GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP MỘT

Bài 13
CƯ SĨ DUY MA CẬT

Khi đức Phật còn tại thế, trong thành Tì-da-li1(1) có một vị trưởng giả tên là Duy Ma Cật2, biện tài(2) vô ngại, đi đây đó giáo hóa tự tại3(3). Tuy là một người áo trắng4, nhưng ông vâng giữ giới hạnh thanh tịnh của bậc sa môn(4); tuy có vợ, nhưng thường tu phạm hạnh. Vì phương tiện độ người, ông thị hiện có bệnh, và thường mượn cơ hội bệnh tật đó để nói pháp cho những người đến thăm ông, giúp cho họ biết rằng thân thể là vô thường, là gốc của mọi nỗi đau khổ; rồi dạy họ tu học Phật pháp, làm cho họ trong tương lai sẽ chứng được pháp thân thanh tịnh của các đức Như Lai.

“Duy Ma Cật” hay “Duy Ma”, đó là dịch âm; “Tịnh Danh” hay “Vô Cấu Xưng” là dịch nghĩa. “Tịnh” tức là “Vô Cấu” (không dơ nhớp); “Danh” tức là “Xưng” (tên, gọi). Theo truyền thuyết, ông là hậu thân của đức Kim Túc Như Lai. Thời đức Thích Tôn tại thế, ông hiện thân làm cư sĩ, nói giáo pháp phương đẳng5, trách cứ hàng nhị thừa thiên chấp vào tính không, bài xích tính hạn hẹp của tiểu thừa, tán thán đại thừa, khen ngợi pháp viên đốn6(5). Cho nên tư tưởng và hành động của các vị đệ tử của đức Thích Tôn đều được ông sửa sai. Ông cũng khích lệ các vị ấy hãy tiến đến tư tưởng và hành động đại thừa.

Duy Ma Cật là một vị Bồ-tát Đẳng-giác. Sự thị hiện của ông chính thật là vì nền Phật pháp đại thừa, làm vang dậy tiếng gầm sư tử(6), giúp cho các hành giả tiểu thừa không còn đắm mình trong nếp cũ, lún chân mãi trong pháp tiểu thừa7.

Nếu nói về thần thông, ông có thể vượt qua ba mươi sáu hằng sa quốc độ ở phương Đông, đến chỗ của đức Phật Tu Di Đăng Vương, mượn ba vạn hai ngàn tòa sư tử9 (mỗi cái cao tám vạn bốn ngàn do tuần8), mang về đặt trong căn thạch thất một trượng vuông10 của ông mà vẫn không thấy chật chội. Ông cũng hóa hiện ra một vị Bồ-tát hóa thân, và nhờ vị này vượt qua bốn mươi hai hằng sa cõi Phật ở phương Trên, đến nước Chúng-hương của đức Phật Hương Tích, xin một bát cơm đem về mời mọi người ăn mà không hết. Ông cũng dùng tay phải lấy nước Phật là Diệu-hỉ, đem đặt vào thế giới này mà không có gì thêm bớt; đại chúng xem xong, ông đem nước Phật ấy đặt lại chỗ cũ.

Nếu luận về biện tài thì ông tung hoành tự tại, khế hợp nhiệm mầu giáo lí Phật đà, khiến cho người nghe pháp tin hiểu sâu sắc, và phát tâm bồ đề vô thượng11.

Nếu cho rằng đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trong thời kì Phật pháp này, Ngài đã vì người xuất gia mà nêu lên một chuẩn mực tối cao, thì cũng có thể nói, trưởng giả Duy Ma Cật đã vì người Phật tử tại gia mà nêu lên một chuẩn mực tối cao. Cái phong thái của ông cùng với hàng xuất gia trong tam thừa thì đối lập nhau xa, điều đó ngụ ý rằng, phải thành toàn cho nhau trong sự tôi luyện, nêu tấm gương tốt cho hàng cư sĩ áo trắng hoặc hàng Bồ-tát tại gia. Vì vậy, chúng ta tôn ông làm vị Tổ của hàng cư sĩ cũng chẳng có gì là quá đáng.

 

CHÚ THÍCH 

1. Dịch là Quảng-nghiêm, ở trung Ấn-độ, là nơi mà bảy trăm vị thánh tăng đã nhóm họp để kết tập kinh điển lần thứ hai, một trăm năm sau ngày Phật nhập diệt.

2. Gọi tắt là “Duy Ma”, cựu dịch là “Tịnh Danh”, tân dịch là “Vô Cấu Xưng”. Ông là một vị Bồ-tát pháp thân, từ nước Phật Diệu-hỉ, hóa sinh vào thế giới này, thị hiện thân cư sĩ, phụ đức Thích Ca để hoằng pháp. Sự tích của ông có ghi rõ trong kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát.

3. Chư Phật và Bồ-tát dùng thần thông để thu nhiếp và hóa độ chúng sinh, có thể ra vào vô ngại, gọi là “thần thông du hí”.

4. Ở Trung-quốc, chư tăng thường mặc áo màu tím đen, cư sĩ thường mặc áo trắng; vì vậy, cư sĩ tại gia được gọi là người áo trắng.

