NHỮNG ĐÓA HOA VÔ ƯU
Thiện Phúc

TẬP I

71. Bạn Gặt Những Gì Bạn Gieo
72. Ngũ Vô Gián Nghiệp Cảm
73. Túc Nghiệp (Nghiệp Đời Trước)
74. Nghiệp Mới
75. Nghiệp Hữu
76. Bốn Loại Nghiệp Theo Phương Thức Tác Dụng
77. Bốn Loại Nghiệp Theo Thứ Tự Trổ Quả
78. Bốn Loại Nghiệp Theo Nơi Chốn Mà Trổ Quả
79. Khổ
80. Tám Nỗi Khổ

71. Bạn Gặt Những Gì Bạn Gieo

Đúng vậy, vấn đề chỉ là thời gian sớm hay chậm mà thôi, bạn sẽ gặt những gì bạn gieo. Theo A Tỳ Đạt Ma Luận (Vi Diệu Pháp), có bốn loại nghiệp theo thời gian trổ quả. Thứ nhất là hiện nghiệp, loại nghiệp mà quả của nó phải trổ sanh trong kiếp hiện tại (nghiệp trổ quả tức khắc); nếu không thì nó sẽ trở thành vô hiệu lực. Thứ nhất là Quả lành trổ sanh trong kiếp hiện tại. Trong Truyện Cổ Phật Giáo có một câu chuyện về “Quả Lành Trổ Sanh Ngay Trong Kiếp Hiện Tại” như sau. Vào thời Đức Phật còn tại thế, có hai vợ chồng người kia chỉ có một cái áo choàng che thân. Khi chồng có việc đi đâu, mặc áo, thì vợ phải ở nhà. Nếu vợ đi thì chồng ở nhà. Một ngày kia, chồng đi nghe Đức Phật thuyết pháp, lấy làm thỏa thích bèn nẩy sinh ý định muốn dâng lên Phật cái áo duy nhất ấy, nhưng lòng luyến ái cố hữu của con người trổi lên, và một cuộc tranh đấu với chính mình diễn ra trong lòng anh. Sau cùng tâm bố thí chế ngự được lòng luyến ái. Anh hết sức vui mừng mà reo lên rằng: “Ta đã chiến thắng, ta đã chiến thắng” và hành động đúng y như sở nguyện, đem dâng cái áo duy nhất của hai vợ chồng lên Phật. Câu chuyện lọt đến tai vua. Đức vua bèn hoan hỷ truyền lệnh ban cho anh ta 32 bộ áo. Người chồng mộ đạo nầy lựa ra một cái cho mình, một cái cho vợ, còn bao nhiêu đem dâng hết cho Đức Phật và Tăng đoàn. Thứ nhì là Quả dữ trổ sanh trong kiếp hiện tại. Trong Truyện Cổ Phật Giáo có một câu chuyện về “Quả Dữ Trổ Sanh Ngay Trong Kiếp Hiện Tại” như sau. Một người thợ săn dắt bầy chó vào rừng để săn thú, thấy bên đường có một vị Tỳ Kheo đang đi khất thực. Đi cả buổi không săn được gì, người thợ săn lấy làm bực tức cho rằng xui vì giữa đường gặp đạo sĩ. Lúc trở về lại cũng gặp vị đạo sĩ ấy, nên người thợ săn nổi cơn giận xua chó cắn vị sư. Mặc dầu vị sư hết lời năn nỉ van lơn, người thợ săn vẫn cương quyết không tha. Không còn cách nào khác, vị sư bèn trèo lên cây để tránh bầy chó dữ. Người thợ săn bèn chạy đến gốc cây giương cung bắn lên, trúng nhằm gót chân vị sư. Trong lúc quá đau đớn, vị sư đánh rơi cái y xuống đất, chụp lên đầu và bao trùm lên toàn thân tên thợ săn. Bầy chó tưởng lầm là vị sư đã té xuống, nên áp lại cắn xé chính chủ của mình. Thứ nhì là Hậu nghiệp, loại nghiệp mà quả của nó, nếu có, sẽ phải trổ trong kiếp kế liền kiếp hiện tại; nếu không trổ sanh được trong kiếp liền kế tiếp ấy thì hậu nghiệp sẽ trở nên vô hiệu lực. Một thí dụ về quả trổ sanh trong kiếp kế liền sau kiếp hiện tại được kể như sau. Có người làm công cho nhà triệu phú nọ, một ngày rằm, sau khi làm việc cực nhọc ngoài đồng, chiều về cả nhà đều thọ bát quan trai giới trong ngày ấy. Mặc dầu chỉ còn có nửa ngày, anh liền xin thọ giới và nhịn đói buổi chiều hôm đó. Bất hạnh thay, sáng hôm sau anh qua đời. Nhờ tâm trong sạch nghiêm trì bác quan trai giới, anh sanh lên cõi trời. Một thí dụ khác là vua A Xà Thế, con vua Bình Sa Vương, liền sau khi chết, tái sanh vào cảnh khổ vì đã mang trọng tội giết cha. Thứ ba là nghiệp vô hạn định, loại nghiệp mà quả của nó có thể trổ bất cứ lúc nào nó có dịp trổ quả trong những kiếp tái sanh. Nghiệp vô hạn định không bao giờ bị vô hiệu lực. Không có bất cứ ai, kể cả Đức Phật hay một vị A La Hán, có thể tránh khỏi hậu quả của nghiệp nầy. Ngài Mục Kiền Liên đã là một vị A La Hán trong thời quá khứ xa xôi, đã nghe lời người vợ ác tâm, âm mưu ám hại cha mẹ. Do hành động sai lầm ấy, ngài đã trải qua một thời gian lâu dài trong cảnh khổ và, trong kiếp cuối cùng, ngài bị một bọn cướp giết chết. Đức Phật cũng bị nghi là đã giết chết một nữ tu sĩ tu theo đạo lõa thể. Theo Kinh Tiền Thân Đức Phật thì Ngài phải chịu tiếng oan như vậy là vì trong một tiền kiếp Ngài đã thiếu lễ độ với một vị độc giác Phật. Đề Bà Đạt Đa toan giết Đức Phật, ông đã lăn đá từ trên núi cao làm trầy chơn ngài, theo truyện Tiền Thân Đức Phật thì trong một tiền kiếp Đức Phật đã lỡ tay giết chết một người em khác mẹ để đoạt của trong một vụ tranh chấp tài sản. Thứ tư là Nghiệp Vô Hiệu Lực. Thuật ngữ “Ahosi” không chỉ một loại nghiệp riêng biệt, mà nó dùng để chỉ những nghiệp khi phải trổ quả trong kiếp hiện tại hoặc kế tiếp, mà không gặp điều kiện để trổ. Trong trường hợp của các vị A La Hán, tất cả nghiệp đã tích lũy trong quá khứ, đến hồi trổ quả trong những kiếp vị lai thì bị vô hiệu hóa khi các vị ấy đắc quả vô sanh.

72. Ngũ Vô Gián Nghiệp Cảm

Theo Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, có năm điều nghiệp cảm kêu là Vô Gián. Thứ nhất, tội nhân trong đó chịu khổ ngày lẫn đêm, cho trải qua số kiếp không lúc nào ngừng nghỉ, nên gọi là Vô Gián. Thứ nhì, một tội nhân đầy chật cả ngục, nhiều tội nhân mỗi mỗi thân cũng đều đầy chật khắp cả ngục, nên gọi là Vô Gián. Thứ ba, những khí cụ để hành hình tội nhân như chỉa ba, gậy, diều hâu, rắn, sói, chó, cối giả, cối xay, cưa, đục, dao mác, chảo dầu sôi, lước sắt, dây sắt, lừa sắt, ngựa sắt, da sống niền đầu, nước sắt nóng rưới thân, đói thời ăn hoàn sắt nóng, khát thời uống nước sắt sôi. Từ năm trọn kiếp, đến vô số kiếp những sự khổ sở nối nhau luôn không ngừng nghỉ một giây, nên gọi là Vô Gián. Thứ tư, không luận là trai hay gái, Mường, Mán, mọi rợ, già trẻ, sang hèn, hoặc là rồng, là trời, hoặc là thần, là quỷ; hễ gây tội ác theo đó mà cảm lấy, tất cả đều đồng chịu khổ, nên gọi là Vô Gián. Thứ năm, nếu người nào bị đọa vào địa ngục đó, thời từ khi mới vào cho đến trăm ngàn kiếp mỗi một ngày đêm muôn lần chết, muôn lần sống lại, muốn cầu tạm ngừng chừng khoảng một niệm cũng không được, trừ khi tội nghiệp tiêu hết mới được thọ sanh. Do vì lẽ liên miên mãi nên gọi là Vô Gián.

