GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP MỘT

Bài 23
LUÂN HỒI SÁU NẺO (phần 1)

Các nẻo luân hồi(1) của tất cả chúng sinh còn chìm đắm trong phần đoạn sinh tử, không ra ngoài sáu nẻo. Nói về “luân hồi” là trình bày cái tình trạng của chúng sinh, đi rồi đến, quay đi rồi trở lại, thật giống như sự quay vòng của bánh xe, giáp vòng rồi trở lại chỗ bắt đầu, không có nơi nào mà không trải qua, cho nên gọi là “luân hồi sáu nẻo”.

Sáu nẻo (hay sáu đường) gồm có: 1) Trời, 2) Người, 3) A-tu-la, 4) Súc-sinh, 5) Ngạ-quỉ, 6) Địa- ngục; trong đó, ba nẻo trên được gọi là ba nẻo lành, vì trình độ tạo nghiệp cũng như trạng huống sinh hoạt, so ra rất tốt đẹp; ba nẻo dưới được gọi là ba nẻo dữ, vì trình độ tạo nghiệp cũng như trạng huống sinh hoạt, so ra rất nặng nề.

Trời(2) gồm có 28 tầng, trong đó, trời Tứ-vương1 ở lưng núi Tu-di(3) và trời Đao-lợi2 ở đỉnh núi Tu-di, là thuộc “trời ở cõi đất”; còn những cõi trời khác đều thuộc “trời ở cõi hư không”(4). Ở trên hai cõi trời Tứ-vương và Đao-lợi còn có các cõi Dạ-ma3, Đâu-suất4, Hóa-lạc5, và Tha-hóa-tự-tại6, đều có sự ái dục của nam nữ(5); gộp chung lại, gọi là “sáu tầng trời cõi Dục”. Ở trên nữa là các cõi trời tu tập nhiều về thiền định, không có tướng nam nữ, trong đó có ba cõi trời Sơ-thiền7, ba cõi trời Nhị-thiền8, ba cõi trời Tam-thiền9, và chín cõi trời Tứ-thiền10. Bốn tầng trời thiền(6) này, tuy đã dứt bỏ ái dục, nhưng vẫn còn có sắc thân, cho nên gọi là “mười tám tầng trời cõi Sắc”. Lại lên trên nữa là các cõi trời mà công phu thiền định càng sâu dầy hơn, và sắc thân cũng không còn, chỉ thuần có thần thức tồn tại, cho nên gọi là “bốn cõi trời Vô-sắc”, hay “bốn cõi trời Không”11(7).

A-tu-la dịch nghĩa là “vô đoan” (không đoan trang), ý nói, dung mạo của họ rất xấu xí; lại dịch là “vô tửu” (không có rượu), nghĩa là, ở nước đó nấu rượu không thành; lại dịch là “phi thiên” (không phải trời), nghĩa là, phước báo của họ thì giống như Trời, nhưng họ không có được cái đức của Trời. Nói một cách đại thể, đời trước không phá giới, thường tu hạnh bố thí, nhưng tâm sân hận không đoạn trừ được, lại thường có ác niệm, tính hay ngã mạn, cho nên phước thì giống như Trời, mà đức thì không bằng Trời. Tính tình của họ lại thích chiến đấu, thường gây chiến tranh với trời Đế Thích. Đàn ông trong nước đó thì xấu xí, nhưng đàn bà thì xinh đẹp. Cung điện của họ ở dưới biển lớn phía Bắc của núi Tu-di.

Ngạ-quỉ là những loại quỉ thường chịu đói khát, trong đó, nếu loại có chút ít uy đức thì làm thần ở chốn núi rừng hoặc gò mả, đền miếu, có thể hưởng được các phẩm vật cúng tế hay đồ ăn của người ta bỏ đi. Những loại không có uy đức thì thường không được ăn, thậm chí trong miệng vì khô khát quá mà phát ra lửa, cho nên gọi là “ngạ-quỉ”. Chủng loại của ngạ-quỉ rất nhiều, như: quỉ có nhiều của12, quỉ không có của13, quỉ cuống họng nhỏ như cây kim14, quỉ miệng lửa15, quỉ bướu lớn16, quỉ miệng hôi17, quỉ lông kim18, v.v… Nếu xét về nguyên nhân thì do kiếp trước tạo các nghiệp ác như: tính tình keo kiệt, không bố thí, phá luật nghi, phạm giới Bồ-tát19, hủy hoại niết bàn của Phật v.v… mà chiêu cảm nên.

