GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

 

CẤP HAI

Bài 3
Bài Văn “RĂN SÁT SINH và KHUYÊN PHÓNG SINH”
Đại sư Liên Trì1 (đời Minh)(1) soạn

Từng nghe: Điều quan trọng nhất ở thế gian là mạng sống, điều thê thảm nhất trong thiên hạ là giết hại. Bởi vậy, chí rận2 còn biết sợ chết, đụng đến liền chạy trốn; dế kiến3 cũng biết ham sống, sắp mưa lo dời đi. Vậy tại sao lại gài bẫy trên non, giăng lưới4 dưới vực, tìm mọi cách bủa vây? Nơi bằng phẳng thì dùng tên bắn, chỗ khúc khuỷu thì dùng lưỡi câu, nghĩ trăm phương lùng bắt? Khiến cho muôn loài mật vỡ hồn bay, mẹ con li tán; hoặc bị nhốt trong lồng, cũi, có khác gì ở tù5; hoặc bị chết bởi thớt6, dao, cũng đồng như lóc thịt7. Nai thương con, liếm vết thương mà ruột đứt từng đoạn8; vượn sợ chết, nhìn bóng cung mà lệ nhỏ đôi hàng9. Ỷ mình mạnh mà lăng nhục kẻ yếu, về lí lẽ e không thích đáng; ăn thịt loài khác để bồi bổ thân ta, lòng yên được sao?

Do vậy, trời cao10 rủ lòng thương xuống, bậc thánh đời xưa thể hiện đức nhân, Thành Thang(2) mở lưới11, Tử Sản(3) nuôi cá12. Lưu Thủy(4) thật là bậc thánh, dùng túi đựng nước suối đổ chỗ đất khô13; Thích Ca đúng đấng từ bi, cắt thịt mình thay cho loài sắp bị hại14. Trí Giả(5) ở Thiên-thai, đào ao phóng sinh15; tiên nhân nơi đại thọ, ngồi yên cho chim đậu16. Thọ thiền sư(6) mua cá tôm phóng sinh mà được độ, gương nhân ái để lại vẫn còn17; Tôn chân nhân(7) cứu rồng con mà được truyền nghề y, phong cách từ bi chưa tiêu mất18.

Một lần cứu sống bầy kiến, vị sa di đã chuyển số kiếp ngắn ngủi của mình thành mạng sống dài lâu19; kẻ thư sinh đã đổi danh phận thấp hèn của mình thành địa vị trên trước20. Một lần thả rùa, Mao Bảo đang lúc lâm nguy mà được thoát nạn21; Khổng Du ở chức quan nhỏ mà được phong hầu22. Khúc sư thả cá chép ở thôn Nguyên, mạng sống được tăng thêm một kỉ23; Tùy hầu cứu rắn ở đất Tề, ngọc báo đáp giá đáng ngàn vàng24. Người nấu rượu, do cứu vớt những con ruồi chìm, mà sau được khỏi án tử hình25; bà làm bếp, nhờ thả con ba ba sắp bị nấu, mà sau thoát được cơn bịnh ngặt26. Ông Trương đề hình mua súc vật ở lò sát sinh đem thả, sau khi chết được sinh lên trời27; ông Lí Cảnh Văn mua cá ở thuyền đánh cá thả xuống nước, sau giải được chất độc của thuốc đan sa28. Tôn Lương Tự giải được cái nguy cung tên, lúc chết được bầy chim chôn cất29; Phan huyện lệnh ra lệnh cấm nơi sông hồ, lúc nghỉ việc, loài thủy tộc kêu khóc bi thương30. Tín đại sư trừ được lệ cúng tế sinh vật của người dân, trời đổ mưa lành31; Lục Tổ(8) giữ lưới cho bọn thợ săn, đạo được lan truyền khắp nước32. Chim sẻ hiến vòng ngọc đền ơn33; con chồn xuống giếng trao pháp thuật34. Cho đến sắp chết được cứu mạng, bám vào vách mà nghe kinh35; nơi khốn khó, vì cầu được sống, bèn hiện làm người áo vàng báo mộng36.

Bố thí đều có quả báo, việc đó không phải là không bằng chứng37, đều có chép trong sử sách38, ai cũng có thể biết rõ. Khắp nguyện, tùy loài vật thấy được, nên phát tâm từ bi, vất bỏ của cải không chắc chắn39, làm các việc phương tiện(9), hoặc thi ân cho nhiều mạng sống, âm đức càng tích tụ nhiều40; dù giúp đỡ chỉ một con vật, cũng vẫn là việc thiện. Nếu ngày ngày tăng thêm thì tháng tháng tích lũy, do thi hành rộng rãi mà phước đức chất cao; lòng từ đầy khắp loài người, tên tuổi rạng nơi thiên phủ41. Oán chướng sạch không, phúc tụ nhiều ở đời này42; thiện căn vun bồi, phước báo trải sang kiếp khác43. Nếu44 lại tụng45 kinh niệm Phật để giúp sức thêm, rồi hồi hướng cho tất cả được vãng sinh về Tây-phương, khiến cho muôn loài thoát khỏi các con đường ác46, thì tâm chứa càng lớn, đức trồng càng sâu; đạo nghiệp nhờ đó mà chóng thành, chắc chắn sẽ sinh lên tòa sen thượng phẩm47.

 

CHÚ THÍCH

1. Đại sư Liên Trì, người đời Minh, họ Thẩm, húy Châu Hoằng, hiệu Liên Trì. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài xuất gia và thọ giới cụ túc với hòa thượng Tánh Thiên. Sau đó, ngài đi khắp nơi tham học; nhân lên núi Ngũ-đài chiêm bái, ngài cảm nhận được ánh sáng của đức Bồ-tát Văn Thù. Ngài trú tại chùa Vân-thê ở Hàng-châu. Cư dân trên núi từng khốn khổ vì nạn cọp beo, ngài dốc lòng tụng kinh, thí thực, do đó mà nạn được tiêu trừ. Gặp năm hạn hán, ngài đã men theo bờ ruộng mà niệm Phật; đi đến đâu thì mưa theo đến đó. Do đó mà công việc giáo hóa của ngài được hiệu quả lớn, kiến tạo tùng lâm, khuyên người niệm Phật. Ngài trước thuật nhiều, viên tịch năm 81 tuổi. Bản văn viết theo thể biền ngẫu bốn sáu, âm điệu vang vang; đối với sự “răn sát sinh và khuyên phóng sinh” thì tận tình chí lí, khiến người đọc phải động lòng trắc ẩn, khởi niệm từ bi, đáng để học thuộc lòng.

2. Chí rận là loại ấu trùng.

3. Loài dế, loài kiến, ý nói là vật nhỏ mọn.

4. Một loại lưới.

5. Chốn lao tù.

6. Dao và thớt, chỉ cho những dụng cụ giết hại.

7. Hình phạt lăng trì thuở xưa (lóc da, xẻ thịt tội nhân).

8. Hứa chân quân tên là Tốn, người ở đất Nhữ-nam, đời Tấn. Thiếu thời thích săn bắn. Một hôm ông bắn trúng một con nai con, nai mẹ liền liếm vết thương, nhưng rốt cuộc nai con không sống được, và nai mẹ cũng chết theo. Ông lấy làm kì quái, nai mẹ không bị thương, cớ sao lại chết? Ông mổ bụng nai mẹ để xem, thấy ruột nó bị đứt ra từng đoạn, mới biết rằng, vì thương con mà nai mẹ đứt ruột chết theo. Ông quá cảm động và hối hận, bèn bẻ gẫy cung tên, vào núi tu đạo. Về sau cả nhà đều được lên tiên. Hai câu này dùng để chứng thật ý “mẹ con li tán” ở trên.

9. Vua nước Sở đi săn, thấy một con vượn trắng lớn, có thể bắt được mũi tên đang bay. Vua bèn bảo Dưỡng Do Cơ bắn. Cơ đến, con vượn liền rơi lệ; bởi vì, Cơ vốn có tài bắn cung như thần, mũi tên bay đến, tay không thể nào bắt kịp. Vượn tự biết chắc chắn phải chết, chỉ còn biết chảy nước mắt. Hai câu này dùng để chứng thật ý “mật vỡ hồn bay” ở trên.

10. Nguyên khí của trời vô cùng rộng lớn, cho nên gọi là “hạo thiên”.

11. Vua nhà Thương là Thành Thang đi ra ngoài thành, thấy người thợ săn bủa lưới bốn mặt, và khấn rằng: Những con vật từ trên trời bay xuống, từ dưới đất chui lên, từ bốn phương kéo đến, tất cả hãy vào lưới của ta. Nhà vua bèn mở bỏ ba mặt, chỉ để lại một mặt, lại khấn rằng: Con vật nào muốn chạy ra bên trái thì cứ chạy ra bên trái, muốn chạy ra bên phải thì cứ chạy ra bên phải, muốn bay lên trời thì cứ bay lên trời, muốn chui xuống đất thì cứ chui xuống đất, còn không muốn sống nữa thì hãy vào lưới của ta. Chư hầu nghe thế thì tán thán rằng: Lòng nhân đức của vua Thang trải rộng đến loài cầm thú, như thế là cùng tột rồi!

