai tạng trong đó Như Lai được mang, được nuôi dưỡng và được thành thục. Như Lai Tạng còn là A Lại Da thức được hoàn toàn thanh tịnh, sạch tập khí hay năng lực của thói quen và các khuynh hướng xấu. Theo truyền thống Đại thừa, mọi thực thể đều chứa Phật ở tận sâu trong bản thân mình dưới hình thức Pháp thân. Như Lai Tạng là nguyên nhân của thiện cũng như bất thiện, sinh ra nhiều con đường hiện hữu khác nhau, như lục thú chẳng hạn. Trong một số giáo điển, chẳng hạn như giáo điển Đại Thừa, Như Lai Tạng tương đương với tánh không, và dựa trên khái niệm tất cả chúng sanh hay vạn hữu không có tự tánh, và luôn biến đổi, tùy thuộc vào nhân duyên bên ngoài, không có một cái tự tánh cố định. Vì vậy Phật tánh không phải là cái gì được phát triển qua thiền định hay do kết quả của thiền định, mà nó là bản chất cố hữu nhất của chúng sanh được làm cho hiển lộ qua việc tháo gỡ bức màn vô minh che mờ nó từ bấy lâu nay. Tuy nhiên, thiền định đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tu tập của chúng ta, vì chính nó là công cụ chính giúp ta thanh tịnh thân tâm và tháo gỡ bức màn vô minh từ vô thỉ để Phật tánh được hiển lộ. Như Lai Tạng có hai nghĩa: Như Lai hay Phật đã hàm ẩn trong thai tạng hay nhân tính, và Phật tính trong tự tính. Như Lai Tạng là nơi chứa đựng hay thu nhiếp vạn pháp. Như vậy, chân như ở trong phiền não dục vọng, và chân như cũng ở trong vạn pháp bao hàm cả hai mặt hòa hợp và không hòa hợp, tịnh và bất tịnh, tốt và xấu. Cảnh giới của Như Lai Tạng vốn là một tên khác của A Lại Da thức, cảnh giới nầy vượt khỏi những kiến giải được đặt căn bản trên sự tưởng tượng của hàng Thanh Văn, Duyên Giác và các triết gia. Như Lai Tạng là cái thai tạng trong đó Như Lai được mang, được nuôi dưỡng và được thành thục. Như Lai Tạng còn là A Lại Da thức được hoàn toàn thanh tịnh, sạch tập khí hay năng lực của thói quen và các khuynh hướng xấu. Như Lai Tạng còn là Phật tánh. Theo truyền thống Đại thừa, mọi thực thể đều chứa Phật ở tận sâu trong bản thân mình dưới hình thức Pháp thân. Như Lai Tạng là nguyên nhân của thiện cũng như bất thiện, sinh ra nhiều con đường hiện hữu khác nhau, như lục thú chẳng hạn.