73. Túc Nghiệp (Nghiệp Đời Trước)

Nghiệp là sự tích tập tất cả những kinh nghiệm và hành vi của chúng ta, có thể nói là từ lúc khởi sinh loài người và cả trước lúc ấy nữa. Đây được gọi là “nghiệp đời trước.” Nghiệp đời trước được thấy rõ qua sự hoạt động của nghiệp, hay là năng lực của nghiệp. Năng lực này có thể được giải thích đúng đắn nhờ hiểu được sự vận hành của cái tâm tiềm thức. Ngay cả những điều mà loài người đã kinh nghiệm từ hàng trăm ngàn năm trước đây vẫn lưu lại trong bề sâu của tâm ta, cũng như những ảnh hưởng mạnh hơn nhiều của những hành vi và thái độ tâm thức của tổ tiên chúng ta lưu lại. Như vậy theo Phật giáo thì nghiệp đời trước bao gồm cả nghiệp mà đời sống của chính chúng ta đã tạo nên qua sự tái diễn sanh, tử, tái sanh, tử, etc., từ quá khứ vô định cho đến hiện tại. Chính vì vậy mà Đức Phật đã daỵ: “Cho dù có trải qua trăm ngàn kiếp, nghiệp đã tạo thì không thể mất đi đâu được. Khi mà nhân và duyên hội tụ thì quả phải có là điều tất yếu mà thôi.

Nghiệp cũ là những gì làm nên thân ngũ uẩn này với sự liên hệ của nó với môi trường sống như là gia đình, giai cấp xã hội, xứ sở, vân vân… sinh ra làm con trai hay con gái, với tấm thân đẹp hay xấu, với nước da xinh xắn hay không xinh xắn, với gương mặt duyên dáng hay không duyên dáng, với chỉ số thông minh cao hay thấp, có một nền giáo dục tốt hay không tốt, vân vân… tất cả đều nằm ngoài sự mong muốn của con người. Hậu quả trầm trọng nhất của nghiệp cũ là để lại cho con người trên đời này những tập khí khát ái sự hiện hữu và suy nghĩ về sự hiện hữu thường hằng của một cái ngã. Chính những tập khí này đã tạo ra nền văn hóa đầy trục trặc của nhân loại trong hiện tại. Nếu con người nuôi dưỡng cái suy nghĩ về một cái ngã thường hằng và dục vọng của chính mình, thì con người sẽ làm cho nghiệp cũ mạnh thêm và đi xa hơn nữa vào khổ đau phiền não. Nếu con người biết dừng lại sự suy nghĩ và dục vọng ấy, thì con người sẽ chấm dứt được nghiệp cũ và nghiệp mới, sẽ được giải thoát và hạnh phúc. Thật ra, trong giây phút hiện tại này con người hoàn toàn tự do lựa chọn giữa những gì cần nên làm và những gì không nên làm. Chính giây phút hiện tại là lúc mà con người đối đầu với dục vọng khởi lên từ Tâm mình do vị ngọt của các hiện hữu gây ra. Dục vọng đó chiếm cứ tâm thức.

Theo Kinh Địa Tạng Bồ Tát, Đức Phật bảo ngài Quán Thế Âm Bồ Tát về nghiệp chướng đời trước như sau: “1) Trong đời sau, như có người thiện nam, kẻ thiện nữ nào sanh lòng rất trân trọng đối vời kinh điển Đại Thừa, phát tâm bất tư nghì muốn đọc tụng kinh điển ấy. Dầu gặp đặng minh sư truyền dạy cho những người đó học tập, nhưng đọc rồi quên rồi, trải đến cả tháng cả năm vẫn không đọc tụng được. Những kẻ thiện nam thiện nữ đó vì có nghiệp chướng đời trước chưa trừ sạch, cho nên ở nơi kinh điển Đại Thừa không có công năng đọc tụng. Những hạng người nầy khi nghe danh hiệu của ngài Địa Tạng Bồ Tát, đem hết tâm cung kính bày tỏ với Bồ Tát, rồi dùng hương hoa, y phục, đồ ăn, tất cả đồ ngọa cụ, vân vân cúng dường hình tượng Bồ Tát. Dùng một chén nước trong để trước tượng Bồ Tát một ngày một đêm, sau đó cung kính chắp tay thỉnh để uống, xây mặt về hướng nam. Khi nước vào miệng phải chí tâm trịnh trọng, uống nước xong, phải cử ngũ tân, rượu thịt, tà dâm, vọng ngữ và các việc giết hại trong bảy ngày, hoặc hai mươi mốt ngày. Người thiện nam thiện nữ đó trong giấc chiêm bao thấy Địa Tạng Bồ Tát hiện thân vô biên rưới nước trên đảnh của người đó. Sau khi thức dậy, người đó liền đặng thông minh, một phen nghe đến kinh điển Đại Thừa ấy liền sẽ nhớ mãi, không bao giờ còn quên một câu kệ nữa. 2) Trong đời sau, như có những người nào ăn mặc không đủ, cầu chi cũng không toại nguyện, hoặc thân nhiều tật bệnh, hoặc nhiều sự hưng suy, nhà cửa không yên ổn, quyến thuộc chia lìa, hoặc có sự tai vạ cứ đến khuấy nhiễu nơi thân luôn, trong giấc mộng thường phải kinh sợ. Những người như thế đó, khi nghe danh hiệu của ngài Địa Tạng Bồ Tát, thấy hình tượng của Địa Tạng Bồ Tát nên chí tâm cung kính niệm đủ một muôn biến, thời những sự không toại ý trên đó sẽ tiêu sạch lần lần, cho đến trong giấc mộng thảy đều an ổn vui vẻ. 3) Về đời sau, nếu có người thiện nam thiện nữ nào, hoặc nhơn sự làm ăn, hoặc nhơn sự công chuyện tư, hoặc nhơn sự sanh cùng tử, hoặc nhơn việc gấp mà phải vào trong rừng núi, hay là qua sông vượt biển, hoặc gặp nước lụt lớn, hoặc đi ngang đường hiểm trở. Người ấy trước khi đi nên niệm danh hiệu của ngài Địa Tạng Bồ Tát một muôn biến, được thế thời đi qua nơi chốn nào cũng có các vị quỷ thần hộ vệ, lúc đi đứng, khi nằm ngồi, đều được an ổn vui vẻ luôn, cho đến dầu gặp loài hùm sói sư tử, vân vân nhưng tất cả thứ độc hại đều không thể phạm đến người đó được.

74. Nghiệp Mới

Nghiệp mới là những gì mà con người đã, đang và sẽ làm trong đời sống hằng ngày qua thân, khẩu và ý. Đức Phật luôn nhấn mạnh về nghiệp mới của một cá nhân. Giáo lý của Ngài đặt trọng tâm ở việc thấy rõ chân lý Duyên Khởi của ngũ uẩn và không dính mắc vào ngũ uẩn này để đạt được hạnh phúc thật sự. Theo Phật giáo, nghiệp là hành động cố ý. Hành động cố ý là hành uẩn. Sự vận hành của hành uẩn là sự vận hành của ngũ uẩn. Như vậy, sự vận hành của nghiệp là sự vận hành của ngũ uẩn. Con đường giải thoát sự trói buộc của nghiệp theo đạo Phật là giải thoát khỏi sự trói buộc của ngũ uẩn. Sự tu tập ngũ uẩn bao gồm việc chế ngự thói quen của con người về sự suy tư về một cái ngã thường hằng từ đó dục vọng dấy lên, và phát triển cái nhìn về sự vô ngã của vạn hữu từ đó vô dục khởi sanh. Chúng sanh đều do duyên nghiệp mà chuyển thành, chứ chẳng có cái ‘tôi.’ Mọi nỗi khổ vui đều do nhân duyên sanh. Nếu nay được quả báo tốt, hưởng đủ vinh dự, ấy là do nhân lành thuở trước cảm nên, nay mới được vậy. Hễ duyên hết thì lại hoàn không, mừng vui nỗi gì? Được mất gì đều tùy theo duyên, nhưng tâm người thì không vì vậy mà được thêm hay bớt mất cái gì. Nếu thấu đáo được như vậy thì gió vui chẳng động, lặng lẽ mà thuận đạo, nên nói là tùy thuận theo duyên nghiệp vậy. Dù thiện hay bất thiện, nghiệp không bao giờ biến mất cho đến khi quả của nó trổ, gọi là trổ nghiệp. Tuy nhiên, sự xưng ra (chấp nhận mình đã làm sai trái) những tội lỗi đã gây tạo có khả năng loại trừ những nghiệp bất thiện trong tương lai. Theo Phật giáo, nghiệp thiện hay bất thiện, chẳng bao giờ biến mất cho đến khi nào kết quả chín mùi; tuy nhiên, thanh tịnh nghiệp có thể xãy ra bằng cách nhận lỗi, sửa lỗi và cố gắng làm những chuyện thiện lành. Nói chung, dù là nghiệp mới hay nghiệp cũ, người Phật tử nên luôn nhớ một sự thật tuyệt đối rằng: “Tất cả các tội nghiệp tạo ra, không tội nghiệp nào mà chẳng có quả báo cả.”

