GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP HAI

Bài 5
BA KHỔ – TÁM KHỔ

Ba cõi không an ổn, đau khổ dẫy đầy. Không phải chỉ riêng thế giới Ta-bà(1) của chúng ta mới như thế, mà tất cả các quốc độ trong khắp mười phương, chỉ trừ quốc độ của chư Phật, còn thì đều giống nhau một tình trạng như vậy cả. Chúng sinh ở nơi đây lấy khổ làm vui, không nghĩ đến việc rời bỏ, cho nên Phật đã nói pháp Tứ Đế, trước hết đề cập đến sự đau khổ; khiến cho biết khổ mới lo trừ nguyên nhân của khổ; muốn đạt niết bàn mà lo tu tập chánh đạo. Cả ngàn đức Phật ra đời, đều một lệ như vậy.

Các kinh nói đến khổ, có nhiều phẩm loại khác nhau, như: hai khổ1, ba khổ2, bốn khổ3, năm khổ4, tám khổ, mười khổ5, một trăm khổ6. Thật ra, trong đời ác với năm thứ dơ bẩn, thì không một việc gì là không phải khổ, phẩm loại rất nhiều, ngôn từ không thể nói hết được. Không cần nói đến ba đường dữ làm gì, chỉ nói về cõi Người mà thôi. Chúng ta, ai cũng phải trải qua bốn hoàn cảnh khổ đau của một kiếp người, mà chỉ cần nói đến một sự “sinh khổ” thôi, là đã sợ đến biến sắc! Rồi đây, còn ba sự khổ ác liệt hơn nữa, là già, bệnh và chết, sẽ chồng chất lên thân chúng ta; vậy nên phải vượt ra khỏi ba cõi để dứt tuyệt cội rễ của khổ đau.

“Khổ đế” là sự thật quan yếu đầu tiên trong Bốn Sự Thật, không thể không nói tới. Nay hãy xin tạm đề cập đến những sự khổ hết sức phổ thông, đó là “ba khổ” và “tám khổ”; tuy đó chỉ như một muỗng nước7 trong biển cả, nhưng cứ nếm thử muỗng nước này thì tức khắc biết được cái vị của nước trong toàn biển cả. Nghe một biết mười, là cơ cảm vốn có sẵn nơi chư vị học giả vậy.

BA KHỔ là đối với “ba thọ” mà nói. Các lãnh vực cảm thọ của chúng sinh ở trong sáu đường, không ra ngoài ba loại: cảm thọ khổ, cảm thọ vui và cảm thọ không khổ không vui; và cả ba loại thọ này, hết thảy đều là KHỔ. Những cảm thọ đau khổ như đói khát, đau đớn, lạnh buốt, nóng bức, nghèo khó, bệnh tật v.v…, khi thân tâm thọ nhận chúng liền sinh ra đau khổ; đó là “khổ khổ”(2). Những cảm thọ vui sướng như giàu sang, sống lâu, hoa đẹp, trăng tròn v.v…, khi cảnh vui đã hết liền sinh ra đau khổ; đó là “hoại khổ”(3). Những cảm thọ không khổ không vui, tuy không phải là khổ, nhưng ở ngoại giới thì bốn tướng(4) biến đổi luôn luôn8, nội tâm thì các tư tưởng tiếp nối nhau không dứt; đó là “hành khổ”(5). Cõi Dục đầy đủ cả ba loại khổ; cõi Sắc chỉ có hai loại là hoại khổ và hành khổ; còn cõi Vô-sắc thì chỉ có một loại duy nhất là hành khổ.

TÁM KHỔ gồm có: 1) Sinh khổ: Ở trong bào thai như bị giam trong tù ngục; ra khỏi bào thai như chui qua kẽ hở; đó là nỗi khổ của sự sinh.(6) 2) Lão khổ: Mắt mờ, tai điếc, tinh thần suy kém, thể chất yếu đuối; đó là nỗi khổ của tuổi già. 3) Bệnh khổ: Bốn yếu tố không điều hòa9, mặt vàng, mình gầy; đó là nỗi khổ của bệnh tật. 4) Tử khổ: Bệnh tật hại chết, nước lửa làm cho mất mạng; đó là nỗi khổ của sự chết. 5) Ái biệt li khổ: Cốt nhục(7) chia lìa để cho hồn mộng vấn vương; đó là nỗi khổ của những người yêu thương nhau mà phải xa cách nhau. 6) Oán tắng hội khổ: Kẻ thân quyến độc ác phá nát cửa nhà, những người cừu địch của nhau lại gặp nhau; đó là nỗi khổ của sự oán ghét mà gặp mặt. 7) Cầu bất đắc khổ: Mưu tìm những thứ như danh vọng, quyền lợi, ái tình, khoái lạc v.v…, nhưng không toại nguyện; đó là nỗi khổ của sự mong cầu mà không được. 8) Ngũ ấm xí thạnh khổ: Tác dụng của năm ấm(8) nổi lên hừng hực, che lấp chân tính, khiến cho chết10 thân này lại phải sinh thân khác; đó là nỗi khổ của năm ấm hừng hực. Nỗi khổ sau cùng là nguyên nhân của bảy nỗi khổ trước.

