GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP MỘT

Bài 21
QUAY VỀ NƯƠNG TỰA BA NGÔI BÁU

Nhà Phật xưng Phật, Pháp, TăngBa Ngôi Báu. Ba Ngôi Báu này đã được thành lập ngay sau khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni độ cho năm vị tì kheo2 tại vườn Lộc-dã1. Lúc bấy giờ đức Thích Tôn là Phật bảo, giáo lí tứ đế là Pháp bảo, và năm vị tì kheo là Tăng bảo; đó là “hóa tướng Tam Bảo”, nghĩa là cái tướng trạng giáo hóa chúng sinh của đức Phật. “Hóa tướng Tam Bảo” cũng gọi là “biệt thể Tam Bảo”, hay “chân thật Tam Bảo”(1), mà quan điểm của đại thừa và tiểu thừa có chỗ khác nhau: Đại thừa thì cho rằng ba thân của Phật3 là Phật bảo, pháp môn sáu pháp qua bờ là Pháp bảo, và mười bậc thánh4 là Tăng bảo; còn tiểu thừa thì cho rằng đức Phật với ứng thân một trượng sáu5 là Phật bảo, các pháp môn bốn sự thật và mười hai nhân duyên là Pháp bảo, và các hàng Thanh-văn, Duyên-giác là Tăng bảo.

Sau khi đức Phật nhập diệt, phạm âm6 chìm lắng, thánh tăng dần dần tàn lụi, hóa tướng Tam Bảo không còn nhìn thấy nữa. Do đó mới lấy các bức tượng bằng đất, gỗ hay giấy làm Phật bảo, ba tạng Kinh Luật Luận làm Pháp bảo, chư vị tì kheo thọ giới cụ túc làm Tăng bảo; đó tức là “trụ trì Tam Bảo”(2).

Nếu nói theo nghĩa rộng, tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, đó tức là Phật bảo. Trong Phật tánh đã có đầy đủ tất cả các pháp trong sạch, đó tức là Pháp bảo. Phật tánh có nghĩa là không sai trái, không tranh cãi, đó tức là Tăng bảo. Đây gọi là “lí thể Tam Bảo”(3). Lại nữa, trong chữ “Phật” có bao hàm cái nghĩa hiểu biết và soi tỏ, đó là Phật bảo; có bao hàm cái nghĩa nền nếp, phép tắc, đó là Pháp bảo; có bao hàm cái nghĩa không có lỗi sai trái và tranh cãi, đó là Tăng bảo. “Pháp” là pháp thân của Phật, tức là Phật bảo; nhờ đó mà thoát khỏi ba cõi, chứng niết bàn, đó là Pháp bảo; y nơi pháp mà tu hành, đó là Tăng bảo. “Tăng” có đầy đủ trí tuệ quán chiếu, tức là Phật bảo; có đầy đủ nền nếp phép tắc, tức là Pháp bảo; có đầy đủ hòa kính, đó là Tăng bảo. Đây gọi là “nhất thể Tam Bảo”, hay “đồng thể Tam Bảo”, hoặc “đồng tướng Tam Bảo”(4), nghĩa là mỗi Ngôi Báu trong Ba Ngôi Báu đều có ý nghĩa đầy đủ, trọn vẹn của cả ba Ngôi Báu.

“Qui y” là ý nói qui thuận và nương tựa. Người mới học Phật lòng tin chưa vững chắc, năng lực chưa dồi dào, cần phải quay về nương tựa Ba Ngôi Báu để được giúp đỡ, mới có thể thành tựu đạo nghiệp. Đó là ý nghĩa cùng công hiệu của sự “qui y”. “Qui y” lại có nghĩa là quay trở về, tức là từ vô thỉ7 đến nay, vì đã xoay lưng bỏ Ba Ngôi Báu mà đi, để phải chịu thống khổ trong vòng luân hồi, nay biết rõ lỗi lầm ngày trước, tự mình phải chuyển hướng về Ba Ngôi Báu, mới có thể vượt thoát dòng sinh tử.