 

CHÚ THÍCH

1. Cõi trời Tứ-vương là tầng thứ nhất của sáu tầng trời cõi Dục, nằm ở lưng núi Tu-di, gồm có bốn vị thiên vương, mỗi vị bảo hộ một châu, cho nên gọi là “bốn vị thiên vương hộ thế”: Ở phía Đông là trời Trì Quốc, phía Nam là trời Tăng Trưởng, phía Tây là trời Quảng Mục, và phía Bắc là trời Đa Văn.

2. Chữ “đao-lợi” có nghĩa là “ba-mươi-ba”. Cung điện cõi trời Đao-lợi ở trên đỉnh núi Tu-di, 4 phương, mỗi phương có 8 cung trời, ở trung ương là cung trời Đế Thích, thống quản cả 32 cung trời kia; cộng cả thảy là 33 cung trời, cho nên gọi là cõi trời Ba-mươi-ba.

3. “Dạ-ma” dịch là “thời phần”, nghĩa là tùy lúc mà thọ lạc; là tầng trời thứ ba của sáu tầng trời cõi Dục.

4. “Đâu-suất” dịch là “tri túc”, nghĩa là đối với năm thứ dục lạc, biết dừng lại khi thấy vừa đủ; là tầng trời thứ tư trong sáu tầng trời cõi Dục.

5. Tự biến hóa năm trần để tự vui thú, cho nên gọi là “Hóa-lạc”; là tầng trời thứ năm trong sáu tầng trời cõi Dục.

6. Tầng trời này không dùng những thú vui do tự mình biến hóa, mà chỉ mượn những thú vui do tầng trời phía dưới (Hóa-lạc) tạo ra để vui chơi tự tại, cho nên gọi là “Tha-hóa-tự-tại”; là tầng trời cao nhất trong sáu tầng trời cõi Dục. Ma vương trong tầng trời này cùng với trời Ma-hê-thủ-la của cõi Sắc, đều là các thiên ma phá hoại chánh pháp.

7. Trong tâm thanh tịnh, các lậu hoặc không dấy động, gọi là “Sơ-thiền”; gồm ba cõi trời: Phạm-chúng, Phạm-phụ và Đại-phạm. Ba cõi trời này không còn phải ăn nắm vắt (đoàn thực), cho nên không có hai thức mũi và lưỡi; chỉ có lạc thọ tương ưng với ba thức mắt, tai, thân, và hỉ thọ tương ưng với ý thức.

8. Trong tâm thanh tịnh, các lậu hoặc thô phù đã bị điều phục, gọi là “Nhị-thiền”; gồm ba cõi trời: Thiểu-quang, Vô-lượng-quang và Quang-âm. Ba cõi trời này không có năm thức trước (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân), chỉ có ý thức mà thôi; do đó, chỉ có hai loại cảm thọ hỉ và xả tương ưng với ý thức.

9. Trong tâm an ổn, niềm hoan hỉ đầy đủ, gọi là “Tam-thiền”; gồm ba cõi trời: Thiểu-tịnh, Vô-lượngtịnh và Biến-tịnh. Thức và cảm thọ của ba cõi trời này cũng giống như ở tầng Nhị-thiền, nhưng niềm vui thì tinh tế hơn.

10. Tầng trời này không có năm thức trước, cũng không có hỉ thọ, chỉ có xả thọ tương ưng với ý thức, gọi là “Tứ- thiền”; gồm có chín cõi trời: Vô-vân, Phước-sinh, Quảng-quả, Vô-tưởng, Vô-phiền, Vô-nhiệt, Thiện-kiến, Thiện-hiện, và Sắc-cứu-cánh.

