GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP MỘT

Bài 25
MƯỜI NGHIỆP ĐẠO LÀNH (phần 1)

Tất cả chúng sinh ở trong ba cõi, nhân vì tâm tưởng khác nhau, cho nên sự tạo nghiệp cũng khác nhau. Do đó mà có sự luân chuyển trong các nẻo đường1; trong đó, hai quả báo y và chánh(1), hai cảm thọ khổ và vui(2), muôn vàn sai khác. Tất cả những sự trạng đó đều từ các nghiệp lành và dữ do tâm tạo ra, qua các hành động của thân thể, lời nói và ý tưởng. Nhưng tâm thì không có hình sắc, không thể thấy, không thể nắm bắt, chỉ là hư vọng. Các pháp tụ tập dấy khởi, xét đến cùng thì không có “ngã” và “sở hữu của ngã”2; tuy chúng đều theo nghiệp mà hiện ra không giống nhau, nhưng trong thực tế thì không có ai là chủ tể. Cho nên tự tánh của tất cả các pháp đều như huyễn, không thể nghĩ bàn. Người trí biết như thế rồi, thì nên tu các nghiệp lành, nhờ đó mà các uẩn, xứ và giới3 sinh ra sẽ hoàn toàn đoan chánh, ai trông thấy cũng không thể chán ghét được.

Nếu có chúng sinh nào, suốt ngày đêm, lúc nào cũng quán niệm về các pháp lành, khiến cho các pháp lành mỗi niệm mỗi niệm đều tăng trưởng, thì có thể làm cho các ác niệm dứt sạch vĩnh viễn, và các pháp lành thì tròn đầy. Có được thân Người và Trời, tuệ giác của các bậc Thanh-văn và Độc-giác, cũng như tuệ giác của

Phật, đều nương nơi pháp này làm căn bản mà được thành tựu, cho nên gọi là PHÁP LÀNH – đó tức là MƯỜI NGHIỆP ĐẠO LÀNH; trong đó, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm là ba nghiệp lành thuộc về thân; không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói ác độc, không nói thêu dệt là bốn nghiệp lành thuộc về miệng; không tham dục, không sân hận, không tà kiến là ba nghiệp lành thuộc về ý.

Nếu dứt bỏ nghiệp sát sinh, sẽ có được mười pháp dứt phiền não: 1) Bố thí đức vô úy đến khắp các loài chúng sinh; 2) Thường khởi tình thương rộng lớn đối với các loài chúng sinh: 3) Đoạn diệt vĩnh viễn các tập khí(3) sân hận; 4) Thân thể thường không bệnh hoạn; 5) Sống lâu; 6) Luôn được các loài “phi nhân”4 bảo vệ; 7) Thường không bị ác mộng, khi thức khi ngủ đều an vui; 8) Dứt hẳn các oán kết(4), mọi niềm oán hận đều tự giải tỏa; 9) Không có các nỗi lo sợ về các con đường dữ; 10) Sau khi chết được sinh lên các cõi trời. Nếu người nào có thể hồi hướng công đức về quả vị giác ngộ siêu việt, sau này khi thành Phật, sẽ có được mạng sống tùy tâm và tự tại của chư Phật.

Nếu dứt trừ nghiệp trộm cắp, liền có được mười pháp có thể vững tin: 1) Của cải đầy ắp, vua, giặc, nước, lửa và con ngỗ nghịch(5) không thể phá tán; 2) Được nhiều người thương mến; 3) Không bị người khinh rẻ; 4) Mười phương khen ngợi; 5) Không lo bị tổn hại; 6) Tiếng lành loan truyền cùng khắp; 7) Ở giữa đám đông không hề khiếp sợ; 8) Của cải, vận mạng, thần sắc, sức lực đều an vui, biện tài đầy đủ không thiếu; 9) Lúc nào cũng sẵn lòng bố thí; 10) Sau khi chết được sinh lên các cõi trời. Nếu người nào có thể hồi hướng công đức về quả vị giác ngộ siêu việt, sau này khi thành Phật, sẽ chứng được trí giác thanh tịnh rộng lớn.

