bách vị ẩm thực

Phật Quang Đại Từ Điển

(百味飲食) Phạm:zata-rasa-bhojana. Chỉ các thức ăn uống thơm ngon. Còn gọi là Bách vị thượng diệu ẩm thực, Bách vị tịnh thực, Bách vị phạn thực. Cứ theo kinh Vô lượng thọ quyển thượng chép, thì ở cõi Tịnh độ cực lạc tự nhiên đầy dẫy những thức ăn uống trăm mùi thơm ngon. Về trăm mùi vị, có nhiều thuyết phân vân. Cứ theo luận Đại trí độ quyển 93 chép, thì Bồ tát dâng trăm vị cúng dường chư Phật và Tăng, về trăm vị ở đây, có thuyết cho là dâng trăm thứ canh cúng dường, gọi là trăm vị; có thuyết bảo bánh có năm trăm thứ, vị của nó có một trăm, gọi là trăm vị; có thuyết nói dùng trăm thứ cây thuốc quả thuốc, chế thành các viên thuốc hoan hỉ, gọi là trăm vị; có thuyết cho rằng các thức ăn uống canh bánh cộng có một trăm vị, gọi là trăm vị; lại có thuyết nói đầy đủ các thức ăn uống, gọi là trăm vị. Còn cứ theo Vu lan bồn kinh sớ quyển hạ của Tông mật nói, thì trăm ở đây không phải con số thực, mà chỉ là nói nhiều số mục một cách khái quát mà thôi. Lại cứ theo luận Đại trí độ cùng quyển ở trên chép, thì các thức ăn uống trăm vị chủ yếu là chỉ thức ăn uống của loài người, thức ăn uống của loài trời có trăm nghìn thứ mùi vị, còn thức ăn uống của Bồ tát là do quả báo phúc đức sinh ra, thức ăn uống do sức thần thông biến hóa, thì có vô lượng mùi vị. Ngoài ra, cứ theo Vãng sinh lễ tán của ngài Thiện đạo chép, thức ăn uống trăm vị là chỉ sự nghe Bách pháp minh môn, Vô lượng pháp môn, lấy niềm vui pháp (Pháp hỉ) làm thức ăn. [X. Trường a hàm Q.5 kinh Xà ni sa; kinh Đạo hành bát nhã Q.4; kinh Đại bát nhã Q.394; kinh Soạn tập bách duyên Q.8; kinh Vu lan bồn; kinh Phạm võng Q.hạ; Quán kinh tự phần nghĩa; Tổ đình sự uyển Q.6; Pháp uyển châu lâm Q.3; Q.5, Q.42].