11. Bốn tầng trời này chỉ có sắc là quả của định, chứ không có sắc là quả của nghiệp, cho nên không có thân bằng hình chất. Chánh báo đã không có uẩn sắc thì y báo cũng không có quốc độ và cung điện, cho nên gọi là cõi “Vô-sắc”, hoặc trời “Không-xứ”; gồm có: Không-vô-biên, Thức-vô-biên, Vô-sở-hữu, và Phi- tưởng-phi-phi-tưởng.

12. Được ăn uống tương đối nhiều, gọi là quỉ có nhiều của.

13. Không được ăn uống gọi là quỉ không có của.

14. Bụng lớn như núi, cổ nhỏ như mũi kim, một giọt nước cũng không uống được, gọi là quỉ cổ nhỏ như mũi kim.

15. Miệng phun ra lửa, gọi là quỉ miệng lửa.

16. Trên đầu có bướu lớn, chảy ra mủ tanh hôi, hứng lấy mà ăn đỡ đói, gọi là quỉ bướu lớn.

17. Miệng thường hôi thúi, ăn uống khó nuốt trôi, đói khát quay quắt, gọi là quỉ miệng hôi.

18. Lông bụng như kim, tự đâm xuyên vào thân thể, đau đớn như bị trúng tên, bắt phải chạy nhảy bấn loạn, thường ăn chút ít vật dơ dáy cho đỡ đói, gọi là quỉ lông kim.

19. Giới luật của Bồ-tát tăng gọi là “Bồ-tát giới”. Theo kinh Phạm Võng (phẩm “Tâm Địa Bồ Tát”), giới tướng của chúng Bồ-tát xuất gia gồm có 10 giới trọng và 48 giới khinh. Theo kinh Ưu Bà Tắc Giới (phẩm “Thọ Giới”), giới tướng của chúng Bồ-tát tại gia gồm có 6 giới trọng và 28 giới khinh.

 

PHỤ CHÚ

1. Luân hồi: là dịch từ tiếng Phạn “samsara”. Các từ đồng nghĩa của nó là: sinh tử, sinh tử luân hồi, sinh tử tương tục, lưu chuyển, luân chuyển. “Luân hồi” nguyên là một trong những giáo nghĩa chủ yếu của đạo Bà la môn vào thời cổ Ấn-độ. Về sau Phật giáo đã phát triển giáo nghĩa này và làm thành một giáo lí chủ yếu của mình. Như vậy, Bà la môn giáo và Phật giáo đều có giáo lí về “luân hồi”, nhưng nội dung của giáo lí ấy hoàn toàn khác nhau giữa hai tôn giáo. Giáo nghĩa “luân hồi” trong đạo Bà la môn nêu rõ rằng, bốn chủng tộc và dân hạ tiện trong xã hội Ấn-độ sẽ đời đời kiếp kiếp vẫn ở chủng tộc của họ, không hề thay đổi; có nghĩa, ai đã sinh trong chủng tộc Bà la môn, thì đời đời kiếp kiếp về sau cũng sẽ sinh trở lại trong chủng tộc Bà la môn; ai đã sinh trong dòng giống hạ tiện, thì đời đời kiếp kiếp về sau vẫn sinh trở lại trong dòng giống hạ tiện, không thay đổi. Trong khi đó, giáo lí “luân hồi” trong đạo Phật dạy rằng, trước nghiệp báo, mọi chúng sinh đều bình đẳng. Dù là dân hạ tiện ở đời này, nhưng biết tu tập nghiệp lành, thì ở kiếp lai sinh sẽ nhờ quả báo tốt mà sinh vào các dòng tộc cao cấp trong xã hội; thậm chí có thể sinh lên các cõi trời. Ngược lại, dù là ở chủng tộc cao quí trong đời này, mà chỉ chuyên tạo nghiệp ác, thì trong kiếp lai sinh tất sẽ sinh vào các dòng tộc hèn hạ, thậm chí có thể sa vào các chốn đau khổ cùng cực như địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh. Đặc biệt hơn nữa, đạo Phật dùng giáo lí “luân hồi” để nói lên tính chất của đời sống trong hai phương diện: đạo đức và lí thể. Về phương diện “đạo đức”, giáo lí luân hồi chỉ rõ rằng, vì chúng sinh bị các thứ phiền não độc hại như tham, sân si, v.v… ràng buộc, khiến tạo nên các nghiệp nhân đau khổ, nên cứ phải nhận chịu các nghiệp quả đau khổ nơi các cảnh giới đau khổ (tức ba cõi, hay sáu đường), đời đời kiếp kiếp, không thoát khỏi được. Nếu muốn thoát ra khỏi cái vòng khổ đau đó (tức ba cõi, hay sáu đường), chúng sinh phải biết hồi tâm tu tập, phải dứt trừ sạch hết vô minh phiền não. Được như vậy thì sự luân hồi tức khắc chấm dứt. Về phương diện “lí thể”, giáo lí luân hồi chỉ rõ cho mọi người thấy vạn pháp là bất sinh bất diệt, nhưng luôn luôn biến đổi không ngừng. Sự sinh tử (hay sinh diệt) xảy ra trong từng sát na ở trong con người và cả vạn vật, vậy mà xưa nay chưa hề có cái gì sinh ra và cái gì mất đi – chỉ là “lẩn quẩn” từ hình thức này sang hình thức khác mà thôi. Tóm lại, “luân hồi” là một trong các giáo lí căn bản của Phật giáo, được lấy từ trong giáo lí Bà la môn giáo, nhưng đã phát triển thành một chân lí, dùng để tu tập tiến đến giải thoát giác ngộ; trong khi đó, “luân hồi” trong Bà la môn giáo chỉ là một tín điều vô căn cứ (cuồng tín), một công cụ mà các giáo sĩ Bà la môn dùng để áp chế dân chúng mà thôi.