12. Tử Sản là biệt hiệu của đại phu Công-tôn Kiều, nước Trịnh, thời Xuân Thu. Có người biếu cho ông một con cá sống. Ông sai người thả vào ao để nuôi. Điều đó chứng tỏ Nho giáo cũng dạy phóng sinh, nhưng không triệt để.

13. Kinh Kim Quang Minh chép: Trưởng giả Lưu Thủy, đi đường thấy một đàn cá rất đông, ở chỗ nước gần cạn hết, sắp chết. Ông bèn dùng túi đựng nước đổ xuống, nhờ đó mà cá thoát chết. Ông lại nói pháp cho chúng nghe. Sau khi mạng sống đã hết, cả đàn cá ấy đều được sinh lên cõi trời.

14. Đức Thích Tôn, ở một kiếp xa xưa khi còn tu hạnh Bồ-tát, một hôm có con chim ưng đuổi bắt chim bồ câu, bồ câu liền chui vào mình Ngài trốn nạn. Chim ưng nói: Ngài cứu mạng nó nhưng lại để cho tôi bị chết đói sao? Ngài bèn cắt thịt ở tay mình đền cho chim ưng ăn. Nó lại nói: Thịt bồ câu non mềm, thịt ngài già rồi, tôi không muốn ăn. Ngài lại cắt thịt chỗ khác cho chim ưng; cắt mãi cho đến lúc thịt mình sắp hết, mà vẫn không có miếng nào bằng thịt con bồ câu. Bấy giờ chim ưng hỏi: Ngài có thấy hối hận không? Ngài trả lời: Ta không có một mảy may nào hối hận. Nếu lời nói này của ta là chân thật, hãy khiến cho toàn thân ta có thịt trở lại. Ngài nói lời ấy xong, toàn thân đầy thịt lại như cũ. Chim ưng bèn hóa thành trời Đế Thích, đảnh lễ và tán thán Ngài.

15. Đại sư Trí Khải ở núi Thiên-thai, được vua Tùy Dạng đế ban tặng hiệu là Trí Giả. Ngài từng đào ao phóng sinh, khuyên mọi người lập hạnh phóng sinh. Trong niên hiệu Càn-nguyên nhà Đường, vua xuống chiếu cho quốc dân đào 81 ao phóng sinh, Nhan Chân Khanh lập bia. Trong niên hiệu Thiên-hi, Vương Khâm Nhược tâu vua lấy hồ Tây ở Hàng-châu làm ao phóng sinh, vua thuận. Như vậy, việc phóng sinh đã thịnh hành từ các đời Đường, Tống.

16. Xưa có vị tiên ngồi nhập định dưới một cây đại thọ. Khi xuất định thì thấy có con chim đang đậu trong lòng mình. Vì sợ làm kinh động con chim, ông bèn ngồi im, không dám nhúc nhích. Đợi cho chim bay đi rồi, ông mới đứng dậy. Lòng từ đối với loài vật, đến như thế là cùng!

17. Người chết rồi mà lòng nhân ái còn để lại cho đời sau, gọi là “di ái”. Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ, khi chưa xuất gia, làm người giữ kho cho huyện Dư-hàng. Ông ăn cắp tiền của huyện nhiều lần, mua cá tôm đem phóng sinh. Sau bị phát giác, theo luật pháp, ông bị án tử hình. Ngô Việt vương nghe biết việc ông phóng sinh, bèn bí mật cho người lén quan sát thái độ của ông lúc sắp thọ hình. Thấy ông không tỏ vẻ gì lo buồn hay sợ hãi, người đó hỏi vì sao vậy, ông trả lời: “Tiền của kho, tôi đã không tiêu một xu nào cho riêng mình, mà tất cả đều để mua và phóng sinh cho vô số mạng sống. Nay tôi chết, nhất định sẽ sinh về thế giới Cực-lạc, cho nên lòng rất vui.” Vua nghe được lời ấy, bèn tha tội. Sau đó ông xuất gia, trở thành vị tổ thứ hai của tông Pháp Nhãn.

18. Tôn Tư Mạc là một vị ẩn sĩ đời nhà Đường. Ông người Hoa-nguyên, thông suốt các học thuyết đương thời, nhưng tinh tường nhất về Lão Trang, cùng các khoa âm dương, y duợc và thiên văn. Một ngày nọ đi đường, thấy một em bé xách một con rắn sắp chết, ông liền mua con rắn ấy thả xuống nước. Sau đó ông được long vương mời xuống long cung, nói rằng: “Hôm qua con trẻ đi chơi gặp nạn, nếu không được tiên sinh cứu giúp thì chắc là chết rồi!” Liền đem châu báu tạ ơn. Ông từ chối không nhận, nói rằng: “Tôi nghe ở long cung có nhiều phương thuốc thần diệu, vậy cho tôi xin để cứu giúp người đời.” Long vương bèn lấy ra tặng 36 phương cỏ ngọc. Từ đó ông trở thành một vị danh y. Về sau ông chứng đạo tiên, mất lúc trên trăm tuổi. Ông có viết bộ sách Thiên Kim Phương, gồm 93 quyển, truyền lại ở đời.

19. Xưa có một chú sa di nhỏ tuổi. Thầy của chú là một vị sư đắc đạo. Hôm đó, vị sư biết trước chú chỉ còn sống có bảy ngày, bèn cho phép chú về nhà thăm mẹ, bảo rằng: Quá bảy ngày hãy trở lại chùa – vì ý sư muốn chú được chết ở nhà. Quá bảy ngày, chú trở về chùa. Thấy chú, vị sư lấy làm ngạc nhiên lắm: Vì sao chú này chưa chết? Sư bèn nhập định để xét xem chú sa di đã có những hành động gì. Sư thấy rõ, trên đường về nhà, chú thấy một bầy kiến bị nước cuốn trôi, đã lấy cây sào tre vớt chúng lên bờ cứu sống. Nhân công đức đó mà thọ mạng được kéo dài thêm.

20. Hai anh em Tống Giao và Tống Kì cùng lên đường đi thi, thấy một bầy kiến bị chìm dưới nước, bèn lấy tre bắc cầu cho chúng bò vào bờ. Sau đó gặp một vị tăng người Hồ. Thấy họ, vị tăng giật mình hỏi: “Hình như quí vị từng cứu sống vài trăm vạn mạng thì phải?” Tống Giao đáp: “Bần nho làm gì có khả năng đó!” Vị tăng nói: “Ý tôi muốn nói, hễ có đời sống thì đều gọi là mạng”. Giao bèn thuật lại việc cứu bầy kiến. Vị tăng nói: “Thế thì đúng rồi. Khoa này lịnh đệ sẽ đỗ trạng nguyên, nhưng công danh của ngài cũng không đứng dưới lịnh đệ đâu.” Quả nhiên, khoa đó Kì đỗ đầu, mà Giao cũng trúng tuyển. Nhưng triều đình xét rằng, em không thể đứng trên anh, cho nên đổi cho Giao đứng đầu, còn Kì thì hạng thứ mười. Lời nói của vị tăng quả có hiệu nghiệm.

21. Mao Bảo thuở còn hàn vi, từng mua một con rùa rồi thả cho đi. Sau làm tướng, bại trận, nhảy xuống nước thoát thân, bèn cảm thấy có vật gì đỡ dưới chân, đưa thẳng sang bờ bên kia. Ông nhìn lại thì hóa ra là con rùa mà mình đã phóng sinh ngày trước.

22. Khổng Du vốn là một quan chức nhỏ, cũng đã từng phóng sinh một con rùa. Rùa nổi lên mặt nước, ngoảnh đầu lại nhìn Du mấy lần rồi mới lặn xuống nước. Sau, vì có công mà ông được phong hầu. Khi đúc ấn, cái quai ấn khắc hình con rùa, và tự nhiên, đầu con rùa quay lại ngó ra sau. Người thợ bỏ đi, đúc lại mấy lần, đầu rùa nơi cái khuôn vẫn hướng thẳng phía trước, nhưng đầu rùa trên chiếc ấn cứ quay ngó ra sau. Viên quan trông coi việc đúc ấn kinh dị vô cùng, liền đi báo cho ông biết. Ông bỗng nhớ lại lúc thả con rùa, nó ngoái đầu ngó lại ông mấy lần. Thì ra, việc ông được phong hầu chính là quả báo của hành động phóng sinh.

23. Khuất sư ở thôn Nguyên, mua một con cá chép màu đỏ phóng sinh, sau nằm mộng thấy được long vương mời vào cung, nói rằng: “Tuổi thọ của ngài đã hết, nhưng vì đã cứu sống con rồng, nên được sống thêm một kỉ.” – Tức 12 năm.

