GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP MỘT

Bài 26
MƯỜI NGHIỆP ĐẠO LÀNH (phần 2)

Nếu dứt trừ nghiệp nói hai lưỡi, liền được năm pháp không thể phá hoại: 1) Có được thân không hoại, không gì có thể làm tổn hại; 2) Có được quyến thuộc không hoại, không gì có thể phá hại; 3) Có được lòng tin không hoại, thuận theo bổn nghiệp(1); 4) Có được hạnh không hoại, những gì tu tập được đều rất vững chắc; 5) Có được thiện tri thức không hoại, không bị mê hoặc lừa dối. Nếu người nào có thể hồi hướng công đức về quả vị giác ngộ siêu việt, sau này khi thành Phật, sẽ có được quyến thuộc chân chánh, các yêu ma ngoại đạo không thể phá hoại hay gây trở ngại.

Nếu dứt trừ nghiệp nói độc ác, liền được thành tựu tám nghiệp thanh tịnh: 1) Lời nói không trái phép tắc; 2) Nói ra đều có lợi ích; 3) Lời nói chắc chắn phù hợp với chân lí; 4) Ngôn từ mĩ diệu; 5) Lời nói xứng đáng để nhận lãnh; 6) Nói ra thì được tin dùng; 7) Lời nói không thể bị chế giễu; 8) Lời nói làm cho tất cả đều vui vẻ, yêu mến. Nếu người nào có thể hồi hướng công đức về quả vị giác ngộ siêu việt, sau này khi thành Phật, sẽ có đầy đủ tướng phạm âm1(2) của các đức Như Lai.

Nếu dứt trừ nghiệp nói thêu dệt2(3), liền được thành tựu ba thứ quyết định: 1) Nhất định được người trí yêu mến; 2) Nhất định có thể dùng trí tuệ để trả lời những câu hỏi một cách như thật; 3) Nhất định được oai đức tối thắng đối với trời và người, không hề hư dối. Nếu người nào có thể hồi hướng công đức về quả vị giác ngộ siêu việt, sau này khi thành Phật, sẽ đạt được những điều đức Như Lai đã thọ kí(4), thật không luống mất.

Nếu dứt trừ nghiệp tham dục, liền được thành tựu năm điều tự tại: 1) Ba nghiệp tự tại, các căn đều đầy đủ; 2) Tài vật tự tại, tất cả giặc thù không thể cướp đoạt; 3) Phước đức tự tại, tâm mình muốn gì, vật liền có đủ; 4) Ngôi vua tự tại, các vật trân kì đều được dâng hiến; 5) Các vật có được đều vượt quá sự mong muốn, tốt đẹp gấp trăm lần – bởi vì kiếp xưa không bỏn sẻn, ganh ghét. Nếu người nào có thể hồi hướng công đức về quả vị giác ngộ siêu việt, sau này khi thành Phật, được cả ba cõi đặc biệt tôn quí3(5), đều cùng cung kính cúng dường.

Nếu dứt trừ nghiệp sân hận, liền được tám thứ tâm vui: 1) Không có ưu phiền; 2) Không có tâm giận dữ; 3) Không có tâm tranh tụng; 4) Được tâm nhu hòa, chân thật, ngay thẳng; 5) Được tâm từ của bậc thánh; 6) Tâm thường làm những việc lợi ích, đem an vui cho chúng sinh; 7) Thân tướng đoan nghiêm, mọi người đều tôn kính; 8) Do nhu hòa, nhẫn nhục, sẽ mau sinh về thế giới thanh tịnh. Nếu người nào có thể hồi hướng công đức về quả vị giác ngộ siêu việt, sau này khi thành Phật, sẽ có được tâm vô ngại của chư Phật, người xem không chán.