75. Nghiệp Hữu

Chính tiến trình nghiệp là hữu, thì gọi là nghiệp hữu. Nghiệp cần được hiểu là hữu vì nó đem lại hữu hay sự tái sanh. Trước hết, nghiệp hữu nói vắn tắt là hành và các pháp tham dục, vân vân, tương ưng với hành cũng được xem là nghiệp. Nghiệp hữu bao gồm phước hành, phi phước hành, bất động hành, ở bình diện nhỏ (hữu hạn) hay bình diện lớn (đại hành). Tất cả những nghiệp đưa đến sự tái sanh đều là nghiệp hữu. Nghiệp hữu là năng lực phát xuất từ kiếp hiện tại, tạo điều kiện cho kiếp sống tương lai theo dòng bất tận. Trong tiến trình nầy không có gì di chuyển hay được đưa đi từ kiếp nầy sang kiếp khác. Đó chỉ là sự chuyển động liên tục, không gián đoạn. Chúng sanh chết ở đây và tái sanh ở nơi khác không phải cùng người ấy, cũng không phải là một người hoàn toàn khác. Sát na của tâm cuối cùng về kiếp trước, kế tiếp hiện tại. Do sự diệt của sát na tâm tử nầy hay do sát na tâm tử nầy tạo điều kiện mà sát na tâm đầu tiên của kiếp hiện tại thường được gọi là “Kiếp Sanh Thức” (Patisandhi-vinnana) khởi sanh. Tương tự như vậy, sát na tâm cuối cùng của kiếp hiện tại tạo điều kiện hay làm duyên cho sát na tâm đầu tiên trong kiếp kế tiếp. Cứ như thế mà tâm cứ sanh rồi diệt, nhường chỗ cho tâm mới sanh. Như vậy dòng tâm thức sanh diệt liên tục nầy cứ trôi chảy cho đến khi sự sống dừng hẳn. Sự sống, nói cách khác, chính là tâm thức, ước muốn sống, muốn được tiếp tục tồn tại.

76. Bốn Loại Nghiệp Theo Phương Thức Tác Dụng

Theo A Tỳ Đạt Ma Luận (Vi Diệu Pháp), có bốn loại nghiệp theo phương thức tác dụng. Thứ nhất là Nghiệp Tái Tạo, tức là nghiệp thiện hay bất thiện, trợ duyên cho sự tái sanh vào lúc lâm chung. Vào lúc được mẹ thọ thai, do nghiệp tái tạo mà thức tái sanh được phát sanh, cùng lúc ấy những thành phần vật chất của môt con chúng sanh mới cũng được thành lập như các căn, sự xác định tính nam nữ. Chỉ có nghiệp tái tạo dẫn tới tái sanh, nhưng tất cả các nghiệp thiện ác đều phải trổ quả trong những đời kế tiếp, không có ngoại lệ. Theo Phật giáo, chập tư tưởng cuối cùng thật là quan trọng vì chính cái nghiệp có năng lực mạnh nhứt trong giờ lâm chung, lành hay dữ, tạo điều kiện cho sự tái sanh kế liền đó. Nghiệp nầy gọi là nghiệp tái tạo. Cái chết của một chúng sanh chỉ là sự gián đoạn tạm thời của một hiện tượng tạm thời. Mặc dầu thể xác hiện tại tiêu diệt, nhưng một hình thể khác sẽ phát sanh tùy theo tư tưởng mạnh nhất trong giờ lâm chung; hình thể sau nầy không hoàn toàn giống hình thể trước, mà cũng không phải tuyệt đối là khác. Thể xác tan rã, nhưng luồng nghiệp lực vẫn tồn tại. Tiến trình tư tưởng cuối cùng ấy, gọi là nghiệp tái tạo, quyết định cảnh giới của kiếp sống tới. Thói thường thì tiến trình tư tưởng cuối cùng của một người tùy thuộc nơi phẩm hạnh của người ấy trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên cũng có trường hợp đặc biệt mà ngoại cảnh tạo nên cơ hội thuận lợi hay bất lợi làm cho một người tốt có thể có những tư tưởng xấu, hay một người xấu có thể có những tư tưởng tốt trong giờ phút lâm chung. Trong trường hợp nầy phẩm hạnh của người kia trong cuộc sống không đem lại ảnh hưởng nào cho sự tái sanh, nhưng không có nghĩa là quả phải có cho những hành động trong quá khứ đã tiêu mất. Quả ấy sẽ trổ lúc tương xứng với nhân đã gieo. Thứ nhì là Nghiệp Trợ Duyên, tức là nghiệp không đạt được cơ hội sanh quả của chính nó (nghĩa là nó không có tánh cách thiện hay bất thiện), nhưng nó đến gần và nâng đỡ nghiệp tái tạo và các nghiệp khác bằng cách làm cho những nghiệp nầy có thể tạo nên những quả sung sướng hay khổ đau. Khi nghiệp thiện được trợ duyên có thể làm cho một chúng sanh được sanh vào cõi người, góp phần làm cho đời sống kéo dài hơn, bảo đảm sức khỏe tốt và giàu có, và cung cấp đầy đủ những thứ cần thiết cho cuộc sống. Khi nghiệp bất thiện được trợ duyên, có thể làm cho một chúng sanh sanh vào cõi thú, gây ra bệnh nặng, và làm cho thuốc không còn khả năng hữu hiệu khi trị bệnh do đó mà bệnh bị kéo dài. Loại nghiệp thứ ba là Nghiệp Bổ Đồng. Nghiệp bổ đồng còn được gọi là nghiệp ngăn trở. Theo A Tỳ Đạt Ma Luận (Vi Diệu Pháp), nghiệp ngăn trở không có quả thiện ác của chính nó, nhưng có thể ngăn cản hay làm chậm trễ sự trổ quả của các nghiệp khác. Cho dù nghiệp tái tạo có cường thịnh vào lúc thành lập, mà bị nghiệp ngăn trở trực tiếp đối lại, sẽ làm cho nghiệp tái tạo trở nên vô hiệu quả. Tỷ như một nghiệp tái tạo thiện có khuynh hướng đưa chúng sanh tái sanh vào cõi cao hơn, có thể bị nghiệp ngăn trở đưa vào tái sanh nơi cõi thấp hơn. Nghiệp tái tạo tốt có khuynh hướng đưa chúng sanh tái sanh vào những gia đình cao sang, có thể bị nghiệp ngăn trở làm cho tái sanh vào những gia đình hạ tiện. Nghiệp tái tạo tốt có khuynh hướng mang lại trường thọ cho chúng sanh, lại bị nghiệp ngăn trở làm cho đoản thọ. Nghiệp tái tạo tốt có khuynh hướng mang lại sắc diện đẹp đẽ, có thể bị nghiệp ngăn trở làm cho dung mạo trở nên tầm thường. Nghiệp tái tạo bất thiện có khuynh hướng đưa chúng sanh tái sanh vào những đại địa ngục, có thể bị nghiệp ngăn trở đối kháng lại và chúng sanh ấy có thể tái sanh vào những địa ngục nhẹ hơn hay vào cõi ngạ quỷ. Loại nghiệp thứ tư là Nghiệp Tiêu Diệt. Nghiệp tiêu diệt là thứ nghiệp, thiện hay ác, có khả năng triệt tiêu nghiệp tái tạo, không cho nó trổ quả. Vào lúc cận tử, thoạt tiên một cảnh giới tái sanh xấu hiện ra vì nghiệp lực xấu, nhưng một nghiệp tiêu diệt tốt khởi lên, triệt tiêu ác nghiệp, do đó được tái sanh vào cảnh giới tốt hơn. Một người nguyên lai do nghiệp tái tạo có thể sanh trường thọ, nhưng nghiệp tiêu diệt khởi lên gây nên hoạnh tử. Một nghiệp xấu có thể thình lình khởi lên, tiêu diệt khả năng của nghiệp tái tạo tốt, để đưa đến việc tái sanh vào cảnh giới ác.

