NHỮNG ĐÓA HOA VÔ ƯU
Thiện Phúc

TẬP I

51. Ngạ Quỷ
52. Súc Sanh
53. A Tu La
54. Chúng Sanh Con Người (Nhân)
55. Đạo Nhân Theo Nho Giáo
56. Vị Trí Của Con Người Trong Tôn Giáo
57. Thành Phần Vật Chất Tạo Nên Một Chúng Sanh Con Người
58. Các Thành Phần Tâm Linh của Con Người
59. Sanh Làm Người Là Khó
60. Bốn Loại Người

51. Ngạ Quỷ

Hãy nghĩ bây giờ chúng ta chưa sanh vào địa ngục, nhưng nếu làm ngạ quỷ mình sẽ bị hành hạ bởi những đau khổ không thể chịu nổi, đói khát, nóng lạnh, kiệt sức và sợ hãi. Chỗ tái sanh của loài ngạ quỷ là nơi không có cây cỏ và nước uống; toàn thể mặt đất hoang vu như bị lửa mặt trời thiêu đốt. Thân thể tay chân của loài quỷ đói cực kỳ xấu xí, những nét mặt nhăn nhúm, cổ hết sức nhỏ không thể đỡ được cái đầu. Chúng có thân thể cực kỳ to lớn, nhưng tay chân so le gầy còm như những cọng rơm, không chống đỡ nổi thân hình. Chúng bước đi một cách khó nhọc gấp trăm ngàn lần những người già trên thế gian nầy. Ở cõi ngạ quỷ chúng sanh thân thể xấu xa hôi hám, bụng lớn như cái trống, cổ nhỏ như cây kim, miệng phục ra lửa mỗi khi nuốt thức ăn, và chịu cảnh đói khát trong muôn ngàn kiếp. Theo đạo Phật thì đố kỵ, ham muốn và ganh ghét là những nhân tố dẫn đến tái sanh vào ngạ quỷ. Những kẻ khốn khổ nầy bị đói khát hành hạ vì cái bụng khổng lồ, nhưng cổ nhỏ như cái kim. Ngoài ra, họ còn chịu nhiều sự hành hạ khác vì khi họ đưa thực phẩm vô miệng, thì những thứ ấy biến thành lửa hồng, mủ nhớp hay máu me trước mặt họ. Tuy nhiên, mười pháp giới không rời một niệm. Chính một niệm nầy tạo ra mười pháp giới hay một tâm niệm trong hiện tại tạo thành tất cả mọi chuyện. Nếu bạn làm chuyện địa ngục thì phải đọa địa ngục. Bạn tạo nghiệp quỷ thì đọa lạc vào đường quỷ. Tạo nghiệp người thì sanh vào cõi người. Tạo nghiệp A Tu La thì sanh vào cõi A Tu La. Làm việc của bậc A La Hán thì thành A La Hán. Làm việc Duyên Giác sẽ tới cảnh giới Duyên Giác. Làm việc Bồ Tát sẽ thành quyến thuộc của chư Bồ Tát. Làm việc Phật thì thành Phật. Xưa nay hễ gieo nhân tốt thì gặt quả tốt; gieo nhân lành thì gặt quả lành; gieo nhân ác thì gặt quả ác. Trồng dưa thì gặt dưa; trồng đậu được đậu. Tuy nhiên, bọn quỷ thì ngược lại, vì không hiểu lý nhân quả, vì hoàn toàn mê muội lầm lẫn nên chúng gieo cà mà mong gặt đậu; gieo ớt mà mong gặt dưa.

Tiếng Phạn “Preta”, âm là Tiết Lệ Đa, dịch là quỷ đói. Ngạ quỷ là một trong ba đường ác. Ngạ quỷ là loại quỷ miệng như cây kim nhỏ, đến độ không thể ăn uống. Ngạ quỷ có nhiều loại và tùy theo quả báo mà thọ khổ khác nhau. Người có chút phúc đức thì chịu khổ ít, người khác ít phúc đức hơn thì không được ăn uống lại phải chịu cực hình liên tục; có kẻ được làm chúa ngục cho Diêm Vương, lại có kẻ phải lang thang trong chốn nhân gian, nhứt là lúc về đêm. Theo Tỳ Kheo Khantipalo trong Đạo Phật Được Giải Thích, ngạ là luôn luôn cảm nhận những khát ái không bao giờ thỏa mãn, và trong nấc thang tâm thức, ngạ quỷ là loài chúng sanh ở dưới con người. Chúng sanh đi về cảnh giới ngạ quỷ do bởi lòng tham. Hãy nghĩ đến những người cứ bám chặt vào tiền tài, vào những sở hữu vật chất. Những người hà tiện, những người thích thú trong sự thủ đắc các thứ nhiều hơn, tốt hơn, lớn hơn so với người khác; những người như thế đang triển khai các yếu tố tâm thức mà nếu họ chấp chặt vào đó thì chúng sẽ dẫn họ thác sanh vào loài ngạ quỷ.

Theo Phật giáo, ngạ quỷ ái là một trong hai loại ái, hạng phàm phu ái trước ngũ dục như sự ham muốn của loài quỷ đói. Ngược lại với Pháp Ái là tình yêu trong phạm trù tôn giáo hay tình yêu của những vị Bồ tát muốn cứu độ chúng sanh, ngược lại với Dục ái hay tình yêu phàm tục; trong khi ngạ quỷ đạo là con đường của ngạ quỷ hay của những kẻ có nghiệp nhân ngạ quỷ, một trong lục đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, nhân và thiên). Ngạ quỷ có ba đặc điểm: ngạ quỷ là những chúng sanh tham ăn với cái bụng phồng to lên và cái cổ nhỏ xíu; quỷ là một thứ âm khí, có bóng mà không có hình hài, hoặc có hình thể mà không có bóng; quỷ là loại rất thích sân hận. Ngạ quỷ rất thích nổi nóng, nảy lòng sân hận. Dù chúng ta đối xử tốt với chúng, chúng cũng sân hận. Khi chúng ta đối xử không tốt với chúng, chúng lại càng sân hận hơn nữa. Chúng thích tạo rắc rối cho người khác. Cảnh giới ngạ quỷ là nơi tái sanh của những kẻ tham lam, ích kỷ và dối gạt (trong các loài quỷ thì quỷ đói chiếm đa số. Các loài quỷ chịu quả báo không đồng, kẻ nào có chút ít phước báo thì được sanh nơi rừng núi, gò miếu; loài không có phước báo thì thác sanh vào những chỗ bất tịnh, ăn uống thất thường, bị nhiều nỗi khổ sở. Chúng sanh độc ác bị tái sanh vào ngạ quỷ, thấy suối nước như thấy máu mủ, cổ nhỏ như cây kim, bụng ỏng như cái trống chầu, có khi đồ ăn vừa vào đến miệng, đã trở thành than hồng, không thể nào nuốt được, chịu đại khổ não suốt đời cùng kiếp). Ở cõi ngạ quỷ chúng sanh thân thể xấu xa hôi hám, bụng lớn như cái trống, cồ nhỏ như cây kim, miệng phục ra lửa mỗi khi nuốc thức ăn, và chịu cảnh đói khát trong muôn ngàn kiếp. Chúng sanh nào tham sự kiêu ngạo gây tội, gặp khí thành hình, làm các loài Ngạ Quỷ. Loài quỷ lúc nào cũng muội quả mê nhân, có nghĩa là quỷ không biết rõ quả báo, và cũng không biết nguyên nhân. Chúng không thể biện biệt giữa cái tốt và cái xấu. Theo đạo Phật, hễ trồng nhân tốt thì gặt quả tốt; trồng nhân lành thì gặt quả lành; trồng nhân ác thì gặt quả ác. Trồng dưa thì gặt dưa; trồng đậu gặt đậu. Tuy nhiên, loài quỷ không hiểu được lý nhân quả nầy, nên chúng trồng ớt mà mong hái cam, hoặc trồng cà mà mong hái đậu; chúng hoàn toàn muội quả mê nhân. Do vô minh điên đảo mà càng ngày chúng càng tích tập nhiều sự vô minh, càng gây thêm nhiều tội và tạo thêm nhiều nghiệp chướng.