24. Tùy là tên một tiểu quốc thời Xuân Thu. Vua của nước đó có tước hầu, cho nên gọi là “Tùy hầu”. Tùy hầu đi sang nước Tề, trên đường, thấy một con rắn bị khốn giữa bãi cát nóng, đầu chảy máu, bèn lấy gậy khều lên, bỏ xuống nước, rồi tiếp tục đi. Sau khi về nước, con rắn kia ngậm một hột châu rất lớn, đem đến chỗ ông, tặng để đền ơn.

25. Một người thợ nấu rượu, tính nhân từ, mỗi khi có ruồi nhặng rơi vào rượu, liền vớt ra để vào chỗ khô ráo, lấy tro ủ trên mình để thấm cho khô nước. Làm vậy, ông đã cứu sống lũ ruồi nhặng rất nhiều. Sau ông bị người vu cáo cho tội ăn trộm, phải bị hình phạt. Khi vị chủ hình sự cầm bút viết bản án ấy, một con nhặng bay đến đậu vào đầu ngòi bút. Đuổi nó bay đi, nó liền quay lại đậu vào đầu ngòi bút như cũ, khiến cho không tài nào viết được chữ gì. Cuối cùng, ông chủ hình sự sinh nghi có điều gì oan khuất, bèn cho gọi ông lên tra xét lại. Quả nhiên, ông đã bị người ta vu cáo tội ăn trộm, liền được phóng thích.

26. Có hai vợ chồng người họ Trình, rất thích ăn thịt ba ba. Một hôm được con ba ba rất lớn, bảo chị ở làm thịt nấu ăn. Nhưng chị ở trông thấy bất nhẫn, bèn tự ý đem ba ba thả xuống ao. Khi hai vợ chồng kia hỏi món ăn ba ba, chị ở trả lời là đã vô ý làm sổng, nó chạy mất rồi; liền bị đánh đập đau đớn. Sau, chị ở bị nhiễm bệnh dịch, sắp chết, người nhà khiêng để nơi nhà thủy tạ. Đêm ấy có con vật từ dưới nước trồi lên, lưng chở bùn ướt, bôi lên mình chị, nhờ đó mà hơi nóng hạ xuống, chất độc được giải, bệnh giảm. Chủ nhân hỏi, bấy giờ chị mới nói ra sự thật. Chủ không tin, đêm đến núp sau nhà thủy tạ rình xem, mới biết con ba ba được thả ngày trước, bây giờ đến báo ân. Cả nhà cảm động, từ đó tự răn nhau không bao giờ ăn thịt ba ba nữa.

27. Đề hình là chức quan đời Tống, chuyên tra xét những vụ tố tụng, làm sáng tỏ những điều khúc mắc. Có quan đề hình họ Trương, thường đến các lò sát sinh, mua những súc vật còn sống thả đi, khỏi bị giết. Về sau, lúc lâm chung, ông nói với người nhà: “Ta nhờ phóng sinh mà có nhiều phước đức. Nay thiên chúng đến đón ta lên trời.” Nói xong, an nhiên nhắm mắt.

28. Lí Cảnh Văn tin thuyết thần tiên, thường chưng nấu đơn sa để ăn. Ông tính nhân từ, thường đến các thuyền đánh cá để mua cá sống, rồi thả xuống nước. Vì ăn đơn sa lâu ngày, nhiệt tích tụ thành bệnh, nhọt độc mọc trên lưng, đau nhức vô cùng, đến nỗi hôn mê. Trong cơn mê, ông thấy như có một đàn cá nhổ nước miếng trên mụt nhọt. Tỉnh dậy, ông cảm thấy chỗ mụt nhọt trở nên mát mẻ, rồi khỏi bệnh.

29. Tôn Lương Tự, mỗi khi gặp ai bắt chim thú, đều mua mà phóng sinh. Đến lúc chết, tiền của sạch không, không ai mai táng. Lúc ấy có vài trăm con chim, ngậm bùn bỏ lên, lấp xác ông lại. Người đứng xem cảm thán, cho rằng, vì ông có lòng nhân đức mà chiêu cảm cầm thú như vậy.

30. Phan huyện lệnh ra luật cấm nhân dân không được bắt cá ở sông hồ. Ai phạm sẽ bị tội. Về sau, khi ông nghỉ việc, dưới nước vang lên tiếng kêu khóc rất lớn. Người nghe đều lấy làm lạ.

31. Tín đại sư, gặp lúc trời hạn hán, thấy nhân dân giết súc vật để cúng tế cầu mưa. Sư thương dân không sáng suốt, bảo họ rằng: “Quí vị đừng dùng đến sinh vật. Tôi sẽ cầu mưa cho quí vị.” Mọi người vâng lời. Sư bèn thành tâm cầu đảo, liền có mưa lớn, xa gần đều được cảm hóa.

32. Tào-khê là tên đất, nằm cách phủ Thiệu-châu (tỉnh Quảng-đông) ba mươi dặm, về hướng Đông Nam, là đạo tràng của đại sư Huệ Năng, tổ thứ sáu của Thiền tông, đời Đường; người đời sau thường dùng hai chữ “Tào Khê” để chỉ cho Lục Tổ. Lục Tổ đã đắc pháp từ Ngũ Tổ, nhưng thời cơ hoằng pháp chưa tới, nên tạm ẩn mình trong một toán thợ săn. Tổ được toán thợ săn giao cho việc trông chừng lưới, bèn thừa lúc họ đi vắng, thả những chim thú bị mắc lưới đi. Trải qua 16 năm như vậy, khi cơ duyên đã tới, Tổ mở đạo tràng ở Tào-khê, hoằng dương tông chỉ Thiền tông. Đệ tử đắc pháp của Tổ rất đông, phân làm năm chi phái, đạo phong tỏa rộng toàn quốc.

33. Dương Bảo, thời thơ ấu từng thấy một con chim sẻ bị chim cú bắt nhưng làm rơi xuống đất. Bảo liền lượm chim sẻ đem về nuôi trong lồng, cho ăn hoa cúc trăm ngày, chờ chim mạnh khỏe, thả cho bay đi. Đêm đó, có một em bé mặc áo vàng, đem bốn vòng ngọc trắng đến tặng Bảo, lạy mà nói rằng: “Tôi là sứ giả của Tây Vương Mẫu, nhờ bạn cứu sống, nay xin đền ơn. Chúc cho con cháu sau này, địa vị liệt hàng tam công, tính tình thanh khiết như bốn vòng ngọc này.” Quả vậy, về sau con cháu của Bảo đều được quí hiển đến bốn đời.

34. Một vị tăng vốn tính giảo hoạt, nghe nói ăn hoàng tinh có thể sống lâu, ý muốn thí nghiệm, nhưng không dám tự mình ăn thử, sợ nguy hiểm. Ông đem một củ hoàng tinh để dưới giếng khô, dụ một người xuống giếng, rồi lấy phần trên của cái cối xay đá đậy miệng giếng lại; bảo rằng, nếu đói thì cứ ăn hoàng tinh. Người kia ở dưới giếng, quá hốt hoảng, nhưng không có cách nào để thoát. Bỗng, một con chồn tới miệng giếng, nói rằng: “Tôi là một con chồn, ở dưới hang trong một ngôi mộ. Trên mộ có một lỗ hổng. Mỗi ngày tôi nằm trong mộ, hai mắt cứ nhìn chăm chú lên cái lỗ hổng đó. Một thời gian sau, tôi tự nhiên thấy mình được ra khỏi mộ. Từ đó tôi có thể bay xa và biến hóa, trở thành một con chồn có thần thông. Ngày xưa tôi đã từng bị chó săn bắt, và đã nhờ ông cứu mạng; bây giờ xin đem phép này chỉ cho ông để đền ơn.” Người kia làm theo lời ấy, thân ngồi trong giếng, hai mắt ngó chăm chú lên cái lỗ trống của chiếc cối xay. Hơn mười ngày sau, tự nhiên ra khỏi giếng; liền chạy trốn. Qua vài ngày sau nữa, vị tăng lấy cái cối xay ra, và nhìn xuống giếng, thấy người kia đã đi mất rồi, bèn cho đó là sự hiệu nghiệm của hoàng tinh. Ông về từ biệt đại chúng, tự mình mang hoàng tinh xuống giếng, hẹn một tháng sau, đại chúng hãy mở nắp giếng mà xem. Đến kì hạn, đại chúng mở nắp giếng nhìn xuống, thì ông đã chết từ bao giờ!