77. Bốn Loại Nghiệp Theo Thứ Tự Trổ Quả

Theo A Tỳ Đạt Ma Luận (Vi Diệu Pháp), có bốn loại nghiệp theo thứ tự trổ quả. Thứ nhất là Trọng Nghiệp, có nghĩa là hành động hay nghiệp nặng, nghiệp nghiêm trọng, có thể thiện hay bất thiện, không thể thay thế được trong yếu tố tái sanh. Được gọi là trọng nghiệp vì nó chắc chắn sanh quả trong kiếp hiện tại hay ngay kiếp kế tiếp. Nếu không có một trọng nghiệp nào làm điều kiện cho sự tái sanh trong kiếp liền đó, thì “Cận Nghiệp là nghiệp dẫn dắt thọ sanh. Nếu là thiện thì đây là loại nghiệp có tính cách tinh thần như trường hợp các tầng thiền, ngoài khẩu và thân nghiệp. Người đắc tứ thiền sắc giới chẳng hạn thì hưởng quả vị của thiền ấy trong kiếp hiện tại, hay trong kiếp kế tiếp. Nếu là bất thiện nghiệp có năm loại trọng nghiệp đi cùng với tà kiến chối bỏ đạo đức luân lý. Thí dụ như gây thương tích cho một vị Phật, chẳng hạn như Đề Bà Đạt Đa phải mất hết thần lực và tái sanh vào ác đạo vì tội đã làm chảy máu thân Phật; chia rẽ Tăng Già như Đề Bà Đạt Đa phải đọa vào ác đạo vì đã gây chia rẽ trong Tăng đoàn; sát hại một vị A La Hán; giết cha; và giết mẹ. Đức Phật đã lưu ý các đệ tử rằng nếu không phạm tội giết cha thì vua A Xà Thế đã đắc quả Tu Đà Hườn. Trong trường hợp nầy trọng nghiệp bất thiện được gây ra trước, và ngăn cản sự tiến bộ tinh thần về sau nầy. Nếu một người hành và đắc thiền, sau đó phạm nhằm một trong những trọng tội thì nghiệp đã tạo trước đó sẽ bị nghiệp bất thiện có năng lực hùng mạnh nầy ngăn trở. Kiếp sống kế đó sẽ do nghiệp xấu tạo duyên. Thí dụ như em họ của Phật là Đề Bà Đạt Đa, vì tham vọng mà tạo nên trọng tội làm đả thương Phật và chia rẽ Tăng Già, nên phải mất hết thần thông và tái sanh vào cõi địa ngục. Nếu một người trước đã phạm trọng tội, sau đó dù tinh tấn tu hành vẫn khó đắc quả vì nghiệp xấu cản trở. Vua A Xà Thế sau khi nghe Phật nói Kinh Samannaphala, có thể đã chứng đắc quả Tu Đà Hườn nếu không phạm trọng tội giết cha, là vua Bình Sa Vương, nên ông không thể thành tựu đạo quả. Thứ nhì là Cận Tử Nghiệp. Cận Tử Nghiệp là điều gì mà ta làm hay nghĩ đến liền trước lúc lâm chung. Nếu một người xấu mà nhớ lại hoặc được làm một việc thiện trước lúc lâm chung, có thể nhờ đó mà người ấy được tái sanh vào cảnh giới tốt (may mắn) hơn; ngược lại, nếu một người tốt mà trước khi lâm chung lại nhớ đến một hành động bất thiện của mình, người ấy có thể tái sanh vào một trạng thái bất hạnh. Chính vì lý do quyết định tái sanh đó mà các xứ Phật Giáo có phong tục nhắc nhở người sắp chết những hành động lành người ấy đã làm trong đời, và tạo cơ hội cho người ấy tạo thiện nghiệp trước phút lâm chung. Khi không có trọng nghiệp, và nghiệp cận tử được thành lập, thì nghiệp cận tử sẽ giữ vai trò chính trong việc tái sanh. Điều nầy không có nghĩa là người ấy sẽ trốn thoát được những nghiệp thiện ác đã tạo ra trong đời. Khi gặp điều kiện thì những nghiệp thiện ác sẽ trổ quả tương xứng. Thứ ba là nghiệp thường hay thường nghiệp là những thói quen mà chúng sanh thường làm, dầu tốt hay xấu (có khuynh hướng tạo nên tâm tánh của chúng sanh). Những thói quen hằng ngày, dù lành hay dù dữ, dần dần trở thành bản chất ít nhiều uốn nắn tâm tánh con người. Trong khi nhàn rỗi, tâm ta thường duyên theo những tư tưởng, những hành vi quen thuộc một cách tự nhiên lắm khi vô ý thức. Nếu không có trọng nghiệp hay cận tử nghiệp thì thường nghiệp quyết định tái sanh. Thứ tư là Tích trử nghiệp, còn được gọi là nghiệp tích tu. Theo A Tỳ Đạt Ma Luận (Vi Diệu Pháp), nghiệp tích tụ là bất cứ nghiệp nào đủ mạnh để quyết định tái sanh, mà không phải là nghiệp tái tạo, nghiệp cận tử, hay nghiệp tiêu diệt. Loại nghiệp nầy sẽ quyết định tái sanh nếu không có các nghiệp kia chen vào. Nghiệp nầy giống như cái vốn dự trử của một cá nhân, gồm bốn loại. Thứ nhất là hành động bất thiện, tạo quả dữ trổ sanh trong dục giới; có mười hành động bất thiện: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc, nói lời thô lỗ cộc cằn, nói lời nhảm nhí vô ích, tham lam, sân hận, và tà kiến. Thứ nhì là hành động thiện, tạo quả lành trổ sanh trong dục giới. Thứ ba là hành động thiện, tạo quả lành trổ sanh trong sắc giới. Thứ tư là hành động thiện, tạo quả lành trong vô sắc giới.

78. Bốn Loại Nghiệp Theo Nơi Chốn Mà Trổ Quả

Thứ nhất là Nghiệp Bất Thiện. Bất thiện nghiệp sanh ra những hậu quả đau khổ bao gồm: tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng. Theo Thanh Tịnh Đạo, được gọi là bất thiện nghiệp vì chúng vừa là bất thiện mà vừa là con đường dẫn đến ác đạo: sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, vọng ngữ, ác ngữ, thô ngữ, phù phiếm ngữ, tham, sân, và tà kiến. Thứ nhì là Nghiệp Thiện Dục Giới. Thiện nghiệp là hành động cố ý phù hợp với Bát Thánh Đạo. Như vậy thiện nghiệp không những chỉ phù hợp với chánh nghiệp, mà còn phù hợp với chánh kiến, chánh tư duy, chánh chánh ngữ, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định nữa. Theo Kinh Pháp Cú, câu 183, Đức Phật dạy: “Chớ làm các điều ác, gắng làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch. Ấy lời chư Phật dạy.” Thiện nghiệp sẽ giúp con người chế ngự được những phiền não khởi lên trong tâm. Ngược lại, nếu con người làm ác nghiệp sẽ phải nhận chịu các hậu quả khổ đau trong đời này hay đời kế tiếp. Thứ ba là Nghiệp Thiện Sắc Giới. Thứ tư là Nghiệp Thiện Vô Sắc Giới.

79. Khổ

Mọi hiện hữu đều có bản chất khổ chứ không mang lại toại nguyện (sự khổ vô biên vô hạn, sanh khổ, già khổ, bịnh khổ, chết khổ, thương yêu mà phải xa lìa khổ, oán ghét mà cứ gặp nhau là khổ, cầu bất đắc khổ, vân vân. Khổ đeo theo ngũ uẩn như sắc thân, sự cảm thọ, tưởng tượng, hình ảnh, hành động, tri thức). Không có từ ngữ dịch tương đương trong Anh ngữ cho từ “Dukkha “ trong tiếng Pali (Nam Phạn) hay tiếng Sanskrit (Bắc Phạn), nên người ta thường dịch chữ “Dukkha” dịch sang Anh ngữ là “Suffering”. Tuy nhiên chữ “Suffering” thỉnh thoảng gây ra hiểu lầm bởi vì nó chỉ sự khốn khổ hay đau đớn cực kỳ. Cần nên hiểu rằng khi Đức Phật bảo cuộc sống của chúng ta là khổ, ý Ngài muốn nói đến mọi trạng thái không thỏa mãn của chúng ta với một phạm vi rất rộng, từ những bực dọc nho nhỏ đến những vần đề khó khăn trong đời sống, từ những nỗi khổ đau nát lòng chí đến những tang thương của kiếp sống. Vì vậy chữ “Dukkha” nên được dùng để diễn tả những việc không hoàn hảo xảy ra trong đời sống của chúng ta và chúng ta có thể cải hóa chúng cho tốt hơn. Cả hai từ Duhkha (skt) và Dukkha (p) là những từ Bắc Phạn và Nam Phạn có nghĩa là “Khổ” hay “Bất toại.” Đây là đế thứ nhất trong Tứ Diệu Đế của Phật giáo, cho rằng vòng luân hồi sanh tử được đặt tính hóa bởi những bất toại và đau khổ. Điều này liên hệ tới ý tưởng cho rằng vạn hữu vô thường, chúng sanh không thể nào tránh được phân ly với cái mà họ mong mỏi và bắt buộc phải chịu đựng những thứ không vui. Mục đích chính được kể ra trong Phật giáo là khắc phục “khổ đau.” Có ba loại khổ đau: 1) khổ khổ, bao gồm những nỗi khổ về thể chất và tinh thần; 2) hoại khổ, bao gồm những cảm thọ không đúng đắn về hạnh phúc. Gọi là hoại khổ vì vạn hữu đều hư hoại theo thời gian và điều này đưa đến khổ đau không hạnh phúc; 3) Hành khổ, nỗi khổ đau trong vòng sanh tử, trong đó chúng sanh phải hứng chịu những bất toại vì ảnh hưởng của những hành động và phiền não uế nhiễm.