Nếu dứt trừ nghiệp tà kiến, liền được thành tựu mười thứ công đức: 1) Được niềm vui của tâm ý chân thiện; 2) Tin sâu lí nhân quả, thà mất thân mạng, trọn đời không làm ác; 3) Chỉ quay về nương tựa Phật, không có trời, thần nào khác; 4) Có chân tâm, chánh kiến, xa lìa tất cả những lưới nghi và lòng tin mù quáng vào các việc tốt xấu; 5) Thường sinh về các cảnh giới trời và người, không trở lại các đường dữ; 6) Phước đức và trí tuệ vô lượng, ngày càng tăng trưởng, thù thắng; 7) Vĩnh viễn xa lìa đường tà, đi trong đường thánh; 8) Không khởi kiến chấp về thân, trừ bỏ các nghiệp xấu; 9) Luôn luôn trụ nơi cái thấy vô ngại; 10) Không rơi vào các ách nạn. Nếu người nào có thể hồi hướng công đức về quả vị giác ngộ siêu việt, sau này khi thành Phật, thực chứng tất cả Phật pháp, thành tựu thần thông tự tại.

Mười điều lành này, tất cả trời và người đều nương vào đó mà thành lập; tất cả quả vị giác ngộ của các hàng Thanh-văn và Độc-giác, cũng như mọi hạnh Bồ-tát, tất cả Phật pháp, đều nương nơi mười điều lành này mà được thành tựu. Ví như tất cả thành ấp xóm làng đều nương nơi quả đất mà được an trú; tất cả dược thảo, cây cỏ, rừng bụi, cũng đều nương nơi đất mà được sinh trưởng.

 

CHÚ THÍCH

1. Xin xem lại chú thích số 6, bài 21.

2. Phàm những lời nói có hàm ý dâm dục, quan hệ đến trai gái trong chốn khuê phòng, đều gọi là “ỷ ngữ”.

3. Chỉ cho quí vị thiên vương trong ba cõi.

4. Là một trong năm thứ kiến chấp; đó là tà kiến cho rằng thân này là thật ngã.

5. Chỉ cho tám nơi ách nạn làm chướng ngại cho sự thấy Phật nghe pháp; đó là: 1. Địa-ngục; 2. Ngạquỉ; 3. Súc-sinh; 4. Châu Bắc-cu-lư; 5. Cõi trời Vô-tưởng; 6. Những người bị đui, điếc, câm; 7. Những người thông minh, biện tài và có trí tuệ thế tục; 8) Những người sinh nhằm thời Phật chưa ra đời, hoặc không còn Phật nữa.

 

PHỤ CHÚ

1. Bổn nghiệp nghĩa là nghiệp của chính mình. Ở đây có ý nói, người nói năng chân thật sẽ gây được lòng tin tưởng nơi mọi người; do đó, mỗi lời nói ra đều được người khác thuận theo.

2. Phạm âm (hay “phạm thanh”, hoặc “phạm âm thanh”) là âm thanh vi diệu thanh tịnh của chư Phật và Bồ-tát. Kinh luận thường diễn tả rằng, âm thanh của chư Phật và Bồ-tát có đầy đủ năm đức tính như âm thanh của thiên vương Đại Phạm: – âm thanh nghe sâu thẳm như tiếng sấm vang; – âm thanh trong trẻo và vang xa, người nghe đều cảm thấy vui vẻ; – âm thanh làm cho người nghe sinh tâm kính yêu; – người nghe nếu để ý lắng nghe thì sẽ hiểu rõ dễ dàng; – nghe hoài mà không cảm thấy nhàm chán.

3. Lời nói thêu dệt: từ Hán ngữ là “ỷ ngữ”, dịch từ Phạn ngữ “sambhinnapralapa”, có nghĩa là lời nói vô nghĩa, uế tạp. Luận Thành Thật cho rằng, lời nói không chân thật, hoặc lời nói chân thật nhưng nói không đúng lúc, hoặc lời nói chân thật, đúng lúc nhưng làm cho người buồn lòng nản chí, hoặc lời nói chân thật, đúng lúc nhưng nói không đầu đuôi gốc ngọn, nghĩa lí không thứ tự mạch lạc, đều gọi là “ỷ ngữ”. Hán ngữ còn dùng từ “ỷ ngữ” để chỉ cho các loại thi văn có lời lẽ diễm lệ, chuốt gọt, hoa mĩ, dùng diễn tả tình tự trai gái; hoặc những lời tình tự của trai gái trong chốn loan phòng; hoặc những lời nói mang tính dâm đãng, bậy bạ, không trong sạch. Việt ngữ thường dịch từ “ỷ ngữ” là “lời nói thêu dệt”, chỉ cho những lời nói không đúng sự thật, thêm bớt tùy tiện, việc nhỏ nói thành lớn, việc ít nói thành nhiều, thậm chí bịa đặt nhiều chuyện nhằm dối gạt, lừa đảo, vu khống, tâng bốc, nịnh bợ, v.v… trong mục đích làm hại người khác, và làm lợi cho cá nhân, gia đình hay phe nhóm mình.