2. Thiên (Trời): là tiếng dịch nghĩa từ Phạn ngữ “deva-loka”. Những từ đồng nghĩa của nó là thiên thượng, thiên đạo, thiên thú, hay thiên giới; dùng chỉ cho cảnh giới của các vị trời cư trú. “Trời” là loài hữu tình cao cấp nhất trong sáu đường (hay ba cõi), mà thông tục thường gọi là “thần” hay “tiên”. Nếu chỉ cho tự thể của loại hữu tình này thì gọi là “thiên nhân” (số ít), hay thiên chúng, thiên bộ, chư thiên (số nhiều). “Trời” vốn là một thứ tín ngưỡng dân gian rất xưa ở Ấn-độ, nhưng đã không có quan niệm rõ ràng nào về sự khác biệt hay tầng bậc cao thấp của các trời. Khi đạo Phật xuất hiện, nó được dùng trong hệ thống vũ trụ quan của Phật giáo.

Theo kinh luận ghi chép, thế giới của trời ở thật xa đối với cõi người. Từ dưới lên trên, theo thứ tự, có: trời Tứ-vương, trời Đao-lợi, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất, trời Hóa-lạc, trời Tha-hóa-tự-tại. Sáu từng trời này thuộc về cõi Dục, nên gọi là “Lục Dục thiên”. Trên nữa là bốn tầng trời Thiền của cõi Sắc –gọi là “Tứ Thiền thiên”. Thấp nhất là tầng Sơ-thiền, có ba cõi: trời Phạm-chúng, trời Phạm-phụ, trời Đạiphạm; tiếp đến là tầng Nhị- thiền, có ba cõi: trời Thiểu-quang, trời Vô-lượng-quang, trời Cực-quang; cao hơn là tầng Tam-thiền, có ba cõi: trời Thiếu-tịnh, trời Vô-lượng-tịnh, trời Biến-tịnh; cao nhất là tầng Tứthiền, có chín cõi: trời Vô-vân, trời Phúc-sinh, trời Quảng-quả, trời Vô-tưởng, trời Vô-phiền, trời Vônhiệt, trời Thiện-hiện, trời Thiện-kiến, trời Sắc-cứu-cánh; cộng chung tất cả là mười tám cõi trời Sắc giới. –Về danh số các cõi trời Sắc giới, nhiều kinh luận liệt kê khác nhau: có chỗ nói tổng cộng là 22 cõi trời, có chỗ nói 21, hoăc 17, hay 16.– Ngoài ra còn có bốn cõi trời thuộc Vô-sắc giới: trời Không-vôbiên-xứ, trời Thức-vô-biên-xứ, trời Vô-sở-hữu-xứ và trời Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ.