Sau khi đạt được đại giác, lời tuyên bố đầu tiên của Đức Phật tại vườn Nai là: “Đời chỉ là khổ đau” và “Năm thủ uẩn là khổ đau”. Một lần khác tại thành Xá Vệ, Đức Phật đã lập lại: “Nầy các Tỳ Kheo, Như Lai sẽ giảng cho các ngươi về khổ và gốc của khổ. Hãy lắng nghe, nầy các Tỳ Kheo, thế nào là khổ? Nầy các Tỳ Kheo, Sắc là khổ, Thọ là khổ, Tưởng là khổ, Hành là khổ, Thức là khổ. Nầy các Tỳ Kheo, đó là ý nghĩa của khổ. Và nầy các Tỳ Kheo, thế nào là gốc của khổ? Chính Ái nầy dẫn đến tái sanh, đi cùng với lạc thú và tham luyến, tìm cầu lạc thú chỗ nầy chỗ kia: đó là dục ái, hữu ái và vô hữu ái.” Nói cách khác, khổ đau của con người vốn là kết quả của sự sinh khởi của duyên khởi, cũng là kết quả của sự sinh khởi của ngũ uẩn. Và như vậy không phải ngũ uẩn, hay con người và cuộc đời gây nên đau khổ, mà là sự chấp thủ năm uẩn của con người gây nên đau khổ. Đức Phật diễn tả ba đặc điểm của Khổ trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Thứ nhất là khổ vì đau đớn có nghĩa là khi chúng ta bị cảm giác đau đớn thể xác hay khổ sở về tinh thần. Đau đớn về thể xác bao gồm nhức đầu, đau lưng, nhức nhối do bệnh ung thư hay đau thắt tim, vân vân. Khổ sở tinh thần là khi không đạt được điều mà chúng ta mong muốn, khi mất sự vật mà chúng ta ưa thích hoặc khi chúng ta gặp những bất hạnh trong đời. Chúng ta buồn khi nghề nghiệp không thành đạt, chúng ta suy sụp tinh thần khi phải xa lìa những người thân yêu, chúng ta cảm thấy lo âu khi trông chờ tin tức thơ từ của con cái, vân vân. Thứ hai, khổ vì sự đổi thay là khổ do sự biến chuyển hay đổi thay có nghĩa là những sự việc mà chúng ta thường xem là hạnh phúc không bao giờ giữ nguyên trạng như thế mãi, chắc chắn chúng phải biến chuyển theo cách này hay cách khác và trở thành nỗi thống khổ cho chúng ta. Khi chúng ta mua một cái áo mới, chúng ta thích nó vì nó trông lộng lẫy; tuy nhiên, ba năm sau chúng ta sẽ cảm thấy khổ sở hay khó chịu khi mặc lại chiếc áo ấy vì nó đã cũ kỹ rách sờn. Không cần biết là chúng ta thích một người như thế nào và chúng ta cảm thấy sung sướng khi ở cạnh người ấy; tuy nhiên, nếu chúng ta ở bên người ấy lâu ngày chầy tháng thì chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu. Như vậy sự sung sướng không phải là bản chất có sẵn trong cái người mà chúng ta cảm thấy ưa thích, mà nó chỉ là kết quả của sự tương tác trong mối quan hệ giữa chúng ta và người ấy. Thứ ba, khổ vì duyên khởi nói tới hoàn cảnh thân tâm của chúng ta có khuynh hướng khổ đau. Chúng ta cảm thấy khổ sở vì môi trường bên ngoài thay đổi. Thời tiết thay đổi làm cho chúng ta cảm thấy lạnh; bạn bè thay đổi cách cư xử làm cho chúng ta cảm thấy buồn khổ. Thân thể mà chúng ta đang có là cơ sở để cho chúng ta có những cảm nhận về sức khỏe tồi tệ. Nếu chúng ta không có một cơ thể nhận biết đau đớn và nhức nhối thì chúng ta sẽ không bao giờ bị bệnh tật cho dù chúng ta có tiếp cận với biết bao nhiêu vi khuẩn hay vi trùng đi nữa. Tâm thức mà chúng ta đang có chính là cơ sở để chúng ta cảm nhận những cảm giác đau buồn khổ não. Nếu chúng ta có một tâm thức mà sân hận không nhiễm vào được thì chúng ta sẽ không bao giờ phải chịu cảm giác tức giận khi đối nghịch và xúc chạm với người khác.

Trong Phật giáo, có hai loại khổ: khổ về thể chất và khổ về tinh thần. Thứ nhất là nỗi khổ về thể chất, tức là nỗi khổ do bịnh hoạn gây ra. Khổ về thể chất gồm có sanh, lão, bệnh, tử. Thân khổ là thân nầy đã nhơ nhớp, lại bị sự sanh già bệnh chết, nóng lạnh, đói khát, vất vả cực nhọc chi phối, làm cho khổ sở không được tự tại an vui. Vâng, thật vậy, sanh ra đời là khổ vì cái đau đớn của bà mẹ và của đứa trẻ lúc mới sanh ra là không thể tránh được. Vì sanh ra mà những hình thức khác của khổ như già, bệnh, chết…, theo sau không thể tránh khỏi. Sự khổ đau về thể xác có nhiều hình thức. Trong đời ít nhất một vài lần con người đã nhìn thấy cảnh người thân già nua của mình đau đớn về thể xác. Phần lớn các khớp xương của họ đau đớn khiến họ đi lại khó khăn. Càng lớn tuổi, cuộc sống của người già càng thêm khó khăn vì họ không còn thấy rõ, không nghe rõ và ăn uống khó khăn hơn. Còn nỗi đau đớn vì bệnh hoạn thì cả già lẫn trẻ đều không chịu nổi. Đau đớn vì cái chết và ngay cả lúc sanh ra, cả mẹ lẫn con đều đau đớn. Sự thật là nỗi khổ đau về sanh, lão, bệnh, tử là không thể tránh được. Có người may mắn có cuộc sống hạnh phúc, nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi họ phải kinh qua đau khổ mà thôi. Điều tệ hại nhất là không ai có thể chia xẻ nỗi đau khổ với người đang bị khổ đau. Tỷ như, một người đang lo lắng cho tuổi già của mẹ mình. Tuy nhiên, người ấy không thể nào thế chỗ và chịu đựng khổ đau thế cho mẹ mình được. Cũng như vậy, nếu một đứa trẻ lâm bệnh, bà mẹ không thể nào kinh qua được những khó chịu của bệnh hoạn của đứa nhỏ. Cuối cùng là cả mẹ lẫn con, không ai có thể giúp được ai trong giờ phút lâm chung cả. Thứ nhì là tâm khổ hay sầu muộn hay sự đau đớn về tâm linh. Bên cạnh khổ đau về thể xác, còn có nhiều hình thức khổ đau về tinh thần. Khổ về tinh thần như buồn phiền, ghen ghét, đắng cay, bất toại, không hạnh phúc, vân vân. Người ta thấy buồn, thấy đơn độc, thấy sầu thảm khi mất đi người thân yêu. Cảm thấy khó chịu khi bị bắt buộc phải đi với người mình không thích. Người ta cũng cảm thấy khổ đau khi không thể thỏa mãn những gì mình muốn, vân vân. Tâm khổ là khi tâm ta khởi phiền não, tất bị lửa phiền não thiêu đốt, giây phiền não trói buộc, roi phiền não đánh đuổi sai khiến, khói bụi phiền não làm tăm tối nhiễm ô. Cho nên người nào khởi phiền não tất kẻ đó thiếu trí huệ, vì tự làm khổ mình trước nhất. Ngoài ra, còn có nỗi khổ vì cảnh. Cảnh khổ là cảnh nầy nắng lửa mưa dầu, chúng sanh vất vả trong cuộc mưu sinh, mỗi ngày ta thấy trước mắt diễn đầy những hiện trạng nhọc nhằn bi thảm.

