NHỮNG ĐÓA HOA VÔ ƯU
Thiện Phúc

TẬP II

291. Bồ Tát là Ai?
292. Tứ Thánh
293. A La Hán
294. Ngũ Tịnh Cư Thiên
295. Lục Dục Thiên
296. Thập Nhị Dược Xoa Đại Tướng
297. Thiên Long Bát Bộ
298. Tứ Thiền Thiên
299. Tứ Thiền Vô Sắc
300. Tứ Thiên Vương
301. Thập Thiện Nghiệp và Thiên Đạo
302. Đạo
303. Tam Đạo
304. Đạt Đạo
305. Thông Đạt Phật Đạo

291. Bồ Tát là Ai?

“Bồ Tát” là một thuật ngữ Phật giáo trung Hoa có nghĩa là một chúng sanh giác ngộ, một vị Phật sẽ thành, hoặc một người mong đạt được giác ngộ, hay một người đang tìm cầu giác ngộ, bao gồm chư Phật, chư Bích Chi Phật, hay chư đệ tử của Đức Phật. Một bậc đại giác không chịu vào Niết bàn mà lựa chọn ở lại trần thế để cứu độ chúng sanh. Bất cứ ai đang tìm cầu quả vị Phật hay Thánh, không vào Niết bàn, nhưng ở lại trần thế giúp người khác giác ngộ. Người nguyện sống vì lợi ích của người khác, nguyện cứu vớt người khác thoát khỏi khổ đau phiền não. Chúng sanh hữu tình giác ngộ nguyện chỉ vào đại giác khi đã giúp những chúng sanh khác giác ngộ. Như vậy Bồ Tát là một người đã giác ngộ, một Đức Phật tương lai, một bậc ao ước trở thành một vị Phật. Thật là sai lầm khi cho rằng Bồ Tát là sáng tạo của Phật giáo Đại Thừa. Đối với Phật tử, mỗi Đức Phật đều đã từng là một Bồ Tát trong một thời gian lâu dài trước khi giác ngộ. Nhưng tại sao Bồ Tát lại nguyện như vậy? Tại sao Ngài lại muốn đảm nhận một công việc không có ngần mé như vậy? Vì lợi ích cho những kẻ khác, vì Ngài muốn cứu vớt chúng sanh ra khỏi cơn đại hồng thủy của khổ đau phiền não. Nhưng rồi đâu là lợi ích cá nhân mà Ngài tìm thấy trong lợi ích của chúng sanh? Đối với một vị Bồ Tát, lợi ích của chúng sanh chính là lợi ích của Ngài, bởi vì Ngài muốn như vậy. Ai có thể tin được điều đó? Thực tình chỉ có những kẻ khô cạn hết lòng thương, những kẻ chỉ nghĩ đến mình, thì thấy khó tin được lòng vị tha của Bồ Tát. Nhưng những người có từ tâm thì tin nó một cách dễ dàng.

Theo Đại Trí Độ Luận, chữ Bodhi có nghĩa là con đường hành đạo của chư Phật, chữ sattva là bản chất của thiện pháp. Bồ Tát là vị có tâm cứu giúp tất cả chúng sanh vượt qua dòng sông sanh diệt. Bồ Tát là một đại giác hữu tình (dịch theo mới), là bậc tầm cầu sự giác ngộ tối thượng, không phải chỉ cho chính mình mà cho tất cả chúng sanh. Bồ Tát là người tu theo Đại Thừa, xuất gia hay tại gia, thượng cầu đại giác, hạ hóa chúng sanh (tự giác, giác tha). Bồ Tát là một chúng sanh tu hành và xem lục độ Ba La Mật như là phương cách cứu độ và giác ngộ. Mục đích của Bồ Tát là cứu độ chúng sanh. Bốn bản chất vô lượng của Bồ Tát là Từ vô lượng, Bi vô lượng, Hỷ vô lượng và Xả vô lượng. Một người, hoặc Tăng Ni, hay Phật tử tại gia đạt quả vị Niết bàn trong cương vị một Thanh văn, hay Duyên giác, nhưng vì lòng đại bi thương xót chúng sanh, nên không vào Niết bàn mà tiếp tục đi trong Ta Bà để cứu độ chúng sanh. Trong lòng của Bồ Tát luôn có Bồ Đề Tâm và nguyện lực. Bồ Đề tâm bao gồm trí tuệ siêu việt là lòng đại bi. Nguyện lực là sự quyết tâm kiên định để cứu thoát tất cả chúng sanh. Bồ Tát là một chúng sanh đã có sẵn bản chất hoặc tiềm năng của trí tuệ siêu việt hoặc chánh giác tối thượng, là bậc đang đi trên con đường đạt tới trí tuệ siêu việt. Bồ Tát là một chúng sanh có khả năng thành Phật. Với sự tự tại, trí tuệ và từ bi, Bồ Tát biểu thị một thời kỳ cao của Phật quả, nhưng chưa phải là một vị Phật toàn giác. Sự nghiệp tu hành của bậc Bồ Tát kéo dài nhiều đời nhiều kiếp, mỗi đời Ngài đều thực hành lục độ và thập địa để cầu đắc quả chánh giác tối hậu, đồng thời lấy sự phấn đấu vĩ đại và tâm kiên nhẫn phi thường và không ngừng tự hy sinh để mưu cầu sự tốt đẹp cho tất cả chúng sanh. Bồ Tát là người đã giác ngộ, tự hiến đời mình trợ giúp người khác đạt giải thoát. Với sự tự tại, trí huệ và từ bi, Bồ Tát biểu thị một giai đoạn cao của Phật quả nhưng chưa phải là một vị Phật giác ngộ vô thượng viên mãn hoàn toàn. Theo trường phái Đại Thừa, Bồ Tát từ chối nhập Niết Bàn cho đến khi nào thực hiện xong lời nguyện là cứu độ hết thảy chúng sanh. Ngoài ra, Bồ tát còn xem hết thảy chúng sanh như chính mình nên không nở ăn thịt.

292. Tứ Thánh

Tứ Thánh Quả hay bốn loại người cao quý trong truyền thống Phật giáo. Thứ nhất là Thanh Văn, tức là những vị tu tập Tứ Diệu Đế, đệ tử trực tiếp của Phật. Thứ nhì là Duyên Giác, một vị thành Phật nhờ tu tập 12 nhân duyên; hay một vị Phật tự giác ngộ, chứ không giảng dạy kẻ khác. Thứ ba là Bồ Tát, một người giác ngộ hay một vị Phật tương lai. Thứ tư là Phật, bậc đã đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác; bậc chuyển Pháp luân. Một vị Phật không ở trong vòng mười cõi thế gian nầy, nhưng Ngài thị hiện giữa loài người để giảng dạy giáo lý của mình nên một phần Ngài được kể trong Tứ Thánh.

Bốn quả vị Thánh của Thanh Văn trong Phật giáo Nguyên Thủy hay Tứ Quả Sa Môn. Ba bậc đầu là ba bậc hữu học bao gồm Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm và A Na Hàm; và quả vị thứ tư là quả vị Vô Học A La Hán. Quả vị đầu tiên là Tu Đà Hoàn, hay dự lưu, hay nhập Lưu. Quả vị Dự Lưu đầu tiên, hành giả đang trong tư thế thấy được Đạo. Người ấy vẫn còn phải bảy lần sanh tử nữa. Đây là sự bắt đầu hay nhập vào quả vị của người đã giác ngộ về Tứ Diệu Đế. Quả vị thứ nhì là Tư Đà Hàm, hay Nhứt Lai. Hành giả đang trong tư thế tu Đạo. Người ấy vẫn còn phải sanh thiên một lần hay một lần nữa trở lại trong cõi người. Đây là quả vị của người đã diệt hết tham sân si. Quả vị thứ ba là A Na Hàm, hay Bất Lai. Hành giả cũng đang trong tư thế tu Đạo. Người ấy không còn trở lại sinh tử trong cõi Dục giới nữa. Đây là quả vị dành cho hành giả đã chế ngự được bản ngã của mình. Quả Vị Thứ Tư là Quả Vị Vô Học, tức quả vị A La Hán, còn gọi là Ứng Cúng hay Bất Sanh. Đây là giai đoạn thứ tư và cũng là giai đoạn cuối cùng trong Thánh quả (Ứng Cúng) trong đó mọi triền phược nhiễm cấu đều bị nhổ tận gốc. Hành giả trong giai đoạn nầy không còn cần phải “học” hay “thực tập” nữa. Người ấy không còn phải sanh tử nữa. A La Hán là vị đã đạt được cứu cánh tối thượng của đời sống Phật giáo. Sau khi chết người ấy vào Niết bàn. Đây là quả vị cao nhất cho các hàng Thanh văn. A La Hán là một vị Thánh đã giải thoát khỏi luân hồi sanh tử, bằng cách sống đời tịnh hạnh đúng theo lời Phật dạy. Đây là mục tiêu tối thượng của trường phái Theravada, đối lại với quả vị Bồ Tát trong trường phái Đại thừa.

Theo quan niệm của Tịnh Độ Tông của Ấn Quang Đại Sư, Tứ Thánh Quả Tiểu Thừa bao gồm Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, và A La Hán. Thứ nhất là Sơ Quả Tu Đà Hoàn. Đây là sự thấy biết rõ ràng của các bậc nầy giới hạn trong phạm vi của một tiểu thế giới, gồm chúng sanh trong lục đạo, bốn đại châu, núi Tu Di, sáu cõi trời dục giới, và một cõi sơ Thiền. Thứ nhì là Nhị Quả Tư Đà Hàm. Đây là sự thấy biết của các bậc nầy giới hạn trong một tiểu thiên thế giới, gồm 1000 tiểu thế giới. Chúng sanh giác ngộ quả vị thứ hai trong Tứ Thánh Quả. Người chứng quả Nhất Lai là người tu tập thực chứng Tứ Thánh Đế và đã đoạn tận nhiễm trược. Thí dụ điển hình là Bồ Tát Di Lặc. Con người ấy sẽ chỉ trở lại tái sanh làm người một lần nữa trước khi đắc quả A La Hán. Bồ Tát đã thực chứng Tứ Thánh Đế và đã diệt trừ đa phần nhiễm trược. Người nầy chỉ còn trở lại trần thế một lần nữa trước khi thực chứng A La Hán. Thứ ba là Tam Quả A Na Hàm. Đây là sự thấy biết của các bậc nầy bao hàm trong một trung thiên thế giới, gồm một ngàn tiểu thiên thế giới. Hành giả cũng đang trong tư thế tu Đạo. Người ấy không còn trở lại sinh tử trong cõi Dục giới nữa. Hành giả cũng đang trong tư thế tu Đạo. Người ấy không còn trở lại sinh tử trong cõi Dục giới nữa. A Na Hàm là một trong bốn Thánh quả trong Tiểu Thừa. Theo Phật giáo Nguyên Thủy, Anagamin là người đã giải thoát khỏi năm ràng buộc đầu tiên là tin vào cái ngã, nghi ngờ, chấp trước vào nghi lễ cúng kiến, ghen ghét và thù oán. A na hàm là bậc không còn tái sanh vào thế giới Ta bà nầy nữa. Trong kiếp tới vị này sẽ tái sanh vào một trong năm cõi “tịnh trụ” và sẽ thành A La Hán tại đây. A Na Hàm là người đã giải thoát khỏi năm ràng buộc đầu tiên là tin vào cái ngã, nghi ngờ, chấp trước vào nghi lễ cúng kiến, ghen ghét và thù oán. A na hàm là bậc không còn tái sanh vào thế giới Ta bà nầy nữa. Đây là quả vị thứ ba trong tứ Thánh quả. Trạng thái không còn trở lại nữa, quả vị thứ ba trong bốn quả vị của người tu Phật giáo. Người đắc quả vị nầy thì sau khi nhập diệt, không còn trở lại tái sanh trong cõi trần, mà tái sanh vào cõi trời vô sắc cao nhứt và sau đó đạt được Thánh quả A La Hán. Thứ tư là Tứ Quả A La Hán. Đây là sự thấy biết của các bậc nầy gồm thâu một Đại Thiên Thế Giới, tức gồm một ngàn trung thiên thế giới, 84.000 kiếp về trước và 84.000 kiếp về sau. Quá nữa thì không hiểu thấu.

