GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP MỘT

Bài 12
SÁU PHÁP QUA BỜ (phần 2)

4. Tì li da ba la mật: Tiếng Trung-quốc nói là tinh ấn độ, để đối trị tính lười biếng. Thuần nhất, không hỗn tạp gọi là “tinh”; hăng hái tiến tới phía trước gọi là “tấn”. Tu tập giáo pháp sở dĩ không thành công, nguyên nhân phần nhiều là: Hoặc lúc đầu siêng năng nhưng cuối cùng lại lười biếng; hoặc đang nửa chừng thì gián đoạn rồi lại nối tiếp, rồi lại gián đoạn; hoặc một lần nổi mạnh lên nhưng mười lần nguội lạnh đi, đến nỗi không có thành tích gì đáng nói. Phương pháp để đối trị là phải tinh tấn không thối lui, thì mới có thể thành công. Tinh tấn có hai loại: Bất luận là làm việc gì thuộc thế gian hay xuất thế gian, đều phải có đủ nghị lực, giữ tâm chí bền vững, không thành công thì không ngừng nghỉ, như thế gọi là “sự tinh tấn”. Khi tu tập giáo pháp thì lấy cái tâm bất sinh bất diệt làm gốc cho việc tu nhân. Đồng thời cũng lấy việc thực chứng trọn vẹn cái tâm bất sinh bất diệt này làm mục tiêu sau cùng, toàn thể sự tức là lí, toàn thể lí tức là sự, không thành công thì không ngừng nghỉ, như thế gọi là “lí tinh tấn”.

5. Thiền na ba la mật: Tiếng Trung-quốc nói là tư duy tu độ, để làm lắng đọng tâm tán loạn. Năm phép quán dừng tâm1, bốn lĩnh vực quán niệm2, tám bội xả3, mười nhất thiết xứ4 v…, đều là loại thiền của tiểu thừa. Nếu tu tập ba phép quán thứ tự(1), trước hết từ tính giả đi vào tính không, tiếp theo lại từ tính không đi vào tính giả, sau nữa là rời cả không và giả để vào phép quán trung đạo – tức đệ nhất nghĩa, đó là loại thiền của xuất thế gian. Nếu ở ngay một pháp, quán chiếu trọn vẹn cùng lúc ba chân lí không, giả và trung, tức không tức giả tức trung(2), không phải một cũng không phải khác, đó tức là loại thiền tối thượng của xuất thế gian. Cả ba loại thiền trên đều là Như Lai thiền. Nếu lìa khỏi niệm phân biệt hư vọng, phát khởi cái tâm không vướng mắc mà chứng ngộ thẳng vào thật tướng, không có pháp gì để được, thì đó là Tổ Sư thiền. Loại thiền này đã thuộc vào phạm vi trí tuệ bát nhã, không còn trong lĩnh vực thiền định nữa.

6. Bát nhã ba la mật: Tiếng Trung-quốc nói là trí tuệ độ, để phá tan sự ngu si. Bát nhã có ba loại: Tất cả văn tự trong tất cả kinh luận đều là “văn tự bát nhã”. Nương theo văn tự để hiểu rõ nghĩa lí của kinh luận mà thực tập quán chiếu, thì gọi là “quán chiếu bát nhã”. Nhờ công phu quán chiếu mà thấy sâu vào tâm tính, triệt để chứng ngộ thật tướng5, gọi là “thật tướng bát nhã”. Văn tự là công cụ, quán chiếu là phương tiện, thật tướng là mục đích, ba loại bát nhã trên thật là một toàn bộ nhất quán. Khi đã thấy rõ thật tướng, rồi khởi tâm tu hành, mới gọi là “chân tu”6. Đó gọi là đem toàn thể cái tính mà khởi sự tu tập, và hoàn toàn tu tập ở chính nơi cái tính ấy; nếu không như vậy thì chỉ là “duyên tu”7, vì chưa khai mở được tuệ nhãn8 vậy.

Khi vị Bồ-tát tu tập sáu pháp qua bờ thì ba vầng phải vắng lặng9, năng và sở10 đều tiêu mất, mới gọi là “ba la mật”. Nếu không như thế thì chỉ có thể coi là tu tập các pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ, trong tương lai chẳng qua chỉ hưởng được các phước báo hữu lậu11(3) trong các cõi trời và người mà thôi, chứ không thể nào đạt đến bờ bến niết bàn giải thoát được.

 

CHÚ THÍCH

1. Hàng Thanh-văn khi mới vào đạo phải làm cho các tạp niệm trong tâm dừng lại. Có năm phép quán niệm dùng đối trị với các tạp niệm đó, gọi là “năm phép quán dừng tâm”: 1) Các chúng sinh nhiều tham dục, hãy quán niệm về cái tướng bất tịnh của cảnh giới để chuyển hóa các dục niệm, gọi là “bất tịnh quán”. 2) Các chúng sinh nhiều sân hận, hãy quán niệm về nỗi khổ đau đáng thương xót của tất cả loài hữu tình để chuyển hóa tâm sân hận, gọi là “từ bi quán”. 3) Các chúng sinh nhiều si mê, hãy quán niệm về tướng sinh diệt của nhân quả nối tiếp nhau cả ba đời để chuyển hóa tâm ngu si, gọi là “nhân duyên quán”. 4) Các chúng sinh nhiều ngã kiến, hãy phân tích các pháp làm sáu yếu tố(4) hoặc mười tám khu vực(5), thấy rõ ở trong các pháp vốn không có ngã để chuyển hóa tâm chấp ngã, gọi là “giới phân biệt quán”. 5) Các chúng sinh nhiều tán loạn, trong lúc thở ra hãy đếm từ một đến mười, lúc thở vào cũng vậy, để chuyển hóa tâm tán loạn, gọi là “sổ tức quán”. 6) Các chúng sinh nhiều nghiệp chướng, hãy quán niệm về thân tướng tốt đẹp của chư Phật, hoặc quán niệm danh hiệu Phật, nhờ oai thần của Phật để chuyển hóa nghiệp chướng, gọi là “niệm Phật quán”. Thật ra ở đây có sáu phép quán, nhưng các bậc cổ đức chủ trương chỉ dùng năm phép quán đầu mà bỏ đi phép quán niệm Phật; hoặc cho rằng hai phép quán thứ ba và thứ tư (nhân duyên quán và giới phân biệt quán) là giống nhau, cho nên bỏ phép quán giới phân biệt đi, vẫn thành ra năm phép quán.

2. Xin xem chú thích số 2 ở bài 11.

3. “Bội xả” ý nói là buông bỏ, theo lối dịch mới là “tám giải thoát”. Đứng về nhân thì nói là buông bỏ, đứng về quả thì nói là giải thoát; tức là buông bỏ năm thứ dục lạc trong cõi Dục, cùng định hay chưa đến định trong cõi Dục, bốn bậc thiền căn bản, và cả năm thứ dục thanh khiết của cõi Tứ-không. Vì những thứ thiền định ấy vẫn chưa rời được tâm luyến ái, còn vướng niềm hỉ lạc, cho nên phải buông bỏ chúng đi. 1) Trong vốn có sắc tướng, quán chiếu sắc tướng bên ngoài để giải thoát (buông bỏ tâm tham ái đối với tự thân – HC); cũng gọi là Sơ-thiền vô lậu. 2) Trong không có sắc tướng, quán chiếu sắc tướng bên ngoài để giải thoát (buông bỏ tâm tham ái đối với cõi Dục – HC); cũng gọi là Nhị-thiền vô lậu. 3) Trong sạch (tâm ý trong sạch vì đã giải thoát tất cả những tham ái đối với tự thân và cõi Dục – HC); cũng gọi là Tam-thiền và Tứ-thiền vô lậu. 4) Hư không (vượt khỏi tự thân và đồng nhất mình với hư không vô biên – HC). 5) Thức vô biên xứ (tâm thức bao hàm cả không và thời gian – HC). 6) Vô sở hữu xứ (vượt thoát các khái niệm và khuôn khổ của tư tưởng, thấy rõ tính chất vô tướng của vạn pháp – HC). 7) Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ (vượt thoát cả ý niệm về chủ thể quán chiếu và đối tượng quán chiếu – HC). 8) Diệt thọ tưởng (giải thoát hoàn toàn khỏi mọi cảm thọ và tư tưởng – HC).

4. Đối với mười pháp là xanh, vàng, đỏ, trắng, đất, nước, gió, lửa, hư không và tâm thức, hành giả quán chiếu mỗi pháp ấy đều bao trùm tất cả mọi nơi.