Đệ tử Phật, sau khi qui y Tam Bảo mới chính thức là tín đồ của Phật giáo; vì vậy, ba sự quay về nương tựa còn có tác dụng làm cho chính đáng danh nghĩa và xác định thân phận(5). “Quay về nương tựa Phật” tức là quay về nương tựa với tất cả chư Phật, chứ không giới hạn ở một đức phật nào. “Quay về nương tựa Pháp” tức là quay về nương tựa với tất cả Kinh Luật Luận trong nhà Phật, chứ không giới hạn ở một pháp môn nào. “Quay về nương tựa Tăng” tức là quay về nương tựa với tất cả từ trên các bậc hiền thánh tăng, dưới đến quí vị phàm phu tăng, chứ không giới hạn ở một vị tì kheo nào. Sau khi thọ nhận ba sự quay về nương tựa, người Phật tử vĩnh viễn tôn Phật làm thầy, không bao giờ quay sang nương tựa nơi thiên ma9, ngoại đạo8; tôn Pháp làm thầy, không bao giờ quay sang nương tựa nơi tà giáo ngoại đạo; tôn Tăng làm thầy, không bao giờ quay sang nương tựa nơi đồ chúng các tôn giáo khác. Nếu gìn giữ mãi mãi đức tin này mà không thay đổi, trong khắp các đời vị lai sẽ luôn luôn được gần gũi Tam Bảo, hằng ở trong chánh đạo.

 

CHÚ THÍCH

1. Xin xem lại chú thích số 1, bài 17.

2. Xin xem lại chú thích số 2, bài 17.

3. Ba thân của Phật là pháp thân, báo thân và ứng thân.

4. Xin xem lại chú thích số 7, bài 14.

5. Đức Như Lai đã vì các hàng Nhị-thừa, Bồ-tát Địa-tiền và phàm phu mà thị hiện ứng thân yếu kém, cao một trượng sáu thước, là thân lượng thông thường của Phật ứng hóa. Khi đức Thích Tôn trụ thế, Ngài đã ứng hiện kim thân một trượng sáu.

6. Âm thanh của Phật có năm tướng trong sạch: chính trực, hòa nhã, trong suốt, sâu sắc tròn đầy (từ Hán ngữ là “thâm mãn”, tác giả viết là “thanh mãn”, không đúng. – HC), nghe xa cùng khắp; đó là “phạm âm”, là một trong 32 tướng của đức Phật.

7. Các pháp đều do nhân duyên sinh, trước nhân này lại có nhân khác, cứ lần dò truy cứu mãi để tìm cái nhân đầu tiên của tất cả chúng sinh và vạn pháp thì không thể tìm được, cho nên gọi là “vô thỉ” – tức chỉ cho thời gian cách nay rất xa.

8. “Ngoại đạo” tức là các đạo giáo được thành lập ngoài đạo Phật, cũng tức là các thứ tà giáo đứng ngoài chân lí.

9. “Thiên ma” tức ma vương Ba-tuần ở cõi trời thứ sáu (tức cõi trời Tha-hóa-tự-tại của cõi Dục – HC), có vô số quyến thuộc, thường gây chướng ngại cho những người tu hành theo đạo giác ngộ.

 

PHỤ CHÚ

1. Ba Ngôi Báu Phật, Pháp và Tăng, mỗi Ngôi Báu đều có tướng trạng khác nhau: Phật là bậc có tư cách và phẩm hạnh cao thượng, trải một thời gian tu hành đã thành bậc đại giác, chấm dứt sinh tử luân hồi; Pháp là tất cả những giáo pháp của Phật đã nói ra trong suốt thời gian tại thế, nhằm xiển dương các chân lí mà Ngài đã khám phá; Tăng là tất cả đồ chúng nguyện tu tập theo giáo pháp của Phật. Vì Ba Ngôi Báu, mỗi Ngôi Báu đều có tướng trạng khác nhau như thế, cho nên gọi là “biệt thể Tam Bảo” hay “biệt tướng Tam Bảo”. Bản chất của Ba Ngôi Báu là trong sạch, sáng suốt, dứt tuyệt phiền não, phá tan vô minh, giải thoát sinh tử luân hồi, cho nên gọi là “chân thật Tam Bảo”.

2. Các hình tượng (Phật), ba tạng giáo điển Kinh Luật Luận (Pháp), và tập thể những người tu học và xiển dương Phật pháp (Tăng), là Ba Ngôi Báu ở thế gian trong thời không có Phật tại thế, có năng lực duy trì và lưu truyền Phật pháp từ thế hệ này sang thế hệ khác, gọi là “trụ trì Tam Bảo” hay “thế gian trụ trì Tam Bảo”.