293. A La Hán

A La Hán có nghĩa là “Bố Ma,” hay “Ứng Cúng.” Trong thời Phật giáo Ấn Độ nguyên thủy, A La Hán là một hình ảnh đáng kính nhất trong cộng động Phật giáo, vì A La Hán là bậc đã đạt được Niết Bàn, bậc đã cắt đứt phiền não và sẽ không còn tái sanh trong thế giới khổ đau nữa. Theo Phật giáo Nguyên Thủy, A La Hán là mức độ đạt đạo cao nhất trong Phật giáo Nguyên Thủy. A La Hán là bậc đã đạt tới giai đoạn “Vô Học.” Đây là Thánh quả cao nhất trong Tứ Thánh Quả Tiểu Thừa. Và từ A La Hán còn được dùng như là một trong mười danh hiệu của Đức Phật. Tuy nhiên, trong các tác phẩm gần đây của trường phái Đại Thừa, A La Hán cùng với Độc Giác Phật được các thầy Đại Thừa ám chỉ như là sự tu tập ở cấp thấp. Các vị này hạ thấp giá trị của A La Hán vì cho rằng sự tu tập theo A La Hán và Độc Giác Phật là tự kỷ và chưa đạt được trí tuệ tánh không của Đại Thừa. A La Hán là một vị đã dứt trừ mọi phiền não, người đã thành tựu những gì cần thành tựu và đã đạt đến giác ngộ, không còn phải luân hồi sanh tử nữa. Một vị Thanh Văn đã đạt được quả vị giác ngộ cao nhất. A La Hán tượng trưng cho mẫu mực đức hạnh thanh tịnh. Thế nên A La Hán là một đối tượng đáng kính và ruộng phước điền cho chúng sanh khác cúng dường, cũng như noi theo mà tu tập. Có nhiều người cho rằng lý tưởng A La Hán là thấp hơn lý tưởng Bồ Tát, kỳ thật hai bậc đó đều được xem trọng như nhau, và mỗi lý tưởng có một ý nghĩa đặc biệt của nó. A La Hán là một trong những quả vị trên bước đường tu tập. Người đã đạt được A La Hán, tức Thánh quả vị thứ tư, không còn tái sanh. Sau khi chết người ấy vào Niết bàn. Đây là quả vị cao nhất cho các hàng Thanh văn. A La Hán là một vị Thánh đã giải thoát khỏi luân hồi sanh tử, bằng cách sống đời tịnh hạnh đúng theo lời Phật dạy. Đây là mục tiêu tối thượng của trường phái Theravada, đối lại với quả vị Bồ Tát trong trường phái Đại thừa. Không cần phải học nữa vì đã đoạn tận vọng hoặc và đạt thành giác ngộ. Khi đạt tới giai đoạn nầy, hành giả không cần phải học hay cố gắng thành tựu theo tôn giáo. Đây là giai đoạn của bậc A La Hán, giai đoạn thứ tư trong Thanh Văn Thừa, ba giai đoạn trước là hữu học.

Từ Nam Phạn có nghĩa là “Ứng Cúng.” Từ “Arahant” được thành hình từ hai phần: Ari và hanta. ‘Ari’ có nghĩa là kẻ thù hoặc phiền não, ‘hanta’ là giết hoặc tiêu diệt. Nên ‘A La Hán’ là một vị đã giải thoát tất cả các phiền não như khao khát, sân hận, si mê, vân vân. Đây là một quả vị lý tưởng trong Phật giáo Nguyên Thủy; một vị đã loại trừ được hết thảy những nhiễm ô và phiền não một cách hoàn toàn và chúng sẽ không còn tái xuất hiện trong tương lai nữa. Đến lúc viên tịch thì vị A La Hán sẽ nhập niết bàn, và sẽ không không còn tái sanh nữa. Mặc dầu A La Hán thường bị các kinh văn Đại Thừa chỉ trích một cách nghiêm khắc là theo đuổi mục tiêu giải thoát niết bàn cá nhân vị kỷ, họ là những vị “ứng cúng” vì họ đã đạt được sự phát triển tâm linh cao độ. Hình ảnh của vị La Hán đã trở nên phổ cập trên khắp các vùng Đông Á, đặc biệt là trong Thiền Tông, vì Thiền nhấn mạnh đến sự giải thoát cá nhân. Những biểu tượng sớm nhất về A La Hán được biết đến ở Trung Hoa là vào thế kỷ thứ bảy, và chủ đề A La Hán đã trở nên phổ biến rộng rãi vào những thế kỷ thứ chín và thứ mười. Ngày nay những nhóm hình ảnh của 500 vị La Hán thường được thấy khắp các thiền viện, và vài tự viện lớn đã xây riêng một A La hán Đường. Người ta cũng nên nhắc lại là từ A La Hán cũng dành để chỉ chư Phật, vì chư Phật cũng là những bậc đã đoạn trừ hết nhiễm ô và nhập niết bàn khi viên tịch. Trong thời Phật giáo nguyên thủy, từ “A La Hán” được định nghĩa như là người đã đạt được bản chất thật của các pháp và Đức Phật được coi là vị A La Hán đầu tiên. Sau thời pháp “Chuyển Pháp Luân,” năm anh em Kiều Trần Như cũng trở thành những bậc A La Hán. Theo Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh và Trung Bộ Kinh, A La Hán là người hiểu lý duyên sanh, đã diệt tận ba lậu hoặc, tu tập thất bồ đề phần, cởi bỏ ngũ chướng, thoát khỏi ngũ phiền não và mười tà kiến. Vị ấy tu tập giới, định và đạt được nhiều năng lực siêu nhiên cũng như thức tỉnh được bản chất đau khổ của thế giới ta bà. Vị ấy đã tu tập tứ thiền, bát định, bát thắng trí, tam minh… đưa đến giải thoát an lạc tối hậu, thoát khỏi vĩnh viễn vòng trói buộc của luân hồi sanh tử, và trở thành bậc xứng đáng được cúng dường ở thế gian này.

Theo Thượng Tọa Bộ, A La Hán là một bậc hoàn thiện hoàn mỹ; nhưng theo Đại Chúng Bộ, A La Hán chưa phải là bậc hoàn mỹ, họ vẫn còn bị những nghi hoặc quấy nhiễu và vẫn còn rất nhiều điều chưa được liễu giải. Chính vì thế mà Phật Giáo Đại Thừa khuyên Phật tử không nên đề cao lý tưởng A La Hán. Thay vì vậy, nên noi gương những bậc đã hiến trọn đời mình, đã hy sinh tự ngã và không ngừng cố gắng nhằm đạt đến mục đích cứu độ chúng sanh cũng như cảnh giới của chư Phật. Trong Tương Ưng Bộ Kinh, Đức Phật không có sự phân biệt khác nhau giữa Ngài và A La Hán: “Nầy các Tỳ Kheo! Như Lai là bậc A La Hán, là bậc giác ngộ hoàn toàn, làm cho con đường khởi lên mà trước đó chưa khởi, đem đến con đường mà trước đó chưa có, tuyên bố con đường mà trước đó chưa được tuyên bố. Ngài là người biết, hiểu và thiện xảo về con đường. Và nầy các Tỳ Kheo, các đệ tử của Ngài là những vị sống theo đạo, tiếp tục thành tựu đạo. Nầy các Tỳ Kheo, đó là sự sai biệt, điểm đặc biệt để phân biệt Như Lai, bậc A La Hán, hoàn toàn giác ngộ với các Tỳ Kheo được giải thoát nhờ trí tuệ.” Theo tác phẩm “Bậc Toàn Thiện trong Phật Giáo”, Nathan Katz đã chỉ ra rằng: “A La Hán được nói là đồng với Đức Phật về phương diện chứng đạt và giải thoát vì cả hai đều hoàn toàn vượt qua các kiết sử lậu hoặc. Trong Kinh Na Tiên Tỳ Kheo, A La Hán nổi bật sáng chói và trầm tĩnh giữa các Tỳ Kheo khác, bởi lẽ các ngài có sự giải thoát và an tĩnh trong thân tâm. A La Hán được gọi trân báu của sự giải thoát.

A-la-hán còn có ba nghĩa: Ứng Cúng, Bố Ma, và Vô Sanh Pháp Nhẫn. Thứ nhất là Ứng Cúng. Bậc xứng đáng được cúng dường của người và trời, là bậc đã xa lìa mọi điều ác, một trong mười danh hiệu của Như Lai. Người ta tin rằng nếu bạn cúng dường cho một vị A La Hán thì bạn được vô lượng phước đức, không có cách chi mà tính toán cho được. Thứ nhì là Bố Ma, hay sát tặc, hay phá si. Đây là bậc đã tiêu diệt hết ma chướng não phiền. Ma chướng phiền não ở đây không phải là ngoại ma, mà những tên giặc ở ngay bên trong chính bạn: giặc si mê, giặc phiền não, giặc tham, sân, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng. vân vân. Bạn không biết, nhưng chúng âm thầm cướp mất đi hết đạo đức của bạn. Thứ ba là Vô sanh pháp nhẫn, tức là bậc không còn tái sanh vì đã diệt hết nghiệp luân hồi sanh tử. Những bậc nầy còn được gọi là Đại A La Hán. Trong thời Đức Phật còn tại thế, Đại A La Hán là các vị đã bậc vốn là Pháp Thân Đại Sĩ, đã chứng được Pháp Thân, thị hiện ra làm đệ tử Phật. Các bậc này đều chứng thực phép tu bất khả tư nghì Phật Pháp, cho nên gọi là Đại A La Hán. Từ khi Đức Phật chuyển Pháp Luân, các bậc này lúc nào cũng theo Phật, mang lại lợi ích cho khắp cõi nhân thiên, cho nên được đại chúng biết đến (trong các kinh Phật đều có kể đến 1.250 vị).

Theo Bách Khoa Toàn Thư Phật Học, từ Arahant xuất phát từ gốc ‘Arh”, nghĩa là ‘xứng đáng’ hay ‘thích hợp’, và được dùng để biểu thị cho một người đã đạt được mục đích của đời sống phạm hạnh theo Phật Giáo Nguyên Thủy. Arahant được thành hình từ hai phần: ‘Ari’ và ‘hanta’. ‘Ari’ có nghĩa là kẻ thù hoặc phiền não. ‘Hanhta’ là giết hoặc tiêu hủy. Thế nên A La Hán là một vị đã giải thoát tất cả các phiền não như tham lam, sân hận và si mê. I.B. Hornoor trong Giáo Lý Nguyên Thủy về Bậc Toàn Thiện, đã đưa ra bốn mẫu của danh từ A La Hán như sau: Araha, Arahat, Arahanta, và Arahan. Trong Phật giáo Nguyên Thủy, từ A La Hán chỉ người đã đạt được bản chất thật của các pháp, và Đức Phật được coi là vị A La Hán đầu tiên. Sau khi thuyết bài pháp đầu tiên ‘Kinh Chuyển Pháp Luân’, năm anh em Kiều Trần Như cũng trở thành những bậc A La Hán. Những vị A La Hán nầy được mô tả như là những người đã được giải thoát sau bậc giác ngộ hoàn toàn, tức là Đức Phật. Theo dòng thời gian, khái niệm A La Hán từ từ được Đức Phật và những đệ tử của Ngài kế tiếp mở rộng và chi tiết hóa. Do đó, A La Hán cũng có nghĩa là người hiểu lý Duyên Sanh, đã diệt được ba lậu hoặc, tu tập thất giác chi, rũ bỏ được năm triền cái, thoát khỏi căn bản phiền não và mười tà kiến. Vị ấy đã tu tập giới, định, và đạt được nhiều năng lực siêu phàm, và tỉnh thức được bản chất đau khổ của thế giới ta bà. Vị ấy đã tu tập Tứ Thiền, đạt được Tứ định, sáu thắng trí, tam minh, vân vân, đưa đến giải thoát an lạc tối hậu. Sự giải thoát nầy đưa vị ấy thành bậc A La Hán, thoát khỏi vòng trói buộc của luân hồi sanh tử và an hưởng Niết Bàn, trở thành bậc xứng đáng được cúng dường ở thế gian. Trong Kinh Thanh Tịnh, Đức Phật đã đưa ra công thức về một vị A La Hán như sau: “Vị ấy là bậc A La Hán, lậu hoặc đã diệt trừ, những việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, đã giải thoát hoàn toàn những trói buộc của tái sanh, vị ấy giải thoát bởi sự thức tỉnh các pháp.” Mục đích tu tập của người Phật tử là đạt đến quả vị A La Hán. Nói cách khác, A La Hán là bậc giác ngộ hay bậc phạm hạnh đã đạt được đỉnh cao nhất trong tiến trình phát triển tâm linh.

