GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP MỘT

Bài 15
BỐN CÁCH THU PHỤC BỐN TẤM LÒNG RỘNG LỚN BỐN LỜI NGUYỆN LỚN

Các vị Bồ-tát muốn tế độ chúng sinh, trước hết phải thực hành bốn cách thu phục, làm cho chúng sinh nẩy sinh thiện cảm đối với mình, qui hướng về mình, từ đó họ mới chịu nghe theo lời mình nói mà tu tập Phật pháp. Bốn cách thu phục gồm có: Một, thu phục bằng cách bố thí, tức là dùng tiền của hay giáo pháp để giúp đỡ người, nhân đó mà thu phục và dắt dẫn người. Hai, thu phục bằng lời nói hòa ái, tức là dùng cách nói năng khéo léo làm cho người ta an vui và sáng tỏ, nhân đó mà thu phục và dắt dẫn họ. Ba, thu phục bằng hành động lợi ích, tức là làm những công việc giúp ích cho người, nhân đó mà thu phục và dắt dẫn người. Bốn, thu phục bằng cách cùng làm việc, tức là người ta ưa thích công việc gì, mình hãy cùng làm công việc đó với người ta, nhân đó mà thu phục và dắt dẫn họ. Bồ-tát đã thực hành bốn cách thu phục như thế thì ắt được mọi người thương mến, kính nể  và tin tưởng; từ đó họ sẽ nghe theo lời khuyên nhủ, hướng dẫn, và chấp nhận sự rèn luyện của mình1.

Các vị Bồ-tát, bên ngoài thực hành bốn cách thu phục, thì bên trong phải lấy “bốn tấm lòng rộng lớn” làm căn bản. Có như vậy thì ngoài và trong mới hợp nhất, mới đem lại lợi lạc cho chúng sinh. Bốn tấm lòng rộng lớn gồm có: Cho tất cả niềm vui, gọi là lòng từ rộng lớn; cứu vớt tất cả nỗi khổ, gọi là lòng bi rộng lớn; thấy người khác làm lành hoặc có được niềm vui, mình thật tâm hoan hỉ, gọi là lòng hỉ rộng lớn; đối với kẻ oán người thân đều cư xử bình đẳng, không thương người này ghét người kia, gọi là lòng xả rộng lớn. Chữ “xả” cũng lại có nghĩa, sau khi đã thực hiện hạnh bố thí chẳng hạn, chúng ta không để cho tâm bị vướng mắc vào sự tướng bố thí; đối với các hạnh trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, v.v… cũng vậy, trong thì buông xả mọi tâm niệm, ngoài thì buông xả mọi trần cảnh, như thế gọi là “xả”. Bồ-tát có đầy đủ bốn tấm lòng rộng lớn như trên mới có thể thực hiện sự nghiệp lợi tha.

Lại nữa, các vị Bồ-tát khi mới phát tâm tu tập, ắt phải duyên theo bốn sự thật2 mà phát “bốn lời nguyện lớn“(1), nhằm mở rộng tâm lượng và minh định đường hướng đi tới. 1) Duyên theo sự thật về khổ đau, đối với các loài hữu tình4 trong sáu đường3 đang phải chịu vô lượng đau khổ, Bồ-tát phát nguyện: “Chúng sinh không số lượng, thệ nguyện đều độ khắp.” 2) Duyên theo sự thật về các nguyên nhân của khổ đau, đối với vô số phiền não tích tụ từ vô thỉ đến nay, Bồ-tát phát nguyện: “Phiền não không cùng tận, thệ nguyện đều dứt sạch.” 3) Duyên theo sự thật về con đường diệt khổ, đối với tất cả các pháp môn trong tiến trình tu tập, Bồ-tát phát nguyện: “Pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học.” 4) Duyên theo sự thật về đạo quả giải thoát, đối với thành quả cao tột, hoàn toàn thanh tịnh, vắng lặng của cảnh giới niết bàn, Bồ-tát phát nguyện: “Quả Phật không gì hơn, thệ nguyện được viên thành.” Phàm những ai tu tập theo con đường Bồ-tát, đều phải nương theo bốn lời nguyện lớn này, và lấy đó làm phương châm dẫn đạo cho mình vậy.

Kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã nói: “Hãy thực hành bốn cách thu phục: bố thí, nói năng khéo léo, làm những việc giúp ích, cùng làm việc. Hãy tu tập bốn tấm lòng rộng lớn: lòng từ rộng lớn, lòng bi rộng lớn, lòng hỉ rộng lớn, lòng xả rộng lớn. Hãy phát đủ bốn lời nguyện lớn: đoạn trừ tất cả triền cái5, thường hóa độ chúng sinh, tu tập tri kiến6(2) Phật, thành đạt quả vị giác ngộ vô thượng.”

Thế mới biết, tất cả mọi hành động vừa trình bày ở trên, đều là những việc thiết yếu của một vị Bồ-tát để đạt được quả Phật.

 

CHÚ THÍCH

1. Ý nói nuôi dưỡng thành nhân tài, giống như mùi hương ướp vào đồ vật, gốm nung tạo ra đồ dùng.

2. Cũng gọi là “tứ đế” hay “tứ thánh đế”. Xin xem chú thích số 1, bài 11.

3. Đây là sáu nẻo mà chúng sinh hằng luân chuyển qua lại, cho nên gọi là “lục đạo”. Lại nữa, đó là sáu nơi mà tất cả chúng sinh đều chiếu theo nghiệp báo lành dữ của đời trước mà chuyển sinh đến, nên cũng được gọi là “lục thú”. Từ trên xuống dưới có: Trời, Người, A-tu-la, Súc-sinh, Ngạ-quỉ, Địa-ngục.

4. Tiếng Phạn là “tát-đỏa”, cựu dịch là “chúng sinh”, tân dịch là “hữu tình”, tiếng gọi chung của tất cả các loài động vật, là những loài có tình thức và tình ái.