Nếu dứt trừ nghiệp tà hạnh, liền được bốn pháp mà người trí khen ngợi: 1) Các căn điều hòa, thuận lợi; 2) Dứt hẳn các sự đàm tiếu xôn xao5; 3) Được người đời khen ngợi; 4) Người phối ngẫu(6) không thể xúc phạm(7). Nếu người nào có thể hồi hướng công đức về quả vị giác ngộ siêu việt, sau này khi thành Phật, sẽ có được cái tướng trượng phu ẩn kín6 của Phật.

Nếu dứt trừ nghiệp nói dối, liền được tám pháp chư thiên khen ngợi: 1) Miệng thường trong sạch, có mùi thơm của hoa sen7; 2) Được người đời tin phục; 3) Mỗi lời nói ra đều đáng tin tưởng, người và trời đều kính yêu; 4) Thường dùng lời thương yêu để an ủi chúng sinh; 5) Được niềm vui đẹp ý, ba nghiệp trong sạch; 6) Nói năng không lầm lỗi; 7) Mỗi lời nói ra đều được tôn trọng, người và trời đều vâng theo; 8) Trí tuệ thù thắng, không ai có thể chế phục được. Nếu người nào có thể hồi hướng công đức về quả vị giác ngộ siêu việt, sau này khi thành Phật, sẽ có được lời nói chân thật của các đức Như Lai.

 

CHÚ THÍCH

1. “Thú” nghĩa là đi đến. Chúng sinh chịu quả báo, đều là do nguyên nhân mà đi đến quả báo, cho nên “sáu đường” (lục đạo) cũng gọi là “sáu chỗ đến” (lục thú).

2. “Ngã” là tự thân, “ngã sở” là tiếng nói tắt của “ngã sở hữu”, là tất cả sự vật ở ngoài thân.

3. Uẩn, xứ, giới, theo cách dịch cũ là ấm, nhập, giới. “Uẩn” tức năm uẩn, cũng gọi là năm ấm, tức sắc, thọ, tưởng, hành và thức, là thân tâm của chúng sinh. “Xứ” tức mười hai xứ, cũng gọi là mười hai nhập, tức là sáu căn và sáu trần. “Giới” tức mười tám giới, tức là sáu căn, sáu trần và sáu thức – “giới” là cảnh giới.

4. “Phi nhân” là chỉ cho các loài chúng sinh không phải loài Người, như 8 bộ chúng (Trời, Rồng, Dạxoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già) và Ác quỉ.

5. Chữ “huyên” nghĩa là tranh luận; “huyên điệu” là chỉ cho những việc tranh cãi và không an tĩnh do hành động tà dâm phát sinh.

6. “Ẩn mật tàng tướng” cũng gọi là “mã âm tàng tướng”. Nam căn gọi là “âm”. Nam căn của Phật giống như dương vật của loài ngựa, ẩn kín trong bụng, không lộ ra ngoài; đó là một trong ba mươi hai tướng tốt của Phật.

7. “Ưu bát hoa” tức hoa sen xanh.

 

PHỤ CHÚ

1. Hai quả báo (nhị báo): chánh báo và y báo. Quả báo (hay nghiệp báo) là kết quả mà chúng sinh phải nhận chịu ở đời này do các hành động (nghiệp nhân) đã tạo ra ở các đời trước. – Chánh báo là quả báo chính của nghiệp, gồm có một thân thể và tất cả các hiện tượng sinh lí và tâm lí được phát hiện trong thân thể đó. Nếu quả báo sinh làm người thì sẽ có được một thân người với đầu, mặt, tứ chi, tạng phủ, v.v…, cùng các hiện tượng tâm lí của một con người. Nếu quả báo sinh làm súc sinh thì sẽ có thân tướng của loài động vật như bốn chân, hai chân, lông, cánh, sừng, v.v…, cùng các hiện tượng tâm lí của động vật. – Y báo là hoàn cảnh, môi trường, trong đó chánh báo sinh sống, như gia đình, đất đai, xã hội, văn hóa, rừng núi, hang ổ, sông biển, v.v…