Các cõi trời Dục giới, vì còn có dâm dục, nên có tướng nam và tướng nữ (thiên nữ); các cõi trời Sắc giới không còn dâm dục, cho nên không có hai tướng nam và nữ. Các cõi trời Tứ-vương và Đao-lợi ở ngay trên núi Tu-di, cho nên gọi là “địa cư thiên”; các cõi trời từ Dạ-ma trở lên đều ở trên không trung, cho nên gọi là “không cư thiên”. Riêng bốn cõi trời Không, vì siêu việt vật chất, nên không bám víu vào đâu, không có trụ xứ nhất định.

Kinh Niết Bàn lại nêu ra bốn loại trời: 1. Thế thiên: Tất cả các vị quốc vương của các quốc độ trong khắp mười phương, tuy làm người ở thế gian, nhưng hưởng được các phước báo giống như chư thiên, nên được gọi là trời ở thế gian. 2. Sinh thiên: Tất cả chúng sinh biết hành trì năm giới và mười điều lành làm nghiệp nhân, để rồi sẽ được sinh lên các cõi trời Dục giới, Sắc giới hay Vô-sắc giới. 3. Tịnh thiên: Các hành giả Thanh-văn và Duyên-giác đoạn trừ sạch hết phiền não, đạt được thần thông, biến hóa tự tại, thanh tịnh, không còn ô nhiễm. 4. Nghĩa thiên: Các hành giả Bồ-tát thừa ở cấp Mười-trụ đã hiểu rõ yếu nghĩa của vạn pháp, gọi là Nghĩa thiên.

Chư thiên, khi thọ mạng sắp hết, thân thể sẽ hiện ra năm tướng suy hoại: y phục tự nhiên trở nên dơ bẩn; mũ hoa trên đầu khô héo; thân thể phát ra mùi hôi; thường ra mồ hôi nách; thường thấy không an vui trong địa vị của mình.

Nói chung, theo tinh thần kinh điển, TRỜI là loài hữu tình có phước báo cao nhất, có đời sống sung sướng và lâu dài nhất, ít đau khổ nhất trong các loài hữu tình đang luân chuyển trong sáu đường. Những chúng sinh đó, tùy theo phước báo nhiều ít, họ có thể sống ở những thế giới riêng phù hợp với chánh báo của họ; hoặc sống chung trong thế giới loài người nhưng không phải chịu đựng những nỗi đau khổ to lớn như loài người phải chịu đựng. Loài hữu tình này, trong khi hưởng phước báo, nếu biết tu tập, có thể đạt đến đạo quả giải thoát, chấm dứt sinh tử luân hồi; hay ít ra thì cũng được tiếp tục hưởng phước báo ấy. Nếu không tu tập, lại tạo nghiệp ác, tất sẽ bị đọa lạc sau khi phước báo đã hết.

Giáo pháp dạy cách tu nhân để được sinh về các cảnh giới của trời thì gọi là “thiên thừa”. Phật pháp ở buổi đầu, đối với tín đồ tại gia, lấy cái đích “sinh thiên” làm chủ yếu; tức là, con người biết sống theo đạo đức, bỏ hết mọi điều ác, chuyên làm các việc lành (nói chung là mười điều lành), thì sẽ được sinh lên các cõi trời. Thí Luận, Giới Luận và Sinh Thiên Luận, được coi là ba bộ luận đặc biệt dành cho giới cư sĩ tại gia.