35. Đoạn này đại sư Liên Trì nhắc lại việc làm của chính mình. Sư ở trong am, thấy một người mang mấy con rết, đầu và đuôi bị căng ra bởi que trúc cong. Sư liền mua rồi đem thả. Nhưng mấy con kia đều chết cả rồi, chỉ có một con sống sót, bỏ chạy. Một buổi tối nọ, sư cùng ngồi đàm đạo với một người bạn, bỗng thấy trên vách có một con rết nằm yên, đuổi không đi. Sư nói: “Con có phải là con rết mà ta đã thả trước đây không? Nay ta nói pháp cho con nghe: Tất cả các loài hữu tình đều do tâm tạo ra. Tâm hung tợn thì hóa ra cọp sói; tâm độc hại thì hóa ra rắn rết. Nếu con trừ đi cái tâm độc hại, thì thoát được cái hình thù này.” Sư nói xong, bảo nó bò đi. Nó từ từ bò ra ngoài cửa sổ.

36. Ở Hàng-châu có người họ Can, được con gái biếu cho mười con lươn. Ông nuôi chúng trong lu, lâu ngày quên mất. Một đêm ông mộng thấy có mười người mặc áo vàng, đội mũ nhọn, quì trước ông mà xin tha mạng. Tỉnh dậy, ông mời thầy bói đoán giùm. Thầy bói nói: Trong nhà chắc chắn có loài sinh vật nào đó mong được thả ra. Ông tìm khắp nhà, thì ra, có một cái lu chứa mấy con lươn rất lớn; đếm thì đúng là mười con. Ông thất kinh, lập tức đem đi thả.

37. Chữ “phỉ” nghĩa là không phải; chữ “trưng” nghĩa là chứng minh.

38. Chữ “giản” nghĩa là thanh tre; “biên” là đem các thanh tre sắp liền nhau, dùng dây da bện lại, gọi là “vi biên”.

39. Tiền của là những vật không chắc chắn, vì chúng có thể bị nước cuốn trôi, lửa đốt cháy, quan nha cưỡng đoạt, trộm cướp lấy mất, hay con cháu phá tán.

40. Khi một người tạo công đức thì người khác không thể thấy, không thể biết, cho nên gọi là “âm đức”, hay “âm công”.

41. Trời Tứ Thiên vương dùng ngày trai thứ sáu để thị sát nhân gian, xem biết người làm thiện, kẻ làm ác. Vả lại ở thế gian, nếu người làm thiện đông thì Trời thắng; nếu người làm ác đông thì A-tu-la thắng. Cho nên, vua trời Đế Thích luôn luôn muốn người đời làm thiện. Nếu có một người làm thiện, thiên thần liền báo cáo cho Thiên đế biết; vì vậy mà nói: “tên tuổi rạng nơi thiên phủ”.

42. Giết mạng sống của sinh vật tức là kết oán với chúng sinh; làm một việc ác tức là tạo một chướng ngại đối với pháp lành. Nay biết giữ giới, không giết hại mà lại còn phóng sinh, tất oán kết và chướng ngại đều không có, và nhiều phước đức tụ lại ngay ở đời này.

43. Thiện căn: Nghiệp lành của thân miệng ý, chắc chắn như rễ cây, không thể nhổ bật lên. Lại có thể lấy tính thiện làm gốc, chứa giữ tất cả hạt giống thiện, phát sinh tất cả mọi hành động thiện, nở hoa kết quả, như rễ cây vậy. Người có khả năng giữ giới không giết hại và bảo vệ sự sống, đương nhiên là đã có thiện căn từ đời trước, nhưng đời này nếu lại tiếp tục làm việc thiện để bồi đắp thâm sâu, khiến cho thiện căn càng thêm to lớn, thì phúc đức trải cả đời sau, đâu phải chỉ có sống lâu không bệnh khổ mà thôi ư!

44. Chữ “thảng” nghĩa là nếu, nếu như.

45. Chữ “phúng” nghĩa là đọc thuộc lòng sách, ở đây có nghĩa là tụng kinh.

46. “Ác đạo” cũng gọi là “tam ác đạo”, hay “tam đồ”, tức là ba cảnh giới Súc-sinh, Ngạ-quỉ và Địangục. Bài văn trên nói về răn sự sát sinh và khuyên việc phóng sinh. Tuy đó là việc thiện, nhưng chỉ cứu cái sắc thân của chúng sinh, mà không thể cứu cái huệ mạng của chúng sinh. Cho nên không thể giúp chúng sinh chấm dứt sinh tử, thoát ra khỏi ba cõi. Nếu trong lúc phóng sinh, lại còn vì chúng mà niệm Phật, tụng kinh; đem công đức ấy hồi hướng và cầu nguyện cho chúng được vĩnh viễn thoát khỏi ba đường ác, và vãng sinh về thế giới Cực-lạc; như vậy mới là hành động triệt để.

47. Sự hóa sinh trong hoa sen ở cõi Tây-phương được phân làm chín bậc. Trên hoa có đài, là chỗ ngồi của hành giả. Nay, đã có thể giữ giới không giết hại và thực hành việc phóng sinh, lại vì chúng sinh mà tụng kinh niệm Phật, hồi hướng và cầu nguyện cho chúng được sinh về cõi Tây-phương; cứ để tâm trồng đức như thế, tự mình chắc chắn sẽ tăng tiến đạo nghiệp. Trong tương lai, đến lúc mạng chung, tự nhiên sẽ được sinh vào đài sen thượng phẩm.

 

PHỤ CHÚ

1. Nhà Minh do Chu Nguyên Chương (1368-1398) diệt nhà Nguyên (1260-1368) mà sáng lập nên, truyền nối được 21 đời vua, trị vì 294 năm (1368-1661).

2. Thành Thang họ Tử, tên Lí, hiệu Thiên Ất, diệt vua Kiệt của nhà Hạ, lên ngôi vua, lập ra triều đại nhà Thương, truyền nối được 31 đời vua, trị vì gần 500 năm (1562?-1066? tr. TL).

3. Tử Sản (?-522 tr. TL) tên là Công-tôn Kiều, người nước Trịnh, đời Xuân Thu (770-476 tr. TL). Ông học rộng, có tài chính trị, làm quan đại phu nước Trịnh. Lúc bấy giờ, hai nước Tấn và Sở tranh bá; nước Trịnh nhỏ yếu nằm ở giữa, nhờ có Tử Sản lèo lái, khi cương khi nhu đúng lúc, giữ cho nước Trịnh được vô sự. Sau khi Tử Sản chết, Khổng Tử khen là người nhân từ, để lại lòng yêu mến cho người sau.

4. Trưởng giả Lưu Thủy là một tiền thân của đức Thích Ca Mâu Ni khi còn tu hạnh Bồ-tát. Kinh Kim Quang Minh chép: Một hôm trưởng giả Lưu Thủy dẫn hai người con là Thủy Không và Thủy Tạng, du hành các nơi thành ấp xóm làng. Đi đến một cái đầm rộng, giữa có một cái ao, nước khô cạn gần hết, những loài cá ở trong đó bị phơi mình dưới nắng gắt, các loài chim thú đang chực bắt ăn. Ông động lòng từ bi, trước hết đi bẻ nhánh lá cây phủ lên bầy cá cho đỡ nắng; sau đó đi mượn hai mươi con voi lớn chở nước sông đem đổ vào ao. Nhờ vậy mà cá trong ao đều được cứu sống. Ông lại bỏ thức ăn xuống cho cá ăn, rồi niệm Phật và nói pháp cho cá nghe. Về sau, một hôm ông thết tiệc tại nhà để đãi bạn bè; bỗng nhiên đại địa rung chuyển, cả một vạn con cá cùng chết trong ngày đó, và cùng chuyển kiếp sinh lên cõi trời Đao-lợi. Bấy giờ trưởng giả đã ngà ngà say, bèn lên lầu nằm nghỉ. Bỗng dưng ông thấy cả vạn vị trời đem vô số châu báu đến tặng ông, đứng chung quanh và rải hoa khắp người ông để đền ơn trước. Trưởng giả Lưu Thủy là tiền thân của Phật Thích Ca; Thủy Không là tiền thân của tôn giả La Hầu La; Thủy Tạng là tiền thân của tôn giả A Nan; một vạn con cá nay đều là thiên tử.

5. Trí Giả tức đại sư Trí Khải. (Xin xem lại chú thích số 6, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ các bài 10, 11 và 12”, sách GKPH I.)

6. Thọ thiền sư tức thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ. (Xin xem lại chú thích số 24, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ các bài 34, 35 và 36”, sách GKPH I.)

7. Tôn chân nhân tức Tôn Tư Mạc (581-682), một vị ẩn sĩ đời nhà Đường (618-907). Ông giỏi cả “bách gia chư tử”, thông cả Phật điển, tinh chuyên y dược. Các vua nhà Tùy (581-618) và nhà Đường đều triệu ông ra làm quan, nhưng ông đều khước từ, chỉ để hết tâm lực và thì giờ cho việc nghiên cứu y dược. Ông quan niệm, mạng sống con người quí đáng ngàn vàng; cứu trị cho một người bằng bố thí ngàn vàng; cho nên các sách của ông viết về y dược đều có tên là “Thiên Kim”, như các bộ Thiên Kim Phương (30 quyển), Thiên Kim Dực Phương (30 quyển), Thiên Kim Tủy Phương (20 quyển – thất truyền).