5. “Triền” (trói buộc) là một tên khác của phiền não, vì phiền não hay trói buộc người, khiến cho con người thân tâm không được tự tại. “Cái” (che lấp) cũng là một tên gọi khác của phiền não, vì phiền não hay che lấp lòng tin thanh tịnh của hành giả, khiến cho nó không thể khai phát được. “thập triền”(3) (mười thứ trói buộc) và “ngũ cái”(4) (năm thứ che lấp) đều là những số lượng của phiền não, cho nên gọi là “triền cái”.

6. Tại ý thức là “tri”, tại nhãn thức là “kiến”; rõ biết là “tri”, suy tìm là “kiến”; ba trí(5) là “tri”, năm loại mắt thấy là “kiến”, đều là tác dụng của trí tuệ.

 

PHỤ CHÚ

1. Có thể nói rõ hơn, bốn lời nguyện lớn đã gắn bó chặt chẽ với giáo lí bốn sự thật, hay xác đáng hơn nữa, chúng đã được đặt nền tảng trên giáo lí bốn sự thật. Từ bi, trí tuệ, hùng lực và chí nguyện thành Phật chính là những đức tính làm động cơ thúc đẩy cho hành giả phát bốn lời nguyện lớn ấy. Hành giả nhìn thấy sự thật khổ đau (khổ đế) trong kiếp sống chúng sinh, và đức từ bi đã thúc đẩy hành giả phát nguyện giúp chúng sinh chấm dứt khổ đau. Hành giả thấy rõ sự thật phiền não chính là nguyên nhân gây ra khổ đau (tập đế) cho chúng sinh, và đức dũng mãnh (hay hùng lực) đã thúc đẩy hành giả phát nguyện diệt trừ phiền não – nếu không đủ hùng lực thì không thể diệt trừ phiền não. Hành giả thấy rõ sự thật trong Phật pháp có nhiều pháp môn để dứt trừ phiền não (đạo đế), và đức trí tuệ đã thúc đẩy hành giả phát nguyện học tập và thực hành các pháp môn ấy trong đời sống hằng ngày. Với từ bi, trí tuệ và hùng lực làm động cơ, hành giả đã phát ba lời nguyện lớn như trên. Hoàn thành ba lời nguyện lớn đó tức là hoàn thành công việc tự độ và độ tha, hoặc tự giác và giác tha, đó chính là tư cách của một đức Phật. Nói khác đi, khi hành giả đã phát ba lời nguyện lớn ở trên tức đồng thời cũng là phát nguyện thành Phật (diệt đế), là sự nghiệp giác ngộ trọn vẹn, là thành quả tối thượng của một tiến trình tu tập tinh tấn.

2. Tri kiến: là sự thấy biết, sự hiểu biết, tương đương với một thuật ngữ Phật học khác là “kiến giải”. “Tri kiến” là những kiến giải có được do năm thức mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, thu thập kinh nghiêm từ cuộc sống, từ mọi hiện tượng trong vũ trụ, cộng với sự suy nghĩ, phân biệt, phán đoán v.v… của ý thức. Tùy theo phàm phu hay thánh nhân mà tri kiến có trình độ thấp cao khác nhau: tri kiến của người thường không giống với tri kiến của bậc Thanh-văn; tri kiến của Thanh-văn không giống như tri kiến của chư vị Bồ-tát v.v…; và ngay cả tri kiến giữa những kẻ phàm phu cũng khác nhau nhiều. Vì vậy, “tri kiến” không giống với “trí tuệ” (tức trí bát nhã) – là trí không phân biệt, xa lìa sự suy nghĩ, phán đoán của tâm thức. Và chỉ có tri kiến của Phật (cũng gọi là “tri kiến ba la mật”) mới gọi được là trí tuệ, hay nói cách khác, chỉ có ở địa vị Phật thì tri kiến với trí tuệ mới là một. Kinh Pháp Hoa nói, đức Phật ra đời là vì một nguyên nhân vô cùng quan trọng, đó là dẫn dắt chúng sinh nhập vào tri kiến Phật. Câu nói đó có nghĩa là, đức Phật hóa độ cho chúng sinh chứng đắc các quả vị Thanh-văn, Duyên-giác, thậm chí là Bồ-tát, đều chỉ là phương tiện mà thôi, chứ cái quả vị cứu cánh phải là Phật quả, tức là quả vị giác ngộ trọn vẹn, cao tột, duy nhất; đó là tri kiến của Như Lai, thứ trí tuệ siêu việt, vượt khỏi mọi khái niệm, mọi suy tư, phân biệt của tâm thức.

3. Mười thứ trói buộc (thập triền): Đây là mười loại phiền não khởi lên từ các phiền não căn bản (tham, sân, si), thúc đẩy chúng sinh tạo các nghiệp xấu ác, rồi cứ bị trói buộc mãi trong vòng sinh tử, không thoát li ra được. Đó là các phiền não: 1. Phẫn: Gặp việc trái ý thì tức giận, làm mất chánh niệm. 2. Phú: Tính hay che dấu tội lỗi của mình. 3. Tật: Thấy người khác có đức hạnh cao thượng, được mọi người kính mến, qui hướng, thì không biết kính trọng, không gần gũi để học hỏi, lại còn ganh ghét, nói xấu, hay xa lánh. 4. Xan: Tính keo kiệt. Có tiền của thì không muốn chia sớt để cứu giúp người; có kiến thức thì không muốn san sẻ cùng người. 5. Vô tàm: Mình không có đức hạnh, luôn luôn tạo lầm lỗi mà không biết ăn năn, tự thẹn. 6. Vô quí: Thấy người khác không làm lỗi, có đức hạnh cao thượng mà không tự biết hổ thẹn. 7. Trạo (điệu) cử: Tâm niệm lúc nào cũng giao động lăng xăng, không trầm tĩnh, khiến cho không thể nào tu tập thiền quán được. 8. Hôn trầm: Tâm thần tối tăm, dật dờ, trì trệ, không nhận thức được các pháp lành. 9. Hối: Hay nghĩ nhớ về những tội lỗi đã qua, làm cho tâm lúc nào cũng bất an. 10. Miên: Ham ngủ cho nên trở thành lười biếng, tâm thần mỏi mệt, yếu đuối, không đủ sức để tự kiểm soát mình.

