GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

CẤP MỘT

Bài 6
PHẬT PHÁP

Các hành giả trong cả ba thừa1, từ khi tu hành cho đến lúc thành Phật, đều y cứ nơi Phật pháp mà làm khuôn mẫu. Tất cả các pháp(1) ở ngoài Phật pháp đều không đủ để nương tựa. Trước và sau khi thành Phật, hành giả cũng lại lấy Phật pháp mà cứu độ chúng sinh; chư Phật trong ba đời2 cũng đều như vậy. Tựu trung, vì cả tự độ và độ tha đều không xa rời Phật pháp, cho nên nó đã được liệt vào một trong Ba Ngôi Báu(2).

Phật là bậc phước tuệ đầy đủ, đại giác đã trọn, từ cái thân ứng hóa3 do Ngài thị hiện, nói ra lời là thành kinh điển, nhấc chân lên là thành Phật pháp(3), làm qui củ mực thước cho những người tu đạo xuất thế(4) về sau trong thiên hạ. Ở đây, nếu nói một cách cụ thể, toàn bộ ba tạng Kinh, Luật, Luận đều là Phật pháp; nếu nói một cách cục bộ thì một câu kinh, một bài kệ4 đều hàm chứa diệu dụng, ví như đống san hô gẫy, từng mẩu từng đoạn thảy đều là quí báu. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khi còn tu tập hạnh Bồ-tát ở một kiếp xa xưa, đã từng không tiếc tính mạng để chỉ cầu được nghe nửa bài kệ5; tuy chỉ có tám chữ, nhưng giá trị của nửa bài kệ ấy cũng có thể suy lường được.

Tạng Tu-đa-la(5) tức là tạng Kinh, là những kinh văn do Phật nói; tạng Tì-nạida(6) tức là tạng Luật, là những giới luật do Phật chế; tạng A-tì-đạt-ma(7) tức là tạng Luận, là những luận thuyết do đệ tử Phật soạn ra. Cả ba tạng này đều có phân ra tiểu và đại thừa; nội dung được trình bày như sau:

Tiểu thừa: – Tạng KINH: bốn bộ kinh A Hàm

– Tạng LUẬT: các bộ luật Tứ Phần,

– Ngũ Phần, và Thập Tụng6

– Tạng LUẬN: các bộ luận Lục Túc, Phát Trí v.v…

Đại thừa:  – Tạng KINH: các bộ kinh như Hoa Nghiêm v.v…

– Tạng LUẬT: các kinh Phạm Võng v.v…

– Tạng LUẬN: các bộ luận như Du Già Sư Địa v.v…

Khi đức Phật còn tại thế, những lời Ngài nói ra tức là Pháp bảo. Sau khi Phật diệt độ7, người đời sau đã từng đem ba tạng Kinh, Luật, Luận nguyên thỉ, cùng những trước tác của các bậc hiền(8) trải bao đời, tom góp, sắp xếp, làm thành các kinh điển hoàn chỉnh, gọi chung là “Nhất Thiết Kinh”, hay “Đại Tạng Kinh”, hoặc “Tạng Kinh”. Số lượng kinh quyển của nó, kể từ lúc khởi đầu vào thời nhà TiêuLương8 là 5.400 quyển, đến ngày nay đã tăng lên đến 8.416 quyển(9); có thể nói đó là một tập đại thành(10) của Phật pháp vậy.

 

CHÚ THÍCH

1. “Thừa” là cỗ xe, có ý nghĩa là chuyên chở. Cỗ xe Thanh- văn, cỗ xe Duyên-giác và cỗ xe Bồ-tát là “ba cỗ xe” (ba thừa). “Hành giả” (hay “hành nhân”) là người tu hành.

2. Ba đời: là đời quá khứ, đời hiện tại và đời vị lai.

3. Thân “ứng hóa” là một trong ba thân của Phật; đó là cái thân đức Phật ứng theo cơ duyên mà hóa hiện ra. Hễ không hiện ra thân Phật mà chỉ hiện ra thân các loài chúng sinh trong sáu đường thì gọi là “hóa thân”; cho nên “ứng” và “hóa”, thật ra chỉ là một loại.

4. “Kệ” cũng gọi là “tụng”, là thể văn có 4 câu, có qui định số chữ; mỗi câu có từ 3 chữ hoặc nhiều hơn, và cứ 4 câu là một bài kệ (hoặc tụng); dùng để tóm tắt ý nghĩa của kinh văn.

5. Trong đời quá khứ, lúc đức Thế Tôn còn tu tập, chưa thành Phật, có một lần trời Đế Thích hóa làm một con quỉ la sát, nói cho Ngài nửa bài kệ rằng: “Chư hành vô thường, thị sinh diệt pháp.” (Chư hành là vô thường, đều là pháp sinh diệt). Ngài nghe xong liền xin quỉ la sát nói cho nghe hết bài kệ. La sát bảo: “Ta lấy thịt người làm thức ăn. Nếu ngươi có thể đưa thân ngươi cho ta ăn thì ta mới nói tiếp.” Ngài hứa chịu. Hắn bèn nói tiếp: “Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc.” (Khi sự sinh diệt đã chấm dứt thì cảnh giới tịch diệt là niềm vui.) Ngài liền leo lên cây cao, tự gieo mình xuống đất. Lúc bấy giờ quỉ la sát liền hiện lại nguyên hình là trời Đế Thích, ẵm Ngài để xuống đất, rồi ca ngợi và đảnh lễ Ngài.

6. Một trăm năm sau khi đức Phật nhập diệt, Tổ thứ năm được phó chúc pháp tạng là Ưu Ba Cúc Đa, có năm vị đệ tử. Cùng nơi Luật tạng, năm vị này đã lập ra năm bộ phái khác nhau. Trong đó, bản luật của bộ Đàm Vô Đức được gọi là luật Tứ Phần; bản luật của bộ Di Sa Tắc được gọi là luật Ngũ Phần; bản luật của bộ Tát Bà Đa được gọi là luật Thập Tụng.

