GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP MỘT

Bài 20
DUYÊN GIÁC THỪA và MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN (phần 2)

Thứ tự của mười hai nhân duyên, đối với sự diễn biến thay đổi cho nhau1 của nhân quả ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, được phân tích rất tường tận; vả lại, trật tự cũng rất rành mạch. Muốn tránh kết quả thì phải tiêu diệt nguyên nhân, đó là chỗ giác ngộ của các hành giả Duyên-giác thừa.

Nếu theo vòng lưu chuyển2, mỗi một chi trong mười hai nhân duyên đều do nhân làm điều kiện sinh ra quả – nhân sinh cho nên quả sinh. Đó là: Vô minh duyên (làm điều kiện sinh ra) hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh dắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử. Đây là nhân duyên chịu luân hồi của tất cả các loài hữu tình trải qua ba đời. Thật là rõ ràng: Do vì vô minh đã phát sinh mà mười một chi sau đó không thể không phát sinh.

Nếu theo vòng hoàn diệt3, mỗi một chi trong mười hai nhân duyên đều do bởi nhân tiêu diệt cho nên quả cũng tiêu diệt. Đó là: Vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử diệt. Đây là nhân duyên thoát khỏi ba cõi của tất cả các hành giả. Thật là rõ ràng: Do bởi vô minh đã diệt mà mười một chi sau đó không thể không diệt.

Trong bốn sự thật thì mười hai nhân duyên thuộc hai sự thật khổ và tập. Hai nhân vô minh và hành ở đời quá khứ, cùng với ba nhân ái, thủ và hữu ở đời hiện tại, đều thuộc ve tập đế; năm quả thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ ở đời hiện tại, cùng với hai quả sinh và lão tử ở đời vị lai, đều thuộc về khổ đế. Nếu hành giả cảm nhận được sự khổ và nguyên nhân của sự khổ mà phát tâm tu đạo, dùng trí tuệ quán chiếu4 để phá trừ nguồn cội sinh tử, thoát khỏi lưới vô minh, đó chính là đạo đế. Đến khi vô minh đã diệt mà lão tử cũng phải diệt, thì đó chính là diệt đế vậy.

Khi đã sáng tỏ về hai lớp nhân quả trong vòng thế gian và xuất thế gian, quí vị hành giả nhà Phật, đối với các vấn đề sáu loại phàm5 từ đâu mà tới, hay bốn hạng thánh6 do đâu mà đi, đã thấy rõ như bàn tay. Nay xin đem mười hai nhân duyên cùng với nhân quả ba đời lập thành đồ biểu sau đây, nhờ đó mà thấy rõ mối quan hệ nhân nơi hoặc mà tạo nghiệp, nhân nơi nghiệp mà chịu khổ, của tất cả chúng sinh trong ba cõi7(1).

 

CHÚ THÍCH 

1. “Đệ thiện” nghĩa là diễn biến thay đổi cho nhau.

2. Tất cả chúng sinh tạo nghiệp, chịu sinh tử, gọi là “lưu chuyển”.

3. Niết bàn cũng gọi là diệt độ. Hành giả tu tập chứng niết bàn, gọi là “hoàn diệt”.

4. “Quán trí” tức là chánh trí quán chiếu thấy rõ chân tướng của vạn pháp.

5. Sáu loại chúng sinh Trời, Người, A-tu-la, Súc-sinh, Ngạ-quỉ và Địa-ngục đều thuộc địa vị phàm phu, gọi là “lục phàm”. Xin xem lại chú thích số 3, bài 15.

6. Phật, Bồ-tát, Duyên-giác và Thanh-văn là bốn hạng thánh nhân, gọi là “tứ thánh”.

7. “Giới nội” tức là Dục giới, Sắc giới và Vô-sắc giới. Ba cõi này đối với các cõi tịnh độ của chư Phật và Bồ-tát ở “giới ngoại” (ngoài ba cõi) mà gọi là “giới nội”.