3. Đứng về thể tánh chân lí, hễ nói đến “chúng sinh” là liền có đủ cả ba ngôi báu Phật, Pháp và Tăng, đó gọi là “lí thể Tam Bảo”.

4. Nói về ý nghĩa cùng bản chất, tuy ba ngôi báu Phật, Pháp và Tăng có ba tên khác nhau, nhưng thể tánh thì chỉ là một: Trong mỗi ngôi báu Phật, Pháp hay Tăng đều có đầy đủ cả ba ngôi báu. Đó gọi là “nhất thể Tam Bảo”, hay “đồng thể Tam Bảo”, hoặc “đồng tướng Tam Bảo”.

5. Từ Hán ngữ “chính danh” nghĩa là đúng với danh phận. Thầy thì sống, xử sự đúng với cương vị bậc thầy; trò thì sống, xử sự đúng với cương vị học trò; tì kheo thì sống, xử sự đúng với cương vị một vị tì kheo; sa di thì sống, xử sự đúng với cương vị một vị sa di; v.v… Như thế gọi là “chính danh”. “Định Phận” nghĩa là thân phận được xác định rõ ràng, không mập mờ. Muốn trở thành một Phật tử thì điều kiện thiết yếu đầu tiên phải là “qui y Tam Bảo”. Chỉ có hành động “qui y Tam Bảo” mới xác định thân phận mình là một Phật tử chính thức – tức là “định phận”; và cũng chỉ có hành động “qui y Tam Bảo” mới chứng minh được cái danh nghĩa Phật tử của mìn tức là “chính danh”.

 

BÀI TẬP

1) Thời đức Thích Tôn trụ thế, Ba Ngôi Báu đầu tiên được thành lập vào lúc nào?

Thời đức Thích Tôn còn trụ thế, Ba Ngôi Báu được thành lập đầu tiên lúc đức Thích Tôn độ cho năm vị tì kheo nhóm Kiều Trần Như tại vườn Lộc-dã.

2) Đại thừa coi những gì là Ba Ngôi Báu? Tiểu thừa coi những gì là Ba Ngôi Báu?

Đối với đại thừa, Ba Ngôi Báu gồm có: ba thân của Phật là Phật bảo; giáo pháp sáu pháp qua bờ là Pháp bảo; mười hàng thánh là Tăng bảo. Đối với tiểu thừa, Ba Ngôi Báu gồm có: ứng thân của Phật là Phật bảo; các giáo pháp bốn sự thật và mười hai nhân duyên là Pháp bảo; các hàng Thanh-văn, Duyên-giác là Tăng bảo.

3) Sau khi Phật diệt độ, “trụ trì Tam Bảo” là gì?

Sau khi Phật diệt độ, tăng tín đồ Phật giáo coi các tượng Phật bằng gỗ, đất, giấy v.v… là Phật bảo; ba tạng giáo điển Kinh Luật Luận là Pháp bảo; chư vị tì kheo là Tăng bảo – và được gọi là “trụ trì Tam Bảo”.

4) Ý nghĩa và công hiệu của việc “qui y Tam Bảo” là gì?

“Qui y” nghĩa là quay về nương tựa. Người phàm phu vì bị vô minh che lấp, nên từ lâu đã bị lầm đường lạc lối, nay nhờ phước duyên gặp được Phật pháp, phát tâm tu học, đó là có sự chuyển hóa tốt. Nhưng điều cốt yếu trước tiên là phải “qui y Tam Bảo” để chính thức trở thành người Phật tử chân chánh, thì mới được gần gũi Tam Bảo, được dạy dỗ, hướng dẫn tu tập; nhờ đó mà đạo nghiệp mới mong thành tựu viên mãn. Đó là ý nghĩa và công hiệu của việc “qui y Tam Bảo”.

5) Việc qui y Tam Bảo có tác dụng làm cho “chính danh” và “định phận”, ý nghĩa đó nằm ở chỗ nào?