7. “Diệt độ” cũng nói là nhập diệt, niết bàn, nê hoàn v.v… Bậc thánh tu đạo, hình thể diệt hết, nhập vào cảnh giới giải thoát, không còn sinh tử, gọi là “diệt độ”.

8. Thời Lục-triều, Tiêu Diễn soán ngôi vua Nam-Tề, xưng đế, đổi tên nước là Lương, đó là vua Lương Vũ đế; sử gia thường gọi là Tiêu-Lương. Ở trong vườn Hoa-lâm, nhà vua cho sưu tập các kinh điển nhà Phật, tổng cộng được 5.400 quyển. Đó là khởi thỉ của Tạng Kinh Phật giáo.

 

PHỤ CHÚ

(01) Pháp: Phật giáo dùng chữ “pháp” để chỉ cho mọi hiện tượng tâm lí, sinh lí và vật lí trong vũ trụ. Danh từ Phật học Hán ngữ có một định nghĩa rất thông dụng về chữ “pháp” là: “Nhậm trì tự tánh, quĩ sinh vật giải” – có nghĩa: “Pháp” là bất cứ hiện tượng gì, nó giữ gìn được bản tánh và khuôn mẫu của nó, khiến cho người ta nghĩ đến, nhìn thấy, nghe thấy, v.v… thì biết ngay là nó. Vì vậy, “pháp” là tiếng chỉ bao gồm tất cả mọi hiện tượng cụ thể (như núi, sông, cây cỏ, con người, v.v…) lẫn trừu tượng (như tư tưởng, đạo đức, chân lí, v.v…). Các pháp trong vũ trụ không thể đếm hết được, cho nên thường chỉ nói tổng quát là “vạn pháp”. Vạn pháp có thể được phân làm hai loại theo tính chất đối đãi nhau của chúng, như pháp sắc và pháp tâm, pháp thiện và pháp bất thiện, pháp ô nhiễm và pháp thanh tịnh, pháp hữu lậu và pháp vô lậu, pháp thế gian và pháp xuất thế gian, pháp hữu vi và pháp vô vi, v.v… Kinh điển Phật giáo gọi những lời dạy của Phật là Phật pháp, giáo pháp, chánh pháp, hay pháp bảo; kết tập tất cả lời dạy của Phật lại, gọi là pháp tạng. Nói chung, có rất nhiều từ Phật học ghép với chữ “pháp” để chỉ cho những sự việc liên quan đến giáo pháp (như pháp nhãn, pháp nghĩa, pháp hải, pháp tử, pháp môn, pháp thí, v.v…). Tóm lại, chữ “pháp”, ngoài ý nghĩa tổng quát chỉ cho mọi sự vật cụ thể và trừu tượng trong vũ trụ, Phật giáo còn dùng nó để chỉ riêng cho lời Phật dạy và tất cả những gì liên quan đến Phật pháp.

(02) Ba Ngôi Báu (Tam Bảo): là đối tượng tôn kính cúng dường của tất cả Phật giáo đồ:

1) Phật. Phật là bậc có nếp sống tỉnh thức thường trực, bậc giác ngộ hoàn toàn, giải thoát trọn vẹn. Ngài đã chứng ngộ chân lí của đời sống (tự giác), rồi đem những điều đã chứng ngộ giáo hóa cho mọi người (giác tha), cả hai điều ấy Ngài đều đạt đến những thành tựu rốt ráo, viên mãn (giác hạnh viên mãn).

2) Pháp. Pháp là đạo tỉnh thức, là con đường của tình thương và trí tuệ, con đường đưa đến quả vị giải thoát giác ngộ. Con đường đó do đức Phật mở lối và chỉ dạy. Giáo lí mà Ngài truyền dạy là những kinh nghiệm thực tiễn, cụ thể, rút ra từ sự chứng ngộ của Ngài về chân lí cuộc đời; cho nên nó luôn luôn phù hợp với bất cứ căn cơ nào (khế cơ) của con người, và phù hợp với chân lí của cuộc đời (khế lí) dù trải qua bất cứ thời đại nào. “Khế lí” và “khế cơ” là hai đặc tính căn bản của Phật pháp.

3) Tăng. Tăng là đoàn thể của những người tu học, hành trì và hướng dẫn những người khác tu học theo giáo pháp của Phật, nguyện cùng nhau tiến trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát. Tăng cũng có nghĩa là sống chung hòa hợp, cùng xây dựng một nếp sống thanh tịnh , an lạc, đạo vị, đúng chánh pháp.

Uy đức của Phật, Pháp và Tăng thật là cao cả, vô thượng, quí báu như trân bảo đối với người đời, cho nên Phật giáo đồ xưng là Ba Ngôi Báu.

Ba Ngôi Báu xuất hiện đầu tiên ở thế gian tại vườn Lộc-dã, gần thành Ba-la-nại, nước Ca-thi (Ấnđộ), cách nay 26 thế kỉ. Lúc đó, sau khi thành đạo, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đến đây để thuyết bài pháp Tứ Đế đầu tiên giáo hóa cho năm vị sa môn nhóm Kiều Trần Như, bạn tu của Ngài lúc trước. Họ chứng quả A-la-hán, trở thành năm vị đệ tử xuất gia đầu tiên của Ngài. Ngôi Tam Bảo hình thành từ thuở đó, với đức Thích Ca Mâu Ni là Phật Bảo, giáo pháp Tứ Đế là Pháp Bảo, và năm vị tì kheo là Tăng Bảo.

Đó là Ba Ngôi Báu theo cái nhìn lịch sử. Nếu nhìn bằng trí quán chiếu, thì Tam Bảo là vô lượng. Trong khoảng không gian vô biên và thời gian vô tận, theo như kinh điển có ghi rõ, có vô lượng vô số đức Phật, diễn nói vô lượng vô số pháp môn, các chúng Bồ-tát, Thanh-văn, v.v… cũng đông vô lượng vô số.