3. Núi Tu-di (Tu-di sơn): “Tu-di” là dịch âm từ Phạn ngữ “Sumeru”, dịch nghĩa ra Hán ngữ là “diệu cao”, “diệu quang”, “thiện tích”, v.v… “Tu-di” nguyên là tên một ngọn núi trong thần thoại Ấn-độ, Phật giáo đã lấy nó đặt vào trong vũ trụ quan của mình, và coi nó là ngọn núi cao vót, đứng sừng sững ở địa vị trung ương của một tiểu thế giới. Lấy núi này làm trung tâm, với tám núi lớn và tám biển lớn thứ lớp bao bọc chung quanh, làm thành một thế giới (cũng được gọi là thế giới Tu-di). Vũ trụ quan Phật giáo nói rằng, vũ trụ là do vô số thế giới cấu thành. Cứ một ngàn thế giới là một “tiểu thiên thế giới”; một ngàn tiểu thiên thế giới là một “trung thiên thế giới”; một ngàn trung thiên thế giới là một “đại thiên thế giới”; hợp tiểu thiên, trung thiên và đại thiên lại, gọi là “ba ngàn đại thiên thế giới” (tam thiên đại thiên thế giới). Đó là cảnh giới giáo hóa của một đức Phật.

4. Địa cư thiên: Trong sáu tầng trời Dục giới thì hai tầng trời Tứ-vương và Đạo-lợi trụ ở núi Tu-di. Núi này ở đại địa, cho nên hai tầng trời trên được gọi là “địa cư thiên” (trời ở cõi đất). Trong khi đó, bốn tầng trời còn lại từ trời Dạ-ma trở lên, vì trụ trên hư không, cho nên được gọi là “không cư thiên” (trời ở trên hư không).

5. Ái dục cõi trời: Sáu cõi trời thuộc Dục giới vẫn còn dâm dục, nên vẫn có hai tướng nam và nữ. Theo kinh điển ghi chép, các cõi trời Tứ-vương và Đao-lợi hành dâm giống như loài người; trời Dạ-ma hành dâm bằng cách cầm tay nhau; trời Đâu-suất thì nghĩ tưởng đến nhau; trời Hóa-lạc thì nhìn chăm chú vào nhau; trời Tha-hóa-tự-tại thì nói với nhau.