Theo truyền thống Phật giáo Đại Thừa, có chín loại quỷ: Cự Khẩu Quỷ, tức quỷ miệng bốc lửa như ngọn đuốc; Châm (Kim) khẩu quỷ, tức quỷ có miệng nhọn như kim; Xú khẩu quỷ, tức loại quỷ miệng thối; Châm mao quỷ, tức loại quỷ có lông nhọn như kim; Xú mao quỷ, tức loại quỷ có lông thối; Anh quỷ, tức loại quỷ thân thể đầy mụn nhọt; Hy từ quỷ, tức loại quỷ thường lẩn khuất trong đền miếu, hy vọng được ăn uống; Hy thí quỷ, tức loài quỷ thường ăn đồ thừa thải của người khác, hoặc đồ cúng hay bất cứ thứ gì còn thừa; Đại thế quỷ, tức loài quỷ giàu có phúc lớn, loại quỷ có thế lực như Dạ Xoa, La Sát, chúng ở rải rác khắp nơi từ trong phòng ốc, đến phố chợ, sông hồ, cây cối. Theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật đã nhắc ngài A Nan về chín loại quỷ như sau: “A Nan! Các chúng sanh phá luật nghi, phạm giới Bồ Tát, chê Niêt Bàn của Phật, cũng như các tạp nghiệp khác, bị khổ nhiều kiếp đốt cháy. Sau khi hết tội địa ngục, mắc báo làm các thứ quỷ. Chúng sanh nào tham sắc gây tội, gặp gió thành hình, làm các loài Bạt Quỷ. Chúng sanh nào tham các việc mê hoặc người mà gây tội, gặp các loài súc sanh thành hình, làm các loài Mỵ Quỷ. Chúng sanh nào tham sân hận, gây tội, gặp loài trùng thành hình, làm các loài Quỷ Cổ Độc. Chúng sanh nào tham sự nhớ thù xưa gây tội, gặp chỗ suy biến thành hình, làm các loài Lệ Quỷ. Chúng sanh nào tham sự kiêu ngạo gây tội, gặp khí thành hình, làm các loài Ngạ Quỷ. Chúng sanh nào tham sự vu báng gây tội, gặp chỗ tối tăm thành hình, làm các loài Yểm Quỷ. Chúng sanh nào tham trí thông minh gây tội, gặp loài tinh linh thành hình, làm các loài quỷ Vọng Lượng. Chúng sanh nào tham sự thành công gây tội, gặp loài minh tinh thành hình, làm các loài Quỷ Dịch Sử. Chúng sanh nào tham kết bè đảng gây tội, gặp người thành hình, làm các loài Quỷ Truyền Tống.

Cũng theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Tám, Đức Phật đã dạy ông A Nan về mười loại ngạ quỷ được tái sanh làm súc sanh khi trả hết nghiệp đời trước như sau: “Ông A Nan! Quỷ nghiệp đã hết rồi, tình và tưởng đều không, mới nơi thế gian cùng với người mắc nợ trước, oan nối gặp nhau, thân làm súc sanh để trả nợ trước. Mười loại quỷ nầy bao gồm: 1) Quái quỷ, khi đã hết báo, vật mà chúng nương bị tiêu hoại, sinh ở thế gian, phần nhiều làm loài chim cưuNếu tham ái là nguyên nhân của hành động sai trái, sau khi trả hết tội, sẽ biến thành hình của bất cứ loài nào mà chúng gặp trong khi đọa ở địa ngục. 2) Quỷ Phong Bạt, báo hết, gió tiêu, sinh ở thế gian, phần nhiều làm loại chim báo điềm xấu như chim cú, chim quạ. Nguyên nhân tạo ra ác nghiệp cho loài nầy là dâm dục. 3) Mỵ quỷ, báo hết, lúc chết, sinh ở thế gian, phần nhiều làm loài chồn. Lừa dối là nguyên nhân tạo ra ác nghiệp của loài quỷ nầy. 4) Cổ Độc Quỷ, báo hết, trùng chết, sinh ở thế gian, làm loại độc hại như rắn rết. Sân hận là nguyên nhân tạo ra ác nghiệp nầy. 5) Lệ quỷ, báo hết, suy mất, sinh ở thế gian, làm loài giun sán. Nguyên nhân tạo ra ác nghiệp nầy là sự báo thù. 6) Ngạ quỷ, báo hết, khí tiêu, sinh ở thế gian, làm loài để người ta ăn thịt, như gà, vịt, lợn. Nguyên nhân tạo ra ác nghiệp nầy là kiêu ngạo. 7) Yểm quỷ, báo hết, u tiêu, sinh ở thế gian, làm loài để nguời ta mặc, như con tằm, con cừu. Nguyên nhân tạo ra ác nghiệp nầy là sự gian lận hay gian trá. 8) Quỷ Vọng Lượng, báo hết, tinh tiêu, sinh ở thế gian, làm loài biết thời tiết thứ tự, như chim yến. Nguyên nhân tạo ra ác nghiệp nầy là tà kiến. 9) Quỷ Dịch sử, báo hết, minh diệt, sinh ở thế gian, làm loài báo điềm tốt như chim phụng. Nguyên nhân tạo ra ác nghiệp nầy là sự bất công. 10) Quỷ Truyền tống, báo hết, người chết, sinh ở thế gian, làm loài tùng phục người như mèo, chó. Nguyên nhân tạo ra ác nghiệp nầy là sự tranh cãi.

52. Súc Sanh

Súc sanh nằm trong một trong tam đồ ác đạo. Bản chất của súc sanh là “Tham”. Vì súc sanh không có lý trí nên bất luận là thứ gì, chúng cũng tham nhiều thật nhiều. Thậm chí những thứ dơ bẩn như phân người, chúng càng ăn lại càng thấy thơm và ngon. Đây không phải chỉ nói về loài súc sanh, mà bất cứ chúng sanh nào khởi tâm tham vì “thị phi mạc biện” (không biết phải trái), không thể phân biệt giữa phải và trái, và không có khả năng lý luận, dù họ có đội lốt người đi nữa, thì những chúng sanh đó vẫn bị xem như là súc sanh theo quan điểm Phật giáo. Chính vì vậy con người như chúng ta mà có lòng tham lam vô độ thì rất ư là nguy hiểm, vì tánh tham đó có thể dễ dàng biến chúng ta thành súc sanh. Loài chúng sanh thì u mê ám chướng nên chúng không biết mình đang bị dẫn đến lò sát sanh hay đến nơi ăn cỏ, chứ chưa nói đến chuyện khác. Chúng phải chịu khổ vì lạnh và nóng, mùa hè chúng bị mặt trời thiêu đốt, mùa đông chúng phải chết cóng vì giá lạnh. Đây cũng là một trong lục thú trong tam đồ ác đạo, nơi mà chúng sanh sanh vào để chịu khổ trong tay của thợ săn, đồ tể, hay bị thương buôn và nông dân bắt buộc phải làm việc cực nhọc. Súc Sanh Đạo, tiếng Phạn là Tiryagyoni, nghĩa là loài chúng sanh sanh ra để bị người đời hành hạ và ăn thịt. Đây là cảnh giới súc sanh, nơi tái sanh của những kẻ si mê, sa đọa, tửu sắc, bài bạc, đối trá và tà dâm (trên từ rồng, thú, cầm, súc; dưới đến thủy tộc và loài côn trùng, không bao giờ đi thẳng được như con người hay chư Thiên. Loài nầy thường giết hại và ăn thịt lẫn nhau, đồng loại thì ỷ mạnh hiếp yếu. Ngoài ra, chúng còn bị con người sai sử chuyên chở và đánh đập). Cõi bàng sanh như loài trâu, bò, lừa, ngựa bị sự khổ chở kéo nặng nề. Loài dê, heo, vịt, gà, thì bị sự khổ về banh da xẻ thịt làm thức ăn cho loài người. Các loài khác thì chịu sự khổ về ngu tối, nhơ nhớp, giết hại và ăn uống lẫn nhau.

Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Tám, Đức Phật đã nhắc A Nan về mười loại thú được tái sanh làm người như sau: “Ông A Nan! Loài súc sanh trả nợ trước, nếu bắt trả quá phần, thì chúng sinh bị trả trở lại làm người để đòi nợ thừa. Như người kia có sức và phúc đức, thì chẳng bỏ thân người, chỉ trả lại nợ cũ. Nếu vô phúc, phải trở lại làm súc sanh để trả nợ kia. Ông A Nan! Ông nên biết, nếu dùng tiền, hoặc dùng sức của loài vật, chúng trả đủ thì thôi. Nếu giết hay ăn thịt chúng, qua bao kiếp giết nhau, ăn nhau, luân hồi như bánh xe xoay vần không dứt. Trừ pháp sa ma tha và Phật xuất thế, không thể nào dứt hết. Các loại ấy đều do trả hết nợ, lại sinh trong nhân đạo, đều bởi vô thủy nghiệp điên đảo sinh nhau, giết nhau, chẳng gặp Phật, nghe chánh pháp, trong cảnh trần lao cứ luân chuyển mãi. Thật đáng thương! Thập loại nhân thú bao gồm: Loài chim cưu, khi trả nợ xong, sinh làm người, là loại tham nhũng và ngu si cứng đầu. Loài báo trước điềm xấu, khi trả nợ xong, sinh làm người, là loài bất bình thường và quỷ quyệt. Loài chồn, là loại tầm thường. Loài độc, là loại bạo ngược. Loài giun sán, là loại đê tiện. Loài để người ta ăn thịt, là loại nhu nhược. Loài để cho người ta mặc, là loại lao động. Loài biết thời tiết, là loại có văn học. Loài báo trước điềm tốt, là loại thông minh. Loài phục tùng người, là loại thông thạo.

53. A Tu La

A Tu La là một loại chúng sanh không hề nói tới chuyện phải trái. Chúng có tánh khí hung bạo và bất luận với ai, chúng cũng có thể nổi nóng được. Đây là một loại chúng sanh vô đoan chính. Nam A Tu La tướng mạo vô cùng xấu xí, ưa thích đấu tranh với người khác. Nữ A Tu La tướng mạo xinh đẹp, nhưng lại thích đấu tranh bằng tình cảm, luôn gây đố kỵ, ghen tuông, chướng ngại, phiền não và vô minh. Tuy A Tu La làm thành một pháp giới, song bất luận ở đâu trong lục đạo, hễ có chúng sanh nào thích đấu tranh, nóng nảy, dữ tợn vô cùng, chỉ thích chỉ huy người khác chứ không chịu để cho ai chỉ huy; chỉ thích cai quản người khác, chứ không thích để cho ai cai quản, vân vân, thì đó là những biểu hiện của A Tu La. “Asura” là từ Bắc Phạn có nghĩa là “á thần.” Những chúng sanh mà đôi khi người ta cho là ác quỷ. A Tu La là những kẻ đối nghịch với chư thiên, đặc biệt là với vua trời Đế Thích, chúng thường hay phát khởi chiến tranh vì ganh ghét với phước đức thượng thặng của chư thiên. Đây là một trong sáu nẻo luân hồi của chúng sanh, những nẻo khác là chư thiên, nhân, súc sanh, ngạ quỷ, và địa ngục. Á thần A Tu La, người hay nổi cơn giận và bản tính thích đánh lộn. Chữ A Tu La có nghĩa là xấu xí, không thánh thiện.

Ác thần A-tu-la, một trong sáu điều kiện tái sanh. Có hai lối suy nghĩ về A tu la: thấp và cao. Trong cảnh giới cao, A tu la là những thần thánh ở bậc thấp trong các cung trời. Trong cảnh giới thấp, A tu la là những ác thần, là kẻ thù của thần thánh. A Tu La là một loại chúng sanh hành xử cả thiện lẫn ác, cả trời lẫn quỷ. A Tu La là vị Thần thường đánh nhau với Vua Trời Đế Thích. Ngoài ra, Á thần A Tu La còn là người hay nổi cơn giận và bản tính thích đánh lộn. A-tu-la có thể sống trên trời, trong cõi người, hay súc sanh, ngạ quỷ. Một trong mười loại chúng sanh. Còn một loại A-tu-la khác với loại á thần hay chiến đấu với chư Thiên, loại nầy sống trên Ba-Mươi-Ba Tầng Trời, được coi như trong số các chư Thiên. A Tu La cũng có cảnh giới, cung điện như chư Thiên, nhưng không phải là chư Thiên vì hình thể rất xấu xí.

Theo Giáo Sư Soothill trong Trung Anh Phật Học Từ Điển, và theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Chín, có bốn loại A Tu La: 1) Noản Sanh A Tu La, loại nương vào quỷ đạo, dùng sức hộ pháp, thừa thần thông mà vào hư không. A Tu La đó do trứng sanh ra, thuộc về quỷ thú. 2) Thai Sanh A Tu La, loại A Tu La ở cõi trời, mất đức bị đọa vào chỗ gần mặt trời, mặt trăng. A Tu La đó do thai sinh ra, thuộc về loài người. 3) Hóa Sanh A Tu La, loại A Tu La vương gìn giữ thế giới, sức mạnh không kinh sợ, hay tranh quyền với Phạm Vương, Trời Đế Thích và Tứ Thiên Vương. A Tu La đó do biến hóa sinh ra, thuộc về cõi Trời. 4) Thủy Sanh A Tu La, loại A Tu La ở đáy biển, dưới hang nước. A Tu La đó do thấp khí sinh, thuộc về súc sanh thú.

Theo các truyền thống Phật giáo khác, A-tu-la là những sinh vật ngỗ nghịch ưa thích chiến đấu. Tên của chúng có nghĩa là “Xấu tệ.” A-tu-la còn có nghĩa là “không Thánh Thiện” vì mặc dù có vài loại A-tu-la cũng hưởng phước trời, nhưng không có quyền lực nhà trời. Kỳ thật, A-tu-la là những người hâm mộ Phật pháp và ưa cúng dường, nhưng tánh khí nóng nãy, hay ngạo báng nên sanh ra trong đường nầy. Trong Tam Giới có bốn loại A-tu-la: 1) Loại quỷ A-tu-la, sanh bằng trứng trong loài quỷ, dùng sức mạnh của mình để hộ trì Chánh Pháp và nhờ thần lực chúng có thể du hành vô ngại trong không gian. A Tu La trong loài quỷ lúc nào cũng muốn hiếp đáp các loài quỷ khác. Dù xưa nay không biết phải trái gì cả, quỷ cũng có loài ác và loài không ác. Dầu loài quỷ tự thuở giờ không bao giờ lắng nghe phải trái, nhưng bọn ác A Tu La là bọn càng không biết lắng nghe gì đến phải trái. 2) Súc Sanh A Tu La là loại quỷ A-tu-la sanh trong đường súc sanh. Loại A Tu La nầy thích chèn ép đồng loại hay những súc sanh khác. Các loài rắn, chim ưng, chó sói, cọp, và sư tử… lúc nào cũng muốn cắn hay ăn thịt những con vật khác vì chúng có tánh khí A Tu La. 3) Nhơn A Tu La là loại quỷ A-tu-la sanh trong nhơn đạo. A Tu La trong loài người được phân ra làm hai loại thiện và ác. Thiện A Tu La chính là quân đội và binh tướng của một quốc gia. Ác A Tu La chính là những tên giặc cướp và những băng đảng thích giựt giọc đồ đạc hay cướp bóc tài sản của người khác. Họ cũng ưa thích đánh đập và thậm chí chém giết người khác. 4) Thần A-Tu-La Vương, là loại do hóa sanh mà thành trong đường Thiên đạo, chúng hổ trợ Phật pháp bằng sức thần thông và vô úy. Chúng đấu tranh để đạt đến địa vị Phạm Chủ. Loại A Tu La nầy lúc nào cũng thích đánh nhau với thiên binh, thiên tướng. Suốt ngày chúng chỉ nghỉ cách đánh trời Đế Thích để cướp bảo tòa, đoạt ngôi để lên làm Đế Thích.