8. Lục Tổ tức thiền sư Huệ Năng. (Xin xem chú thích số 7, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ các bài 10, 11 và 12”, sách GKPH I.)

9. “Phương tiện” là một thuật ngữ Phật học, chỉ cho những hành động, cử chỉ và ngôn ngữ khéo léo mà người tu tập hạnh Bồ-tát sử dụng trong công việc giáo hóa chúng sinh. Chân lí là pháp chân thật, chỉ có thể chứng nghiệm, thể nhập, chứ không thể suy nghĩ hay nói năng. Bởi vậy, muốn cho chúng sinh thể nhập pháp chân thật, chư Phật và Bồ-tát phải quán sát căn cơ của chúng sinh, tùy mỗi hạng mà bày ra những phương pháp (pháp môn) khác nhau để chỉ bày, hướng dẫn, hóa độ. Tất cả mọi pháp môn đó (thường nói là tám vạn bốn ngàn pháp môn) đều được gọi là “phương tiện”. Cũng vậy, tuệ giác của chư Phật là trí tuệ bát nhã, chân thật, bình đẳng, không phân biệt; nhưng trong công việc hóa độ chúng sinh, chư Phật và Bồ-tát phải dùng thứ trí tuệ quyền tạm để quán chiếu những hiện tượng sai khác của đời sống chúng sinh, để tùy cơ giáo hóa. Thứ trí tuệ quyền tạm ấy được gọi là “trí phương tiện”. Tóm lại, tất cả mọi pháp môn tu hành để đạt tới tuệ giác siêu việt, đều là “phương tiện”. – Ngay như việc phân chia có hai thứ trí tuệ chân thật và quyền tạm, cũng vẫn là “phương tiện”.

 

BÀI TẬP

1) Cho biết xuất xứ của hai chữ “đoạn trường”.

2) Hãy thuật lại nhân duyên xuất gia của thiền sư Diên Thọ.

3) Vị Tổ thứ sáu của Thiền tông Trung-quốc, sau khi đã được truyền y bát, đã làm gì trong suốt mười sáu năm kế tiếp? Về sau ngài mở đạo tràng ở đâu? Môn đồ phân làm bao nhiêu chi phái?

4) Hãy nói về các chuyện: hột châu của Tùy hầu; mở lưới ba mặt; và ngậm vòng ngọc.

5) Trong khi phóng sinh, cần thêm tụng kinh niệm Phật, và hồi hướng công đức cho loài vật đó được sinh về thế giới Cực-lạc; làm như vậy có ý nghĩa gì?

 

Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 1, 2 và 3

1. Có người nói rằng, dâm dục là do trên thân thể cấu tạo như vậy, cũng có thể nói đó là nhu yếu, mà cũng là lai nguyên của loài người và tất cả các loài động vật. Nếu dứt trừ dâm dục thì người và súc vật đều dứt tuyệt; cho nên cấm dâm dục là điều có vẻ như không hợp lí. Tôi xin giải đáp vấn đề này qua sáu điểm sau đây: 1) Dâm dục là nỗi khổ chứ không phải là niềm vui. Sở dĩ chúng sinh thấy đó là niềm vui, vì nghiệp lực nặng nề nên khiến ra như vậy. Rốt cuộc, hễ có ái dục là có hệ lụy; không có ái dục thì thân và tâm, cả hai phương diện đều thoải mái rất nhiều. Nên biết rằng, trời Sơ-thiền đã lìa khỏi cõi Dục, được gọi là Phạm Thiên. Chữ “phạm” nghĩa là trong sạch. Thế mới biết, sắc dục là hoàn toàn không trong sạch. Trong ba cõi chín địa(1), trời Sơ-thiền được gọi là cõi “Li-sinh-hỉ-lạc”, tức là, chúng sinh cõi đó, nhân dứt trừ sắc dục mà có được niềm mừng vui. Hóa ra, chỉ có chúng sinh ở cõi Dục mới coi sắc dục là niềm vui; còn các bậc thánh thì thấy đó là khổ đau, cho nên khi dứt được rồi thì vui lắm!

2. Dâm dục đã đành là do trên thân thể cấu tạo như vậy, nhưng đó không phải là sự sinh thành có tính cách bẩm sinh, mà do những tư tưởng và hành động sau khi sinh ra đời, sinh khởi. Kinh Khởi Thế nói: “Chúng sinh lúc đó ăn gạo rồi, thân thể liền có mỡ tủy da thịt, gân xương máu mủ, mạch chạy cùng khắp, và nam căn nữ căn, tướng mạo rõ ràng. Căn và tướng đã sinh, tâm nhiễm ô liền khởi, nhìn nhau vài lần, bèn sinh ái dục, ở chỗ kín đáo, hành dâm bất tịnh.” Cho nên biết, loài người buổi đầu từ cõi trời Quang-âm(2) sinh xuống, chưa có tướng nam nữ, mãi về sau mới có. Nay nếu dứt trừ tâm niệm ấy, thì tướng ấy cũng diệt luôn. Cho nên các cõi trời Thiền đều không có tướng nam nữ. Đức Như Lai tuy thị hiện thân đàn ông, nhưng có tướng nam căn ẩn kín, bề ngoài không thấy. Không có tâm dâm dục thì hình tướng hành dâm cũng không có.

3. “Sinh” là họa, chứ không phải phúc. Lão Tử nói: “Ta có họa hoạn vì ta có thân. Nếu ta không có thân thì làm gì có họa hoạn!” Kinh Niết Bàn nói: “Mọi khổ đau là từ ‘sinh’ mà có. Vì vậy, bậc trí nên trụ nơi ‘bất sinh’.” Kinh Kim Cang nói: “Sinh từ bào thai, sinh từ trứng, sinh từ chỗ ẩm thấp, sinh bằng cách biến hóa; có hình sắc, không có hình sắc; có tư tưởng, không có tư tưởng; không phải có tư tưởng, không phải không có tư tưởng; ta đều làm cho dứt tuyệt phiền não mà chứng nhập vô dư niết bàn.” Cho nên biết, tất cả các hình thức “sinh” đều là đau khổ; chỉ có cảnh giới niết bàn không sinh không diệt mới có được niềm vui. Vậy thì, thế giới mà không có người, không có động vật, tức là tất cả đều đã chứng nhập vô dư niết bàn; đó là điều tốt to lớn bằng trời, chúng ta đừng nên nghĩ đó là sự tiêu diệt hoàn toàn mà mong cầu sự đầu sinh.

4. Nên biết rằng, tất cả chúng sinh, lửa dâm dục hừng hực, đó là tự mình có nghiệp chướng sâu nặng, xuống đến đời con cháu, lại cũng nghiệp chướng sâu nặng, muốn ra đời gấp để trả báo khổ đau, cho nên ứng cảm với cha mẹ đang hành dâm, để được sinh ra đời. Ví như heo cha và heo mẹ giao cấu, heo con nghiệp ác nặng nề, phải sinh ra đời để bị giết, ứng cảm mà thành ra như thế. Tất cả chúng sinh trong cõi Dục, chắc chắn đều như vậy, đời đời nối nhau, tuần hoàn không dứt, thật đáng bi thương!

5. Thiên nhân ở cõi Sắc đều là hóa sinh, không cần có cha mẹ. Chúng sinh ở cõi Phật cũng vậy. Vì thế,  giả sử tất cả chúng sinh đều dứt tuyệt dâm dục, thì cách thức sinh ra đời sẽ được cải biến, thành ra hóa sinh; chứ không nhất thiết phải có sự giao hợp giữa nam nữ. Con rận đầu tiên ở trên áo, con gián đầu tiên ở trong hộc tủ, con nhện đầu tiên ở trong phòng, con cá đầu tiên ở trong nước, đều là hóa sinh, không đợi phải có trứng; đó là bằng chứng.

6. Nếu không thể dứt trừ dâm dục, giới cư sĩ tại gia có thể lập gia đình sinh con cái; điều đó không phạm giới. Nếu biết tu hành niệm Phật, cũng có thể được nhờ Phật lực, thoát khỏi ba cõi, sinh về nước Phật, chấm dứt sinh tử. Vấn đề sắc dục, chỉ cần biết tự tiết chế, đức Phật cũng không cấm đoán hẳn, cho nên không trở thành một vấn đề lớn lao.