361. Bất Sanh Bất Diệt

“Bất Sanh Bất Diệt” có nghĩa là “không sanh cũng không diệt,” hoặc “không đi không đến”, không có khởi cũng không có diệt; phá hủy ý niệm khởi bằng ý niệm diệt. Từ “đi” diễn tả ý niệm về các sự vật biến mất đi trong khi “đến” chỉ ý niệm về các sự vật xuất hiện. Toàn thể từ ngữ này có nghĩa là “Tất cả các sự vật có vẻ như đang thay đổi, nhưng chúng xuất hiện dễ mang vẻ như thế theo quan điểm hiện tượng và tương đối. Sanh tức là không sanh, không sanh tức là sanh. Đây là thuyết của các kinh Bát Nhã và là tuyệt ý của Tam Luận tông. Sanh chỉ là một từ ngữ giả tạm. Tục Đế gọi là “sanh,” nhưng Chân Đế lại là “vô sanh,” tương đối là “sanh” trong khi tuyệt đối là “vô sanh.” Khi Đức Như Lai nhìn thấy thực tướng của tất cả các sự vật, thì chúng không biến mất cũng không xuất hiện, chúng là bất diệt, vĩnh hằng.” Khi ý niệm này được áp dụng vào thân thể con người, “đến” nghĩa là sinh ra, “đi” nghĩa là chết đi. Mặc dù con người có vẻ như được sinh ra, già đi, khổ vì bệnh, rồi cuối cùng chết đi, những hiện tượng này chỉ do những thay đổi bên ngoài của những thể chất thành hình thân thể con người vẫn tương tục mãi. Chúng ta có thể lấy định luật về tính bất hoại của vật chất làm một thí dụ đơn giản, theo đó khoa học xác nhận rằng vật chất không giảm đi cũng không biến mất. Tuyết trên mặt đất hình như tan đi sau nhiều ngày, nhưng thực ra, nó chỉ biến đổi thành nước và thấm vào đất rồi bốc hơi lên không khí. Tuyết chỉ thay đổi hình thái, số lượng các phần tử cơ bản tạo thành nó không giảm đi huống chi là biến mất. Khi hơi nước trong không khí tiếp xúc với không khí lạnh như là một điều kiện hay duyên, thì nó trở thành những giọt nước nhỏ. Những giọt này tích tụ thành một đám mây. Khi những giọt nước nhỏ này kết hợp lại thành những giọt nước lớn thành mưa rơi xuống đất. Chúng sẽ không rơi thành mưa mà thành tuyết khi nhiệt độ giảm xuống đến một mức độ nào đó. Như thế, dù vật chất có vẻ như biến mất, trên thực tế nó không biến mất, mà chỉ thay đổi hình thái mà thôi. Cũng có thể nói như thế về con người. Theo sự thấy của Đức Như Lai thì sự sinh ra và chết đi của con người chỉ là những thay đổi hình thái; sự sống của con người tự nó vẫn vĩnh hằng. Khi được nhìn thấy bằng Phật nhãn, sự hiện hữu của con người “không sống cũng không chết.”

362. Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới

Đại Thiên thế giới nầy chẳng phải do một duyên, chẳng phải do một sự mà được thành tựu; phải do vô lượng duyên, vô lượng sự mới được thành. Những là nổi giăng mây lớn, tuôn xối mưa lớn. Tất cả đều do cộng nghiệp của chúng sanh và thiện căn của chư Bồ Tát phát khởi, làm cho tất cả chúng sanh trong đó đều tùy sở nghi mà được thọ dụng. Do vô lượng duyên như vậy mới thành Đại Thiên thế giới. Pháp giới như vậy không có sanh giả, không có tác giả, không có tri giả, không có thành giả, nhưng Đại Thiên thế giới vẫn được thành tựu. Từ trên 25 thế kỷ về trước, Đức Phật đã dạy về sự rộng lớn vô biên và sự vô cùng của vũ trụ. Thế giới mà chúng ta đang ở không phải chỉ có một, mà nhiều như cát sông Hằng. Vũ trụ của ba ngàn đại thiên thế giới (thế giới chúng ta đang ở là thế giới Ta Bà. Ta Bà tiếng Phạn gọi là Saha, nghĩa là thọ khổ, kham khổ, vì không gian vô hạn và thế giới kiểu thế giới ta bà nầy lại có vô lượng thế giới, giăng bủa khắp lục phương, lớn nhỏ khác nhau tạo thành một tiểu thế giới. Một ngàn tiểu thế giới hiệp thành một tiểu thiên thế giới, một ngàn tiểu thiên thế giới thành một trung thiên thế giới, một ngàn trung thiên thế giới thành một đại thiên thế giới. Một ngàn tiểu thiên thế giới, một ngàn trung thiên thế giới, một ngàn đại thiên thế giới hiệp thành ba ngàn đại thiên thế giới). Mỗi tam thiên đại thiên thế giới như thế gồm một ngàn triệu thế giới nhỏ như thế giới của chúng ta đang ở. Hơn nữa, vũ trụ không phải chỉ có một đại thiên thế giới, mà gồm vô số đại thiên thế giới. Về thời gian theo Phật giáo thì mỗi thế giới có bốn trung kiếp, mỗi trung kiếp có 20 tiểu kiếp, mỗi tiểu kiếp có 16 triệu năm. Như thế, một thế giới từ lúc được thành lập đến khi bị tiêu diệt trung bình là một ngàn hai trăm tám chục triệu năm. Dân Ấn Độ xưa tin rằng vũ trụ nầy gồm nhiều ngàn thế giới (tiểu thiên thế giới). Tiểu thiên thế giới gồm một ngàn thế giới, mà mỗi thế giới lấy núi Tu Di làm trung tâm được bao bọc xung quanh bởi các núi Thiết Vi và biển. Tuy nhiên, theo giáo thuyết Phật giáo thì hệ thống một thế giới gồm tứ châu, một ngàn hệ thống thế giới này hợp lại thành một tiểu thiên thế giới, một ngàn tiểu thiên thế giới làm thành một trung thiên thế giới, và một ngàn trung thiên thế giới làm thành một đại thiên thế giới (một ngàn nhơn với một ngàn nhơn với một ngàn thế giới làm thành một tỷ thế giới).