Theo Phật giáo Nguyên Thủy, trong thời Đức Phật còn tại thế, nhiều đệ tử của Ngài đạt được giác ngộ dưới sự chứng kiến của Ngài. Họ đã hoàn toàn đoạn trừ những ngọn lửa tham, sân, si và đạt được Niết Bàn, không còn luân hồi sanh tử nữa. Những bậc “Cao Quý” hay A La Hán này thành hình một phần của đoàn thể Tăng Già (nơi về nương của các Phật tử), cùng với Phật và Pháp; và tượng trưng cho lý tưởng của Phật giáo Nguyên Thủy. Vì họ tiếp nhận giáo pháp từ Đức Phật, chứ không phải tự thân khám phá ra những pháp ấy, nên họ không phải là những vị Phật “Toàn Giác.” Các vị A La Hán nổi tiếng gồm có các ngài Xá Lợi Phất, được biết đến bởi trí tuệ và khả năng thuyết pháp; Mục Kiền Liên nổi tiếng nhờ thần thông và khả năng thiền định, và ngài A Nan, thị giả của Đức Phật, nổi tiếng do sự tận tụy và trí nhớ siêu phàm trong việc trùng tụng lại những lời Phật dạy trong lần kết tập kinh điển lần thứ nhất. Ngài A Nan cũng nổi tiếng trong vai trò thành lập giáo hội Tỳ Kheo Ni đầu tiên của Phật giáo. A La Hán là bậc đã trừ diệt hoàn toàn tam độc Tham, Sân, Si đưa đến tái sanh. Vị ấy đã giải thoát khỏi những trói buộc của vòng luân hồi, không còn phải tái sanh. Vị ấy được tự do và không còn điều gì khiến vị ấy phải tái sanh lại làm người. Vị ấy đã chứng đắc Niết Bàn, sự tận diệt hoàn toàn của dòng hữu diệt (tiến sanh và trở thành—Bhava-Nirodha). Vị ấy đã vượt qua những hoạt động bình thường của thế gian mặc dù vẫn sống trong cuộc đời thường của thế gian. Dù vẫn còn sống trong trần tục, vị ấy đã tự nâng mình lên một trạng thái siêu thế. Những hành động của vị ấy không bị tác động bởi Tam Độc Tham Sân Si. Vị ấy vô nhiễm với mọi điều ác và với các cấu uế của tâm. Trong vị ấy không còn các tùy miên phiền não hay những khuynh hướng ngủ ngầm (anusaya). Vị ấy vượt qua cả thiện lẫn ác, từ bỏ cả tốt lẫn xấu. Quá khứ, hiện tại và vị lai không còn làm cho vị ấy phải lo lắng. Vị ấy không chấp trước điều gì trong thế gian nầy, vì vậy không còn sầu lo. Những thăng trầm của cuộc sống không làm vị ấy xao xuyến lo sợ nữa. Theo Kinh Hạnh Phúc (Mangala Sutta): “Khi xúc chạm việc đời, tâm không động không sầu.” Trong khi những người theo Phật giáo Đại Thừa luôn cho rằng A La Hán là vị chưa hoàn toàn rũ hết sự trói buộc đối với ‘ngã’ và ‘ngã sở’ (cái ‘ta’ và cái ‘của ta’). Vị A La Hán sắp đặt Niết Bàn cho chính mình, và đã đạt được Niết Bàn cho chính mình, nhưng vẫn bỏ người khác bên ngoài. Bằng cách như vậy, người ta có thể nói vị A La Hán vẫn còn phân biệt giữa ta và người; và như vậy A La Hán vẫn còn giữ một vài khái niệm về mình với tư cách khác biệt với người khác, do vậy chứng tỏ rằng vị A La Hán vẫn chưa có khả năng chứng ngộ viên mãn chân lý về “Vô Ngã.” Phật giáo Đại Thừa so sánh một vị A La Hán một cách bất lợi như vậy đối với một vị Bồ Tát, và tuyên bố rằng tất cả phải noi theo đường của vị Bồ Tát chứ không phải là con đường của vị A La Hán.

Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: “Người đã giải thoát hết thảy, đã dứt hết thảy buộc ràng, là người đi đường đã đến đích (90). Kẻ dũng mãnh chánh niệm, tâm không ưa thích tại gia, ví như con ngỗng khi ra khỏi ao, chúng bỏ lại cái nhà ao hồ của chúng không chút nhớ tiếc (91). Những vị A-la-hán không chất chứa tài sản, biết rõ mục đích sự ăn uống, tự tại đi trong cảnh giới “không, vô tướng, giải thoát” như chim bay giữa hư không (92). Những vị A-la-hán, dứt sạch các hoặc lậu, không tham đắm uống ăn, tự tại đi trong cảnh giới “không, vô tướng, giải thoát” như chim bay giữa hư không (93). Những vị A-la-hán đã tịch tịnh được các căn, như tên kỵ mã đã điều luyện được ngựa lành, nên không còn phiền não ngã mạn và được các hàng nhơn thiên kính mộ (94). Những vị A-la-hán đã bỏ hết lòng sân hận, tâm như cõi đất bằng, lại chí thành kiên cố như nhân đà yết la, như ao báu không bùn, nên chẳng còn bị luân hồi xoay chuyển (95). Những vị A-la-hán ý nghiệp thường vắng lặng, ngữ nghiệp hành nghiệp thường vắng lặng, lại có chánh trí giải thoát, nên được an ổn luôn (96). Những vị A-la-hán chẳng còn phải tin ai, đã thấu hiểu đạo vô vi, dứt trừ vĩnh viễn nguyên nhân, cùng quả báo ràng buộc, lòng tham dục cũng xa lìa. Chính đó là bậc Vô thượng sĩ (97). Dù ở xóm làng, dù ở rừng núi, dù ở đất bằng, dù ở gò trủng, dù ở biển cả hay đất khô, dù ở bất cứ chốn nào mà có vị A-la-hán, thì ở đó đầy dẫy cảnh tượng yên vui (98). Lâm dã là cảnh rất vui đối với vị A-la-hán, nhưng người đời chẳng ưa thích, trái lại dục lạc là cảnh ưa thích đối với người đời, vị A-la-hán lại lánh xa (99). Theo Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Chương 1, Đức Phật dạy: “Thường giữ gìn 250 giới, sống đời thanh tịnh, thực hành Tứ Diệu Đế, thành tựu quả vị A-La-Hán. Vị chứng quả A-La-Hán có thể phi hành, biến hóa, kéo dài mạng sống, nơi nào người ấy sống đều làm động đến đất trời. Người chứng quả A-La-Hán là người đã đoạn tận ái dục, như chân tay bị chặt không thể xử dụng trở lại được.”

294. Ngũ Tịnh Cư Thiên

Theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Chín, Đức Phật đã nói với ngài A Nan về Ngũ Tịnh Cư Thiên như sau: “Ông A Nan, trong Tứ Thiền lại có năm Tịnh Cư Thiên hay Bất Hoàn Thiên, đã dứt hết chín phẩm tập khí cõi dưới. Hết sự khổ vui, nơi xả tâm chúng đồng phận an lập chỗ ở.” Thứ nhất là Vô Phiền Thiên, tức những vị mà khổ và vui đã diệt, tâm chẳng bận rộn, là những vị đang trụ trong cõi Vô Phiền Thiên. Thứ nhì là Vô Nhiệt Thiên, tức những vị tự tại phóng xả, chẳng có năng sở, tâm chẳng đối đãi, hạng nầy gọi là Vô Nhiệt Thiên. Thứ ba là Thiện Kiến Thiên, tức mười phương thế giới, diện kiến trong lặng, chẳng còn tất cả cấu nhiễm của cảnh trần, hạng nầy gọi là Thiện Kiến Thiên. Thứ tư là Thiện Hiện Thiên, tức diệu kiến hiện tiền, biến tạo vô ngại, hạng nầy gọi là Thiện Hiện Thiên. Thứ năm là Sắc Cứu Cánh Thiên, tức sắc trần từ tướng đến chỗ cứu cánh chẳng động, cùng tột tánh sắc chẳng có bờ bến, hạng nầy gọi là Sắc Cứu Cánh Thiên.

