GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP MỘT

Bài 31
BA TAI NẠN LỚN và BA TAI NẠN NHỎ

Ba tai nạn có phân ra lớn và nhỏ. Ba tai nạn lớn là tai nạn lửa, tai nạn nước và tai nạn gió, vào thời kì thế giới sắp hoại diệt. Ba tai nạn nhỏ là tai nạn mất mùa, tai nạn tật dịch và tai nạn đao binh, xảy ra trong mỗi tiểu kiếp của trung kiếp Trụ.

Về ba tai nạn lớn: Khi thế giới đã qua hết trung kiếp Trụ thì tiếp đến trung kiếp Hoại. Lúc bấy giờ, bảy mặt trời cùng xuất hiện, biển lớn khô cạn, bốn châu lớn và tám vạn châu nhỏ, núi Tu-di cùng các ngọn núi lớn khác, đều bị lửa hủy hoại. Lửa đốt cháy lên đến ba cõi trời Sơ-thiền(1), thảy đều ra tro. Đó là tai nạn lửa.

Sau khi tai nạn lửa hủy hoại thế giới bảy lần như vậy, thì tai nạn muớc kế tục hủy hoại thế giới. Lúc bấy giờ, bắt đầu từ cõi trời Quang-âm1, mưa nước tro sôi trong nhiều năm, làm cho bao nhiêu cung điện của cõi trời Quang-âm đều bị hủy sạch, các cung trời từ trời Quang-âm trở xuống, cho đến bốn châu lớn và tám vạn châu nhỏ, núi Tu-di cùng các ngọn núi lớn khác, đều bị nước tro sôi tiêu diệt, không còn hình tướng gì cả. Đó là tai nạn nước.

Cứ mỗi trung kiếp Hoại của đại kiếp thứ sáu mươi bốn, đều có tai nạn gió hủy hoại thế giới. Lúc bấy giờ có cơn gió lớn (tên là tăng-già-đa) thổi tới, làm cho các cung điện của cõi trời Biến-tịnh2 ma sát mà hủy hoại nhau, cho đến khi không có gì còn sót lại. Cung điện của các cõi trời từ trời Biến-tịnh trở xuống cũng đều như vậy; cho đến bốn châu lớn và tám vạn châu nhỏ, núi Tu-di cùng các ngọn núi lớn khác, đều bị sức gió thổi làm cho tan nát, không còn hình tướng gì cả. Đó là tai nạn gió.

Về ba tai nạn nhỏ: Khi tuổi thọ của con người là tám vạn bốn ngàn tuổi, cõi đất thanh tịnh, nhân dân hòa thuận an vui. Sau đó, các hành động xấu như giết hại, trộm cướp, dâm dục, dối trá, dần dần phát sinh; tuổi thọ nhân đó cũng cứ một trăm năm thì giảm đi một tuổi. Cho đến khi tuổi thọ giảm xuống còn ba mươi tuổi, con người quá tà kiến điên đảo, mười nghiệp bất thiện đều làm đủ; do đó mà trời hạn hán, ngũ cốc không mọc, người ta phải nấu xương trắng, vỏ cây mà ăn, chết đói vô số. Trải qua bảy năm, bảy tháng và bảy ngày mới ngưng; đó là tai nạn mất mùa. Đến khi tuổi thọ giảm còn hai mươi tuổi, con người làm nhiều điều theo thói buông lung, chỉ tiếp xúc với điều ác; cho nên bị các loài phi nhân(2) ném cho các khí độc truyền nhiễm, số người chết bệnh không kể xiết. Trải qua bảy tháng và bảy ngày mới ngưng; đó là tai nạn tật dịch. Đến lúc chỉ còn mười tuổi, con người đều là loại bất hiếu bất kính, làm nhiều điều bất thiện, thù oán giết hại lẫn nhau; do nghiệp lực đó cho nên cây cỏ đều hóa ra mũi nhọn sắc bén, đụng vào là chết ngay. Trải qua bảy ngày mới ngưng; đó là tai nạn đao binh.

Ba loại tai nạn nhỏ này, cứ mỗi một tiểu kiếp thì phát sinh một lần, trong đó, số người chết đói là bởi nghiệp nhân đời trước keo kiệt, giành ăn; sau khi chết đều bị đọa vào đường Ngạ-quỉ. Số người chết bệnh là bởi nghiệp nhân đời trước thường thương xót thăm nom người bệnh; sau khi chết đều được sinh vào Thiên đạo. Số người chết vì đao binh là bởi nghiệp nhân đời trước quá nhiều sân hận và giết hại; sau khi chết đều bị đọa vào Địa-ngục. Xem thế có thể biết: sự giữ gìn tâm ý cùng với việc thọ sinh, quả thật có quan hệ mật thiết với nhau.

 

CHÚ THÍCH

1. “Quang-âm” là tên tầng trời cao nhất của cõi trời Nhị- thiền, thuộc cõi Sắc. Cõi trời này không còn dùng âm thanh. Khi muốn nói thì từ miệng phát ra ánh sáng trong sạch (tức ánh sáng do tâm định mà có – HC) để truyền ý cho nhau biết. Khi tai nạn lửa thiêu hủy đến cõi Sơ-thiền, tất cả chúng sinh ở hạ giới đều tụ tập hết về ở cõi trời này, đợi cho đến sau khi thế giới hình thành trở lại. Đến buổi đầu của kiếp Thành, mây phát khởi từ cõi trời này, đổ mưa lớn xuống để tạo nên thế giới, từ cõi trời Sơ-thiền cho đến Địa-ngục. Khi thế giới đã làm thành, các thiên chúng ở cõi trời này, phước đức đã gần hết, dần dần hạ sinh. Đây chỉ nói về thời kì hỏa tai mà thôi. Nếu ở thời kì thủy tai và phong tai thì cõi trời này cũng bị hủy diệt. Lúc đó thì phải từ cõi trời cao hơn nữa, nổi mây đổ mưa, sáng tạo thế giới.