Hành động qui y Tam Bảo có tác dụng làm cho người Phật tử được “chính danh” và “định phận”; bởi vì, chỉ sau khi đã qui y Tam Bảo thì người Phật tử mới được công nhận là Phật tử chính thức, trên danh nghĩa cũng như trong thân phận. Với danh nghĩa và thân phận một Phật tử chính đáng, kể từ lúc đó, người Phật tử sẽ tôn kính chư Phật làm bậc Thầy cao tột, vĩnh viễn không nương tựa nơi bất cứ vị trời, thần, ma quỉ nào khác; sẽ tu học theo vô lượng pháp môn của chư Phật, vĩnh viễn không nghe theo các thứ tà giáo và ngoại đạo; sẽ y chỉ nơi chư tăng làm đạo sư thân cận, vĩnh viễn không kết phe đảng hay bè bạn với những kẻ xấu xa, bạo ác, vô lương, bất chánh.

 

Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 19, 20 và 21

1. Tất cả mọi người chỉ có hai con đường: Từ vô thỉ đến nay, những gì đã trải qua ở trong ba cõi sáu đường, đều thuộc con đường “lưu chuyển”; từ sau khi tu theo chánh đạo, tất cả tư tưởng và hành động, hiển nhiên đều là nhàm chán sự đau khổ của sinh tử, mà xu hướng về niết bàn, cho nên từ lúc bắt đầu hạ quyết tâm cho đến khi thành Phật, đều thuộc con đường “hoàn diệt”. Tuy đang trong thời gian tu tập, nhưng vì sắc thân chưa tàn tạ, đạo quả chưa đạt thành, cho nên chư hành giả cũng không khỏi có tư tưởng và hành động; nhưng, những tư tưởng và hành động này, chỉ là những thi thố để ứng phó với hoàn cảnh, cùng để kết thúc lúc tàn cuộc (của sinh tử) mà thôi, không giống như tình trạng của thời tâm tính bồng bột nông nổi, đuổi hình bắt bóng lăng xăng trong quá khứ. Cho nên, tuy sắc thân vẫn còn, nhưng họ đã thực sự giữ được trạng thái tĩnh lặng đối với ba chi ái, thủ và hữu ở thế gian; bề ngoài, tuy họ cũng ăn cơm mặc áo và làm việc mưu sinh giống như người đời, nhưng không để phải dẫn đến (quả báo) sinh và lão tử ở đời vị lai.

2. Người chết yểu, mới sinh ra đã chết, cố nhiên là không có già, nhưng, không luận là mạng sống của họ ngắn ngủi đến thế nào, cái nguyên lí “già chết” vẫn có đầy đủ; chẳng qua là cái thời gian già chết đó đã bị thu ngắn lại trong một sát na. Ví dụ như, một ngày đêm ở cõi trời Đâu-suất dài bằng bốn trăm năm ở nhân gian, vậy thì, đời sống mấy mươi năm của chúng ta chỉ bằng một giờ ở cõi ấy, há chẳng phải chúng ta cũng là chết yểu ư? Nhưng chúng ta nhất nhất đều đầy đủ cả sinh lão bệnh tử đấy chứ! Theo đó mà suy, những loài như triêu khuẩn (sáng sinh tối chết), ve sầu (chỉ sống mùa hè), phù du (sớm sinh tối chết),(1) đối với chúng ta thì chúng chỉ sống một thời gian ngắn ngủi, nhưng dường như chúng cũng có cả một đời sống gồm sinh lão bệnh tử. Hằng hà sa số kiếp với một cái khảy móng tay, đều không có cách nào tính toán được, thì sự sống lâu hay chết yểu cũng không cần phải so đo.

3. Tu học theo đạo Phật mà không qui y Tam Bảo là không thể được. Đạo phật là do đức Phật khai sáng. Giáo pháp của Phật là do chính đức Phật giảng dạy. Tuân thủ phép tắc của Ngài, học giáo pháp của Ngài, mà không qui thuận với người của Ngài, không cung kính và đãi ngộ chân thành với đồ đệ của Ngài, thì có thể biết đó là tánh ngang ngược nghịch loạn của kẻ không hề tu thân, lại có thể biết đó là tính cố chấp của kẻ ương ngạnh chỉ muốn làm theo ý mình;(2) những người như thế thì mong gì có thể tu nhân chứng quả! Xưa Tử Hạ(3) dạy học ở Tây-hà, chưa từng truy tôn đức Khổng Tử trước mặt học trò, Tăng Tử(4) còn trách cứ ông, cho đó là tội lớn thứ nhất; Nho và Phật tuy không đồng môn, nhưng lí lẽ ấy thì nhất trí. Huống chi người mới tu học, khí lực chưa đầy đủ, oai nghi phép tắc hoàn toàn chưa biết, nếu không qui y Tam Bảo thì sẽ không ai giúp đỡ, sẽ bị cô lập, khó hi vọng thành công. Há không nghe đại sư Liên Trì, khi chú thích kinh A Di Đà, có nói: “Cánh còn mềm chỉ có thể nương vào cành; trẻ thơ phải luôn ở bên cạnh mẹ.” ư? Chúng ta lông cánh còn chưa đầy đủ, tay chân còn chưa cứng cáp, mà đã muốn bay cao nhảy xa, thật là không tự lượng sức mình! Hàng Bồ-tát Mười-địa mà còn chưa dám xa rời chư Phật, huống chi là hạng phàm phu thô lậu.