Trên đời nầy, lo lắng và khổ sở là hai thứ độc hại sinh đôi. Chúng cùng hiện hữu trên thế gian này. Hễ bạn lo lắng là bạn khổ sở, và ngược lại; hễ bạn khổ sở là bạn lo lắng. Phật tử thuần thành nên luôn nhớ rằng lo lắng là do chính tâm mình tạo ra, chứ không do thứ nào khác. Chúng ta tạo chúng trong tâm mình vì chúng ta không hiểu được nguy cơ của sự luyến chấp và những cảm giác vị kỷ. Muốn hàng phục những trở ngại này chúng ta phải cố gắng quán sát và huấn luyện tâm, vì một cái tâm không được huấn luyện (tán loạn) chính là nguyên nhân chủ yếu của mọi trở ngại, kể cả lo lắng và khổ sở. Điều quan trọng là phải luôn có một cười cho chính mình và cho tha nhân trong bất cứ tình huống nào. Đức Phật dạy: “Lo âu chỉ khởi lên nơi những kẻ ngu muội, chứ không khởi lên nơi những người khôn ngoan.” Lo âu chỉ là một trạng thái tâm không hơn không kém. Chính những tư tưởng tiêu cực hay bất thiện sản sanh ra lo lắng khổ sở, trong khi những tư tưởng tích cực hay thiện lành sản sanh ra hạnh phúc và an lạc. Trạng thái khổ não bức bách thân tâm (tâm duyên vào đối tượng vừa ý thì cảm thấy vui, duyên vào đối tượng không vừa ý thì cảm thấy khổ) từ nội khổ đến ngoại khổ. Nơi nội khổ có cả thân khổ lẫn tâm khổ. Thân Khổ là nỗi khổ về thể chất từ bên trong như bịnh hoạn sầu đau. Tâm Khổ là nỗi khổ về tinh thần như buồn phiền, ghen ghét, đắng cay, bất toại, không hạnh phúc, vân vân. Nơi ngoại khổ có cả những nỗi khổ từ hoàn cảnh bên ngoài như tai họa, chiến tranh, vân vân. Đức Phật dạy khổ nằm trong nhân, khổ nằm trong quả, khổ bao trùm cả thời gian, khổ bao trùm cả không gian, và khổ chi phối cả phàm lẫn Thánh, nghĩa là khổ ở khắp nơi nơi. Đức Phật nói rằng bất cứ thứ gì vô thường là khổ đau vì vô thường dù không phải là nguyên nhân của khổ đau, nhưng nó tạo cơ hội cho khổ đau. Vì không hiểu vô thường nên chúng ta tham đắm và bám víu vào những đối tượng với hy vọng là chúng sẽ thường còn, hoặc chúng sẽ mang lại hạnh phúc vĩnh viễn. Vì không chịu hiểu rằng tuổi xuân, sức khỏe và đời sống tự nó cũng vô thường nên chúng ta tham đắm và bám víu vào chúng. Chúng ta bàm víu một cách tuyệt vọng vào tuổi xuân và cố gắng kéo dài đời sống, nhưng chắc chắn một ngày nào đó chúng ta sẽ già, sẽ bệnh. Khi việc này xãy đến, vô thường chính là nhân tố tạo cơ hội cho khổ đau phiền não vậy. Theo Tương Ưng Bộ Kinh, Phẩm Tầm Cầu, có ba loại khổ. Chúng sanh mọi loài đều kinh qua ba loại khổ. Đó là Khổ Khổ Tánh, Hoại Khổ Tánh, và Hành Khổ Tánh. Thứ nhất là Khổ Khổ Tánh, tức là khổ gây ra bởi những nguyên nhân trực tiếp hay khổ khổ, gồm những nỗi khổ xác thân như đau đớn, già, chết; cũng như những lo âu tinh thần. Người ta bị khổ khổ khi không có nhà cửa để ở, không có áo quần ấm để tránh lạnh, không có áo quần mỏng để mặc khi trời nóng nực oi bức, không có thực phẩm để sinh tồn, vân vân. Thứ nhì là Hoại Khổ Tánh là nỗi khổ gây ra bởi những thay đổi, chăng hạn như những người đang sống trong giàu sang phú quý, nhưng đột nhiên gặp phải hỏa hoạn thiêu sạch hết mọi thứ vật dụng. Hoặc bị rớt máy bay, hoặc chìm tàu mà chết trên biển một cách bất ngờ, đều là hoại khổ. Thứ ba là Hành Khổ Tánh là nỗi khổ vì chư pháp vô thường, thân tâm nầy vô thường. Ai cũng phải kinh qua tuổi thơ, tráng niên, rồi già, rồi chết. Ai cũng phải trải qua những thay đổi biến chuyển trong từng phút từng giây mà tự mình không làm chủ được. Lúc già thì mắt mờ, tai điếc, thậm chí tay chân run rẩy không còn linh hoạt nữa. Đây là hành khổ.

Trên hết giáo Pháp của Đức phật đưa ra một giải pháp đối với vấn đề căn bản về thân phận con người. Theo Phật giáo, kiếp sống con người được nhận ra bởi sự kiện là không có điều gì trường tồn vĩnh viễn: không có hạnh phúc nào sẽ vững bền mãi mãi dù có bất cứ điều gì khác đi nữa, cũng sẽ luôn luôn đau khổ và chia lìa. Bước đầu tiên trên con đường của Phật giáo để đi đến giác ngộ là phải nhận chân ra điều này như là vấn đề quan trọng nhất của kiếp người, để thấy rằng tất cả đều là khổ. Tuy nhiên, đây không phải là một sự kiện bi quan, bởi vì trong khi nhận biết sự hiện diện khắp nơi của ‘khổ’, Phật giáo đưa ra một giải pháp trong hình thức Con Đường Dẫn Đến Sự Diệt Khổ. Chính Đức Phật mô tả đặc điểm giáo pháp của Ngài bằng cách nói “Như Lai chỉ dạy về ‘Khổ’ và sự ‘Diệt Khổ’.” Người ta có thể cảm nhận ‘khổ’ theo ba hình thức. Thứ nhất là sự đau khổ bình thường, nó tác động đến con người khi cơ thể bị đau đớn. Sự đau khổ bình thường cũng là sự đau đớn tinh thần: đó là sự đau khổ khi không đạt được điều mà người ta ham muốn, hoặc buồn bả do sự xa cách những người thân yêu hay những điều thú vị. Nó cũng là những nỗi khổ đau khi người ta phải đối mặt với sanh, lão, bệnh, tử. Theo căn bản, dù bất cứ loại hạnh phúc nào chúng ta cũng nên có sự hiểu biết rằng bất cứ khi nào có niềm vui thú hoặc thỏa thích, thì sẽ không có sự lâu dài. Không sớm thì muộn những thăng trầm của cuộc sống sẽ đưa lại sự thay đổi. Có một câu tục ngữ Phật giáo nói rằng ngay cả tiếng cười cũng có sự khổ đau trong đó, bởi vì tất cả tiếng cười đều vô thường. Tính không bền vững nằm ở sự khổ thứ nhì, nó là sự bất mãn phát sanh từ tính thay đổi. người ta dường như cho rằng chỉ có cái chết mới có thể mang lại sự diệt khổ, nhưng thực tế thì cái chết cũng là một hình thức của đau khổ. Theo triết lý nhà Phật, vũ trụ vượt xa hơn thế giới vật chất gần gũi có thể nhận thức bằng cảm giác, và sự chết chỉ là một phần của chu kỳ sinh tử luân hồi bất tận. Bản thân của sự chết là không còn thở bởi vì những hành động có những kết quả trong đời sống tương lai, vượt xa hơn sự chết, giống như những hành động từ kiếp quá khứ đã ảnh hưởng đến hiện tại. Loại khổ thứ ba là mối liên kết cố hữu của những việc làm và những hành động vượt quá cảm nhận và sức tưởng tượng của con người. Trong ý nghĩa này ‘khổ’ áp dụng cho toàn thể vạn vật và những chúng sanh không tưởng, con người, chư thiên, thú vật hoặc ma quỷ đều không thể tránh khỏi ‘khổ’. Như vậy ‘khổ’ không chỉ đề cập đến cái khổ hàng ngày mà có thể cho toàn thể thế giới vô tận và dường như những hình thức của sự khổ bất tận . Không có một sự giải thích đơn giản nào có thể diễn tả tầm quan trọng của nó. Mục tiêu của Phật giáo là sự đoạn diệt toàn bộ và kết thúc mọi hình thức của ‘khổ’ và từ đó đạt được Niết Bàn, diệt tận gốc tham, sân, si là những mấu chốt trói buộc vòng sanh tử luân hồi. Theo Phật giáo, Đức Phật và những ai đạt được giác ngộ đều không còn phải chịu ‘khổ’ nữa, bởi vì nói một cách chính xác họ không còn là ‘người’ hoặc cũng không còn ‘bị cuốn’ trong vòng luân hồi sanh tử nữa: họ sẽ không bao giờ tái sanh. ‘Khổ’ biểu thị vũ trụ như là một khối trọn vẹn, những phần nổi trội của nó biến đổi trong “những cõi sống.” Trong cõi sắc giới, ở đó những vị đại phạm thiên cư trú, ở đó ít có sự khổ hơn ở cõi dục giới của loài người, các vị trời và các chúng sanh khác ít sinh sống hơn. Giống như Đức Phật khi Ngài đi trên trái đất, Ngài có thể đi vào cõi Dục Giới, như vậy con người cũng có thể đi vào cõi Sắc Giới. Thông thường sự kiện này được đạt tới trong thiền định, qua nhiều giai đoạn an chỉ định khác nhau. Hình thức đặc trưng của khổ trong tình huống này là vô thường, được tạo nên bởi sự việc hành giả không có khả năng để duy trì trạng thái nhập định vĩnh viễn. Để đạt được trạng thái hạnh phúc vĩnh cửu hơn, một người phải nỗ lực hơn để hiểu được tiến trình chi phối sự chuyển động trong vũ trụ là một khối trọn vẹn, đó là tái sinh và nghiệp và bằng cách nào đó chúng có thể bị tác động.