2. “Biến-tịnh” là tên tầng trời thứ ba của cõi Tam-thiền, thuộc cõi Sắc. Cõi trời này, ánh sáng trong sạch trải khắp mọi chỗ, cho nên có tên như vậy.

 

PHỤ CHÚ

1. Ba cõi trời Sơ-thiền: Các tầng trời Sắc giới, do tu định mà được quả báo, cho nên đều có tên chung là “Thiền” (Sơ-thiền, Nhị-thiền, Tam-thiền, Tứ-thiền). Tầng thấp nhất là Sơ-thiền. Chúng sinh ở tầng trời này, tâm ý đã thanh tịnh, các lậu hoặc không còn khởi động; tự biết mình đã lìa khỏi các pháp ác của Dục giới, cảm sinh hỉ thọ và lạc thọ, cho nên gọi là “Li-sinh-hỉ-lạc địa”. Tuy nhiên, vì tầng trời này còn có hai hoạt động tâm lí “giác” (tức tâm sở “tầm”, tác dụng phân biệt thô thiển của tâm) và “quán” (tức tâm sở “từ”, tác dụng phân biệt vi tế của tâm), cho nên vẫn có các hoạt động thấy, nghe và xúc chạm; lại còn sinh khởi ngữ nghiệp. Tầng Sơ-thiền lại chia ra có ba cõi trời: 1) Thấp nhất là Phạm-chúng, cõi của thiên chúng do trời Đại Phạm sinh hóa và thống lĩnh; 2) Lên trên là Phạm-phụ, cõi của thiên chúng có nhiệm vụ hầu cận hai bên trời Đại Phạm; 3) Trên hết là Đại-phạm, cõi của trời Đại Phạm, thống lĩnh toàn thể thiên chúng tầng trời Sơ-thiền. Do vậy, Sơ-thiền thiên cũng được gọi là “Phạm thiên”; và trời Đại Phạm cũng được gọi là Phạm Thiên Vương, hay Phạm Vương. Theo truyền thuyết cổ đại của Ấn-độ, ở kiếp đầu tiên, Phạm Vương từ cõi trời Quang-âm hạ sinh, và tạo ra vũ trụ vạn vật. Đạo Bà-la-môn tôn sùng trời Đại Phạm là chúa tể của vạn vật, là đấng sáng tạo thế giới, là nguyên lí tuyệt đối, duy nhất, độc tôn và thường trú.

2. Phi nhân: chỉ cho các loài không phải loài người, như trời, rồng, dạ xoa, tu la, ác quỉ, v.v…

 

BÀI TẬP

 

1) Đại tam tai là gì? Tiểu tam tai là gì?

Đại tam tai là ba tai nạn lớn: lửa, nước và gió, xảy ra vào thời kì thế giới sắp hoại diệt. Tiểu tam tai là ba tai nạn nhỏ: mất mùa, tật dịch và đao binh, xảy ra trong mỗi tiểu kiếp của trung kiếp Trụ.

2) Tình hình của hỏa tai như thế nào?

Khi thế giới đã tiến vào trung kiếp Hoại thì bảy mặt trời cùng xuất hiện, biển cả khô cạn, bốn châu lớn và tám vạn châu nhỏ, núi Tu-di và tất cả các ngọn núi lớn khác, đều bị lửa hủy hoại; lửa đốt cháy lên đến ba cõi trời Sơ-thiền, thảy đều thành tro bụi.

3) Tình hình của phong tai như thế nào?

Sau khi tai nạn lửa hủy hoại thế giới bảy lần như thế, thì tai nạn nước kế tục hủy hoại thế giới. Lúc bấy giờ, bắt đầu từ cõi trời Quang-âm, mưa nước tro sôi trong nhiều năm, làm cho bao nhiêu cung điện của cõi trời này đều bị hủy sạch. Các cõi trời từ đó trở xuống, cho đến bốn châu lớn và tám vạn châu nhỏ, núi Tu-di cùng các ngọn núi lớn khác, đều bị nước tro sôi hủy diệt, không còn hình tướng gì cả.

4) Khi nhân thọ giảm xuống đến 30 tuổi thì tai nạn nào phát sinh? Khi giảm đến 20 tuổi thì tai nạn nào phát sinh? Khi giảm đến 10 tuổi thì tai nạn nào phát sinh?

Khi nhân thọ giảm xuống đến 30 tuổi thì phát sinh tai nạn mất mùa; khi giảm đến 20 tuổi thì phát sinh tai nạn tật dịch; khi giảm đến 10 tuổi thì phát sinh tai nạn đao binh.

5) Trong thời kì tiểu tam tai, người chết vì mất mùa, sau khi chết sẽ sinh về đường nào? Người chết vì tật dịch, sau khi chết sẽ sinh về đường nào? Người chết vì đao binh, sau khi chết sẽ sinh về đường nào?

Trong thời kì tiểu tam tai, người chết vì mất mùa, sau khi chết sẽ sinh vào đường Ngạ-quỉ; người chết vì tật dịch, sau khi chết sẽ sinh vào đường Trời; người chết vì đao binh, sau khi chết sẽ sinh vào đường Địa-ngục.