4. Nếu bảo mọi việc trong thiên hạ chỉ cần chân thật là được, không cần phải có nghi thức, mới nghe thì có vẻ đúng, nhưng lại không đúng. Như sự phối hợp giữa nam nữ, so với tình huống của con trống và con mái, con đực và con cái nơi các loài cầm thú, thì không khác nhau bao nhiêu; như vậy thì loài người cũng cứ bắt chước cầm thú, tùy lúc, tùy nơi, tùy người mà giao hợp là được rồi, hà tất phải cử hành nghi thức kết hôn thật long trọng chi cho thêm phiền phức! Và như vậy thì ba trăm lễ nghi, ba ngàn oai nghi của nhà Nho, cũng như ba ngàn oai nghi, sáu vạn tế hạnh của nhà Phật, đều là dư thừa cả; chẳng lẽ thánh hiền chế định các thứ lễ pháp, kiến thức của các ngài đều không bằng chúng ta sao? Phải biết rằng, chưa tham dự lễ qui y, cùng với đã tham dự lễ qui y, không những chỉ khác nhau ở sự thật bề ngoài, mà còn khác nhau –và đây mới là điều then chốt– ở tâm trạng bên trong. Sự kiện này, chỉ những ai đã từng trải qua mới thấy rõ, người ngoài cửa làm sao biết được! Nếu nói theo Duy Thức Học, sau khi đã có một ấn tượng sâu sắc, sức huân tập của ấn tượng đó mới vào đến thức thứ tám, khiến cho chủng tử khởi lên tác dụng biến chuyển; nếu không có một cử động gì thì sẽ hoàn toàn không có cái hiệu năng huân tập ấy.

5. Vị thầy để qui y, nếu chọn được một vị hòa thượng vừa có đạo đức vừa có học thức, đương nhiên là điều tốt nhất; bởi vì, sau khi đã cùng với vị ấy phát sinh liên hệ, đối với mọi vấn đề tu dưỡng, hành giả có thể thọ giáo học tập, lấy đó làm tấm gương tốt(5), hoặc làm tăng thượng duyên(6) cho mình; nếu có tài vật để cúng dường, thì vị ấy cũng còn là ruộng phước lớn. Nếu không phải vì sự học vấn, mà chỉ là thỉnh một vị làm đại biểu (cho tăng đoàn) để dẫn dắt hoặc chứng minh mà thôi, hay trong vùng phụ cận không có vị nào là trưởng lão cao đức, thì cứ vị nào đã thọ giới cụ túc làm tì kheo, mình đều có thể qui y, bất tất phải đòi hỏi quá đáng. Vấn đề căn bản vẫn là tự mình có tinh tấn bền vững hay không. Việc này cũng giống như đi học, nếu tự mình không có ý chí cầu học, dù có mời một vị tiến sĩ(7) giỏi nhất thiên hạ về làm thầy giáo, cũng vô dụng mà thôi. Trong những năm còn tại thế, đức Thích Tôn từng thân tự thuyết pháp, nhưng có phải ai tham dự pháp hội cũng đều chứng quả cả đâu! Thế mới biết, nếu tự mình không tinh cần thì dù là đức Phật cũng không có cách nào cứu độ, huống chi là qui y với thầy.