5. Phương Đẳng: “phương” nghĩa là rộng; “đẳng” nghĩa là đồng đều. Trong thời thứ ba, đức Phật đã nói bốn loại pháp môn tạng, thông, biệt, viên một cách rộng rãi, đem lại lợi ích đồng đều cho cả mọi căn cơ cao thấp, cho nên gọi đó là thời “Phương Đẳng”.

6. Trách cứ hàng nhị thừa thiên chấp về tính không, bài xích tiểu thừa chỉ lo tự lợi, tán thán đại thừa, khen ngợi pháp viên đốn, làm nên bậc thang từ tiểu thừa lên đại thừa, là tính chất đặc biệt của kinh giáo phương đẳng; đó là ý nghĩa của câu “đàn thiên xích tiểu, thán đại bao viên”.

7. Hai thừa Thanh-văn và Duyên-giác, vì mê chấp vào giáo pháp của chính mình mà không biết gì về diệu lí không của giáo pháp đại thừa, đó là hạng tiểu thừa “ngu pháp”. Một lúc nào đó họ hiểu rõ giáo pháp đại thừa, rồi hồi tâm hướng về đại thừa, thì gọi là hạng tiểu thừa “không ngu pháp”.

8. Tân dịch là du-thiện-na, là số đo đường dài được dùng ở Ấn-độ; mỗi do-tuần có thể là ba mươi dặm, bốn mươi dặm, năm mươi dặm, hay sáu mươi dặm, không có qui định đồng nhất.

9. “Sư tử” tức là con sư tử. Đức Phật là sư tử trong loài người, cho nên chỗ ngồi của Phật gọi là “sư tử tòa”. Luận Trí Độ nói: “Hiệu là sư tử nhưng không phải thật là sư tử. Đức Phật là sư tử trong loài người. Chỗ ngồi của Phật, hoặc giường hoặc đất, đều gọi là tòa sư tử.”

10. Căn thạch thất của ông Duy Ma Cật ở, bốn cạnh đều dài một trượng, cho nên gọi là “trượng thất”, hoặc cũng gọi là “phương trượng”.

11. Tiếng gọi trí giác của Phật, cựu dịch là “vô thượng chánh biến tri”. Lại nữa, “a” là vô, “nậu-đa-la” là thượng, “tam” là chánh, “miệu” là đẳng, “bồ-đề” là giác, hợp lại là vô thượng chánh đẳng chánh giác. Chứng được trí giác đó tức là thành Phật. Cho nên, phát tâm “a nậu đa la tam miệu tam bồ đề” tức là phát tâm nguyện thành Phật.

 

PHỤ CHÚ

1. Tì-da-li: cũng gọi là Tì-xá-li, hay Phệ-xá-li, người Trung- quốc dịch là Quảng-nghiêm, là nơi cư trú của bộ tộc Lê-xa, và là thủ đô của vương quốc Bạt-kì, miền Trung Ấn-độ thời Phật tại thế. Bạt-kì là một chủng tộc lớn, do tám tiểu quốc hợp lại làm thành, lấy bộ tộc Lê-xa làm chủ. Có lẽ đó là một quốc gia đã áp dụng chế độ cộng hòa sớm nhất trên thế giới. Vào thời Phật tại thế, Bạt-kì là một trong mười sáu nước lớn ở Ấn-độ. Kinh đô Tì-xá-li là một thành phố thương mại phồn thịnh. Tơ lụa và trầm hương ở đây rất nổi tiếng, được tất cả các vương quốc đương thời ưa chuộng. Tì-xá-li cũng là địa điểm hành đạo quan trọng của Phật và giáo đoàn, ngang với các thành Vương-xá (kinh đô nước Ma-kiệt-đà) và Xá-vệ (kinh đô nước Kiều-tát-la). Đó cũng là nơi kết tập kinh điển lần thứ hai của bảy trăm vị thánh tăng sau khi Phật diệt độ một trăm năm. Trong sách Đại Đường Tây Vực Kí có chép: “Phía Đông thành phố có tháp thờ di tích của các vị đã chứng quả như Xá Lợi Phất v.v…; cách thành phố ba dặm về phía Đông Bắc có tháp ghi dấu tích căn nhà xưa của Bồ-tát Duy Ma Cật, gần đó là nơi mà Bồ-tát Duy Ma Cật đã từng thị hiện bệnh tật để thuyết pháp.”

2. Biện tài: “Biện” là cách diễn bày bằng ngôn ngữ; “biện tài” là có tài năng trong việc thuyết pháp. Chư Phật và Bồ-tát, trải từ bao kiếp, do khẩu nghiệp thanh tịnh mà có đầy đủ các thứ biện tài như: thuyết mọi pháp môn không bị chướng ngại, giải rõ mọi nghĩa lí không bị chướng ngại, dùng từ để diễn đạt không bị chướng ngại, diễn nói một cách chính xác, tự tại không bị chướng ngại.

3. Du hí: Người đời dùng từ “du hí” để chỉ cho việc đi đây đó vui chơi không mục đích; trong Phật giáo, “du hí” có nghĩa là đi đó đây để giáo hóa độ sinh. Những ai đi đây đó giáo hóa độ sinh một cách tự tại, không bị bất cứ sức mạnh nào làm cho trở ngại, chùn bước, gọi là có “thần thông du hí”.