54. Chúng Sanh Con Người (Nhân)

Theo quan điểm Phật giáo, về mặt vật thể thì nguồn gốc của vũ trụ chính là năng lượng, còn xét về các sinh vật sống trong đó thì nguồn gốc tạo ra đời sống của mỗi chúng sanh chính là nghiệp lực của những hành vi mà chúng sanh ấy đã tạo ra. nghiệp lực là nguyên nhân khiến chúng sanh phải tái sanh theo một hình thức nào đó. Nếu một chúng sanh con người giữ tròn năm giới thì chúng sanh ấy sẽ được tiếp tục tái sanh làm con người. Dù con người không toàn thiện hay toàn ác, nhưng bản tánh con người vốn ôn hòa, có thể hòa hợp được với người khác. Nếu hoàn toàn tốt thì chúng sanh ấy đã sanh lên cõi trời, ngược lại nếu hoàn toàn ác thì người ấy đã sanh làm súc sanh, ngạ quỷ hay địa ngục rồi. Thường thì chúng sanh con người có phước báu mà cũng có tội lỗi. Có khi thì công nhiều, tội ít; có khi thì tội nhiều công ít. Khi có công nhiều tội ít thì chúng sanh con người được sanh vào gia đình giàu sang phú quý. Nếu công ít tội nhiều thì sanh vào gia đình khốn khổ bần cùng. Nói chung, Phật giáo cho rằng việc sanh ra trong cõi người là một trong những hình thức đời sống lý tưởng nhất vì rất thuận lợi cho việc tu tập. So với con người thì thần linh phải được xem là ở hình thức thấp hơn, tuy thần linh có thể có những khả năng mà con người không có, như một số năng lực siêu nhiên. Thật ra, thần linh cũng chỉ là một phần của thế giới mà loài người đang sống và hình thức đời sống của họ kém hiệu quả hơn con người trong việc tu tập.

Con người là những chúng sanh có tâm trí đã nâng cao hay phát triển, biết phân biệt đâu là hợp và không hợp với luân lý đạo đức hơn những chúng sanh khác. Cảnh giới trong đó hạnh phúc và khổ đau lẫn lộn. Chư vị Bồ Tát thường chọn tái sanh vào cảnh nầy vì ở đây có nhiều hoàn cảnh thuận lợi để hành những pháp cần thiết nhằm thành tựu quả vị Phật. Kiếp sống cuối cùng của các vị Bồ Tát thường ở cảnh người. Nhân đạo là một trong sáu đường trong vòng luân hồi trong đó chúng sanh có thể được sanh vào. Chúng sanh con người có suy tưởng trong dục giới, những nghiệp trong quá khứ ảnh hưởng đến hoàn cảnh hiện tại. Con người chiếm một vị trí rất quan trọng trong vũ trụ của Phật giáo, vì con người có quyền năng quyết định cho chính họ. Đời sống con người là sự hỗn hợp của hạnh phúc và đắng cay.

Chúng sanh con người có suy tưởng trong dục giới, những nghiệp trong quá khứ ảnh hưởng đến hoàn cảnh hiện tại. Con người chiếm một vị trí rất quan trọng trong vũ trụ của Phật giáo, vì con người có quyền năng quyết định cho chính họ. Đời sống con người là sự hỗn hợp của hạnh phúc và đắng cay. Theo Đức Phật, con người có thể quyết định dành cuộc đời cho những mục tiêu ích kỷ, bất thiện, một hiện hữu suông rỗng, hay quyết định dành đời mình cho việc thực hiện các việc thiện làm cho người khác được hạnh phúc. Trong nhiều trường hợp, con người cũng có thể có những quyết định sinh động để uốn nắn đời mình theo cách nầy hay cách khác; con người có cơ hội nghĩ đến đạo và giáo lý của Ngài hầu hết là nhằm cho con người, vì con người có khả năng hiểu biết, thực hành và đi đến chứng ngộ giáo lý. Chính con người, nếu muốn, họ có thể chứng nghiệm giác ngộ tối thượng và trở thành Phật, đây là hạnh phúc lớn không phải chỉ chứng đắc sự an tịnh và giải thoát cho mình, mà còn khai thị đạo cho nhiều người khác do lòng từ bi. Cơ hội được tái sanh làm con người rất ư là hãn hữu, chính vì thế mà Đức Phật dạy: “Được sinh ra làm người là điều vô cùng quý báu, một cơ hội lớn lao không nên để uổng phí. Giả tỷ có một người ném vào đại dương một mảnh ván, trên mảnh ván có một lỗ hỏng, mảnh ván trôi dạt do nhiều luồng gió và nhiều dòng nước xô đẩy trên đại dương. Trong đại dương có một con rùa chột mắt, một trăm năm mới ngoi lên mặt biển một lần để thở. Dù cho mất cả một đại kiếp, con rùa cũng khó mà trồi lên mặt nước và chui vào lỗ hỏng của mảnh ván ấy. Cũng thế, nếu một khi người ta đã bị đọa xuống ba cảnh giới đầy thống khổ hay hạ tam đồ, thì việc được tái sanh làm người cũng thật là hiếm hoi.”

Theo Phật giáo Đại Thừa Tây Tạng, có bốn trạng thái trải qua trong một đời người: trạng thái được sanh ra, là một trạng thái rất ngắn ngủi, chỉ ngay trong khoảnh khắc của sự thụ thai; khoảnh khắc kế tiếp mới là sự khởi đầu của trạng thái có thời gian đầu tiên, kéo dài cho đến khi thân thô thiển bắt đầu hình thành cho đến khi chết; rồi trong suốt trạng thái chết, ngay cả khi diễn ra trong thân xác già nua, mối quan hệ của lực nâng đỡ cho thức và cái mà thức nâng đỡ ở trong thân rất là dữ dội; vào đúng thời điểm chết, mối quan hệ của thức được nâng đỡ bởi nền tảng vật chất chỉ còn được diễn ra ở mức độ vi tế nhất. Vào thời điểm nầy, tâm thức cá nhân được nối kết với nguồn lực vi tế nhất, hay còn gọi là “khí”. Với người sẽ trải qua trạng thái thân trung ấm , ngay khi trạng thái chết chấm dứt thì trạng thái thân trung ấm liền bắt đầu. Trong trạng thái thân trung ấm, dù chúng sanh không có một thân vật lý thô, nhưng họ cũng có một sắc thể do sự tương tác giữa luồng khí nội lực và thần thức. Nó thô trọng hơn so với thân vật chất thông thường mà chúng ta nhìn thấy. Nó sẽ mang hình dáng của loài chúng sanh mà nó sẽ tái sanh.