295. Lục Dục Thiên

Lục Dục Thiên là sáu cõi trời Dục Giới (vẫn còn trong cảnh sắc dục). Còn gọi là Dục Giới Thiên, bao gồm Dục Giới Thiên, Sắc Giới Thiên và Vô Sắc Giới Thiên hợp lại, gọi là Tam Giới. Theo Phật giáo, chúng ta hiện tại đang ở trong phạm vi của Tứ Thiên Vương Thiên, là một trong sáu cõi trời Dục Giới. Bầu trời mà chúng ta đang nhìn thấy đây chính là trời Tứ Thiên Vương, do bốn vị Thiên Vương cai quản. Trời nầy nằm ở lưng chừng núi Tu Di. Đây là những cõi trời mà chúng sanh trong đó vẫn còn chấp trước vào luyến ái thân mật từ thấp đến cao. Các vị trời nầy nhờ phước báu tu tập ngũ giới và thập thiện nên được sanh thiên. Tuy nhiên, đây chỉ là những thiện căn hữu lậu, nghĩa là vẫn còn phiền não, mà hễ “gieo hữu lậu nhân thì luân hồi nan đoạn” (trồng nhân hữu lậu thì khó dứt luân hồi sanh tử). Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật đã nhắc ngài A Nan về sáu cõi trời, hình dù khỏi động, nhưng tâm tích hãy còn giao kết, gọi là Trời Dục Giới. Thứ nhất là Tứ Thiên vương Thiên. Có bốn vị thiên vương là Trị Quốc, Quảng Mục, Tăng Trưởng và Đa Văn. Cõi trời nầy ở giữa đường lên núi Tu Di. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Tám, Đức Phật đã nói với ngài A Nan về Tứ Thiên Vương như sau: “A Nan! Những người ở thế gian, không cầu thường trụ, chưa bỏ được ân ái thê thiếp, tâm không chạy theo tà dâm, lòng yên lặng, sáng sủa, sau khi chết, sanh gần mặt trời mặt trăng. Gọi là Trời Tứ Thiên Vương.” Thứ nhì là Đao Lợi Thiên, còn gọi là Tam Thập Tam Thiên hay cõi Trời thứ Ba Mươi Ba, cảnh trời thắng diệu tuyệt vời không sao kể xiết. Cõi trời nầy ở ngay đỉnh núi Tu Di. Tầng trời nầy ở giữa, phía Đông có tám trời, phía tây có tám trời, phía bắc có tám trời, và phía nam có tám trời. Tổng cộng là ba mươi hai tầng trời bao quanh nó. Người ta nói rằng đây là một trong sáu cõi trời dục giới. Người ta nói đây là cõi trời dục giới thứ hai, trên cõi Diêm Phù Đề. Theo thần thoại Ấn Độ Giáo, thì cõi trời nầy nằm bên trên núi Tu Di, có 32 Thiên thành, mỗi bên có tám thành; thành trung tâm gọi là Hỷ Kiến Thành nơi trú ngụ của vua trời Đế Thích ngàn đầu ngàn mắt bốn tay, cung điện của ông gọi là Bì Xa, nơi cư ngụ của bà vợ Saci và 119.000 tỳ thiếp. Hằng tháng Tứ Thiên vương phải báo cáo với ông những thiện ác cõi thế gian.” Thọ mạng của chư thiên trên cõi trời này là 30 triệu năm. Người ta nói Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã viếng mẹ của Ngài ba tháng nơi cung trời này trong năm thứ bảy sau khi Ngài thành đạo để thuyết giảng Vi Diệu Pháp cho mẹ. Đây là cõi trời thứ hai trong sáu cõi trời dục giới, còn gọi là Ba Mươi Ba Tầng Trời. Một trong những cổ thần Ấn Độ, thần trời là vị thần đã chiến đấu với ma quân bằng kim cang chùy. Trời Đao Lợi dưới trời Trimurti, trời Phạm thiên, trời Visnu và Siva. Phật giáo nhận trời Đao Lợi như vị thần hộ pháp, tuy nhiên, vị trời nầy vẫn kém hơn Phật hay bất cứ ai đã đạt được giác ngộ. Theo Tỳ Kheo Bồ Đề trong Vi Diệu Pháp, vì truyền thuyết có ba mươi ba vị do Sakka lãnh đạo, tự hiến đời mình cho lợi ích của người khác, nên cả ba mươi ba vị đều được sanh vào cõi nầy và ngự trị trong cung Vejayanta tại kinh đô Sudassana. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật nói: “Những người ít dâm dục, mà lúc tịnh cư, chưa được hoàn toàn trong sạch. Sau khi chết, vượt khỏi mặt trời, mặt trăng, ở đỉnh nhân gian. Gọi là Đao Lợi Thiên.” Bốn cõi trời còn lại tọa lạc giữa núi Tu Di và những trời Phạm Giới. Thứ ba là trời Tô Dạ Ma Thiên (Dạ Ma Thiên hay Tu Diệm Ma Thiên). Trong đó có cõi Trời Khoái Lạc. Trong tầng trời nầy chư Thiên vô cùng sung sướng. Cả ngày họ cứ ca hát. Ngày đêm sáu thời họ đều vui sướng, do đó Dạ Ma Thiên còn được gọi là Thời Phần, vì trong mỗi thời họ đều vô cùng sung sướng. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật nói: “Những người thỉnh thoảng có gặp cảnh dục, tạm thời có giao, qua rồi tâm không nhớ nghĩ đến nữa. Ở trong đời, động ít tĩnh nhiều. Sau khi chết, được rỡ ràng an trụ trong hư không. Ánh sáng mặt trời mặt trăng chiếu lên chẳng tới, tự chói sáng. Gọi là trời Tu Diệm Ma.” Thứ tư là Đâu Suất Thiên. Đây còn gọi là Trời Hỷ Túc hay vui mừng thỏa mãn. Đâu Suất có nghĩa là Hỷ Túc vì chúng sanh trong cõi trời nầy lúc nào cũng hoan hỷ, lúc nào cũng đầy đủ mãn túc. Bởi vì họ biết tri túc nên lúc nào họ cũng khoái lạc. Từ sáng đến tối không bao giờ họ có cảm giác ưu sầu, phiền não hay bực dọc gì cả. Vì thế nên Trời nầy còn được gọi là “Tai Tức Thiên.” Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy: “Những người thường thường yên tĩnh. Có cảnh dục đến chưa thể dứt hẳn. Sau khi chết, sanh lên trên nữa, không tiếp hạ giới cảnh nhân thiên. Đến kiếp hoại, ba tai họa là nước, lửa, gió không tới được. Gọi là Trời Đâu Suất.” Thứ năm là Lạc Biến Hóa Thiên. Đây là cõi trời hay thích biến hóa, còn gọi là Hóa Lạc Thiên. Tầng trời thứ năm là Hóa Lạc Thiên. Các vị trời nầy đạt được khoái lạc nhờ có năng lực biến hóa . Một khi họ nghĩ tới áo quần thì áo quần hiện ra; khi nghĩ tới ăn uống thì thực phẩm liền có. Vì họ biến hóa rất tự tại nên họ vô cùng sung sướng và khoái lạc. Lạc Biến Hóa Thiên, tầng trời thứ năm trong lục dục thiên, khoảng 640.000 do tuần bên trên núi Tu Di, ở trên Đâu Suất Thiên, nhưng dưới Tha Hóa Tự Tại Thiên. Cõi trời nầy lấy 800 năm trên cõi người làm một ngày một đêm. Thọ mệnh của chư thiên ở đây là 8000 năm tuổi. Chư thiên trên cõi trời nầy có thân cao tám do tuần, thân thường tỏa hào quang, hướng vào nhau mà cười khi giao hoan, con được hóa sinh từ nơi đầu gối của nam nữ, mới sinh ra là bằng trẻ 12 tuổi nơi cõi người. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy: “Những người không có dâm dục tâm, đối với sự dục thấy vô vị không thiết. Lúc chết, sanh lên cảnh siêu việt biến hóa. Gọi là Trời Lạc Biến Hóa.” Thứ sáu là Tha Hóa Tự Tại Thiên. Cõi trời có thể khiến tự tại biến hóa từ sự hỷ lạc của người khác. Tầng trời thứ sáu là Tha Hóa Tự Tại Thiên. Tha Hóa có nghĩa là chúng sanh trong cõi trời nầy vốn không có sự sung sướng khoái lạc, tuy nhiên, các ngài có năng lực biến hóa sự khoái lạc của các vị trời khác đem làm khoái lạc của chính mình. Vì sao họ lại biến hóa sự khoái lạc của người khác thành của mình? Bởi vì họ không tuân thủ theo bất cứ nguyên tắc nào, giống như những kẻ trộm cướp trên thế gian nầy vậy. Họ cướp đoạt tiền của và tài sản của người khác để dùng riêng cho mình, bất kể sự sống chết của kẻ khác. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy: “Những người không có tâm thế gian, mà làm việc ở thế gian. Siêu việt không làm sự giao. Lúc chết siêu xuất cảnh biến hóa và không biến hóa. Gọi là Tha Hóa Tự Tại Thiên.”

296. Thập Nhị Dược Xoa Đại Tướng

Theo Kinh Dược Sư, có mười hai vị Dược Xoa đại tướng, họ không nhứt thiết là chư thiên, nhưng họ cao hơn nhơn chúng. Mười hai vị đại tướng nầy mỗi vị đều có bảy ngàn Dược Xoa làm quyến thuộc đồng cất tiếng bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay chúng tôi nhờ oai lực của Phật mà được nghe danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, không còn tâm sợ sệt trong các đường ác thú nữa. Chúng tôi cùng nhau, đồng một lòng trọn đời quy-y Phật, Pháp, Tăng, thề sẽ gánh vác cho chúng hữu tình, làm việc nghĩa lợi đưa đến sự nhiêu ích an vui. Tùy nơi nào hoặc làng xóm, thành, nước, hoặc trong rừng cây vắng vẻ, nếu có kinh nầy lưu bố đến hay có người thọ trì danh hiệu Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai và cung kính cúng dường Ngài, thì chúng tôi cùng quyến thuộc đồng hộ vệ người ấy thoát khỏi tất cả ách nạn và khiến họ mong cầu việc chi cũng đều được thỏa mãn. Nếu có ai bị bịnh hoạn khổ ách, muốn cầu cho khỏi thì cũng nên đọc tụng kinh nầy và lấy chỉ ngũ sắc gút danh tự chúng tôi, khi đã được như lòng mong cầu thì mời mở gút ra. Thập Nhị Dược Xoa Đại Tướng bao gồm Cung tì la Đại tướng, Phạt chiếc la đại tướng, Mê-Súy-La đại tướng, An-Để-La đại tướng, Át Nể La đại tướng, San-Để-La đại tướng, Nhơn Đạt La đại tướng, Ba Di La đại tướng, Ma Hổ La đại tướng, Chơn Đạt La đại tướng, Chiêu Đỗ La đại tướng, và Tỳ Yết La đại tướng.

297. Thiên Long Bát Bộ

Thiên long và các chúng khác trong bát bộ, đã có trong truyền thuyết cổ Ấn Độ; tuy nhiên, thường được dùng trong Kinh điển Phật giáo. Bát bộ chúng hay tám loại chúng gồm chư thiên, hay phi nhân được xem như là những thiên long hộ pháp, hay những vị cùng đến tham dự những buổi pháp hội của Phật. Thiên long không nhìn thấy được bằng mắt thường được; tuy nhiên, thân thể tinh tế của thiên long có thể được nhìn thấy với những người có định lực cao. Thứ nhất là Thiên chúng, tức là chư Thiên trong các cõi trời (sáu cõi trời Dục Giới, bốn trời Tứ Thiền Sắc Giới, Tứ Không Xứ). Thứ nhì là Long chúng (Rồng). Rồng được xem như hữu ích, vì mang lại mưa. Như loài rồng tiêu biểu cho loài bò sát mạnh nhất; nó có thể biến hiện, tăng giảm, dài ngắn tùy ý. Nó có thể bay trên trời, lội dưới nước hay đi vào trong đất. Vào mùa xuân nó bay lượn trên trời, mùa đông lại chui vào đất. Loài rồng mặt nguời. Đối với Phật giáo, thì đây là tiêu biểu cho những phàm nhân. Loài rồng hay á thần đầy nhân từ, dấu hiệu của khởi điểm trí tuệ, đặc biệt là ở Ấn Độ. Rồng cũng được xem như là Thiên Long Hộ Pháp. Rồng thường ẩn dưới vực sâu để kiểm soát sông hồ. Long và Đại Long cũng là danh hiệu của những bậc đã thoát vòng sanh tử, vì lực thoát vòng tham dục và trói buộc trần thế của các ngài bay vút như rồng bay lên trời. Bên cạnh đó, Long và Đại Long là danh hiệu của Phật. “Naga” là từ Phạn ngữ chỉ “những chúng sanh giống như loài rắn.” Đây là một loại chúng sanh có thân hình của loài rắn và đầu của loài người, người ta nói chúng thường trú ngụ dưới nước hay trong thành Bhoga-vati. Người ta nói loài này có sức mạnh kỳ diệu và bản chất khác thường. Theo thần thoại Trung Luận, loài này đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền thừa giáo lý “Bát Nhã Ba La Mật.” Vì sợ rằng giáo thuyết này có thể bị hiểu lầm nên Đức Phật đã giao giáo điển này cho loài “thiên long” bảo hộ cho đến khi nào một vị nào có khả năng thuyết giảng ra đời. Đó là ngài Long Thọ Bồ Tát, người ta nói ngài đã dùng phép thần thông bay tới long cung để nhận những giáo điển được cất giấu ấy. Câu chuyện rõ ràng cố ý giải thích khoảng trống thời gian giữa lúc Đức Phật nhập diệt và sự xuất hiện của những giáo điển này mà thôi. Người con gái của Long Vương Sa Kiệt La dưới đáy biển; Long Nữ được Đức Phật nói đến trong Kinh Pháp Hoa, dù là nữ và mới có 8 tuổi, nàng đã thành Phật. Thật là khó tin khi một người nữ như con gái của Long Vương trong một khoảnh khắc mà có thể đạt được toàn giác, nhưng Đức Phật đã xác chứng được điều này, và chính Long Nữ đã khai thị giáo lý Đại Thừa giải thoát cho chúng sanh. Bấy giờ chư Bồ Tát, Thanh Văn, chư Thiên, Rồng, người và phi nhân trong thế giới Ta Bà đều trông thấy Long Nữ trở thành một vị Phật và phổ giảng kinh Pháp Hoa cho chư Thiên. Lúc đó chúng hội chứng kiến một nữ nhân giảng pháp và thành Phật thì đều tỉnh ngộ và đạt đến trạng thái bất thối chuyển, và tất cả đều được thọ ký sẽ thành Phật. Thứ ba là Dạ Xoa chúng. Đây là loài quỷ bay cực nhanh, giữ các cửa trời, có liên hệ tới trời Đâu Suất, nhưng thường thấy nơi cõi người. Đây cũng là một loại chúng sanh sống dưới đất, trong không gian, trên lưng chừng trời, hay trong rừng. Chúng được phú cho những lực siêu nhiên, có khi có lợi, nhưng nhiều khi ác độc và bạo động. Trong Phật giáo, Dạ Xoa là những chúng sanh có khả năng siêu nhân, thường là bất bạo động, tốt và hay được nhắc tới trong kinh điển Phật giáo. Người ta nói loài dạ xoa thường hay có mặt trong các buổi thuyết giảng Phật pháp. Đây là một loài quỷ nhanh nhẹn và có khả năng làm hại con người, nhưng trong vài trường hợp Dạ Xoa là những chúng sanh hộ pháp hay là người giữ cửa Trời. Một số người định nghĩa Dạ Xoa như là những vị thần có sức mạnh vô song, hay là loài phi nhơn có vị trí giữa con người và Càn Thác Bà. Trong vài trường hợp, Dạ xoa, chủ yếu là loài quỷ cái, là những con quỷ dữ hay lởn vởn ở các nơi hẻo lánh, thù địch với những ai sùng đạo, chúng là loài ăn thịt người. Chúng thường phá rối chùa chiềng hay thiền định của chư Tăng ni bằng những tiếng la hét ồn ào. Lại có những loài Dạ xoa là những loài quỷ dũng mãnh, bay đi rất nhanh lẹ, và có phận sự canh giữ các cửa Trời. Thứ tư là Càn Thát Bà chúng. Đây là loại thần âm nhạc nơi cõi trời Đế Thích. Càn thát bà còn gọi là Càn Đạp Bà, Càn Đạp Hòa, Kiện Đà La, Kiện Đạt Bà, Kiện Đạt Phược, và Ngạn Đạt Phược, dịch là Hương Âm, Hương Thần, Tầm Hương Hành hay Xú Hương, một vị thần biết những bí mật trên trời và chân lý thần thánh và để lộ những điều đó cho con người. Càn thát bà là những á thần hay những nhạc công vũ công trong các bữa tiệc trời. Càn thát bà thường săn đuổi đàn bà và có khát vọng làm tình với họ. Càn thát bà cũng được coi như là những sinh vật xấu ác đáng sợ. Gọi là Hương Âm vì Càn Thát Bà không ăn thịt uống rượu, chỉ tìm mùi thơm để hấp thụ, và cũng tỏa ra mùi thơm. Là vị Thần lo về âm nhạc cho vua trời Đế Thích, cũng giống như Khẩn Na La lo về pháp nhạc. Càn thát bà sống trong vùng thiên không và thiên thủy, và đặc biệt quan hệ với cõi trời Tứ Thiên Vương. Thứ năm là A Tu La chúng, những thần chiến đấu thường ở núi và đáy biển quanh những triền bọc quanh núi Tu Di, bên dưới cõi trời Tứ Thiên Vương. Thứ sáu là Ca Lâu La chúng. “Garudas” là thuật ngữ Bắc Phạn chỉ “Ca lâu ca,” hay “Thần điểu,” loại ăn thịt rồng. Hình loại chim trong thần thoại có đầu người, hai cánh xòe ra cách nhau đến 3.360.000 dậm, kẻ thù của các loại rồng (chim ăn thịt rồng), xe cỡi của Thần Tỳ Thấp Nô. Đây là vua của loài chim Kim Xí (Loài chim thù thắng nhất trong các loài chim Kim Xí), bạn đồng hành của thần Visnu. Kim Xí Điểu Vương còn được dùng để ví với các bậc đại nhân, trong khi tiểu nhân được ví với loài quạ. Trong Phật giáo, Kim Xí Điểu Vương còn để chỉ Đức Phật. Thứ bảy là Khẩn Na La chúng. Loại chúng sanh nửa giống người nửa giống thần, có tài trổi nhạc. Một chúng sanh giống như con người, có dáng vẻ như người nhưng lại có các bộ phận trong cơ thể của loài thú, một nhạc sĩ huyền thoại của cõi trời, có đầu ngựa với một sừng, và thân hình giống như hình người. Con nam thì ca còn con nữ thì múa. Còn gọi là “Ca Thần” có sừng, với những ống sáo thủy tinh trong suốt. Ca Thần Nữ thường vừa ca vừa múa. Những Ca Thần nầy được xếp dưới hạng Càn Thát Bà. Khẩn na la là loại chúng sanh (chúng sanh cõi trời) nửa ngựa nửa người, hoặc mình người đầu ngựa, hoặc mình ngựa đầu người. Còn gọi là “Ca Thần” có sừng, với những ống sáo thủy tinh trong suốt. Ca Thần Nữ thường vừa ca vừa múa. Những Ca Thần nầy được xếp dưới hạng Càn Thát Bà. Thứ tám là Ma Hầu La Già chúng. Ma-Hầu-La Già, một trong tám chúng sanh siêu nhân trong Kinh Liên Hoa. Thần mãng xà (rắn lớn) có thân dài trên 100 dậm. Đây là một loại quỷ có hình rắn trong Phật giáo. Ma Hầu La Già được phác họa là những chúng sanh bụng lớn, có hình dáng như loài rắn lớn, người ta nói đó là những thần đất. Ma Hầu La Già được nói đến như là thính chúng trong các kinh điển Đại Thừa.