Tông Thiên Thai đề ra một vũ trụ gồm mười cảnh vực với căn bản ba nghìn thế giới nầy, tức là thế giới của hữu tình được chia thành mười cõi (Tứ Thánh Lục Phàm). Tông nầy hoàn toàn quay về lý thuyết duy tâm nhưng diễn tả khác hơn. Thiên Thai cho rằng trong một sát na tâm hay một khoảnh khắc của tư tưởng bao gồm cả ba nghìn thế giới (nhất niệm tam thiên). Đây là một lý thuyết riêng của tông nầy và được gọi là “Bản Cụ Tam Thiên” hay “Lý Cụ Tam Thiên” hay “Tánh Cụ Tam Thiên,” và có khi được gọi là “Viên Cụ Tam Thiên.” Nội thể, hoặc cụ hay bản tánh hay viên mãn đều chỉ chung một ý niệm như nhau, tức là, trong một khoảnh khắc của tư tưởng hay sát na tâm đều có cả 3.000 thế giới. Có người coi ý niệm nầy như là rất gần với ý niệm về tuyệt đối thể. Nhưng nếu bạn coi tuyệt đối thể như là căn nguyên của tất cả tạo vật thì nó không đúng hẳn là tuyệt đối thể. Vậy nó có thể được coi như là một hình thái của lý thuyết duy tâm, nhưng nếu người ta nghĩ rằng tâm thể ấy biểu hiện thế giới ngoại tại bằng tiến trình phân hai thì lại khác hẳn, vì nó không có nghĩa rằng, một khắc của tư tưởng tạo ra ba nghìn thế giới, bởi vì một sự tạo tác là sự khởi đầu của một chuyển động theo chiều dọc, nghĩa là tạo tác trong thời gian. Nó cũng không có nghĩa rằng ba nghìn thế giới được thu vào trong một khoảnh khắc của tư tưởng, bởi vì sự thu giảm là một hiện hữu theo chiều ngang, nghĩa là cọng hữu trong không gian. Dù chủ thuyết tam thiên đại thiên thế giới được quảng diễn trên căn bản duy tâm nhưng nó không chỉ là duy tâm vì tất cả các pháp trong vũ trụ đều ở ngay trong một ý niệm nhưng không giản lược vào tam hay ý.