 

PHỤ CHÚ

1. Nhóm từ “trong ba cõi” là dịch từ Hán ngữ “giới nội”. Chữ “giới” ở đây là tiếng gọi tắt của từ “tam giới” (ba cõi); và chữ “nội” nghĩa là ở bên trong. “Giới nội” là ở trong ba cõi: Dục, Sắc và Vôsắc; cũng tức là trong vòng sinh tử luân hồi. Ba cõi là thế giới của phiền não, khổ đau, là nơi các loài chúng sinh phàm phu qua lại. Trong khi đó, các vị Bồ-tát lớn và chư Phật đều dứt tuyệt phiền não, giải thoát khỏi ba cõi, gọi là “giới ngoại”. Kinh Thắng Man phân tích có hai loại sinh tử: phần đoạn sinh tử và bất tư nghị biến dịch sinh tử. Phần đoạn sinh tử là sự sinh tử của các loài chúng sinh ở giới nội, do phiền não, nghiệp lực mà luân hồi trong sáu đường. Bất tư nghị biến dịch sinh tử là sự sinh tử của chư Phật và Bồ-tát, tuy đã thoát khỏi vòng luân hồi, nhưng vì bi nguyện độ sinh mà còn phải qua lại trong ba cõi để thực hiện hạnh nguyện cứu độ chúng sinh.

 

BÀI TẬP 

1) Theo vòng lưu chuyển thì mười hai nhân duyên lần lượt duyên như thế nào?

Theo vòng lưu chuyển thì mỗi chi trong mười hai nhân duyên đều là điều kiện (duyên) để sinh ra quả là chi tiếp theo sau; đó là: Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, và sinh duyên lão tử.

2) Theo vòng hoàn diệt thì mười hai nhân duyên lần lượt diệt như thế nào?

Theo vòng hoàn diệt thì mỗi chi trong mười hai nhân duyên sẽ bị diệt nếu chi ở trước nó (làm nhân) đã bị diệt; đó là: Lão tử diệt vì sinh diệt, sinh diệt vì hữu diệt, hữu diệt vì thủ diệt, thủ diệt vì ái diệt, ái diệt vì thọ diệt, thọ diệt vì xúc diệt, xúc diệt vì lục nhập diệt, lục nhập diệt vì danh sắc diệt, danh sắc diệt vì thức diệt, thức diệt vì hành diệt, hành diệt vì vô minh diệt. Đó là nói theo chiều nghịch. Nếu nói theo chiều thuận thì: vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử diệt.

3) Trong mười hai nhân duyên, những chi nào thuộc về tập đế? Những chi nào thuộc về khổ đế?

Trong mười hai nhân duyên, hai nhân ở đời quá khứ là vô minh và hành, cùng với ba nhân ở đời hiện tại là ái, thủ và hữu, đều thuộc về tập đế; năm quả ở đời hiện tại là thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ, cùng với hai quả ở đời vị lai là sinh và lão tử, đều thuộc về khổ đế.

4) Đứng trên nghĩa lí của mười hai nhân duyên mà nói thì thế nào là đạo đế và diệt đế?

Nếu hành giả thấy rõ mười hai nhân duyên chính là những đau khổ và nguyên nhân của đau khổ từng đày đọa mình từ vô lượng kiếp, giờ đây muốn chấm dứt khổ đau, vượt thoát sinh tử, nên phát tâm tu hành, dùng trí tuệ quán chiếu tìm ra nguồn cội vô minh, tu tập nhiều pháp môn để dứt trừ phiền não, phá tan vô minh; đó là đạo đế. Khi phiền não đã diệt, màn vô minh đã bị phá tan, thì lưới sinh tử cũng bị rách tung, hành giả giải thoát ra ngoài ba cõi, chứng được cảnh giới niết bàn tịch diệt; đó là diệt đế.

5) Trong mười hai nhân duyên, những chi nào thuộc về hoặc? Những chi nào thuộc về nghiệp? Những chi nào thuộc về khổ?

Trong mười hai nhân duyên, ba chi vô minh (nhân quá khứ), ái và thủ (nhân hiện tại) thuộc về “hoặc”; hai chi hành (nhân quá khứ) và hữu (nhân hiện tại) thuộc về “nghiệp”; bảy chi thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ (quả hiện tại), sinh và lão tư (quả vị lai) thuộc về “khổ”.