298. Tứ Thiền Thiên

Cõi Thiền Thiên thứ nhất là Sơ Thiền Thiên. Đây là cõi trời thứ nhất nơi không còn vị giác hay khứu giác, không cần thực phẩm, nhưng vẫn còn bốn giác quan còn lại (Nhãn, Nhĩ, Thân, Ý). Chúng sanh trong cõi sơ thiền không còn sắc dục; tuy nhiên, họ vẫn còn những ham muốn khác. Đây là cõi hỷ lạc xa lìa cảnh gây tội tạo nghiệp. Sơ thiền thiên gồm một thế giới, một vệ tinh, một núi Tu Di, và sáu cõi trời dục giới. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Chín, Đức Phật đã nói với ngài A Nan về bậc Sơ Thiền như sau: “Ông A Nan! Ba bực thắng lưu trong sơ thiền, tất cả khổ não không thể bức bách. Dù chẳng phải chính tu tam ma địa, trong tâm thanh tịnh, các mê lậu chẳng động.” Những cõi trời thuộc cõi Sơ Thiền Thiên bao gồm thứ nhất là Phạm Chúng thiên. Phạm Chúng Thiên (chúng Phạm Thiên trong cõi sắc giới). Các vị chư Thiên ở cõi trời sơ thiền thuộc sắc giới (Phạm Thiên giới được chia làm ba cấp, các vị chư thiên ở hạ cấp thì được gọi là Phạm Chúng Thiên). Theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Chín, người tu hành không mượn thiền na, không có trí tuệ. Chỉ giữ thân không dâm dục. Khi đi, khi ngồi, không có tưởng nhớ. Ái nhiễm chẳng sinh, không còn lưu luyến cõi dục. Họ làm bạn với Phạm Thiên. Gọi là Phạm Chúng Thiên. Thứ nhì là Phạm Phụ thiên. Tên cõi trời sơ thiền thứ hai thuộc sắc giới. Những vị cận thần hay phụ tá của Phạm Thiên. Theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Chín, đây là những người thói quen dục đã trừ, tâm ly dục hiện, an vui tùy thuận các luật nghi. Năng làm Phạm đức. Gọi là Phạm Phụ Thiên. Thứ ba là Đại Phạm thiên. Theo Eitel trong Trung Anh Phật Học Từ Điển, Đại Phạm Thiên được Phật giáo thừa nhận, nhưng ở vị thế thấp, chứ không như vị chúa sáng thế, mà chỉ như vị Trời giao tiếp mà các vị Thánh Phật giáo vượt qua để đạt được giác ngộ Bồ Đề. Vị nầy được xem như là cha của tất cả chúng sanh. Theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Chín, những người thân tâm được diệu viên, uy nghi chẳng thiếu, cấm giới thanh tịnh, lại sáng suốt tỏ ngộ. Thống lĩnh cả Phạm chúng, làm Đại Phạm Vương. Gọi là Đại Phạm Thiên. Theo kinh điển Ba Li, trong cõi sơ thiền hành giả đạt được tầm, tư, hỷ, lạc, nhất điểm tâm, xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, và tác ý. Hành giả trong cõi này cũng có khả năng ly dục và ly bất thiện pháp.

Cõi Thiền Thiên thứ nhì là Nhị Thiền Thiên. Nhị Thiền Thiên là cõi trời thứ nhì tương đương với tiểu thiên thế giới. Chư thiên trên cõi trời nầy hoàn toàn ngưng bặt năm giác quan đầu, chỉ còn lại “ý.” Đây là cõi hỷ lạc Tam ma địa. Nhị thiền thiên gấp một ngàn lần thế giới của sơ thiền thiên. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Chín, Đức Phật đã nói với ngài A Nan về Nhị Thiền Thiên như sau: “Ông A Nan! Ba bực thắng lưu trong cõi Nhị Thiền, tất cả lo âu không thể bức bách họ. Dù chẳng phải chính tu tam ma địa, trong tâm thanh tịnh đã dẹp tất cả hoặc lậu thô thiển.” Những cõi trời thuộc cõi Nhị Thiền Thiên bao gồm Diệu Quang thiên hay Thiểu Quang Thiên. Trời Tứ Phạm hay đệ nhứt thiên trong nhị thiền thiên. Đây là cõi trời có ít ánh sáng nhất trong cõi Nhị Thiền. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Chín, từ Phạm Thiên tăng tiến lên, phạm hạnh viên mãn, tâm không động, phát sáng. Gọi là trời Thiểu Quang. Trời Vô Lượng Quang thiên nằm trong cõi trời Phạm Phụ thứ năm. Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có ánh sáng vô cùng và vô hạn định. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Chín, những người mà ánh hào quang sáng chói rực rỡ vô cùng, chiếu cả mười phương cõi, thành như ngọc lưu ly. Gọi là trời Vô Lượng Quang. Cực Quang Tịnh thiên hay Quang Âm Thiên. Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có ánh sáng rực rỡ sáng lòa hơn hai cõi trời trên, chiếu khắp mọi nơi. Ở đấy không nghe thấy âm thanh nào; khi các cư dân muốn nói chuyện, một tia sáng thanh tịnh thoát ra khỏi miệng được dùng như ngôn ngữ. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Chín, những người hấp thụ và giữ gìn cái ánh sáng hoàn toàn, thành tựu được giáo thể, phát ra sự hóa đạo thanh tịnh, ứng dụng vô cùng. Gọi là trời Quang Âm. Theo kinh điển Ba Li, trong cõi nhị thiền hành giả đạt được nội tĩnh, hỷ, lạc, nhất điểm tâm, xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, và tác ý. Hành giả trong cõi này cũng có khả năng diệt tầm và tứ.

Cõi Thiền Thiên thứ ba là Tam Thiền Thiên. Cõi trời thứ ba tương đương với trung thiên thế giới. Chư thiên trên cõi nầy vẫn còn giác quan “ý” nhưng chỉ thọ nhận lạc thụ và xả thụ mà thôi. Đây là cõi kỳ lạc và ngưng bặt mọi tư tưởng. Tam thiền thiên gấp một ngàn lần các thế giới ở nhị thiền thiên. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Chín, Đức Phật đã nói với ngài A Nan về Tam Thiền Thiên như sau: “Ông A Nan! Ba bực thắng lưu trong Tam Thiền Thiên đó, đầy đủ đại tùy thuận, thân tâm yên lành, được vô lượng vui vẻ. Dù chẳng phải chính được tam ma địa, trong tâm an lành, hoan hỷ gồm đủ.” Những cõi trời thuộc cõi Tam Thiền Thiên bao gồm Thiểu Tịnh thiên, đệ nhất thiên thuộc đệ tam thiền ở cõi sắc giới. Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có hào quang nhỏ. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Chín, những chúng sanh có cái sáng hoàn toàn thành âm, phát lộ mầu nhiêm, phát thành tịnh hạnh, thông với cái vui tịch diệt. Gọi là Thiểu Tịnh Thiên. Vô Lượng Tịnh thiên, cõi trời thứ hai trong ba cõi trời thiền định sắc giới. Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có hào quang vô cùng, vô hạn định. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Chín, những người mà cảnh tịnh không hiện tiền, dẫn phát vô cùng, thân tâm nhẹ nhàng, yên lành, thành cái vui tịch diệt. Gọi là Vô Lượng Tịnh Thiên. Biến Tịnh thiên, tên của tầng trời thứ ba trong Tam thiền Thiên thuộc sắc giới (trên cõi trời nầy chỗ nào cũng tỏa khắp một thứ ánh sáng thanh tịnh). Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có hào quang vững chắc không lay động. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Chín, những người mà thế giới và thân tâm, tất cả đều viên tịnh. Thành tựu thịnh đức, thắng cảnh hiện tiền, về nơi tịch diệt lạc. Gọi là Biến Tịnh Thiên. Tứ Thiền Vô Sắc. Theo kinh điển Pali, trong cõi tam thiền hành giả đạt được xả, lạc, niệm, tỉnh giác, nhất điểm tâm, xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, và tác ý. Hành giả trong cõi này cũng có khả năng diệt tầm và tứ.