80. Tám Nỗi Khổ

Chúng sanh có vô số nỗi khổ. Khổ gây ra bởi những nguyên nhân trực tiếp hay khổ khổ, gồm những nỗi khổ xác thân như đau đớn, già, chết; cũng như những lo âu tinh thần. Theo Hòa Thượng Piyadassi trong quyển “Con Đường Cổ Xưa,” các loại khổ nơi thân và tâm như là sanh, già, bệnh, chết, gần gũi kẻ không ưa, xa lìa người yêu thương, không đạt được cái mình mong muốn, vân vân, là những cái khổ thông thường trong đời sống hằng ngày, được gọi là Khổ Khổ. Trong “Khổ Đế” của Đức Thế Tôn có tám điều đau khổ căn bản. Thứ nhất là Sanh Khổ. Nếu con người không có thân thể thì không có cảm giác đau khổ gì cả, nhưng khi có thân thể thì có đủ thứ cảm giác thống khổ. Ngay khi còn trong bụng mẹ, con người đã có ý thức và cảm thọ. Thai nhi cũng cảm thấy sung sướng và đau khổ. Khi mẹ ăn đồ lạnh thì thai nhi cảm như đang bị đóng băng. Khi mẹ ăn đồ nóng, thai nhi cảm như đang bị thiêu đốt, vân vân. Thai nhi sống trong chỗ chật hẹp tối tăm nhơ nhớp hơn lao tù trong chín tháng hay lâu hơn. Lúc mẹ đói thì con phờ phạc, khi mẹ no thì con bị dồn ép khó bề cựa quậy. Vừa lọt lòng đã kêu khóc oa oa. Rồi từ đó khi lạnh, nóng, đói, khát, côn trùng cắn đốt, chỉ biết kêu khóc mà thôi. Đến ngày chào đời, cả mẹ lẫn con đều khổ. Khi có thai, người mẹ biếng ăn mất ngủ, thường hay nôn mữa và rất ư là mệt mỏi. Vào lúc lâm bồn, người mẹ phải chịu khổ vì hao mòn tinh huyết, và trong vài trường hợp có thể nguy hiểm đến tánh mạng. Tiếng khóc chỉ là một dấu hiệu báo trước một chuỗi dài khổ đau phiền não. Huệ nhãn của Phật thấy rõ những chi tiết ấy, nên ngài xác nhận sanh đã là khổ. Chính vì thế cổ đức có nói:

“Vừa khỏi bào thai lại nhập thai,
Thánh nhân trông thấy động bi ai!
Huyễn thân xét rõ toàn nhơ nhớp.
Thoát phá mau về tánh bản lai.”

(Niệm Phật Thập Yếu—Hòa Thượng Thích Thiền Tâm)