363. Sắc Tức Thị Không, Không Tức Thị Sắc

Kinh điển Pali đã tuyên bố sáu căn, sáu trần và sáu thức cũng như năm uẩn đều là không tánh như sau: “Mắt là không phải ngã và bất cứ cái gì thuộc về ngã; sắc không phải là ngã và bất cứ cái gì thuộc về ngã; thức không phải là ngã và bất cứ cái gì thuộc về ngã.” Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Đức Phật bảo ngài Xá Lợi Phất: “Này Xá Lợi Phất! Thế giới hiện tượng hay sắc tướng này là không, và không quả thực là thế giới hiện tượng. Không không khác với thế giới hiện tượng hay Sắc, thế giới hiện tượng hay Sắc không khác với Không. Cái gì là thế giới hiện tượng thì cái đó là Không, cái gì Không thì cái đó là thế giới hiện tượng.” Tâm Kinh giải thích ý niệm Tánh Không rộng ra như sau: “Sắc chẳng khác với không,” hoặc “Không chẳng khác với sắc” và “Tánh không của chư pháp không sanh không diệt, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm,” nghĩa là sắc không có bản chất của chính nó, nó sanh khởi là do duyên sanh, do đó sắc là không hoặc đồng nghĩa với không. Như vậy, khách thể, chủ thể và thức đều tùy thuộc lẫn nhau. Thực tế của cái này là phụ thuộc vào cái khác; nếu cái này giả thì những cái khác cũng là giả. Chủ thể nhận thức và ý thức của khách thể bên ngoài hẳn cũng là giả. Vì vậy, khi một người nhận thức bên trong hoặc bên ngoài đều là vọng tưởng, thì sẽ thấy không có gì cả, tạo tác và hủy diệt, nhiễm và tịnh, tăng và giảm… Do thế, nói rằng “Tánh không của chư pháp không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm.” Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta không thể nói rằng một pháp vừa là thật và đồng thời vừa là không thật. Ở đây tánh không phải được định nghĩa như lý duyên khởi. Có sự liên hệ mật thiết tồn tại giữa lý duyên khởi và tánh không. Cái này bao hàm cái kia, cả hai không thể tách rời nhau. Tánh không là hệ quả hợp lý của quan điểm của Đức Phật về lý duyên khởi. Tánh không là chủ đề trung tâm của hệ thống triết học Đại Thừa. Từ này được dùng trong hệ thống Bát Nhã Ba La Mật để chỉ một trạng thái nơi mà tất cả các chấp thủ được xem như bản chất thật của hiện tượng là hoàn toàn bị chối bỏ. Nói cách khác, nếu chúng ta biết chư pháp thường không có tướng cố định là chúng ta gieo được chủng tử tuệ giác như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa dạy: “Biết chư pháp không có tướng cố định thường hằng, hạt giống về Phật tánh sẽ sanh khởi.”

364. Sắc và Tam Pháp Ấn

Theo kinh Vô Ngã Tướng, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, sắc không phải là ngã. Vì này các Tỳ Kheo, nếu sắc là ngã, thì thân này sẽ không bị bệnh và chúng ta có thể nói ‘ước mong sắc của ta được như vầy, ước mong sắc của ta không phải như vầy. Nhưng vì này các Tỳ Kheo, sắc thân không phải là Ngã cho nên thân này bị bệnh và chúng ta không thể nói ‘ước mong cho sắc của ta được như vầy, hay ước mong cho sắc ta không phải như vầy. Lại nữa này các Tỳ Kheo, các ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?” Bạch Đức Thế Tôn: “Sắc là vô thường.” “Cái gì vô thường thì tạo khổ đau hay lạc thú?” Bạch Đức Thế Tôn: “Nó tạo khổ đau.” Vậy cái gì vô thường, khổ đau, chịu sự biến hoại thì có thể nào suy nghĩ theo cách này: “Cái này là của tôi, cái này là tự ngã của tôi, được chăng?” Bạch Đức Thế Tôn: “Không thể như vậy được.” Như vậy bằng phương pháp phân tích, Đức Phật đã nhìn nhận sự hiện diện của khổ đau trên đời này. Ngài cho thấy rằng luyến ái mọi vật mà không có chánh kiến về thực chất của chúng là nguyên nhân của khổ đau. Tánh vô thường và biến đổi vốn có sẵn trong bản chất của vạn hữu. Đây là bản chất của chúng ta và đây là chánh kiến. Nếu chúng ta không chấp nhận điều này, chắc chắn chúng ta sẽ gặp nhiều điều xung đột mâu thuẫn vì chúng ta không thể nào thay đổi được bản chất của vạn hữu và kết quả là ‘niềm hy vọng xa dần khiến cho chúng ta đau khổ. Vậy giải pháp duy nhất là ở chỗ phải điều chỉnh quan điểm của chính mình.