4. Năm thứ che lấp (ngũ cái): là năm loại phiền não thường che lấp tâm tính của chúng sinh, khiến cho các pháp lành không thể phát sinh được: 1. Tham dục: Tham đắm ngũ dục không biết chán, do đó mà tâm tính bị che lấp. 2. Sân hận: Gặp hoàn cảnh không vừa ý thì sinh cáu giận bực tức, do đó mà tâm tính bị che lấp. 3. Hôn miên: Hôn trầm và ham ngủ, làm cho tâm tính trì trệ, lười biếng, không tỉnh táo, không tích cực hoạt động, tu tập. 4. Trạo hối: Tâm chao động lăng xăng, tán loạn, mãi ôm giữ những việc xấu đã qua rồi sinh phiền muộn, làm cho không định tĩnh, thảnh thơi, nhẹ nhàng. 5. Nghi pháp: Đối với giáo pháp thì nghi ngờ, do dự, khiến cho tín tâm không phát khởi được.

5. Ba trí (tam trí): tức là ba trình độ của trí tuệ. Có nhiều danh số về “ba trí”:

A. Theo luận Đại Trí Độ, ba trí gồm có: 1) Nhất thiết trí: Trí tuệ của các hàng Thanh-văn và Duyêngiác, thấy rõ tổng tướng của tất cả các pháp là không, vô thường, vô ngã. 2) Đạo chủng trí: Trí tuệ của hàng Bồ-tát, thấy rõ biệt tướng của tất cả các pháp, mỗi mỗi đều có tính chất đặc thù khác nhau. 3) Nhất thiết chủng trí: Trí tuệ trọn vẹn của Phật, thông đạt cả thông tướng lẫn biệt tướng.

Tông Thiên Thai thì cho rằng, ba trí trên là do ba phép quán không, giả và trung mà có; tức là: nhất thiết trí là do không quán mà có, đạo chủng trí là do giả quán mà có, và nhất thiết chủng trí là do trung quán mà có. Tông này lại y theo ý nghĩa của ba phép quán không, giả, trung mà lập ra hai loại “ba trí” khác nhau: 1) Ba trí biệt tướng: Các vị Bồ-tát theo thứ tự tu tập ba phép quán riêng biệt để thành tựu nhất thiết trí, đạo chủng trí và nhất thiết chủng trí, thấy rõ Phật tánh, thường trú trong cảnh giới niết bàn. 2) Ba trí nhất tâm: Không theo thứ tự như trên, mà dung thông ba chân lí vào một cảnh, chỉ trong một niệm mà có đủ ba phép quán, cho nên cũng chỉ trong một niệm mà chứng đắc cả ba trí, không có thứ tự trước sau.

B. Ba trí cũng là thanh tịnh trí, nhất thiết trí và vô ngại trí. 1) Thanh tịnh trí là trí tuệ tuyệt đối của chư Phật, do quán chiếu chân lí tuyệt đối, đoạn trừ tất cả các tập khí phiền não, giải thoát mọi thứ chướng ngại, hoàn toàn không còn ô nhiễm. 2) Nhất thiết trí là trí tuệ theo thế tục của chư Phật, biết rõ tất cả pháp tướng, như: tất cả thời, tất cả cõi, tất cả sự việc, tất cả chủng loại. 3) Vô ngại trí cũng là trí tuệ theo thế tục của chư Phật, tức là, đối với bốn loại “tất cả pháp tướng” (thời, cõi, sự việc, chủng loại) ở trên, hễ khởi niệm là biết rõ ngay, không nhờ phương tiện, không cần suy nghĩ, không có gì làm trở ngại được. Cả ba loại trí tuệ trên đều thuộc về nhất thiết chủng trí.

C. Ba trí cũng là thế gian trí, xuất thế gian trí và xuất thế gian thượng thượng trí. 1) Thế gian trí là trí tuệ của phàm phu và ngoại đạo, đối với vạn pháp luôn luôn khởi niệm phân biệt, chấp có chấp không, cho nên không thể nào giải thoát khỏi thế gian. 2) Xuất thế gian trí là trí tuệ của hàng Thanh-văn và Duyên-giác, do tu tập bốn sự thật và mười hai nhân duyên mà thoát li thế gian, nhưng vì còn đắm vào tướng chung mọi người và tướng riêng mình, nên còn thấy có sinh tử để chán ghét và có niết bàn để mong cầu. 3) Xuất thế gian thượng thượng trí là trí tuệ của chư Phật và Bồ-tát lớn, thấy rõ vạn pháp là tịch tịnh, không sinh không diệt, vượt hẳn các hàng Thanh-văn và Duyên-giác.

D. Ba trí cũng là ngoại trí, nội trí và chân trí. 1) Ngoại trí là trí tuệ phân biệt rõ ràng sáu căn sáu trần, thông suốt cổ kim, rành rẽ việc đời. 2) Nội trí là trí tuệ diệt trừ phiền não vô minh, làm cho tâm ý được vắng lặng. 3) Chân trí là trí tuệ thấy rõ thể tính vốn vắng lặng của vạn vật, không còn phân biệt có dơ có sạch.

Đ. Ba trí cũng là hạ trí, trung trí và thượng trí. 1) Hạ trí là trí tuệ có thể chứng đắc giác ngộ của hàng Thanh-văn. 2) Trung trí là trí tuệ có thể chứng đắc giác ngộ của hàng Duyên-giác. 3) Thượng trí là trí tuệ có thể chứng đắc giác ngộ của hàng Bồ-tát và chư Phật.

 

BÀI TẬP

1) Bồ-tát tế độ chúng sinh, trước hết cần phải thực hành bốn cách thu phục, vì sao?

Bồ-tát tế độ chúng sinh, trước hết cần phải thực hành bốn cách thu phục; vì có làm như vậy thì mọi người sẽ dễ dàng sinh thiện cảm với mình, qui hướng về mình, tin tưởng nơi mình, và sau đó thì sẽ nghe theo sự dẫn dắt của mình một cách dễ dàng để tu học Phật pháp.