Cho nên, sự hiện hữu của Ba Ngôi Báu không phải chỉ ở một quốc độ, một thời kì, mà ở khắp ba ngàn đại thiên thế giới, trải khắp quá khứ, hiện tại, vị lai; không chỗ nào, không thời nào mà không có sự hiện hữu của Ba Ngôi Báu.

Sự phân biệt có Phật, Pháp và Tăng chỉ nói lên được sự thật tương đối. Nếu theo cái nhìn tuyệt đối thì Phật, Pháp, Tăng chỉ là một thể. Có Phật là vì có Tăng, có Tăng là vì có Phật, Phật và Tăng không hai, không khác, chỉ là một. Phật với Pháp cũng vậy. Tăng với Phật và Pháp, Pháp với Phật và Tăng cũng vậy. Cho nên, trong tương đối thì có Phật, Pháp, Tăng riêng biệt; nhưng trong tuyệt đối thì Ba Ngôi Báu là một, Tam Bảo là “nhất thể”.

Những kẻ sơ cơ, mới nhập vào nếp sống tu học, hình tướng của Tam Bảo vẫn là phương tiện cần thiết để hướng dẫn trong bước đầu tu học. Ba Ngôi Báu ở đây hiện hữu thường trực trong các tự viện, mà Phật được biểu hiện qua các hình tượng; Pháp được tuyên dương qua các pho Kinh, Luật, Luận, cùng các sách báo, lời giảng thuyết về giáo pháp; và Tăng là các chúng xuất gia cùng tại gia đang tu học và hành đạo. Đó là Ba Ngôi Báu trụ trì ở thế gian.

(03) “Thổ từ vi kinh, cử túc vi pháp” (nói ra lời nào cũng là kinh điển, tỏ ra cử chỉ nào cũng hàm chứa giáo pháp) là một thành ngữ Phật học, có ý nói, các bậc đã giác ngộ –đặc biệt là chư Phật– thì thường trực tỉnh thức, cho nên bất cứ hành vi, cử chỉ, ngôn từ nào phát sinh từ các Ngài cũng là những khuôn thước làm lợi lạc cho mọi người. Chúng ta chỉ cần được thân cận với các Ngài, nhìn ngắm cách đi đứng nằm ngồi của các Ngài, nghe cách nói năng, đối đáp của các Ngài…, là chúng ta hưởng được niềm an lạc vô biên rồi; nếu quyết tâm thành ý tu học với các Ngài thì chắc chắn sẽ đạt được thành quả giác ngộ giải thoát.

(04) Đạo xuất thế: “Thế gian” tức là ba cõi, vượt ra ngoài ba cõi (giải thoát) thì gọi là “xuất thế gian” – nói tắt là “xuất thế”. Đạo xuất thế tức là đạo giác ngộ, là con đường đi đến niết bàn tịch tịnh. Nói thẳng ra, giáo pháp của Phật là đạo xuất thế, vì nó giúp chúng sinh diệt trừ phiền não vô minh, vượt thoát ba cõi, đạt được giác ngộ, chứng nhập niết bàn. Phật pháp là pháp “vô lậu”, cho nên đạo xuất thế cũng được gọi là đạo “vô lậu”.

(05) Tu-đa-la: là dịch âm từ tiếng Phạn “sutra”, tiếng Trung- quốc dịch là KINH (tức tạng Kinh, một trong Ba Tạng của Phật giáo). “Kinh” là tiếng chỉ cho tất cả những lời dạy của Phật. Nguyên thỉ, lời dạy của Phật được gọi là “pháp” (tức giáo pháp – dharma); về sau, các lời dạy ấy được kết tập lại thành các sách chứa mọi cương yếu của giáo lí, nên gọi đó là “kinh” (có nghĩa là quán xuyến trước sau, văn nghĩa không bị phân tán, rời rạc). Người Trung-quốc dùng chữ “kinh” để gọi chung cho các sách về tôn giáo, nhưng riêng kinh Phật thì có hai đặc điểm mà ít kinh sách nào có: luôn luôn phù hợp với chân lí (khế lí) dù trải qua thời gian, không gian và hoàn cảnh đổi thay nào; và phù hợp với căn cơ, trình độ (khế cơ) của mọi người ở bất cứ loại người nào và bất cứ tầng lớp xã hội nào. Bởi vậy, kinh Phật được gọi đầy đủ là “khế kinh” (chữ “khế” nghĩa là phù hợp). Một tháng sau ngày đức Thích Tôn nhập diệt, trong đại hội kết tập lần đầu tiên tại núi Kì-xà-quật gần thành Vương-xá, nước Ma-kiệt-đà (Ấn-độ), do trưởng lão Đại Ca Diếp chủ tọa, tôn giả A Nan Đà đã trùng tuyên tất cả những bài pháp Phật đã thuyết, với đầy đủ những chi tiết về thời gian, địa điểm, nhân duyên, thính chúng, kết quả, v.v… của mỗi thời pháp, tập hợp lại thành ra tạng Kinh nguyên thỉ của Phật giáo còn truyền đến ngày nay.

(06) Tì-nại-da: là dịch âm từ tiếng Phạn “vinaya”, tiếng Trung-quốc dịch là LUẬT (tức tạng Luật, một trong Ba Tạng), có ý nghĩa là điều phục, chế ngự, diệt trừ mọi lầm lỗi. “Luật” là những giới cấm do đức Phật chế định để chư vị tăng, ni và Phât tử tuân thủ mà giữ gìn thân khẩu ý, đạt được một đời sống thanh tịnh và an lạc. Luật đã không do Phật đặt để trước, mà đã chế định theo cách thức “phạm lỗi gì thì chế ngay điều luật ấy” (tùy phạm tùy chế), cho nên không có tính cách áp đặt, lại rất thực tế, cụ thể, vì chúng xuất phát từ trong nếp sinh hoạt hằng ngày của giáo đoàn. Một tháng sau ngày Phật nhập diệt, trong đại hội kết tập kinh điển lần đầu tiên tại núi Kì-xà-quật gần thành Vương-xá, nước Ma-kiệt-đà (Ấn-độ), do trưởng lão Đại Ca Diếp chủ tọa, tôn giả Ưu Ba Li đã tụng lại toàn bộ giới luật Phật đã chế định, làm thành tạng Luật để lưu truyền.