365. Mạn Đà La

Mạn Đà La là biểu tượng của thế giới Phật giáo cũng như công cụ trợ giúp việc tham thiền, một bằng chứng với sự kiện là không có sự phân biệt rõ rệt giữa vũ trụ học và tâm lý học trong Phật giáo. Khi là các biểu đồ trật tự vũ trụ chúng là các bản đồ của vũ trụ và trong khi làm công cụ trợ giúp việc tham thiền, chúng là những công cụ tâm lý giúp hành giả cảm nhận các trạng thái tâm lý khác nhau. bằng cách tập trung vào một vòng tròn, người ta có thể tiến đến một sự hiểu biết về thực tế của thế gian bằng cách nhận thức theo tư tưởng Phật giáo. Mạn Đà La có nhiều hình thức khác nhau, thông thường có đến 2 hay 3 chiều. Chúng được trình bày dưới dạng đồ hình bằng cát màu hay dưới cấu trúc bằng đá. Những chiếc dĩa màu sắc giản dị cũng có thể là những công cụ để hành thiền. Vào thế kỷ thứ 9, đài tưởng niệm Phật giáo được xây dựng tại Borobudur, Nam Dương, theo hình một Mạn Đà La. Những sân thượng của nó có những hình ảnh chạm nổi mô tả cuộc đời Đức Phật. Trong Mật giáo, mạn đà la là vòng tròn diễn tả môi trường hoạt động của chư Phật trong Mật Giáo.

Mạn đà la thường là một bàn thờ tròn hay vuông để thờ phượng chư Phật và chư Bồ Tát trong Thai Tạng Giới và Kim Cang giới của Chân Ngôn Tông, mà Kobo Daishi đã sắp xếp như sau: Thai Tạng Giới tiêu biểu cho lý và nhân; và Kim Cang Giới tiêu biểu cho trí và quả. Mạn đà la còn gọi là Mạn Đồ La, Mạn Đát La, hay Mạn Nô La, vân vân. Đây là vòng tròn nghi thức dùng trong các buỗi lễ Phật giáo Mật tông, nơi biểu hiện cho sự giác ngộ, cũng là nơi tôn thờ chư Phật và chư Bồ Tát. Mạn Đồ La là vòng tròn biểu hiện cho những sức mạnh vũ trụ, hay nơi tụ hội của chư Hiền Thánh, có hai hay ba chiều, đóng một vai trò quan trọng trong trường phái Mật tông bên Tây Tạng, và có nghĩa là “Trung tâm và ngoại vi.” Trong Mật tông, thế giới bên ngoài cũng như thân thể hay ý thức bên trong con người có thể được biểu hiện trong một Mạn đà la. Mạn đà la đặc biệt vô cùng quan trọng trong Kim Cang Thừa, vì đây được coi như là điểm tập trung của thiền quán tưởng. Thường thường hành giả Mật tông làm mạn đà la trước khi bắt đầu một buổi tu tập hay một buổi lễ. Hình thức hay cấu trúc cơ bản của một Mạn đà la là một vòng tròn bao bọc cung điện hình vuông có 4 cửa xoay về 4 hướng (Bắc, Nam, Tây, Đông). Mạn đà la có thể được thực hiện bằng những hình thức dưới đây: những bức vẽ, cát nhuộm màu, những đống gạo, cấu trúc ba chiều.