2) Bốn cách thu phục là những gì?

Bốn cách thu phục gồm có:

1- Bố thí, tức là dùng tiền của để cứu giúp người về phương diện vật chất, hoặc dùng Phật pháp để giúp đỡ người về phương diện tinh thần, nhân đó mà thu phục và dẫn dắt người.

2- Lời nói hòa ái, tức là dùng cách nói năng khéo léo, đầy tình thương, làm cho tâm người ta an vui và trong sáng, nhân đó mà thu phục và dẫn dắt họ.

3- Hành động lợi ích, tức là làm những công việc giúp ích cho người, nhân đó mà thu phục và dắt dẫn người.

4- Cùng làm việc, tức là người ta ưa thích việc gì, mình hãy cùng làm việc đó với họ để tạo sự cảm thông, nhân đó mà thu phục và dắt dẫn họ.

3) Bốn tấm lòng rộng lớn là gì? Thử nói về tác dụng của chúng.

Bốn tấm lòng rộng lớn là bốn đức tính căn bản của một vị Bồ-tát để thực hành bốn cách thu phục vừa nói ở trên, gồm có:

1- Lòng từ rộng lớn, tức là đem lại niềm vui cho mọi người.

2- Lòng bi rộng lớn, tức là giúp mọi người dứt trừ hoặc làm vơi bớt khổ đau.

3- Lòng hỉ rộng lớn, tức là thấy người ta làm được việc tốt, có được an vui, mình khởi tâm hoan hỉ chân thành đối với người đó.

4- Lòng xả rộng lớn, tức là đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, không có tâm phân biệt như thương người thân, ghét kẻ nghịch. Mặt khác, dù làm được một hạnh tốt, như bố thí chẳng hạn, mình cũng không để cho tâm bị dính mắc vào việc ấy, buông bỏ tất cả sự tướng, để cho tâm hoàn toàn vắng lặng, trong sáng.

Hành giả thực hành hạnh Bồ-tát, phải tu tập đầy đủ bốn tấm lòng rộng lớn này, lấy đó làm những đức tính thiết yếu, căn bản để thực hiện bốn cách thu phục hóa độ chúng sinh, trong và ngoài khế hợp, thì sự nghiệp lợi tha tất sẽ thành tựu viên mãn.

4) Bốn lời nguyện lớn là gì?

Bốn lời nguyện lớn là bốn lời phát nguyện cao thượng, nói lên ý hướng và quyết tâm của một hành giả khi tu tập theo con đường Bồ-tát, là thành Phật và cứu độ chúng sinh; gồm có:

  1. Chúng sinh không số lượng, thệ nguyện đều độ khắp.
  2. Phiền não không cùng tận, thệ nguyện đều dứt sạch.
  3. Pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học.
  4. Quả Phật không gì hơn, thệ nguyện được viên thành.

5) Hãy nêu rõ: ở bốn lời nguyện lớn, trong mối liên hệ với bốn sự thật, lời nguyện nào duyên theo sự thật nào mà phát ra?

Bốn lời nguyện lớn là duyên theo bốn sự thật mà phát ra:

1- Duyên theo sự thật về nỗi khổ đau (khổ đế) không kể xiết mà tất cả chúng sinh trong sáu đường đang chịu đựng, Bồ-tát phát nguyện: “Chúng sinh không số lượng, thệ nguyện đều độ khắp.”

2- Duyên theo sự thật về nguyên nhân gây ra đau khổ (tập đế) triền miên cho chúng sinh chính là mọi thứ phiền não tích chứa từ vô thỉ đến nay, Bồ-tát phát nguyện: “Phiền não không cùng tận, thệ nguyện đều dứt sạch.”

3- Duyên theo sự thật về con đường diệt khổ (đạo đế) gồm có vô lượng pháp môn, Bồ-tát phát nguyện: “Pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học.”

4- Duyên theo sự thật về đạo quả giải thoát (diệt đế) là cảnh giới niết bàn cao tột, hoàn toàn thanh tịnh và vắng lặng, Bồ-tát phát nguyện: “Quả Phật không gì hơn, thệ nguyện được viên thành.”

***

Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 13, 14 và 15

1. Duy Ma Cật là đức Phật Kim Túc(1) hóa thân làm cư sĩ. Ở trong nền đại pháp của đức Thích Tôn, ngài trách cứ hàng tiểu thừa tiệm giáo và khuyến khích họ tiến đến đại thừa. Bởi vậy, đối với giáo pháp tiểu thừa, ngài thường hay phê bình, chê trách. Với tác phong đó, nhìn bề ngoài thì có vẻ như ngài đứng ở địa vị đối lập với hàng Thanh-văn xuất gia, kì thật, nếu quán sát một cách toàn bộ, thì ngài chính là cái vai phụ lực trọng yếu của đức Thích Tôn. Cách nhìn và hành động của ngài, đứng trên lập trường của tiểu thừa thì nói là “can ngăn”, còn đứng trên lập trường của đại thừa thì nói là “dắt dẫn”. Cái sự thật có vẻ như kẻ tại gia dạy dỗ người xuất gia đó, chỉ là để cho người đời sau biết và soi rọi, chứ không phải để bắt chước. Nếu người cư sĩ muốn bắt chước hành động của Duy Ma Cật, cần phải có đủ hai điều kiện: trí tuệ thì siêu quá bậc Bồ-tát Thập-địa(2), và thần thông thì vượt khỏi bậc A-la-hán; được như thế mới có thể bắt chước, còn không thì chẳng có tư cách gì. Tại vì, chỉ có thế thì mới duy trì được trật tự trong cửa Phật và sự tôn nghiêm của Tam Bảo. Nếu không như vậy thì ông A hay ông B(3) nào đó cũng đều có thể viện dẫn trường hợp Duy Ma Cật mà dạy dỗ, bài xích người xuất gia. Tình trạng đó chỉ làm nẩy sinh những chuyện lủng củng nội bộ, khiến cho pháp vận bị thu ngắn lại, làm công thần cho ngoại đạo(4). Những ai là cư sĩ tại gia, đều nên thể hội ý chỉ này để cùng nhau duy trì đại cuộc. Trong bức thơ Mã Viện(5) gửi răn dạy hai người con của anh mình là Nghiêm và Đôn, có câu rằng: “Bắt chước Quí Lương đã không được, lại trở thành kẻ bị người đời khinh bạc, đó gọi là vẽ cọp không ra cọp lại thành ra chó(6).” Bắt chước Duy Ma Cật lại còn tệ hơn thế nữa; cho nên biết chắc chắn, việc đó không thể được.