5. Cũng gọi là Phật tính, pháp tính, chân như, pháp thân, chân đế, v.v… Phàm hễ có sắc tướng thì đều là hư vọng. Chỉ có những cái vừa kể trên là chân thật, không thay đổi, không hoại diệt, cho nên gọi là “thật tướng”.

6. Hàng Bồ-tát ở trong cấp Mười-địa thực chứng cảnh giới chân như mà không có một pháp nào để tu, không khởi tâm tu cũng không mong cầu chứng đắc, gọi là “chân tu”.

7. Hàng Bồ-tát ở dưới cấp Mười-địa duyên vào chân như mà cần có các pháp để tu tập, có phát khởi tâm tu tập và có mong cầu chứng đắc, gọi là “duyên tu”.

8. Khác với con mắt thịt của phàm phu, con mắt trí tuệ thấy rõ được chân lí, cho nên gọi là “trí nhãn” (hay tuệ nhãn).

9. Nói về bố thí thì người bố thí, người nhận của bố thí và vật được dùng bố thí, gọi là “ba vầng” (tam luân). Sau khi bố thí xong, sự tướng của cả ba vầng ấy đều không còn vướng trong tâm, tức là cái thể của ba vầng đều trống vắng. Bố thí như vậy mới có thể gọi là “ba la mật”. Năm “độ” còn lại cũng có thể suy theo đó mà hiểu được.

10. Khi có hai pháp đối đãi nhau, pháp chủ động thì gọi là “năng”, pháp bị động thì gọi là “sở”. Ví dụ như sát sinh, người đồ tể là “năng sát”, con súc vật là “sở sát”; hợp chung lại gọi là “năng sát sở sát”, nói tắt là “năng sở”. Các pháp khác cũng có thể suy từ thí dụ trên mà hiểu được.

11. “Lậu” là một tên gọi khác của “phiền não”. Những sự vật gì mang tính chất của phiền não thì gọi là “hữu lậu”.

 

PHỤ CHÚ 

1. Thứ đệ tam quán: Ba phép quán (tam quán) là một trong những pháp môn tu tập nền tảng của tông Thiên Thai, và cũng rất được phổ biến trong chốn thiền môn. Đó là ba phương pháp mà các hành giả tu Bồ-tát đạo dùng để thực tâp quán chiếu vạn hữu, nhằm phát triển trí tuệ đến chỗ toàn bích. Ba phép quán đó là: quán không, quán giả và quán trung. 1) Quán không (không quán): Quán chiếu để thấy rõ tất cả mọi hiện tượng đều nương nhau mà có, cho nên chúng không có bản chất chân thật; tất cả đều là không. 2) Quán giả (giả quán): Quán chiếu để thấy rõ tất cả mọi sự vật đều biến đổi luôn luôn (vô thường), không có tính đồng nhất bất biến; tuy chúng có hiện hữu, nhưng sự hiện hữu của chúng chỉ là giả tạm, không có gì tồn tại vĩnh viễn. 3) Quán trung (trung quán): Quán chiếu để thấy rõ vạn pháp vừa là không mà cũng vừa là giả, đồng thời, không phải là không mà cũng không phải là giả. Các hành giả cơ trí còn kém, thường thực tập ba phép quán này một cách tuần tự, trước tiên là quán không để dứt bỏ kiến tư hoặc, tiếp đến là quán giả để đoạn trừ trần sa hoặc, và sau cùng là quán trung đạo để diệt trừ vô minh hoặc. Ba phép quán được tu tập theo thứ tự như thế gọi là “thứ đệ tam quán”.

2. Nhất tâm tam quán: Cũng ba phép quán đó, nhưng các hành giả có cơ trí cao siêu thì không theo cách quán chiếu thứ tự như trên, mà phối hợp cả ba phép quán lại trong một cách quán chiếu duy nhất – trong một phép quán gồm đủ cả ba phép quán: 1) Khi quán niệm về tính không, một pháp đã là không thì tất cả các pháp cũng đều là không; cả tính giả và tính trung cũng đều là không (nhất không nhất thiết không, vô giả trung nhi bất không). 2) Khi quán niệm về tính giả, một pháp đã là giả thì tất cả các pháp cũng đều là giả; cả tính không và tính trung cũng đều là giả (nhất giả nhất thiết giả, vô không trung nhi bất giả). 3) Khi quán niệm về tính trung, một pháp đã là trung thì tất cả các pháp cũng đều là trung, cả tính không và tính giả cũng đều là trung (nhất trung nhất thiết trung, vô không giả nhi bất trung). Sở dĩ quán chiếu được như vậy là vì ba chân lí không, giả, trung vốn là một toàn bộ chân lí về thật tướng của vạn hữu. Ba chân lí ấy dung nhiếp nhau, một có trong cả ba, cả ba có trong một, mỗi một trong ba đều có giá trị toàn diện. – Cũng vì vậy, chữ “trung” (hay “trung đạo”) ở đây không nên hiểu là đứng ở giữa, mà phải được hiểu một cách đúng đắn là bao trùm lên trên, là cả hai và vượt cả hai. Phương pháp quán chiếu như trên được gọi là “nhất tâm tam quán”, hay “viên dung tam quán”, “bất thứ đệ tam quán”, “bất khả tư nghị tam quán”.

3. Phước báo hữu lậu: Người có tu tập thì có phước báo, nhưng nếu chỉ tu năm giới, mười điều lành thì chỉ hưởng được phước báo ở các cõi Người và Trời. Vì hai cõi này vẫn còn ở trong vòng sinh tử luân hồi của ba cõi, cho nên những phước báo ở đây được gọi là “phước báo hữu lậu”. Nếu tu tập hạnh Bồ-tát, phát triển trí tuệ siêu việt, thoát li ba cõi, giải thoát sinh tử luân hồi thì mới là “phước báo vô lậu”.

Sáu yếu tố (lục giới hay lục đại): Đây là sáu yếu tố căn bản để cấu thành mọi loài hữu tình và vô tình trong thế gian, gồm có: đất (địa – tính rắn chắc), nước (thủy – tính ẩm ướt), lửa (hỏa – tính nóng lạnh), gió (phong – tính chuyển động), khoảng không (không – tính không chướng ngại), và tính phân biệt (thức – sự phân biệt để biết rõ ràng mọi vật). Sáu yếu tố này có mặt bao trùm cả vũ trụ thế gian, cho nên gọi là “đại”. Lại nữa, mỗi yếu tố đều có tính chất, hình tướng, giới hạn riêng của nó, cho nên cũng gọi là “giới”. Đầy đủ hơn, phải nói là có bảy yếu tố (thất đại), tức là thêm tính hiểu biết (kiến đại). Năm yếu tố trước (địa, thủy, hỏa, phong, không) chỉ làm nên các loài vô tình; thêm hai yếu tố sau (kiến, thức) nữa mới làm nên các loài hữu tình.

Mười tám khu vực (thập bát giới): Chữ “giới” dịch là “khu vực”, có nghĩa là, mỗi sự vật đều có tính chất, hình tướng, giới hạn riêng của nó. Vạn hữu trong vũ trụ đều gồm trong mười tám khu vực là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (sáu căn); hình sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc, ý tượng (sáu cảnh); thấy biết, nghe biết, ngửi biết, nếm biết, đụng chạm biết, phân biệt biết (sáu thức).

 

BÀI TẬP 

1) Đối tượng chuyển hóa của các đức tinh tấn, tư duy tu và trí tuệ là những gì?

Đối tượng chuyển hóa của đức tinh tấn là tính lười biếng, của đức tư duy tu là tâm tán loạn, và của đức trí tuệ là tâm si mê.

2) Thế nào là sự tinh tấn? Thế nào là lí tinh tấn?

a) Nói chung, khi làm bất cứ công việc gì, dù trong đạo hay ngoài đời, hành giả phải có nghị lực mạnh mẽ, phải quyết tâm và vững chí làm cho tới nơi tới chốn, không nản lòng, không bỏ cuộc giữa chừng, phải thành công mới thôi; như thế thì gọi là “sự tinh tấn”.

b) Khi làm một việc với ý hướng tu tập thì việc ấy liền trở thành một pháp tu tập. Đã là tu tập thì hành giả phải lấy cái tâm chân thật làm nhân, mà đồng thời cũng lấy cái tâm chân thật ấy làm quả để chứng đạt. Tâm chân thật là tâm không vọng tưởng, không chấp trước, không riêng tư, không có ngã và thuộc về ngã, không bị phiền não chi phối; đó là cái tâm trong sáng, vắng lặng, không sinh không diệt, thường trú bất biến. Hành giả phải giữ ý chí mạnh mẽ, không ngừng cố gắng tiến lên mãi, cho đến khi chứng đạt được cái tâm chân thật đó mới là thành công, như thế gọi là “lí tinh tấn”. Tuy nói là “lí”, nhưng sự thật, trong trường hợp này hành giả không có niệm phân biệt nào về “lí” và “sự”. Con đường tu tập của hành giả là nương vào cái sự để thể nhập cái lí; có lí là vì có sự, có sự là vì có lí; lí với sự là một, không phân cách; đó tức là “chân tâm”.