2. Thọ: là nhận lãnh, cảm thọ; có hai lãnh vực:

1- Thọ là tên của một tâm sở (trong 51 tâm sở), là một uẩn (trong 5 uẩn). Khi có sự tiếp xúc hòa hợp giữa căn (giác quan), cảnh (đối tượng) và thức (chủ thể nhận thức), thì sinh ra cảm thọ. Những đối tượng khi tiếp xúc có thể là thuận, nghịch hay không thuận không nghịch; do đó, cảm thọ cũng có thể là vui, khổ, hay không vui không khổ. Cho nên, THỌ là những ảnh hưởng của ngoại giới vào sinh lí, tâm tình, hay tư tưởng, mà sinh ra các cảm giác như đau, ngứa, vui, buồn, lo, mừng, ưa, ghét, v.v… Do những hoàn cảnh có lợi (thuận), hại (nghịch), hay không lợi không hại mà phát sinh những cảm thọ vui, buồn, v.v… tương ứng; từ đó dẫn đến những ý niệm xa lánh điều hại, tìm cầu điều lợi, v.v…; cả một chuỗi dài ái dục liền lạc phát sinh từ “thọ”. Có nhiều cách phân loại về cảm thọ, ở đây xin nêu ra ba cách thường gặp:

a) Hai loại cảm thọ (nhị thọ): – cảm thọ của thân (thân thọ): những cảm thọ của năm thức trước (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân) thuộc về nhục thể, cho nên gọi là “thân thọ”; – cảm thọ của tâm (tâm thọ): cảm thọ của ý thức thuộc về tinh thần, cho nên gọi là “tâm thọ”.

b) Ba loại cảm thọ (tam thọ): – cảm thọ khó chịu (khổ thọ): những cảm thọ khó chịu, buồn phiền, đau khổ sinh ra khi tiếp xúc với những hoàn cảnh ngang trái, bất lợi, xấu xa, ác độc; – cảm thọ dễ chịu (lạc thọ): những cảm thọ dễ chịu, vui thích, sung sướng sinh ra khi tiếp xúc với những hoàn cảnh thuận lợi, hợp ý, thích thú; – cảm thọ trung tính (xả thọ): những cảm thọ trung hòa, không dễ chịu cũng không khó chịu, không đau khổ cũng không vui sướng, hoặc không có cảm giác gì cả.

c) Năm loại cảm thọ (ngũ thọ): – cảm thọ khổ đau (khổ thọ): những cảm giác khó chịu của năm thức trước; – cảm thọ lo lắng (ưu thọ): những lo lắng bồn chồn của ý thức; – cảm thọ sung sướng (lạc thọ): những cảm giác vui sướng của năm thức trước; – cảm thọ mừng vui (hỉ thọ): sự mừng vui của ý thức; – cảm thọ trung tính (xả thọ): những cảm thọ không vui không khổ của thân và tâm.

2- Thọ là chi thứ bảy trong mười hai nhân duyên, chỉ cho sự cảm nhận vui buồn của tuổi ấu niên và thiếu niên trong quá trình đời sống con người.

3. Tập khí: tức là tập quán. Những tư tưởng và hành vi của chúng ta (thường là xấu, những phiền não) luôn luôn sinh khởi, rồi huân tập vào tâm tính thành những thói quen; hoặc những tập nhiễm do sự sống gần gũi với cha mẹ, anh chị em, bà con, bạn bè, hàng xóm, xã hội, đất nước, v.v… từ lúc tấm bé; hoặc những thói tật từ bao đời trước còn ảnh hưởng lại; tất cả những thứ đó đã hun đúc, ăn sâu dần vào tâm tính chúng ta, trở thành như những thói tật tự nhiên, khiến ta có những cử chỉ vụng về không cố ý, nhưng rất khó kềm chế, khó dứt bỏ, gọi là “tập khí”. Bậc A-la-hán đoạn trừ hoàn toàn các thứ phiền não, nhưng tập khí vẫn còn. Như trong luận Đại Trí Độ ghi chép, dù đã chứng quả A-la-hán, tôn giả Xá Lợi Phất vẫn còn tập khí sân hận; tôn giả Nan Đà vẫn còn tập khí dâm dục; nhiều vị khác còn có những tập khí khác. Chỉ có Phật mới dứt trừ trọn vẹn các tập khí.