2. Bậc đạt được pháp môn giải thoát không thể nghĩ bàn, có thể nhét núi Tu-di vào trong hạt cải, mà các cõi trời Tứ-vương và Đao-lợi vẫn y nguyên như vậy; có thể đổ nước của cả bốn biển lớn vào trong một lỗ chân lông, mà các loài cá, ba ba, tôm, cua v.v… vẫn không nhận biết; có thể đặt cả đại thiên thế giới trong lòng bàn tay, rồi ném ra khỏi hằng sa thế giới, mà chúng sinh ở trong đó không hay biết một tí gì. Cho nên biết, ba vạn hai ngàn tòa sư tử, mỗi cái cao tám vạn bốn ngàn do tuần, đem bày trong cái phòng vuông vức một trượng, mà vẫn thấy rộng rãi, thì đâu có gì là lạ! Đó chính là giáo lí “một và nhiều ở trong nhau”(7), “rộng hẹp tự tại” của kinh Hoa Nghiêm. Chúng ta là những kẻ phàm phu, chưa đạt đến cảnh giới đó, thì ngoài sự tin tưởng sâu sắc ra, đâu có sự thật hay ngôn từ nào có thể đem chứng minh được! Hãy thử suy nghĩ: Màn ảnh chiếu bóng chỉ rộng chừng một trượng, mà biết bao nhiêu sông núi, nhà cửa, người xe v.v… đều xuất hiện trên đó mà không thấy chật, người ta đi xem mà có cho là lạ lùng đâu, huống nữa là Phật pháp không thể nghĩ bàn!

3. Chúng ta tuy chưa tiến đến địa vị của Phật và Bồ-tát, nhưng đối với những thành quả của chư Phật như niết bàn, tịch quang, ba thân, mười sức mạnh, mười tám pháp không cùng chungv…, và những thành quả của hàng Bồ-tát như bốn cách thu phục, sáu pháp qua bờ, mười ba la mật(8), mười địa v.v…, có thể nghiên cứu mà không sợ bị phương hại. Cũng như bốn quả Thanh-văn, dù chưa chứng đắc, nhưng chúng ta cũng có thể học hỏi những pháp bốn sự thật, mười hai nhân duyên, kiến tư hoặc, sáu thần thông v.v…, mà không sợ bị phương hại. Như thế, tuy trong nhất thời không tiến đến được, nhưng cũng phát sinh được cái tâm ngưỡng mộ, hướng về; và chính cái tâm ngưỡng mộ hướng về ấy mới có thể là kẻ dẫn đường cho việc tu tập của chúng ta vậy.

4. Lực lượng của khoa học, không nên xem thường; mà lực lượng của tinh thần, lực lượng của nghiệp, lại càng không nên coi nhẹ. Người đời chỉ biết có lãnh vực khoa học mà không biết rằng hãy còn có lãnh vực tinh thần và nghiệp lực, thật là cái tai hại lớn! Nước Sở có ông Hùng Cừ Tử(9), đang đi trong đêm, trông thấy một phiến đá trong đám cỏ, tưởng là cọp rình, liền giương cung bắn. Mũi tên cắm lút vào đó. Ông đến nhìn kĩ thì hóa ra là phiến đá. Lấy làm lạ, ông lại bắn một lần nữa, thì mũi tên không xuyên vào tảng đá được. Thế đấy, khi tâm cho là cọp, bắn thì tên xuyên vào, mà khi tâm cho là đá thì tên không xuyên vào, đó không phải là bằng chứng của lời dạy “vạn pháp chỉ là tâm” ư? Người đời nay khi thấy trong kinh điển có đề cập đến “những cảnh giới thần thông”, bèn nhất định phải dùng khoa học hiện đại để chứng minh, sau đó mới chịu tin tưởng; nhưng họ không biết rằng, điều mà người ta gọi là “hiện đại”, đó là hiện đại của thế kỉ hai mươi. Nếu đến thế kỉ ba mươi hay bốn mươi, cho đến ngàn vạn năm về sau, so với bây giờ thì khác nhau nhiều lắm. Phật pháp vốn là chân lí bất biến, không chuyển đổi theo tiêu chuẩn của khoa học thời đại. Ví dụ như thuyết “sức hút của vạn vật” của Newton(10), trong ba trăm năm trở lại đây, rất có quyền uy trong giới khoa học, nhưng gần đây đã bị thuyết “tương đối” của Einstein(11) đánh đổ. Rồi trải qua bao nhiêu năm nữa sau này, chắc chắn là thuyết tương đối cũng khó bảo đảm được là sẽ không bị một thuyết khác đánh đổ. Các nhà thiên văn thời trước đều cho rằng, tinh cầu khác không có người, không có thế giới, ngày nay máy móc tiến bộ, người ta lại phát hiện tinh cầu khác cũng có người, có thế giới. Thế thì khoa học có gì đủ để làm tiêu chuẩn đây? Lại như trong kinh Bồ Tát Xử Thai có nói: “Ta sinh ra từ hông bên phải, ông (Di Lặc) thì từ trên đỉnh đầu; ta thọ một trăm tuổi, ông sẽ thọ tám vạn bốn ngàn tuổi; quốc độ của ta bằng đất, quốc độ của ông bằng vàng; quốc độ của ta nhiều đau khổ, quốc độ của ông nhiều an vui.” Cũng cùng là thế giới này, mà đến thời đức Di Lặc hạ sinh, mạng sống của con người sẽ kéo dài đến hơn tám vạn tuổi, đất đai biến thành vàng, đức Di Lặc thì sinh ra từ trên đỉnh đầu; đến lúc bấy giờ, tự bản thân khoa học đã bị sớm phá sản, thì còn lấy tư cách gì để chứng minh, để làm tiêu chuẩn đây?