4. Sa môn: Từ thời Phật tại thế, danh xưng “sa môn” đã được dùng để chỉ chung cho tất cả những người xuất gia tu hành, trong đạo Phật hay ở các đạo khác. Đặc biệt, sa môn trong đạo Phật phải là những vị cạo bỏ râu tóc, sống độc thân, xa gia đình, không nhà cửa ruộng vườn, không tài sản riêng tư, đi xin ăn, chuyên cần tu tập mọi pháp lành, không làm các điều ác, dứt sạch phiền não, phát huy trí tuệ, chứng nhập giải thoát niết bàn. Bốn quả vị mà một vị sa môn có thể chứng đạt là Tu-đà-hoàn, Tư-đàhàm, A-na-hàm và A-la-hán.

5. Viên đốn: nghĩa là tròn đủ và tức khắc. Tu tập để chứng các quả vị Thanh-văn hay Duyên-giác thì vẫn còn có chỗ khiếm khuyết, không tròn đầy và còn chậm chạp. Hành giả hãy phát tâm mạnh mẽ, phát huy trí tuệ siêu việt, tròn đầy, để thành tựu ngay quả Phật, đó là “viên đốn”. Các pháp môn giúp cho hành giả đạt ngay thành quả giác ngộ vô thượng của Phật thừa, gọi là “giáo pháp viên đốn”, hay “đốn giáo”, như giáo lí chứa đựng trong các kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Bát Nhãv…

6. Tiếng gầm sư tử: Sư tử là vua của các loài thú, tiếng gầm của nó làm cho các loài thú đều khiếp sợ, khép nép. Phật là bậc chí tôn trong ba cõi. Pháp âm của Ngài làm tiêu tan mọi hí luận, tà kiến; chinh phục các tà ma ngoại đạo. Những ai có căn trí, dù cao hay thấp, khi nghe pháp âm của Ngài đều hưởng được lợi lạc, khởi tâm dũng mãnh, tinh tấn tu tập cho đến khi chứng đạt đạo quả giác ngộ. Bởi vậy, trong Phật pháp, “tiếng gầm sư tử” đã được dùng để ví dụ cho pháp âm của đức Phật. Ở đây, pháp âm của Bồtát Duy Ma Cật cũng được gọi là “tiếng gầm sư tử”, cho thấy, Bồ-tát Duy Ma Cật đã được tác giả kính trọng như kính Phật.

 

BÀI TẬP 

1) Ông Duy Ma Cật thường thị hiện có bệnh với dụng ý gì?

Ông Duy Ma Cật thường thị hiện có bệnh với dụng ý dùng cơ hội này để nói pháp cho những người đến thăm ông, khuyến khích họ tu học để tiến đến giác ngộ giải thoát.

2) Ông Duy Ma Cật là hậu thân của ai? Ông đã nói loại giáo pháp gì? Có tác dụng gì?

Ông Duy Ma Cật là hậu thân của đức Kim Túc Như Lai, giảng nói giáo pháp phương đẳng đại thừa, làm cho người nghe bỏ đi cái thành quả nhỏ hẹp có tính cách tự lợi của tiểu thừa, phát tâm lớn mạnh đi theo con đường viên đốn để đạt được quả vị giác ngộ vô thượng.

3) Hãy giải thích tám chữ “đàn thiên xích tiểu, thán đại bao viên”.

“Đàn thiên” nghĩa là trách cứ sự thiên chấp về tính không của hàng Nhị-thừa; “xích tiểu” nghĩa là bài xích tính chất tự lợi của tiểu thừa; “thán đại” nghĩa là tán thán tính chất vừa tự lợi vừa lợi tha của đại thừa; “bao viên” nghĩa là khen ngợi giáo pháp viên đốn của đại thừa. Một cách tổng quát, tám chữ trên có nghĩa là: đả phá tính thiên chấp cũng như cái bản chất hạn hẹp của hàng tiểu thừa, và ca ngợi giáo pháp viên đốn cũng như tinh thần tự lợi lợi tha của hàng đại thừa.

4) Hãy dịch nghĩa từ “a nậu đa la tam miệu tam bồ đề”.

“A” nghĩa là vô, “nậu đa la” nghĩa là thượng, “tam” nghĩa là chánh, “miệu” nghĩa là đẳng, “bồ đề” nghĩa là giác; hợp lại, “a nậu đa la tam miệu tam bồ đề” nghĩa là vô thượng chánh đẳng chánh giác (quả vị giác ngộ cao tột không gì hơn).

5) Vì sao người đời sau tôn ông Duy Ma Cật làm vị Tổ của hàng cư sĩ?

Ông Duy Ma Cật đã hiện thân làm một người cư sĩ tại gia nhằm nêu lên cho người tại gia một tấm gương tốt, một chuẩn mực tối cao của trí tuệ cũng như về một đời sống phạm hạnh. Bởi vậy mà người đời sau đã tôn ông làm vị Tổ của hàng cư sĩ.