7. Thực vật có mạng sống không? Có cảm giác không? Khi bị cắt, bị nấu, có đau đớn không? Khi biện luận về vấn đề này, nhiều người đã trưng dẫn các loại như dây mắc cỡ, cây bắt ruồi, v.v… để chứng minh rằng, thực vật có mạng sống, có cảm giác. Theo cái nhìn của đạo Phật, thực vật chỉ có cơ năng sống còn, mà không có mạng sống, không có thức thứ tám, không thể gieo nhân chịu quả. Chúng thuộc về loài vô tình, không phải hữu tình; thuộc về loại y báo, không phải chánh báo. Cho nên, chúng không có tri giác, không có đau đớn. Cắt thái thực vật không thể so sánh với giết hại động vật. Nếu luận về sự việc này, vì chúng ta đều không phải là thực vật, cho nên rốt cuộc, chúng có hay không có tri giác, có hay không có đau đớn, mọi người đều trưng ra những gì mà họ cho là lí tưởng; mà lí tưởng thì phải lấy các lời dạy của thánh nhân làm tiêu chuẩn, cứ nghe và để trong tâm trí như thế, không nên luận bàn. Hiện tại, chúng ta chỉ nên căn cứ vào hiện trạng thực tế, do chính tai mắt của chúng ta nghe thấy, về sự giết động vật và cắt thực vật, để nói như thế này: Khi giết một con vật, chúng ta thấy nó sợ hãi, tìm cách chạy trốn, kêu la, dẫy dụa, máu chảy, gân thịt co rút, chặt đầu, mổ bụng, trạng huống khẩn trương mà thật bi thảm! Khi cắt thực vật, chúng ta có thấy trạng huống như thế không? Chúng tôi chỉ xin nói một điểm này: Là Phật tử, trong lương tâm, chúng ta nên ăn chay; nếu không như vậy, chúng ta sẽ đi ngược lại với các giáo lí về chúng sinh bình đẳng, từ bi cứu khổ, v.v… “Tu đạo, trước nên tu tâm.” Câu này, rất mong người tu học suy nghĩ chín chắn để thể hội. Hễ có được một phần tâm từ bi, tức khắc chúng ta có được một phần công đức.

8. Trong bài văn “Răn Sát Sinh” có nêu các sự việc cứu sống các loài ruồi, rết, rắn, kiến, đều là các loài có hại. Có người cho đó là việc làm không thích đáng. Nên biết rằng, nghĩ như thế là tội lỗi lớn. Vì rằng, loài vật có hại hay loài vật có ích, chỉ là sự nhận thức đứng trên quan điểm của con người; hơn nữa, đó chỉ là nhận thức của thế tục mà thôi, hoàn toàn sai trái với tông chỉ “chúng sinh và Phật đều bình đẳng” của Phật giáo. Người nhân ái khi cứu một chúng sinh, trước tiên chỉ vì thấy sự khổ ách mà phát tâm từ bi, hoàn toàn không có tính toán gì khác. Nếu lại khởi một niệm thứ hai rằng, con vật này có ích nên cứu, con vật này có hại nên để cho chết, đó là sinh tâm vọng tưởng phân biệt, rơi vào cái vòng “khởi hoặc tạo nghiệp”; thật không nên như vậy! Đức Thích Tôn thí thân cho cọp ăn(3), Châu Xứ giết cọp(4); Tùy hầu cứu rắn, Thúc Ngao đập rắn(5); đều là những việc làm của người nhân đức, thành tâm. Tuy hành động của họ có tương phản, nhưng đều xuất phát từ một niệm từ bi; cho nên, cứu sống hay giết chết cũng đều phát sinh công đức.

9. Có người nói rằng: Trời sinh ra muôn vật là để cho người ăn. Tôi hỏi lại: Vậy thì tại sao ông không ăn giun, rệp, gián, đỉa, ruồi xanh, nhện, giòi, thằn lằn, rết? Những giống này cũng đều là trời sinh ra để cho người ăn cả đấy! Người đó không trả lời được.

10. Sợ sệt là một vấn đề lớn của đời người. Sợ hãi cực độ có thể làm cho người ta chết giấc, cho nên đâu phải là chuyện nhỏ! Chúng ta chỉ cần xem: Trong các tôn hiệu Phật, có một tôn hiệu là “Vô Bố Úy Như Lai”; trong các cách bố thí, có một cách là “vô úy thí”; trong Tâm Kinh thì đặc biệt nêu rõ: “Vì tâm không chướng ngại nên không có sợ hãi.” Điều đó cho thấy, tu tập tám điều quán niệm để đối trị tâm sợ hãi, là pháp môn thật dụng thiết thực, lại vô cùng trọng yếu trong quá trình tu đạo; nhất là ở những nơi núi rừng u tịch, thì lại càng thích dụng.

11. Thọ mạng của con người, cho đến những cảnh ngộ trong đời người, quả thật là cố định hay không cố định? Nếu là cố định thì không thể thay đổi. Vậy, những sự việc được kể ra trong bài văn “Răn Sát Sinh”, như: Tống Giao cứu bầy kiến mà được thi đậu; Mao Bảo thả rùa mà được thoát nạn; chị nấu bếp thả ba ba mà khỏi bệnh; người thợ nấu rượu cứu vớt ruồi mà khỏi tội hình; làm gì có xảy ra! Nếu là không cố định thì tất có thay đổi. Vậy, định luật “nhân quả báo ứng” tất phải bỏ đi! Về việc này, cần phải nói rõ đến vấn đề giá trị cùng tính tất yếu: Nhân quả báo ứng, ví dụ như đá bóng, quả bóng như thế thì dùng sức chân như thế, hướng về phương hướng như thế; một khi đá đi, thế tất phải rớt xuống rãnh nước. Có thể so sánh việc đá bóng này với định luật nhân quả. Với định luật này, tạo nghiệp ác thì phải rơi vào ba đường dữ, hoặc gặp phải tai họa, hay yểu mạng. Giả như quả bóng ấy, trong khi đang lăn tới trước, bỗng trúng phải một con chó, hay bị một chiếc xe đạp chặn lại; thế là nửa đường đổi hướng, không lăn tới được phía trước để rớt xuống rãnh nước. Cũng vậy, nếu giữa đường bỗng có duyên lành đẩy giúp vào, thì lực lượng ấy có thể tiêu trừ đi nghiệp ác, hoặc cuối cùng chuyển đổi thành nguyên do của quả báo an lành. Nhưng, sau khi nghiệp báo đã bị chuyển đổi, luật nhân quả trước kia vẫn không phải là vô hiệu; bởi vì, nếu căn cứ vào “lực học” mà nói, cái mức độ sức mạnh của cú đá vẫn còn, vẫn phải được tính vào, không thể bỏ đi được. Đến như, quả bóng nửa đường bị đụng vào con chó, hay bị chiếc xe đạp chặn lại, thì cái sức mạnh của nó vẫn còn đó, vẫn phải được tính vào. Đem tất cả các mức độ sức mạnh ấy cộng lại, nếu sức ở giai đoạn trước mạnh hơn ở giai đoạn sau, con đường đi tất sẽ hướng về phía trước, có nghĩa là, nghiệp thiện nhỏ tất không đủ sức chuyển đổi được nghiệp ác lớn ở trước; và ngược lại, nghiệp ác nhỏ tất không đủ sức chuyển đổi được nghiệp thiện lớn ở trước. Nếu sức ở giai đoạn trước yếu hơn ở giai đoạn sau, con đường đi tất sẽ hướng ngược về phía sau, có nghĩa là, nghiệp thiện lớn tất có khả năng áp đảo được nghiệp ác nhỏ ở trước; và ngược lại, nghiệp ác lớn tất có khả năng áp đảo được nghiệp thiện nhỏ ở trước. Nếu lực lượng đời này và đời trước bằng nhau, cách thức lại không thể giống như ở học đường, như dùng một công lớn chuộc một tội lớn, hoặc đem một tội lớn trừ đi một công lớn; cả hai đều không còn gì để tính toán. Cách thức chính đáng là: tất cả các nghiệp thiện và ác, ở trước và sau, đều lưu giữ vào ruộng thức mà trở thành các “chủng tử”, làm một công năng huân tập khác, đợi cho đến khi chín muồi thì sẽ phát sinh “hiện hành”. Những việc mới làm, dầu thuộc tính thiện hay tính ác, nhưng nếu chưa có đủ sức kích thích đặc biệt, thông thường đều được lưu giữ ở trạng thái chủng tử, làm một công năng huân tập khác, hoàn toàn không nhất định phải cùng với những “chủng tử chín muồi trở thành hiện hành” lúc trước triệt tiêu nhau. Tóm lại, cái tiến trình “chủng tử chín muồi để phát sinh hiện hành” thật vô cùng quan hệ, rất phức tạp, nhiệm mầu; chúng ta không thể nào biết được. Thấy rõ cái lí lẽ này rồi, chúng ta sẽ biết rằng, làm thiện hay làm ác, dù lớn dù nhỏ, trong cái định suất họa và phúc, đều phát sinh ra sức mạnh, không hề có cái gì bị bỏ rơi. Từ đó mà nhìn, thì luật nhân quả cũng là nhất định, mà cũng là không nhất định; thế nào thì chính hành giả hãy tự biết lấy mà thôi.