Cõi trời thứ tư là Tứ Thiền Thiên. Cõi trời thứ tư, tương đương với đại thiên thế giới. Chư thiên trên cõi nầy vẫn còn “ý.” Đây là cõi thanh tịnh và xả bỏ mọi tư tưởng (chỉ có xả thụ mà thôi). Tứ thiền thiên gấp một ngàn lần các thế giới ở tam thiền thiên. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Chín, Đức Phật đã nói với ngài A Nan về Tứ Thiền Thiên như sau: “Ông A Nan! Bốn thắng lưu trong Tứ Thiền Thiên, tất cả trong đời các cảnh khổ và vui không thể lay động. Dù chẳng phải thật là chỗ vô vi bất động, có tâm sở đắc. Công dụng thuần thục. Những cõi trời thuộc cõi Tứ Thiền Thiên bao gồm Phúc Sanh Thiên. Trong Kinh Lăng Nghiêm, quyển Chín, người tu thiền, khổ nhân đã hết, không bức thân tâm. Cái vui chẳng phải thường trụ, lâu ngày phải hoại. Kíp bỏ hai thứ khổ vui. Tướng thô trọng đều diệt. Sinh tính tịnh phúc. Gọi là Phúc Sanh Thiên. Vô Vân thiên hay Phúc Ái Thiên. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Chín, những người vì sự xả trước đã viên dung, thắng giải thanh tịnh, được phúc rất tùy thuận, cùng đời vị lai. Gọi là Phúc Ái Thiên. Quảng Quả thiên, cảnh trời của những vị Phạm Thiên hưởng quả rộng lớn. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Chín, từ cõi trời Phúc Ái Thiên tiến lên có hai đường; đường thứ nhất là Quảng Quả Thiên và đường thứ nhì là Vô Tưởng Thiên. Đối với tâm diệu tùy thuận trước, được tịnh quang vô lượng, phúc đức viên minh, tu chứng mà an trụ. Gọi là Quảng Quả Thiên. Vô Phiền thiên, cõi trời Phạm Phụ thứ 13 thuộc Tứ Thiền Thiên. Vô Nhiệt thiên, tầng trời thứ hai của Ngũ Tịnh Cư Thiên trong Tứ Thiền Thiên, cõi trời vô phiền vô não. Thiện Kiến thiên. Thiện Hiện thiên, cõi Trời thứ ba trong Ngũ Tịnh Cư Thiên. Sắc Cứu Cánh thiên, tầng trời sắc giới cao nhất. Akanishtha nghĩa đen là “không phải cái ít nhất” hay “không phải cái nhỏ nhất,” và cõi trời nầy là cõi chỗ tột cùng cao nhất của sắc giới mà tiếng Phạn gọi là Rupadhatu hay Rupaloka, tức là thế giới của hình sắc. Theo Tiến Sĩ Unrai Wogihara trong Mahavyutpatti, trang 306, “aka” hẳn phải là “agha,” và agha thường có nghĩa là “tệ hại” hay “khổ đau,”nhưng Phật tử hiểu nó theo nghĩa “sắc,” có lẽ vì sự đau khổ là một sự đi kèm không thể tránh được của sắc. Do đó mà Hoa ngữ dịch Akanishtha là giới hạn hay chỗ tột cùng của sắc. Vô Tưởng Thiên. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Chín, từ cõi trời Phúc Ái Thiên tiến lên có hai đường, tâm nhàm chán khổ vui, cứu xét không hề gián đoạn, tròn đủ đạo xả, thân tâm đều dứt, tâm lự như tro lạnh. Trải qua 500 kiếp. Đã lấy sinh diệt làm nhân, không biết phát minh tính không sinh diệt. Trong nửa kiếp trước, ý lo nghĩ diệt trong nửa kiếp sinh. Gọi là Vô Tưởng Thiên. Trong một hoại kiếp, sơ thiền thiên sẽ bị hủy diệt 56 lần bởi lửa, nhị thiền thiên bảy lần bởi nước, tam thiền thiên một lần bởi gió, tứ thiền thiên không bị ảnh hưởng; tuy nhiên, khi thiên mệnh đến (ngày tận thế) thì tứ thiền thiên cũng sẽ bị hủy diệt, nhưng hãy còn lâu lắm. Theo kinh điển Pali, trong cõi tứ thiền hành giả đạt được xả bất khổ bất lạc thọ, tâm vô quán niệm, thanh tịnh niệm, nhất tâm, xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, và tác ý. Hành giả trong cõi này cũng có khả năng xả lạc, xả khổ, và diệt những hỷ, ưu đã cảm thọ từ trước.

299. Tứ Thiền Vô Sắc

Theo Kinh Phúng Tụng trong Trường Bộ Kinh, có bốn Thiền Vô Sắc. Thiền Vô Sắc thứ nhất là Không Vô Biên Xứ. Không xứ đầu tiên trong Tứ Không Xứ. Trong cõi này, hành giả đạt đến cảnh giới như hư không, không vô biên tưởng, nhất tâm, và tác ý. Ở đây hành giả vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng, vị ấy nghĩ rằng “Hư Không là vô biên,” nên chứng và trú Không Vô Biên Xứ, vượt qua khỏi tưởng sắc, và diệt trừ chướng ngại tưởng. Khi cái tâm được tách khỏi cảnh giới hình và chất, được đặc biệt đưa thẳng đến không gian vô biên thì nó được gọi là đang trú trong không vô biên xứ. Để đạt đến cõi nầy, hành giả đã đạt tới tầng thiền thứ năm trong sắc giới có thể trau dồi thiền vô sắc, bắt đầu gom tâm vào điểm sáng phát ra từ đề mục hay đối tượng (kasina), cho đến khi nào điểm sáng ấy lớn dần đến bao trùm toàn thể không gian. Đến đây hành giả không còn thấy gì khác ngoài ánh sáng nầy, cùng khắp mọi nơi. Từ ngữ Không Vô Biên Xứ hay không gian đầy ánh sáng nầy không có thực, không phải là một thực tại, mà chỉ là một khái niệm (không gian phát huy từ đối tượng). Đây là cõi trời vô biên nơi mà tâm trở nên vắng lặng và vô tận như hư không. Thọ mệnh trong cõi trời nầy có thể dài đến 20.000 đại kiếp. Thiền Vô Sắc thứ nhì là Thức Vô Biên Xứ. Trong cõi này, hành giả đạt đến cảnh giới như Thức vô biên xứ tưởng, nhất tâm, và tác ý. Ở đây vị Tỳ Kheo vượt lên mọi không vô biên xứ, nghĩ rằng “Thức là vô biên,” nên chứng và trú Thức Vô Biên Xứ, vượt qua cảnh giới Không vô biên xứ. Sau khi đạt được trạng thái “Không Vô Biên Xứ,” hành giả tiếp tục gom tâm vào sơ thiền vô sắc cho đến lúc phát triển nhị thiền vô sắc, hay khi cái tâm vượt khỏi cái không gian vô biên mà tập trung vào sự vô biên của thức. Đây là cõi trời vô tận trí nơi mà khả năng hiểu biết và thẩm thấu là vô tận. Thọ mệnh trong cõi trời nầy có thể kéo dài đến 40.000 đại kiếp. Thiền Vô Sắc thứ ba là Vô Sở Hữu Xứ. Trong cõi này, hành giả đạt đến cảnh giới như Vô sở hữu xứ tưởng, nhất tâm, và tác ý. Ở đây hành giả cũng vượt lên mọi thức vô biên xứ, nghĩ rằng “Không có vật gì,” nên chứng và trú Vô Sở Hữu Xứ, nghĩa là vượt qua khỏi cảnh giới Thức vô biên xứ. Đề mục của tầng thiền vô sắc thứ ba là “không có gì hết,” nơi đây hành giả phải chú ý vào sự vắng mặt của “thức” trong nhị thiền vô sắc. Khi mà tâm của hành giả vượt khỏi cả cái cảnh giới của thức mà thấy không có chỗ nào riêng để trú, thì nó đạt được cái định gọi là “Không biết chỗ nào để hiện hữu.” Đây là cõi trời vô hữu nơi không còn sự phân biệt. Thọ mệnh trong cõi trời nầy có thể kéo dài đến 60.000 đại kiếp. Thiền Vô Sắc thứ tư là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Gọi là “Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ” vì ở trạng thái nầy, “tưởng” không thể được bao gồm mà cũng không thể bị loại trừ. mà cũng không có “không tưởng.” Bản chất của cái định nầy là không ở trong cảnh giới hoạt động của tâm thức mà cũng không ở ngoài cảnh giới ấy. Đây là cõi trời vô tưởng, nơi chỉ còn trí trực giác chứ không còn suy tưởng nữa. Thọ mệnh trong cõi trời nầy có thể kéo dài đến 80.000 đại kiếp. Trong cõi này, hành giả đạt đến cảnh giới như Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Hành giả xuất định, thấy các pháp quá khứ đều bị biến hoại. Ở đây hành giả cũng vượt lên trên mọi vô sở hữu xứ, chứng và trú trong Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, nghĩa là vượt hẳn qua khỏi cảnh giới của Vô sở hữu xứ.

Theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Chín, Đức Phật đã nói với ngài A Nan về Tứ Thiền Vô Sắc như sau: “Lại nữa A Nan! Từ trên đỉnh của sắc giới, lại tẽ ra hai đường. Nếu nơi tâm xả phát minh trí tuệ, sáng suốt viên thông, bèn ra cõi trần, thành A La Hán, vào Bồ Tát Thừa, hạng nầy gọi là Hồi Tâm Đại A La Hán. Không Xứ là nơi tâm xả được thành tựu, thấy thân chướng ngại, bỏ ngại vào không, hạng nầy gọi là Không Xứ. Thức Xứ là nơi các ngại tiêu hết rồi, trong đó chỉ còn A Lại Da Thức với nửa phần vi tế của Mạt Na, hạng nầy gọi là Thức Xứ. Vô Sở Hữu Xứ là nơi sắc và không đã mất, tâm thức đều diệt, mười phương yên lặng, không còn chỗ đến, hạng nầy gọi là Vô Sở Hữu Xứ. Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ là nơi dùng thức tính chẳng động để diệt sự nghiền ngẫm, thành ra ở nơi vô tận lại tỏ bày tánh tận, như còn mà chẳng còn, tận mà chẳng tận, hạng nầy gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.

300. Tứ Thiên Vương

Tứ Thiên Vương là bốn nhân vật có hình dáng như quỷ. Theo truyền thuyết thì họ sống bên trên núi Tu Di, họ là những thần hộ pháp, họ chiến đấu chống lại cái ác và bảo vệ cái thiện, mỗi thiên vương canh giữ một phương. Đây là bốn vị thiên vương phục vụ trời Đế Thích, và cai quản bốn cõi trời xung quanh núi Tu Di. Thế giới loài người của chúng ta đang ở đây thuộc phạm vi của Tứ Thiên Vương Thiên, một trong sáu cõi trời Dục Giới và bầu trời mà chúng ta đang nhìn thấy đây là trời Tứ Thiên Vương Thiên. Thứ nhất là Trì Quốc Thiên Vương. Đông thiên vương (Đa La Tra) cai quản Càn Thát Bà (những vị trời nhạc sư). Thứ nhì là Tăng Trưởng Thiên Vương. Nam thiên vương (Tỳ Lưu Ly) cai quản Cưu Bàn Đồ và những vị thần canh giữ núi rừng và những kho bảo tàng. Thứ ba là Quảng Mục Thiên Vương. Tây thiên vương (Tỳ Lưu Bác Xoa) cai quản tất cả loài á thần rồng và phú đan na. Thứ tư là Đa Văn Thiên Vương. Bắc thiên vương (Tỳ Sa Môn) cai quản Dạ Xoa La Sát và bảo hộ tất cả đàn việt.