Nếu xét mối liên hệ giữa tám khổ và ba khổ, thì ba nỗi khổ sinh, oán tắng hội và cầu bất đắc, thuộc về khổ khổ; nỗi khổ ái biệt li thuộc về hoại khổ; ngũ ấm xí thạnh thuộc về hành khổ; còn ba nỗi khổ lão, bệnh và tử thì thuộc cả khổ khổ hoại khổ.

 

CHÚ THÍCH

1. Hai khổ: 1) Khổ bên trong, có hai loại: mọi tật bệnh làm cho thân khổ; lo âu, phiền muộn, ghen ghét, hận thù, v.v… làm cho tâm khổ. 2) Khổ ở ngoài, cũng có hai loại: một là trộm cướp, giặc giã, ác thú, v.v… làm hại; hai là gió, mưa, lạnh, nóng, v.v… gây tai họa.

2. Ngoại trừ khổ khổ, hoại khổ và hành khổ được nêu ra trong bài này, còn có hai thuyết khác nói về ba khổ: Một thuyết nói rằng, những nỗi khổ mà thân tâm thọ nhận, gọi là “y nội khổ” (khổ từ bên trong mình); những nỗi khổ mà người và vật bị hại, gọi là “y ngoại khổ” (khổ từ ngoại giới gây nên); những nỗi khổ về gió, tuyết, lũ, hạn, gọi là “y thiên khổ” (khổ do thiên nhiên). Một thuyết nói rằng, tất cả chúng sinh đều có ba sự khổ về thân là già, bệnh và chết; ba sự khổ về tâm là tham, sân và si; và ba sự khổ chờ sẵn cho đời sau là địa ngục, ngạ quỉ và súc sinh.

3. Bốn khổ là sinh, già, bệnh và chết.

4. Năm khổ: tức bốn sự khổ vừa kể trên, cộng thêm sự khổ về tù ngục. Người vi phạm pháp luật phải chịu hình phạt, bị gông cùm, không được tự do; đó là một nỗi khổ.

5. Mười khổ: Bốn sự khổ về sinh, già, bệnh, chết, cộng thêm: buồn rầu, oán hận, khổ thọ, lo lắng, bực tức, và lưu chuyển trong sinh tử.

6. Hai mươi lăm hữu (tức ba cõi) đều có bốn tướng hữu vi là sinh, trụ, dị, và diệt. Sinh trụ dị diệt tức là vô thường, mà vô thường là khổ; cho nên tổng cộng có tất cả là một trăm sự khổ.

7. “Chước” là một loại đồ dùng để uống nước thời xưa, hình dáng giống như cái muỗng canh.

8. Bốn tướng sinh, trụ, dị, và diệt biến đổi không ngừng. Cái này diệt thì cái kia sinh; cái này sinh thì cái kia diệt.

9. Bốn yếu tố không điều hòa, tức là đất, nước, gió, lửa trong thân thể con người trở nên bất ổn, thì sinh bệnh; cho nên thuật ngữ “tứ đại bất điều” chính là cách nói khác của từ “sinh bệnh”.

10. Thuật ngữ “xả khí báo thân” (bỏ báo thân này) là cách nói khác của từ “tử” (chết).

 

PHỤ CHÚ

1. “Ta-bà” là dịch âm từ chữ Phạn “saha”, dịch ra Hán ngữ là nhẫn, kham nhẫn, hay nhẫn độ; chỉ cho thế giới Ta-bà (Saha-lokadhatu), nơi đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời hóa độ chúng sinh, mà giáo pháp của Ngài hiện còn đang truyền bá rộng rãi. Chúng sinh ở thế giới này đa phần làm mười điều ác, cam chịu bao nhiêu đau khổ do vô minh phiền não hành hạ, mà không có ý muốn thoát li; đó là ý nghĩa của chữ “nhẫn”, tức là chịu đựng. Mặt khác, đức Phật và chư vị Bồ-tát ở thế giới này, trong công cuộc hành đạo để cứu độ chúng sinh, cũng phải chịu đựng nhiều khổ não để tỏ rõ đức vô úy và tâm từ bi; có thế mới đem lại lợi lạc cho chúng sinh một cách hữu hiệu; đó cũng là ý nghĩa của từ “kham nhẫn”. Ngoài ra, thế giới Ta-bà cũng được hiểu là nơi có ba đường dữ, có năm loài Trời, Người, Bàng-sinh, Ngạ-quỉ, và Địangục cùng ở chung lộn với nhau. Từ “Ta-bà” nguyên được dùng chỉ cho châu Diêm-phù-đề, nơi cư trú của con người chúng ta, nhưng về sau nó được dùng để chỉ rộng ra cả một “ba ngàn đại thiên thế giới”, tức là toàn thể phạm vi giáo hóa của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

2. Khổ khổ: tức là nhiều nỗi khổ chồng chất lên nhau. Thân tâm con người vốn đã là khổ, lại còn bị vô vàn nỗi khổ khác (như bệnh tật, đói khát, gió bão, mưa lụt, giá lạnh, nóng bức, hiếp đáp, lăng nhục, hành hạ, chiến tranh, v.v…) làm cho khổ thêm; cho nên gọi là “khổ khổ”.