(07) A-tì-đạt-ma: là dịch âm từ tiếng Phạn “abhidharma”, tiếng Trung-quốc dịch ý là vô tỉ pháp (pháp không thể so sánh), thắng pháp (pháp hơn hết), đại pháp (pháp lớn nhất), đối pháp (làm rõ nghĩa giáo pháp), hay LUẬN (tức là tạng Luận, một trong Ba Tạng). “Luận” là đem những yếu nghĩa ẩn chứa trong kinh điển ra mà giải thích, giảng giải, phân biệt, chỉnh lí, hệ thống hóa, làm cho ý nghĩa sâu xa của kinh giáo được bày tỏ rõ ràng. Tạng Luận được thành lập khoảng vài trăm năm trước và sau kỉ nguyên Tây lịch. Đầu tiên nó chỉ đơn giản là qui nạp một số danh từ Phật học, rồi dần dần trở thành một hình thức giải thích. Sau đó, các bộ phái có chủ lực hùng hậu đều tạo nên các bộ luận thuyết để xiển dương giáo nghĩa của bộ phái mình, làm thành một nền triết học Phật giáo vô cùng phong phú.

(08) Bậc hiền: Người phát tâm tu hành, biết bỏ ác làm lành, gìn giữ giới luật, tu 10 nghiệp lành, nhưng chưa dứt hết kiến tư hoặc, chưa bước vào dòng thánh, thì gọi là “hiền”. Vậy, bậc hiền là các hành giả đã vượt khỏi thân phận phàm phu, nhưng chưa lên được địa vị thánh nhân. (Xin xem thêm chú thích số 1, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 10, 11 và 12” ở sau.)

(09) Con số 8.416 quyển mà tác giả trưng ra ở đây là nói về Hán tạng (tạng Trung-quốc). Giáo điển nguyên thỉ gồm có hai tạng: tạng Phạn và tạng Ba-li. Hầu hết tạng Phạn là ghi chép kinh điển thuộc hệ Phật giáo Phát-triển, và tạng Ba-li thì ghi chép kinh điển thuộc hệ Phật giáo Nguyên-thỉ. Tạng Ba-li cũng gọi là tạng Nam-truyền, vì nó được truyền bá sang các nước miền Nam Á như Tích-lan, Miến-điện, Tháilan, Lào, Cao-miên, Việt-nam. Tạng Phạn cũng gọi là tạng Bắc-truyền, vì nó được truyền bá sang các nước phương Bắc như Nepal, Tây-tạng, Mông-cổ, Trung-hoa, Việt-nam, Nhât-bản, Triều-tiên. Hiện nay, tạng Ba-li được chính thức lưu hành tại các nước Phât giáo Nam-truyền; tạng Phạn có các dịch bản của nó là tạng Tây-tạng và tạng Hán. Từ tạng Tây-tạng dịch ra có tạng Mông-cổ, tạng Mãn-châu và tạng Tây-hạ; các tạng thuộc tạng Hán thì có tạng Nhật-bản, tạng Cao-li. Tạng Việt-nam đang được hình thành. Phật giáo Việt-nam chủ yếu là Bắc-truyền, nhưng cũng có cả Nam-truyền, cho nên tạng Việt trong tương lai sẽ gồm đủ cả Bắc-truyền lẫn Nam- truyền. Các nước Âu Mĩ ngày nay cũng đang dịch các kinh điển Phật giáo từ hệ Nam-truyền lẫn Bắc-truyền ra tiếng nước họ.

(10) Tập đại thành: là tập hợp được toàn bộ một cách hoàn mĩ. Theo nhóm từ nguyên tác chữ Hán: “tập Phật pháp chi đại thành”, dịch sát nghĩa là: “sự thành công lớn của cuộc tập hợp Phật pháp”, nhưng từ “tập đại thành” ngày nay đã được dùng quen trong tiếng Việt, nên chúng tôi dùng ngay từ ấy cho ngắn gọn.

 

BÀI TẬP 

1) Ba Tạng là những gì?

Ba Tạng là tạng Kinh, tạng Luật và tạng Luận.

2) Hãy kể lại câu chuyện của đức Thế Tôn ở đời quá khứ đã bỏ thân mạng để cầu được nghe toàn bài kệ sau khi đã nghe được chỉ nửa bài kệ.

Trong một kiếp xa xưa, lúc đức Thế Tôn còn tu tập hạnh Bồ-tát, có một hôm trời Đế Thích hóa làm quỉ la sát, nói cho Ngài nghe nửa bài kệ rằng: “Chư hành là vô thường, đều là pháp sinh diệt…”. Ngài nghe xong liền xin con quỉ nói cho nghe hết nửa bài kệ còn lại. Con quỉ bảo Ngài, sau khi nghe xong phải giao thân Ngài cho nó ăn thịt thì nó mới chịu nói. Ngài hứa chịu. Con quỉ bèn đọc tiếp: “Nếu sinh diệt hết rồi, tịch diệt là niềm vui.” Ngài nghe xong rất hoan hỉ, bèn leo lên cây gieo mình xuống đất cho quỉ ăn thịt. Ngay lúc ấy, quỉ la sát liền hiện lại nguyên hình là trời Đế Thích, ẵm Ngài đặt xuống đất, rồi ca ngợi và đảnh lễ.

3) Nội dung của ba tạng tiểu thừa gồm những gì?

Nội dung của Ba Tạng tiểu thừa: – Tạng KINH gồm bốn bộ kinh A Hàm; – Tạng LUẬT gồm các bộ luật Tứ Phần, Ngũ Phần, Thập Tụng; – Tạng LUẬN gồm các bộ luận Lục Túc, Phát Trí, v.v…

4) Nội dung của ba tạng đại thừa gồm những gì? 