55. Đạo Nhân Theo Nho Giáo

Đức hạnh của nhân đạo là không đi ngược lại những gì hợp lý và đúng đắn. Bất luận làm việc gì, bạn nên xem xét bổn phận của mình là giúp đở người khác. Về phương diện lợi ích, thời gian, văn hóa hay trí huệ, hoặc tất cả mọi sự, nếu mình làm trở ngại người khác, không làm lợi ích cho ai cả, tức là mình đã đi ngược lại với đạo đức. Vì thế mà nhất cử nhất động, nhất ngôn nhất hạnh mình không nên đi ngược lại với đạo đức căn bản. Nếu muốn tu tập Phật đạo, trước tiên nên tu dưỡng đạo đức nhân đạo, không có đức hạnh nhân đạo thì không thể tu Phật đạo được. Có người muốn tu đạo thì ma chướng tới tìm, bởi vì người nầy chẳng có đức hạnh. Vì thế người ta nói “Đạo đức là gốc, tiền tài là ngọn.” Đạo đức giống như mặt trời mặt trăng, giống như trời và đất, và cũng giống như tánh mạng con người vậy. Không có đạo đức thì mình không có tánh mạng, không có mặt trời mặt trăng, và cũng chẳng có trời đất. Như vậy, đạo đức nghĩa là gì? Đạo đức là lấy việc làm lợi ích cho người khác làm chủ, không làm chướng ngại người khác làm tông chỉ, trong tâm lúc nào cũng đầy đủ Nhân, Nghĩa, Lễ, trí, Tín, Liêm, Sỉ, Trung, Hiếu, Để. Theo Khổng giáo, “Nhân” là thương người thương vật; nhân là tâm nhân ái không muốn sát sanh hại vật. “Nghĩa” là ở phải với mọi người, khi thấy điều gì có nghĩa thì phải dũng cảm mà làm. Khi thấy ai gặp nạn tai thì phải tận lực giúp đỡ. Với bạn bè mình phải có đạo nghĩa, khi giúp ai không cần có điều kiện gì cả, không mang tâm mưu đồ, mong được đền ơn đáp nghĩa. Nghĩa là lòng nhận thức biết làm chuyện phải và làm hết sức đúng đắn, đúng với trung đạo, không thái quá, cũng không thiếu sót, không nghiêng về bên phải cũng không lệch qua bên trái, lúc nào cũng trung đạo. Hiểu biết nghĩa lý thì không trộm cắp. Người có lễ nghĩa không bao giờ trộm cắp vật gì của ai. “Lễ” tức là lễ phép, biết kẻ lớn người nhỏ. Đối với mọi người mình phải lễ phép, phải hết sức khiêm nhường. Nếu không có lễ thì mình có khác gì loài súc sanh? Lễ phép tối thiểu của một con người là phải biết chào hỏi đối với các bậc trưởng thượng. Nếu mình có lễ mạo thì mình sẽ không bao giờ phạm chuyện gian dâm. Ăn cắp và tà dâm đều là những thứ không hợp với lễ nghĩa, đi ngược lại với luân thường. Đối với người thường thì trí có nghĩa là lương trí. Người có trí huệ thì không bao giờ uống rượu, hay xử dụng xì ke ma túy, những thứ độc dược. Người ngu si thì mới làm những thứ điên đảo nầy. Tín tức là biết giữ sự tin cậy, tín nhiệm. Đối với bạn bè phải có tín nhiệm, hứa chuyện gì là phải làm chuyện đó, chứ không thất tín hay sai hẹn. Hơn nữa, người có chữ tín không bao giờ nói dối. Liêm tức là liêm khiết. Người liêm khiết gặp bất luận hoàn cảnh nào cũng không tham cầu, chẳng muốn thọ hưởng tiện nghi. Hơn nữa, người con Phật phải biết quên mình mà làm chuyện lợi lạc cho người khác. Sỉ tức là biết hổ thẹn. Gặp chuyện gì không hợp với đạo lý, hay đi ngược lại với lương tâm của mình, thì tuyệt đối không làm. Trung tức là trung thành. Một người công dân tốt phải trung thành với đất nước của mình. Hiếu có nghĩa là thảo với các bậc cha mẹ là bổn phận căn bản của con cái. Hiếu thảo là báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ, và hiếu thảo cũng là biết vâng lời dạy bảo của cha mẹ. Để có nghĩa là kính trọng người lớn hơn mình.

56. Vị Trí Của Con Người Trong Tôn Giáo

Hầu hết ai trong chúng ta đều cũng phải đồng ý rằng trong tất cả các loài sinh vật, con người là những sinh vật độc nhất trong hoàn vũ có thể hiểu được chúng ta đang làm cái gì và sẽ làm cái gì. So sánh với các loài khác thì con người có phần thù thắng và hoàn hảo hơn chẳng những về mặt tinh thần, tư tưởng, mà còn về phương diện khả năng tổ chức xã hội và đời sống nữa. Đời sống của con người không thể nào bị thay thế, lập lại hay quyết định bởi bất cứ một ai. Một khi chúng ta được sanh ra trong thế giới này, chúng ta phải sống một cuộc sống của chính mình sao cho thật có ý nghĩa và đáng sống. Chính vì thế mà cổ đức có dạy: “Con người là một sinh vật tối linh” hay con người được xếp vào hàng ưu tú hơn các loài khác. Và Đức Phật dạy trong kinh Ưu Bà Tắc: “Trong mọi loài, con người có những căn và trí tuệ cần thiết. Ngoài ra, điều kiện hoàn cảnh của con người không quá khổ sở như những chúng sanh trong địa ngục, không quá vui sướng như những chúng sanh trong cõi trời. Và trên hết, con người không ngu si như loài súc sanh.” Như vậy con người được xếp vào loại chúng sanh có nhiều ưu điểm. Con người có khả năng xây dựng và cải tiến cho mình một cuộc sống toàn thiện toàn mỹ. Phật giáo xem con người là một chúng sanh rất nhỏ, không chỉ về sức mạnh mà còn về tuổi thọ. Con người không hơn gì các sinh vật khác trong vũ trụ này ngoại trừ khả năng hiểu biết. Con người được coi như là một sinh vật có văn hóa, biết hòa hợp với sinh vật khác mà không hủy hoại chúng. Tôn giáo được con người đặt ra cũng với mục đích ấy. Mọi sinh vật sống đều chia sẻ cùng lực sống truyền cho con người. Con người và những sinh vật khác là một phần của sinh lực vũ trụ mang nhiều dạng thức khác nhau trong những kiếp tái sanh vô tận, chuyển từ người thành vật tới những hình thái siêu phàm và rồi trở lại trong một chu kỳ bất tận. Theo vũ trụ luận Phật giáo, con người chỉ đơn giản là một cư dân trên một trong những cảnh giới hiện hữu mà các chúng sanh khác cũng có thể đến sau khi chết. Thế giới con người là sự pha trộn vừa phải giữa hạnh phúc và khổ đau, con người ở trong một vị trí thuận lợi để tạo hay không tạo nghiệp mới, và như vậy con người có thể uốn nắn định mệnh của chính mình. Con người quả thực là người Sáng Tạo và người Cứu Tinh của chính mình. Nhiều người tin rằng tôn giáo từ trời đi xuống, nhưng người Phật tử biết rằng Phật giáo khởi thủy từ trái đất và tiến dần lên trời, lên Phật. Sự khó khăn về việc được sanh làm người nó khó như việc con rùa biển một mắt, từ đáy biển trồi lên trong một bọng cây, thấy được vầng nhựt nguyệt, rồi theo lượn sóng mà tấp vào bờ. Rùa mù gặp khúc gổ trôi giữa biển đã là khó, ví với sanh làm người và gặp được Phật Pháp lại càng khó hơn (ý nầy ví với một con rùa mù giữa biển khơi mà vớ được khúc gỗ nổi. Theo Kinh Tạp A Hàm, trong biển cả có một con rùa mù, sống lâu vô lượng kiếp, cả trăm năm mới trồi đầu một lần. Có một khúc cây, trên có một lỗ lỏng, đang trôi dật dờ trên mặt nước, rùa ta khi trồi lên đến mặt nước cũng vừa chạm vào bọng cây. Kẻ phàm phu lăn trôi trong biển đời sanh tử, muốn trở lại được thân người quả là khó hơn thế ấy).