3. Thiền xuất thế gian là gì? Thiền tối thượng của xuất thế gian là gì?

a) Có một pháp thiền quán gọi là “ba phép quán thứ đệ”. Hành giả thực tập phép quán này theo một thứ tự: trước hết, từ tính giả của vạn pháp quán chiếu để thấy tính không của chúng; thứ đến, từ tính không mà quán chiếu để thấy tính giả của chúng; và sau cùng, bỏ cả các tính giả và không mà quán chiếu vào tính trung đạo – tức vừa là không vừa là giả, đồng thời không phải là không cũng không phải là giả. Đó là loại thiền xuất thế gian.

b) Nếu ba chân lí không, giả và trung ở trên được dụng công quán chiếu đến chỗ viên dung, thì chúng không còn cách biệt nhau, không có trước sau, mà trở thành dung nhiếp nhau, một trong ba, ba trong một. Mỗi một chân lí đều có giá trị toàn vẹn của ba chân lí: giả cũng tức là không, là trung; không cũng tức là giả, là trung; trung cũng tức là không, là giả. Đó là loại thiền quán tối thượng của xuất thế gian.

4. Bát nhã có mấy loại? Hãy nêu tên và ý nghĩa của chúng.

Có ba loại bát nhã: văn tự, quán chiếu và thật tướng. Tất cả văn tự trong kinh luận, nhờ văn tự đó mà hiểu được nghĩa lí của kinh luận, phát sinh trí tuệ; gọi là “văn tự bát nhã”. Nương theo nghĩa lí của kinh luận để thực hành quán chiếu, nhờ đó mà trí tuệ được phát huy; gọi là “quán chiếu bát nhã”. Công phu quán chiếu càng sâu dầy, trí tuệ càng được phát huy cao độ, thấy rõ chân tâm, chứng ngộ thật tướng của vạn hữu; gọi là “thật tướng bát nhã”.

5. Thế nào là cái bản chất của “ba vầng” đều trống vắng? Hãy lấy việc bố thí làm ví dụ.

Khi làm một việc gì cho ai, người làm việc, đối tượng mà người đó nhắm vào, công việc người đó làm, đó là “ba vầng” – từ Phật học Hán-Việt gọi là “tam luân”. Sau khi công việc được làm xong thì người làm việc buông bỏ tất cả, không để cho đối tượng cũng như công việc còn vướng bận trong tâm; có nghĩa là, làm việc gì đó xong thì thôi, không kể công mình đã làm việc, không tính toán về công việc đã làm, không mong đợi một sự đáp đền nào ở đối tượng. Được như thế thì ba vầng là chủ thể, công việc và đối tượng, bản chất đều vắng lặng – từ Phật học Hán-Việt gọi là “tam luân thể không”, hay “tam luân không tịch”. Như việc bố thí chẳng hạn. Một người hảo tâm đem cơm gạo tiền bạc giúp đỡ những kẻ nghèo khó. Sau khi công tác cứu trợ hoàn tất, người thực hành hạnh bố thí ấy liền buông bỏ ngay mọi ý niệm về công việc vừa qua. Người đó không còn nhớ đến và tự đắc rằng chính mình đã làm ơn cho những người nghèo khổ kia; không suy đi tính lại hay so đo nhiều ít về những gì đã bỏ ra cho những người nghèo khổ kia; cũng không để bụng rằng chính những người nghèo khổ kia đã mang ơn mình, có bổn phận phải đền ơn trả nghĩa cho mình. Người ấy quên hết, buông bỏ hết, chỉ còn cái tâm trong sáng, nhẹ nhàng, tĩnh lặng và an lạc.

 

Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 10, 11 và 12

1. Bồ-tát có hai chúng xuất gia và tại gia khác nhau; như Văn Thù Sư Lợi là Bồtát xuất gia, và Duy Ma Cật là Bồ-tát tại gia. Vả lại, ở địa vị Tam-hiền(1), các vị Bồ-tát chưa chứng được pháp tánh, vẫn còn hoặc nghiệp mà chịu thân phần đoạn sinh tử trong ba cõi, cho nên gọi là Bồ-tát nhục thân sinh tử. Ở địa vị Thậpthánh(2), các vị Bồ-tát đã chứng được vô sinh pháp tánh, thoát khỏi vòng sinh tử trong ba cõi, thọ thân bất tư nghị biến dịch sinh tử, nên gọi là Bồ-tát sinh thân pháp tánh. Hạng Bồ-tát sinh thân pháp tánh này gồm các vị từ Sơ-địa trở lên, hoặc chỉ từ Bát-địa trở lên mà thôi, có điều là, từ Sơ-địa trở lên thì chỉ chứng từng phần pháp thân, lần lượt tiến lên từ địa này đến địa kia, tình trạng thực sự là như vậy.

2. Ba cõi chỉ là tâm. Tâm sinh thì cảnh sinh. Tâm có nhiều tác dụng khác nhau(3), cho nên cảnh cũng có nhiều hiện tượng không giống nhau. Và tính chất của cảnh thì thật giống với tâm. Hãy lấy ba loại phiền não căn bản làm ví dụ: Tính tham rộng lớn và lan tràn cùng khắp, không có vật gì là không thâm nhập; cho nên, hễ ở trong khởi tâm tham thì ở ngoài có nạn nước. Tánh sân mạnh bạo mà độc dữ, không có vật gì mà không bị nó hủy hoại; cho nên, hễ ở trong khởi tâm sân thì ở ngoài có nạn lửa. Tánh si do dự mà tràn đầy, không có vật gì mà không bị nó làm cho mờ ám; cho nên, hễ ở trong khởi tâm si thì ở ngoài có nạn gió. Ba nạn nước, lửa, gió này do nghiệp chung của tất cả chúng sinh chiêu cảm mà dấy lên, cho nên, hễ tâm bình lặng thì Phật độ hiện bày, cả ba tai nạn đó đều không bén mảng tới được. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức phật Tì Xá Phù bảo đức Bồ-tát Trì Địa rằng: “Hãy bình lặng đất tâm thì tất cả thế giới đều bình lặng.” Lí lẽ đó có thể cùng với những điều nói ở đây soi sáng cho nhau.

3. Đức Văn Thù cưỡi sư tử, đó là nói lên cái trí tuệ uy mãnh; vì uy mãnh cho nên không có hoặc nghiệp nào mà không bị phá trừ. Đức Phổ Hiền cưỡi voi, đó là nói lên cái hạnh nguyện rộng lớn; vì rộng lớn cho nên không có đạo nghiệp nào mà không thành tựu.

4. Nhẫn nhục có hai nghĩa rộng và hẹp: Có người khi dễ làm nhục ta mà ta nhịn được, không khởi tâm sân hận báo thù, đó là nghĩa hẹp của từ “nhẫn nhục”; và điều được gọi là “nhục” đó, cũng chỉ hạn hẹp ở những sự việc ngang trái mà thôi. Đến như, khi ta gặp thuận cảnh, bản thân được ở vào chỗ giàu sang thịnh đạt, tâm ta sẽ chìm ngập trong sự kiêu căng, thì lòng nhẫn không phát sinh được; khi gặp phải nghịch cảnh, bản thân phải ở vào chỗ khốn cùng đau khổ, tâm ta sẽ ủ rũ hèn nhát, thì lòng nhẫn cũng không phát sinh được; khi gặp hoàn cảnh không thuận không nghịch, bản thân ở trong sự sinh diệt của vạn pháp, tâm ta cũng biến chuyển theo từng sự thay đổi, cho nên lòng nhẫn cũng không phát sinh được. Đó là nghĩa rộng của chữ “nhẫn nhục”; và điều được gọi là “nhục” ở đây, là chỉ cho tất cả sự vật trong ba hoàn cảnh thuận, nghịch và không thuận không nghịch. Mặc cho mọi sự việc nẩy sinh và vây chặt chung quanh, tâm ta cứ một mực thản nhiên; nếu đạt đến trạng thái đó thì tức là “nhẫn nhục”, chứ không cứ phải là những hoàn cảnh ngang trái.

