BÁI

Phật Quang Đại Từ Điển

Phạm:pàỉha. Còn gọi là Bái nặc, Bà trắc, Bà sư. Dịch ý là khen ngợi, ngưng chỉ. Dùng âm vận dài ngắn trầm bổng ngâm vịnh hợp với khúc hát, là pháp nhạc của cõi Phạm, cho nên gọi là Phạm bái. Tức phúng tụng kinh văn với giọng trầm bổng có khúc điệu. Bắt đầu làm pháp sự, bên ngoài dứt hết các duyên, bên trong ngưng chỉ vọng niệm mới có thể làm được pháp sự. Lại phần nhiều các kệ tụng là khen ngợi các đức của Phật, vì thế gọi là Bái tán. Thời đức Phật còn tại thế, người nào tốt tiếng, bái tán các bài kệ hay, thì gọi là Bái tỉ khưu hoặc Linh thanh ……(như tiếng chuông) tỉ khưu. Phật giáo mới truyền vào Trung Quốc, người Hán chưa biết tán tụng có âm điệu, cứ theo truyền thuyết, đến đời Ngụy, Trần tư vương Tào thực, nhân đến du ngoạn Ngư Sơn, nghe trong không trung vang khúc Phạm thiên, thâm cảm thần lí, mới bắt chước âm thanh tiết điệu ấy mà làm ra khúc hát rồi phổ nhạc, về sau lưu truyền rất rộng [X. Pháp hoa huyền tán Q.4 phần cuối; Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao Q.thượng phần 4; Chư kinh yếu tập Q.4 Bái tán thiên; Huyền ứng âm nghĩa Q.6]. (xt. Phạm Bái).