Đạo Phật coi thân người như cái túi da ô uế. Phật tử chơn thuần chớ nên quá trân quý thân nầy. Kỳ thật, nó chỉ là cái túi da hôi thúi. Phải lìa ý nghĩ đó chúng ta mới có thể dụng công tu hành được. Nếu không lìa được nó, chúng ta sẽ biến thành nô lệ của nó và từ sáng sớm đến chiều tối chúng ta sẽ chỉ một bề phục vụ cho nó mà thôi. Người con Phật chơn thuần phải coi thân nầy như một cái túi da hôi thúi, nghĩa là tránh sự coi trọng nó. Coi nó là quan trọng là chướng ngại lớn trên bước đường tu tập của chúng ta. Chúng ta phải mượn cái giả để tu lấy cái thật, tức là chỉ xem thân nầy như một phương tiện mà thôi. Theo Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Chương 26, Thiên thần dâng cho Đức Phật một ngọc nữ với ý đồ phá hoại tâm ý của Phật. Phật bảo: “Túi da ô uế, người đến đây làm gì? Đi đi, ta không dùng đâu.” Thiên thần càng thêm kính trọng, do đó mà hỏi về ý của Đạo. Đức Phật vì ông mà giảng pháp. Ông nghe xong đắc quả Tu-Đà-Hoàn.” Tuy nhiên, cũng theo đạo Phật, thì “nhân đạo” là con đường lý tưởng cho chúng sanh tu tập và đạt thành Phật quả, vì họ không phải thường xuyên chịu đựng khổ đau như các chúng sanh trong ba đường dữ (địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh), họ cũng không có những đời sống quá sung sướng của chư thiên để xao lãng việc tu tập. Ngược lại, họ chịu khổ đau vừa đủ để thấy được thực tánh của vạn hữu (vô thường, khổ và vô ngã). Vì vậy mà Đức Phật dạy, “con người có thể quyết định dành cuộc đời cho những mục tiêu ích kỷ, bất thiện, một hiện hữu suông rỗng, hay quyết định dành đời mình cho việc thực hiện các việc thiện làm cho người khác được hạnh phúc.” Trong nhiều trường hợp, con người cũng có thể có những quyết định sinh động để uốn nắn đời mình theo cách nầy hay cách khác; con người có cơ hội nghĩ đến đạo và giáo lý của Ngài hầu hết là nhằm cho con người, vì con người có khả năng hiểu biết, thực hành và đi đến chứng ngộ giáo lý. Chính con người, nếu muốn, họ có thể chứng nghiệm giác ngộ tối thượng và trở thành Phật, đây là hạnh phúc lớn không phải chỉ chứng đắc sự an tịnh và giải thoát cho mình, mà còn khai thị đạo cho nhiều người khác do lòng từ bi. Cơ hội được tái sanh làm con người rất ư là hãn hữu, chính vì thế mà Đức Phật dạy: “Được sinh ra làm người là điều vô cùng quý báu, một cơ hội lớn lao không nên để uổng phí. Giả tỷ có một người ném vào đại dương một mảnh ván, trên mảnh ván có một lỗ hỏng, mảnh ván trôi dạt do nhiều luồng gió và nhiều dòng nước xô đẩy trên đại dương. Trong đại dương có một con rùa chột mắt, một trăm năm mới ngoi lên mặt biển một lần để thở. Dù cho mất cả một đại kiếp, con rùa cũng khó mà trồi lên mặt nước và chui vào lỗ hỏng của mảnh ván ấy. Cũng thế, nếu một khi người ta đã bị đọa xuống ba cảnh giới đầy thống khổ hay hạ tam đồ, thì việc được tái sanh làm người cũng thật là hiếm hoi. Cũng theo Phật giáo, con người khác với con vật vì chỉ có con người mới có khả năng phát triển trí tuệ và hiểu biết phản ảnh được lý luận của mình mà thôi. Con người có nghĩa là một chúng sanh có khả năng hay có cái tâm để suy nghĩ. Mục đích chân chánh và thành thực của tôn giáo là giúp cho con người ấy suy nghĩ đúng để nâng con người ấy lên trên tầm của con vật và giúp con người đạt được hạnh phúc tối thượng.”

57. Thành Phần Vật Chất Tạo Nên Một Chúng Sanh Con Người

Thành phần vật chất tạo nên con người chính là Tứ Đại. Bốn yếu tố lớn cấu tạo nên vạn hữu. Bốn thành phần nầy không tách rời nhau mà liên quan chặt chẽ lẫn nhau. Tuy nhiên, thành phần nầy có thể có ưu thế hơn thành phần kia. Chúng luôn thay đổi chứ không bao giờ đứng yên một chỗ trong hai khoảnh khắc liên tiếp. Theo Phật giáo thì vật chất chỉ tồn tại được trong khoảng thời gian của 17 chập tư tưởng, trong khi các khoa học gia thì cho rằng vật chất chỉ chịu đựng được 10 phần 27 của một giây. Nói gì thì nói, thân thể của chúng ta chỉ là tạm bợ, chỉ do nơi tứ đại hòa hợp giả tạm lại mà hành, nên một khi chết đi rồi thì thân tan về cát bụi, các chất nước thì từ từ khô cạn để trả về cho thủy đại, hơi nóng tắt mất, và hơi thở hoàn lại cho gió. Chừng đó thì thần thức sẽ phải theo các nghiệp lực đã gây tạo lúc còn sanh tiền mà chuyển vào trong sáu nẻo, cải hình, đổi xác, tiếp tục luân hồi không dứt. Địa Đại tức là phần Đất (tóc, răng, móng, da, thịt, xương, thận, tim, gan, bụng, lá lách, phổi, bao tử, ruột, phẩn, và những chất cứng khác). Địa Đại là thành phần vật chất mở rộng hay thể nền của vật chất. Không có nó vật thể không có hình tướng và không thể choán khoảng không. Tính chất cứng và mềm là hai điều kiện của thành phần nầy. Sau khi chúng ta chết đi rồi thì những thứ nầy lần lượt tan rã ra thành cát bụi, nên nó thuộc về Địa Đại. Thủy Đại hay Nước (đàm, mủ, máu, mồ hôi, nước tiểu, nước mắt, nước trong máu, mũi dãi, tất cả các chất nước trong người nói chung): Không giống như địa đại, nó không thể nắm được. Thủy đại giúp cho các nguyên tử vật chất kết hợp lại với nhau. Sau khi ta chết đi rồi thì những chất nước nầy thảy đều cạn khô không còn nữa, nói cách khác chúng hoàn trả về cho nước. Hỏa Đại hay Lửa (những món gây ra sức nóng để làm ấm thân và làm tiêu hóa những thứ ta ăn uống vào): Hỏa đại bao gồm cả hơi nóng lạnh, và chúng có sức mạnh làm xác thân tăng trưởng, chúng là năng lượng sinh khí. Sự bảo tồn và phân hủy là do thành phần nầy. Sau khi ta chết, chất lửa trong người tắt mất, vì thế nên thân xác dần dần lạnh. Phong Đại hay Gió (những chất hơi thường lay chuyển, hơi trong bao tử, hơi trong ruột, hơi trong phổi): Gió là thành phần chuyển động trong thân thể. Sau khi ta chết rồi thì hơi thở dứt bặt, thân thể cứng đơ vì phong đại đã ngừng không còn lưu hành trong cơ thể nữa.