301. Thập Thiện Nghiệp và Thiên Đạo

Theo Phật Giáo Đại Thừa, có mười nghiệp thiện. Thứ nhất là không sát sanh mà phóng sanh là tốt; thứ nhì là không trộm cướp mà bố thí là tốt; thứ ba là không tà hạnh mà đạo hạnh là tốt; thứ tư là không nói lời dối trá, mà nói lời đúng đắn là tốt; thứ năm là không nói lời thêu dệt, mà nói lời đúng đắn là tốt; thứ sáu là không nói lời độc ác, mà nói lời ái ngữ là tốt; thứ bảy là không nói lời vô ích, mà nói lời hữu ích là tốt; thứ tám là không tham lam ganh ghét người là tốt; thứ chín là không sân hận, mà ôn nhu là tốt; thứ mười là không mê muội tà kiến, mà hiểu theo chánh kiến là tốt. Theo Kinh Duy Ma Cật, chương mười, phẩm Phật Hương Tích, cư sĩ Duy Ma Cật đã nói với các Bồ Tát nước Chúng Hương rằng: “Bồ Tát ở cõi này đối với chúng sanh, lòng đại bi bền chắc thật đúng như lời các ngài đã ngợi khen. Mà Bồ Tát ở cõi nầy lợi ích cho chúng sanh trong một đời còn hơn trăm ngàn kiếp tu hành ở cõi nước khác. Vì sao? Vì cõi Ta Bà nầy có mười điều lành mà các Tịnh Độ khác không có.” Thế nào là mười? Đó là dùng bố thí để nhiếp độ kẻ nghèo nàn; dùng tịnh giới để nhiếp độ người phá giới; dùng nhẫn nhục để nhiếp độ kẻ giận dữ; dùng tinh tấn để nhiếp độ kẻ giải đãi; dùng thiền định để nhiếp độ kẻ loạn ý; dùng trí tuệ để nhiếp độ kẻ ngu si; nói pháp trừ nạn để độ kẻ bị tám nạn; dùng pháp đại thừa để độ kẻ ưa pháp tiểu thừa; dùng các pháp lành để cứu tế người không đức; và thường dùng tứ nhiếp để thành tựu chúng sanh. Theo Phật Giáo Nguyên Thủy, có mười nghiệp lành tạo quả trổ sanh trong Dục Giới được đề cập trong Đức Phật Và Phật Pháp của Hòa Thượng Narada. Bố thí hay đức khoan dung quảng đại hay tâm bố thí tạo quả nhiều của cải; trì giới đem lại sự tái sanh trong dòng dõi quý phái và trạng thái an vui; tham thiền dẫn đến sự tái sanh trong cõi sắc giới và vô sắc giới, và đưa hành giả đến chỗ giác ngộ và giải thoát; lễ bái hay biết trọng người đáng kính trọng là nhân tạo quả được thân bằng quyến thuộc quý phái thượng lưu; phục vụ tạo quả được nhiều người theo hầu; hồi hướng phước báu sẽ được đời sống sung túc và phong phú; hoan hỷ với phước báu của người khác đem lại trạng thái an vui, bất luận trong cảnh giới nào; tán dương hành động của kẻ khác cũng đem lại kết quả được người khác tán dương lại; nghe pháp đem lại trí tuệ; hoằng pháp cũng đem lại trí tuệ; quy y Tam Bảo sớm dẹp tan dục vọng phiền não; củng cố chánh kiến của mình; tỉnh thức đem lại hạnh phúc dưới nhiều hình thức.

302. Đạo

Đạo có nghĩa là con đường; tuy nhiên, theo Phật giáo, “Đạo” là con đường diệt khổ là con đường chấm dứt dục vọng. Trong Phật giáo, mỗi khi nói đến “Đạo” là người ta nghĩ ngay đến “Đạo Đế” và “Bát Thánh Đạo”. Đạo Đế hay đế thứ tư trong Tứ Diệu Đế. Bát Thánh Đạo hay cửa ra đau khổ để bước vào niết bàn. Trong Phật giáo “Đạo” là nhân giải thoát, và giác ngộ Bồ Đề là quả. “Marga” là từ Bắc Phạn chỉ “con đường” trong tu tập Phật giáo dẫn đến giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử. Theo Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Chương 2, Đức Phật dạy: “Đạo của người xuất gia làm sa Môn là phải từ bỏ ái dục, biết được nguồn tâm, thấu triệt giáo pháp của Phật, hiểu pháp vô vi. Bên trong không có cái để được, bên ngoài không có chỗ để cầu. Tâm không chấp thủ nơi đạo, cũng không hệ lụy bởi nghiệp, không có suy tưởng, không có tạo tác, không có tu, không có chứng, chẳng cần trải qua các Thánh vị mà tự thành cao tột, đó gọi là Đạo.” Người Phật tử quyết định tu theo Phật luôn nghĩ đến những con đường đi đến giải thoát. Thứ nhất là “Đạo Tư Lương”. Đây chính là con đường thứ nhất trong năm con đường đã được vạch ra trong lý thuyết thiền định, trong thời gian đó hành giả tích trữ hai loại tích trữ: 1) tích trữ công đức, liên hệ tới việc tu tập công đức để có được thiện nghiệp; 2) tích trữ trí tuệ, bằng cách tu tập thiền định để đạt được trí tuệ nhằm lợi lạc chúng sanh mọi loài. Trong giáo thuyết thiền định của Phật giáo Đại Thừa, người ta nói hành giả bước vào con đường tích tụ công đức bằng cách phát tâm Bồ Đề. Sự tu tập trên con đường này đưa đến con đường kế tiếp là con đường chuẩn bị. Con đường thứ hai là “Đạo của chơn lý”. Theo Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng dạy: “Nầy thiện tri thức! Nhất hạnh tam muội là đối với tất cả chỗ, đi đứng nằm ngồi thường hành một trực tâm ấy vậy.” Kinh Tịnh Danh nói: “Trực tâm là đạo tràng, trực tâm là Tịnh độ. Tâm đừng làm những chuyện siểm khúc, miệng nói trực, miệng nói nhất hạnh tam muội mà không hành trực tâm, còn hành trực tâm, đối với tất cả các pháp chớ có chấp trước. Người mê chấp pháp tướng, chấp nhất hạnh tam muội, chỉ nói ngồi không động, tâm vọng không khởi tức là nhất hạnh tam muội, người khởi hiểu thế nầy tức là đồng với vô tình, trở lại là nhơn duyên chướng đạo.” Nầy thiện tri thức! Đạo phải thông lưu, do đâu trở lại ngưng trệ, tâm không trụ nơi pháp, đạo tức là thông lưu. Tâm nếu trụ pháp gọi là tự phược, nếu nói thường ngồi không động, ấy chỉ như Ngài Xá Lợi Phất ngồi yên trong rừng lại bị Ngài Duy Ma Cật quở trách. Nầy thiện tri thức! Lại có người dạy ngồi khán tâm quán tịnh, không động không khởi, từ đây mà lập công khóa, người mê không hiểu liền chấp thành ra điên cuồng, những người như thế nầy thật là đông, dạy nhau như thế, nên biết đó là lầm lớn.” Thứ ba là con đường cực kỳ quan trọng, đó là “Đạo Đế”. Đây là chân lý thứ tư trong Tứ Diệu Đế, là chân lý diệt khổ, là Bát Thánh Đạo. Đạo Đế hay con đường đưa đến chấm dứt đau khổ. Bát Chánh Đạo dẫn đến sự đoạn diệt khổ đau và phiền não được định rõ trong Tứ Diệu Đế là sự trình bày của Đức Phật về cái khổ mà tất cả chúng sanh đều phải trải qua. Nó thường được phân tách làm 3 thành phần chủ yếu: giới, định và tuệ. Một phương cách tương tự khác cũng giống như con đường này nhưng bắt đầu bằng bố thí. Bố thí làm nền móng cho trì giới và kế tiếp có thể giúp hành giả tiến xa hơn tới những nguyện vọng cao cả. Giới, định, tuệ là cốt lõi của sự tu tập tâm linh trong đạo Phật và không thể tách rời chúng được. Chúng không chỉ thuần túy là những phần phụ trợ với nhau giống như những cuống hoa, nhưng được hòa trộn với nhau giống như “muối trong đại dương” dẫn đến sự so sánh nổi tiếng của Phật giáo. Nếu Đạo Phật không có khả năng giúp cho Phật tử tu tập theo con đường giải thoát thì đạo Phật chỉ là một thứ đạo chết không hơn không kém. Đạo Phật chết là đạo Phật qua những hình thức tổ chức rườm rà, nghi lễ cổ điển, cúng kiến, kinh kệ bằng những ngôn ngữ xa lạ làm cho giới trẻ hoang mang. Từ đó giới trẻ nhìn về những ngôi chùa như một viện dưỡng lão của ông già bà cả, cho những người thiếu tự tin, hoặc cho những thành phần mê tín dị đoan.

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: “Bát Chánh Đạo là đạo thù thắng hơn các đạo. Tứ đế là lý thù thắng hơn các lý. Ly dục là pháp thù thắng hơn các pháp. Cụ nhãn là bậc thù thắng hơn các bậc Thánh hiền (273). Chỉ có con đường nầy, chẳng còn con đường nào khác có thể làm cho tri kiến các ngươi thanh tịnh. Các ngươi thuận làm theo, thì bọn ma bị rối loạn (274). Các ngươi thuận tu theo Chánh đạo trên này, thì khổ não sẽ dứt hết, và biết rằng Đạo ta nói có sức trừ diệt chông gay (275). Các ngươi hãy tự nỗ lực lên! Như Lai chỉ dạy cho con đường giác ngộ, chứ không giác ngộ cho ai được. Sự trói buộc của ma vương sẽ tùy sức thiền định của các ngươi mà được cỡi mở (276). Các hành đều vô thường; khi đem trí tuệ soi xét được như thế thì sẽ nhàm lìa thống khổ dể đi đến giải thoát. Đó là Đạo thanh tịnh (277). Các hành đều là khổ; khi đem trí tuệ soi xét được như thế thì sẽ nhàm lìa thống khổ để được giải thoát. Đó là Đạo thanh tịnh (278). Hết thảy pháp đều vô ngã; khi đem trí tuệ soi xét như thế thì sẽ nhàm lìa thống khổ để được giải thoát. Đó là Đạo thanh tịnh (279). Khi đáng nỗ lực, không nỗ lực, thiếu niên cường tráng đã lười biếng, ý chí tiêu trầm và nhu nhược: kẻ biếng nhác làm gì có trí để ngộ Đạo (280). Thận trọng lời nói, kềm chế ý nghĩ, thân không làm ác, ba nghiệp thanh tịnh, là được Đạo Thánh Nhơn (281). Tự mình dứt hết ái tình, như lấy tay bẻ cành sen thu; siêng tu Đạo tịch tịnh. Đó là Niết bàn mà đức Thiện thệ đã truyền dạy (285). Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đức Phật dạy: “Đức Phật dạy: “Người giữ ái dục ở trong lòng thì không thấy được Đạo. Thí như nước trong mà lấy tay khuấy động, người ta đến soi không thấy bóng của mình. Người do ái dục khuấy động mà trong tâm ô nhiễm nổi lên nên không thấy được Đạo. Sa Môn các ông cần phải xả ly ái dục. Ái dục hết rồi có thể thấy được Đạo. Người thấy được Đạo cũng như cầm đuốc vào trong nhà tối, bóng tối liền mất, còn lại ánh sáng. Người học Đạo mà thấy được chân lý thì vô minh liền diệt, chỉ còn lại trí tuệ.”