6. Trong kinh điển phần nhiều ghi chép các vị đệ tử Thanh-văn của Phật, mà không thấy có các hành giả Duyên-giác, là vì Duyên-giác đã được bao hàm trong Thanh-văn; mười hai nhân duyên đã có bao hàm trong bốn sự thật vậy. Trong giáo pháp mười hai nhân duyên, bảy chi gồm thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, sinh và lão tử, đều là khổ đế; năm chi gồm vô minh, hành, ái, thủ và hữu, đều là tập đế; đoạn trừ tâm tưởng vô minh, không làm các việc ác, đó là đạo đế; đạt đến chỗ chấm dứt sinh và lão tử là diệt đế. Xem như thế, mười hai nhân duyên không khác gì bốn sự thật; vậy, pháp đã có thể được hàm nhiếp trong bốn sự thật thì người cũng có thể được hàm nhiếp trong chúng Thanh-văn.

7. Quay về nương tựa Phật sẽ không đọa vào Địa-ngục, quay về nương tựa Pháp sẽ không đọa vào Ngạ-quỉ, quay về nương tựa Tăng sẽ không đọa vào Súc-sinh; đó là sự thật. Không thọ ba sự quay về nương tựa thì khó bảo đảm là không đọa vào ba đường dữ. Sau khi thọ ba sự quay về nương tựa, tuy có nhờ được sức gia hộ của Tam Bảo, nhưng trong tự tâm cũng phải có sức của chính mình, gắng công huân tập pháp trong sạch thì mới chế ngự được các chủng tử xấu, không để cho chúng phát khởi thành hiện hành(8). Xem thế thì ba sự quay về nương tựa vốn gồm đủ cả hai sức tự lực và tha lực, giống như tu pháp môn Tịnh-độ. Ý nghĩa tu dưỡng của chúng cũng rất nhiều, mà những sự kiện liên hệ với chúng cũng không phải là đơn giản, – hãy nói một việc như “không đọa vào ba đường dữ”, cũng đủ thấy chúng trọng yếu như thế nào. Cho nên, người có tâm chí học Phật thì không thể không thọ nhận ba sự quay về nương tựa.

8. Các hành giả y theo nguyên lí bốn sự thật mà tu học, gọi là Thanh-văn; y theo nguyên lí mười hai nhân duyên mà tu học, gọi là Duyên-giác. Điều đó tuy ai ai cũng biết, nhưng còn phải biết thêm rằng, các giáo lí bốn sự thật và mười hai nhân duyên đều do chính đức Phật giảng dạy, cho nên, thời Phật còn tại thế, cỗ xe Duyên-giác cũng đã được bao hàm trong cỗ xe Thanh-văn, hoàn toàn không có gì phân biệt. Lại nữa, tác dụng phá trừ vô minh, dứt tuyệt sinh tử trong mười hai nhân duyên, một cách tự nhiên, cũng qui nạp vào đạo đế trong bốn sự thật; tuyệt đối không có pháp mười hai nhân duyên nào khác ở ngoài đạo đế. Trong kinh Pháp Hoa, đức Văn Thù nói với đức Di Lặc: “Đức Nhật Nguyệt Đăng Minh Như Lai đã vì các hành giả cầu quả vị Bích-chi Phật mà đáp ứng nói pháp mười hai nhân duyên.” Trong kinh ấy lại có nói: “Theo Phật nghe pháp mà tin tưởng và tiếp nhận, siêng năng tinh tấn, cầu trí tuệ tự nhiên, thích đơn độc, khéo tĩnh lặng, hiểu biết sâu sắc lí nhân duyên của các pháp, gọi là Bích-chi Phật.” Đó đều là Duyêngiác hàm nhiếp trong Thanh-văn, hoặc là đức Phật cũng có các ngọn đèn sáng của các đệ tử Duyên-giác. Đến như các hành giả Độc-giác, sinh vào đời không có Phật, do căn lành đời trước mà tự mình giác ngộ, điều này cần phải bàn riêng, đó là chỗ vừa giống nhau vừa khác nhau, vừa khác nhau vừa giống nhau của Duyên-giác đối với Thanh- văn, Duyên-giác đối với Độc-giác.