58. Các Thành Phần Tâm Linh của Con Người

Nghiệp là một trong các giáo lý căn bản của Phật giáo. Mọi việc khổ vui, ngọt bùi trong hiện tại của chúng ta đều do nghiệp của quá khứ và hiện tại chi phối. Hễ nghiệp lành thì được vui, nghiệp ác thì chịu khổ. Vậy nghiệp là gì? Nghiệp theo chữ Phạn là ‘karma’ có nghĩa là hành động và phản ứng, quá trình liên tục của nhân và quả. Luân lý hay hành động tốt xấu (tuy nhiên, từ ‘nghiệp’ luôn được hiểu theo nghĩa tật xấu của tâm hay là kết quả của hành động sai lầm trong quá khứ) xảy ra trong lúc sống, gây nên những quả báo tương ứng trong tương lai. Cuộc sống hiện tại của chúng ta là kết quả tạo nên bởi hành động và tư tưởng của chúng ta trong tiền kiếp. Đời sống và hoàn cảnh hiện tại của chúng ta là sản phẩm của ý nghĩ và hành động của chúng ta trong quá khứ, và cũng thế các hành vi của chúng ta đời nay, sẽ hình thành cách hiện hữu của chúng ta trong tương lai. Nghiệp có thể được gây tạo bởi thân, khẩu, hay ý; nghiệp có thể thiện, bất thiện, hay trung tính (không thiện không ác). Tất cả mọi loại nghiệp đều được chất chứa bởi A Lại Da và Mạt Na thức. Chúng sanh đã lên xuống tử sanh trong vô lượng kiếp nên nghiệp cũng vô biên vô lượng. Dù là loại nghiệp gì, không sớm thì muộn, đều sẽ có quả báo đi theo. Không một ai trên đời nầy có thể trốn chạy được quả báo.

59. Sanh Làm Người Là Khó

Cơ hội được tái sanh làm con người rất ư là hãn hữu, chính vì thế mà Đức Phật dạy: “Được sinh ra làm người là điều vô cùng quý báu, một cơ hội lớn lao không nên để uổng phí. Giả tỷ có một người ném vào đại dương một mảnh ván, trên mảnh ván có một lỗ hỏng, mảnh ván trôi dạt do nhiều luồng gió và nhiều dòng nước xô đẩy trên đại dương. Trong đại dương có một con rùa chột mắt, một trăm năm mới ngoi lên mặt biển một lần để thở. Dù cho mất cả một đại kiếp, con rùa cũng khó mà trồi lên mặt nước và chui vào lỗ hỏng của mảnh ván ấy. Cũng thế, nếu một khi người ta đã bị đọa xuống ba cảnh giới đầy thống khổ hay hạ tam đồ, thì việc được tái sanh làm người cũng thật là hiếm hoi.” Cõi người sướng khổ lẫn lộn, nên dễ tiến tu để đạt thành quả vị Phật; trong khi các cõi khác như cõi trời thì quá sướng nên không màng tu tập, cõi súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục thì khổ sở ngu tối, nhơ nhớp, ăn uống lẫn nhau nên cũng không tu được. Trong các trân bảo, sinh mạng là hơn, nếu mạng mình còn là còn tất cả. Chỉ mong sao cho thân mạng nầy được sống còn, thì lo chi không có ngày gầy dựng nên cơ nghiệp. Tuy nhiên, vạn vật ở trên đời nếu đã có mang cái tướng hữu vi, tất phải có ngày bị hoại diệt. Đời người cũng thế, hễ có sanh là có tử; tuy nói trăm năm, nhưng mau như ánh chớp, thoáng qua tựa sương, như hoa hiện trong gương, như trăng lồng đáy nước, hơi thở mong manh, chứ nào có bền lâu? Phật tử chơn thuần nên luôn nhớ rằng khi sanh ra đã không mang theo một đồng, nên khi chết rồi cũng không cầm theo một chữ, suốt đời làm lụng khổ thân tích chứa của cải, rốt cuộc vô ích cho bản thân mình trước cái sanh lão bệnh tử. Sau khi chết di, của cải ấy liền trở qua tay người khác một cách phủ phàng. Lúc ấy không có một chút phước lành nào để cho thần thức nương cậy về kiếp sau, cho nên phải đọa vào tam đồ ác đạo. Cổ đức có dạy: “Thiên niên thiết mộc khai hoa dị, nhất thất nhơn thân vạn kiếp nan.” Nghĩa là cây sắt ngàn năm mà nay nở hoa cũng chưa lấy làm kinh dị, chớ thân người một khi đã mất đi thì muôn kiếp cũng khó mà tái hồi. Vì thế, Phật tử chơn thuần nên luôn nhớ những gì Phật dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó gặp. Được thân người, gặp Phật pháp, mà ta nở để cho thời gian luống qua vô ích, quả là uổng cho một kiếp người.”

60. Bốn Loại Người

Theo đạo Phật, có nhiều loại người. Người Lành (kiết nhơn, thiện nhơn). Người lành thuộc hàng thượng phẩm; hạng người nầy từ khi mới sanh ra cho đến khi khôn lớn, già chết, không cần ai dạy bảo cả mà người ấy vẫn luôn làm lành; đây là những bậc Thánh Nhân. Người lành thuộc hàng trung phẩm; hạng người nầy, trước cần được người nuôi dạy rồi sau đó mới biết làm lành; hạng người nầy gọi là bậc Hiền Nhân. Người thuộc hàng hạ phẩm; hạng người nầy, tuy là có được người dạy dỗ cẩn thận, mà cũng chẳng chịu làm việc thiện lành; đây là hạng Ác Ngu. Hạng người học rộng nghe nhiều, mà lại không bao giờ biết y theo các điều đã nghe học đó mà tu sửa và thực hành. Nếu người học rộng nghe nhiều mà trong tâm không có đạo, tất nhiên kiến văn quảng bác do đó mà sanh khởi ra tánh tự cao, xem thường những kẻ khác có sự hiểu biết chẳng bằng mình. Dần dần kết thành cái tội khinh mạn, và đưa đến việc bài bác tất cả mọi lý luận trái ngược với sở kiến của mình. Chính vì thế mà sanh ra tâm “Tăng Thượng Mạn,” nghĩa là mình không hay mà cho rằng mình hay, không giỏi mà cứ cho là giỏi, không chứng mà cho là chứng; từ đó không chịu tu sửa gì cả. Hơn nữa, nếu chỉ muốn nghiên cứu Phật pháp với mục đích biết để chơi hay biết để đem sự hiểu biết của mình đi chất vấn Thầy bạn, làm cho người chưa học tới cảm thấy lúng túng, không thể trả lời được, để từ đó cảm thấy tự mãn rồi cười chê, nhạo báng và tự cho mình là tài giỏi thì chẳng nên. Nếu người có kiến thức rộng rãi về Phật pháp, lại tiếp tục nghiên cứu giáo lý của đạo Phật với mục đích học hỏi để hướng thượng và hồi tâm tu hành theo Phật, nguyện có ngày xa lìa được bể khổ sông mê, để bước lên bờ giác, thí quý hóa vô cùng, vì trong tương lai chúng ta sẽ có thêm một vị Phật. Hạng người ngu dốt tối tăm, nhưng luôn xét mình là một kẻ phàm phu đầy tham sân si, cùng với vô số tội lỗi chất chồng trong quá khứ, hiện tại và vị lai, từ đó sanh lòng tàm quí, rồi phát nguyện tu tâm sửa tánh, sám hối, ăn năn, y theo lời Phật Tổ đã dạy mà hành trì, tu tập, như là tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, vân vân, cầu cho nghiệp chướng chóng được tiêu trừ, mau bước lên bờ giác trong một tương lai rất gần. Theo Kinh Phúng Tụng trong Trường Bộ Kinh, có bốn loại người: Loại người tự mình làm khổ mình và siêng năng làm khổ mình. Loại người làm khổ người khác và siêng năng làm khổ người khác. Loại người làm khổ mình, siêng năng làm khổ mình; làm khổ người, và siêng năng làm khổ người. Loại người không làm khổ mình, không siêng năng làm khổ mình; không làm khổ người, không siêng năng làm khổ người. Nên ngay cuộc sống hiện tại, vị nầy sống ly dục, tịch tịnh, thanh lương, an lạc thánh thiện.