5. Nhiếp lãnh một danh sơn để lập đạo tràng hóa độ chúng sinh, là việc xảy ra rất nhiều ở Trung-quốc, chứ không phải chỉ có bốn đức Bồ- tát Quán Âm, Địa Tạng, Văn Thù và Phổ Hiền mà thôi. Những vị như Tuệ Viễn(4) ở Lô-sơn, Tuệ Tư(5) ở Nam-nhạc, Trí Khải(6) ở Thiên-thai, Tuệ Năng(7) ở Tào-khê, Đạo Tuyên(8) ở Chung-nam, Văn Yển(9) ở Vân-môn, đều thuộc vào trường hợp đó. Những bậc đại đức được ghi chép trong bộ Cao Tăng Truyện đều là Bồ-tát hóa thân, nếu nhìn các ngài như những người bình thường thì quả thật là chưa mở được tuệ nhãn.

6. Sáu pháp qua bờ đều có ba vầng. Tuy tu tập sáu pháp ấy nhưng phải biết ba vầng đều không, không vướng mắc vào pháp tướng thì mới phù hợp với trí bát nhã. Trong kinh Đại Bát Nhã có nói: “Các vị đại Bồ-tát hãy dùng loại phương tiện vô xả(10) để làm cho toàn vẹn thí độ; người cho, người nhận và vật đem cho đều không nắm bắt. Hãy dùng loại phương tiện vô hộ(11) để làm toàn vẹn giới độ; cả hai tướng phạm và không phạm đều không nắm bắt. Hãy dùng loại phương tiện vô thủ(12) để làm toàn vẹn nhẫn độ; cả hai tướng động và bất động đều không nắm bắt. Hãy dùng loại phương tiện vô cần(13) để làm toàn vẹn tấn độ; sự siêng năng hay lười biếng của thân tâm đều không nắm bắt. Hãy dùng loại phương tiện vô tư(14) để làm toàn vẹn thiền độ; thiền vị hay không thiền vị đều không nắm bắt. Hãy dùng loại phương tiện vô trước(15) để làm toàn vẹn trí độ; cả tánh và tướng của vạn pháp đều không nắm bắt.” Xem đó có thể biết: Ba vầng của thí độ là người cho, người nhận và vật đem cho. Ba vầng của giới độ là sự phạm giới, sự không phạm giới và cái tính cách hộ giới. Ba vầng của nhẫn độ là sự động tâm, sự không động tâm và cái hình tướng bị bám giữ. Ba vầng của tấn độ là tính siêng năng, tính lười biếng và chỗ đạt đến. Ba vầng của thiền độ là sự có thiền vị, sự không có thiền vị và cái cảnh đang lúc tư duy. Ba vầng của trí độ là trí tuệ(16), bản tánh của pháp và hình tướng của pháp. Xin nêu lên tấn độ để làm ví dụ: Tâm chúng ta chỉ biết một mực tinh tấn, đừng chú trọng đến tính siêng năng hay lười biếng; tuy siêng năng mà không khởi ý tưởng về sự siêng năng, gọi là loại phương tiện “không có ý niệm về siêng năng”; như vậy tức là cái thể của ba vầng hoàn toàn vắng lặng. Các pháp qua bờ còn lại cũng có thể theo ví dụ trên mà suy ra.

7. Tu sáu pháp qua bờ mà không bám chặt vào hình tướng của ba vầng mới gọi là “ba la mật”, mới có thể giải thoát; nếu tu tập mà chấp vào tướng thì trong tương lai bất quá chỉ hưởng được phước báo của cõi người hay cõi trời mà thôi, hoàn toàn không thể giải thoát khỏi ba cõi được. Trong tác phẩm Chứng Đạo Ca, thiền sư Vĩnh Gia(17) nói: “Bố thí và giữ giới chỉ để hưởng được phước báo ở cõi trời thì cũng giống như bắn tên lên hư không, khi sức đi đã hết thì mũi tên lại rơi xuống đất; những gì đưa tới trong đời sau đều không như ý nguyện.” Đó là nói về sự tu tập mà còn trụ nơi tướng. Nếu không trụ nơi tướng thì dù tu tập bất cứ thiện pháp nào, cũng đều được giải thoát. Trong bài ca chỉ đề cập đến hai pháp bố thí và giữ giới, đó là vì muốn cho giản lược đi, kì thật, các pháp qua bờ khác cũng cùng tính cách như vậy.

8. Pháp môn tu thiền được ghi trong kinh giáo, vì do đức Như Lai chỉ bày, nên người sau gọi nó là “Như Lai thiền”. Pháp môn tu thiền trong Thiền tông, vì do các vị tổ sư đề xướng, nên người sau gọi nó là “Tổ Sư thiền”. Nếu nhìn trên danh từ thì “Như Lai” và “Tổ Sư” có vẻ như môn hộ khác biệt, thật ra, Tổ Sư thiền cũng là do đức Như Lai truyền lại, chứ đâu phải do các vị tổ sư phát minh! Ở pháp hội Linh-sơn, đức Thích Tôn đã từng đem kho tàng của cái thấy chánh pháp và tâm vi diệu của niết bàn, phó chúc cho tôn giả Đại Ca Diếp, đây chính là nguyên lai của Tổ Sư thiền; đó là một lẽ. Trong kinh Kim Cang lại nhấn mạnh một lần nữa: “Hãy nên khởi cái tâm không dính mắc vào đâu”, đây chính là ý nghĩa tinh yếu của Tổ Sư thiền; đó là lẽ thứ hai. Tổ Đạt Ma(18) trao kinh Lăng Già cho tổ Tuệ Khả(19), tổ Hoằng Nhẫn(20) truyền kinh Kim Cang cho tổ Tuệ Năng, vậy thì ai có thể bảo là “giáo” và “tông” không thể hợp thông với nhau? Đó là lẽ thứ ba. Tôn giả Đại Ca Diếp là vị Sơ-tổ của Thiền tông, tôn giả A Nan là Nhị-tổ của Thiền tông, đồng thời cũng đều là những vị triệu tập đại hội kết tập Tam Tạng; và chính tôn giả A Nan đã đặt ở đầu các kinh câu: “Chính tôi từng được nghe như vầy”; những điều đó cho thấy, “tông” và “giáo” nguyên là một nhà; đó là lẽ thứ tư. Xem đó thì thấy, đời sau có người dựa vào “giáo” để hủy báng “tông”, hoặc dựa và “tông” để chê bai “giáo”, há không phải đều là những hạng người mất gốc ư?(21) Nhưng đây chỉ là tình trạng tệ hại của đám tàn dư, chứ thuở ban đầu làm gì có cái nhìn phân biệt môn hộ như thế!

9. Bồ-tát có hai hạng xuất gia và tại gia, cho nên giới luật của Bồ-tát cũng có hai loại cho xuất gia và tại gia. Bồ-tát xuất gia nên thọ mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh; đó là căn cứ theo kinh Phạm Võng (phẩm “Bồ Tát Tâm Địa”) mà thọ. Bồ-tát tại gia nên thọ sáu giới trọng và hai mươi tám giới khinh; đó là căn cứ theo kinh Ưu Bà Tắc Giới (phẩm “Thọ Giới”) mà thọ. Tại các đàn giới ngày xưa ở Hoa-lục, Bồ-tát xuất gia cũng như tại gia, đồng thọ mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh, nhưng các đàn giới ở Đài-loan thì Bồ-tát tại gia chỉ thọ sáu giới trọng và hai mươi tám giới khinh; tại vì trên thực tế, người thọ giới là ưu bà tắc, cho nên cứ y theo kinh Ưu Bà Tắc Giới mà thọ, xem ra hợp lí hơn.

10. Năm giới là giới của cận sự nam và cận sự nữ. Bởi vậy, giới dâm trong năm giới đó là “không tà dâm”; có ý nói rằng, sự dâm dục giữa vợ chồng là chính đáng, có thể chấp nhận được, nếu có hành động dâm dục ngoài phạm vi vợ chồng thì đó là “tà dâm”, là phạm giới, không thể chấp nhận được. Nhưng mười giới thì không giống như vậy. Mười giới là giới của hai chúng xuất gia: sa di và sa di ni, cho nên giới dâm trong mười giới phải là “không dâm dục”; có ý nói rằng, hễ có sự giao hợp nam nữ, bất kì là đối với ai cũng đều là phạm giới, hoàn toàn bị cấm. Vì tính chất của giới dâm khác nhau giữa năm giới và mười giới như thế, cho nên nếu bảo: Mười giới chỉ là đem năm giới mà thêm vào giới này, giới này… nữa, tức là không đúng; cái chỗ không đúng đó là, đã không bỏ đi chư “tà” trong giới điều “không tà dâm”. Cái nghĩa lí đó không thể không biết.