6. Bốn cõi trời Thiền (Tứ Thiền thiên): Đây là bốn tầng trời cõi Sắc, là phước báo của công phu tu tập bốn thiền định căn bản. “Thiền” là tiếng nói tắt của từ “thiền-na”, phiên âm từ Phạn ngữ “dhyana”, Hán ngữ dịch là “tĩnh lự”, nghĩa là: giữ tâm hoàn toàn tĩnh lặng để suy tìm chân lí, nhờ đó mà có được cái thấy như thật. Bốn cõi trời Thiền gồm có: cõi Sơ-thiền, cõi Nhị-thiền, cõi Tam-thiền và cõi Tứ-thiền. Bốn cõi này đã rời xa hẳn các loại cảm thọ của Dục giới, chỉ tương ưng với các loại quán tưởng và cảm thọ của Sắc giới mà thôi. Từ Sơ-thiền cho đến Tứ-thiền, các hoạt động tâm lí tuần tự phát triển, và hình thành cái thế giới tinh thần khác biệt nhau. Trời Sơ-thiền, vì đã lìa bỏ những pháp bất thiện của cõi Dục, nên có được cái cảm thọ hỉ và lạc của người vừa được thoát li khỏi cõi Dục (li sinh hỉ lạc); tuy nhiên, họ vẫn còn có hai tâm sở “tầm” (suy tưởng phân biệt ở mức độ thô thiển) và “từ” (suy tưởng phân biệt ở mức độ vi tế) hoạt động, cho nên còn cần phải đoạn diệt. Chúng sinh ở cõi này, vì không còn ăn uống giống như ở nhân gian, cho nên trong sáu thức, chỉ có bốn thức nhãn, nhĩ, thân và ý hoạt động, không có tị thức và thiệt thức. Trời Nhị-thiền, hai tâm sở “tầm” và “từ” đã đoạn diệt, tâm thanh tịnh, cảm thọ hỉ lạc có được là do từ công phu thiền định của tự thân mà sinh ra (định sinh hỉ lạc). Chúng sinh ở cõi này, năm thức trước đều không hoạt động, chỉ còn có ý thức hiện khởi mà thôi. Trời Tam-thiền xả bỏ hết các cảm thọ hỉ lạc của cõi Nhị-thiền, thường trú trong cảnh giới “không khổ không vui” (hành xả), dùng chánh niệm và chánh kiến tiếp tục tu tập mà có được niềm vui vi diệu (li hỉ diệu lạc). Chúng sinh ở cõi này cũng chỉ có ý thức hoạt động. Trời Tứ-thiền xả bỏ niềm vui vi diệu (diệu lạc) của Tam-thiền, gọi là “xả thanh tịnh”; chỉ nghĩ nhớ đến công đức tu dưỡng, gọi là “niệm thanh tịnh” (gồm chung lại gọi là “xả niệm thanh tịnh”). Chúng sinh ở cõi này chỉ có ý thức hoạt động, thường trú trong cảnh giới không khổ không vui (xả thọ). Bốn loại thiền định trên là chỗ nương tựa của mọi công đức. Trong lịch sử tôn giáo Ấn-độ, thiền định là một pháp môn tu tập trọng yếu trải qua các thời đại. Chính đức Thế Tôn cũng nhờ phát huy pháp môn này đến chỗ tối thượng mà đạt đại giác ngộ; rồi trong suốt thời gian tại thế hoằng dương giáo hóa, không lúc nào Ngài rời khỏi thiền định; cho đến lúc lìa bỏ nhục thân, Ngài vẫn vận dụng “tứ thiền định” này để nhập niết bàn. Bởi vậy, bốn loại thiền định này được gọi là “thiền định căn bản” (căn bản định). Các cõi trời Sắc giới là phước báo của những chúng sinh tu tập bốn thứ thiền định căn bản này. Bốn cõi trời Thiền này cũng tức là “bốn địa” trong chín địa (phân chia ra từ ba cõi), gọi là: Li-sinh-hỉlạc địa, Định-sinh-hỉ-lạc địa, Li-hỉ-diệu-lạc địa, và Xả-niệm-thanh-tịnh địa.

7. Cõi Vô-sắc (Vô-sắc giới): Đây là thế giới siêu việt vật chất, không còn bị vật chất ràng buộc, không có sự phân biệt cao thấp trong không gian, là cảnh giới của những người đã tu tập và chứng đắc bốn Vôsắc định. Chúng sinh ở cảnh giới này cũng hoàn toàn không có sắc pháp, nhưng tùy theo phước báo hơn kém mà phân làm bốn bậc: Không-vô-biên-xứ, Thức-vô-biên-xứ, Vô-sở-hữu-xứ, và Phi-tưởng-phi-phitưởng-xứ; gọi chung là Bốn cõi trời Không, hay Bốn cõi trời Vô-sắc. Nếu phân ba cõi ra làm chín địa (cửu địa), thì bốn cõi trời này là bốn địa sau cùng, tức là Không-vô-biên-xứ địa, Thức-vô-biên-xứ địa, Vô-sở-hữu-xứ địa, và Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ địa. Để đạt tới bốn cảnh giới Vô-sắc này, phải tu tập bốn loại thiền định Vô-sắc, tức là các thứ thiền định dùng đối trị với sự ràng buộc của vật chất, diệt trừ tất cả mọi tư tưởng và cảm thọ đối với ngoại cảnh, đạt đến cảnh giới tinh thần hoàn toàn tịch tĩnh, thanh tịnh, vô nhiễm. 1) Định Không-vô-biên-xứ: Loại định này vượt khỏi cõi Tứ-thiền của Sắc giới, diệt trừ tất cả mọi tư tưởng làm chướng ngại cho thiền định, và tư duy về cái tướng không giới hạn của không gian, và đồng nhất mình với không gian vô hạn đó. 2) Định Thức-vô-biên-xứ: Vượt khỏi định Không-vôbiên-xứ, tư duy về cái tướng không giới hạn của tâm thức, và đồng nhất mình với tâm thức không giới hạn đó. 3) Định Vô-sở-hữu-xứ: Vượt khỏi định Thức-vô-biên-xứ, tư duy về cái tướng vô-sở-hữu (không còn có bất cứ một hiện tượng gì) của vạn pháp, và an trú trong trạng thái thiền định đó. 4) Định Phitưởng-phi-phi-tưởng-xứ: Vượt khỏi định Vô-sở-hữu-xứ, tư duy về cái tướng không có tri giác mà cũng không phải là không có tri giác, và an trú trong trạng thái thiền định đó. Bốn thứ định Vô-sắc này, mỗi thứ đều có hai tình trạng: a) Những chúng sinh do tu nhân lành ở đời trước mà được sinh lên các cõi trời Vô-sắc, thì ngay lúc đó định tâm hiện tiền, gọi là “sinh vô sắc”; b) Những chúng sinh tuy thân đang ở cõi Dục, nhưng do tu tập mà chứng được định Vô-sắc, gọi là “định vô sắc”.