 

CHÚ THÍCH (của người dịch)

1. – Triêu khuẩn là một loại côn trùng sống trên mặt nước, dáng giống như con ngài, rất nhỏ, sáng sinh chiều chết. Sách Trang Tử, thiên “Tiêu Dao Du” có câu: “Triêu khuẩn bất tri hối sóc” (loài triêu khuẩn không biết khoảng thời gian từ tối đến sáng), ý nói, mạng sống của loài triêu khuẩn không kéo dài được một ngày đêm. – Huệ cô là một loại ve sầu, sinh vào mùa hè, đến mùa thu thì chết. Sách Trang Tử, thiên “Tiêu Dao Du” có câu: “Huệ cô bất tri xuân thu” (loài ve sầu không biết mùa xuân mùa thu), ý nói, loài ve sầu chỉ sống được vài tháng mùa hè. – Phù du tức là con vờ, loại côn trùng có cánh, buổi sáng sinh ra, đến tối thì chết. Ca dao Việt-nam có câu: “Người đời như bóng phù du, Sớm còn tối mất công phu lỡ làng.” – Cả ba loài triêu khuẩn, ve sầu và phù du đều được dùng để chỉ cho đời sống ngắn ngủi.

2. Từ “tố hành” trong nguyên bản chữ Hán là  từ  nói tắt của thành ngữ  “tố ẩn hành quái” (素隱行怪 ), nghĩa là, người không có đức mà ở ẩn (tố ẩn); người không tu thân thì ngang ngược nghịch loạn (hành quái). “Tố ẩn hành quái”, ý nói, người không có đức mà ở ẩn là việc làm trái ngược, chỉ cốt lừa bịp người đời. – Từ “cư tâm” trong nguyên bản chữ Hán có nghĩa là để bụng, chứa mãi trong lòng, tức là cố chấp. – Từ “tự dụng” trong nguyên bản chữ Hán có nghĩa là tự cho mình là đúng và cứ làm theo ý mình, không thèm nghe lời người khác.

3. Tử Hạ (507-400 tr. TL) tên là Bốc Thương, người nước Vệ, thời đại Xuân-thu, học trò của đức Khổng Tử, giỏi về văn học. Ông chỉ có một đứa con trai, nhưng lại chết sớm, nên đau buồn, khóc cho đến mù mắt.

4. Tăng Tử (505-435 tr. TL) tức Tăng Sâm, người nước Lỗ, thời đại Xuân-thu, học trò của đức Khổng Tử. Ông tính tình chân thật và rất hiếu thuận, tài đức vẹn toàn, được coi là người kế thừa đức Khổng Tử.

5. “Tá cảnh” (hàng 2 của đoạn 5, bài chữ Hán) nghĩa là noi gương người khác. Ngụy Trưng (580-640) là một danh thần dưới triều vua Đường Thái-tông (599-649), làm quan đến chức gián nghị đại phu, rất được vua Thái-tông kính nể. Sau khi ông chết, vua Thái-tông nói với quần thần: “Lấy đồng làm gương, có thể sửa áo mão cho ngay ngắn; lấy người làm gương, có thể biết những việc được mất. Nay Ngụy Trưng chết, trẫm mất đi một tấm gương.” Từ đó về sau, hễ lấy những kinh nghiệm, sự việc của người khác làm chuẩn mực cho mình tham khảo, học tập, bắt chước, hay cẩn thận đề phòng, được gọi là “tá cảnh”.

6. Trong Hán ngữ, văn bằng tiến sĩ được gọi là “bác sĩ”; từ “bác sĩ” trong tiếng Việt tương đương với các từ “y sĩ”, “y sinh” hay “y sư” trong tiếng Hán.

7. “Tăng thượng duyên” là một thuật ngữ Phật học. Đó là một trong bốn điều kiện (tứ duyên) luôn luôn liên kết chặt chẽ với nhau để làm nên sự vật. Bốn điều kiện này chính là nội dung của đạo lí “Duyên Sinh”, một trong những giáo lí căn bản và quan trọng nhất của Phật giáo. Theo giáo lí này, vạn pháp trong vũ trụ, không có sự vật nào có thể tự mình sinh ra, không có tự ngã riêng biệt, cũng không thể tồn tại một mình. Sự sinh thành, tồn tại và hoại diệt của một sự vật luôn luôn tùy thuộc vào sự sinh thành, tồn tại và hoại diệt của nhiều sự vật khác – được gọi là “DUYÊN”, nghĩa là ĐIỀU KIỆN. Theo Duy Thức Học, tất cả có bốn loại điều kiện:

1- Nhân duyên, là điều kiện chính, là chủng tử, là cái nhân sinh ra vạn vật; như hạt lúa là điều kiện chính để sinh ra cây lúa, chánh niệm là điều kiện chính để phát sinh trí tuệ.