Nội dung của Ba Tạng đại thừa: – Tạng KINH gồm các bộ kinh như Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Pháp Hoa, v.v…; – Tạng LUẬT gồm các kinh Phạm Võng, v.v…; – Tạng LUẬN gồm các bộ Luận như Du Dà Sư Địa, Đại Trí Độ, v.v…

5) Sao gọi là “Đại Tạng Kinh”?

Sau khi Phật nhập diệt, các bài pháp thoại của Phật được kết tập lại thành ra tạng Kinh; các điều luật do Phật chế định được đúc kết lại thành ra tạng Luật; sau đó, các vị Bồ-tát, thánh tăng, trước tác các bộ luận để giải thích, giảng giải, hệ thống hóa, làm cho tỏ rõ các yếu nghĩa thâm diệu của kinh điển, làm thành tạng Luận. Tất cả giáo lí Phật giáo đều chứa đựng trong ba kho tàng ấy. Tập họp cả ba tạng đó lại, gọi là “Nhất Thiết Kinh”, hay “Đại Tạng Kinh”.

6) Ở buổi đầu, Đại Tạng Kinh có bao nhiêu quyển? Ngày nay đã tăng lên đến bao nhiêu quyển?

Nói về Đại Tạng Trung-hoa, buổi đầu có được 5.400 quyển; ngày nay thì tăng lên đến 8.416 quyển.

Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 4, 5 và 6

1. Đức Phật đã tự độ cho mình rồi, pháp thân vĩnh viễn thường trú trong cảnh giới Thường-tịch- quang(1), tự mình vốn đã vô vi(2). Nhưng, vì tâm đại bi chí thiết, thế tất phải nhiếp lĩnh quốc độ để độ sinh, cho nguyện lớn được viên mãn. Việc nhiếp lĩnh quốc độ để độ sinh có hai hình thức: – 1) Như trường hợp đức Thích Ca Mâu Ni đã được đề cập tới trong hai bài số 2 và số 3, Ngài giáng sinh nơi một quốc độ dơ nhớp(3), rồi thị hiện thành Phật, nói mười hai bộ kinh(4), rộng độ quần sinh. Trường hợp này thuộc về loại “vãng giáo” (đi giáo hóa); ba nghìn đức Phật trong ba kiếp(5) đều thuộc về loại này. – 2) Như trường hợp đức Dược Sư Như Lai đã được đề cập tới trong bài số 4, Ngài tự nhiếp lãnh một quốc độ trong sạch, độ cho các chúng sinh được vãng sinh về đó, rồi sau đó nói pháp để giáo hóa họ cho đến khi thành Phật. Trường hợp này thuộc về loại “lai học” (đến tu học); các Phật độ thanh tịnh trong khắp sáu phương đều thuộc về loại này.

2. Đại Tạng Kinh là một tập đại thành(6) của Phật pháp, lời nói đó rất đúng. Nhưng nếu luận về thực chất của nó thì chẳng qua chỉ là rất nhiều chữ đen được in trên giấy trắng mà thôi. Nếu đem Phật pháp ví dụ với mặt trăng, thì Đại Tạng Kinh chẳng qua chỉ là ngón tay chỉ lên mặt trăng(7); đã là ngón tay thì đâu phải là mặt trăng! Cả một đời người tu học, nếu chỉ biết loay hoay tham cứu nơi ngón tay mà không chịu dò tìm xa hơn một bước, thì mặt trăng ở chỗ nào đây? Như thế, đọc kinh chính là đọc để rồi thành ra người u mê. Thật sự, trong bản thân chúng ta, ai cũng từng có sẵn cái chân tâm vô niệm(8); và chính cái chân tâm vô niệm này mới là mặt trăng sáng, vẫn trường tồn suốt vạn cổ đến nay. Cái mà Kinh bày tỏ, chính là nó; cái mà Luận xiển dương, chính là nó; và cái mà Luật che chở, cũng chính là nó. Chỉ cần nắm vững được cái “chân tâm vô niệm” này thì Kinh Luật Luận đối với chúng ta liền trở thành dư thừa, cặn bã. Xin khuyên bạn đừng mê thưởng thức tranh vẽ của Vương Duy(9), mà hãy vén bức rèm châu lên để ngắm ngọn núi ngoài xa kia.

3. Đại Tạng Kinh tuy không phải là Phật pháp, nhưng Phật pháp cũng không rời khỏi Đại Tạng Kinh. Bóng người trong gương cũng tức là người thật. Không có cái kia thì không có cái này, không có cái này thì không có cái kia. Cho nên, ứng hóa thân cũng tức là pháp thân, bất ý nhổ một sợi lông măng cũng là toàn thể đại dụng của Như Lai. Sau khi thấy rõ đạo lí này thì có thể hiểu được tại sao người xưa đối với kinh sách đã một mực cung kính; không thắp hương, không rửa tay sạch sẽ thì không dám mở kinh ra tụng. Ngoài ra, có người lại còn nêu cao cái hạnh lạy kinh, dù là một chữ một lạy, hay một chữ nhiều lạy, đều hàm ý muốn mượn giấy trắng chữ đen để điều phục tâm tán loạn, phát sinh tâm thành kính, mở ra cảnh giới giác ngộ. Nếu quả như vậy, thì tác dụng của khế kinh(10) đã có cái giá trị vô song, đâu có thể coi đồng như chữ đen giấy trắng tầm thường được!

4. Quốc độ của chư Phật tuy là đều trang nghiêm tốt đẹp, nhưng vì để tiện cho người tu tập trong quốc độ đó nhìn thấy, nên cách bố trí của các cảnh vật trong đó không giống như ở các cõi trời Dục giới. Chư Phật thấy rõ, “ngũ câu ý thức”(11) của tất cả chúng sinh, đối với các hành vi thiện ác, quan hệ rất nặng; tư tưởng và hành động của hạng người từ trung bình trở xuống, hầu như hoàn toàn bị hoàn cảnh chi phối, cho nên cách bố trí năm trần cảnh(12) trong các quốc độ của chư Phật, có thể nói, chỉ thuần là vì sự tu tập. Bất luận là “căn” nào và “trần” nào, sau khi tiếp xúc cũng đều phát sinh ra tâm niệm tu tập, hoặc là làm cho tâm niệm tu tập tăng trưởng hơn lên. Trong khi đó, chư thiên cõi Dục(13), sự thiết trí hoàn cảnh chỉ vì nhằm mục đích thuần vui sướng, thì so với cảnh trang nghiêm của các Phật độ, đương nhiên là khác nhau rất xa. Cho nên, người được vãng sinh về nước Phật, quyết không thể nào có tâm tham luyến các sự vui chơi sung sướng để đi đến chỗ tệ hại là làm mất đạo tâm(14).

