bạch y

Phật Quang Đại Từ Điển

(白衣) Phạm:Avadàta-vasana,Pàli:odàtavasana. Nguyên ý là áo màu trắng, được chuyển dụng mà gọi người mặc áo trắng, tức chỉ những người tại gia. Thông thường, người Ấn Độ đều cho áo màu trắng tinh là sang, cho nên, ngoài tăng lữ ra, tất cả đều mặc áo trắng, từ đó, gọi người tại gia là bạch y, trong kinh Phật phần nhiều cũng dùng từ ngữ bạch y để thay cho người tại gia. Đối lại với bạch y, sa môn thì gọi là truy y .(áo thâm), nhiễm y (áo nhuộm). Lại thông thường, những người Tây Vực tại gia cũng mặc áo trắng, cho nên cũng gọi là bạch y. Nhưng theo phục chế ở Trung Quốc và Nhật Bản thì lại khác. Cứ theo Phật tượng tiêu xí nghĩa đồ thuyết kí chép, thì tại Trung Quốc, những người mặc áo trắng là người thấp hèn, như người đầy tớ, người giúp việc. Trái lại, ở Nhật Bản, nếu không phải là người cao quí thì không được mặc áo trắng; người bình dân, chỉ trong các dịp tế lễ, tang lễ mới mặc áo trắng, để tiêu biểu sự chay tịnh trong sạch. Vì đó là quốc phong của Nhật Bản, cho nên, các sa môn tuy mặc áo nhuộm, nhưng khi lễ Phật, nghe pháp, cũng phải mặc áo trắng dưới áo pháp. [X. Niết bàn kinh hội sớ Q.14; Đại đường tây vực kí Q.2]. (xt. Truy Y).