Con người có nhiều loại bản tánh khác nhau; tuy nhiên, theo Phật giáo, có bốn loại. Thứ nhất là hạng người tự làm khổ lấy mình vì mù quáng thực hành tà đạo khổ hạnh. Thứ nhì là hạng người vì sự tàn bạo, bằng trộm cắp, hay bằng giết chóc làm khổ người khác. Thứ ba là hạng người làm khổ mình khổ người. Thứ tư là hạng chẳng những không làm khổ mình khổ người, mà ngược lại còn giúp người thoát khổ. Những người nầy do nhờ y nương theo Phật pháp tu tập, nên không tham sân si, không sát sanh trộm cắp; ngược lại họ có cuộc sống an lành tử tế với đủ đầy trí tuệ.

Lại có bốn loại người khác: Loại người hành tự lợi, không hành tha lợi. Đây là loại người chỉ phấn đấu loại bỏ tham, sân si cho chính mình, mà không khuyến khích người khác loại bỏ tham sân si, cũng không làm gì phúc lợi cho người khác. Loại người hành tha lợi, không hành tự lợi. Đây là loại người chỉ khuyến khích người khác loại bỏ nhược điểm và phục vụ họ, nhưng không tự đấu tranh để loại bỏ nhược điểm của chính mình (năng thuyết bất năng hành). Loại người không hành tự lợi, mà cũng không hành tha lợi. Đây là loại người không đấu tranh để loại bỏ nhược điểm của chính mình, cũng chẳng khuyến khích người khác loại bỏ nhược điểm, cũng không phục vụ người khác. Loại người hành tự lợi và hành tha lợi. Đây là loại người phấn đấu loại bỏ những tư tưởng xấu trong tâm mình, đồng thời giúp người khác làm điều thiện. Lại còn bốn hạng người khác nữa: Loại sống trong bóng tối và hướng đến bóng tối. Loại sống trong bóng tối, nhưng hướng đến ánh sáng. Loại người sống trong ánh sáng, nhưng hướng đến bóng tối. Loại sống trong ánh sáng và hướng đến ánh sáng. Lại còn bốn hạng người khác nữa: Hạng người không ai hỏi về cái tốt của mình mà cứ nói, huống hồ chi là có hỏi! Đây là lỗi tự khoe khoang mình, rất là tổn đức, chỉ có kẻ tiểu nhơn mới làm như vậy, chứ bậc đại trượng phu quân tử được khen cũng không cần ai công bố ra. Hạng người có ai hỏi đến cái tốt của người khác, thì chỉ ngập ngừng, bập bẹ như con nít mới học nói, huống hồ chi là không hỏi! Đây là lỗi dìm che điều tốt của người, để cho thấy mình tốt, lỗi nầy rất là tổn phước, chỉ có kẻ tiểu nhơn mới làm như vậy. Hạng người không ai hỏi đến cái xấu của kẻ khác, mà cứ nói, huống chi là có hỏi! Đây là lỗi giết hại người mà không dùng đao kiếm, rất là tổn hại, chỉ có kẻ âm hiểm ác độc mới làm như vậy. Hạng người có ai hỏi đến cái xấu của mình thì che dấu, huống là không hỏi! Đây là lỗi dối trá, xảo quyệt, lừa gạt cho người ta tưởng mình là bậc Thánh. Hạng người nầy được gọi là người không biết tàm quí.

Theo Kinh Thi Ca La Việt, Đức Phật nhắc nhở về bốn hạng người mà Phật tử không nên xem là bạn: “Thứ nhất, người mà vật gì cũng lấy phải được xem không phải là bạn, dầu họ tự xem là bạn mình. Nầy gia chủ tử, có bốn trường hợp người vật gì cũng lấy phải được xem như không phải là bạn, dầu họ tự xem là bạn mình: người gặp bất cứ vật gì cũng lấy; người cho ít mà xin nhiều; người vì sợ mà làm; và người làm vì mưu lợi cho mình. Thứ nhì, người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải là bạn, dầu họ tự xem là bạn mình. Này gia chủ tử, có bốn trường hợp người chỉ biết nói giỏi phải được xem như không phải là bạn: tỏ lộ thân tình việc đã qua; tỏ lộ thân tình việc chưa đến; mua chuộc cảm tình bằng sáo ngữ; nhưng khi có công việc, tự tỏ sự bất lực của mình. Thứ ba, người khéo nịnh hót phải được xem không phải là bạn, dầu họ tự xem là bạn mình. Này gia chủ tử, có bốn trường hợp kẻ nịnh hót phải được xem như không phải là bạn: đồng ý các việc ác; không đồng ý các việc thiện; trước mặt tán thán; sau lưng chỉ trích. Thứ tư, người tiêu pha xa xỉ phải được xem không phải là bạn, dầu họ tự xem là bạn mình. Này gia chủ tử, có bốn trường hợp người tiêu pha xa xỉ phải được xem như không phải là bạn, dầu họ tự cho là bạn của mình: là bạn khi mình đam mê các loại rượu; là bạn khi mình du hành đường phố phi thời; là bạn khi mình la cà đình đám hý viện; là bạn khi mình đam mê cờ bạc.”

Cũng theo Kinh Thi Ca La Việt, Đức Phật nhắc nhở về bốn hạng người mà Phật tử nên xem là bạn trung kiên: “Thứ nhất, người bạn giúp đở phải được xem là bạn chân thật. Này gia chủ tử, có bốn trường hợp , người bạn giúp đở phải được xem là bạn chân thật: che chở cho bạn khi bạn vô ý phóng dật; che chở của cải cho bạn khi bạn vô ý phóng dật; là chỗ nương tựa cho bạn khi bạn sợ hãi; khi bạn có công việc sẽ giúp đở của cải cho bạn gấp hai lần những gì bạn thiếu. Thứ nhì, người bạn chung thủy trong khổ cũng như vui phải được xem là bạn chân thật. Này gia chủ tử, có bốn trường hợp người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là người bạn chân thật: nói cho bạn biết điều bí mật của mình; giữ gìn kín điều bí mật của bạn; không bỏ bạn khi bạn gặp khó khăn; dám hy sinh thân mạng vì bạn. Thứ ba, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là bạn chân thật. Này gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là bạn: ngăn chận bạn không cho làm điều ác; khuyến khích bạn làm điều thiện; cho bạn nghe điều bạn chưa nghe; cho bạn biết con đường lên cõi chư Thiên. Thứ tư, người bạn có lòng thương tưởng phải được xem là bạn chân thật. Này gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật: không hoan hỷ khi bạn gặp hoạn nạn; hoan hỷ khi bạn gặp may mắn; ngăn chận những ai nói xấu bạn; khuyến khích những ai tán thán bạn.”