5. Theo ý nghĩa của Bát Nhã thì “danh” là giả, và “tướng” cũng là giả. Hai thứ này đều không thể thủ đắc, cho nên không phải là sở hữu của ai. Nhưng chư Phật vì độ sinh nên phần nhiều tùy thuận theo tục đế(15) mà vẫn không xa rời con đường trung đạo(16). Cho nên từ trong cái danh giả kia mà có nhiều danh hiệu chung và danh hiệu riêng; từ trong cái tướng giả kia mà có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, cùng với quốc độ trang nghiêm. Càng có nhiều tướng được hiển bày thì càng thấy rõ Phật pháp là viên dung vô ngại, không có gì là không thể hàm chứa. Nếu cứ một mực chấp vào không thì không khỏi bị dính chặt vào đoạn kiến(17), hoàn toàn phản lại cái ý nghĩa Bát Nhã.

6. Khi xưng niệm danh hiệu đức Phật Dược Sư, chúng ta nên chú trọng đến danh hiệu nào nói lên công đức của Ngài; cho nên niệm “Nam mô Dược Sư Lưu Li Quang Phật” là hợp lí nhất. Nếu niệm “Nam mô Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật” thì có thể thấy được cái mục đích niệm Phật chỉ là cầu cho tiêu trừ tai nạn và mong được sống lâu; ít nhiều gì thì đó cũng là cái niệm vô minh, hàm ý tham luyến thân mạng này cùng quốc độ này. Tuy không phải là lỗi lầm gì lớn lắm, nhưng đó chính là cái động cơ thuần túy vị ngã, chứ không phải là cung kính Phật.

7. Đại Tạng Kinh tuy là một tập đại thành của Phật pháp, nhưng cái tập đại thành chân chánh của Phật pháp chính là Phật tánh trong chỗ rỗng không nơi tự thân của mỗi chúng sinh. Ở đó, tất cả Phật pháp, không gì là không đầy đủ, cứ trở vào đó mà tìm cầu, sẽ thọ dụng không bao giờ hết. Đức Lục- tổ(18) nguyên là một tiều phu không biết chữ, vậy mà, một khi ngộ được Phật tánh thì liền lên tòa nói pháp, độ khắp quần chúng. Cho nên có thể biết, nếu so sánh với việc đọc kinh, việc thấy tánh lại càng quan trọng và hữu hiệu hơn rất nhiều.

8. “Bất tư nghị biến dịch sinh tử” là khi hàng Bồ-tát còn trong thời kì tu tập, nhân vì công phu tiến bộ, cho nên phải có cái thời khắc chuyển biến của tâm cảnh từ phút trước sang phút sau. Cái cảm giác của hành giả trong hai lúc trước và sau ấy, rõ ràng là không giống nhau. Hành giả nhìn lại cảnh giới trước thì thấy như vừa chết đi sống lại, cho nên mới gọi đó là “sinh tử”. Trên thực tế thì cái cảm giác sinh tử kia chỉ thấy có ở nơi tâm mà thôi, chứ không có nơi thân. Chỉ cần quan sát một lần chuyển biến như vậy của tâm cảnh, thì sự chuyển biến đó thật là vô cùng kì diệu, không thể nào nghĩ bàn được, cho nên mới nói là “bất tư nghị biến dịch sinh tử”. Chúng ta hãy lấy con tằm làm ví dụ: con tằm con từ lúc sinh (nở) cho đến lúc già (chín), phải thay xác đến mấy lần. Cứ mỗi lần thay xác như vậy, tằm không ăn, cũng không động đậy, như đang ở trong trạng thái ngủ mê. Tuy trải qua vài ba lần ngủ mê như vậy nhưng thực ra tằm vẫn không chết. Trong quá trình tu tập, Bồ-tát phải trải qua nhiều lần “bất tư nghị biến dịch sinh tử” như thế, nhưng chỉ là sự sinh tử trên tinh thần, chứ không phải là sinh tử trên thân xác, trạng thái đó cũng phảng phất giống như con tằm con.

 

CHÚ THÍCH (của người dịch)

(01) Thường-tịch-quang: tức “Thường-tịch-quang độ”, là thế giói chân như, nơi cư trú của chư Phật. Thế giới này không sinh diệt biến đổi (thường), không có phiền não quấy nhiễu (tịch), chỉ thuần là ánh sáng trí tuệ (quang).

(02) Vô vi: là không có ý niệm tạo tác – trái lại với “hữu vi”. Chữ “vô vi” trong Phật giáo được dùng để chỉ cho thể tánh niết bàn, không do nhân duyên tạo tác, tuyệt đối thường trú, không sinh diệt biến đổi, không thể khái niệm, bàn luận, hay chỉ bày. Trong khi đó, chủ trương “vô vi” của đạo Lão có nghĩa rằng, hãy sống theo tự nhiên, đừng làm gì phản lại tự nhiên; ví dụ, không cần đặt ra pháp luật để bắt xã hội phải sống theo trật tự này, trật tự nọ, v.v…

(03) Quốc độ dơ nhớp (uế độ): chỉ cho thế giới Ta-bà của chúng ta. Kinh A Di Đà nói thế giới Ta-bà này có 5 điều dơ nhớp (ngũ trược) là: kiếp dơ nhớp (kiếp trược), thấy biết dơ nhớp (kiến trược), phiền não dơ nhớp (phiền não trược), chúng sinh dơ nhớp (chúng sinh trược), và đời sống dơ nhớp (mạng trược). Chữ “dơ nhớp” (uế, trược) ở đây không nằm trong ý nghĩa dơ sạch thường dùng như tay chân dơ nhớp, áo quần dơ dáy, bàn ghế đầy bụi dơ, v.v…, mà có nghĩa là xấu xa (trong cả ba nghiệp thân, khẩu, ý), đầy dẫy dục vọng, tà kiến, sai lầm, ác độc, oán thù, phiền muộn, đau khổ, tội lỗi, v.v…

(04) Mười hai bộ kinh: tức là mười hai thể loại của toàn bộ kinh điển Phật dạy:

1) Khế kinh (trường hàng): những lời dạy của đức Phật bằng văn xuôi, thường được gọi tổng quát là “kinh”.