Thứ nhì là Già Khổ hay nỗi khổ vì tuổi già. Chúng ta khổ đau khi chúng ta đến tuổi già, đó là điều tự nhiên. Khi đến tuổi già, cảm quan con người thường hết nhạy bén; mắt không còn trông rõ nữa, tai không còn thính nữa, lưng đau, chân run, ăn không ngon, trí nhớ không còn linh mẫn, da mồi, tóc bạc, răng long, Chúng ta không còn kiểm soát được thân thể của chính mình nữa. Lắm kẻ tuổi già lú lẩn, khi ăn mặc, lúc đại tiểu tiện đều nhơ nhớp, con cháu dù thân, cũng sanh nhàm chán. Kiếp người dường như kiếp hoa, luật vô thường chuyển biến khi đã đem đến cho hương sắc, nó cũng đem đến cho vẻ phai tàn. Xét ra cái già thật không vui chút nào, thân người thật không đáng luyến tiếc chút nào! Vì thế nên Đức Phật bảo già là khổ và Ngài khuyên Phật tử nên tu tập để có khả năng bình thản chịu đựng cái đau khổ của tuổi già. Thứ ba là Bệnh Khổ hay nỗi khổ vì bệnh hoạn. Thân thể con người do đất, nước, lửa, gió kết hợp tạm bợ lại mà thành. Một khi tứ đại không hòa hợp, không quân bình là thân bệnh, mà hễ có bệnh là có đau đớn khổ sở. Có thân là có bịnh vì thân nầy mở cửa cho mọi thứ bịnh tật. Vì vậy bịnh khổ là không tránh khỏi. Có những bệnh nhẹ thuộc ngoại cảm, đến các chứng bệnh nặng của nội thương. Có người vướng phải bệnh nan y như lao, cùi, ung thư, bại xụi. Trong cảnh ấy, tự thân đã đau đớn, lại tốn kém, hoặc không có tiền thuốc thang, chính mình bị khổ lụy, lại gây thêm khổ lụy cho quyến thuộc. Cái khổ về bệnh tật nầy nó đau đớn hơn cái đau khổ do tuổi già gây ra rất nhiều. Hãy suy gẫm, chỉ cần đau răng hay nhức đầu nhẹ thôi mà đôi khi cũng không chịu đựng nổi. Tuy nhiên, dù muốn hay không muốn, chúng ta cũng phải chịu đựng cái bệnh khổ nầy. Thậm chí Đức Phật là một bậc toàn hảo, người đã loại bỏ được tất cả mọi ô trược, mà Ngài vẫn phải chịu đựng khổ đau vật chất gây ra bởi bệnh tật. Đức Phật luôn bị đau đầu. Còn căn bệnh cuối cùng làm cho Ngài đau đớn nhiều về thể xác. Do kết quả của việc Đề Bà Đạt Đa lăn đá mong giết Ngài. Chân Ngài bị thương bởi một mảnh vụn cần phải mổ. Đôi khi các đệ tử không tuân lời giáo huấn của Ngài, Ngài đã rút vào rừng ba tháng, chịu nhịn đói, chỉ lấy lá làm nệm trên nền đất cứng, đối đầu với gió rét lạnh buốt. Thế mà Ngài vẫn bình thản. Giữa cái đau đớn và hạnh phúc, Đức Phật sống với một cái tâm quân bình. Thứ tư là Tử Khổ hay nỗi khổ vì cái chết. Có sanh thì phải có chết. Lúc chết thì thân tứ đại phân tán, bị gió nghiệp thổi đi. Cái khổ vì chết quả thật khó mà diễn tả được. Sự khổ trong lúc chết. Tất cả nhân loại đều muốn sanh an nhiên chết tự tại; tuy nhiên, rất ít người đạt được thỏa nguyện. Khi chết phần nhiều sắc thân lại bị bệnh khổ hành hạ đau đớn. Thân đã như thế, tâm thì hãi hùng lo sợ, tham tiếc ruộng vườn của cải, buồn rầu phải lìa bỏ thân quyến, muôn mối dập dồn, quả thật là khổ. Đa phần chúng sanh sanh ra trong tiếng khóc khổ đau và chết đi trong khổ đau gấp bội. Cái chết chẳng ai mời mà nó vẫn đến, và không ai biết nó sẽ đến vào lúc nào. Như trái rơi từ trên cây, có trái non, trái chín hay trái già; cũng vậy, chúng ta chết non, chết lúc tuổi thanh xuân hay chết lúc già. Như mặt trời mọc ở phía Đông và chỉ lặn về phía Tây. Như hoa nở buổi sáng để rồi tàn vào buổi chiều. Đức Phật dạy: “Cái chết không thể tránh được, nó đến với tất cả mọi người chứ không chừa một ai. Chỉ còn cách tu tập để có thể đương đầu với nó bằng sự bình thản hoàn toàn. Thứ năm là Ái Biệt Ly Khổ hay nỗi khổ vì thương yêu mà xa lìa. Không ai muốn xa lìa người thân thương; tuy nhiên, đây là điều không tránh được. Người thân chúng ta vẫn phải chết và chúng ta phải xa họ trong khổ đau tuyệt vọng. Cảnh sanh ly tử biệt với người thân yêu quả là khổ. Nếu chúng ta chịu lắng nghe lời Phật dạy “Cảnh đời có hợp có tan” thì đây là dịp tốt cho chúng ta thực tập hạnh “bình thản”. Thứ sáu là Oán Tắng Hội Khổ hay cứ mãi gặp người mình không ưa là khổ. Thường thì không có việc gì xãy ra nếu chúng ta làm việc với người tâm đầu ý hợp. Nhưng rất nhiều khi mới gặp mặt người không có nhân duyên mình đã cảm thấy không ưa, nên tìm cách lánh mặt đi chỗ khác. Ngờ đâu tới chỗ khác lại cũng gặp người ấy. Mình càng ghét người ta bao nhiêu thì càng phải đối mặt với họ bấy nhiêu. Đây là một hình thức khổ sở về tâm lý. Phải chịu đựng người mà mình không ưa, người mình ghét, người thường hay chế nhạo phỉ báng và xem thường mình quả là khó; tuy nhiên, chúng ta phải luôn chịu cảnh nầy trong cuộc sống hằng ngày. Lại có nhiều gia đình bà con họ hàng thường không đồng ý kiến, nên thường có sự tranh cãi giận ghét buồn phiền lẫn nhau. Đó khác nào sự gặp gỡ trong oan gia, thật là khổ! Chính vì thế mà Đức Phật khuyên chúng ta nên cố gắng chịu đựng, và suy nghĩ rằng có lẽ chúng ta đang gặt hái hậu quả của nghiệp riêng của mình ở quá khứ hay hiện tại. Chúng ta nên cố gắng thích nghi với hoàn cảnh mới hoặc cố gắng vượt qua các trở ngại bằng một số phương tiện khác. Thứ bảy là Cầu Bất Đắc Khổ hay mong muốn mà không đạt được là khổ. Mong cầu phát sanh bởi lòng tham, tham mà không được thỏa mãn thì sanh lòng phiền não, đó là khổ đau về mặt tâm lý. Cầu danh, cầu lợi, cầu tiền, cầu sắc, vân vân, mà không được thì khổ. Lòng tham của chúng ta như thùng không đáy. Chúng ta có quá nhiều ham muốn và hy vọng trong đời sống hằng ngày. Khi chúng ta muốn một cái gì đó và có thể đạt được, nhưng nó cũng không mang lại hạnh phúc, vì chẳng bao lâu sau đó chúng ta cảm thấy chán với thứ mình đang có và bắt đầu mong muốn thứ khác. Nói tóm lại, chúng ta chẳng bao giờ thỏa mãn với cái mình đang có. Người nghèo thì mong được giàu; người giàu mong được giàu hơn; kẻ xấu mong đẹp; người đẹp mong đẹp hơn; người không con mong được có con. Những ước mong nầy là vô kể, chúng ta không thể nào mãn nguyện đâu. Cho dù chúng ta có đạt được những gì mình mong muốn đi nữa, chúng ta cũng không thấy hạnh phúc. Trước khi có được thì chỉ mong sao có được. Khi đã có được rồi lại lo sợ bị mất nó. Tâm chúng ta không lúc nào an ổn hay hạnh phúc. Chúng ta luôn cảm thấy bất an. Thế nên cầu đắc hay bất đắc đều là khổ. Khi chúng ta mong muốn điều gì đó mà không được toại nguyện thì chúng ta cảm thấy thất vọng buồn thảm. Khi chúng ta mong muốn ai đó sống hay làm việc đúng theo sự mong đợi của mình mà không được thì chúng ta cảm thấy thất vọng. Khi mong mọi người thích mình mà họ không thích mình cảm thấy bị tổn thương. Thứ tám là Ngũ Ấm Thạnh Suy Khổ hay sự thăng trầm của năm ấm trong thân thể cũng là khổ. Ngũ ấm tức là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Chúng là những thứ rất khó hàng phục. Nếu không dụng công thiền định, thật khó lòng cho chúng ta thấy được bản chất giả tạm của ngũ uẩn. Có thân là có bịnh đau hằng ngày. Năm ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc ấm thuộc về thân, còn bốn ấm kia thuộc về tâm. Nói một cách đơn giản đây là sự khổ về thân tâm hay sự khổ về sự thạnh suy của thân tâm. Điều thứ tám nầy bao quát bảy điều khổ kể trên: thân chịu sanh, già, bệnh, chết, đói, khát, nóng, lạnh, vất vả nhọc nhằn. Tâm thì buồn, giận, lo, thương, trăm điều phiền lụy. Ngày trước Thái Tử Tất Đạt Đa đã dạo chơi bốn cửa thành, thấy cảnh già, bệnh, chết. Ngài là bậc trí tuệ thâm sâu, cảm thương đến nỗi khổ của kiếp người, nên đã lìa bỏ hoàng cung tìm phương giải thoát.

Chấm dứt khổ đau phiền não là mục đích quan trọng nhất của đạo Phật. Tuy nhiên không phải học mà chấm dứt được đau khổ, mà người ta phải thực hành bằng kinh nghiệm tự thân của chính mình. Khi chúng ta nói đến chấm dứt khổ đau phiền não trong đạo Phật, chúng ta muốn nói đến chấm dứt đau khổ ngay trong đời này kiếp này chứ không đợi đến một kiếp xa xôi nào. Phật tử chơn thuần nên luôn nhớ rằng Niết Bàn theo Phật giáo đơn giản chỉ là nơi không có khổ đau phiền não. Vì vậy nếu chúng ta có thể tu tập tự thân để chấm dứt khổ đau phiền não, là chúng ta đạt được cái mà chúng ta gọi là “Niết Bàn ngay trong kiếp này.” Để chấm dứt khổ đau phiền não, người ta phải từ bỏ sự ham muốn ích kỷ. Giống như lửa sẽ tắt khi không còn nhiên liệu châm vào thêm nữa, vì thế khổ đau sẽ chấm dứt khi không còn những ham muốn ích kỷ nữa. Khi ham muốn ích kỷ bị tận diệt, tâm của chúng ta sẽ ở trong trạng thái hoàn toàn an lạc. Chúng ta sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc. Người Phật tử gọi trạng thái này là “Niết Bàn.” Đây là trạng thái hỷ lạc vĩnh cửu, trạng thái hạnh phúc lớn nhất trong đời sống. Bát Chánh Đạo dẫn đến sự đoạn diệt khổ đau và phiền não được định rõ trong Tứ Diệu Đế là sự trình bày của Đức Phật về cái khổ mà tất cả chúng sanh đều phải trải qua. Nó thường được phân tách làm 3 thành phần chủ yếu: giới, định và tuệ. Một phương cách tương tự khác cũng giống như con đường này nhưng bắt đầu bằng bố thí. Bố thí làm nền móng cho trì giới và kế tiếp có thể giúp hành giả tiến xa hơn tới những nguyện vọng cao cả. Giới, định, tuệ là cốt lõi của sự tu tập tâm linh trong đạo Phật và không thể tách rời chúng được. Chúng không chỉ thuần túy là những phần phụ trợ với nhau giống như những cuống hoa, nhưng được hòa trôn với nhau giống như “muối trong đại dương” dẫn đến sự so sánh nổi tiếng của Phật giáo.