4. Thọ kí: Nguyên gốc, “thọ kí” là một loại kinh văn có tính cách phân tích giáo thuyết, hoặc hỏi đáp về những phương thức giải thuyết giáo lí; là một trong mười hai bộ kinh. Rồi từ này được chuyển sang dùng để chỉ cho sự chứng đắc hay nơi sẽ tái sinh sau khi chết của các vị đệ tử Phật. Về sau nó được chuyên dùng để chỉ cho những chứng ngôn của Phật về quả Phật mà các vị đệ tử sẽ chứng đắc trong đời vị lai, cùng danh hiệu, quốc độ, v.v… của những vị ấy.

5. Nhóm từ “tam giới đặc tôn” (三界特尊) ở trong bài học, đã được tác giả giải thích (chú thích số 3 ở trên) là “指三界天王” (chỉ cho quí vị thiên vương trong ba cõi). Lời giải thích này không xác đáng. Phật

Quang Đại Từ Điển đã dẫn lời của luận Đại Trí Độ để giải thích từ “đặc tôn” (特尊) rằng: Đức Phật trí đức vẹn toàn, cho nên trong ba cõi, chỉ có đức Phật là bậc được đặc biệt tôn quí.

 

BÀI TẬP

1) Nếu đem công đức dứt trừ nghiệp nói hai lưỡi, hồi hướng về quả vị bồ đề vô thượng, sau này sẽ có được kết quả gì?

Nếu đem công đức dứt trừ nghiệp nói hai lưỡi, hồi hướng về quả vị bồ đề vô thượng, về sau sẽ thành Phật, và có được quyến thuộc chân chánh, yêu ma ngoại đạo không thể phá hoại hay gây trở ngại.

2) Nếu đem công đức dứt trừ nghiệp nói lời ác độc, hồi hướng về quả vị bồ đề vô thượng, sau này sẽ có được kết quả gì?

Nếu đem công đức dứt trừ nghiệp nói lời ác độc, hồi hướng về quả vị bồ đề vô thượng, sau này sẽ thành Phật, và có đầy đủ phạm âm của các đức Như Lai.

3) Nếu đem công đức dứt trừ nghiệp nói lời thêu dệt, hồi hướng về quả vị bồ đề vô thượng, sau này sẽ có được kết quả gì?

Nếu đem công đức dứt trừ nghiệp nói lời thêu dệt, hồi hướng về quả vị bồ đề vô thượng, sau này sẽ thành Phật, và đạt được những điều đức Như Lai đã thọ kí.

4) Nếu đem công đức dứt trừ nghiệp tham dục, hồi hướng về quả vị bồ đề vô thượng, sau này sẽ có được kết quả gì?

Nếu đem công đức dứt trừ nghiệp tham dục, hồi hướng về quả vị bồ đề vô thượng, sau này sẽ thành Phật, và được cả ba cõi đặc biệt tôn trọng, đều cùng cung kính cúng dường.

5) Nếu đem công đức dứt trừ nghiệp sân hận, hồi hướng về quả vị bồ đề vô thượng, sau này sẽ có được kết quả gì?

Nếu đem công đức dứt trừ nghiệp sân hận, hồi hướng về quả vị bồ đề vô thượng, sau này sẽ thành Phật, và có được tâm vô ngại của chư Phật, người chiêm ngưỡng không chán.

6) Nếu đem công đức dứt trừ nghiệp tà kiến, hồi hướng về quả vị bồ đề vô thượng, sau này sẽ có được kết quả gì?

Nếu đem công đức dứt trừ nghiệp tà kiến, hồi hướng về quả vị bồ đề vô thượng, sau này sẽ thành Phật, thực chứng tất cả Phật pháp, thành tựu thần thông tự tại.