BẠCH Y PHÁI

Phật Quang Đại Từ Điển

Phạm:Zvetàmbara. Là một trong các phái thuộc Kì na giáo tại Ấn Độ. Vì tín đồ của phái này mặc áo trắng, tượng trưng cho sự liêm khiết, nên có tên gọi như thế. Nhưng, tín đồ Phật giáo thì gọi họ là những người ngoại đạo áo trắng. Cứ theo truyền thuyết, thì tổ thứ hai mươi bốn của Kì na giáo là kiền đà nhã đề tử (một thuyết bảo là Khai tổ). Sau khi Ni Kiền Tử qua đời được hơn hai trăm năm, thì giữa tín đồ, nảy sinh vấn đề: có nên dùng áo trắng quấn mình không, rồi mỗi người chấp mỗi ý kiến mà thành đầu mối của sự chia rẽ, rồi trong khoảng một thế kỉ đã phân hóa thành phái áo trắng, lấy Trưởng lão Thánh Phổ Đức Vĩ Ca Á (Phạm:Saôbhutavijaya) làm đầu, và phái áo trời (Phạm: Digambara, Thiên y) lấy Trưởng Lão Ba Đức Lạp Ba Hồ (Phạm: Bahadra-bàhu) làm đầu. Tôn chỉ của phái áo trời là ở chỗ quán xét các nỗi khổ của kiếp người, tu khổ hạnh để diệt trừ nghiệp nhân ở các kiếp trước, chủ trương không tạo tác nghiệp thân, không khởi các phiền não để cầu chứng ngộ mà đạt giải thoát.

Còn phái áo trắng thì ngoài việc tu khổ hạnh ra, còn chủ trương nam nữ bình đẳng. Nghi thức tôn giáo của phái này hạn định chỉ được cử hành trong các đền miếu của Kì na giáo. Cho phép tín đồ được có một cái áo dài trắng, một chiếc quạt, một khăn che miệng để đề phòng vi trùng vào mồm. Phái này có nhiều ảnh hưởng tại khu vực Mại sách nhĩ thuộc bắc Ấn Độ. Cứ theo Đại đường tây vực kí quyển 3 Tăng ha bổ la quốc (nước Tăng ha bổ la nằm về phía bắc Ấn Độ, là nơi mà bản sư của phái áo trắng bắt đầu truyền bá giáo pháp) điều chép, thì giáo đồ phái này tu khổ hạnh, uy nghi luật hạnh rất giống với phép của tăng chúng Phật giáo, duy có điều khác là họ để một ít tóc, và khỏa thân hoặc có mặc áo thì là mầu trắng. Ngoài ra, luận Đại trí độ quyển 68, dùng các từ ngữ cầu vui và khổ hạnh để phân biệt chỗ khác nhau giữa phái áo trắng và phái áo trời, có nghĩa là phái áo trắng cầu vui, cho nên cất giữ nhiều thứ áo. Tứ phần luật hành sự sao tư trì kí quyển thượng chương 1 đoạn 1, thì dùng có và không để nói sự sai khác của hai phái, tức là phái áo trắng chấp trước có. Sau khi Phật giáo hưng thịnh thì phái áo trắng dần dần suy vi, chỉ còn lưu hành ở một vùng tây nam Ấn Độ.

Đến thế kỉ XI, XII, Phật giáo bị Hồi giáo phá hoại, đi đến chỗ suy vong, thì phái áo trắng mới bắt đầu vãn hồi được thế lực và tiến tới dung hợp với Ấn Độ giáo, sùng bái Thấp bà và Tì thấp nô. Thời xưa, các chi phái của phái áo trắng, có tới tám mươi tư chi phái. Sùng bái tượng Tổ sư thì có các phái Tháp ba (Phạm:Tapa), Tạp la tháp la (Phạm:Kharatara), và An khế la (Phạm: Ancara). Khoảng thế kỉ XV, từ phái áo trắng tách ra phái nữa là Tư đặc na ca ngõa tây (Phạm:Sthànaca-vàsì), đề xướng phục cổ, bài xích sự sùng bái ngẫu tượng. Ngoài ra, còn có phái Mục nhĩ để bá trát (Phạm: Mùrtipùja), phái Đặc la ban đề (Phạm: Terapanthì) v.v…

Về sau, vì sự chia rẽ nội bộ mà thế lực của phái này cũng tiêu tan. [X. kinh Tạp a hàm Q.21; Trung a hàm Q.4 kinh Ni kiền, Q.25 kinh Khổ ấm, Q.52 kinh Chu na; Trường a hàm Q.12 kinh Thanh tịnh; kinh Tăng nhất a hàm Q.35; luận Du già sư địa Q.7; luận Hiển dương Thánh giáo Q.10]. (xt. Thiên Y Phái, Kì Na Giáo).