4. Kết: là một tên khác của phiền não. “Kết” nghĩa là thắt buộc, ràng buộc. Các thứ phiền não trói buộc chúng sinh trong vòng sinh tử luân hồi, cho nên được gọi là “kết”. Những thứ phiền não như tham, sân, si, kiêu mạn, nghi ngờ, ganh ghét, keo kiệt, chấp trước, v.v… đều là “kết”. “Oán kết” là phiền não oán hận, đeo dính, đóng cứng trong tâm ý, ảnh hưởng trực tiếp với tâm ý, cho nên cũng được gọi là “nội kết”.

5. Kinh điển thường trưng ra năm trường hợp điển hình cho sự mất của cải, để khuyên người Phật tử dứt bỏ lòng tham lam keo kiệt. Không có gì bảo đảm được là của cải của mình sẽ được giữ gìn cẩn thận, chắc chắn, mà bất cứ lúc nào cũng có thể bị lấy mất bởi năm trường hợp điển hình như sau: vua quan (những người có quyền thế trong chính quyền) ra lệnh trưng dụng, hay cậy quyền thế mà chiếm đoạt; giặc cướp hay kẻ trộm cắp đoạt mất; nước lụt cuốn trôi đi; hỏa hoạn cháy thiêu rụi; người thân (như vợ, chồng) bất nghĩa, hay con cháu hư hỏng, ngỗ nghịch phá tán hết sạch.

6. Trong nguyên văn bài học, tác giả dùng chữ “thê”, nghĩa là người vợ; nhưng sự “tà hạnh” đâu có phải chỉ riêng cho người chồng, mà người vợ cũng có thể có tà hạnh. Cho nên ở đây, thay vì dịch là “người vợ”, chúng tôi đã dịch là “người phối ngẫu”, có vẻ hợp lí hơn.

7. Nếu hiểu một cách sâu xa, câu này có ý nói: mỗi người đều gây nhân và chịu quả cho riêng mình; người khác không thể ảnh hưởng đến nhân quả của tự bản thân được. Cũng có thể hiểu là: nếu mình sống một đời sống chân chính, đức hạnh, thì người phối ngẫu sẽ không có lí do gì để coi thường mình được.

 

BÀI TẬP

1) Hai quả báo y và chánh, hai cảm thọ khổ và vui của tất cả chúng sinh thật muôn vàn sai khác, vì sao như vậy?

Bởi vì tâm tưởng khác nhau cho nên sự tạo nghiệp cũng khác nhau; do đó mà hai quả báo y và chánh, hai cảm thọ khổ và vui của tất cả chúng sinh thật muôn vàn sai khác.

2) Nếu đem công đức dứt trừ nghiệp sát sinh hồi hướng về quả vị vô thượng bồ đề, về sau sẽ được kết quả gì?

Nếu đem công đức dứt trừ nghiệp sát sinh hồi hướng về quả vị vô thương bồ đề, về sau sẽ thành Phật, và có được mạng sống tùy tâm, tự tại của chư Phật.

3) Nếu đem công đức dứt trừ nghiệp trộm cắp hồi hướng về quả vị vô thượng bồ đề, về sau sẽ được kết quả gì?

Nếu đem công đức dứt trừ nghiệp trộm cắp hồi hướng về quả vị vô thượng bồ đề, về sau sẽ thành Phật, và chứng được trí giác thanh tịnh rộng lớn của chư Phật.

4) Nếu đem công đức dứt trừ nghiệp tà dâm hồi hướng về quả vị vô thượng bồ đề, về sau sẽ được kết quả gì?

Nếu đem công đức dứt trừ nghiệp tà dâm hồi hướng về quả vị vô thượng bồ đề, về sau sẽ thành Phật, và có được cái tướng nam căn ẩn kín của chư Phật.

5) Nếu đem công đức dứt trừ nghiệp nói dối hồi hướng về quả vị vô thượng bồ đề, về sau sẽ được kết quả gì?

Nếu đem công đức dứt trừ nghiệp nói dối hồi hướng về quả vị vô thượng bồ đề, về sau sẽ thành Phật, và có được lời nói chân thật của chư Phật.