5. Bồ-tát ở cấp Mười-địa không nhất định là đều sinh ở nước Phật, mà đang sống ngay trong thế giới này của chúng ta, xưa và nay đều có; chỉ vì chúng ta là phàm phu, không có sức thần thông, nên không nhận ra mà thôi. Ví dụ như các ngài Duy Ma Cật, Văn Thù, Di Lặc, đều là Bồ-tát bậc Đẳng-giác; Mã Minh là Bồtát bậc Bát-địa; Long Thọ là Bồ-tát bậc Sơ-địa. Hành giả từ địa vị phàm phu, tu tập trải qua cấp Tam-hiền, đến khi lên được bậc Sơ-địa(12) thì đã là một kiếp a tăng kì; từ Sơ-địa đến Thất-địa lại qua một kiếp a tăng kì nữa; lại từ Bát-địa đến Thập-địa cũng một kiếp a tăng kì; vị chi, khi hoàn mãn bậc Thập-địa, hành giả đã phải trải qua ba đại kiếp a tăng kì; còn Đẳng-giác thì càng khỏi phải nói. Một đại kiếp gồm có mười ba vạn vạn bốn ngàn ba trăm tám mươi bốn vạn năm. Nếu tính một vạn vạn là một ức, một vạn ức là một triệu, thì một kiếp a tăng kì tương đương với một ngàn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn triệu đại kiếp. Như vậy, đương nhiên là công trình tu tập của các ngài ở các thế giới khác, trong vạn ức kiếp về trước, đều được bao gồm ở trong, thì cho đến ngày nay, tích lũy lại, mới có được cái khoảng thời gian dài như thế đó. Nếu không như vậy, thọ mạng của thế giới chúng ta đang sống, chẳng qua chỉ kéo dài một đại kiếp, trong đó, cái thời gian có con người tồn tại chỉ bằng một phần tư, thì làm sao hun đúc nên được một vị Bồ-tát có công hạnh trải ba đại a tăng kì kiếp!

6. Chư Phật, Bồ-tát, hàng Nhị-thừa, và các bậc cao tăng từng diệt độ trên tất cả các thế giới từ vô thỉ đến nay, có thể nói: hôm nay đều có mặt. Tất cả chúng sinh từng tử vong trong sáu đường – dù nhỏ đến như một con muỗi, một con côn trùng, cũng có thể nói: hôm nay đều có mặt. Tất cả, nếu diệt ở đây thì ắt sinh ở kia, không ở chỗ này thì ắt là ở chỗ khác; cho nên, khi một (người) sinh thì không phải là nhiều thêm, mà khi một (người) chết thì cũng không phải là ít đi. Giáo pháp hành giả đã học tập ở thế giới này, tuy sau này phải trải qua nhiều đời khác (ở các thế giới khác), vẫn còn hữu hiệu. Nếu không, trước khi chưa đoạn trừ kiến tư hoặc, chưa lìa khỏi luân hồi, không biết phải trải qua bao nhiêu lần sinh tử; tức như kẻ phàm phu tu tập và thành tựu cấp Thập-tín, cũng phải trải qua một vạn đại kiếp, nếu đời này tu học mà đời sau tiêu mất, làm sao có thể tích lũy đến ngàn kiếp, vạn kiếp? Vì tu học cũng giống như ông thợ sắt đập sắt, từng búa từng búa đều không đập vào khoảng không. Cho nên người tu học cứ yên tâm tu hành, mỗi khi đọc một câu, hoặc lạy một lạy, khởi một niệm, làm một việc, hay cho ai một đồng một vật, cái ruộng thức của thức thứ tám(13) trong tự thân quí vị sẽ ghi nhớ rõ ràng cho quí vị, lưu giữ làm của cải cho nhiều kiếp về sau. Nếu khởi lên một ý nghĩ xấu, làm một việc ác, cái ruộng thức ấy cũng ghi nhớ kĩ càng, không một mụn nhỏ nào lọt mất, lưu giữ làm quả báo đau khổ cho nhiều kiếp sau. Căn khí và nghiệp lực của tất cả chúng sinh là do cách thức này mà sản sinh ra.

7. Người đời nay học Phật pháp thường cho rằng “danh tướng”(14) là khó hiểu, nhân đó, hễ nhìn thấy là sợ. Kì thật, danh tướng không có gì khó, mà khó là ở chỗ “điều lí”. Học phật pháp, xem kinh luận, mục đích cũng đều nhằm giải quyết điều lí. Xem kinh giáo cần phải đạt đến chỗ rỗng sáng tâm tánh, hiểu rõ trọn vẹn, thì mới kể được là thông suốt sâu rộng. Điều đó, nếu không chuyên tâm đọc tụng kinh luận mười, hai mươi năm, e không dễ gì rành mạch. Vả lại, trong thời gian đọc tụng đó, nếu không nhờ các bậc thiện tri thức giúp đỡ, mà chỉ bằng vào sự tra cứu tìm tòi của riêng mình, muốn chứng nhập thật tướng, hiểu rõ đệ nhất nghĩa, trừ phi sẵn có túc căn, còn không thì quyết không thể nào đạt được mục đích đó. Đến như những danh từ phổ thông, chỉ cần mua một bộ từ điển Phật học, rồi chú tâm, một mặt xem kinh, một mặt lật xem chú thích, chỉ cần bỏ công hai, ba năm, ắt có được thành tựu đáng kể; so ra không khó bằng nghiên cứu khoa học. Rất tiếc, người đời không chịu phát tâm nghiên cứu, để cho Phật pháp trân quí trong thế gian, giống như của báu bị vùi lấp trong núi hoang, không ai hay biết, thật đáng tiếc! Học Phật giống như nhai mía, dần dần đi vào cảm giác thú vị; lại như ăn quả trám, mới nhai thì thấy chát, nhưng sau đó thì thấy ngọt. Người đời nay thấy khó, thấy khổ liền co đầu rụt cổ, thì làm sao hưởng được chất ngọt ngào và cảm giác thú vị!