 

CHÚ THÍCH (của người dịch)

1) Tam-hiền: Đây là ba địa vị tu hành của các hành giả tu tập thiện căn hữu lậu, nhằm chế ngự phiền não, làm cho tâm được điều phục. “Hiền” là tiếng chỉ cho các hành giả đã phát khởi tâm cầu giải thoát, nhưng chưa vượt khỏi ba cõi (vì chỉ mới tu tập thiện căn hữu lậu). Tam-hiền có hai loại, của tiểu thừa và của đại thừa:

1- Ba địa vị Hiền của tiểu thừa: a) Địa vị Năm phép quán dừng tâm (Ngũ đình tâm quán): Dùng năm phép quán dừng tâm (xem lại phụ chú số 5, bài 11) để chế phục các tâm tham, sân, si, ngã kiến, và tán loạn. b) Địa vị Quán niệm tướng riêng (Biệt tướng niệm trụ): Một mặt quán chiếu tướng riêng của thân thể, cảm thọ, tâm thức, và vạn pháp là bất tịnh, khổ, vô thường, và vô ngã; đồng thời quán chiếu tướng chung của vô thường, khổ, không, và vô ngã. c) Địa vị Quán niệm tướng chung (Tổng tướng niệm trụ): Quán chiếu tổng quát các tướng chung vô thường, khổ, không, và vô ngã của bốn lãnh vực quán niệm (tứ niệm xứ). Trong ba địa vị trên thì Ngũ đình tâm quán sẽ thành tựu về phương diện “chỉ” (dừng lại); còn hai địa vị Biệt tướng niệm trụ và Tổng tướng niệm trụ sẽ thành tựu về phương diện “quán” (quán chiếu).

2- Ba địa vị Hiền của đại thừa: tức ba địa vị của các hành giả tu tập hạnh Bồ-tát trước khi tiến lên cấp Mười-địa – vì vậy, ba địa vị này cũng còn được gọi chung là “Bồ-tát Địa-tiền”; tức là ở ba cấp Mườitrụ, Mười-hạnh và Mười-hồi-hướng (xin xem các phụ chú số 1, 2 và 3 trong bài 14 ở sau).

2) Thập-thánh: Các vị Bồ-tát đã tiến lên cấp Mười-địa (từ Sơ-địa đến Thập-địa) được gọi là “Thậpthánh” – cũng được gọi chung là “Bồ-tát Địa-thượng”. Các bậc Bồ-tát này đã hoàn toàn dứt sạch mọi kiến tư hoặc, giải thoát khỏi ba cõi, nên gọi là “thánh”.

3) Theo tông Pháp Tướng và Duy Thức Học, TÂM có 8 tác dụng chính, gọi là “tám thức” hay “tám thức tâm vương”; đồng thời còn có 51 tác dụng phụ thuộc, gọi là “tâm sở”, tức 51 hiện tượng tâm lí tương ưng, cùng tồn tại và khởi tác dụng với tám thức tâm vương. Bởi vậy mới nói: “Tâm có nhiều tác dụng khác nhau.”

4) Tuệ Viễn (334-416): bậc cao tăng ở đời Đông-Tấn (317- 420), được coi là vị Sơ-tổ của tông Tịnh Độ, Trung-quốc. Ngài họ Giả, người huyện Lâu-phiền, quận Nhạn-môn (nay là huyện Quách, tỉnh Sơntây); mới 13 tuổi đã du phương cầu học ở Hứa-xương, rồi Lạc-dương, thông hiểu cả sáu kinh của Nho gia (Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu) và Trang Tử. Năm 21 tuổi, ngài cùng với em là Tuệ Trì, đến Hằng-sơn nghe ngài Đạo An (312- 385) giảng kinh Bát Nhã. Nghe xong, ngài bừng tỉnh ngộ, than rằng: “Tất cả các phái học thuât của Nho gia và Đạo gia đều chỉ là rơm rác.” Rồi cùng với em xin xuất gia làm đệ tử của ngài Đạo An. Ngài tỏ ra sở đắc về tính Không của Bát Nhã, năm 24 tuổi đã có thể đăng tòa giảng thuyết, lại dùng Trang Tử để thuyết minh nghĩa lí chân thật của Phật giáo, làm cho những người từng hiểu lầm về Phật giáo, giờ đây đều được sáng tỏ. Từ đó, ngài Đạo An mới chấp nhận đề nghị của ngài là không chối bỏ sách vở thế tục trong việc diễn giảng. Năm 381, ngài đi về Nam, đến Lô-sơn (tỉnh Giang-tây), trú tại chùa Đông-lâm để hoằng pháp, đồ chúng theo học rất đông. Tại đây, ngài để hết tâm lực vào việc nghiên cứu kinh điển, nhưng kinh sách lúc bấy giờ chưa có nhiều, cho nên ngài đã cho nhiều đệ tử đi các nơi để tìm cầu kinh luật luận (nhất là nơi các vị cao tăng từ Tây-vực sang), đem về dịch thuật và truyền bá. Năm 391 ngài thỉnh được sa môn Tăng Già Đề Bà (Samgha-deva, người nước Kế-tân – tức vùng Cashmir, Bắc Ấn-độ ngày nay) về, dịch được các bộ A Tì Đàm Tâm Luận, Tam Pháp Độ Luận, v… Ngài cũng thường giao dịch thư từ với sa môn Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) ở Trường-an, đồng thời gửi các đệ tử giỏi tới đó để học về hệ tư tưởng đại thừa của Bồ-tát Long Thọ. Năm 402, ngài với hàng trăm vị đồng đạo khác, cùng sáng lập Bạch-liên xã, chuyên tu pháp môn niệm Phật, hẹn nhau sẽ cùng vãng sinh về Tịnh-độ; ròng rã 30 năm không xuống núi. Ngài là người tinh thông cả nội điển lẫn ngoại điển, người đương thời đều kính ngưỡng. Trong khi ngài Cưu Ma La Thập xây dựng nên một trung tâm Phật giáo ở Trường-an, phương Bắc, thì chùa Đông-lâm ở Lô-sơn của ngài cũng trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng ở phương Nam. Đó là hai trung tâm tiêu biểu nhất của Phật giáo Trung-quốc thời bấy giờ. Ngài viên tịch năm 416, thọ 83 tuổi. Các vua Đường, Tống về sau có tứ tặng ngài các thụy hiệu là Biện Giác đại sư, Chánh Giác đại sư, Viên Ngộ đại sư, v.v… Trước tác của ngài có: Lô Sơn Tập (10 quyển), Vấn Đại Thừa Trung Thâm Nghĩa Thập Bát Khoa (3 quyển), Minh Báo Ứng Luận, Thích Tam Báo Luận, Biện Tâm Thức Luận, v.v…

Lại có một vị cao tăng khác cũng có cùng pháp hiệu Tuệ Viễn (523-592), sống vào đời Tùy (581-618), họ Lí, người huyện Đôn-hoàng (tỉnh Cam-túc); cho nên, để phân biệt, người ta thường xưng vị cao tăng trên là “Lô-sơn Tuệ Viễn”, còn vị này là “Đôn-hoàng Tuệ Viễn” hay “Tịnh-cảnh tự Tuệ Viễn” (Tuệ Viễn chùa Tịnh-cảnh).