 

 BÀI TẬP

1) Ba đường lành là ba đường nào? Vì sao gọi là đường lành? Ba đường dữ là ba đường nào? Vì sao gọi là đường dữ?

Ba đường lành là Trời, Người và A-tu-la. Ba đường này được gọi là lành, vì so với ba đường dưới thì trình độ tạo nghiệp nhẹ nhàng hơn, tình trạng đời sống tốt đẹp hơn. Ba đường dữ là Súc-sinh, Ngạ-quỉ và Địa-ngục. Ba đường này được gọi là dữ, vì so với ba đường trên kia thì trình độ tạo nghiệp nặng nề hơn, tình trạng đời sống đau khổ hơn.

2) Trời có cả thảy bao nhiêu tầng? Trong đó, trời cõi Dục có bao nhiêu? Trời cõi Sắc có bao nhiêu? Trời cõi Vô-sắc có bao nhiêu?

Trời có cả thảy 28 tầng, trong đó, cõi Dục có 6 tầng, cõi Sắc có 18 tầng, cõi Vôsắc có 4 tầng.

3) Sao gọi là trời ở cõi đất? Có mấy tầng? Hãy giải thích hai chữ “Đao-lợi”.

Trời ở cõi đất (địa cư thiên) có 2 tầng: trời Tứ-vương và trời Đao-lợi. Sở dĩ gọi là “trời ở cõi đất” là vì hai tầng trời này đều trụ tại núi Tu-di, thuộc cõi đất: Trời Tứ-vương thì ở lưng núi Tu-di, còn trời Đao-lợi thì ở trên đỉnh núi Tu-di. Hai chữ “Đao-lợi” nghĩa là ba mươi ba; tức là tầng trời này gồm có 33 cõi trời, chia ra: cung trời Đế Thích ở trung ương, thống lãnh 4 phương, mỗi phương có 8 cõi trời.

4) Thế nào là cõi Dục, cõi Sắc, và cõi Vô-sắc?

Cõi Dục là cõi của các loài chúng sinh có đời sống ái dục giữa nam và nữ, đực và cái, trống và mái. Cõi Sắc là cõi của các chúng sinh tuy có sắc thân nhưng chuyên tu thiền định, không có sự ái dục, không có tướng nam nữ khác biệt như ở cõi Dục. Cõi Vô-sắc là cõi siêu vật chất, chúng sinh không còn có sắc thân, chỉ có thần thức tồn tại, công phu thiền định cao sâu.

5) Loài ngạ quỉ, đời trước đã tạo nghiệp gì để đến nỗi như vậy?

Sở dĩ bị đọa lạc vào đường Ngạ-quỉ là vì đời trước tính tình keo kiệt, ích kỉ, không bố thí, phạm giới Bồ-tát, phá luật nghi v.v…