3. Hoại khổ: tức là sự hoại diệt làm cho khổ. Những người ta thương yêu mà mất đi, những vật ta ưa chuộng mà hư nát, đều làm cho ta đau khổ. Những thú vui, lúc ta đang hưởng thụ thì cảm thấy rất vui, nhưng khi những thú vui ấy tàn thì ta thấy tiếc nuối, nhớ nhung, buồn phiền, đau khổ. Ngay như bốn yếu tố (đất, nước, gió, lửa) trong thân ta, lúc không được điều hòa, cũng làm ta đau khổ. Những nỗi khổ như thế gọi là “hoại khổ”.

4. Bốn tướng ở đây là nói về bốn tướng trạng hiển bày sự chuyển biến sinh diệt của các pháp hữu vi. Đối với các loài hữu tình, bốn tướng trạng đó là: sinh, già, bệnh, và chết. Đối với các loài vô tình, bốn tướng đó là sinh (sản sinh, tạo thành), trụ (tồn tại), dị (biến đổi tính chất, hình dáng), và diệt (tiêu hủy). Đối với thế giới, bốn tướng đó là: thành (hình thành), trụ (tồn tại), hoại (suy tàn), và không (tiêu diệt).

5. Hành khổ: Chữ “hành” ở đây có nghĩa là sự trôi chảy, biến đổi và sinh diệt của vạn vật. Mọi pháp hữu vi trong vũ trụ đều do duyên sinh, luôn luôn trôi chảy, trải qua quá khứ, hiện tại và vị lai, không có giây phút nào được yên ổn. Bản chất của vạn pháp vốn là vô thường, không có tự ngã, luôn luôn biến đổi, sinh diệt, không chân thật. Điều đó làm cho ai thấy cũng sinh buồn phiền đau khổ.

6. Chữ “sinh” không phải chỉ có nghĩa là sinh ra đời, mà còn có nghĩa là đời sống. Vì vậy, từ “sinh khổ” cũng còn được hiểu là những đau khổ mà con người phải gánh chịu trong cuộc tranh đấu để sống còn trong suốt cuộc đời. Sự làm lụng vất vả, gian nan, nguy hiểm; những suy nghĩ, lo toan, phiền muộn; những áp bức, tra tấn, hành hạ, lăng nhục, chém giết, tù ngục, v.v…; tất cả những nỗi bi thảm, đau khổ cùng cực đó đều là “sinh khổ”.

7. Cốt nhục: ruột thịt, máu mủ, chỉ cho những người có quan hệ huyết thống trong gia đình, đó là cha mẹ con cái, anh chị em ruột.

8. Năm ấm: tức năm uẩn. Chữ Hán “ấm” có nghĩa là che khuất, ngày xưa được các nhà “cựu dịch” dùng để dịch chữ Phạn “skandha”; vì quan niệm rằng, năm thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức che lấp chân tính, làm cho chúng sinh trôi lăn trong sinh tử luân hồi, cho nên năm thứ ấy được gọi là “năm ấm”. Nhưng chữ “skandha” cũng còn có nghĩa là chứa nhóm, và các nhà “tân dịch” quan niệm rằng, năm yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức vốn không có tính che lấp, mà chúng chỉ tích tụ lại, hòa hợp lại để làm nên thân tâm con người; vì vậy, chữ Phạn “skandha” đã được dịch lại là “uẩn” (có nghĩa là tích tụ). Quan niệm này rất hợp lí. Xem như đức Phật, thân tâm của Ngài cũng do năm yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức hòa hợp tạo nên, nhưng chúng có che lấp chân tính của Ngài đâu! Cho nên, che lấp hay không che lấp, đều do bởi chính con người, không phải do bản chất của năm yếu tố ấy. Dù vậy, do thói quen, ngày nay hai từ “ngũ ấm” và “ngũ uẩn” vẫn được dùng song hành.

 

BÀI TẬP

 

1) Phật nói pháp Tứ Đế, vì sao lấy “khổ đế” làm đầu?

2) Hai khổ là gì?

3) Sao gọi là “y nội khổ”? “Y ngoại khổ”? “Y thiên khổ”?

4) Những gì là ba thứ khổ của thân; ba thứ khổ của tâm; ba thứ khổ ở đời sau?

5) Ba cảm thọ là gì? Ba cảm thọ sinh ra ba loại khổ như thế nào?

6) Cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô-sắc, mỗi cõi có những loại khổ nào trong ba khổ?

7) Tám khổ gồm những gì? Trong đó, cái khổ nào là nhân, cái khổ nào là quả?

8) Mối liên hệ giữa tám khổ và ba khổ như thế nào? (Thử vẽ một đồ biểu để chỉ rõ mối liên hệ đó.)