5) Tuệ Tư (515-577): bậc cao tăng sống ở thời đại Nam-Bắc- triều (386-589), Trung-quốc. Ngài họ Lí, người đất Võ-tân (thuộc huyện Thượng-sái, tỉnh Hà-nam), được người đời xưng là Nam Nhạc tôn giả, hoặc Tư đại hòa thượng, hay Tư thiền sư. Ngài được coi là Nhị-tổ (có thuyết nói là Tam-tổ) của tông Thiên Thai, Trung-quốc. Ngài qui y Phật pháp từ thuở nhỏ, lòng rất hâm mộ kinh Pháp Hoa, thường ôm kinh đem vào nhà mồ mà đọc tụng. Đọc hết, xúc động đến rơi nước mắt. Một hôm nằm mộng thấy đức Bồ-tát Phổ Hiền xoa đầu rồi bỏ đi; đo đó, trên đầu nổi lên “nhục kế”. Năm 15 tuổi, ngài xuất gia, sau đó đến tham yết thiền sư Tuệ Văn ở Hà-nam, được trao truyền cho pháp “quán tâm”. Một hôm bỗng thở dài than rằng mình đã uổng thọ pháp tạng, bèn phóng mình vào vách, thì hoát nhiên đại ngộ, chứng được Pháp Hoa tam muội. Ngài là người đầu tiên chủ trương rằng, thời kì suy vi của Phật pháp tức là thời “mạt pháp”; cho nên đã xác lập lòng tin vững chắc vào các đức Phật A Di Đà và Di Lặc; lại vừa chú trọng đến sự thực tiễn của thiền tập, vừa chú trọng đến sự suy cứu nghĩa lí. Năm 554, ngài đến Quangchâu (thuộc huyện Hoàng-xuyên, tỉnh Hà-nam) mở đạo tràng hoằng pháp ở núi Đại-tô, suốt 14 năm, danh tiếng vang xa, đồ chúng theo học ngày càng đông đúc; trong đó, đại sư Trí Khải là môn đệ đắc pháp kiệt xuất nhất của ngài. Năm 568, ngài vào núi Nam-nhạc (tức Hành-sơn), trụ tích 10 năm thì viên tịch, thọ 63 tuổi, được người đời tôn xưng là Nam Nhạc tôn giả. Các trước tác của ngài phần nhiều là do môn đồ ghi chép và nhuận sắc mà thành, như: Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Nghĩa, Chư Pháp Vô Tránh Tam Muội Pháp Môn, Đại Thừa Chỉ Quán Pháp Môn, Thọ Bồ Tát Giới Nghi,v…

6) Trí Khải (538-597): vị tổ sáng lập tông Thiên Thai Trung-quốc. (Có thuyết nói Tuệ Văn là Sơ-tổ của tông Thiên Thai, Tuệ Tư là Nhị-tổ, và Trí Khải là Tam-tổ). Ngài sống vào đời Tùy (581-618), họ Trần, tự Đức An, người huyện Hoa-dung, phủ Kinh-châu (nay là vùng đất phía Tây Nam của huyện Tiềm-giang, tỉnh Hồ-nam). Từ 7 tuổi đã ham thích chốn già lam, chư tăng truyền miệng cho phẩm “Phổ Môn”, chỉ nghe một lần là thuộc lòng, và cứ thế trì tụng. Năm 18 tuổi, ngài xuất gia tại chùa Quả-nguyện. Không bao lâu, ngài theo ngài Tuệ Khoáng học Luật tạng, lại thông hiểu các kinh phương đẳng. Sau ngài vào núi Thái-hiền, chuyên trì tụng các kinh Pháp Hoa, Vô Lượng Nghĩa và Phổ Hiền Quán; chỉ trong vòng 20 ngày thì thông suốt nghĩa lí các kinh. Năm 560, ngài đến núi Đại-tô ở Quảng-châu, tham yết ngài Tuệ Tư. Tuệ Tư vì ngài mà mở đạo tràng Phổ Hiền, thuyết giảng “bốn hạnh an lạc” (xem kinh Pháp Hoa, phẩm “An Lạc Hạnh”). Ngài bèn trụ luôn tại đó tu học. Một hôm, trong thời kinh Pháp Hoa, lúc tụng đến phẩm “Dược Vương” thì ngài hoát nhiên đại ngộ. Từ đó ngài được thay ngài Tuệ Tư đăng tòa giảng thuyết; rồi lại được phái đi Kim-lăng để hoằng truyền thiền pháp. Tại chùa Ngõa-quang, ngài bắt đầu nghiên cứu chuyên đề về kinh Pháp Hoa, vạch rõ yếu nghĩa, tông chỉ của kinh một cách mới mẻ, cùng xét đoán, giải thích, phân loại kinh giáo nói chung, dựng lập cơ sở giáo quán cho tông Thiên Thai. Năm 575, ngài vào núi Thiên-thai (tỉnh Triết-giang) lập chùa Tu-thiền; năm 591 lại dựng chùa Ngọc-tuyền ở Đương-dương (tỉnh Hồ-bắc). Ngài viên tịch năm 597, thọ 60 tuổi. Sinh thời, ngài đã tạo dựng 36 ngôi chùa, độ tăng nhiều vô kể, trong đó có 32 vị đệ tử ưu tú, mà nổi bật nhất là các sư Quán Đảnh, Trí Việt, Trí Tảo, v.v… Tư tưởng của ngài được hình thành từ tinh thần kinh Pháp Hoa, cùng với giáo nghĩa của Bồ-tát Long Thọ. Ngài đã đem toàn bộ kinh điển Phật giáo phân làm năm loại; đem phương pháp giáo hóa cùng nội dung tư tưởng của Phật chia làm bốn loại. Cách “phán giáo” đó đã được mọi người coi là mẫu mực. Y cứ vào thiền quán để lập ra pháp môn tu “chỉ quán”, là một sáng tạo độc đáo của ngài. Trước thuật của ngài thật là phong phú, nhưng đa phần là do vị đệ tử hàng đầu của ngài là Quán Đảnh ghi chép lời giảng của ngài, rồi nhuận sắc, viết lại thành sách, có đến vài mươi bộ, như: Pháp Hoa Sớ, Tịnh Danh Sớ, Ma Ha Chỉ Quán, Duy Ma Kinh Sớ, Tứ Giáo Nghĩa, Kim Cang Bát Nhã Kinh Sớ, Thiền Môn Yếu Lộ, Quán Tâm Luận,v… Trong các trước thuật của ngài nhằm xây dựng nền móng cho tông Thiên Thai, thì Pháp Hoa Kinh Huyền Nghĩa, Pháp Hoa Kinh Văn Cú và Ma Ha Chỉ Quán, được người đời xưng là “Thiên Thai tam đại bộ”; và Quán Âm Huyền Nghĩa, Quán Âm Nghĩa Sớ, Kim Quang Minh Kinh Huyền Nghĩa, Kim Quang Minh Kinh Văn Cú, Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ, được xưng là “Thiên Thai ngũ tiểu bộ”. Đặc điểm của tư tưởng ngài là vận dụng cùng lúc cả hai phương tiện GIÁO (kinh sách chữ nghĩa) và QUÁN (tư duy quán chiếu); chú trọng cả hai mặt GIẢI (am tường kinh luận) và HÀNH (áp dụng trong đời sống hằng ngày) trong việc tu học. Học thuyết của ngài đã có ảnh hưởng rất lớn trong nền Phật giáo Trung-quốc.

7) Tuệ Năng (638-713): (Xin xem chú thích số 18, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 4, 5 và 6” ỏ trước.) Chữ 惠 cũng được viết là 慧. Nhân tiện, xin nói về hai chữ 惠 và 慧. Hai chữ này, người Hoa phát âm giống nhau: /hui/, nhưng trong âm Hán-Việt thì chữ 慧 được đọc làm hai âm: tuệ hoặc huệ, và chữ 惠 thì chỉ được đọc là huệ. Chữ 慧 (tuệ) nghĩa là trí sáng, thông minh; thường được dùng trong Phật học để chỉ cho trí tuệ “bát nhã”, tức là cái trí sáng siêu việt, đã dứt trừ hết vô minh, thấy rõ thật tướng của vạn pháp, chứng nhập mọi chân lí của vũ trụ; cái trí sáng dứt tuyệt mọi phiền não, giải thoát ba cõi, chứng nhập thể tính niết bàn tịch tịnh. Chữ 惠 (huệ) nghĩa là ơn huệ, nhân ái, tặng cho; lại cũng được dùng thông với chữ  慧. Vì vậy, chúng ta có từ “trí tuệ” (智慧), mà cũng có từ “trí huệ” (智惠); “tuệ căn” (慧 根) hay “huệ căn” (惠根); “tuệ mạng” (慧命) hay “huệ mạng” (惠命); v.v…; hoặc tên các nhân vật như 慧可 (Tuệ Khả) hay 惠可 (Huệ Khả); 慧遠 (Tuệ Viễn) hay 惠遠 (Huệ Viễn); 慧能  (Tuệ Năng) hay 惠能 (Huệ Năng); v.v… Nhưng chỉ nói là “ân huệ” (恩惠), chứ không nói là “ân tuệ” – có nghĩa là, trong ân Hán-Việt, khi chữ 惠  không mang ý nghĩa của chữ 慧, thì phải nói là “huệ”, chứ không được nói là “tuệ”. Hãy chú ý sự khác biệt của các từ sau đây: 慧人 (tuệ nhân: người có trí sáng suốt) và 惠人 (huệ nhân: người có ơn với ai); 慧心 (tuệ tâm: tâm hoàn toàn sáng tỏ, thấy rõ mọi sự thật của đời sống, mọi chân lí trong vũ trụ) và 惠心 (huệ tâm: lòng nhân ái, lương thiện); v.v…