8. Trong tập giáo khoa này, bài thứ nhất nói về Phật một cách khái quát. Hai bài thứ hai và thứ ba nói ngay vào tiểu sử đức Thích Tôn để nhớ nghĩ đến Ngài và tỏ lòng sùng kính; cũng là biểu lộ sự không mất gốc của mình. Bài thứ tư nêu lên một đức Phật ở phương khác, biểu thị rằng Phật có hai phương cách: Đức Dược Sư như là người mở y viện, có lợi ích cho những chúng sinh có bệnh tật, đến viện ở để được điều trị; đức Thích Ca như là người quảy thùng thuốc, thân hành đến nhà người bệnh để chẩn trị. Bài thứ năm, trực tiếp giới thiệu mười tôn hiệu của các đức Như Lai, và gián tiếp nêu lên đức và hạnh của Phật. Vậy là, từ bài một đến bài năm đều đề cập đến PHẬT. Bài thứ sáu giới thiệu đến PHẬT PHÁP; bài thứ bảy trở đi là nói về TĂNG. Bài bảy nói chung về hàng Bồ-tát. Bài tám nêu riêng đức Di Lặc làm điển hình, vì ngài có nhục thân, cùng thời với đức Thích Tôn, đản sinh ở Ấnđộ, có gia thế khảo chứng được, chứ không phải mò mẫm trong chốn mịt mù; vả lại, ngài còn là đức Phật sẽ hạ sinh trong tương lai, chúng ta cần biết nhiều về ngài để kết duyên lành. Hai bài chín và mười nêu lên những đạo tràng của chư vị Bồ-tát, khiến cho tỏ rõ cách thức độ sinh của quí ngài; thấy được cái hạnh của quí ngài mà cố tu tập theo. Bài mười một và mười hai nói về sáu phép qua bờ, nêu rõ pháp môn tu tập thiết yếu của Bồ-tát. Bài mười ba đề cập đến ngài Duy Ma Cật, một vị Bồ-tát tại gia, để cùng với đức Di Lặc, biểu thị đầy đủ hai cách thức của hai giới tăng và tục. Bài mười bốn nói rõ các nấc thang tu tập của hàng Bồ-tát. Bài mười lăm nói về hạnh nguyện của Bồ-tát. Từ bài bảy đến bài mười lăm đều đề cập đến Bồ-tát tăng; từ bài mười sáu trở đi sẽ đề cập đến Thanh-văn tăng. Bài hai mươi mốt sẽ kết thúc phần “Tam Bảo”, khuyên người qui y. Đó là mạch lạc hành văn vậy.

CHÚ THÍCH (của người dịch)

1) Kim Túc Như Lai: tên của một đức Phật đời quá khứ, theo truyền thuyết, là tiền thân của cư sĩ Duy Ma Cật. Truyền thuyết này rất được thịnh hành từ xưa tới nay. Có người nói rằng, truyền thuyết này đã phát xuất từ kinh Phát Tích và kinh Tư Duy Tam Muội, nhưng hai kinh này đến nay chưa ai tìm thấy.

2) Bồ-tát Thập-địa: tức là các đức Bồ-tát đã chứng đắc bậc cuối cùng của cấp Mười-địa (tức địa thứ mười, hay Pháp-vân-địa) để tiến lên bậc Đẳng-giác.

3) Trương Tam Lí Tứ: chàng Trương Tam và chàng Lí Tứ. Đây là một thành ngữ có ý chỉ một người nào đó, không ai biết tên tuổi là gì, ở xứ sở nào, có danh phận gì, như nói: “ông A ông B nào đó”.

4) Công thần ngoại đạo: Tự mình phá hoại, làm suy yếu đạo của mình, để cho người ngoại đạo khinh rẻ, chê cười và lấn lướt. Như vậy tức là mình vô tình giúp cho ngoại đạo hưng vượng lên và tiêu diệt đạo mình; mình trở thành như là một “công thần” của họ.

5) Mã Viện (14 tr. TL – 49 s. TL): Người thời Đông-Hán (25-220), Trung-quốc, theo phò Hán Quang Vũ (25-57), làm thái thú Lũng-tây. Năm 42, Viện lãnh chức Phục-ba tướng quân, dẫn quân sang xâm lăng Giao-chỉ (Việt-nam). Năm 43, quân Giao-chỉ bị đánh bại, Hai Bà Trưng tự vận, Giao-chỉ trở thành thuộc địa của Trung-quốc.

6) Trong cuộc chiến xâm lăng Giao-chỉ, người anh của Mã Viện là Mã Dư bị tử trận. Mã Dư có hai con trai là Mã Nghiêm và Mã Đôn, rất được Mã Viện yêu mến; cho nên từ chiến trường, Viện đã gửi thư về răn dạy các cháu, nêu một vài người làm gương để bảo các cháu nên bắt chước ai và không nên bắt chước ai. Trong bức thơ ấy có câu: “Họa hổ bất thành phản loại cẩu”, có thể giản lược thành: “Họa hổ loại cẩu” (vẽ cọp ra chó), ý nói, nói hay làm việc gì cũng phải bắt đầu từ căn bản thực tế, rồi từ từ tiến tới mới chắc chắn thành công; nếu chỉ nói những điều viển vông, cố làm những việc cao xa vượt sức thì sẽ không thành tựu được việc gì cả. Quí Lương (trong câu “Bắt chước Quí Lương ……”) đã được Mã Viện diễn tả (trong bức thơ) như là một bậc đạo đức quá cao trọng, đứng trên cả mọi người, mà những người còn quá trẻ như Nghiêm và Đôn chưa có thể bắt chước được.