2) Ứng tụng (trùng tụng): những bài kệ tụng (hình thức thơ cổ) dùng để tóm tắt ý nghĩa của khế kinh, cho nên thường đặt ở sau và luôn luôn tương ứng với phần khế kinh.

3) Kí biệt (thọ kí): lời Phật thọ kí cho đời vị lai của chúng đệ tử.

4) Phúng tụng (cô khởi): một bài kinh Phật dạy toàn dùng kệ tụng để diễn đạt, nhưng không phải là những bài kệ tụng tóm tắt kinh văn “trường hàng” như thể loại “trùng tụng” (số 2 ở trên).

5) Tự thuyết: Phật tự mở lời khai thị mà không đợi có người thỉnh cầu chỉ dạy.

6) Nhân duyên: nêu lên cái nhân duyên đưa đến trường hợp thuyết giáo của Phật – thường là phẩm “tựa” ở đầu mỗi bộ kinh.

7) Thí dụ: những ví dụ Phật đưa ra trong lúc giảng thuyết để giúp thính chúng hiểu ý kinh dễ dàng hơn.

8) Bản sinh: các kiếp tu hành đời trước của Phật do chính Ngài thuật lại.

9) Bản sự: những hành vi cùng phẩm hạnh của các vị Bồ-tát và thánh chúng đệ tử trong các kiếp trước do chính đức Phật thuật lại.

10) Phương quảng: kinh điển Phật nói có văn từ phong phú, giáo nghĩa sâu xa rộng lớn; đặc biệt chỉ cho toàn thể kinh điển đại thừa.

11) Hi pháp (vị tằng hữu): những sự việc ít có của Phật và chư vị đệ tử được ghi chép trong kinh.

12) Luận nghị: những lời nghị luận rành mạch, rõ ràng của đức Phật nhằm giúp thính chúng hiểu rõ về thể tánh của vạn pháp.

(05) Ba kiếp: tức ba đại kiếp quá khứ, hiện tại và vị lai. Kiếp Trụ của quá khứ gọi là “Trang Nghiêm”, có một ngàn đức Phật ra đời; kiếp Trụ của hiện tại gọi là “Hiền”, có một ngàn đức Phật ra đời; kiếp Trụ của vị lai gọi là “Tinh Tú”, có một ngàn đức Phật ra đời; nói chung là “ba ngàn đức Phật trong ba kiếp” (tam kiếp tam thiên Phật).

(06) Tập đại thành: (Xin xem lại phụ chú số 10, bài 6 ở trước.)

(07) Ngón tay chỉ mặt trăng: nguyên tác chữ Hán viết là “tiêu nguyệt chi chỉ” hay “tiêu nguyệt chỉ”, là một thành ngữ Phật học, tỏ ý rằng, tất cả Phật pháp đều chỉ là phương tiện độ sinh của đức Phật, người học Phật phải khéo léo, đừng để bị vướng mắc. Mặt trăng được dùng để ví dụ cho Chân Như; ngón tay được dùng để ví dụ cho Phật pháp. Có người dùng ngón tay để chỉ mặt trăng, ta nương theo ngón tay ấy để trông thấy mặt trăng. Khi thấy được mặt trăng rồi thì ta không nên để ý đến ngón tay kia nữa. Người học Phật biết nương theo Phật pháp để thể ngộ Chân Như; và khi đã thể ngộ rồi thì buông bỏ Phật pháp đi, không nên vướng mắc vào ngôn ngữ văn tự của kinh điển nữa.

(08) Chân tâm vô niệm: chân tâm phải được thực chứng bằng trí tuệ, không thể dùng khái niệm, trí tưởng mà biết được – tức là xa lìa mọi ý niệm.

(09) Vương Duy (701-761): người đời Đường (Trung-quốc), 20 tuổi đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức thượng thơ hữu thừa. Ông dốc lòng tin Phật, tự đặt tên tự cho mình là Ma Cật, ăn chay trường từ sau 50 tuổi. Ông nổi tiếng về thơ cũng như về họa, cho nên giới thưởng ngoạn từng nói: “Trong thơ của ông có lồng tranh vẽ, mà trong tranh vẽ của ông cũng chứa đựng hồn thơ.”

(10) Khế kinh: tức là kinh, dịch từ tiếng Phạn là “tu đa la”. Chữ “khế” nghĩa là phù hợp. Tất cả những lời dạy của Phật đều phù hợp với chân lí (khế lí) và phù hợp với mọi căn cơ, trình độ của chúng sinh (khế cơ). Vì có đủ hai điều kiện đó nên những lời dạy của Phật được gọi là “khế kinh”.