8) Đạo Tuyên (596-667): vị cao tăng chuyên về Luật học (luật sư) đời Đường (618-907). Ngài họ Tiền, người huyện Ngô-hưng, tỉnh Triết-giang. Ngài 16 tuổi xuất gia, trước theo học Luật với ngài Tuệ Quân ở chùa Nhật-nghiêm, rồi ngài Trí Thủ ở chùa Đại-thiền-định; sau đến núi Chung-nam (cũng gọi là Namsơn, ở phía Tây Nam phủ Tây-an, tỉnh Thiểm-tây) xây chùa Bạch-tuyền, nghiên cứu và hoằng truyền Tứ Phần Luật, thành lập Luật tông, trở thành tổ sư của “Nam-sơn Luật tông” – vì vậy, ngài được xưng là Nam Sơn Luật sư, hoặc Nam Sơn đại sư. Ngài từng đi các nơi để giảng dạy Luật học. Ngài cũng từng tham dự đạo tràng dịch thuật của ngài Huyền Trang (602-664). Năm 662, vua Đường Cao-tông (650683) ra sắc lệnh buộc chư tăng ni phải lạy vua và cha mẹ, ngài đã cùng với ngài Huyền Trang viết thư phản đối, vua phải bỏ lệnh ấy. Tháng 2 năm 667, ngài mở giới đàn tại chùa Tịnh-nghiệp, tạo lập qui củ giới đàn truyền cho hậu thế. Tháng 10 năm đó ngài viên tịch, thọ 72 tuổi. Trước tác của ngài có Tứ Phần Luật San Phồn Bổ Khuyết Hành Sự Sao, Yết Ma Sớ, Giới Bản Sớ, Thập Tì Ni Nghĩa Sao, Tì Kheo Ni Nghĩa Sao – được gọi là “Luật học ngũ đại bộ”. Những trước tác khác gồm có: Đại Đường Nội Điển Lục, Cổ Kim Phật Đạo Luận Hành, Quảng Hoằng Minh Tập, Tục Cao Tăng Truyện, Thích Thị Lược Phổ, Thích Ca Phương Chí, Tam Bảo Cảm Thông Lục,v…

9) Văn Yển (864-949): vị tổ sư của tông Vân Môn, sống vào cuối đời Đường sang đời Ngũ-đại (907960). Ngài họ Trương, người huyện Gia-hưng, tỉnh Triết-giang, từ thuở nhỏ đã ôm chí xuất trần, nên đã xin xuất gia ở chùa Không-vương, ngay trong huyện Gia-hưng; chẳng bao lâu thì được thọ giới cụ túc, học khắp các kinh, đặc biệt chú tâm suy cứu bộ luật Tứ Phần. Sau đó ngài đến Mục-châu (nay là huyện Kiến-đức, tỉnh Triết-giang) tham học với ngài Đạo Minh (780-877); vài năm sau lại đến tham học với ngài Tuyết Phong Nghĩa Tồn (822-906). Ba năm sau, ngài lại du phương tham cứu. Năm 911 ngài đến Tào-khê (ở Quảng-đông), đảnh lễ tháp của lục tổ Tuệ Năng; rồi đến tu học tại thiền viện Linh-thọ, được ngài viện chủ là Như Mẫn (?-920) cử làm thủ tọa. Năm 918, ngài Như Mẫn viên tịch, ngài thừa kế chủ trì thiền viện Linh-thọ. Năm 923 ngài vào núi Vân-môn kiến lập thiền viện Quang-thái, đạo phong ngày một tỏ rõ, học chúng vân tập đông đảo. Ngài viên tịch vào năm 949, thọ 86 tuổi. Trước tác còn truyền lại có Quảng Lục, Ngữ Lục.

10) Vô xả: không có ý niệm về việc buông bỏ. Trong hành động “bố thí” có hàm ý nghĩa “buông bỏ”. Nếu trong lúc bố thí mà nghĩ rằng mình đây là người buông bỏ, tiền của đây là vật của mình buông bỏ, và kia là người nhận vật buông bỏ của mình, thì sự bố thí ấy chỉ gặt hái được phước báo hữu lậu, không đạt được phước báo vô lậu, không gọi được là “bố thí ba la mật”. Muốn đạt được phước báo vô lậu (giải thoát ba cõi), đạt đến chỗ “bố thí ba la mật”, hành giả, trong lúc thực hành hạnh bố thí, hãy buông bỏ trọn vẹn, không có ý niệm về người cho, vật cho và người nhận, buông bỏ cả cái “ý niệm về sự buông bỏ”. Đó là ý nghĩa của câu kinh: “Hãy dùng loại phương tiện vô xả để làm cho toàn vẹn thí độ.”

11) Vô hộ: không thấy có gì để hộ vệ. Giới luật là để phòng hộ thân tâm. Do cách hành trì giới luật mà phước đức cũng có hữu lậu (không rốt ráo) và vô lậu (rốt ráo) như việc bố thí ở trên; xin theo đó mà suy xét.

12) Vô thủ: không thấy có gì để bám giữ. Khi đụng chạm đến một hoàn cảnh (thuận hay nghịch) thì một mối cảm xúc sẽ phát sinh để đối lại với hoàn cảnh đó. Sở dĩ mối cảm xúc phát sinh là vì mình đã “bắt giữ” sự tướng của hoàn cảnh đó mà “động tâm”. Thuận cảnh thì sinh thiện cảm; nghịch cảnh thì sinh ác cảm. Nếu giữ cho được “không động tâm” thì xúc cảm (thiện hay ác) sẽ không phát sinh, như thế gọi là “nhẫn”. Nhẫn có thể đạt đến chỗ “ba la mật”, mà cũng có thể không đạt đến, ý nghĩa giống như việc bố thí ở trên; xin theo đó mà suy xét.

13) Vô cần: không có ý niệm về siêng năng. Tinh tấn là đức tính cần thiết giúp cho hành giả chứng đạo quả giải thoát. Tuy nhiên, nếu không thực chứng lí “vô ngã” thì sức tinh tấn cũng không đạt đến chỗ rốt ráo “ba la mật”. Ý nghĩa ấy cũng giống như việc bố thí ở trên; xin theo đó mà suy xét.

14) Vô tư: không có gì để suy tư. Thiền định là phương pháp tu tập hữu hiệu nhất để đạt được thành quả giác ngộ. Tuy nhiên, hành giả cũng có thể bị vướng mắc vào cái được gọi là “thiền vị”; mà đã bị vướng mắc vào đó thì đạo quả giác ngộ sẽ không thể nào đạt được. Ý nghĩa của nó cũng giống như việc bố thí ở trên; xin theo đó mà suy xét.

15) Vô trước: không vướng mắc vào bất cứ pháp gì. Công phu tu tập trọn vẹn phải gồm cả tu phước đức và tu trí tuệ. Có tu trí tuệ thì mới thấy rõ thật tướng của vạn pháp (tức là giác ngộ). Vậy mà việc tu trí tuệ cũng có thể bị vướng mắc – như vướng mắc vào cái được gọi là “đắc” chẳng hạn. Cho nên hành giả cần phải tránh bất cứ sự “vướng mắc” gì, mới mong tiến đến chỗ “trí tuệ ba la mật”; ý nghĩa cũng giống như việc bố thí ở trên, xin theo đó mà suy xét.

16) Dịch giả dùng từ “trí tuệ” để dịch từ “đối pháp” của tác giả. “Đối pháp” là chữ mà người Hoa dùng để dịch chữ Phạn “a-tì-đạt-ma” (abhidharma), có nghĩa là dùng trí tuệ vô lậu để quán chiếu (đối quán) đạo lí tứ đế, và hướng đến (đối hướng) đạo quả niết bàn. Lại nữa, từ “đối pháp” cũng được dùng để chỉ cho tạng Luận (một trong Ba Tạng giáo điển).