7) “Một và nhiều ở trong nhau” (nhất đa tương nhập) cũng tức là “một và nhiều dung chứa nhau” (nhất đa tương dung) là một trong những giáo nghĩa trọng yếu của kinh Hoa Nghiêm. Kinh này có câu: “Một thế giới nằm trong vô lượng thế giới, vô lượng thế giới nằm trong một thế giới.” Nói cách khác: một sự vật có mặt trong tất cả các sự vật, tất cả các sự vật có mặt trong một sự vật. Một cuốn sách chẳng hạn, không phải tự nó có ra, nhưng đã do tất cả những yếu tố “không phải là sách” hợp lại làm thành (như giấy, mực, máy in, nhân công; rồi những vật liệu làm ra giấy như gỗ, thợ gỗ, nhà máy, nhân công v.v…; rồi những thứ đã làm nên gỗ như hạt giống, đất, nước, ánh sáng mặt trời, không khí v.v…; rồi những thứ đã nuôi sống thợ in, nhân công làm giấy như cơm, thịt, rau, cá v.v…; rồi những gì liên quan đến cơm, thịt, rau, cá …, nhiều lắm, cùng khắp vũ trụ, không thể nào kể ra hết được). Bởi vậy, giữa cuốn sách và chiếc máy in, mặt trời, người nông dân, con cá v.v… không có gì ngăn cách; trong cuốn sách có tất cả mọi thứ giấy, mực, máy in, thợ gỗ, thợ nề, con bò, hạt gạo, đám mây, không khí v.v…; và đồng thời cuốn sách cũng có mặt trong tất cả mọi thứ kia. Hành giả khi đã đạt được cái thấy này thì tâm ý tức khắc được giải thoát khỏi những ràng buộc, những hạn chế, những chướng ngại của ngã chấp và pháp chấp, chấm dứt đau khổ. – “Rộng hẹp tự tại” cũng cùng loại giáo nghĩa ấy, nghĩa là, cái rộng cái hẹp hàm chứa lẫn nhau, không có gì chướng ngại.

8) Mười ba la mật: (Xin xem lại phụ chú số 10, bài 14 ở trước.)

9) Sở Hùng Cừ Tử: Nước Sở (nay là phần đất phía Đông tỉnh Hồ-bắc) do Hùng Dịch kiến lập vào thời vua Thành vương (1103?-1066? tr. TL) nhà Chu (1122?-249 tr. TL), là một trong bảy nước chư hầu hùng mạnh nhất vào thời Chiến-quốc (475-221 tr. TL), sau bị Tần Thỉ-hoàng (259-210 tr. TL) diệt, thống nhất Trung-quốc. Hùng Cừ Tử là người nước Sở, nổi danh thiện xạ, người khắp nước đều biết. Trong sách Sử Kí của Tư-mã Thiên cũng có chép câu chuyện tương tự: Lí Quảng đi săn, thấy tảng đá trong đám cỏ, tưởng là cọp, bèn giương cung bắn. Mũi tên ngập lút vào tảng đá. Chừng xem kĩ lại thì rõ ràng là tảng đá, bèn thử bắn lại lần nữa thì mũi tên không xuyên qua tảng đá được nữa.

10) Sir Isaac Newton (1642-1727), nhà số học và vật lí học người Anh, đã nâng khoa học và nền văn minh Âu-châu lên tới mức tuyệt đỉnh. Thuyết “cơ học” (cho rằng không gian và thời gian hoàn toàn độc lập, không liên hệ gì với nhau) và thuyết “vạn vật hấp dẫn” (vạn vật trong vũ trụ đều có sức hút lẫn nhau) của ông đã ngự trị trên toàn giới khoa học trong một thời gian dài, mãi đến đầu thế kỉ 19 mới bị các thuyết khác đánh đổ.

11) Albert Einstein (1879-1955), nhà số học và vật lí học người Đức gốc Do-thái, trở thành công dân Mĩ vào năm 1940. Thuyết “tương đối” của ông được công bố vào đầu thế kỉ 20 đã đánh đổ các thuyết trước đó của Newton, và mở ra một thời đại mới cho vật lí học, đồng thời cống hiến cho nhân loại một cái nhìn mới về sự vận hành vũ trụ. Cái nhìn mới đó rất gần với vũ trụ quan Phật giáo đã được miêu tả trong kinh Hoa Nghiêm; ví dụ, ông cho rằng không gian và thời gian liên tục tương đối nhau, thời gian và không gian không thể xác định được một cách tuyệt đối, tất cả những hiện tượng đều liên hệ với nhau.

12) Bước lên bậc Sơ-địa thì gọi là “Đăng-địa”, tức là, bậc Bồ-tát đã hoàn mãn cấp Mười-hồi-hướng và bắt đầu bước lên bậc Sơ-địa của cấp Mười-địa.

13) Thức Thứ Tám có tên là A-lại-da thức (alaya-vijnana), có khả năng chứa đựng tất cả chủng tử của vạn pháp; cho nên, được gọi là “thức điền”. (Xin xem thêm chú thích số 10, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 25,26 và 27” ở sau.)

14) Danh tướng: “Danh” là tên gọi của sự vật, nói lên cái tính chất của sự vật; “tướng” là tướng trạng của sự vật. Mọi sự vật đều có danh và tướng: tên của sự vật chúng ta có thể nghe được bằng tai, gọi là “danh”; hình sắc của sự vật chúng ta có thể thấy bằng mắt, gọi là “tướng”. Nghe cái tên mà thấy rõ được tướng trạng của sự vật, gọi là “danh tướng”. Trong bài này tác giả dùng chữ “danh tướng” để chỉ cho kinh điển và các pháp môn tu tập. Chữ “điều lí” có nghĩa là: mạch lạc, thứ lớp, ngăn nắp. Trong bài này tác giả dùng chữ “điều lí” với ý nghĩa là nắm lấy nghĩa lí kinh giáo một cách minh bạch, trọn vẹn, không lầm lẫn, sai sót.