12. Vì sao sắc dục là nghiệp nặng của chúng sinh? Thứ nhất, kinh Niết Bàn nói: “Mọi khổ đau đều do SINH mà có.” Mà có SINH là vì có SẮC DỤC. Cho nên biết, sắc dục là nghiệp nặng. Thứ nhì, trong ba cõi thì cõi Dục ở dưới cùng, và cũng là đau khổ nhất, dơ bẩn nhất. Chúng sinh cõi Sắc không có dâm dục. Cảnh giới của họ thật trang nghiêm; tướng mạo của họ trông vô cùng an lạc. Do đó mà biết rằng, sắc dục là nghiệp nặng. Thứ ba, lấy thuốc lá và rượu làm ví dụ. Chúng ta hãy so sánh một người không hút thuốc, không uống rượu, an nhiên sống qua ngày tháng, với một người cần phải hút thuốc uống rượu mới có thể sống qua ngày tháng; đương nhiên, người cần có thuốc và rượu là người nghiệp nặng. Lấy trường hợp đó mà suy thì có thể biết, người có sắc dục là nghiệp nặng. Thứ tư, kinh Lăng Nghiêm nói: “Do tập quán dâm dục mà nảy sinh sự giao tiếp, cọ xát lẫn nhau. Cọ xát mãi không thôi, cho nên có ngọn lửa mạnh từ trong đó nổi lên; như người ta xoa hai bàn tay vào nhau thì phát ra hơi nóng. Hai thứ tập khí đốt nhau, cho nên mới có các sự kiện như giường sắt, trụ đồng.”(6) Xem đó thì đắm mê dâm dục chắc chắn phải đọa địa ngục đốt nướng. Thế mới biết, có sắc dục là nghiệp nặng. Thứ năm, kinh Pháp Hoa nói: “Nếu có chúng sinh tâm nhiều dâm dục, thường cung kính niệm danh hiệu đức Bồ-tát Quán Thế Âm, liền dứt trừ tâm dâm dục.” Nếu nhiều dâm dục không phải là đau khổ, hà tất phải niệm danh hiệu đức Bồ-tát? Mà tại sao đức Bồ-tát lại phải giúp đỡ? Thế mới biết, có sắc dục là nghiệp nặng.

13. Không dâm dục thì thế giới sẽ không có con người, không có chúng sinh; có nghĩa là, tất cả loài người và các loài động vật ở cõi Dục đều đã thoát được nỗi khổ chồng chất (khổ khổ – một trong ba loại khổ), sinh lên các tầng trời Thiền ở cõi Sắc. Đó chính là điều hằng cầu mong mà không thể được; sao lại lấy đó làm điều lo sợ? Người có nỗi lo sợ đó, chứng tỏ rằng họ vẫn chưa hiểu rõ cái đạo lí thế gian là biển khổ, thân này là nguồn họa vậy.

14. Về câu chuyện người nấu rượu vớt ruồi, sau bị ở tù oan, lúc phán quyết, do chiêu cảm mà con ruồi cứ bay đến đậu trên đầu ngòi bút…; có người cho rằng, mạng sống của loài ruồi rất ngắn, con ruồi được cứu chưa chắc sống thêm được bao lâu để có thể cứu lại được người ơn! Xét đến con ruồi đậu trên ngọn bút kia, không nhất thiết đó chính là con ruồi đã được cứu sống; mà đó chẳng qua là chư Phật, Bồ-tát, hoặc các vị thiện thần, muốn nêu rõ cái lí lẽ “làm lành thì hưởng quả báo lành”, nhân quả rõ ràng, để khuyến khích người đời làm lành, nên đã khiến một con ruồi nào đó làm việc đó mà thôi(7). Nếu không phải vậy, loài ruồi tính rất ngu muội, làm sao biết được người đã cứu mạng mình, để đến khi người kia bị ở tù oan, chờ đúng lúc phán tội, liền bay nhanh đến nha môn mà đậu trên ngọn bút?

 

CHÚ THÍCH (của người dịch)

1. Chín địa (cửu địa): Thế giới của các loài chúng sinh cư trú được chia làm ba cõi: Dục, Sắc và Vôsắc. Cõi Dục là nơi cư trú chung của năm loài tâm đầy dục vọng (gồm các loài: Trời cõi Dục, Người, Súc-sinh, Ngạ-quỉ, và Địa-ngục); danh từ Phật học gọi cõi này là “Ngũ-thú-tạp-cư địa”, hoặc “Dụcgiới ngũ-thú địa”. Chúng sinh trong hai cõi Sắc và Vô-sắc không còn dục vọng, mà chỉ sống trong thiền định. Tùy theo mức độ sâu cạn của thiền định mà cõi Sắc được chia làm bốn “địa”, và cõi Vô-sắc cũng được chia làm bốn “địa”. Cõi trời đầu tiên của Sắc-giới gọi là Sơ-thiền. Chúng sinh ở cõi này, vì vừa xa lìa được cõi Dục đầy xấu ác khổ đau, nên tâm sinh niềm hỉ lạc. Bởi vậy, Sơ-thiền được gọi là “Li-sinhhỉ-lạc địa”. Ở trên cõi Sơ-thiền là cõi Nhị-thiền. Chúng sinh ở cõi này, do an trú thường trực trong thiền định mà sinh niềm hỉ lạc thù thắng; cho nên cõi này được gọi là “Định-sinh-hỉ-lạc địa”. Ở trên cõi Nhịthiền là Tam-thiền. Chúng sinh ở cõi này, do an trú trong thiền định thâm sâu mà bỏ được niềm vui có tính tự mãn của hai cõi trên kia, tâm trở nên an tĩnh hơn, niềm vui thanh thoát hơn; cho nên cõi này được gọi là “Li-hỉ-diệu-lạc địa”. Trên cùng của Sắc-giới là cõi Tứ-thiền. Chúng sinh ở cõi này, do an trú trong thiền định thâm sâu hơn nữa, nên dứt hẳn các niềm hỉ lạc của ba cõi dưới, sống trong cảnh giới thanh tịnh, hoàn toàn bình đẳng, sáng suốt; cho nên cõi này được gọi là “Xả-niệm-thanh-tịnh địa”. Tiến lên Vô-sắc giới, cõi trời đầu tiên là Không-vô-biên-xứ. Chúng sinh ở cõi này vừa thoát khỏi tính vật chất của Sắc giới để sống trong tính tự tại của cảnh giới hư không vô biên; cho nên ở đây được gọi là “Không-vô-biên-xứ địa”. Tiếp đến, ở cõi Thức-vô-biên-xứ thiên, chúng sinh được an trú trong cảnh giới mà thức hoàn toàn trải rộng trong không thời gian vô hạn; gọi là “Thức-vô-biên-xứ địa”. Ở trên cõi này là Vô-sở-hữu-xứ thiên. Chúng sinh ở cõi này dứt bỏ được tính giao động của hai cõi trước, an trú trong cảnh giới mà tư tưởng hoàn toàn vắng lặng, không còn đến một niệm sở hữu; cho nên cảnh giới đó được gọi là “Vô-sở-hữu-xứ địa”. Trên cùng của Vô-sắc giới là Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ thiên; nơi đó, chúng sinh an trú trong cảnh giới thiền định cao tột của ba cõi, không còn niệm phân biệt có tư tưởng hay không có tư tưởng, không thiên có, không thiên không, hoàn toàn bình đẳng, an tịnh; được gọi là “Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ địa”. Vậy, tất cả chín địa đều bao gồm trong ba cõi, hoặc sáu đường; hay nói cách khác, chín địa chỉ là một cách phân chia khác của ba cõi hoặc sáu đường; cũng tức là trọn cả một vòng sinh tử luân hồi. Lại nữa, chín địa là chín cảnh giới đều có chúng sinh tồn tại, nên cũng được gọi là “chín hữu” (cửu hữu).

2. Quang-âm là tên của tầng trời cao nhất trong ba tầng trời (Thiểu-quang, Vô-lượng-quang và Quang-âm) của cõi Nhị-thiền, thuộc Sắc giới. Thiên chúng ở đây không có âm thanh, mà chỉ có ánh sáng phát ra từ tâm định. Chính họ dùng ánh sáng này để giao tiếp nhau, hiểu biết tâm ý nhau. Thân tướng họ cao lớn tốt đẹp, tự nhiên có ánh sáng. Họ lấy niềm vui làm thức ăn, luôn an trú trong an lạc, có thần thông, sống đến tám đại kiếp. Kinh Tăng Nhất A Hàm và luận Câu Xá đều nói rằng, con người ở thế giới Ta-bà này, buổi ban sơ, chính là thiên chúng từ cõi trời Quang-âm hạ giáng, bị mất thần túc, không trở về được, nên đã ở lại, trở thành lớp người đầu tiên ở thế gian.