303. Tam Đạo

Theo Giáo Sư Junjiro Takakusu trong Cương Yếu Triết Học Phật Giáo, Phật giáo đặt nền tảng trên Tam Học (siksa): Giới, Định, Tuệ. Nghĩa là nếu không trì giới thì tâm không định, tâm không định thì không phát tuệ. Định ở đây bao gồm những kết quả vừa tư biện vừa trực quán. Tiếp đó Đạo Phật còn dạy hành giả phải đi vào Tam Đạo là Kiến đạo, Tu đạo, và Vô học đạo. Đây là ba giai đoạn mà hành giả phải trải qua khi tu tập Kiến Đạo với Tứ Diệu Đế bằng cách thực hành Bát Chánh Đạo; kế đến, hành giả tu tập Tu Đạo với Thất Giác Chi. Tu đạo ở đây lại có nghĩa là kết quả của suy tư chân chánh; và cuối cùng là thực hiện hoàn toàn bằng Vô Học Đạo. Nói cách khác, không thấy được đạo thì không tu được đạo và không thực hiện được đời sống lý tưởng. Thứ nhất là “Kiến Đạo”, tức là thấy được chân lý chấm dứt luân hồi sanh tử, như các bậc Thanh Văn và Sơ Địa Bồ Tát. Trong Tứ Diệu Đế, Đạo đế với Bát Thánh Đạo mà Đức Phật dạy hàng Thánh giả phải tu tập (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh mạng, chánh định). Thứ nhì là “Tu Đạo”, tức là giai đoạn thứ hai của con đường nầy là con đường tu tập hay Tu Đạo theo Thất Giác Chi (trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, niệm, định, và xả). Theo Phật giáo Tây Tạng, “Lam bras” có nghĩa là “Con đường và Kết quả” hay “Tu Đạo”. Đây là hệ thống thiền định làm nền tảng tu tập cho trường phái Sakyapa của Phật giáo Tây Tạng. Đây là một cái nhìn toàn diện của việc tu tập trong Phật giáo dựa theo Mật chú Hevajra. Trong hệ thống này, con đường và kết quả được nối kết không thể tách rời được: kết quả gộp vào con đường, vì cái này dẫn tới cái kia, và con đường gộp vô kết quả, vì nó là phương tiện nhờ đó mà kết quả được thành đạt. Phương pháp của loại tu tập này có từ thời Mahasiddha Viruoa (Đại Thành Tựu Viruoa của Ấn Độ). Giáo thuyết căn bản của hệ thống này là những văn kinh được khai triển bởi ngài Sachen Gunga Nyingpo. Những giai đoạn của con đường—“Lam rim” là thuật ngữ Tậy Tạng dùng để chỉ “Những giai đoạn của con đường,” đường tìm thấy trong Phật giáo Tây Tạng, một thí dụ xưa nhất là “Bảo Châu Trang Nghiêm Giải Thoát.” Lam Rim cũng là hệ thống thiền tập chủ yếu của trường phái Gelukpa. Thứ ba là “Vô Học Đạo”, tức là đã hoàn toàn thấu triệt chân lý mà không phải học nữa. Hành giả đi đến giai đoạn sau cùng, tức là con đường không còn gì để học nữa, Vô Học Đạo. Khi đó kết quả mà hành giả hướng đến khi tu tập tứ diệu đế sẽ tự đến. Khi hành giả đạt đến giai đoạn cuối cùng nầy thì trở thành một vị A La Hán. Theo Tiểu Thừa, đó là quả vị giác ngộ cao nhất. Nhưng theo Đại Thừa, A La Hán chỉ mới giác ngộ được một phần mà thôi. Lý tưởng của đạo Phật là hoàn tất đức tính của con người, hay là đưa con người đến Phật quả bằng căn bản trí tuệ giới hạnh, đó là nhân cách cao nhất. Đó là những đặc điểm của đạo Phật.

304. Đạt Đạo

Theo Lục Tổ Huệ Năng, đắc đạo không quan hệ gì đến sự vận hành liên tục từ sai lầm đến chân lý, hay từ vô minh đến giác ngộ. Ngày nay hầu hết các thiền sư đều đồng ý với tổ và khẳng định rằng chẳng có sự giác ngộ nào có thể được người ta tuyên bố cả. Nếu bạn nói rằng bạn đã sở đắc cái gì đó, đó là bằng chứng chắc chắn nhất là bạn đã đi sai đường. Do đó, không là có, im lặng là sấm sét, vô minh là giác ngộ; những vị Thánh Tăng của thanh tịnh đạo vào hỏa ngục trong khi các Tỳ Kheo pháp giới đi vào Niết Bàn; thanh tẩy có nghĩa là tích lũy bụi trần (vì nếu không có tích lũy bụi trần là không có thanh tẩy); tất cả những từ ngữ khẳng định nghịch lý này và đầy dẫy trong văn học nhà Thiền đều nói lên tánh phủ nhận sự vận hành liên tục từ phân biệt đến vô phân biệt, từ trạng thái nhiễm ái đến không nhiễm ái, vân vân. Quan niệm về sự vận hành liên tục không phù hợp với các sự kiện, trước hết bởi vì quá trình vận hành này dừng lại nơi cái gương vẫn sáng rạng từ vô thủy, không cố vượt ra và tiếp tục vô hạn định, kế thứ, bởi vì bản tánh thanh tịnh của gương chịu đựng sự ô nhiễm, nghĩa là một vật thể này phát sinh ra một vật thể khác, hoàn toàn trái ngược nhau. Hãy nghĩ đến sự vật theo cách khác: cần có sự phủ định tuyệt đối, nhưng có còn có thể hay không khi quá trình vẫn liên tục? Đó là lý do tại sao Lục Tổ Huệ Năng khăng khăng chống lại quan niệm ấp ủ của đối thủ của Ngài là Thần Tú. Ngài không bám chặt giáo lý về tính liên tục của Tiệm Giáo của Thần Tú. Ngược lại, Huệ Năng là tay vô địch của Đốn Giáo. Theo tông này thì sự vận hành từ mê đến ngộ là ngay lập tức chứ không từ từ, gián đoạn chứ không liên tục. Khi nói rằng quá trình ngộ là lập tức có nghĩa là nó nhảy vọt, theo luận lý học và tâm lý học trong kinh nghiệm Phật giáo. Cái nhảy vọt theo lý luận học chủ yếu ở chỗ quá trình lý luận bình thường dừng lại ngay tức khắc, đến độ được xem là phi lý này lại trở thành hoàn toàn tự nhiên, trong khi cái nhảy vọt theo tâm lý cốt yếu ở chỗ các giới hạn của ý thức bị vượt qua, và người ta phóng vào Vô thức, và cuối cùng chẳng phải là không ý thức. Quá trình này gián đoạn, lập tức và không thể tính toán được, đó là “Thấy được tự tánh.”

Nếu biết được tự tánh mình, một khi ngộ được thì tức khắc đạt Đạo và đến ngay đất Phật. Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng dạy: “Này các thiện hữu tri thức, khi tôi còn ở chỗ của ngũ tổ Hoằng Nhẫn, một hôm tôi chỉ nghe một câu mà ngộ được, bèn thấy ngay bổn tánh chân như của mình. Đây là lý do mà tôi muốn thấy giáo pháp ấy lưu hành cùng khắp, khiến cho những người học đạo ngộ ngay Bồ Đề, mỗi người tự quán tâm mình, để tự thấy được bổn tánh của mình. Chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai và tất cả kinh điển trong 12 bộ kinh, trong tự tánh mỗi người vốn đã có đủ… Trong tự tâm mình đã có sẵn tri thức để tự ngộ. nếu mình tự dấy lên ý nghĩ tà vạy mê muội; thì không có một thiện tri thức bên ngoài nào có thể dạy bảo hay giúp đỡ được chúng ta. Nhưng nếu tự khởi lên được sự quán chiếu bằng phương tiện chân chánh của trí Bát Nhã, thì mọi vọng niệm đều tiêu tan trong chốc lát. Nếu biết được tự tánh mình, một khi ngộ được thì tức khắc đến ngay đất Phật. Này các thiện tri thức, khi có sự quán chiếu của trí huệ thì trong và ngoài trở thành hoàn toàn trong sáng và biết rõ bổn tâm. Nếu biết rõ bổn tâm thì đó là gì nếu không là giải thoát? Nếu được giải thoát rồi, tức đó là Bát Nhã Tam Muội, và khi Bát Nhã Tam Muội đã được hiểu rõ thì đó là trạng thái của “Vô Niệm.”

305. Thông Đạt Phật Đạo

Người Phật tử chơn thuần luôn tin vào việc “Thông Đạt Đạo Vô Thượng” ngay trong Cuộc Sống hằng ngày và ngay trong cuộc sống nầy. Thông đạt Phật đạo là một trong ba mục tiêu của tọa thiền. Thể hiện đạo vô thượng trong cuộc sống hằng ngày. Lúc nầy chúng ta không còn phân biệt cứu cánh và phương tiện nữa. Giai đoạn nầy tương ứng với tối thượng thừa thiền. Khi các bạn ngồi một cách hăng say và không vị kỷ, cũng như hợp với sự dẫn đạo của một bậc chân sư, nghĩa là hợp với tâm mình, mặc dù có ý thức đầy đủ, vẫn hoàn toàn vô niệm như một tờ giấy trắng tinh không một vết bẩn, bây giờ dù các bạn đã ngộ hay chưa, Phật tánh thanh tịnh vốn có của mình vẫn khai mở. Nhưng đây phải nhấn mạnh chỉ với chân ngộ các bạn mới có thể trực nhận được chân thể tánh Phật của mình, và tối thượng thừa thiền là loại thuần khiết nhất, không khác gì loại thiền đã được chư Phật thực hành. Theo Kinh Duy Ma Cật, chương tám, phẩm Phật Đạo, cư sĩ Duy Ma Cật đã nói về “Thông Đạt Phật Đạo”. Bấy giờ ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi ông Duy Ma Cật rằng: “Bồ Tát thế nào là thông đạt Phật đạo?” Duy Ma Cật đáp: “Bồ Tát thực hành phi đạo (trái đạo) là thông đạt Phật đạo.” Văn Thù Sư Lợi hỏi: “Thế nào là Bồ Tát thực hành phi đạo?” Duy Ma Cật đáp: “Nếu Bồ Tát gây năm tội vô gián mà không buồn giận, đến ở trong địa ngục mà không có tội cấu; đến trong loài súc sanh mà không có những lỗi vô minh kiêu mạn; đến trong ngạ quỷ mà vẫn đầy đủ công đức; đến cảnh sắc và vô sắc giới mà không cho là thù thắng; hiện làm tham dục mà không nhiễm đắm; hiện làm giận dữ mà đối với chúng sanh không có ngại gì; hiện cách ngu si mà dùng trí tuệ điều phục tâm mình; hiện làm hạnh tham lam bỏn xẻn mà bỏ tất cả của cải, không tiếc thân mạng; hiện pháp giới cấm mà ở trong tịnh giới, đến như tội bé nhỏ cũng hết lòng sợ sệt; hiện làm thù hận mà thường từ bi nhẫn nhục; hiện làm lười biếng mà siêng tu các công đức; hiện làm loạn ý mà thường niệm định; hiện làm ngu si mà thông đạt trí tuệ thế gian và xuất thế gian; hiện làm dua dối mà phương tiện thuận theo nghĩa các kinh; hiện làm kiêu mạn mà đối với chúng sanh mình cũng như cầu đó; hiện làm tất cả phiền não mà lòng thường thanh tịnh; hiện vào trong chúng ma mà thuận theo trí tuệ của Phật, không theo đạo giáo khác; hiện làm hàng Thanh Văn mà nói các pháp chưa từng nghe cho chúng sanh; hiện vào hàng Bích Chi Phật mà thành tựu lòng đại bi, giáo hóa chúng sanh; hiện vào hạng nghèo nàn mà có tay đầy đủ công đức; hiện vào hạng tàn tật mà đủ tướng tốt để trang nghiêm thân mình; hiện vào hạng hèn hạ mà sanh trong dòng giống Phật, đầy đủ các công đức; hiện vào hạng người ốm yếu xấu xa mà được thân Na la diên (kim cang), tất cả chúng sanh đều muốn xem; hiện vào hạng già bệnh mà đoạn hẳn gốc bệnh, không còn sợ chết; hiện làm hạng giàu có mà xem là vô thường, không có tham đắm; hiện có thê thiếp, thế nữ mà tránh xa bùn lầy ngũ dục; hiện nơi hạng đần độn mà thành tựu biện tài, vẫn giữ tổng trì; hiện vào tà tế mà dùng chánh tế độ chúng sanh; hiện vào khắp các đạo, để đoạn đứt nhơn duyên; hiện vào Niết Bàn mà không bỏ sanh tử. Thưa ngài Văn Thù Sư Lợi! Nếu Bồ Tát làm được những việc trái đạo như thế, đấy là thông suốt Phật đạo.”