bạch y quan âm

Phật Quang Đại Từ Điển

(白衣觀音) Bạch y, Phạm:Pàịđaravàsinì. Tên Tây Tạng: Gos-dkar-mo, dịch âm là Bạn đà na phọc tự ni, Bán nô la phạ tất ninh, Bán nô la phạ tất nễ, Bạt nô phọc tất ni. Dịch ý là Bạch xứ, Bạch trụ xứ. Chỉ vị tôn thứ sáu trong ba mươi ba Quan âm, thường mặc áo trắng ngồi trên hoa sen trắng. Trắng, biểu hiệu tâm bồ đề, hàm ý là trú nơi tâm bồ đề trắng sạch. Bởi thế vị tôn này được gọi là Đại Bạch y Quan âm, Bạch xứ tôn Bồ tát, Bạch xứ Quan âm, Phục bạch y Quan âm, Bạch y Quán tự tại mẫu. Chủng tử là (paô). Mật hiệu là Li cấu (hoặc Li khổ) kim cương. Hình Tam muội da là Bát đàm ma hoa. Bày ở ngôi thứ bảy hàng thứ ba trong viện Quan âm trên Thai tạng giới mạn đồ la thuộc Mật giáo. Về hình tượng thì trong các kinh quĩ chép không giống nhau, nếu cứ theo Hiện đồ Thai tạng giới mạn đồ la ghi chép, thì thân hình tượng mầu vàng lợt, mặc áo trắng, tay trái cầm hoa sen trắng cầu nguyện trừ tai, tay phải làm hình dáng ban nguyện, tức duỗi năm ngón tay ra, bàn tay hướng ra ngoài, đặt bên cạnh sườn phía trước, ngồi xếp bằng trên hoa sen đỏ. Lại cứ theo kinh Đại nhật phẩm Mật ấn chép, thì ấn khế là hai tay chắp lại để rỗng lòng bàn tay, hai ngón vô danh co vào trong lòng bàn tay, hai ngón cái cũng co lại và chạm vào hai ngón vô danh, biểu thị vị tôn này là bộ mẫu của Liên hoa bộ, có thể sinh ra các vị tôn của Liên hoa bộ. Còn chân ngôn thì được chép rõ trong kinh Đại nhật phẩm Chân ngôn tạng và phẩm Mật ấn. Lại phép tu lấy vị tôn này làm bản tôn thì gọi là Bạch y Quan âm pháp, Bạch xứ tôn pháp, tu phép này để xin sống lâu và trừ tai. Còn một thuyết nói Quan âm này có hai vị là Bạch y và Đại bạch y, Đại bạch y tức là Bạch xứ Quan âm, Bạch y tức là Đại minh bạch thân quan âm, bày ở ngôi thứ sáu, hàng thứ nhất trong viện Quan âm. Vị tôn này mặc áo trắng ngồi trên đá là đề tài rất thú vị cho các bức vẽ thủy mặc từ xưa đến nay. [X. kinh Bất không quyên sách thần biến chân ngôn Q.8, Q.30; Đại nhật kinh sớ Q.5, Q.10; Đồ tượng sao Q.7; Biệt tôn tạp kí Q.20].