2- Tăng thượng duyên, là các điều kiện phụ giúp cho điều kiện chính phát sinh, như đất, nước, không khí, ánh sáng, sức người v.v… giúp cho hạt lúa phát sinh ra cây lúa. Một mình hạt lúa không thể phát sinh ra cây lúa được. Các điều kiện phụ giúp này có thuận và có nghịch: Thuận (gọi là “thuận tăng thượng duyên”) thì sẽ giúp cho điều kiện chính sinh thành và phát triển cho đến khi có kết quả mĩ mãn; ngược lại, nghịch (gọi là “nghịch tăng thượng duyên”) thì sẽ ngăn cản, phá hoại, làm cho điều kiện chính không thể sinh thành hay phát triển tốt đẹp được. Cả hai loại điều kiện thuận và nghịch đều có thể tốt hoặc xấu. Nếu có những điều kiện thuận lợi đã giúp cho một tâm niệm độc ác phát sinh và gây hành động đau khổ cho mọi người, đó là những thuận tăng thượng duyên xấu. Khi một ý tưởng xấu vừa dấy lên mà biết dùng những phương pháp thích ứng, hữu hiệu để dập tắt ngay, không để cho phát hiện thành hành động, đó là những nghịch tăng thượng duyên tốt.

3- Sở duyên duyên, là điều kiện (duyên) đối tượng của nhận thức (sở duyên). Duy Thức Học nói: “Nhận thức luôn luôn bao gồm chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức.” Nhận thức (biết) luôn luôn phải là nhận thức một đối tượng. Không có nhận thức thì không có đối tượng; ngược lại, không có đối tượng thì không có nhận thức. Vì vậy, “sở duyên” là điều kiện thiết yếu cho “thức”, tức cũng là điều kiện thiết yếu để vạn pháp có mặt.

4- Đẳng vô gián duyên, là điều kiện tiếp nối liên tục của vạn pháp. Dòng sống của vạn pháp cần có sự tiếp nối liên tục, nếu gián đoạn thì không có gì được hình thành hay tồn tại. Nếu cây lúa ở giây phút trước mà không được tiếp nối bởi cây lúa ở giây phút sau thì sẽ không có cây lúa, và cũng không có hạt lúa. Sự liên tục từ hạt lúa sang cây lúa, từ cây lúa sang hạt lúa, rồi từ hạt lúa sang cây lúa…, đó là biểu hiện của đẳng vô gián duyên; vì vậy, nó cũng là một điều kiện thiết yếu cho sự hiện hữu của sự vật.

8. “Hiện hành” tức là các pháp hữu vi hiển hiện ra trong vũ trụ. Theo Duy Thức Học, thức a lại da chứa giữ tất cả mọi chủng tử của các pháp và có khả năng chuyển biến những chủng tử này làm phát sinh ra mọi hiện tượng (pháp) trong vũ trụ, đó là pháp “hiện hành”. Như vậy, một pháp khi còn ẩn kín trong thức a lại da thì gọi là “chủng tử”, và khi đã được phát hiện ra thành một hiện tượng ở thế gian thì gọi là “hiện hành”. Chủng tử từ trong thức a lại da, hợp với các điều kiện (duyên) thích ứng để phát sinh ra hiện hành, thì chủng tử là nhân và hiện hành là quả. Tiến trình này được Duy Thức Học gọi là “chủng tử sinh hiện hành”. Cái pháp hiện hành vừa phát sinh đó, đồng thời lại huân tập vào thức a lại da để thành một chủng tử mới – gọi là “tân huân chủng tử”; như thế, hiện hành lại là nhân, mà chủng tử lại là quả. Tiến trình này, Duy Thức Học gọi là “hiện hành huân chủng tử”. Ba khâu chủng tử, hiện hành và tân huân chủng tử có sự liên hệ mật thiết với nhau, vừa là nhân vừa là quả của nhau, và hoàn thành đồng thời với nhau, tạo thành vòng luân chuyển “chủng tử sinh hiện hành iện hành huân chủng tử – chủng tử sinh hiện hành – …”. Cứ thế, cái vòng luân chuyển ấy nối tiếp liên tục mãi, làm cho vạn pháp vừa chuyển biến vừa tồn tại ở thế gian.