3. Đức Thích Tôn thí thân cho cọp ăn: Đây là một chuyện tiền thân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trong thời kì Ngài còn tu tập hạnh Bồ-tát. Ở thời quá khứ xa xưa, có một chàng thanh niên vốn là tín đồ đạo Bà-la- môn, thông minh tài trí hơn người, từ thuở nhỏ đã nổi tiếng là thần đồng. Càng trưởng thành chàng càng nhận rõ, giáo lí Bà-la-môn còn nhiều thiếu sót, không thể giúp chàng phát triển trí tuệ cao tột, không đáng tin tưởng và hành trì một cách hoàn toàn. Bởi vậy, chàng quyết định tự tìm cho mình một con đường mới, có thể giải thoát sinh tử. Chàng bèn lìa bỏ gia đình và tài sản, cắt đứt ái dục, tìm vào chốn núi rừng sâu thẳm, sống trong không khí tịch tĩnh, quyết tâm tu tập. Một thời gian sau, các bạn hữu của chàng ngày trước, ngưỡng mộ đạo đức và trí tuệ của chàng, cũng rủ nhau tìm vào rừng xin được tu tập dưới sự hướng dẫn của chàng. Một ngày nọ, chàng dẫn một người đồ đệ cùng đi bách bộ trên con đường núi. Bỗng chàng nhìn xuống sườn núi, thấy một con cọp gầy yếu đang kêu rên, xem chừng đang đói rũ riệt. Bên cạnh nó là một con cọp con, hình như mới sinh không lâu. Cọp mẹ có vẻ như đã đến lúc không còn chịu đựng nổi cơn đói, cứ lăm lăm nhìn cọp con, miệng nhỏ dãi, gầm gừ, như muốn ăn thịt. Thấy tình cảnh vô cùng thảm thương đó, chàng động lòng từ bi, gọi người đồ đệ đến, chỉ xuống chỗ con cọp mà bảo: “Thật đáng thương cho chúng sinh! Vì cơn đói hành hạ, đến nỗi quên đi tình mẹ con. Con cọp con kia có thể sắp bị cọp mẹ ăn thịt. Bạn hãy đi tìm gấp thức ăn để giải cứu cái tình cảnh bi thương này!” Người đồ đệ đi rồi, chàng lại suy nghĩ: “Ta nay thấy khổ không cứu, thì còn đâu là tinh thần của kẻ tu đạo! Ta có thể gieo cái thân xác giả tạm này xuống dưới đó, vừa giúp cho cọp có một bữa ăn, cứu mạng sống của cả hai mẹ con, lại vừa cổ lệ người đời, phát khởi tình thương đối với các loài động vật.” Suy nghĩ như vậy rồi, chàng liền gieo mình xuống chỗ con cọp đói, bố thí xác thân để cứu mạng sống của cả hai mẹ con cọp đói.

4. Châu Xứ giết cọp. (Xin xem lại chú thích số 18, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ các bài 25, 26 và 27”, sách GKPH I.)

5. Thúc Ngao đập rắn: Thúc Ngao tên là Vỉ Ngao, tự Tôn Thúc, nên người ta vẫn gọi là Tôn-thúc Ngao. Vỉ Ngao là con Vỉ Giả, làm quan tư mã dưới triều vua Trang vương, nước Sở, thời Xuân Thu (770476 tr. TL). Khi Sở Trang vương đem quân đi đánh đất Lục-hồn, ở trong triều, quan lịnh doãn (như chức tể tướng, đứng đầu các quan trong triều đình) là Đấu Việt Tiêu làm phản, muốn cướp ngôi; bèn nổi loạn, giết quan tư mã là Vỉ Giả, rồi đem quân ra ngoài đánh nhau với Sở Trang vương. Vỉ Giả bị giết, con là Tôn-thúc Ngao (tức Vỉ Ngao) lập tức đem mẹ chạy lánh nạn, sang đất Mộng-trạch làm ruộng sống qua ngày. Một hôm, Tôn-thúc Ngao vác cày ra ruộng, thấy ở dưới ruộng có một con rắn hai đầu, giật mình kinh sợ, than rằng: “Ta nghe nói, rắn hai đầu rất độc hại, ai trông thấy tất phải chết. Vậy ta khó mà sống được!” Ông lại nghĩ thầm: Nếu để con rắn này sống, sau này lỡ có ai trông thấy, chắc chắn sẽ nguy hiểm cho người ta. Chi bằng ta hãy gánh chịu một mình mà thôi. Nghĩ vậy, ông bèn đập chết con rắn, đem chôn ở bờ ruộng. Ông về nhà khóc với mẹ, lo rằng, mình không còn sống để nuôi mẹ được. Bà mẹ nghe câu chuyện ông thuật lại thì mừng lắm, bảo rằng: “Người ta làm được điều thiện, trời đất tất phù hộ cho. Nay con sợ con rắn hai đầu di hại cho người sau mà giết chôn đi, thì đó là điều thiện rất lớn. Con sẽ không chết mà còn được phước nữa!” Bấy giờ Sở Trang vương đã giết được Đấu Việt Tiêu và bè đảng phản loạn, đang tìm người tài đức để thay vào chức lịnh doãn. Có người nhớ tới Tôn-thúc Ngao, bèn tiến cử với vua Trang vương. Nhà vua suy nghĩ, Vỉ Giả đã là bậc tài trí, thì người con chắc chắn cũng không kém gì; bèn cho sứ giả đến Mộng-trạch triệu Tôn-thúc Ngao vào triều. Bà mẹ cười bảo: “Đó là vì con giết rắn mà được phước!”. Tôn-thúc Ngao lại đem theo mẹ cùng trở về kinh thành nước Sở. Vua Trang vương nói chuyện với Tôn-thúc Ngao suốt một ngày, rất lấy làm hài lòng, liền cho làm chức lịnh doãn.

6. Giường sắt, trụ đồng: chỉ chung cho các loại hình cụ ở chốn Địa-ngục.

7. Luật Nhân Quả trong trường hợp này, cũng có thể giải thích như sau: Đã có gây nhân thì phải có kết quả. Nhưng, trong tiến trình từ nhân đến quả, không phải là cứng ngắc, giản dị, mà vô cùng phức tạp; nếu không có trí tuệ thì không thấu suốt được. Một nguyên nhân muốn biến thành kết quả, phải hội đủ cả ba yếu tố: trải qua thời gian, có thể thật ngắn, cũng có thể rất dài (Duy Thức Học gọi là “dị thời”); trải qua sự biến thể (tức là “biến dị”); và khác hình loại (tức là “dị loại”). Cái vỗ tay chẳng hạn. Khi hai bàn tay vỗ vào nhau, tức thì phát ra tiếng, gọi là tiếng vỗ tay (đồng thời có thể kèm theo cảm giác đau đớn, nếu vỗ quá mạnh). Sự việc xảy ra rất nhanh, nhưng vẫn có yếu tố thời gian. Yếu tố thời gian ở đây thật là ngắn ngủi, đến nỗi có thể nói là “nhân quả đồng thời”. Từ cái nguyên nhân là hai bàn tay, đã đem đến cái kết quả là tiếng vỗ tay (hoặc cảm giác đau đớn); vậy là đã có sự biến thể: bàn tay thành ra tiếng vỗ (hoặc cảm giác đau đớn), và sự biến loại: tiếng vỗ (hoặc cảm giác đau đớn) khác với bàn tay. Chúng ta thấy rõ: Tuy nói là “nhân nào quả nấy”, nhưng tiếng vỗ tay (quả) khác với bàn tay (nhân), trong khi đó, nếu không có bàn tay (nhân) thì chắc chắn sẽ không có tiếng vỗ tay (quả). Mối liên quan giữa NHÂN và QUẢ là như vậy. Một ví dụ khác: Ông A giết ông B. Giết người (nhân) thì sẽ bị pháp luật xử trị (quả). Sau khi giết ông B, ông A có thể bị bắt giam ngay, cũng có thể sau một thời gian dài mới bị bắt (thời gian). Chiếu theo luật pháp, tùy quốc gia, tùy trường hợp nặng nhẹ, ông A có thể bị xử tử hình, ở tù trọn đời, hoặc ở tù một số năm nhất định. Xét trường hợp ông A bị xử tử chẳng hạn, chúng ta thấy: Dù ông A đã giết ông B, nhưng hình phạt xử tử ông A lại được thi hành do tòa án (tức là người nào khác), chứ không phải do ông B (nạn nhân đã chết). Như vậy là đã có sự biến chất (biến dị) và biến loại (dị loại) từ nhân ra quả. Sự việc người nấu rượu cứu sống nhiều con ruồi, về sau được một con ruồi nào khác cứu lại, cũng tương tự như vậy. Dù sao, hai ví dụ trên vẫn chỉ là những trường hợp giản dị của tiến trình nhân quả, dễ nhận thấy. Còn có những trường hợp vô cùng phức tạp, thật mầu nhiệm, rất khó nhận rõ bằng ý thức con người; nhất là những liên hệ nhân quả trải qua nhiều đời.