17) Vĩnh Gia: tức đại sư Huyền Giác (665-713), đời Đường. Ngài họ Đới, người huyện Vĩnh-gia, phủ Ôn-châu, tỉnh Triết-giang, cho nên người đời cũng gọi tên ngài là Vĩnh Gia, hoặc Vĩnh Gia Huyền Giác. Ngài xuất gia khi 8 tuổi, học thông cả ba tạng, nhưng chuyên về pháp môn “chỉ quán” của tông Thiên Thai. Về sau, tự cất am bên chùa Long-hưng ở Ôn-châu, ở một mình, vừa nghiên cứu kinh luận, vừa tu tập thiền quán. Sau có người khích lệ, ngài bèn khởi chí du phương, cùng với sư Huyền Sách (?-854) tới Tào-khê yết kiến tổ Tuệ Năng. Chỉ qua vài lời vấn đáp, ngài liền được Tổ ấn chứng, bèn nghỉ lại đó một đêm, sáng hôm sau trở về ngay chùa Long-hưng. Do sự việc này, người đời xưng ngài là “Nhất Túc Giác”. Ngài viên tịch năm 49 tuổi. Tác phẩm của ngài có: Chứng Đạo Ca, Thiền Tông Ngộ Tu Viên Chỉ, Vĩnh Gia Tập.

18) Đạt Ma: tức Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma – ?-535), vị Sơ- tổ của Thiền tông Trung-quốc. Ngài nguyên là vị hoàng tử thứ ba của vua nước Hương-chí ở Nam Ấn-độ; học đạo với ngài Bát Nhã Đa La (Prajnatara – ?-457, vị tổ thứ 27 của Ấn-độ), sau 40 năm được truyền y bát. Năm 520 ngài theo đường biển tới Quảng-châu (Quảng đông). Vua Lương Võ đế (502-549) nghe tin, sai sứ thỉnh ngài về Kiếnnghiệp (Nam-kinh), nhưng vì đàm luận không hợp, ngài bèn đến chùa Thiếu-lâm ở núi Tung (tỉnh Hànam), xoay mặt vào vách mà ngồi thiền. Bấy giờ có ngài Thần Quang, học rộng hiểu nhiều, vì hâm mộ phong cách cao diệu của ngài, nên tự chặt cánh tay để tỏ lòng thành cầu pháp. Ngài cảm động tấm lòng thành ấy, bèn truyền cho tâm ấn, đổi tên thành Tuệ Khả. Trải qua 9 năm, ngài muốn viên tịch, bèn trao cho Tuệ Khả áo ca sa và bộ kinh Lăng Già, cùng phó chúc tất cả bí áo của tông môn. Việc xong, ngài viên tịch. Khi còn ở Ấn-độ, ngài được Bát Nhã Đa La truyền cho y bát, làm vị tổ thứ 28 của Ấn-độ; sang Trung-quốc trở thành sơ tổ của Thiền tông Trung-quốc, truyền cho ngài Tuệ Khả là tổ thứ nhì. Các nhà nghiên cứu cho rằng, tư tưởng của ngài được đúc kết trong tác phẩm Nhị Nhập Tứ Hành Luận, lấy pháp môn “bích quán” làm tâm điểm. Những tác phẩm do các vị đệ tử của ngài ghi chép tập thành gồm có: Lược Biện Đại Thừa Nhập Đạo Tứ Hành, Thích Lăng Già Yếu Nghĩa. Những tác phẩm ra đời về sau liên quan mật thiết đến ngài có: Thiếu Thất Lục Môn Tập, Đạt Ma Hòa Thượng Tuyệt Quán Luận, Thích Bồ Đề Đạt Ma Vô Tâm Luận, Nam Thiên Trúc Bồ Đề Đạt Ma Thiền Sư Quán Môn,v…

19) Tuệ Khả (487-593): Nhị-tổ của Thiền tông Trung-quốc. Ngài họ Cơ, quê huyện Lạc-dương, tỉnh Hànam, sống vào thời đại Nam-Bắc-triều (386-589). Lúc đầu ngài có tên là Thần Quang, xuất gia lúc tuổi còn nhỏ. Sau khi thọ giới cụ túc, ngài đi khắp nơi nghe giảng pháp. Năm 520, ngài lên chùa Thiếu-lâm ở núi Tung, tham yết tổ Bồ Đề Đạt Ma. Khi lên đến cửa chùa thì trời đổ tuyết, ngài đã đứng ngoài trời tuyết suốt đêm, đến sáng vẫn không được vào chùa. Ngài bèn cầm dao tự chặt cánh tay trái của mình để tỏ lòng chí thành cầu pháp. Bấy giờ cửa chùa mới mở, ngài bước vào, vừa trông thấy Tổ thì tâm liền đạt ngộ. Tổ bèn truyền tâm ấn cùng y bát. Tổ viên tịch, ngài kế thừa làm Nhị-tổ Thiền tông Trung-quốc. Năm 552, ngài truyền tâm pháp cho đệ tử đắc pháp là Tăng Xán (?-606). Sau đó, ngài đến Nghiệp-đô (Hànam) giảng kinh Lăng Già, mai danh ẩn tích hơn 30 năm, không ai biết đến. Ngài viên tịch năm 593, thọ 107 tuổi.

20) Hoằng Nhẫn (602-675): vị tổ thứ 5 của Thiền tông Trung-quốc. Ngài họ Châu, người huyên Cửugiang, tỉnh Giang-tây, sống vào đời Đường. Lúc 7 tuổi, ngài xuất gia với ngài Đạo Tín (580-651, tổ thứ 4 của Thiền tông Trung-quốc) ở chùa Đông-sơn, núi Song-phong, huyện Hoàng-mai, tỉnh Hồ-bắc. Do đó mà có thuyết cho rằng, ngài quê ở huyện Hoàng-mai, tỉnh Hồ-bắc. Ngài thâm cứu rốt ráo các yếu chỉ cả đốn lẫn tiệm, được thầy truyền cho tâm pháp. Năm 651, Đạo Tín viên tịch, ngài thừa kế đạo nghiệp, được người đời xưng là Ngũ-tổ Hoàng Mai, hoặc chỉ gọi là Hoàng Mai. Năm 651 ngài truyền pháp cho Lục-tổ Tuệ Năng. Thiền tông Trung-quốc từ Sơ-tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền đến Ngũ-tổ Hoằng Nhẫn, được các tông phái Thiền đời sau đều thừa nhận. Khi Hoằng Nhẫn kế thừa tổ vị, đã phát huy thiền phong, hình thành “Pháp Môn Đông Sơn”; Thiền tông truyền giáo từ kinh Lăng Già, bắt đầu từ đây được đổi sang kinh Kim Cang Bát Nhã. Tư tưởng của ngài, lấy sự triệt ngộ nguồn gốc tâm tính làm tông chỉ; lấy sự giữ tâm làm chủ yếu của việc tham học. Môn hạ của ngài rất đông, trong đó, hai ngài Thần Tú (605-706) và Tuệ Năng đã riêng rẽ hình thành hai hệ thống: thiền Bắc-tông và thiền Nam-tông – về sau lại còn chia thành nhiều phái nữa. Bốn năm sau khi truyền pháp cho Tuệ Năng, ngài viên tịch, thọ 74 tuổi.

21) Tông và giáo: Các nhà Phật học cho rằng, tất cả giáo pháp do Phật thuyết nhằm thích ứng cho từng đối tượng giáo hóa, gọi là “giáo”; ý chỉ đặc thù, cốt lõi ở trong giáo pháp gọi là “tông”. Giáo thì có ý khách quan; tông là niềm tin chủ quan, có tính cách cá nhân. Có người lại cho rằng, tông tức là giáo không nói năng; còn giáo là tông có nói năng. Có thuyết lại còn cụ thể hơn, phân định rằng, tông tức là “tông môn”, cũng tức là “thiền môn” (hay “thiền gia”), là môn phái “giáo ngoại biệt truyền”, không dùng ngôn giáo, chỉ dùng phương thức “tâm truyền tâm”; còn giáo tức là “giáo môn” (hay “giáo gia”), chỉ cho các môn phái được thành lập dựa trên kinh điển đại thừa hay tiểu thừa, như các tông Thiên Thai, Tịnh Độ, Luật, Pháp Tướng, v.v… Đọc đoạn này, chúng ta thấy rõ ý tác giả muốn nói, giáo pháp của Phật là một toàn bộ, nói GIÁO hay nói TÔNG đều là thiên kiến. Đã là người học Phật chân chính thì không nên nảy sinh ý niệm phân chia “giáo” và “tông” để bài bác, hiềm khích nhau như thực trạng từng xảy ra. Người dịch cũng hoàn toàn đồng ý với tác giả trong quan điểm này.