(11) Ngũ câu ý thức: tức là Ý Thức hiện khởi đồng thời với năm thức cảm giác (nhãn, nhĩ, tị, thiệt và thân thức). Khi năm căn (nhãn, nhĩ, tị, thiệt và thân căn) tiếp xúc với năm trần (sắc, thanh, hương, vị và xúc trần) thì cái biết phát sinh ra, nhưng mới chỉ là thuần túy cảm giác, chỉ khi nào có thêm tác dụng của ý thức thì mới có tri giác, tức là cái biết phân biệt rõ ràng về tốt, xấu, đỏ, trắng, dài, ngắn, trầm, bổng, thơm, hôi, ngon, dở, trơn, nhám, v.v…

(12) Năm trần cảnh: tức năm cảnh (ngũ cảnh), gồm có: sắc cảnh, thanh cảnh, hương cảnh, vị cảnh và xúc cảnh. Năm cảnh này là năm đối tượng tiếp xúc của năm giác quan (ngũ căn: nhãn, nhĩ, tị, thiệt và thân). Năm cảnh này thường làm cho người ta sinh phiền não, tâm tính nhiễm ô, giống như bụi bặm làm dơ dáy mọi vật, cho nên chúng cũng được gọi là năm trần, hay năm trần cảnh.

(13) Chư thiên cõi Dục: tức sáu cõi trời thuộc phạm vi Dục giới, từ thấp lên cao có: Tứ-vương, Đao-lợi, Dạ-ma, Đâu-suất, Hóa-tự-tại (hay Hóa-lạc) và Tha-hóa-tự-tại.

(14) Trong nguyên tác chữ Hán, tác giả có dùng câu thành ngữ Trung-quốc: “Ngoạn vật tán chí”, ý nghĩa là, suốt ngày chỉ lo vui chơi thì thế nào cũng hao tổn mất ý chí của mình đi.

(15) Tục đế: là sự thật tương đối, sự thật theo cái thấy của thế tục. Người đời đều cho rằng mọi sự vật ở thế gian đều thật có.

(16) Trung đạo: là con đường ở giữa, là phương pháp hay quan điểm không cực đoan, không thiên bên trái hay bên phải, không chấp có, không chấp không, không chấp thường, không chấp đoạn, v.v…

(17) Đoạn kiến: là một loại tà kiến, cho rằng, con người sau khi chết sẽ hoàn toàn mất hẳn, không có gì gọi là “kiếp sau”.

(18) Lục-tổ: tức Huệ Năng (638-713), vị tổ thứ 6 của Thiền tông Trung-quốc, sống vào đời Đường (618907). Ngài họ Lư, quê quán ở Phạm-dương (tỉnh Hà-bắc), nhưng sinh ở Tân-hưng (tỉnh Quảng-đông). Ngài mồ côi cha từ thuở nhỏ, nhà rất nghèo, phải hái củi bán và gánh nước thuê để nuôi mẹ. Một hôm ngài gánh củi vào chợ, tình cờ nghe có người tụng kinh Kim Cang, tâm bỗng bừng sáng, bèn tìm tới Ngũtổ Hoằng Nhẫn (602- 675) xin học đạo. Bấy giờ Ngũ-tổ đang hướng dẫn đồ chúng tu học tại thiền viện Hoàng-mai (tỉnh Hồ-bắc). Ngài đến bái yết, Ngũ-tổ hỏi: “Ngươi từ đâu đến? Muốn cầu vật gì?” Ngài đáp: “Đệ tử là bá tánh ở Lĩnh-nam, xa xôi tìm đến đây lạy Thầy, chỉ cầu làm Phật, không xin vật gì khác.” Ngũ-tổ nói: “Ngươi là người Lĩnh-nam, tướng lại xấu xí, làm sao làm Phật được!” Ngài thưa: “Người tuy có Nam Bắc, nhưng Phật tính vốn không Nam Bắc; thân tướng của con tuy xấu xí, không tốt đẹp như Thầy, nhưng Phật tính thì có gì khác nhau?” Thấy bẩm tính ngài thật phi phàm, Ngũ-tổ lấy làm kinh dị, nhưng để tránh sự chú ý của mọi người, bèn cho ngài vào ở trong nhà giã gạo để giã gạo. Trải qua tám tháng, một hôm, Ngũ-tổ bảo đại chúng, mỗi người trình một bài kệ kiến giải để chọn người truyền pháp. Thượng tọa Thần Tú viết lên vách bài kệ rằng: “Thân là cây bồ đề, tâm như đài gương sáng, luôn siêng năng lau chùi, đừng để bị dính bụi.” Ngài nhờ một chú tiểu đọc cho nghe bài kệ ấy, thấy rằng nó chưa làm sáng tỏ bản tính, bèn nhờ người viết giùm bài kệ của mình lên vách, rằng: “Bồ đề vốn không cây, gương sáng cũng không đài, xưa nay không một vật, bụi bám vào đâu đây?” Ngũ Tổ đọc bài kệ đó, biết ngài chính là người có thể được truyền cho pháp lớn. Nửa đêm, Tổ triệu ngài vào phòng riêng, âm thầm truyền y bát, rồi bảo ngài ngay đêm ấy phải đi gấp về Nam. Ngài vâng lời, đi về phương Nam, ẩn cư ở khoảng giữa hai huyện Tứ-hội và Hoài-tập (tỉnh Quảng-đông). Năm 676, ngài đến huyện Nam-hải (Quảng-đông), gặp đại sư Ấn Tông (627-713) ở chùa Pháp-tánh, liền xin xuất gia, thọ cụ túc giới. Năm sau, ngài về trú tại chùa Bảo-lâm ở Tào-khê (huyện Khúc-giang, tỉnh Quảng- đông), mở đạo tràng, hoằng dương pháp môn đốn ngộ “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”; đối lại với pháp môn tiệm ngộ của ngài Thần Tú ở phương Bắc. Các sử gia gọi hiện tượng này là “Nam đốn Bắc tiệm”, hay “Nam Năng Bắc Tú”. Ngài viên tịch năm 713, thế thọ 76 tuổi, nhục thân không bị hư hoại, đến nay vẫn còn. Ngài là người không biết chữ, nhưng thông tuệ vượt bậc, có tài hùng biện không ai sánh kịp. Các lời dạy của ngài, được các đệ tử ghi chép, làm thành kinh Pháp Bảo Đàn, rất được thịnh hành, và được mọi người coi là pháp bảo của Thiền tông. Lệ truyền y bát trong Thiền tông, đến đời ngài thì hủy bỏ.